Tựa

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

CHẾ LAN VIÊN

Phải viết tựa quá nhiều, tôi đâm ra ngán cho mình và cho công việc ấy. Thế rồi kìa lại một tập sách đến đòi đề tựa, và eo ôi, đó là một tập thơ tình: Apôline, Aragông, Tago, Blốc... Hình như chưa có một công trình nào tập hợp được nhiều thơ hay về tình yêu trên thế giới như tập này. Huống gì nơi xuất bản lại là Vũng Tàu! Giá là nơi khác, tôi có thể từ chối. Vũng Tàu thì không. Huế cũng vậy. Nhớ có lần tôi đã phát biểu cùng các đồng chí ở Đà Lạt, sau đó ở Huế, rồi ở Vũng Tàu, với đồng chí Tư Thành, trung ương ủy viên bí thư đặc khu ủy Vũng Tàu là: "Địa phương nào cũng có công việc của mình. Nhưng Vũng Tàu, Đà Lạt, Huế phải làm thêm nhiệm vụ: giấc mơ của cả nước. Ai trong nước cũng mong có một ngày ngồi bên bờ os6ng Hương, đi dạo dưới bóng thông Đà Lạt, hay nằm dài nghe sóng Vũng Tàu. Thế thì các địa phương ấy phải đẹp, phải đáng yêu với họ!. Một đồng chí làm du lịch ở Vũng Tàu cho tôi biết: "Ở đây hàng năm đón đến vài triệu khách đến chơi. Có hôm ở cầu Cỏ May, tôi đứng đếm xe, chỉ một giờ đã có hàng trăm chiếc. Có một khách một ngày đã chụp mấy vạn đồng bạc ảnh. Khách quốc tế? không phải. Khách Việt Kiều? không phải. Khách tư sản thành phố hay cán bộ cấp cao? không phải. Đó chỉ là một nông dân bán đi 10 vạn con vịt để đi chơi... Cái ăn, cái chơi cho khách, chúng tôi lo rồi. Còn cái đọc, họ đọc gì, chưa lo thấu".

Tôi nghĩ tập thơ tình thế giới này có thể nằm trong sự lo ấy. Ồ, cả năm chúng ta quên mất chúng ta để lao đầu vào cuộc sống. Bây giờ dăm ngày, một buổi, ở đấy mỗi một người sực nhớ lại mình. Thế thì phải nhớ cho ra nhớ. Có thơ trong trường hợp ấy là rất phải. Người ta không thể hưởng hết bề rộng không gian Vũng Tàu. Mà bề dài thời gian thì lại là quá ngắn. Vậy nhờ thơ bù lại cho ta ý thức thêm bề sâu.

Tình yêu, thiên hạ có nhiều ý kiến về nó lắm. Người thì chê nó: "Ái tình đó là một sự rồ dại tay đôi" Hoàng đế Nã Phá Luân nói thế. Anatôn Fờrăngxơ triết lý: "Thực ra mà nói, ái tình chỉ là một bệnh đau gan, và không ai dám chắc là mình không trính chứng bệnh này". Vícto Hugô viết: Ái tình ư? Con gà trống hiện ra. Con đại bàng lẩn trốn. Và tại sao Sếchxpia lại cay cú: "Ái tình là một làn khói làm bởi hơi của những cái thở dài". Ngược lại những người bênh vực ái tình không thiếu gì chữ nghĩa. Đăng-Tơ viết ở thần khúc: "Ái tình làm vận động mặt trời và các ngôi sao". Thi hào Pêtơrac viết: "Luật của ái tình đã thống nhất trời vào với đất từ buổi nguyên thủy của thời gian". Và trong thơ gửi một nhà thi sĩ trẻ thi hào viết: "Ái tình, đó là cơ hội độc nhất để cho ta chín, cho ta định hình, cho ta vì tình yêu đối với người ta yêu, mà bản thân trở nên một thế giới". Những người tập hợp quyển thơ này cũng như các tác giả trong ấy, đều thuộc về phái ủng hộ cho tình yêu. Dù họ cười hay mếu máo mà ủng hộ. Và tình yêu có cái gì hay để cho họ làm việc ủng hộ ấy. Bài thơ Anh đến em của Aragông, có câu:

Anh đã bỏ nhiều giả sử

Nào Rembô, Cờ-rốt, Đuy Cát...

Thế Đuy Cát là ai? Chính là I-đô-đo Đuy Cát, tức Lau-tréamont (Lô-tờ rế-a-mông) thiên tài thơ còn rất bí mật ở Pháp dù mất đã hơn một thế kỷ rồi. Ông từng viết: Không có gì khuyết điểm bằng một thứ ích kỷ tay đôi. Tình yêu một người đàn bà là không đi đôi với tình yêu nhân loại". Rồi lại còn: "Tình yêu không phải là hạnh phúc".

Những bài thơ ở tập này không ca tụng một việc ích kỷ do lứa đôi tạo ra, khép phòng lại không biết nhân loại là gì. Những bài thơ ở đây chứng tỏ rằng tình yêu, dù nó là "Năm tháng đắng cay hơn năm tháng ngọt ngào hơn" dù nó trở thành:

Dây đàn đứt trong tay người đánh nhịp dù:

Ai nói đến hạnh phúc mắt thường buồn da diết thì tình yêu vẫn là hạnh phúc.

Hạnh phúc con người vẫn có và tôi tin

Vì đây không phải là tình yêu bịt bùng mà tình yêu mở ra, nhìn thấy những gì ở ngoài lứa đôi mình: "Một người hai người và nhiều người" như đồng chí Lê Duẩn nói.

Chưa nói đến những lúc thiêng liêng:

Đến khi nào đất nước

Cần ta ra chiến trường

Thì chính nàng đến trước

Tự tay nàng mang gươm

Mà nói lời tiễn biệt

hãy chỉ nói những phút bình thường, xoàng xĩnh thì tình yêu cũng làm anh không chỉ còn hẹp hòi bó trong vỏ ốc, mình biết có mình. Ngày thường anh vênh vang, kiêu ngạo coi trời bằng vung mà sao bây giờ anh khiêm tốn thế:

Anh là hạt bụi mỗi buổi mai người ta quét khỏi nhà

Là quyển truyện hai xu em đọc...

Ấy thế, nhưng tình yêu cũng làm anh tự tin, thậm chí có khi một tấc lên sao, một tấc ra khơi, một tấc đến trời.

Ngủ yên, mình ngủ yên yên

Xa từ biển thẳm anh mang biển về

Ngủ yên, mình ngủ yên yên

Từ muôn tinh tú anh đen ngủ về

Nếu nói một cách ồn ào, thì tức là tình yêu cho người ta các cảm giác vi mô và vĩ mô cùng lúc. Nhưng quan trọng hơn là anh ý thức rằng dù cực to, hay cực nhỏ, anh không tự túc được, anh phải cần một người khác để nó làm "chín" anh, làm anh "định hình" làm anh "trở thành một thế giới" như lời Rin-cơ (Rilke) trên kia.

Ta cẩn em như người dân cày

Cần nắng mưa, cần có đất

Và rồi anh cùng người anh cần ấy, cả hai cần lịch sử, cần nhân loại.

... Lịch sử cùng tình anh chung một bước đường

... Trong những kẻ chia tay có em cùng anh từ biệt

Tình yêu không phải chỉ là hôn hít, nhớ thương, mà là cái động lực để ta thực hiện những gì cao hơn tình yêu:

Anh phải bước qua để tìm ra chân lý

Bất chấp kẻ thù, bất chấp chuyện rủi ro...

Lần sau các bạn bổ sung tập thơ tình này, đừng quên Eluarb (E-luy-a) nhé. Thơ tình yêu Elua vô cùng hay đã đành, lại chính là thứ thơ tình đưa ta từ "Chân trời một người đến chân trời tất cả mọi người".

Nhưng hoan nghênh tập sách này, trên đại thể, cố nhiên, tôi xin gọi vài ý cho tập sau:

1. Một tập thơ tình yêu thế giới mà thiết phương Đông thì rất thiệt thòi cho người đọc. Sao không có Hai Ca của Nhật? Vì thơ yêu ba câu là đủ, chứ cần nói chi dài.

Từ cây hoa nào

Làm sao tôi biết được

Chao ôi, mùi hương đưa

Hoặc:

Thì vâng! Bông cúc trắng

Thì vâng! Bông cúc vàng

Tôi thèm, bông cúc đỏ

Các bạn muốn lộ liễu hơn phải không? Vậy thì nói trắng ra vậy:

Muôn phần tri ân

Chăn giường tôi tuyết trắng

Rơi tự Niết Bàn gần

(bản dịch của Nhật Chiêu)

Ta cãi nhau cùng Bắc Kinh, nhưng thơ Đường đâu phải chỉ của Bắc Kinh, nó là của nhân loại và muôn đời. Tôi nhớ có lần anh Etusenkô, nhà thơ lớn của Liên Xô và người bạn lớn của Việt Nam đã nói khi đến Hà Nội: "Tôi ghen ới các nhà thơ Phương Đông không thích viết dài, chỉ viết bốn câu mà tóm thâu tất cả".

Đa tình khước tự tống vô tình...

Đa tình cho lắm cũng thành không

Cười chẳng nên cho, trước rượu hồng

Ngọn nến có lòng thương lúc biệt

Thay người nhỏ lệ đến hừng đông

Vì thiếu các sách tra cứu, tôi tạm dịch như vậy. Chứ nguyên văn thì trăm lần xúc động hơn. Hoặc:

Nhất táp xuân giao vạn lý tình

Tôi lại dịch vội:

Uống xong ta sẽ xa mình

Cỏ thơm đứt ruột, tiếng oanh đoạn trường

Nguyện đem giòng lệ như sương

Làm cơn mưa lớn giữ chàng đừng xa

Ồ sao lại có thơ tình thế giới mà không có thơ tình Việt Nam nhỉ? Tôi không chỉ nói thơ tình hiện nay của Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư, Tế Hanh, Xuân Quỳnh... Tôi muốn có một quyển thơ bao gồm cha ông về địa hạt này.

Khi Nguyễn Trãi viết cho Thị Lộ:

Loàn đơn ướm hỏi khách lầu hồng

Đầm ấm thì thương kẻ lạnh lùng

Ngoài ấy ví dầu còn áo lẽ

Cả lòng mượn đắp lấy hơi cùng

Khi Hồ Xuân Hương than thở:

Cách vách nghe thầm tiếng vân thưa

Khi công chúa Mai Am để trái tim trần:

Chan chứa chan chứa cho biết mối tình ra rứa

Sực nhớ một người những bữa

Mòn mỏi mặt trăng hơn nữa

Khi một nhà thơ cổ không lấy gì làm nổi tiếng lại có những câu đọc rồi khó gỡ ra:

Hạt đậu tương tư hóa ngọn đèn

Tỉnh giấc nhận ra hươu lá chuối

Khéo tu lìa khỏi nhện hoa sen

Qua các câu trên đã biết trái tim Việt Nam là nó thế nào. Và cũng không phải đợi trái tim bác học. Người bình dân không biết chữ có khi lại biết yêu sâu thẳm khôn lường.

Anh chê theo anh mặc lụa tơ tằm

Anh xa em sao không lựa tháng không rằm mà xa

Tháng nào là tháng không rằm, hở các nhà làm lịch?

Ngày nào em nói em thương

Như trầm mà để trong rương chắc rồi

Bây giờ khóa rớt chìa rơi

Rương long nắp lở bay hơi mùi trầm

Thơ tình thế giới viết cho nên bốn câu ấy cũng mửa mật. Nhớ ngày nào còn sống, anh Xuân Diệu ca tụng hai câu dân ca nghe ở Bình Định:

Tay trồng cây cửu lý hương

Ba năm hai lá người thương rịt đầu

Đau đầu, được người thương chữa cho bằng cái lá có mùi hương chín đậm, đã lạ rồi. Nhưng cây ấy phải trồng ba năm mới được hai lá thế thì đủ để trị đầu e phải tốn một đời.

Thơ tình Việt Nam không được bỏ sót đồng bào các dân tộc:

Dân ca Thái hát:

Lúc tóc ngắn lỡ duyên

Hẹn tóc dài ta nên chồng vợ

Những tình nhân Vân Kiều vẫn dặn dò:

Ai xa thì xa, em đừng xa cái điếu ta từng cùng hút thuốc

Ai xa thì xa, em đừng xa chiếc chăn ta từng đắp chung

Và đây người Tây Nguyên tả người đẹp của mình:

Nàng đi đủng đỉnh, thân mình uyển chuyển như cành cây bơ-lô sai quả, mềm dẻo như những cành trên đỉnh cây gió đưa đi đưa lại. Váy nàng dài đến nỗi thân nàng bước đã xa mà váy còn kéo dài mãi đằng sau... Nằng đi đứng rất duyên dáng, ngực nhô ra đằng trước, bàn chân nàng bỏ xuống đất thì cũng vừa lúc gót chân kia dơ lên... tiếng nàng thánh thót đến tai ta rồi, người nàng mới bước tới...

Và người H'Mông trên những đỉnh núi sát mây trời thì mơ:

Đêm nay hồn anh về ngủ ở thắt lưng em...

Văn hóa trao đổi hai chiều. Nếu ngày kia trên bờ bể Vũng Tàu có hàng vạn khách du lịch của Liên Xô, của Châu Âu đến tắm, giữa hai đợt nhảy xuống nước, họ rút ra một tập thơ tình yêu bằng tiếng Nga, tiếng Anh hay tiếng Pháp, dịch những bài, những câu thơ Việt Nam trên, họ sẽ ý thức thêm là đất nước này con người anh hùng khi đánh giặc nhưng lúc yêu đẹp đến thế nào? Đề tựa cách Vũng Tàu 100 cây số, tôi vẫn thấy như mình đang ở giữa Bãi Trước và Bãi Sau, Núi Lớn và Núi Nhỏ. Nghe tiếng sóng vỗ bờ. Thoáng màu mai vàng và sứ trắng trên sườn núi. Một làn hương thoảng đâu đây. Cùng tắt sóng, tắt ánh sáng đèn hải đăng soi trên bản thảo... thậm chí nghe cả tiếng con tàu ngoài khu dầu khí, thấy ngọn lửa của dầu. Ồ năng lượng từ bể khơi sẽ rót vào cho ta. Một ngày mai sẽ khác, chứ chả lẽ cực mãi thế này ư? Ngày ấy yêu sẽ ra yêu, sống cho ra sống. Và những tập thơ như thế này cũng là chuẩn bị cho ngày ấy đấy. Cố nhiên là mỗi năm các bạn phải điều chỉnh, bổ sung dần, loại bớt đi các bài chưa ổn lắm và đưa thêm những bài vốn nằm trong kho báu của loài người.

Thành phố Hồ Chí Minh mùa hè 87.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net