Chương 81 + 82

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

CHƯƠNG 81

Khí trời càng ngày càng ấm áp, công ty tổ chức đi cổ trấn Tây Đường (1) du ngoạn.

Cả đoàn người làm trấn nhỏ yên tĩnh náo nhiệt hẳn lên.

Hướng dẫn du lịch đi ở phía trước, cầm loa không ngừng giới thiệu lịch sử của từng cảnh điểm. Tôi chỉ cảm thấy vừa om sòm lại vừa nhàm chán.

Thật ra thì chỗ như thế này không thích hợp cho cả đại đội kéo tới. Một hai người dạo vòng quanh có lẽ sẽ cảm thấy đẹp hơn chút.

Kiến trúc được chạm trổ cầu kỳ. Tuy lịch sử tang thương, ảm đạm, nhưng không khí rất an tĩnh, đẹp đẽ. Thế hệ tương lai hết lần này tới lần khác viết bừa vẽ bậy lên di tích, giờ lại còn lớn tiếng kêu la chuyện xưa. Có vài quầy hàng, khách sạn nhỏ, vì muốn thu hút khách hàng mà cố ý viết chữ to đùng lên bảng hiệu đỏ chói để gây khác biệt với mấy nơi còn lại. Thô tục đến xúc phạm người nhìn!

Tôi tẻ nhạt lết đi sau cùng, ngay cả máy ảnh cũng lười lấy ra chụp.

Tiểu Chu nghĩ tôi mệt mỏi khó chịu, nên chậm rãi thong thả đi kế bên.

Tôi nói muốn tìm một chỗ ngỗi nghỉ ngơi, bảo chị đi trước với mọi người đi. Chị dặn dò tôi cẩn thận một chút, sau đó chạy theo đoàn người trước mặt.

Tôi lững thững đi không mục đích, láng máng nghe thấy tiếng cổ nhạc truyền đến.

Tôi đi theo tiếng nhạc, dần dần vào một hành lang dài quanh co, bờ bên kia có một sân khấu nhỏ, có hai cô gái trẻ tuổi đang ca múa.

Tôi ngồi dưới hành lang, cách tiếng nước chảy, nghe cái người tên Bảo Ngọc kia hát nói:

"Nhớ ngày đó muội muội từ Giang Nam mới đến, làm Bảo Ngọc vui vẻ cả ngày.

Nay huynh thổ lộ hết lòng mình, mến yêu gì đó tùy muội chọn lựa.

Huynh sợ nha hoàn kia hầu hạ không chu đáo, nên tự mình tới chăm sóc muội.

Khi muội phiền não, huynh lo lắng. Khi muội nói chuyện, huynh là người cười đầu tiên.

Huynh và muội ngồi cùng bàn ăn cơm, ngủ chung một giường, giống như anh em một mẹ sinh ra.

Thân thiết lâu ngày mới thấy được tình nghĩa tốt đẹp của hai ta.

Nào ngờ muội muội tâm cũng lớn quá, chẳng thèm liếc mắt tới huynh một cái.

Ba bốn ngày muội không để ý tới huynh, khiến cho Bảo Ngọc thất hồn lạc phách, ưu tư phiền não.

Huynh có lỗi, muội đánh cũng được, mắng cũng tốt. Tại sao lại xa lánh, vứt bỏ huynh đi?

Muội buồn, muội khóc cũng được mà. Tại sao lại tự ôm lấy sầu bi hết cả vào người?

Muội nói huynh ngu dốt, nhưng huynh có thể chết vì muội, cũng thà khất chết để quỷ hồn khó bắt."

Bảo Ngọc nức nở hát, u oán mà thâm tình. Bất giác nghe đến ngây dại, "Huynh vì muội một thân bệnh tật". Trên thế giới này, rốt cuộc còn sót lại bao nhiêu kẻ ngốc si tình đây?

Điện thoại vang lên, cắt đút suy nghĩ trong đầu.

"Tiểu Chu? Có chuyện gì ạ?"

"Thỏ Con, em mau tới đây ăn chút gì đi, bọn chị đang chờ em ở quán trà phía trước nè."

"Dạ." Làm phiền chị và mọi người quá.

Tôi quay đầu nhìn Bảo Ngọc cùng Đại Ngọc ở bờ bên kia, trong lòng thầm nói câu "tạm biệt". Đời này kiếp này, đại khái sẽ không bao giờ... nghe được tiếng hát của họ nữa.

Tôi đi về phía trước một đoạn ngắn, lập tức đến một quán trà. Đi vào mới phát hiện bên trong có rất nhiều đồng nghiệp tụm năm tụm ba vây trước bàn như tiệc cưới xin, tang ma. Cái bàn rất nhỏ, bày biện sát nhau.

"Thỏ Con, ở đây nè!" Tiểu Chu gọi tôi.

Tôi ngó theo tiếng kêu, thấy dì Lạc đang ngồi bàn kề cận. Dì cũng nghe Tiểu Chu gọi tôi, quay đầu lại nhìn tôi một cái, cũng không mang theo biểu tình gì, sau đó quay đầu lại tiếp tục uống trà.

Tôi đi tới ngồi xuống, đưa lưng về phía dì. Trên bàn bày trứng luộc, củ sen, đậu phộng và vài đặc sản tôi không nhớ tên. Tất cả mọi người líu ríu trò chuyện, ăn quà vặt.

"Thỏ Con, em vừa đi đâu vậy?" Tiểu Chu hỏi tôi.

"Bên kia đang ca múa, em đi nghe một chút."

"Thỏ Con có thể nghe hiểu Việt Kịch (2) hả?!" Một cô gái lớn giọng như phát hiện châu lục mới.

"Toàn dân Nam Phương đều có thể nghe hiểu mà!"

"Là sao? Chị cũng dân Nam Phương này, nghe có hiểu gì đâu!?"

"Chắc là chức năng ngôn ngữ của chị chưa hoàn thiện hết đó." Tôi trêu ghẹo chị.

"Hừ, chị không tin. Để chị hỏi người khác. Lạc tổng!" Chị kêu một tiếng.

"Hửm?" Dì Lạc quay đầu lại nhìn chúng tôi.

"Chị nghe Việt Kịch có hiểu không? Thỏ Con nói dân Nam Phương đều nghe hiểu kìa!"

Tôi cũng quay đầu lại, đợi dì trả lời.

Dì nhìn tôi một cái, khẽ cười hạ giọng nói, "Tôi cũng nghe không hiểu."

"Ha ha, chị đã nói rồi mà!" Cô gái kia cười nói.

"Thật ạ?" Quỷ thần xui khiến, tôi cư nhiên nhìn vào mắt dì Lạc, giống như không thể tin, hỏi lại.

"Ừ, không hiểu." Dì hạ tầm mắt, rồi lập tức ngoảnh đầu đi, không nói thêm gì nữa.

Tôi quay đầu lại, trong lòng buồn buồn. Tại sao dì lại nói dối? Dì không thể không hiểu! Chẳng biết tại sao, trong lòng tôi cứ cố chấp cho là vậy.

(1) Cổ trấn Tây Đường: Nằm cách Thượng Hải 80 km, cổ trấn Tây Đường ở huyện Gia Thiện, Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) mê hoặc du khách với không gian cổ kính, trữ tình. Nơi đây gây ấn tượng với du khách bởi những chiếc cầu nhỏ xinh đẹp bắc qua dòng kênh. Cổ trấn Tây Đường có hàng nghìn nhà, miếu cổ độc đáo, rêu phong giữa không gian bình yên. Tuy cổ trấn này đã có hơn một ngàn năm lịch sử, nhưng vẫn tràn đầy sức sống.

(2) Việt Kịch: là tuồng truyền thống thịnh hành ở tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc, đặc điểm của Việt kịch là diễn viên hầu như đều là nữ, làn điệu du dương, uyển chuyển, rất được khán giả ưa thích.

*****

CHƯƠNG 82

Buổi tối, dừng chân ở một khách sạn mới. Ăn xong cơm tối, nam đi đánh bài, nữ tụ tập trong phòng khách ca hát, còn khui cả rượu đỏ, không khí rất H.

"Thỏ Con, hay là em hát Việt Kịch cho tụi chị nghe đi." Lại là cô gái kia.

"Chẳng phải chị nghe không hiểu sao?"

"Nghe không hiểu, nhưng chị xem phụ đề là được mà."

"Chị nghĩ xem phụ đề là hiểu hả!"

"Thỏ Con, em hát lẹ đi." Tiểu Chu ở bên cạnh cười khuyên nhủ.

"Đúng rồi. Ai cũng hát hết rồi, tới lượt em đó!" Người bên trên cũng mở miệng nói.

Lúc này mà cự tuyệt nữa thì có vẻ quá hẹp hòi. Tôi vốn cũng không sợ hát giữa đám đông.

"Hát thì hát, nghe không hiểu thì nhìn phụ đề nha!" Tôi do dự, nên hát đoạn nào đây?

Việt Kịch xuất hiện mang đến đủ điều kỳ diệu. Từ nhỏ tôi đã được bà hát cho nghe mãi, mưa dầm thấm đất, mấy trích đoạn cũng coi như quen thuộc.

Tôi quay đầu lại nhìn dì. Dì đang ngồi ở phía xa, dưới ánh đèn tối tăm, tôi không thể thấy rõ nét mặt của dì, dường như dì đang chuyên chú nghe ca hát.

Tôi đột nhiên nghĩ đến chuyện xưa của Lục Du và Đường Uyển (1), hai người bị bức ép chia tay. Nhiều năm sau, Lục Du đến vườn Thẩm du ngoạn gặp lại Đường Uyển, lúc này bà đã tái giá nên ông mới viết bài thơ tên "Thoa đầu phượng" tặng bà.

"Tay xinh gửi rượu hoàng đằng,

Đầy thành xuân sắc, bền tường liễu xanh.

Gió đông ác nghiệt đã đành,

Ai hay bạc cả ân tình vì đâu.

Lòng riêng đeo nặng mối sầu,

Bao năm xa cách đơn cô một mình.

Sai! Sai! Sai! Xót xa tình.

Người ơi, gầy võ dáng hình vì xuân

Lụa hồng thấm ngấn lệ hoen,

Hoa đào rơi rụng lầu xuân vắng người.

Minh sơn thệ hải bao lời,

Mà phong thư gấm gởi người được đâu.

Thôi đừng phiền lụy chi nhau.

Đừng! Đừng! Đừng!"

Một câu chuyện thương tâm xưa cũ lưu truyền thiên cổ, hôm nay nhớ tới, lại cảm thấy thân thuộc xiết bao. Có biết bao chuyện xưa, biết bao tình yêu bị thời gian mài mòn đến tàn lụi. Vì tâm còn chưa chết, hay chỉ muốn hỏi một câu, tại sao?

DJ nói không tìm được ca khúc này, tôi bảo không sao.

Tôi cầm micro lên nói:

"Không có âm nhạc nên em sẽ hát chay một đoạn." Mấy người Tiểu Chu ở phía dưới vỗ tay rền vang.

"Trôi dạt tha phương ba năm lưu đày..." (2)

Một câu mở đầu, dù làn điệu có hơi cao, nhưng lại uyển chuyển lưu loát, làm liền một mạch.

Tôi cảm thấy chung quanh trở nên rất an tĩnh, chắc ai cũng thấy mới lạ.

Tôi tiếp tục hát:

"Cuối xuân về lại Thẩm Viên cũ

Dương liễu sánh vai, én có nhạn bồi

Mình ta lang thang thư kiếm buông lơi.

Hoa dễ rơi

Ta dễ say

Nước mất nhà tan vẫn nhớ nhung hoài

"Cùng đi Phúc Châu" — ngày ấy ta mời gọi

"Giang rộng đôi cánh cùng bay thành đôi."

Uyển muội —

ta đã từng hỏi.

Chìm trong cơn say cùng đông phong

Chuyện xưa như khói nào bóng tăm"

Ca từ ưu thương đan xen giữa yêu và hận. Tôi nghỉ một lát, tiếng vỗ tay lại vang lên, tôi phát giác nước mắt hoen mi tự bao giờ.

Tiếp tục hát:

"Người sao xa vắng từ đêm biệt?

Thư gửi trùng trùng không hồi âm?

Gương đã vỡ rồi sao vỡ mãi?

Đoá mai sao luôn chịu gió đông?"

Một câu hỏi như đánh thẳng vào linh hồn, huyết lệ hỏi ông trời, ông trời không nói.

Tôi cảm giác giọng mình dần khàn khàn:

"Lời thề ước hẹn còn văng vẳng

Khoảng trống biệt ly đến não lòng

Thẩm Viên nhiều liễu, vô tình liễu

Gieo nỗi u hoài, lá rụng khắp sân."

Hát đến khúc cuối, chỉ cảm thấy vô tận cô đơn. Tôi đặt micro xuống, bả vai tựa như đang gánh chịu quả tạ ngàn cân.

Tiếng vỗ tay lại vang lên lần nữa, còn có người hô "Hay". Tôi khẽ cúi người cảm tạ. Lúc ngẩng đầu lên, ánh mắt lướt qua mọi người, dì ngồi trơ trọi dưới ngọn đèn leo lét, vẫn không thấy rõ vẻ mặt.

Tôi trực tiếp rời khỏi ghế ngồi, chạy vào toilet.

Nhìn vào gương, nước mắt lăn xuống.

Không yêu sẽ không phải chịu nỗi đau thất tình. Tình yêu của tôi chính là một giấc mộng, một cơn ảo giác, một vở kịch tình yêu do tôi tự biên tự diễn, nhưng lại không có người cụ thể.

Kẻ điên như tôi đã bi thảm đến tận xương tủy rồi.

Dì thật sự nghe không hiểu sao?

(1) Lục Du và Đường Uyển: Lục Du (1125 – 1210), thi nhân trứ danh thời Nam Tống, ông có một người em họ con cô cậu tên Đường Uyển. Đường Uyển từ bé tính cách dịu dàng ít nói, điềm đạm văn nhã, tú mỹ, vô cùng tài hoa. Lục Du từng lấy một cây thoa phượng gia truyền hết sức tinh mỹ không gì bằng, làm tín vật đính ước với nhà họ Đường. Khoảng năm Lục Du 20 tuổi đã thành hôn với cô em họ Đường Uyển.

Đôi vợ chồng tài hoa, chung sống tâm đầu ý hợp. Không ngờ mẹ Lục Du đố kỵ với tài hoa của Đường Uyển, bất mãn trước cảnh yêu thương quấn quít của Đường Uyển và Lục Du, lấy lý do Đường Uyển chậm có con, vợ chồng ân ái mặn nồng làm ảnh hưởng đến tiền trình của Lục Du, ra lệnh cho Lục Du phải bỏ Đường Uyển. Thời đó, việc thuận theo mệnh lệnh cha mẹ là biểu hiện của đạo Hiếu. Lục Du ban đầu làm một ngôi nhà nhỏ, đưa Đường Uyển ra lánh tạm một thời gian, sau bị mẹ phát giác, buộc đôi vợ chồng phải chia ly. Lục Du bị mẹ bức bách lấy một cô gái ôn thuận bổn phận họ Vương làm vợ, còn Đường Uyển khi về nhà bị cha bắt ép lấy một người tên Triệu Sĩ Trình.

Hơn 10 năm sau, trong một lần đi chơi xuân tại vườn Thẩm, Lục Du tình cờ gặp lại Đường Uyển đang đi cùng chồng. Hai người nhìn nhau vô cùng đau khổ. Đường Uyển lấy tình anh em họ, xin phép chồng tự tay rót một ly rượu kính Lục Du.

Lục Du uống hết ly rượu, đau thương dâng đầy không nói thành lời, bèn viết lên tường khu vườn một bài Từ có tên "Thoa Đầu Phượng", viết xong, từ tạ mà đi. Sau buổi đó ít lâu, cô lâm bệnh nặng và mất.

(2) Bản dịch trích đoạn trong bài Việt Kịch "Lưu lạc thiên nhai" do chị idlehouse dịch.



Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net