Part 13a

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hồi 13(a)

Phế nhân ngũ hồ

Hoàng Dung trở về khách điếm, tự cho rằng mình đã làm một điều tốt, trong lòng rất đắc ý ngủ ngon một đêm, sáng hôm sau kể lại với Quách Tĩnh. Quách Tĩnh vì việc này đã mất rất nhiều sức lực hôm ấy đánh nhau với Hoàn Nhan Khang sứt đầu mẻ trán cũng chỉ vì muốn y thành thân với Mục Niệm Từ, lúc ấy nghe nói hai người bọn họ tình ý hòa hợp cũng rất vui vẻ, càng vui vẻ hơn là từ nay trở đi Khưu Xử Cơ và Giang Nam lục quái không thể ép mình phải cưới Mục Niệm Từ nữa. Hai người trong khách điếm bàn luận, ăn cơm trưa xong Mục Niệm Từ vẫn chưa về. Hoàng Dung cười nói:

- Không cần chờ cô ta nữa, chúng ta đi thôi. Rồi về phòng thay mặc nam trang.

Hai người tới thị trấn mua một con ngựa khỏe mạnh thay chân, vòng qua cửa nhà Tưởng gia, thấy ngọn đèn đồng đề mấy chữ Khâm sứ nước Đại Kim trước cửa đã hạ xuống, nghĩ rằng Hoàn Nhan Khang đã lên đường. Mục Niệm Từ cũng đi cùng y rồi.

Hai người dọc đường du sơn ngoạn thủy, men theo sông Vận Hà đi xuống phía Nam, hôm ấy tới Nghi Hưng. Đây là Đào Đô nổi tiếng khắp thiên hạ, trong khoảng non xanh nước biếc óng ánh từng gò từng gò cát tía, có một cảnh sắc riêng.

Lại đi về phía đông, không bao lâu thì tới bờ Thái Hồ. Thái Hồ nằm vắt qua ba châu, sông ngòi vùng đông nam đều chảy vào đó, vòng vèo năm trăm dặm, thời cổ gọi là Ngũ Hồ. Quách Tĩnh trước nay chưa từng nhìn thấy hồ lớn như thế, nắm tay Hoàng Dung đứng cạnh hồ, chỉ thấy sóng dài xa tít tới tận chân trời, đưa mắt nhìn ra chỉ thấy một màu xanh biếc, bảy mươi hai đỉnh núi xanh thẫm nhô lên trên ba vạn sáu ngàn khoảnh ba đào, không kìm được ngẩng đầu lên gào to, cảm thấy vô cùng vui vẻ.


Hoàng Dung nói:

- Chúng ta xuống hồ chơi đi.

Rồi tìm tới một chiếc thuyền đánh cá ven hồ, gởi lừa ngựa ở nhà chài, thuê một chiếc thuyền con, khua chèo bơi ra giữa hồ. Rời khỏi bờ hơi xa rồi, nhìn bốn bên thấy mênh mông, đúng là không biết trời đất trong bể hồ hay bể hồ trong trời đất.

Hoàng Dung tà áo mái tóc lay động trước gió, cười nói:

- Trước đây Phạm đại phu chở Tây Thi rong chơi trên Ngũ Hồ, đúng là thông minh, chết già ở đây há chẳng hay hơn vất vả làm quan sao?

Quách Tĩnh không biết điển cố Phạm đại phu, nói:

- Dung nhi, cô nói điển cố ấy cho ta nghe với.

Lúc ấy Hoàng Dung đem chuyện Phạm Lãi giúp Việt vương Câu Tiễn báo thù phục quốc thế nào, công thành thân thoái cùng Tây Thi quy ẩn ở Thái Hồ thế nào kể lại một lượt, lại kể chuyện Ngũ Tử Tư và Văn Chủng vì sao bị Ngô vương và Việt vương giết chết.

Quách Tĩnh say sưa lắng nghe, xuất thần một lúc nói:

- Phạm Lãi đương nhiên thông minh, nhưng Ngũ Tử Tư và Văn Chủng đến chết cũng vẫn tận trung với nước lại càng không dễ.

Hoàng Dung mỉm cười nói:

- Không sai, cái đó gọi là Nước có đạo, không đổi phép tắc, thật mạnh mẽ; Nước không đạo, chết không đổi chí, thật mạnh mẽ.

Quách Tĩnh hỏi:

- Hai câu ấy là có ý gì? Hoàng Dung nói:

- Chính sự của quốc gia sáng đẹp thì người làm đại quan chỉ không cần thay đổi pháp độ đã có, triều chính của quốc gia hủ bại thì ngươi thà sát thân thành nhân chứ không chịu thay đổi khí tiết, như thế mới là bậc hảo nam nhi đại trượng phu tiếng tăm lừng lẫy.

Quách Tĩnh gật đầu lia lịa nói:

- Dung nhi, làm sao mà cô nghĩ ra được những đạo lý hay thế? Hoàng Dung cười nói:

- Ái chà, ta mà nghĩ ra thì lại không trở thành thánh nhân rồi à? Đó là lời Khổng phu tử, lúc ta còn nhỏ được cha dạy cho đấy.

Quách Tĩnh thở dài nói:

- Có rất nhiều điều quả thật ta nghĩ mãi không ra, nếu đọc sách nhiều hơn, biết đạo lý thánh nhân đã nói thì nhất định sẽ hiểu rõ.

Hoàng Dung nói:


- Như vậy cũng chưa đủ. Cha ta thường nói lời của bậc đại thánh nhân có rất nhiều điều không thông. Cha ta lúc đọc sách thường nói: Không sai, không sai, ăn nói bậy bạ, lẽ nào lại thế, có lúc lại nói: Ðại thánh nhân, nói thối lắm!

Quách Tĩnh nghe tới đó cười ầm lên. Hoàng Dung lại nói:

- Ta mất rất nhiều thời gian đọc sách nhưng nghĩ lại vừa tức giận vừa hối hận, nếu ta không tham học nhiều thứ như thế, đòi cha phải dạy ta các môn giải trí như đọc sách vẽ tranh, kỳ môn toán số mà chỉ chuyên tâm học võ thì chúng ta còn sợ gì bọn Mai Siêu Phong. Lương lão quái? Có điều cũng không quan trọng. Tĩnh ca ca, ngươi học được Hàng long thập bát khuyết tam chưởng của Hồng Thất công rồi, cũng không sợ gã Lương lão quái ấy nữa.

Quách Tĩnh lắc đầu nói:

- Ta tự nghĩ thì thấy còn chưa luyện được một nửa. Hoàng Dung cười nói:

- Ðáng tiếc. Hồng Thất công nói đi là đi nếu không thì ta cứ trộm ngọn Đả cẩu bổng của y giấu đi, bắt y phải dạy ngươi ba chiêu chưởng pháp còn lại mới trả.

Quách Tĩnh vội nói:

- Không được, không được, ta học được mười lăm chưởng đã thấy thỏa mãn lắm rồi, tại sao lại quấy rầy Thất công lão nhân gia người như thế chứ?

Hai người trò chuyện không chèo nữa, để mặc chiếc thuyền nhỏ theo gió trôi đi, bất giác đã rời bờ hơn mười dặm, chỉ thấy cách vài mươi trượng có một chiếc thuyền đậu giữa hồ, một người câu cá ngồi ở đầu thuyền buông câu, cuối thuyền có một tên tiểu đồng. Hoàng Dung chỉ chiếc thuyền câu ấy nói:

- Trong chốn khói sóng mênh mông, một chiếc cần câu một mình câu cá, quả thật giống hệt một bức tranh thủy mặc vẽ cảnh sơn thủy.

Quách Tĩnh hỏi:

- Thế nào là một bức tranh thủy mặc vẽ cảnh sơn thủy? Hoàng Dung nói:

- Ðó là tranh vẽ dùng mực đen chứ không dùng màu gì khác. Quách Tĩnh đưa mắt nhìn ra chỉ thấy non xanh nước biếc, trời xanh mây trắng, ánh chiều rực vàng, ráng chiều ánh đỏ, chỉ không thấy cái gì màu đen, lắc lắc đầu, mờ mịt không hiểu gì cả.

Hoàng Dung và Quách Tĩnh nói chuyện một lúc, quay đầu lại, thấy người câu cá kia vẫn ngồi yên trên đầu thuyền, cần câu dây câu đều không hề động đậy. Hoàng Dung cười nói:

- Người này nhẫn nại thật.

Một trận gió nhẹ thổi qua, sóng nước lăn tăn vỗ vào đầu thuyền. Hoàng Dung theo thế khua mái chèo, hát:


Phóng thuyền ngàn dặm bay trong sóng, tạm ghé Ngô Sơn tản bộ.

Mây đùn thủy phủ, sóng theo thần nữ. Cửu giang nước đổ. Khách Bắc bơ vơ, lòng hùng riêng cảm, tháng năm mấy độ. Nhớ người xưa ở ẩn. Sào Do bạn cũ,

giấc Nam Kha, lòng đau khổ!

Hát tới đoạn cuối thanh âm dần dần thê thiết, đó là một bài từ Thủy long ngâm tả tình cảm lúc chèo thuyền trên mặt nước. Nàng hát xong nửa đầu, lại ngừng một lúc.

Quách Tĩnh thấy trong mắt nàng như có ánh lệ, đang muốn nàng giải thích ý nghĩa của bài ca, chợt trên hồ vang tới một giọng hát mạnh mẽ, khúc điệu cũng giống bài Hoàng Dung vừa hát, chính là nửa sau bài Thủy long ngâm ấy:

Ngoảnh nhìn mây mù chưa quét Hỏi anh hùng trên đời đâu hết?

Lo mưu phục quốc thương mình vô dụng, bụi mờ quạt nhỏ. Sắt khóa ngang sông, buồm tơ lướt sóng.

Tôn lang sầu khổ.

Chỉ sầu gõ mái chèo, buồn ngâm Lương Phủ, lệ như mưa đổ.

Nhìn ra thì người hát chính là người ngư phủ đang buông câu, tiếng ca kích ngang rất có khí phách. Quách Tĩnh cũng không hiểu hai người hát những gì, chỉ thấy đều rất hay.

Hoàng Dung nghe tiếng ca, lại ngẩn ngơ xuất thần. Quách Tĩnh hỏi:

- Sao thế?

Hoàng Dung nói:

- Ðây là bài thường ngày cha ta vẫn hát, không ngờ một người câu cá trên hồ cũng biết. Chúng ta tới xem.

Hai người bèn chèo qua phía ấy, chỉ thấy người câu cá kia thu cần câu lại, cũng chèo thuyền tới. Hai chiếc thuyền còn cách nhau vài trượng, người câu cá kia nói:

- Trên hồ mừng gặp giai khách, mời qua đây cùng uống một chén được không? Hoàng Dung nghe y ăn nói phong nhã, càng thầm khen lạ, đáp:

- Chỉ sợ quấy rầy bậc trưởng giả.


Người câu cá kia cười nói:

- Khách hay khó gặp, bèo nước gặp nhau trên hồ đã đủ thỏa lòng, mời cứ qua đây. Khuấy mái chèo mấy cái, hai chiếc thuyền đã kề sát vào nhau.

Hoàng Dung và Quách Tĩnh buộc thuyền vào đuôi chiếc thuyền câu, kế đó nhảy qua, chắp tay làm lễ với người kia. Người kia ngồi làm lễ, nói:

- Xin mời ngồi. Tại hạ chân có bệnh, không đứng lên được, xin hai vị tha tội. Quách Tĩnh và Hoàng Dung đồng thanh nói:

- Không cần khách sáo.

Hai người ngồi xuống chiếc thuyền câu, nhìn người kia thấy y khoảng trên dưới bốn mươi tuổi, sắc mặt khô héo gầy gò, tựa hồ đang mắc bệnh nặng, thân thể rất cao lớn, tuy ngồi mà vẫn cao hơn Quách Tĩnh hơn nửa cái đầu. Đứa tiểu đồng ở cuối thuyền bắc lò hâm rượu.

Hoàng Dung nói:

- Vị ca ca này họ Quách. Vãn bối họ Hoàng, nhất thời cao hứng hát bừa trên hồ, không khỏi có chỗ quấy rầy nhã hứng của bậc trưởng giả.

Người kia cười nói:

- Ðược nghe giọng hay, mối lo buồn trần tục trong lòng đột nhiên tiêu tan. Tại hạ họ Lục. Hai vị tiểu ca hôm nay là lần đầu tiên tới hồ du ngoạn phải không?

Quách Tĩnh nói:

- Ðúng thế.

Người kia sai tiểu đồng mang rượu thịt ra, rót rượu mời khách. Bốn đĩa thức ăn nhỏ tuy không bằng Hoàng Dung nấu nhưng mùi vị không tầm thường, rượu thịt đều rất tinh khiết, rõ ràng là vật của nhà giàu có.

Ba người đối ẩm được hai chén, người kia nói:

- Mới rồi tiểu ca hát bài Thủy long ngâm ấy tình ý bồng bột, quả thật là tuyệt diệu hảo từ. Tiểu ca tuổi còn nhỏ mà rõ ràng hiểu được thâm ý của bài từ ấy, cũng không phải dễ.

Hoàng Dung nghe lời lẽ của y có vẻ kiêu ngạo, cười khẽ một tiếng, nói:

- Sau khi nhà Tống chạy về Nam, tao nhân mặc khách không ai không đau buồn về vận nước. Người kia gật đầu khen phải. Hoàng Dung nói:

- Trương Vu Hồ trong bài Lục châu ca đầu có nói: Nghe nói Trung nguyên. Di lão thường nam vọng. Cờ thúy bóng tinh. Khiến người đi tới đó Trung phẫn khí đầy lòng. Lệ tuôn như chảy cũng chính là có ý ấy.

Người kia vỗ ghế hát lớn: Khiến người đi tới đó.

Trung phẫn khí đầy lòng.


Lệ tuôn như chảy.

Rồi rót luôn ba chén rượu liên tiếp uống cạn.

Hai người bàn tới thi từ, vô cùng hợp nhau, thật ra Hoàng Dung tuổi còn nhỏ thì có nỗi đau mất nước gì, tới như thâm ý trong bài từ thì càng khó mà hiểu được, chỉ có điều trước đây đã nghe cha nói qua, lúc ấy bèn đem ra nói lại, kiến giải sâu xa, lời lẽ tao nhã, người kia không ngừng đập bàn khen ngợi. Quách Tĩnh ngồi một bên lắng nghe chứ chẳng biết nói gì. Thấy người kia khâm phục Hoàng Dung, trong lòng cũng rất vui vẻ. Lại bàn luận thêm một lúc sắc chiều mờ mờ buông xuống, khói sương trên hồ càng dày.

Người kia nói:

- Tệ xá ở bên ven hồ, không ngại mạo muội, mời hai vị tới chơi vài hôm. Hoàng Dung nói:

- Tĩnh ca ca, thế nào?

Quách Tĩnh còn chưa trả lời người kia đã nói:

- Cạnh tệ xá có nhiều núi non thắng cảnh, hai vị lại đang du sơn ngoạn thủy, xin đừng từ chối. Quách Tĩnh thấy y nói rất thành thật, bèn nói:

- Dung nhi, vậy thì chúng ta cứ quấy rầy Lục tiên sinh vậy. Người kia cả mừng, sai tiểu đồng chèo thuyền về.

Đến ven hồ. Quách Tĩnh nói:

- Chúng tôi phải đi trả thuyền, còn có lừa ngựa gửi ở gần đây. Người kia cười khẽ, nói:

- Tất cả bạn bè ở một dãy ven hồ này đều biết tại hạ, chuyện ấy cứ để y làm cũng được. Nói xong chỉ tên tiểu đồng một cái. Quách Tĩnh nói:

- Con ngựa của tôi tính nết khó thương, phải chính tôi đi dắt nó mới được. Người kia nói:

- Nếu đã như thế thì tại hạ ở hàn xá chờ đón đại giá.

Nói xong chèo thuyền đi, chiếc thuyền nhẹ mất hút trong đám dương liễu um tùm.

Tên tiểu đồng theo Quách Tĩnh và Hoàng Dung đi trả thuyền lấy ngựa, đi được vài dặm, hỏi mượn thuyền lớn của một nhà ven hồ, dắt lừa ngựa lên thuyền, mời Quách Tĩnh và Hoàng Dung lên ngồi. Sáu người thuyền phu tráng kiện nhất tề khua mái chèo, đi trên hồ được vài dặm tới trước một cù lao, ghé vào một bến cảng có bậc lát đá xanh. Lên bờ chỉ thấy phía trước lầu gác quanh co, là một tòa trang viện rất lớn, qua một chiếc cầu đá lớn tới trước sân trang viện. Quách Hoàng hai người nhìn nhau một cái đều không ngờ chỗ ở của người câu cá này lại to lớn lộng lẫy như thế.

Hai người chưa vào tới cổng chợt thấy một người trẻ tuổi khoảng hai mươi tuổi bước ra đón, sau lưng có năm sáu tên tùy bộc. Người trẻ tuổi ấy nói:


- Gia phụ sai tiểu điệt chờ ở đây đã lâu.

Quách Hoàng hai người chắp tay khiêm tốn mấy câu, thấy y mặc áo trường bào bằng gấm, mắt mũi giống hệt người câu cá, chỉ là lưng dày hông rộng, thân thể tráng kiện. Quách Tĩnh nói:

- Xin thỉnh giáo tên Lục huynh. Người trẻ tuổi ấy nói:

- Tiểu điệt tên Quán Anh, hai vị cứ gọi tên là được. Hoàng Dung nói:

- Ðâu dám thế!

Ba người vừa trò chuyện vừa đi vào nội sảnh.

Quách Tĩnh và Hoàng Dung thấy trong trang trần thiết hào hoa, rường chạm cột vẽ vô cùng khéo léo so với các trang viện to lớn chất phác ở phương bắc thì có khí tượng riêng. Hoàng Dung trên đường đi cứ nhìn nhìn sự bố trí đường sá trong trang viện, trên mặt thoáng hiện vẻ ngạc nhiên.

Qua ba dãy đình viện, vào tới hậu sảnh, chỉ nghe tiếng người câu cá kia vang lên sau tấm bình phong Mau mời vào, mau mời vào. Lục Quán Anh nói:

- Gia phụ đi lại bất tiện, đang cung kính chờ đón ở thư phòng phía đông.

Ba người vòng qua bình phong, chỉ thấy cửa thư phòng mở rộng, người đánh cá kia ngồi ở một chiếc giường. Lúc ấy y đã thay một bộ quần áo nho sinh, cầm một chiếc quạt lông ngỗng trắng, tươi cười chắp tay làm lễ. Quách Hoàng hai người bước vào ngồi xuống. Lục Quán Anh không dám ngồi, đứng ở một bên.

Hoàng Dung thấy trong thư phòng giá sách khắp nơi, chứa rất nhiều sách vở, trên ghế trên bàn có rất nhiều đồ đồng đồ ngọc, xem ra đều là cổ vật, trên vách treo một bức tranh thủy mặc vẽ một thư sinh trung niên đứng giữa sân trong đêm trăng sáng, tay cầm kiếm, ngửa đầu lên trời thở dài, thần thái lặng lẽ góc trái đề một bài từ như sau:

Tiếng trùng vang mãi giữa đêm thanh. Lòng đau mơ ngàn dặm, đã ba canh. Choàng dậy bên thềm cứ bước quanh.

Người rón chân, ngoài rèm trăng sáng lung linh. Đầu bạc bởi công danh.

Non xưa tùng trúc cỗi nghẽn quy trình.

Muốn đem tâm sự gởi cung đàn, tri âm ít, đứt dây ai hiểu cho mình?

Hoàng Dung từng được cha dạy qua bài từ này, biết là bài Tiểu trùng sơn của Nhạc Phi, lại thấy tám chữ Phế nhân Ngũ Hồ vẽ lúc đang bệnh nghĩ:

- Phế nhân Ngũ Hồ ắt là biệt hiệu của Lục trang chủ. Chỉ thấy trong thư pháp họa pháp san sát hơi sóng, như kiếm như kích, không những có sức vượt ra khỏi mặt giấy, mà còn như vượt ra khỏi mặt


giấy bay lên.

Lục trang chủ thấy Hoàng Dung chăm chú nhìn bức họa, liền hỏi:

- Lão đệ, bức họa này thế nào, mời ngươi phẩm bình. Hoàng Dung nói:

- Vãn bối lớn mật nói bừa, xin Lục trang chủ đừng trách. Lục trang chủ nói:

- Lão đệ cứ nói không hề gì. Hoàng Dung nói:

- Bức họa này của trang chủ vẽ được tráng chí mạnh mẽ, tâm tình bàng hoàng không biết làm sao trong bài Tiểu trùng sơn của Nhạc Vũ Mục. Có điều tráng chí hùng tâm của Nhạc Vũ Mục là vì nước vì dân, câu Đầu bạc bởi công danh có lẽ có ý tỵ hiềm. Năm ấy quần thần trong triều đều muốn nghị hòa với quân Kim. Nhạc Phi cố sức nói là không thể, tiếc rằng không ai chịu nghe lời ông. Hai câu Tri âm ít, đứt dây ai hiểu cho mình nghe nói là chỉ vào việc ấy, đó là tâm tình không biết làm sao mà lại không thể công nhiên đối đầu với triều đình. Lúc trang chủ vẽ tranh viết chữ dường như cũng đầy lòng phẫn khích, tâm sự ngổn ngang, bút lực cố nhiên rất mạnh mẽ những mũi sắc lộ ra hết, như muốn cùng kẻ đại thù liều mạng sống chết một phen, chỉ e có chỗ không hợp với bản ý đau lòng lo nước của Nhạc Vũ Mục. Vãn bối nghe người ta nói:

- Thư học bút mực nếu cầu cho thật có khí lực thì lại thiếu đi cái ý trọn vẹn hồn hậu, tựa hồ chưa thể nói là đã đạt được tới cảnh giới cực cao.

Lục trang chủ nghe nàng nói, thở dài một tiếng, thần sắc thê thảm, im lặng hồi lâu không nói gì. Hoàng Dung thấy thần sắc của y có vẻ khác lạ, nghĩ thầm:

- Mấy lời của mình có lẽ đụng chạm quá nặng. E đắc tội với y rồi. Nhưng theo cha dạy thì bài Tiểu trùng sơn này và đạo vẽ tranh viết chữ đúng là phải nói thế.

Lại nói:

- Vãn bối thỏ tuổi không biết gì ăn nói bừa bãi, xin trang chủ tha tội cho. Lục trang chủ sửng sốt, kế đó trên mặt lập tức hiện vẻ mừng rỡ, vui vẻ nói:

- Sao Hoàng lão đệ lại nói thế. Tâm tình của ta lúc ấy hôm nay mới được ngươi nhìn ra, lão đệ có thể nói là người tri kỷ đệ nhất trong đời ta đấy. Còn như khí lực ngọn bút còn hơn cả giương cung tuốt kiếm thì đó là cái tật lớn mà ta không sao sửa được. Được lão đệ chỉ giáo, thật rất đúng.

Rồi quay đầu nói với con trai:

- Mau sai người dọn tiệc.

Quách Tĩnh và Hoàng Dung vội từ tạ, nói:

- Không cần mất công như thế.

Nhưng Lục Quán Anh đã ra khỏi phòng.


Lục trang chủ nói:

- Lão đệ thưởng thức tinh tế như thế, chắc gia học sâu xa, lệnh tôn ắt là bậc đại danh nho, không biết xưng hô là gì.

Hoàng Dung nói:

- Vãn bối có biết gì đâu, đội ơn trang chủ khen ngợi. Gia phụ ở quê mở trường nhận học trò, chẳng có tên tuổi gì.

Lục trang chủ thở dài nói:

- Người có tài không gặp vận, cổ kim cùng một nỗi cảm khái.

Ăn uống xong, trở về thư phòng ngồi chơi, lại trò chuyện một lúc. Lục trang chủ nói:

- Hai động Trương Công. Thiện Quyển gì đó là cảnh đẹp kỳ lạ trong thiên hạ, hai vị cứ ở lại đây vài hôm, thong thả du ngoạn. Trời đã không còn sớm, hai vị đã cần nghỉ ngơi chưa?

Quách Tĩnh và Hoàng Dung đứng lên cáo từ. Hoàng Dung đang định ra khỏi phòng, chợt ngẩng đầu lên, thấy then cửa thư phòng có đóng một tấm Bát quái thiết phiến, lúc ấy cũng không động thanh sắc, theo trang đinh về phòng khách.

Trong phòng khách bày biện trang nhã, hai cái giường đối nhau, nệm gối sạch sẽ. Trang đinh đưa trà vào xong, nói:

- Hai vị gia gia cần gì cứ kéo dây chuông bên cạnh giường, chúng tôi sẽ vào ngay. Ban đêm hai vị ngàn vạn lần xin đừng ra ngoài,.

Nói xong lui ra, nhẹ nhàng khép cửa lại. Hoàng Dung hạ giọng hỏi:

- Ngươi thấy nơi này có chỗ nào rắc rối không? Tại sao y bảo chúng ta ban đêm ngàn vạn lần đừng ra ngoài?

Quách Tĩnh nói:

- Trang viện này lớn quá, đường trong trang viện quanh co khuất khúc có lẽ họ sợ chúng ta lạc đường.

Hoàng Dung mỉm cười

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net