Chương 55 + 56

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

CHƯƠNG 55

Mọi thứ đều như tôi dự liệu, trở lại vị trí cũ, ai vào chỗ nấy.

Dì bận bịu sự nghiệp của dì, tôi làm trạch nữ (1) của tôi.

Mấy ngày sau, tôi nhận được điện thoại của Bạch Nhược Lâm. Tôi vốn tưởng sẽ kiếm được thêm khoản thu nhập nào đó, nào ngờ bên Hội tổ chức đi Nhật Bản. Chị hỏi tôi có muốn đi chung không.

Nói thật, tôi vốn rất thích Nhật Bản. Nhưng lúc đó tôi không có đủ tiền, vẫn gặp chút khó khăn, song cũng không tiện mở miệng xin gia đình.

Bạch Nhược Lâm hiểu rõ tâm tư của tôi. Chị nói chị lo tiền, tôi chỉ phụ trách ăn chơi với chị là được rồi.

Tôi nói 'vậy chẳng khác gì không biết xấu hổ'. Chị lại bảo cho tôi nợ trước, đợi tôi có việc làm rồi trả lại chị sau. Tôi nghĩ vừa đúng lúc nên ra ngoài giải sầu, có thể quên hết chuyện không vui, liền đồng ý.

Chọn tháng ngày bầu trời trong xanh, nhóm chúng tôi thẳng tiến đến Nhật Bản.

Vì đang trong tháng bảy, nên không ngắm được hoa anh đào ở Kyoto, đáng tiếc hết sức.

Phòng ốc ở Kyoto đa số đều là nhà trệt cổ điển. Họ dùng đá để lát đường, ngói đen, tường trắng, cửa gỗ, vừa thấp vừa nhỏ, phía trước đều treo mành. Ấn tượng tương đối sâu sắc chính là lúc tham quan đền thờ Bản Năng, đó là chỗ ở của Oda Nobunaga (2) thời Chiến quốc. Ông nhiều lần tổ chức tiệc trà xã giao, chiếc tách sứ ông từng dùng phát ra ánh sáng tối tăm, như kể lại bước thăng trầm của lịch sử. Nhìn bức vẽ chân dung của ông, tôi chỉ cảm thấy ánh mắt ấy lộ ra hung quang, tuyệt đối không phải người lương thiện. Chết oan vào năm bốn mươi chín tuổi, thiết nghĩ chắc cũng đáng nên như thế.

Đi dọc trên đường phố Kyoto, có thể nhìn thấy người xuất gia ở khắp nơi. Họ mang áo cà sa màu đen, đầu đội mũ có chóp nhọn (như nón lá Việt Nam), che khuất mặt mũi. Họ lẳng lặng đứng sang một bên, đầu hơi cúi, đợi đoàn người chúng tôi đi qua rồi mới chậm rãi đi tiếp đường của họ. Tôi quay đầu lại nhìn, chỉ cảm thấy dáng vẻ của họ có gì đó rất thần bí và thanh tịnh.

Tokyo rất hiện đại, nó đem đến cho tôi cảm giác 'ngoại trừ sạch sẽ vẫn là sạch sẽ'. Sữa bò ở đây rất ngon, mùi vị khác xa sữa trong nước. Tôi ăn bốn – năm cây kem sữa bò mỗi ngày, Bạch Nhược Lâm cười trêu tôi, "Ăn dã man quá!" .

Dân ở đây rất lễ phép và lịch sự, hay khom lưng theo thói quen. Tuy chúng tôi không nói tiếng Nhật, nhưng hầu như người Nhật Bản nào cũng có thể nói tiếng Anh, giao tiếp cơ bản không thành vấn đề. Điều khiến tôi bất ngờ nhất chính là, Bạch Nhược Lâm nói tiếng anh rất lưu loát.

Thứ làm người ta khó quên nhất ở Tokyo vẫn là công viên Disneyland, thế giới thần tiên tuyệt vời ông mặt trời. Tại nơi đây, dường như giấc mơ tuổi ấu thơ trở thành sự thật vậy. Kiến trúc châu Âu tráng lệ, hình thức trò chơi thám hiểm rất đa dạng, biểu diễn sống động như thật, món ăn có mùi vị thơm ngon vô cùng. Tôi chưa từng nghĩ tới âm thanh điện tử có thể mô phỏng âm nhạc như thật và còn cả nhân vật hoạt hình nữa. Hóa ra thể loại ca múa nhạc đẳng cấp lớn này lại cảm động đến thế, cảnh tượng nào cũng có thần sắc, khiến người ta cảm thấy giống như thật sự đến vương quốc cổ tích. Nói chung vốn từ của tôi hạn hẹp lắm, không thể miêu tả bật lên được nét đẹp ấy đâu.

Chơi ròng rã cả ngày, dĩ nhiên không thấy mệt chút nào, chỉ tiếc thời gian trôi qua quá nhanh.

Mấy người phụ nữ kia đều mua sắm điên cuồng, tiêu tiền là chủ yếu. Hôm đó mọi người đến khu mua sắm lúc mười giờ, ai cũng phân tán như chim muông, còn tôi theo Bạch Nhược Lâm dạo phố. Chỉ thấy chị bị cuốn hút vào quầy mỹ phẩm, quần áo, đồng hồ đeo tay và trang sức.

Vào cuối mỗi ngày, tôi gần như mệt đến thè lưỡi, hai chân cũng bắt đầu run lẩy bẩy. Nhưng bà chị này mang giày cao gót, lại còn vững như núi Thái Sơn, bước đi như bay. Bực bội nhất là chị ấy rất thích trò thử đồ, phỏng chừng hồi nhỏ chơi búp bê chưa đủ phê. Ở khu bán trang phục, chị ép tôi mặc thử rất nhiều quần áo, váy đầm, hơn nữa còn lộ vẻ kinh diễm và thích thú mỗi khi tôi bước ra khỏi phòng thử. Tôi như biến thành cục mồ hôi di động, hơn nữa cô bán hàng cũng rất nhiệt tình. Chị lựa cho tôi không dưới mười mấy bộ quần áo. Tôi nói 'xin chị đừng xài tiền bậy bạ nữa', vả lại mấy món đồ siêu đắt này có vẻ MADE IN CHINA. Nhưng chị hoàn toàn ngoảnh mặt làm ngơ, căn bản không để ý cảm thụ của tôi, chỉ lo đưa thẻ thanh toán. Kết quả ngồi xe về khách sạn, cốp sau gần như đóng không được.

(1). Trạch nữ: người Nhật gọi đó là những "cô gái cá khô" trong tiểu thuyết ngôn tình thì họ được gọi là "trạch nữ". Tóm lại, đó là những cô gái trẻ tương lai rộng mở nhưng lại chỉ thích ru rú trong nhà, ghét chốn đông người và hầu như quên mất việc hẹn hò.

(2). Oda Nobunaga (1534 – 1582) là một lãnh chúa phong kiến trong thời kỳ Chiến Quốc của lịch sử Nhật Bản. Ông là người có công rất lớn trong việc thống nhất Nhật Bản, chấm dứt thời kỳ chiến loạn kéo dài trên khắp cả nước.

*****

CHƯƠNG 56

Vừa đến khách sạn, tôi lập tức lo lắng không yên, đống đồ kia tốn bao nhiêu tiền, tôi đã tính qua hết rồi, cũng chẳng biết năm nào tháng nào mới có thể thanh toán xong.

"Chị Bạch, chị bảo em phải làm sao bây giờ?" Tôi ủ rũ nói.

"Coi như chị tặng quà cho em gái đi, có gì đâu nè!?" Chị cảm thấy tôi chuyện bé xé ra to.

"Không có công thì không nhận thưởng, hơn nữa quà này quý quá, em không thể nhận được!"

Chị cười tủm tỉm rồi đảo mắt một vòng, "Như vầy đi, em hứa giúp chị một chuyện, coi như đổi công lấy quà, được chứ?"

"Chuyện gì ạ?" Tôi vẻ mặt như đưa đám hỏi, "Không phải kêu em làm ô sin đấy chứ?"

"Ha ha, sao chị nỡ. Tối nay uống rượu với chị đi."

"Uống rượu?!" Hai con ngươi tôi như sắp rơi ra ngoài, "Tửu lượng em kém lắm nha!"

"Yên tâm, chị không bắt em uống xỉn quắc cần câu, mà chỉ uống chung chị một chút thôi. Chơi chán thì về, thế nào?"

"Dạ, vậy cũng được." Vào lúc này, tôi bị người ta nắm dao đằng cán rồi, tôi còn có thể trả giá sao?

Tokyo vào đêm đẹp hơn ban ngày rất nhiều, ánh đèn óng ánh, lập lòe khắp nơi. Quán bar rải đều mọi chỗ, còn có vài người hoá trang xinh đẹp đứng trước khách sạn chào mời khách. Tôi kéo khư khư Bạch Nhược Lâm, chỉ lo chị lại vào mấy cửa hàng kia.

Chị đưa tôi tới một quán ăn thoạt nhìn rất cổ điển. Bên trong khách đã ngồi hết bảy phần mười chỗ, nhưng cũng không ồn ào chút nào. Máy quay đĩa kẽo kẹt phát tin về âm nhạc dân tộc dạo gần đây, có vẻ thanh lịch lại nhàn nhã.

Bà chủ mặc Kimono đã qua năm mươi tuổi, tuy không thể nói là đẹp, nhưng bộ dáng vẫn còn thướt tha lắm.

Ở Nhật Bản, tôi để ý tướng mạo của phụ nữ kỳ thực khá giống nhau, họ đều ăn mặc lịch sự và trang điểm nhàn nhạt. Không có người nào để mặt mộc ra đường cả, rõ ràng họ phải sửa soạn chỉnh chu mới ra ngoài. Mặt khác, khí chất của họ cũng không tệ, từ đồ thường đến trang phục chính thống, đại thể có vẻ rất dịu dàng. Trên đường phố, bạn có thể nhìn thấy mấy cô gái cầm ô, mặc kimono, chân đi guốc gỗ, tựa như nhân vật trong tiểu thuyết của Kawabata Yasunari (1). Cũng gặp hòa thượng mang áo cà sa, vẻ mặt điềm tĩnh, đi lang thang như ẩn sĩ đường phố vậy.

Bạch Nhược Lâm gọi một nồi lẩu thịt bò, cộng thêm một ít cơm cuộn và sashimi. Món ăn thật sự rất ít, cách làm cũng khá tỉ mỉ. Bạch Nhược Lâm gọi thêm chút rượu sake, chị nói đến Nhật Bản mà không uống rượu sake thì chẳng khác nào chưa từng tới.

Tôi dần dần phát hiện, người phụ nữ này cường thế hơn dì Lạc rất nhiều. Khi tôi đi cùng chị, tôi đều phải nghe lời chị. Chị sẽ lấy lý do và phương thức tốt nhất thuyết phục tôi quyết định, cũng không dò hỏi ý kiến của tôi. Cũng may tôi quen nhẫn nại từ bé rồi, huống hồ chị đã có lòng tốt, nên tôi cũng chấp nhận mọi sắp xếp của chị.

Thật ra tôi cần gì phải đem hai người họ ra so sánh đây? Bản thân không phải cán cân thì sao có thể đưa ra đơn vị trọng lượng cơ chứ? Tôi lại cười thầm mình ngốc quá.

Ăn uống xong xuôi, chúng tôi đến một quán rượu có biểu diễn văn nghệ xem ca vũ, rồi lại uống chút rượu đỏ. Thật ra tôi không biết thưởng thức rượu cho lắm, xưa nay cũng chẳng thấy nó có gì ngon. Chẳng hạn như rượu sake, tôi chỉ thấy nó chua chua, ngọt ngọt, không thơm ngon gì mấy. Còn rượu đỏ lại hơi chát chát, làm răng tôi cũng có chút ê buốt. Uống hai loại rượu vào bụng, tôi đã hoàn toàn mơ hồ, chỉ cảm thấy đầu váng mắt hoa, nhìn gì cũng lờ mờ, chỉ muốn nhắm chặt mắt lại thôi, nhưng thật kỳ quái, dòng suy nghĩ của tôi vẫn rất rõ ràng. Tôi cảm nhận được Bạch Nhược Lâm đỡ tôi ngồi vào taxi, rồi ôm đầu tôi vào khuỷu tay. Tôi còn ngửi được mùi thơm dễ chịu quẩn quanh nữa.

Đến khách sạn, chị dìu tôi vào phòng của chị. Lần này chúng tôi ở trọ kiểu home town, mỗi người ngủ một phòng nhỏ. Tôi vừa thấy không phải phòng mình, liền lẩm bẩm nói phải đi về, tránh khỏi nôn bừa lên giường chị. Song chị vẫn kiên định như cũ, đặt đầu tôi lên giường, cởi giày và áo khoác cho tôi, sau đó lại dùng khăn lông nóng lau cổ lau mặt. Tôi bị rượu hành có cảm giác rất nóng, chị lại còn lấy khăn nóng lau làm tôi nhiệt huyết sôi trào. Tôi kêu nóng, xốc chăn ra, ngay cả quần cũng cởi luôn, chỉ chừa lại quần chip nhỏ và áo T-shirt.

Một lát sau, tôi cảm thấy rất khó chịu, có lẽ tại trong nóng ngoài lạnh.

"Em khó chịu quá!" Tôi hét lên.

Bạch Nhược Lâm lập tức đến đỡ tôi ngồi dậy, nửa ôm tôi. Tôi chỉ cảm thấy buồn nôn, "Oẹ" một tiếng liền nôn hết lên người chị.

"Chết rồi... hic!" tôi xấu hổ chết đi được.

Chị đành phải đứng lên cởi quần áo vứt xuống đất, rất nhanh chỉ chừa lại bộ nội y màu đen.

Sau khi nôn xong, tôi thấy thoải mái rất nhiều. Lại nghĩ đến chuyện ngày đó tặng chị nước hoa, không khỏi bật cười.

Chị vừa quay đầu lại phát hiện tôi đang cười, sẵng giọng, "Em ói đầy ra đó, lại còn cười?"

"Chị Bạch, tại em nghĩ đến Marilyn Monroe, giờ nhìn chị y chang bà ấy!"

"Xỉn rồi mà còn trêu chọc người ta." Chị trực tiếp đi về phía tôi rồi ngồi xuống bên cạnh, sau đó lấy tay cù vào nách tôi. Từ nhỏ tôi đã sợ trò này rồi, nhột không chịu nổi.

"Ai u, tha cho em đi, em không dám nữa." Tôi liều mạng xin tha.

"Được rồi, thấy em đáng thương quá, tha đó." Chị nói xong liền ngưng động tác.

Tôi thấy chị vừa mất cảnh giác liền tập kích bất ngờ, ngược lại chị che thân như chim ấp tổ, vừa trốn vừa phản kích lại tôi. Hai người đùa giỡn lôi qua kéo lại —— kéo luôn áo ngực của chị xuống.

Tôi xin thề, tôi không có cố ý!

(1). Kawabata Yasunari: (1899 – 1972) là tiểu thuyết gia người Nhật đầu tiên và người châu Á thứ ba, sau Rabindranath Tagore (Ấn Độ năm 1913) và Shmuel Yosef Agnon (Israel năm 1966), đoạt Giải Nobel Văn học năm 1968, đúng dịp kỷ niệm 100 năm hiện đại hóa văn học Nhật Bản tính từ cuộc Duy Tân của Minh Trị Thiên Hoàng năm 1868. Những sáng tác văn chương, những tiểu luận mỹ học và phê bình văn học của Kawabata Yasunari, qua thời gian vẫn luôn đem lại hấp lực mạnh mẽ đối với nhiều nhà phương Đông học trên khắp các châu lục, có sức lôi cuốn rộng rãi độc giả trên thế giới, phản ảnh nhiều phương diện của văn hóa Nhật cũng như những rung cảm đầy đam mê mà tinh tế của tâm hồn Nhật.



Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net