Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên Quyển 3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
trị người, trị nước, trị thiên hạ ngõ hầu khắp mọi chúng sanh đều được siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử" của đức Phật đã nói, khiến cho hết thảy mọi người không còn mong mỏi thuận theo [thiên lý] hay kiêng sợ nữa, cho rằng nhân quả báo ứng chính là do đức Phật bày ra để gạt gẫm bọn ngu phu, ngu phụ tuân phụng giáo pháp của Ngài, chứ thật ra chẳng hề có chuyện ấy. Con người chết đi, hình hài đã hư nát, thần hồn cũng phiêu tán, dẫu có chém - chặt - xay - giã sẽ thi thố vào đâu? Thần hồn đã phiêu tán rồi thì còn ai để thọ sanh nữa đây?

Do bởi lẽ đó, nhà Nho đối với nhân quả, luân hồi đều chẳng dám nhắc tới, chỉ ỷ vào chánh tâm thành ý để duy trì thế đạo nhân tâm. Đã không có nhân quả luân hồi, hễ chết là hết thì chánh tâm thành ý có ích gì đâu? Không chánh tâm thành ý có bị tổn hại gì đâu? Từ đấy, thiện chẳng có gì để khuyên, ác chẳng có gì để trừng phạt, đến nỗi hùa nhau đề xướng tham dục, khen thưởng ác hạnh, chẳng lấy đó làm thẹn, lại ngược ngạo coi đó là vinh, đều là vì những lời lẽ đả phá bài xích nhân quả luân hồi ươm thành, đạo làm người gần như chấm dứt! Do vậy, những vị có lòng lo cho thế đạo nhân tâm hùa nhau đứng lên cứu vãn. Cư Sĩ Lâm, Tịnh Nghiệp Xã v.v... được kiến lập khắp nơi, đề xướng nhân quả, luân hồi và pháp môn Tịnh Độ để vượt thoát nhân quả luân hồi, ắt phải "do bởi đất mà té thì phải do từ đất mà đứng dậy".

Kim Sa Cư Sĩ Lâm đã được thành lập, sẽ một vai gánh vác danh nghĩa, thực chất, sự nghiệp của hàng cư sĩ thì không lâu sau sẽ đích thân thấy cõi đời trở lại thuở Đường Ngu, con người mong trở thành thánh, thành hiền. Nói tới cái danh nghĩa "cư sĩ" thì [cư sĩ] chính là những vị sống tại gia tu đạo. Nói tới thực chất thì chính là giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, tu hành điều lành trong thế gian để lập nền tảng, thật sự vì sanh tử phát Bồ Đề tâm, tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tây Phương, nguyện cho khắp mình lẫn người đều cùng liễu sanh tử. Người làm được như thế thì mới chẳng phụ cái danh là Cư Sĩ. "Sự nghiệp" chính là dùng thân để làm gương, hoằng dương sự giáo hóa của đức Phật, chỉ lấy "tự lợi, lợi tha, tự lập, lập người" làm chí hướng, sự nghiệp. Đối với hư danh, lợi lộc phù phiếm đều xem nhẹ, chẳng hề bận lòng; đối với luân lý, thanh quy quyết chẳng vi phạm, khiến cho người thấy kẻ nghe đều sanh lòng ngưỡng mộ. Đấy gọi là "dùng lời lẽ để dạy thì bị tranh cãi, dùng thân để dạy thì người ta thuận theo".

Chuyện thế gian hay xuất thế gian, không một chuyện nào chẳng lấy thân làm gốc. Nếu gốc chẳng lập, dẫu có làm gì đi nữa thì cũng chỉ là chuyện phô trương bề ngoài mà thôi! Đã không chân tu ắt sẽ chuốc lấy sự khinh thường từ bên ngoài, lại còn ngược ngạo tạo bằng cớ cho kẻ tà kiến hủy báng Phật pháp. Tự lợi lẫn lợi tha đều mất thì đại sự sanh tử làm sao liễu được? Nếu là những lâm hữu tham dự Cư Sĩ Lâm, ai nấy hãy nên phát tâm kim cang kiên cố, thề làm chuyện lợi ích cho mình lẫn người, trọn hết luân thường học Nho, tận tánh học Phật, noi dấu bậc tiên giác trong quá khứ, chẳng chịu thua kém chút nào. Đấy gọi là đệ tử thật sự của đức Phật, là bậc đại trượng phu thật sự. Có như vậy thì danh nghĩa, thực chất, sự nghiệp của bậc cư sĩ mới có thể rạng rỡ ngay trong cõi đời này, để lại tiếng thơm cho con cháu vậy! (Đầu Đông năm Giáp Tuất - 1934)

IV. Kệ tụng, tán dương, đề từ

1. Kệ viết trên bức tranh vẽ tháp tàng kinh Linh Nham của Phí Pha Long ở Ngô Giang

Cao ngất trên đỉnh núi, dựng bảo tháp vòi vọi, trong tháp chứa tượng Phật, và các thứ kinh sách. Kinh Phật đặt trong tháp, thường phóng đại bi quang, tuy phàm phu chẳng thấy, cũng ngầm được lợi ích. Ví như nắng Xuân chiếu, muôn cây cỏ đều sanh, do nhân duyên thù thắng, gieo thành Phật thiện căn, đến khi cơ duyên chín, tinh tấn tu tịnh hạnh, khôi phục được Phật tánh, vốn sẵn trong tự tâm, thành ngay đạo Bồ Đề. Cổ nhân dựng tháp này, muốn nối sâu chí Phật. Tháp lâu ngày đổ nát, kinh Phật bèn lộ ra. Cư sĩ Phí Pha Long, thâu nhặt chừng đó quyển, tu bổ, tặng Linh Nham, cũng tặng những thân hữu. Rồi vẽ cảnh Linh Sơn, làm kỷ niệm mai sau. Tưởng nghĩ Phật từ bi, khiến hàm thức được thấy, sự thật khó nghĩ suy!

Sợ nghe chẳng tin nhận, nên dùng chuyện thông thường, nhằm tỏ lợi thù thắng: Đời có rắn cực độc, cùng chó dại thật dữ, nếu cắn xé quần áo, người ấy ắt phải chết. Hoặc lại cắn bóng người, hoặc trừng mắt nhìn người, người ấy cũng chết ngay, do độc nghiệp nặng nề. Ác nghiệp của chúng sanh, thế lực còn như thế. Huống là Phật từ bi, hơn thiên địa, cha mẹ! Hễ vừa được thấy nghe, liền được lợi khó tưởng. Nếu nghĩ sâu nghĩa này, ắt đau lòng khóc mãi. Nguyện khắp hết mọi người, cảm Phật đại từ bi, hãy như cứu đầu cháy, niệm Phật cầu nhiếp thọ.

Thấy chuyện Phật giáo hóa, và thấy các chúng sanh, đều tưởng như thấy Phật, chẳng dám sanh khinh rẻ, công đức thù thắng ấy, hồi hướng sanh Tây Phương, quyết đến lúc lâm chung, được chính Phật tiếp dẫn, dùng ngay những điều này, để cầu siêu cha mẹ, đấy là hiếu chân thật. Vì thế, kinh Phạm Võng, dạy hiếu thuận phụ mẫu. Tận pháp giới phàm - thánh, đều khiến được thành Phật, hòng trọn hết luân thường, chẳng thẹn là Phật tử. Ông Phí muốn cầu siêu, cho cha mẹ của mình, bức vẽ xin đề kệ, do vậy suy nguyên ý, viết kệ để khích lệ (Cuối Thu năm Canh Thìn - 1940)

2. Kệ hồi hướng chung cho các thiện tín đã đóng góp tài lực lưu thông, xoay vần truyền bá, xem đọc bộ Lịch Sử Cảm Ứng Thống Kỷ

Tam giới hết thảy pháp, chỉ do một tâm tạo. Thuận đạo thì tốt lành, nghịch lý ắt hung ác. Lành thay người hiền xưa, lòng giống như trời đất, dùng sức tài trí mình, tán trợ quyền sanh thành, luôn muốn làm lợi khắp, cho thiên hạ hậu thế. Bác ái giúp đỡ người, trọn chẳng coi là đức, công to, danh tiếng trỗi, đức lớn, tốt lành tới. Sống hưởng trọn Ngũ Phước, dư khánh truyền hậu duệ. Phong thái ấy hưng khởi, thế giới tự an bình, ai nấy đều lễ, nhượng, đều nghĩ trọn hết tình. Buồn thay lũ tiểu nhân! Chỉ biết có riêng mình, suy nghĩ cùng cư xử, trọn chẳng tuân lẽ trời, hãm người để tự an, tổn người để tự ích, chỉ chuộng lợi trước mắt, nào hay túc phước hao, đến khi nghiệp kết quả, khổ báo vô cùng cực. Uổng bị người thương xót, tội nghiệp làm sao dứt?

Trên từ thuở Đường Ngu, dưới đến cuối đời Minh, các sự tích thiện ác, các sử đều chép rành. Nay thế đạo chìm đắm, người hiểu biết đều lo, bạn tôi Nhiếp Vân Đài, lập cách để cứu vớt, riêng thỉnh Hứa Chỉ Tịnh, soạn Cảm Ứng Thống Kỷ, ấn loát rộng lưu thông, mong ai nấy sẽ tự, học theo cùng răn giữ. May được các thiện sĩ, bỏ tiền hơn vạn đồng, kính in hai vạn bộ, nhằm kết khắp thiện duyên. Dùng khoản tiền còn dư, in riêng bản giấy báo, chữ nhỏ, giá rẻ hơn, cho vừa sức thanh niên. Bản này in bốn vạn, lưu truyền khắp xa gần. Phàm những ai thấy nghe, không ai chẳng hoan hỷ. Sau hai lượt xuất bản, Chỉ Tịnh lại giảo duyệt, tăng thêm, sửa đôi chút, thân thiết hơn bản trước. Cư sĩ Lý Kỳ Khanh, nguyện bỏ tiền khắc in. Bản mẫu thỉnh thợ khéo, mong vĩnh viễn lưu truyền. Tôi cũng cho tái bản, hai loại sách kể trên, thêm lời tựa "Tăng Tu", để mong lưu truyền mãi.

Sự lý của nhân quả, đã hiển lộ rạng ngời. Người tâm lo thế đạo, có cái để thi thố. Nguyện khắp ai thấy nghe, lập cách lưu truyền rộng, ngõ hầu dứt cạnh tranh, tiến thẳng đến đại đồng. Nguyện người phát khởi ấy, cũng như vị biên tập, các thiện sĩ giúp in, người xem bắt chước theo, hiện tại cùng vị lai, hết thảy các thiện nhân, cùng tiêu các ác nghiệp, cùng tăng thắng thiện căn, sống sẽ hưởng Ngũ Phước, mất thì lên chín phẩm, tiên vong sanh Tịnh Độ, nêu gương cho hậu duệ, cho khắp cả cõi đời, vật giàu, dân khỏe mạnh, khiến cho người bốn phương, đều ngưỡng mộ nước ta (Ngày lành tháng Sáu nhuận, năm Canh Ngọ, tức năm Dân Quốc 19 - 1930)

3. Kệ hồi hướng kính vì các thiện tín đã thí tiền bạc và xoay vần truyền bá, xem đọc Quán Thế Âm Bồ Tát Bổn Tích Cảm Ứng Tụng

Cao cả Quán Thế Âm! Thệ nguyện khó nghĩ bàn, thành Chánh Giác đã lâu, lại hiện thân Bồ Tát, theo từng loại hiện hình, tầm thanh hòng cứu khổ. Đáng tiếc người thế gian, phần nhiều đều chẳng biết, đặc biệt soạn sách này, mong được lưu truyền rộng. May được các thiện tín, đứng in tới mấy vạn. Từ đây lần lượt biết, lại tiếp tục in thêm, đến số mấy chục vạn, an ủi lòng Bồ Tát. Lại được khắc in khắp, truyền rộng trong ngoài nước, để biết Quán Thế Âm, đấng hết thảy nương tựa.

Ví như ngọn đuốc lớn, chiếu khắp trong đường tối. Ví như đại thiết luân, độ khắp kẻ chìm đắm, đạo sư cho kẻ mù, thuốc men cho người bệnh, thành quách lánh giặc cướp, gạo thóc thuở đói kém. Cần biết ân Bồ Tát, hơn đất chở trời che, dẫu trọn kiếp tuyên dương, cũng chỉ nêu chút phần! Nguyện những vị đứng in, nghiệp chướng đều tiêu diệt, phước huệ đều tăng trưởng, mọi việc đều như ý. Sống thì hưởng Ngũ Phước, mất lên ngay chín phẩm. Các tổ tông quá khứ, nhờ đây sanh Tịnh Độ. Cha mẹ trong hiện tại, đều được hưởng thọ khang. Tất cả bọn cháu con, đều rạng rỡ tiếng nhà. Mùa màng thường sung túc, giặc cướp thảy đổi lòng, nhà nhà sùng từ thiện, chốn chốn hành nghĩa nhân. Nhờ đây thói bạc ác, chuyển thành nếp thuần phác. Pháp giới các hữu tình, đều được viên Chủng Trí (Mùa Xuân năm Bính Dần, tức năm Dân Quốc 15 - 1926)

4. Kệ hồi hướng cho khắp những vị giúp in, đọc tụng, thọ trì, xoay vần lưu thông các bản kinh Phật

Nguyện do công đức này, tiêu trừ túc hiện nghiệp, tăng trưởng các phước huệ, viên thành thắng thiện căn, tất cả kiếp đao binh, các nạn như đói kém, thảy đều tiêu trừ sạch, ai nấy tập lễ, nhượng. Hết thảy người giúp in, hoặc xoay vần lưu truyền, quyến thuộc đều yên vui, người đã khuất siêu thăng, mưa gió thường đúng thuận, nhân dân đều khang ninh, pháp giới các hàm thức, đồng chứng đạo Vô Thượng.

5. Kệ hồi hướng cho khắp những vị thiện tín bỏ tiền [ấn tống], lưu truyền, thấy nghe, thọ trì, xoay vần lưu thông bản nghiên cứu Người Học Phật Có Nên Ăn Thịt Hay Không?

Sát kiếp thời gần đây, từ xưa chưa từng có! Suy tìm đến cội nguồn, quả thực do tham ăn. Riêng lưu truyền sách này, muốn nhờ đây cứu vãn, nguyện khắp người thấy nghe, đều kiêng thịt, ăn chay. Ăn chay rất vệ sinh, chẳng hại mạng con vật, khiến lòng ta nhân từ, trên kế thừa vãng thánh. Sát nghiệp đã chẳng kết, thế đạo tự thái bình. Chỉ pháp cứu vật này, lợi quần manh mãi mãi. Các vị do công đức, vãng sanh Phật tịnh độ, thấy Phật, chứng Vô Sanh, trở thành bậc nương tựa, cho khắp cả lục đạo.

6. Kệ đề trên vách quan phòng chùa Báo Quốc ở Tô Châu (năm Dân Quốc 24 - 1935)

Sống uổng bảy mươi năm, tháng ngày chẳng còn mấy, như tù dẫn ra chợ, mỗi bước gần cái chết, tạ tuyệt hết thảy sự, để chuyên tu Tịnh Độ, nếu hiểu lòng ngu thành, mới là chân liên hữu.

7. Kệ hồi hướng lễ niệm Quán Âm Bồ Tát

Kính lạy Quán Thế Âm, từ bi đại đạo sư, chứng vô thượng đã lâu, an trụ Thường Tịch Quang. Vì thương chúng sanh khổ, lại hiện thân mười cõi, nên dùng thân nào độ, liền hiện ngay thân ấy. Gần là sanh đường lành, xa là chứng Bồ Đề. Bồ Tát từ bi lực, chư Phật thuật chẳng trọn. Đệ tử con tên là... từ vô thủy đến nay, do bởi sức ác nghiệp, luân hồi trong sáu nẻo, trải qua trần sát kiếp, không cách nào thoát lìa, may nhờ túc thiện căn, được nghe tên Bồ Tát, muốn nương sức từ bi, đời này sanh Tịnh Độ. Xưng thánh hiệu dài lâu, kiêm lễ bái, cúng dường, sám hối các ác nghiệp, tăng trưởng các thiện căn. Nguyện rủ lòng từ mẫn, tiêu diệt các tội chướng, phóng quang chiếu thân con, duỗi tay xoa đầu con, cam lộ rưới đỉnh con, gột phiền cấu tâm con, khiến cho thân tâm con, đều được thanh tịnh cả. Con nguyện hết thân này, đến tận kiếp vị lai, nguyện bảo khắp chúng sanh, ân đức của Bồ Tát, khiến họ đều quy y, đều phát tâm Bồ Đề. Nguyện rủ lòng từ mẫn, chứng minh và nhiếp thọ.

8. Đề từ cho tác phẩm Ngọc Trụ Đại Sư Tâm Tích Tụng

Ngọc Trụ đại sư là đồng học của Quang vào năm mươi năm trước. Sư tánh tình chất trực, khiêm hòa, tu trì thiết thực, chân thành, nghiêm túc, chẳng làm trụ trì, chẳng thâu đồ chúng giống như Quang. Sư chú trọng trì Luật và niệm Phật, nên vào tuổi già thường khắc in nhiều trước tác của Luật Tông. Ấy là vì muốn tạo nền tảng vững vàng ngõ hầu những kẻ thông sáng trong đời sau đều cùng sanh Cực Lạc. May mắn thay, Sư đã về An Dưỡng, thẹn cho Quang vẫn bị ràng buộc trong cõi đời này, nguyện Sư cầu Phật rủ lòng tiếp dẫn, ngõ hầu cùng được theo học với Như Lai.

9. Hoa Nghiêm Kinh Cảm Ứng Tụng

Một bộ kinh Hoa Nghiêm, là vua trong các kinh, chỗ quy tông cuối cùng, hướng dẫn sanh Tây Phương. Không cơ nào chẳng độ, không pháp nào chẳng nhiếp. Dẫu có muốn tán dương, hết kiếp vẫn chẳng trọn. Nếu chẳng có túc căn, tên kinh chẳng được nghe, huống là được biên chép, thọ trì siêng ròng ư? Nghĩa lý của kinh này, chẳng thể nghĩ bàn được. Quả báo cùng công đức, cũng lại giống như thế. Ấn loát vừa xong xuôi, Hồi Lộc đã đến cửa, vượt lệ giao trong đêm, người vừa đi, tiệm cháy. Chép rồi, đóng bìa xong, chợt gặp phải đại kiếp, cả nhà phải trốn xa, mọi vật đều bị cướp, chỉ riêng bộ kinh này, trọn chẳng bị thương tổn. Trở về vừa trông thấy, khôn ngăn nỗi mừng vui. Kiếp vốn thuộc cộng nghiệp, lòng Thành thuộc biệt nghiệp. Do lòng Thành cảm vời, nên Ứng cũng đặc biệt. Nghĩa lớn lao trong kinh, đã nêu trong lời tựa, nay soạn bài tụng này, tỏ lòng thành, linh ứng. Nguyện những người thấy nghe, ai nấy chăm tu trì, để mong hết tuổi thọ, sẽ dự hội Liên Trì.

Ấn Quang pháp sư lại vì cư sĩ Tung Kiều soạn thêm bài Tả Kinh Linh Cảm Tụng (ca tụng sự linh cảm do chép kinh), gởi thư dặn dò phải đem những sự thực về mấy lần nguy hiểm được bình an không tai nạn để viết mấy câu giải thích sau bài kệ, ngõ hầu người đọc đều cùng sanh tín tâm. Theo cư sĩ [Tung Kiều], cư sĩ chép kinh [Hoa Nghiêm] xong, giao cho xưởng in Văn Tân in ra. In lần đầu một ngàn trang, in xong vào bảy giờ tối ngày nọ. Nhà in có lệ hễ sau sáu giờ sẽ không giao hàng hóa ra ngoài. Lần này chợt phá lệ, giao đến nhà cư sĩ. Vừa mới chở đến cửa thì xưởng Văn Tân bị chập điện cháy rụi. Ấy là do [thiện căn] đặc biệt xui khiến như vậy, chứ nếu không thì sao lại bảo giao ra ngoài để rồi có sự xảo hợp như thế?

Ngày Mười Ba tháng Ba năm Giáp Tuất (1934), trời đã hoàng hôn, hàng xóm ở nơi cư ngụ của cư sĩ thiếu cẩn thận [gây cháy nhà], chỉ cách một bức tường vây, tình thế nguy ngập sắp giáng xuống [nhà cư sĩ]. Cư sĩ chép kinh, tâm trí chẳng để ý chuyện bên ngoài, rốt cuộc tai không nghe thấy gì, đến khi người nhà kinh hoàng lôi cư sĩ tránh đi thì vẫn còn hai hàng viết chưa xong. Do từ khi chép kinh đến nay, đối với mỗi một trang chưa hề bỏ dở giữa chừng; [cư sĩ] chẳng muốn dễ dãi phá lệ ấy, nên vẫn ngồi yên chép cho xong. Đến khi chép xong, thế lửa đã suy, rốt cuộc bình yên không sao cả. Chuyện này lại dường như ngầm được thần che chở vậy.

Mùa Xuân năm Bính Tý (1936) chép kinh viên mãn, giao cho Tích Cổ Trai tại Thang Gia Cảng đóng thành sách. Đóng xong, giao trả về. Ngày hôm sau, tiệm bán giấy Cao Vạn Phong ở ngay trước cửa bị hỏa hoạn. Đã thoát khỏi tai ương, lại còn không bị một giọt nước nào làm ố trang kinh. Giống như khi đánh nhau, người đời hay nói: "Đạn bắn trúng người quả thật có mắt". Nếu không có thần linh che chở, làm sao được như thế?

Mùa Thu năm Đinh Sửu (1937), Ngô Môn thất thủ, bị vây hãm, kiếp nạn lớn lao xảy ra, cả nhà cư sĩ phải tỵ nạn nơi xa. Tất cả đồ đạc đều bị cướp phá sạch bách, chỉ riêng kinh còn nguyên, chẳng bị tổn hoại mảy may. Cứ tưởng nhà cửa sẽ bị phá hủy tan hoang, may nhờ vào kinh này mà được thoát nạn. Phật pháp chẳng thể nghĩ bàn, nên rốt cuộc có chứng cớ rõ ràng như vậy. Người đời phần nhiều chẳng tin, ngược ngạo sanh lòng hủy báng, quả thật là những kẻ được đức Như Lai gọi là "phường đáng thương xót". Vì thế, lão nhân nói: "Nguyện những ai thấy nghe, ai nấy chăm tu trì, để mong hết tuổi thọ, sẽ dự hội Liên Trì". Quả thật là lời khẩn thiết mổ tim vẩy máu, cầu cho khắp mọi người trong cõi đời đều cùng gắng sức.

Một ngày mùa Thu năm Mậu Dần (1938), vâng theo mạng lệnh của Ấn lão pháp sư, Đức Sâm viết thay.

10. Tiêu Sơn Cát Đường Thượng Nhân Vãng Sanh Tụng

Lớn thay môn Tịnh Độ! Quy túc của các pháp, thích hợp mọi căn cơ, không căn nào chẳng gồm. Trên thì nhiếp Đẳng Giác, dưới chẳng sót ác nghịch. Muôn dòng đổ vào biển, do Phật đại nguyện lực. Sư Cát Đường cao cả, đời trước trồng huệ căn, đã nổi bật từ nhỏ, xuất gia vượt trần tục. Từ đấy Luật - Giáo - Tông, ý chỉ đều thấu hiểu. Muốn liễu ngay đời này, liền chuyên tu Tịnh Độ, đặc biệt phát ba tâm, mong tòa sen thượng phẩm. Tuổi thọ mới năm tư, tịnh nghiệp đã viên thành, biết trước lúc vãng sanh, bảo chúng niệm Phật tiễn. Sư vẫn niệm rõ ràng, đột nhiên nhập tịch định. Đồ chúng muốn truyền dương, cậy tôi thuật đại lược. Nguyện những kẻ thấy nghe, ai nấy đều chú ý.

11. Bài tụng tặng cho các thiện tín thuộc Phật Quang Xã

Tam Quy, Ngũ Giới, Lục Trai nhật, cho kẻ sơ cơ để nhập môn. Nếu nguyện hoa khai tự thấy Phật, chuyên tu Tịnh hạnh, gieo căn sâu.

12. Bài tụng tặng cho đại hội xã hữu của Phật Quang Xã

Đức Phật giơ cành hoa, ngài Ca Diếp mỉm cười, đạo vốn ở nơi tâm, không áo diệu chi khác. Người cùng một tâm này, tâm cùng một lý này. Đạo tâm thật nhỏ nhiệm, tuy nhỏ, thật ra một! Trong đời người có dục, dục do nơi cảnh sanh. Nếu tiền cảnh chẳng có, niệm cũng chẳng khởi được! Nếu các dục lăng xăng, đạo tâm bị lấp mất. Lấp mất, gọi là mê. Giác chính là chẳng mê. Mê gọi là vô minh, vô minh gọi là si. Tâm tham với tâm sân, đều sanh từ nơi đó. Do Hoặc mà tạo nghiệp, đấy gọi là "ác nhân". Đã gieo cái nhân ác, quả khổ sẽ sanh theo.

Phật thương bọn chúng sanh, phát lòng Từ vô duyên, nói ra Giới - Định -Huệ, để trị tham - sân - si. Nhân Giới sẽ sanh Định, nhân Định bèn phát Huệ. Huệ chính là Bát Nhã, soi toạc màn vô minh. Giống như gươm trảm yêu, như đèn trong nhà tối, từ khổ thoát ra vui, từ phàm bèn nhập thánh, không gì chẳng do đây, cùng lên đạo Đại Thừa. Chỉ nương vào Bát Nhã, chính là Ba La Mật. Tâm Kinh và Kim Cang, đều giảng rõ nghĩa này. Hành Tâm Kinh sâu xa, là đức Quán Tự Tại. Hiểu tâm thấy rõ tánh, Ngũ Uẩn còn đâu nữa? Đấy ước về Lý tu, công phu ở nơi hiểu. Còn bộ kinh Kim Cang, nói toạc khắp bốn tướng. Chân lý đã hiển lộ, bốn tướng đều là vọng. Biên chép cùng đọc tụng, và giảng nói cho người, trong kinh thường tán thán, phước đức sẽ vô lượng. Đây bởi do lẽ nào? Tự giác, giác tha vậy. Lần lượt làm lợi nhau, trọn chẳng có hạn lượng. Đấy chính là sự tu, công nằm ngay nơi hạnh. Tâm, Phật và chúng sanh, cả ba không sai biệt, đạo đồng, tâm cũng đồng. Vì thế không sai biệt. Vũ, Tắc và Nhan Tử, đổi chỗ cũng như thế . Đạo đồng, tâm cũng đồng, cho nên đều như vậy. Nếu không có chúng sanh, Phật pháp cũng chẳng lập. Nếu chẳng hề lợi người, thì làm sao tự lợi?

Nhan Tử suốt ba tháng, chẳng trái nghịch lòng nhân. Vũ, Tắc vốn vì vậy, cứu người đói, chìm đắm. Trong mỗi một chúng sanh, đều sẵn có Phật tánh, kẻ Thập Ác mười niệm, được sanh về Tịnh Độ, khắp đại thiên thế giới, đều cùng một cái tâm, "do tâm này thành Phật", để làm thành căn cứ, quang minh lẫn thọ mạng, đều cùng là vô lượng, một pháp hội Linh Sơn, đến nay vẫn chưa tan.

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên

Quyển 3 hết

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net