71. Thà làm người cô đơn.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trong làn khói mờ mịt toả ra từ ly cafe thơm lừng, Thanh Hằng nhấp một ngụm rồi nghiêng đầu nhìn Tú, sau đó trầm ngâm thả ánh mắt đẹp đẽ xuống lòng đường, nhẹ giọng kể đều đều.

- Tôi và Quỳnh quen nhau trong một hội thiện nguyện giúp đỡ những người vô gia cư, người già neo đơn và trẻ em. Lúc đó Quỳnh vừa sang Anh chưa lâu. Tôi ấn tượng bởi một cô bé thoạt nhìn rất có nhiệt lượng, lương thiện và luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người đến quên mình. Có điều, em ấy lại rất ít nói ít cười, âm trầm lặng lẽ, luôn ẩn chứa trong đáy mắt nỗi buồn khó tả... Một nỗi buồn giống tôi...

Minh Tú hơi sững người. Em ấy ít nói ít cười và trầm lặng ư? Không phải, không giống như Đồng Ánh Quỳnh của chị chút nào, đứa nhỏ đó luôn hoạt bát vui vẻ.

- Có lẽ do hai đứa cùng một nỗi lòng, nhiều cái hợp nhau nên nói chuyện thoải mái, dần dần quen thân. Quỳnh là một đứa nhỏ ngoan, nghe lời, nó rất quý tôi, xem như chị em ruột.

Tú gật gật... Ánh mắt rơi lên mấy đoá hoa cúc nổi trên mặt tách trà của mình, chú tâm lắng tai nghe Thanh Hằng kể...

...

*********************

Lúc mới sang Anh, mọi thứ điều bỡ ngỡ, Quỳnh mang theo một mối thương lòng, để có chỗ giết thời gian làm điều mình thích nên xin gia nhập hội thiện nguyện do Thanh Hằng làm phó chủ nhiệm, cốt yếu là còn việc gì đó làm trên thế giới cô quạnh này.

Quỳnh ấn tượng với một chị gái cá tính mạnh, chững chạc điềm tĩnh, tài giỏi và nguyên tắc, nhưng lại rất nhân hậu... Đúng mẫu hình mình luôn cố hướng tới. Tuy nhiên với tính cách trầm lắng ít nói lúc đó dĩ nhiên không dám đến bắt chuyện.

Trong mỗi chuyến đi thiện nguyện, Quỳnh luôn đứng một góc nhìn theo Thanh Hằng với đôi mắt tràn đầy ngưỡng mộ. Khi chị quay lại, nhận ra gương mặt ưu tú quay đầu lãng tránh khi bị phát hiện nhìn trộm liền thấy rất đáng yêu. Nhẹ xoay người bước về phía Quỳnh, nở một nụ cười hiền:

- Này nhóc, đừng nói là yêu chị nha!

Quỳnh điếng hồn, lắc đầu nguầy nguậy.

- Dạ không ạ! Em chỉ thần tượng chị thôi.

Vậy là quen nhau, dần dần kết thân, vì Quỳnh không có bạn bè nên càng lúc càng quấn Thanh Hằng, được chị chỉ dạy nhiều thứ, tâm sự, nói chuyện, bảo ban...

Thanh Hằng sống và làm việc ở Anh một mình ít bạn bè, càng lúc cả hai càng quý nhau, hơn nữa, cả hai đều thích "tiểu thụ" nên cái gì cũng có thể nói. Tìm đồng hương nơi đất khách đã khó, còn được một người hiểu và đồng cảm sâu sắc càng khó hơn, vậy nên càng lúc càng quý nhau như tri kỉ.

Lúc đầu Thanh Hằng chỉ biết Quỳnh theo gia đình sang Anh định cư, ba Quỳnh có công ty riêng nên kinh tế khá ổn định. Quỳnh được tiếp tục học ở một trường Đại học danh tiếng, nhưng chuyển sang chuyên ngành nhiếp ảnh theo đam mê.

Một thời gian, trong một lần quá cao hứng Quỳnh rủ Thanh Hằng về nhà chơi, chị phát hiện Quỳnh sống một mình, hỏi mới biết tự dưng lại muốn tự lập, đòi ra ngoài sống, nên thuê căn nhà nhỏ gần trường đại học ở một mình.

Chẳng biết Quỳnh đã sống một mình trong bao lâu nhưng mọi thứ đều tạm bợ, đại khái, qua loa, bếp toàn mì gói, khắp phòng treo đầy ảnh của một người duy nhất, trên kệ, tường, bàn làm việc, đầu giường... Thanh Hằng biết nhất định là người rất quan trọng với Quỳnh, nhưng mỗi khi nhìn đến, trong mắt Quỳnh hiện hữu một nỗi buồn không biên giới, vậy nên chẳng dám hỏi thăm.

Dĩ nhiên không ai muốn ngắm nghía vết thương lòng của mình.

Thực tế Quỳnh tự cô lập bản thân, tự chôn vùi, tẩm mình trong nỗi cô độc để gậm nhấm từng phút từng giờ từng ngày cái đau đớn. Để nỗi tương tư thao túng từ thể xác đến tinh thần. Có lúc Thanh Hằng còn cảm thấy đứa nhỏ này như sắp tự kỉ đến nơi, có cái gì đó u uất, kiềm nén, buồn đến độ nao lòng. Dù nhìn bề ngoài mọi thứ dửng dưng, bình thản.

Ai mà không muốn quên đi quá khứ đau buồn, còn Quỳnh lại chọn cách sống chung với nó, ở riêng với nỗi đau đó, vậy phải đau đến độ nào? Thương đến độ nào?

...

Thời gian sau đó, Quỳnh vắng mặt trong các buổi thiện nguyện nhiều hơn, càng lúc càng ít hoạt động, mấy lần đến, đều là một bộ mặt thất sắc, xanh xao... Thanh Hằng hỏi thăm chỉ cười cười cho qua không trả lời. Lần nọ trong lúc đi công việc Thanh Hằng tạc qua chỗ Quỳnh mới thấy đang ăn mì gói, nhà cũng toàn vỏ mì gói và mấy món khô khan rẻ tiền, còn gấp gáp lính quính sắp đi làm thêm.

Gặng hỏi mãi mới biết vông ty ba Quỳnh làm ăn thua lỗ vì công ty đối tác ôm tiền bỏ trốn, giờ Quỳnh phải tự đi làm lo tiếp tục việc học, công ty ba bây giờ lo cho mẹ và ông bà nội còn không đủ chi phí, ở London mọi thứ đắc đỏ.

Thanh Hằng nghe xong câu chuyện, lúc ra về có dặn khi nào cần kíp quá thì gọi cho chị. Thế nhưng chẳng đời nào nghe Quỳnh gọi điện hay than thở câu nào, có chút thời gian rảnh ít ỏi Quỳnh liền đến hội thiện nguyện, hoặc mời Thanh Hằng đi cafe một chút liền cáo từ ngay, vừa đi học lại còn cày làm thêm ba bốn việc một lúc, nhìn Quỳnh gầy xộp đi theo mỗi lần gặp mặt khiến Thanh Hằng còn thấy xót xa. Vậy mà Quỳnh từ chối hết mọi lời đề nghị giúp đỡ.

...

Một buổi sáng, Thanh Hằng đang làm việc bỗng nhận được điện thoại, là Quỳnh, trong điện thoại tiếng Quỳnh nghẹn ngào, ấp úng vay Thanh Hằng một số tiền. Chị đồng ý, hẹn ra gặp, mắt Quỳnh đỏ hoe.

- Có chuyện gì sao?

- Em không lo được học phí.

Quỳnh cúi đầu nhìn vào cốc cafe trên bàn, ngoài trời tuyết bắt đầu rơi, ở Anh thật lạnh... Lạnh như cái cách những người đi đường lướt qua nhau không động lại chút dư âm. Thanh Hằng đẩy về phía Quỳnh một phong bì, chẳng biết làm thế nào cho không khí đỡ ngượng ngập, chị khuấy tách cafe tạo nên một tiếng leng keng nho nhỏ. 

- Khi nào có thì trả chị cũng được, không sao đâu. - Số tiền đối với Thanh Hằng không lớn, nhưng nỗi day dứt áy náy trong lòng Quỳnh đương nhiên rất lớn.

Một đứa nhỏ từ bé đến lớn sống trong dư dả sung túc, sẽ mặc cảm đến nỗi nào trong lần đầu đi vay tiền đóng học phí?

Thanh Hằng ngồi lại quán cafe, nhìn theo bóng dáng Quỳnh bước đi khỏi đó, ngoài trời đang rất lạnh, qua tấm kính chị thấy đôi vai rũ xuống của người em đồng hương mờ dần sau những hạt tuyết lất phất càng lúc càng đầy, trắng xoá, nhạt nhoà...

Chị có thể nhìn thấy trong đôi mắt trũng sâu thâm quầng của Quỳnh hiện diện bao nhiêu sự mệt mỏi, và với một người tự thân lăn lộn ngoài đời nhiều năm, chị dư biết Quỳnh phải thức bao nhiêu đêm để nghĩ về khoản tiền vừa vay mình. Cuối cùng, bất quá Thanh Hằng chỉ thở dài thương cảm, Quỳnh không muốn nhận nhiều sự giúp đỡ của chị thì biết phải thế nào?

...

Một tháng sau, Quỳnh gọi điện hẹn Thanh Hằng đi cafe, trả lại cho chị một ít trong khoản đã vay, đó là số tiền ít ỏi chắt chiu trong tháng lương này của Quỳnh. Thanh Hằng không muốn nhận, nhưng nếu không nhận, càng động chạm đến lòng tự trọng của đứa nhỏ, vậy nên miễn cưỡng nhận, dặn dò Quỳnh có gì thì nhất định phải nói.

Quỳnh trả thêm được ba bốn lần gì đấy, cuối cùng không gồng gánh nổi, đành rụt rè mượn lại Thanh Hằng khoản đã vay trước đó để đóng học phí kì tiếp theo. Có điều, chị đưa nhiều hơn Quỳnh tuyệt đối không nhận, chỉ cần đúng số tiền đóng học phí rồi mỗi tháng trả lại một ít.

Lần nọ Thanh Hằng ghé nhà chơi hôm Quỳnh được nghỉ làm. Thật ra là bệnh nên nghỉ làm, ở một mình không ai chăm sóc, cũng may trời cho một thể trạng khá... trâu bò. Còn khoe với Thanh Hằng rằng mình uống hai phần thuốc đã đỡ hơn, miệng cười toe toét lạc quan nói rằng:

- May lắm chị ạ! Em nghỉ làm có ngày hôm nay thôi, chứ hai ba ngày bị trừ lương chắc chết.

Thanh Hằng gượng cười bất lực, chẳng thấy ai bệnh mà còn vui như vậy nữa?

Khi chị tức giận hỏi sao có nhà lại không về, dù sao có người thân chăm sóc không phải tốt hơn ở một mình ư? Quỳnh sờ sợ trước thái độ bực bội của Thanh Hằng, rũ mắt nói:

- Một mình ba em lo cho ba người kia đã cực rồi, em không muốn ba bận tâm về mình.

Trước thái độ âu sầu, day dứt, hiếu thảo, Thanh Hằng không nỡ la mắng gay gắt, chị khẽ thờ dài, lắc đầu, đi vào bếp xem đã nấu gì ăn chưa? Ra là có cháo, cháo trắng và một ít trứng kho.

- Trứng kho khét lẹt, còn mặn nữa? - Thanh Hằng nếm thử một miếng liền nhăn mặt phun ra.

Quỳnh thảm não, gương mặt méo mó khó coi.

- Em không biết nấu ăn, được vậy là may rồi. - Quỳnh lại ngẩng mắt nhìn tấm ảnh người con gái đang ngồi đọc sách, thanh thuần như mây trời, được phóng to treo tường. - Nhưng từ nay em sẽ học nấu ăn, mong một ngày nào đó được nấu cho chị ấy ăn. - Nhắc đến đây mắt Quỳnh sáng rực, tràn đầy động lực.

Thanh Hằng nhướn mày, cái đồ mê gái, rồi chị xuống siêu thị mua đủ thứ, nấu cho Quỳnh một nồi cháo cá to. Có người ăn ngon quá liền húp lấy húp để.

- Công nhận Ca nấu cháo cá ngon còn hơn sơn hào hải vị.

Ăn xong còn giương mắt nhìn Thanh Hằng cảm kích hệt cún con, khiến chị phải phì cười. Sau đó Thanh Hằng bận việc, rời đi, Quỳnh tiếp tục nằm bệnh một mình.

...


Một tuần sau, vào buổi tối Thanh Hằng mới có thời gian rảnh trở lại thăm Quỳnh, lần này đến thẳng quán bánh ngọt chỗ Quỳnh làm thêm, vừa ăn bánh vừa nhìn Quỳnh chạy bàn, thân hình rắn chắc thoăn thoát, làm việc hiệu quả gấp đôi những người khác.

Chị có nói Quỳnh cứ lo làm việc đi, chị sẽ đợi Quỳnh tan ca, nhưng đứa nhỏ sợ chị ngồi một mình buồn, chốc chốc chạy đến tiếp chuyện hai ba câu ít ỏi, sau đó học tốc chạy đi phục vụ. Thanh Hằng tới chơi lại thành ra khiến Quỳnh bận rộn hơn.

Thanh Hằng nhấm ngụm trà, tự hỏi Quỳnh có năng lượng ở đâu mà nhiều thế nhỉ? Một người từ bé đến lớn luôn được người ta phục vụ như Quỳnh, bây giờ hạ mình đi làm mấy việc lặt vặt... Phải bỏ qua hết bao nhiêu tự trọng?

...

Tan ca, Quỳnh nhanh chóng giao việc lại cho người khác, thay đồ về cùng Thanh Hằng. Vừa bước tới cửa, liền có một cô gái chạy đến.

Cô gái lai Tây hơi nhỏ con với gương mặt đẹp đẽ, hút mắt, trang điểm đậm... ngang nhiên nắm tay Quỳnh, không thèm để ý xung quanh. Nhưng người được săn đón trái ngược thái độ vui mừng của cô ta, đanh mặt lại, vung tay, dứt khoác gỡ ra.

- Này cô, tự trọng chút đi! - Rất khó chịu, tâm trạng thoải mái nói cười với Thanh Hằng vừa đó bay biến, thay bằng gương mặt cau có bực dọc.

- Chị làm gì vậy? Người ta đợi chị tan ca nãy giờ biết không? - Cô gái xụ mặt nũng nịu, trưng bộ dạng dễ khiến đàn ông tan chảy.

Quỳnh vẫn lạnh nhạt quay đi, kéo tay Thanh Hằng.

- Đi thôi Ca, mặc kệ cô ta.

Thanh Hằng luôn là người biết thương hoa tiếc ngọc, lịch thiệp ôn nhu, vậy nên liền có chút áy náy, đứng lại ái ngại:

- Quỳnh, dù sao người ta đã đợi em cả tối, hay nói chuyện vài câu...

- Em và cô ta chẳng có gì để nói. - Quỳnh cương quyết hất hủi.

Cô ta lại lẽo đẽo chạy theo nắm khuỷ tay Quỳnh lắc mạnh, xem Thanh Hằng là không khí.

- Chị... Người ta muốn chị...

Ngược lại với ánh mắt lạ lẫm của Thanh Hằng, thì đồng nghiệp Quỳnh trong quán tương đối bình thản, họ thậm chí không thèm nhìn đến hai người dùng dằng cãi cọ.

Sau này Thanh Hằng mới biết, thật ra không phải họ không tò mò, mà sự việc trên diễn ra thường nhật, thậm chí là hai ba lần một ngày nếu Quỳnh làm tăng ca. Lúc đầu còn cảm thấy thái độ của Quỳnh hơi bất lịch sự, bây giờ thì hoàn toàn bình thường. Chẳng những thế, họ lại nhìn cô gái kia như kiểu "cái mặt rất là dày".

Hơn nữa, không phải chỉ riêng cô ta, khối cô đeo bám lấy Quỳnh, nếu cứ ai đến cưa cẩm Quỳnh họ cũng để tâm, thì chắc bị đuổi việc sớm. Đến nỗi ông chủ từng vỗ vai Quỳnh cười trêu: "Nhờ có cô Quỳnh làm việc, quán tôi liền đông khách, muốn đuổi việc chắc cũng không dám".

Chỉ là, cô gái này là người đeo bám Quỳnh dữ nhất.

- Bỏ tay ra. - Quỳnh trừng mắt, cô ta lơi dần tỏ vẻ sợ sệt.

Nhân lúc cô ta đứng hình, Quỳnh nhanh chóng kéo Thanh Hằng bỏ đi chẳng thương tiếc, chẳng ngoái lại một lần.

Nếu không phải là chị ấy, thì thà làm một người cô đơn.


...


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net