8. [A] Tây Vương Mẫu và Chu Mục Vương

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tác giả: Yêu Ngô Tà đến 500 triệu năm - 天真无邪
Nguồn bài viết: Facebook/Yêu Ngô Tà đến 500 triệu năm - 天真无邪

《TÂY VƯƠNG MẪU》

Tây Vương Mẫu là cái tên thường được nhắc đến trong《Đạo Mộ Bút Ký》, xuất hiện từ tiền truyện《Lão Cửu Môn》, qua chính truyện cho đến hậu truyện 《Sa Hải》.

Nếu như nói tất cả cớ sự của《Đạo Mộ Bút Ký》xảy ra từ đâu, vậy thì bắt nguồn từ bốn từ "trường sinh bất tử" cũng nên?

Nếu như không có trường sinh bất tử, Chu Mục Vương sẽ không gây ra rất nhiều chuyện. Nếu như không có trường sinh bất tử, Trương Khởi Linh sẽ không phải chịu tuổi thơ bất hạnh. Nếu như không có trường sinh bất tử, Trương gia đã không xảy ra nội chiến. Vô số sự việc không thể xảy ra sau này nếu như không có "trường sinh bất tử".

Mà bốn từ "trường sinh bất tử" này, đều gắn liền với Tây Vương Mẫu.

I. Tây Vương Mẫu trong《Đạo Mộ Bút Ký》

Tây Vương Mẫu trong《Đạo Mộ Bút Ký》được miêu tả là một nữ vương quyền lực, mưu tính sâu xa, bà cai quản cả một vùng lãnh thổ riêng trong bồn địa Sài Đạt Mộc. Những gì liên quan đến bà đều vô cùng quỷ dị. Trong quyển bốn có nhắc đến, đất nước của bà khắp nơi đều là rắn. Rắn ở nơi này có thể học theo tiếng của người, có tập tính xã hội, hành động kỳ quái khiến người ta cảm giác rằng nó biết suy nghĩ. Trong bức phù điêu ở đền thần do Trương Khởi Linh phát hiện, tín ngưỡng của đất nước Tây Vương Mẫu là tôn thờ rắn độc. Mà Tây Vương Mẫu trong toàn bộ câu chuyện đều người rất độc ác, ví như hành động bà nuôi dưỡng thi biệt trong đầu người để làm vũ khí.

*Tập tính xã hội: Đời sống thành bầy, thành đàn gồm các cá thể chung sống với nhau, có một số hoạt động chung và có sự phân chia thứ bậc trong đàn.

Về bí mật trường sinh bất tử, phương thức trường sinh của bà trong《Đạo Mộ Bút Ký》có điều kiện là phải ăn viên đan dược kịch độc có chứa Thi biệt vương. Sau đó người ăn đan dược phải ở trong Vẫn ngọc tại đất nước Tây Vương Mẫu suốt nhiều năm liền để tiến hành quá trình lột da, nếu không sẽ bị thi biến.

Một số chi tiết liên quan về Tây Vương Mẫu được nhắc trong《Đạo Mộ Bút Ký》:

"Đây là totem của Tây Vương Mẫu trong truyền thuyết, chim Tam Thanh."
- trích lời Ô Lão Tứ《Đạo Mộ Bút Ký》quyển 5, chương 53.

"[...] Tây Vương Mẫu trong Tây Du Ký của chúng ta hòa ái biết bao nhiêu, đâu có thâm độc như thế đâu." Một người tặc lưỡi nói.

"Tây Vương Mẫu đó là Tây Vương Mẫu đã bị Trung Nguyên hóa, Tây Vương Mẫu trong truyền thuyết cổ đại thực sự thì chả khác gì một con lệ quỷ cả, căn bản không phải cùng một người. [...] Vào thời kỳ đó, chỉ dựa vào hòa ái thì không trị được dân, kẻ thống trị đều dựa vào những nghi thức quỷ dị thần bí theo chủ nghĩa thần bí kiểu này, khuếch đại sức mạnh siêu nhiên của mình để thống trị."
- trích《Đạo Mộ Bút Ký》quyển 5, chương 54.

"[...] Tây Vương Mẫu vốn chính là người sáng tạo ra kỳ môn độn giáp, năm xưa Hoàng Đế có được sách thần trời ban, chính là do Tây Vương Mẫu ban cho ông ta. Bàn về kỳ môn độn giáp, bà ta là tổ tông."
- trích lời A Ninh《Đạo Mộ Bút Ký》quyển 5, chương 56.

"Ở Trung Quốc có rất ít ghi chép về người hai mặt, ghi chép duy nhất về hai mặt, là Tây Vương Mẫu trong Sơn Hải Kinh, sinh vật truyền thuyết có hai mặt, một mặt gặp người sống, một mặt gặp người chết."
- trích lời Tề Thiết Chủy《Lão Cửu Môn》chương 30.

II. Hình tượng Tây Vương Mẫu trong truyền thuyết

Tây Vương Mẫu hay được chúng ta biết đến với cái tên khác là Vương Mẫu Nương Nương. Ngoài ra bà còn có tên là Diêu Trì Kim Mẫu hoặc Kim Mẫu Nguyên Quân.

Hình tượng Tây Vương Mẫu có lẽ phát triển từ hình ảnh các Nữ tư tế thực hiện các bí thuật cổ đại, gọi là Vu thuật.

Có nơi viết rằng, Tây Vương Mẫu là tộc danh của một bộ tộc nguyên thủy phía Tây núi Côn Lôn. Bộ tộc này tôn sùng hổ, vì vậy mà Tây Vương Mẫu có hình tượng răng hổ, đuôi báo, không rõ nam nữ.

Giai đoạn đầu, truyền thuyết cho rằng Tây Vương Mẫu có diện mạo là một nữ thần già hung dữ hoặc một vị nữ thần gây tai vạ ở phía Tây của núi Côn Lôn, những gì nói đến bà như một yêu quái, vì thế mà ở thời nhà Chu, người ta gọi bà là Yêu Mẫu.

Trong《Sơn Hải Kinh》 viết:

"Núi Doanh Mẫu cách phía Tây 350 dặm, gọi là Ngọc Sơn, tương truyền là nơi ở của Tây Vương Mẫu. Tây Vương Mẫu kì trạng như người, nhưng có đuôi báo, răng hổ, có đeo trăng sức trên bồng tóc. Bà có tính nghiêm khắc và tàn ác."

- 《Sơn Hải Kinh - Tây Sơn kinh》

"Tây Vương Mẫu lấy đầu chim đái thắng cài lên tóc, ăn chim Tam Thanh để sống."
- 《Sơn Hải Kinh - Hải Nội Bắc kinh》

"Phía Nam của Tây hải, bên cạnh bãi Lưu sa, đằng sau Xích thủy, phía trước Hắc thủy, có một ngọn núi lớn. Ở trong có thần nhân mình hổ, có vằn và đuôi, tất cả đều trắng, ngự tại núi ấy. Bên dưới có một vực xoáy sâu, bên ngoài lại có một ngọn núi rực lửa, có một người đeo đầu chim đái thắng, răng hổ, đuôi báo, ở trong hang, gọi là Tây Vương Mẫu."
-《Sơn Hải Kinh - Đại Mạc Tây kinh》

Cho đến giai đoạn sau, do sự nổi lên của Đạo giáo, hình tượng Tây Vương Mẫu dần biến hoá thành một bà lão hiền lành hoặc một tiên nữ dung mạo tuyệt trần sống ở phía Tây núi Côn Lôn, bà trở thành biểu tượng của "trường sinh bất tử".

Thời Đông Tấn, các truyền thuyết của Đạo giáo cho rằng Tây Vương Mẫu là con gái của Đệ nhất thần trong Đạo giáo - Nguyên Thủy Thiên Tôn, dần dần địa vị của bà được nâng cao, hình tượng quái dị thời xưa cũng có chuyển hoá lớn.

Trong sách Tiên Dao Hư Kinh viết: "Người có búi tóc cài đầu chim đái thắng, răng hổ gầm gừ ấy là sứ giả của Tây Vương Mẫu, mà không phải nguyên hình của bà."

III. Hình tượng gắn liền với "trường sinh bất tử"

Ở đầu thời Hán, truyền thuyết của Đạo giáo tương truyền rằng Tây Vương Mẫu có liên quan đến thuật trường sinh bất tử, đây cũng là hình tượng được gắn liền về bà nhất trong rất nhiều dị bản truyền thuyết, nhất là truyền thuyết của Đạo giáo.

Bấy giờ, bà là một nữ vương có trong tay hai thứ: đào tiên và trường sinh bất tử.

Kể rằng, Hậu Nghệ vì bắn chín mặt trời mà bị Ngọc Hoàng đày xuống trần gian. Thấy Hằng Nga đau khổ vì bị mất khả năng bất tử, ông quyết định lên đường đi tìm thuốc trường sinh để hai người có thể quay về cuộc sống bất tử. Trong cuộc hành trình đầy gian khổ, Hậu Nghệ đã gặp được Tây Vương Mẫu. Tây Vương Mẫu đồng ý cho Hậu Nghệ một viên thuốc. Sau khi về nhà, ông cất nó trong một cái hộp. Chẳng may khi Hậu Nghệ đi vắng, Hằng Nga đã tò mò mở chiếc hộp ra và vô tình nuốt chửng viên thuốc. Ngay lập tức Hằng Nga bay lên trời. Nàng cứ bay mãi bay mãi cho đến khi bay đến Mặt Trăng.

Từ rất lâu đời, truyền thuyết đã kể rằng Tây Vương Mẫu có thể làm cho con người trường sinh bất tử. Theo 《Mục Thiên Tử Truyện》ghi chép, Tây Vương Mẫu từng hát cho Chu Thiên Tử (vua nhà Chu) rằng: "Tương tử vô tử", nghĩa là khiến cho vua bất tử.

Ngoài những truyền thuyết trên, Tây Vương Mẫu còn liên quan đến nhiều truyền thuyết khác ví dụ như Ngưu Lang Chức Nữ, Cửu Thiên Huyền Nữ, Thất Tiên Nữ,...

《TÂY VƯƠNG MẪU GẶP GỠ CHU MỤC VƯƠNG》

Nếu nói cuộc gặp gỡ nào không nên xảy ra nhất trong《Đạo Mộ Bút Ký》, hẳn là cuộc gặp gỡ giữa Tây Vương Mẫu và Chu Mục Vương. Tây Vương Mẫu là người tạo ra trường sinh bất tử, bà gián tiếp dựng nên điểm bắt nguồn cho rất nhiều chuyện sau này thì Chu Mục Vương cũng đóng vai trò không kém quan trọng, ông là người đã trực tiếp thúc đẩy điểm ấy khiến cốt truyện《Đạo Mộ Bút Ký》phát sinh.

Trong lịch sử Trung Quốc có rất vị vua hướng đến cuộc sống trường sinh bất tử như Tần Thủy Hoàng, Minh Thế Tông, Đạo Vũ Đế,... Tuy nhiên, người thật sự được trường sinh bất tử thường được truyền thuyết nhắc đến chỉ có Chu Mục Vương - vị vua thời Tây Chu.

Nói về việc ông trường sinh bất tử, đương nhiên không thoát khỏi việc liên quan đến Tây Vương Mẫu.

I. Cuộc gặp gỡ trong《Đạo Mộ Bút Ký》

Trong《Đạo Mộ Bút Ký》, cuộc gặp gỡ của Tây Vương Mẫu và Chu Mục Vương cũng có nhiều phiên bản khác nhau.

Theo như lời kể của người Uông gia, Chu Mục Vương thường không màng quốc sự, không thê tử, không hạ thần thân cận, ham thích duy nhất là du ngoạn khắp nơi. Bấy giờ có một kẻ tên là Tạo Phụ chế tác cho ông một cỗ xe, đồng thời cũng làm người đánh xe cho ông. Kéo xe là tám con thần mã, Chu Mục Vương một đường đem quân chinh phạt phía Tây, đánh tới núi Côn Lôn thì bị một người chặn bước. Người này chính là Tây Vương Mẫu.

Tây Vương Mẫu mời Chu Mục Vương đến Dao Trì, mời ông ngắm “cung điện của Hoàng Đế”. Hai người uống rượu ở Dao trì vô cùng vui vẻ. Trước khi đi, Tây Vương Mẫu hết sức luyến tiếc Chu Mục Vương, liền nói:

“Mây trắng trên trời, sơn lăng tự xuất
Chặng đường xa xôi, cách núi ngăn sông
Nếu người bất tử, có thể quay về.”

Trước khi rời đi, Chu Mục Vương và Tây Vương Mẫu đã trao đổi rất nhiều lễ vật của hai nước. Sau đó ông rời khỏi Tây Vương Mẫu quốc, về lại triều Chu. Tới khi qua đời năm 105 tuổi, cũng không quay lại nơi đó.

Tuy nhiên nhắc lại thời điểm ban đầu, khi Chu Mục Vương đăng cơ ông đã 55 tuổi.

Người Uông gia đã luận thế này: “Đối với một người mà nói, hạnh phúc lớn nhất không gì bằng việc thành công khi còn trẻ, ở khoảng thời gian đẹp nhất của đời người. Mặc dù có được những thứ chính mình mong muốn: phụ nữ, lãnh thổ, của cải, nhưng chỉ có thân thể cường tráng của tuổi trẻ mới có thể hưởng thụ tất cả những thứ đó, mà vào thời điểm Chu Mục Vương đăng cơ, những thứ này đã cách ông ta quá xa rồi.”

Chu Mục Vương đã áp dụng hình thức cực đoan, dốc toàn nguồn lực đất nước tiến hành Tây chinh, cái gì cũng không màng tới, chỉ cần có thể lấy được thuốc trường sinh bất tử của Tây Vương Mẫu thì cuộc sống sau này đối với ông vẫn còn rất dài.

Vì thế, ông chém giết vào đến Côn Lôn, tới Dao Trì lãnh thổ của Tây Vương Mẫu quốc. Không ai biết khi đó đã xảy ra chuyện gì. Nhưng có một giả thiết đã được đề ra, Chu Mục Vương ở tuổi xế chiều bị tuổi trẻ của Tây Vương Mẫu thu hút, rơi vào lưới tình. Không chỉ không xảy ra xung đột vũ trang, mà còn đem một lượng lớn văn hóa Trung Nguyên truyền tới quốc gia cổ này. Mà Tây Vương Mẫu cũng yêu Chu Mục Vương.

Trong lời nói của Tây Vương Mẫu, có thể thấy Tây Vương Mẫu đã biết trước việc Chu Mục Vương sẽ rời đi. Bà biết từ Trung Nguyên tới Côn Lôn muôn trùng cách trở, ở tuổi của Chu Mục Vương, khă năng quay lại chỉ có một.

Chính là bất tử.

Do vậy, lễ vật mà họ đã trao đổi, chính là thuốc trường sinh bất tử.

Nhưng đến tuổi 105, Chu Mục Vương vẫn chết. Điều này chứng tỏ ông không hề uống thuốc trường sinh bất tử. Đấy là vì Chu Mục Vương ở Tây Vương Mẫu quốc đã nhìn thấy sự thật về thuật trường sinh bất tử.

Điều kiện để Chu Mục Vương bất tử là ông phải ăn viên đan dược kịch độc chứa Thi Biệt Vương, sau đó ở trong vẫn ngọc tại Tây Vương Mẫu quốc tiến hành lột da qua nhiều năm. Mà vẫn ngọc là thứ Tây Vương Mẫu không thể cho đi, Chu Mục Vương cũng không thể không trở về triều Chu. Lúc này, Chu Mục Vương chọn trở về quốc gia của mình, tuyên bố từ trần, tự xây lăng mộ cho bản thân. Sau đó mượn tay người khác cải tạo lăng mộ của chính mình, truy tìm “Ngọc dũng” (áo ngọc) rồi khoác nó lên người, chờ đợi lột da tái sinh, lúc này kế hoạch 3000 năm do ông dựng lên cũng khởi động.

Nhưng về sau có một lời kể khác lại nói rằng tại Tây Vương Mẫu quốc, Chu Mục Vương đã nhìn thấy “chân tướng của thế giới”, mà “chân tướng của thế giới” là bí mật là Trương gia luôn che giấu. Nói theo một cách dễ hiểu khác, chi tiết mở đầu ông Tây chinh gặp được Tây Vương Mẫu không hề sai, chi tiết cuối cùng là việc ông dựng kế hoạch 3000 năm để hồi sinh bản thân cũng không hề sai, chỉ là quá trình ở giữa đã bị biến đổi. Ông cùng Tây Vương Mẫu không hề xảy ra chuyện yêu đương hay lưu luyến. Không ai biết ở trong quá trình đó xảy ra những gì, chuyện kể về đất nước của Tây Vương Mẫu là do Chu Mục Vương căn cứ vào thực tế mà bịa đặt ra để che giấu bí mật về “chân tướng thế giới.”

“[...] Không biết vì sao, tất cả những người đã tiếp xúc được với bí mật đó, cuối cùng đều chọn cách chôn giấu bí mật đó vĩnh viễn.”
— trích lời Người áo đen《Sa Hải》quyển 3, chương 34

Ở một phiên bản khác trong《Đạo Mộ Bút Ký》, trên bức phù điêu ở Đền thần do Trương Khởi Linh phát hiện ra. Năm đó Chu Mục Vương quả thực có ngồi cỗ xe do tám thần mã kéo đến gặp Tây Vương Mẫu. Nhưng giữa họ không hề có chuyện tình lãng mạn nào phát sinh, cũng không có buổi yến tiệc vui say nào xảy ra. Thực chất ông đến Tây Vương Mẫu quốc để đánh chiếm. Nhưng trong cuộc chiến này, bên phe ông bị rắn độc ở Tây Vương Mẫu quốc đánh bại. Có lẽ vì để che giấu sự thất bại của mình, ông đã bịa ra câu chuyện đằng sau.

“[...] Chỉ thấy đội quân của Chu Mục Vương xông vào chém giết một tòa cung điện, trong tranh xuất hiện rất nhiều đàn bà đầu rắn mình người, những người đàn bà này đang đổ cái gì đó vào trong các lỗ vuông của loại tháp kia, sau đó có vô số rắn mào gà trườn ra từ trong tháp, xồ vào cắn xé với quân Chu Mục Vương.”
— trích chương 92《Đạo Mộ Bút Ký》quyển 5, chương 92

II. Những truyền thuyết thật sự

1. Ghi chép trong《Mục thiên tử truyện》

Năm Thái Khang thứ hai thời Tây Tấn, một người đã đào trộm cổ mộ của vua Ngụy thời Chiến Quốc lấy được nhiều thẻ tre, sách cổ chữ Tiểu Triện (có hơn 10 vạn chữ) giấu kín trong nhà. Hoàng đế đầu tiên của nhà Tấn (266-290)* biết được liền cử mấy học giả tài giỏi đến đó lấy về chỉnh lý, viết thành sách《Cấp trủng thư》 gồm 75 thiên. 《Mục thiên tử truyện》 là tác phẩm duy nhất đến ngày nay còn lưu truyền trong《Cấp trủng thư》 .

*(266-290): Thời gian trị vì

Trong《Mục thiên tử truyện》chép rằng, Chu Mục vương cưỡi tám con tuấn mã tên Xích Ký, Đạo Ly, Bạch Nghĩa, Du Luân, Sơn Tử, Cừ Hoàng, Hoa Lưu, và Lục Nhĩ, do Tạo Phụ đánh xe, Bá Yểu dẫn đường, tiến hành viễn du lần thứ nhất - Tây chinh về phía núi Côn Lôn, hành trình kéo dài khoảng mười ba đến mười bảy năm, xuất phát từ Tông Chu, vượt sông Chương Thủy, qua các vùng núi Hà Tông, Dương Hu, Quần Ngọc, hành trình qua 9 vạn dặm, ngắm nhìn bốn vùng hoang vu, chạm đến Lưu Sa phía Bắc, diện kiến Tây Vương Mẫu.

Tây Vương Mẫu bấy giờ có hình tượng là nữ thần vô cùng xinh đẹp, giỏi ca hát, khiến Chu Mục vương mê mẩn. Cả hai người họ yêu nhau, Mục vương đem các của cải của mình mang đến thiết yến bên cạnh Dao Trì của Tây Vương Mẫu, cả hai say sưa đàn hát.

Trong tiệc rượu, Tây Vương Mẫu hát: “Trên trời có đám mây trắng trôi khoan thai, con đường dài đằng đẵng đến vô cùng vô tận. Núi cao sông lớn vô tận ngăn trở chúng ta, từ đó khó mà thư từ qua lại. Nhưng để ngươi trường sinh bất lão, tin rằng vẫn có thể trùng phùng.”

Chu Mục Vương đáp rằng: “Sau khi ta trở về cố hương Thần Châu, sẽ cho phép các đất nước qua lại hòa thuận với nhau, để vạn dân được sống cuộc sống bình đẳng và giàu có, lúc đó ta sẽ lại đến gặp người.”

Đối với lần gặp gỡ này Chu Mục Vương nhớ mãi không quên, ông khắc lại trên đá của Yểm Sơn, trồng cây hòe bên cạnh.

2. Những truyền thuyết khác

Có truyền thuyết khác lại kể rằng, Chu Mục Vương vốn đã là thần tiên từ trước chứ không phải đến khi gặp gỡ Tây Vương Mẫu mới thành thần tiên.

Tương truyền xe ngựa của Chu Mục Vương chạy nhanh đến mức lông vũ không nổi lên được, nhiều sinh vật trong sông như cá, rùa, cá sấu đều nổi lên xếp thành cầu cho xe chạy qua. Sau đó, Chu Mục Vương mới tiếp tục leo lên Thái Sơn, bởi vì thời trẻ thích tu luyện tiên thuật, cũng nhờ cơ duyên nên ông có thể từ đỉnh núi Thái Sơn tiến vào Thiên giới gặp được Tây Vương Mẫu ở cung Dao Trì, được bà đãi yến tiệc. Ông uống nước suối ngọt chảy ra từ khe đá, ăn quả của cây ngọc, rồi lại leo lên Quần Ngọc Sơn là nơi ở của Tây Vương Mẫu, cả quá trình này đều dùng phép đằng vân, sở dĩ lấy thân phận phàm trần là vì muốn cho nhân gian thấy được kết quả tu luyện.

Lại có nơi viết, sau khi uống nước suối ngọt chảy giữa khe đá trên núi, ăn quả của cây ngọc, còn đến cả chỗ ở của Tây Vương Mẫu, Chu Mục Vương mới từ người phàm hoá thân bay về trời trời trở thành thần tiên.

Một truyền thuyết khác lại kể: Tây Vương Mẫu từng tự mình đến cung của Chu Mục Vương, đón ông cùng cưỡi mây về trời, tiến vào Thiên Cung.

(Thông tin được tổng hợp tìm hiểu từ nhiều nguồn. Vui lòng phân biệt rõ câu chuyện được biến đổi trong《 Đạo Mộ Bút Ký》và truyền thuyết ngoài đời thực).

Facebook/wuxiedehua


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net