Cach viet nghi luan van hoc

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Phương pháp giúp học sinh 12 làm tốt bài văn nghị luận Thứ sáu, 17 Tháng 12 2010 20:24

RÈN LUYỆN KĨ NĂNG

LÀM BÀI VĂN NGHỊ LUẬN VĂN HỌC

A. KHÁI QUÁT VỀ VĂN NGHỊ LUẬN

- Văn nghị luận là dùng ý kiến lí lẽ của mình để bàn bạc, để thuyết phục người khác về một vấn đề nào đó. Để thuyết phục được ý kiến phải đúng và thái độ phải đúng. Có thể gọi ý kiến là lý còn thái độ là tình. Có khi ý kiến đúng mà thái độ không đúng thì cũng kém giá trị và tác dụng. Có ý kiến đúng và thái độ đúng rồi lại phải có cách nghị luận hợp lý nữa.

Yêu cầu bài văn nghị luận: Phải đúng hướng, phải trật tự, phải mạch lạc, phải trong sáng, phải sinh động, hấp dẫn, sáng tạo.

- Những thao tác chính của văn nghị luận: giải thích, chứng minh, phân tích, bình luận, bác bỏ, so sánh,…

- Nghị luận văn học là một dạng nghị luận mà các vấn đề đưa ra bàn luận là các vấn đề về văn học: tác phẩm, tác giả, thời đại văn học,…

- Khi hướng dẫn học sinh làm bài văn nghị luận văn học cần chú ý các yêu cầu sau đây:

+ Củng cố cho học sinh nắm chắc các thao tác nghị luận về đoạn thơ, bài thơ, đoạn trích, tác phẩm văn xuôi.

+ Củng cố kiến thức cơ bản ở mỗi tác phẩm văn học như: tác giả, hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, giá trị tư tưởng,…

+ Đối với thơ, cần chú ý đến hình thức thể hiện (hình ảnh, nhịp điệu, cấu trúc, biện pháp tu từ,..).

+ Đối với tác phẩm văn xuôi: cú ý đến cốt truyện, nhân vật, tình tiết, các dẫn chứng chính xác, giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo, tình huống truyện,…

B. CÁCH LÀM MỘT BÀI NGHỊ LUẬN VĂN HỌC

I. Tìm hiểu đề

- Cần khắc sâu cho học sinh tầm quan trọng của việc tìm hiểu đề, cần trả lời cho được 4 câu hỏi sau đây:

1. Đề đặt ra vấn đề gì cần giải quyết? Viết lại rõ ràng luận đề ra giấy.

Có 2 dạng đề:

- Đề nổi, các em dễ dàng nhận ra và gạch dưới luận đề trong đề bài.

- Đề chìm, các em cần nhớ lại bài học về tác phẩm ấy, dựa vào chủ đề của bài đó mà xác định luận đề.

2. Đề yêu cầu nghị luận theo kiểu bài nào? Dưới đây là dạng đề thường gặp:

- Bình giảng một đoạn thơ

- Phân tích một bài thơ.

- Phân tích một đoạn thơ.

- Phân tích một vấn đề trong tác phẩm văn xuôi.

- Phân tích nhân vật.

- Phân tích một hình tượng

- Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật,…

3. Cần sử dụng những thao tác nghị luận nào, thao tác nào chính?

4. Để giải quyết vấn đề cần sử dụng những dẫn chứng nào? Ở đâu?

II. Tìm ý và lập dàn ý

1. Tìm ý:

- Tự tái hiện lại kiến thức đã học về những giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm đang bàn đến.

- Tự suy nghĩ và trả lời các câu hỏi:

+ Xác định giá trị nội dung, tư tưởng: tác phẩm ấy chứa đựng bao nhiêu nội dung. Đó là những nội dung nào?; Qua mỗi nội dung, tác giả thể hiện thái độ, tình cảm gì? Nhà văn muốn gởi gắm thông điệp gì đến người đọc?

+ Xác định giá trị nghệ thuật: để làm bật lên giá trị nội dung, nhà văn đã sử dụng những hình thức nghệ thuật nào?; Thủ pháp nghệ thuật quan trọng nhất mà tác giả sử dụng để gây ấn tượng cho người đọc là thủ pháp gì?; Chi tiết nào, hình ảnh nào,…làm em thích thú nhất? Vì sao? Nhà văn đã sử dụng nghệ thuật gì ở đó?

(Cần lưu ý, việc phân chia hai vấn đề nội dung, hình thức để dễ tìm ý, nhưng khi phân tích thì không nên tác rời giá trị nội dung và nghệ thuật.)

2. Lập dàn ý:

Dựa trên các ý đã tìm được, học sinh cần phát họa ra 2 dàn ý sơ lược. Cần chú ý học sinh: khi lập dàn ý và triển khai ý phải đảm bảo bốc cục 3 phần của bài văn, nếu thiếu một phần, bài văn sẽ không hoàn chỉnh và bị đánh giá thấp.

Dưới đây là dàn ý cơ bản của một bài văn phân tích tác phẩm.

* Mở bài:

- Giới thiệu vài nét lớn về tác giả.

- Giới thiệu hoàn cảnh ra đời tác phẩm, xuất xứ tác phẩm.

- Giới thiệu luận đề cần giải quyết. (cần bám sát đề bài để giới thiệu lau65n đề cho rõ ràng, chính xác. Luận đề cần dẫn lại nguyên văn yêu cầu của đề).

* Thân bài:

- Nêu luận điểm 1 – luận cứ 1 – luận cứ 2,…(Các luận điểm, luận cứ này chính là các ý 1,2,3…ý a, ýb,..mà các thầy cô đã giảng dạy trong bài học về tác phẩm ấy).

Học sinh cần chỉ ra giá trị nội dung thứ nhất là gì, trong đó chứa đựng giá trị nghệ thuật gì?, giá trị tư tưởng tình cảm gì?,…

- Nêu luận điểm 2 – luận cứ 1 – luận cứ 2,…Cần chỉ ra giá trị nội dung thứ 2, trong đó chứa đựng giá trị nghệ thuật gì, giá trị tư tưởng tình cảm gì?,…

-------------

- Nhận định chung: khắc sâu giá trị tư tưởng – chỉ ra thành công về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm (so sánh với các tác phẩm khác cùng thời) và nêu hạn chế của nó (nếu có).

* Kết bài:

Khẳng định giá trị văn học của tác phẩm ở 2 mặt nội dung và nghệ thuật.

Sau khi đã có dàn ý, học sinh cần phải biết dựng đoạn dựa theo các luận điểm vừa tìm ra.

3. Cách dựng đoạn và liên kết đoạn:

* Dựng đoạn:

Cần nhận thức rõ mỗi luận điểm phải được tách ra thành một đoạn văn nghị luận (Phải xuống dòng và lùi đầu dòng, chữ đầu tiên phải viết hoa)

Một đoạn văn nghị luận thông thường cần chứa đựng một số loại câu sau đây:

- Câu chủ đoạn: nêu lên luận điểm của cả đoạn, câu chủ đoạn cần ngắn gọn rõ ràng.

- Câu phát triển đoạn: gồm một số câu liên kết nhau: câu giải thích, câu dẫn chứng, câu phân tích dẫn chứng, câu so sánh, câu bình luận,…

- Câu kết đoạn: là câu nhận xét, đánh giá vấn đề vừa triển khai, tiểu kết cả đoạn.

* Liên kết đoạn:

Các đoạn văn trong bài văn đều cần có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Có 2 mối liên kết: liên kết nội dung và liên kết hình thức.

- Liên kết nội dung:

+ Tất cả đoạn văn trong bài văn bắt buộc phải có liên kết nội dung, nghĩa là mỗi đoạn văn đều phải hướng vào luận đề, làm rõ luận đề. Nếu không thì bài văn sẽ trở nên lan man, xa đề, lạc đề.

+ Có thể thấy sự liên kết nội dung qua những từ ngữ xuất hiện trong mỗi đoạn văn. Các từ ngữ quan trọng trong luận đề (hoặc những từ ngữ trong cùng một trường từ vựng ấy) thường xuất hiện nhiều lần, lặp đi lặp lại nhiều lần trong các đoạn văn.

- Liên kết hình thức:

+ Bên cạnh sự liên kết nội dung ở các đoạn văn, giáo viên cần chỉ ra cho các em cách liên kết hình thức để giúp cho việc triển khai ý thêm dễ dàng, làm cho bài văn trở nên dễ đọc, dễ hiểu, có tính mạch lạc, rõ ràng.

+ Liên kết hình thức có thể thấy rõ qua các câu nối hoặc từ ngữ liên kết đoạn nằm đầu mỗi đoạn văn.

+ Tùy theo mối quan hệ giữa các đoạn văn mà ta có thể dùng các từ ngữ liên kết đoạn khác nhau, dưới đây là một số từ ngữ mà tần số xuất hiện rất nhiều trong các bài làm văn. (Trước tiên, tiếp theo đó, ở khổ thơ thứ nhất, sang khổ thơ thứ hai,…; Bên cạnh đó, song song đó, không những thế, song, nhưng,…; Về cơ bản, về phương diện, có thể nói, cũng có khi, rõ ràng, chính vì, tất nhiên,…; Nếu như, nếu chỉ có thể, thế là, dĩ nhiên, thực tế là, vẫn là, có lẽ,…; Cũng cần nói thêm, trở lại vấn đề,…; Cho dù, mặc dù vậy, nếu như ở trên,…; Nhìn chung, nói tóm lại,…)

C. MỘT SỐ DẠNG ĐỀ NGHỊ LUẬN VĂN HỌC

I. Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ.

Thường có các nội dung sau:

- Giới thiệu khái quát về bài thơ, đoạn thơ.

- Bàn về giá trị nội dung và nghệ thuật cảu bài thơ, đoạn thơ.

- Đánh giá chung về bài thơ, đoạn thơ.

1. Yêu cầu.

- Đọc kĩ một đoạn thơ, bài thơ nắm: hoàn cảnh, nội dung, vị trí,…

- Đoạn thơ bài thơ có những hình ảnh, ngôn ngữ gì đặc biệt.

- Đoạn thơ, bài thơ thể hiện phong cách nghệ thuật, tư tưởng tình cảm của tác giả như thế nào?

2. Các bước tiến hành

a. Tìm hiểu đề:

- Đọc kĩ đề, xác định nội dung nghị luận trong bài thơ, đoạn thơ?

- Thao tác lập luận.

- Phạm vi dẫn chứng.

b. Tìm ý: có nhiều cách tìm ý:

* Tìm ý bằng cách lập câu hỏi: tác phẩm hay ở chỗ nào? Nó xúc động ở tình cảm, tư tưởng gì? Cái hay thể hiện ở hình thức nghệ thuật nào? Hình thức đó được xây dựng bằng những thủ pháp nào?

* Tìm ý bằng cách đi sâu vào những hình ảnh, từ ngữ, tầng nghĩa của tác phẩm,…

c. Lập dàn ý:

* Mở bài:

- Giới thiệu tác giả, giới thiệu bài thơ, đoạn thơ (hoàn cảnh sáng tác, vị trí,…)

- Dẫn bài thơ, đoạn thơ.

* Thân bài:

- Làm rõ nội dung tư tưởng, nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ (dựa theo các ý tìm được ở phần tìm ý).

- Bình luận về vị trí đoạn thơ, đoạn thơ.

* Kết bài:

Đánh giá vai trò và ý nghĩa đoạn thơ, bài thơ trong việc thể hiện nội dung tư tưởng và phong cách nghệ thuật của nhà thơ.

II. Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học.

1. Yêu cầu.

- Nắm rõ nhận định, nội dung của nhận định đề cập đến.

- Nghị luận cần phải có những hiểu biết về văn học.

- Nắm rõ tính hiện thực, tính nhân đạo, ngôn ngữ văn học.

- Thành thạo các thao tác nghị luận.

2. Các bước tiến hành:

a. Tìm hiểu đề:

- Xác định luận đề: nội dung ý kiến, nhận định.

- Xác định thao tác.

- Phạm vi tư liệu.

b. Tìm ý.

c. Lập dàn ý:

* Mở bài:

- Giới thiệu khái quát ý kiến, nhận định…

- Dẫn ra nguyên văn ý kiến đó.

* Thân bài: triển khai các ý, vận dụng các thao tác để làm rõ nhận định.

* Kết bài: khẳng định lại vấn đề, nêu ý nghĩa, liên hệ bản thân.

III. Nghị luận về một tác phẩm, đoạn trích văn xuôi

1. Yêu cầu:

- Giới thiệu tác phẩm hoặc đoạn trích văn xuôi cần nghị luận.

- Phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật theo định hướng của đề hoặc một số khía cạnh đặc sắc nhất của tác phẩm đoạn trích.

- Nêu đánh giá chung về tác phẩm, đoạn trích.

2. Các bước tiến hành

a. Tìm hiểu đề:

- Đọc kĩ đề, xác định vấn đề cần làm rõ.

- Các thao tác nghị luận.

- Phạm vi dẫn chứng.

b. Tìm ý:

c. Lập dàn ý:

* Mở bài:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm (xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác,…)

- Dẫn nội dung nghị luận.

* Thân bài:

- Ý khái quát : tóm tắt tác phẩm

- Làm rõ nội dung nghệ thuật theo định hướng của đề

- Nêu cảm nhận, đánh giá về tác phẩm, đoạn trích.

* Kết bài:

 Nhận xét, đánh giá khái quát tác phẩm, đoạn trích (cái hay, độc đáo)

1. Nghị luận về một tình huống trong tác phẩm, đoạn trích văn xuôi.

a. Mở bài:

- Giới thiệu về tác giả, vị trí văn học của tác giả. (có thể nêu phong cách).

- Giới thiệu về tác phẩm (đánh giá sơ lược về tác phẩm).

- Nêu nhiệm vụ nghị luận

b. Thân bài:

- Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác

Tình huống truyện: Tình huống truyện giữ vai trò là hạt nhân của cấu trúc thể loại. Nó là cái hoàn cảnh riêng được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt, khiến tại đó cuộc sống hiện lên đậm đặc nhất, ý đồ tư tưởng của tác giả cũng bộc lộ đậm nét nhất.

- Phân tích các phương diện cụ thể của tình huống và ý nghĩa của tình huống đó.

+ Tình huống 1....ý nghĩa và tác dụng đối với tác phẩm.

+ Tình huống 2...ý nghĩa và tác dụng đối với tác phẩm.

......

- Bình luận về giá trị của tình huống

c. Kết bài:

- Đánh giá ý nghĩa vấn đề đối với sự thành công của tác phẩm

- Cảm nhận của bản thân về tình huống đó.

2. Nghị luận về một nhân vật, nhóm nhân vật trong tác phẩm, đoạn trích văn xuôi.

a. Mở bài:

- Giới thiệu về tác giả, vị trí văn học của tác giả. (có thể nêu phong cách).

- Giới thiệu về tác phẩm (đánh giá sơ lược về tác phẩm), nêu nhân vật.

- Nêu nhiệm vụ nghị luận

b. Thân bài:

- Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác

- Phân tích các biểu hiện tính cách, phẩm chất nhân vật.

(chú ý các sự kiện chính, các biến cố, tâm trạng thái độ nhân vật...)

- Đánh giá về nhân vật đối với tác phẩm

c. Kết bài:

- Đánh giá nhân vật đối với sự thành công của tác phẩm, của văn học dân tộc.

- Cảm nhận của bản thân về nhân vật đó

3. Nghị luận về giá trị của tác phẩm, đoạn trích văn xuôi.

3.1. Dàn bài giá trị nhân đạo.

a. Mở bài:

- Giới thiệu về tác giả, tác phẩm.

- Giới thiệu về giá trị nhân đạo.

- Nêu nhiệm vụ nghị luận

b. Thân bài:

- Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác

- Giải thích khái niệm nhân đạo: Giá trị nhân đạo là một giá trị cơ bản của văn học chân chính, được tạo nên bởi niềm cảm thông sâu sắc với nỗi đau của con người, sự nâng niu trân trọng những nét đẹp trong tâm hồn con người và lòng tin vào khả năng vươn dậy của họ.

- Phân tích các biểu hiện của giá trị nhân đạo:

+ Tố cáo chế độ thống trị đối với con người.

+ Bênh vực và cảm thông sâu sắc đối với số phận bất hạnh con người.

+ Trân trọng khát vọng tư do, hạnh phúc và nhân phẩm tốt đẹp con người.

+ Đồng tình với khát vọng và ước mơ con người.

- Đánh giá về giá trị nhân đạo.

c. Kêt bài:

- Đánh giá ý nghĩa vấn đề đối với sự thành công của tác phẩm

- Cảm nhận của bản thân về vấn đề đó

3.2. Dàn bài giá trị hiện thực.

a. Mở bài:

- Giới thiệu về tác giả, tác phẩm.

- Giới thiệu về giá trị hiện thực

- Nêu nhiệm vụ nghị luận

b. Thân bài:

- Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác

- Giải thích khái niệm hiện thực:

+ Khả năng phản ánh trung thành đời sống xã hội một cách khách quan trung thực.

+ Xem trọng yếu tố hiện thực và lí giải nó bằng cơ sở xã hội lịch sử.

- Phân tích các biểu hiện của giá trị hiện thực:

+ Phản ánh đời sống xã hội lịch sử trung thực.

+ Khắc họa đời sống, nội tâm trung thực của con người.

+ Giá trị hiện thực có sức mạnh tố cáo (hay ca ngợi) xã hội, chế độ.

- Đánh giá về giá trị hiện thực.

c. Kết bài:

- Đánh giá ý nghĩa vấn đề đối với sự thành công của tác phẩm

- Cảm nhận của bản thân về vấn đề đó

Thủ thuật ghi điểm bài nghị luận văn học

08:46 AM | 14/03/2011

Teen 12 chú ý đặc biệt nhé!

Nghị luận văn học thường chiếm nửa tổng số điểm trong một bài thi môn Văn. Hiểu một cách khái quát đây là dạng bài phân tích về một vấn đề văn học. Cấu trúc của một bài nghị luận phải đảm bảo đủ các phần: mở bài, thân bài, kết luận.

Phần mở bài

Mở bài là mở cánh cửa trái tim vào người chấm. Hơn thế nữa, ‘đầu có xuôi thì đuôi mới lọt’. Một khởi đầu đẹp sẽ tạo điểm tựa cho bạn ‘bay’ trong biển trời cảm xúc, nhưng vẫn phải đứng trên nền tảng là kiến thức trọng tâm.

Những NOTE không thể thiếu trong phần mở bài:

- Thông tin cơ bản nhất về tác giả. Căn cứ vào đề bài để điều chỉnh lượng thông tin đưa vào. Ví dụ: nếu trọng tâm của bài là nghị luận về tác phẩm, một đoạn, một vấn đề,.. của tác phẩm thì chỉ nói thật sơ qua về tác giả, xoáy quá sâu sẽ dẫn đến lan man.

- Giới thiệu tác phẩm. Chắc chắn không thể quên cái tên của nó. Sau đó là một số đặc điểm nổi bật mà mỗi một tác phẩm riêng có. Những tác phẩm nào có hoàn cảnh sáng tác đơn giản, thì bạn có thể đưa phần hoàn cảnh sáng tác vào mở bài: thật súc tích và ngắn gọn thôi! Nếu không thì đẩy nó xuống thân bài

Điểm quan trọng nhất này: Đưa ra đối tượng và vấn đề phân tích. Trong những bài thi tốt nghiệp hay đại học, đề thường chỉ hỏi một phần của tác phẩm hoặc một vấn đề của tác phẩm, và nó chính là trọng tâm của toàn bài văn. Chính vì vậy, không được quên ‘xướng tên’ nó trong mở bài.

- Chú ý nho nhỏ: Nếu là đề về thơ thì đừng quên dẫn thơ! Nhưng chỉ dẫn nếu đoạn thơ đó xấp xỉ 20 dòng! Vì nếu dẫn quá dài, bạn có thể biến mở bài thành... thân bài đấy. Không nhất thiếu quá màu mè hay bay bổng, ẵm ngay điểm tối đa cho phần mở bài nếu bạn nắm vững bảng cửu chương này và thêm một chút sắc màu văn chương ;)

Phần thân bài

Đây là chỗ cần mổ xẻ, soi mói, đi vào từng chi tiết, quyết không cho chúng nó thoát^^.

Tiền đề phân tích

Trong phần này, bạn nên đề cập đến xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác (nếu hoàn cảnh sáng tác khá phức tạp hoặc quyết định ít nhiều đến nội dung tác phẩm). Ví dụ như tác phẩm: Việt Bắc, Tuyên ngôn độc lập, Đàn ghita của Lorca...

- Nếu phân tích một đoạn trích thì bạn nên giới thiệu vị trí của nó trong toàn bộ tác phẩm. Ví dụ: Đoạn thơ: "Ta về mình có nhớ ta...Ta về, ta nhớ những hoa cùng người....Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung".

Đoạn trích nằm ở phần đầu bài thơ thể hiện tình yêu và nỗi nhớ của anh cán bộ miền xuôi.

- Giải thích các khái niệm, hoặc câu nhận xét xuất hiện trong đề bài. Ví dụ:

Đề bài: Phân tích tư tưởng nhân đạo trong tác tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lâm.

Khi gặp dạng đề này thì nhớ giải thích khái niệm: thế nào là "nhân đạo", không được quên đâu đấy!

- Cuối cùng: Nêu nhận xét khái quát về vấn đề hoặc đối tượng cần phân tích.

Phân tích

Bắt tay vào phần này, bạn sẽ tiến hành mổ xẻ thật sự một đoạn thơ, đoạn văn, nhân vật, tác phẩm. Vì thế, trước hết bạn cần phải chia đối tượng phân tích đó thành nhiều phần. Tương ứng với nó là một, hai, ba,… đoạn văn. Mỗi đoạn văn là một ý. Điều này sẽ đảm bảo tính mạch lạc cho bài làm của bạn.

- Sau khi đã phân tách đối tượng, dựa vào những kiến thức, kết hợp với cảm xúc cá nhân để phân tích, trình bày và diễn đạt ý.

- Trong quá trình làm bài, nên có sự so sánh, đối chiếu với những tác phẩm cùng loại, để thấy được sự khác biệt, độc đáo của tác phẩm mình đang phân tích. Ví dụ: bạn có thể liên hệ, so sánh nhân vật Mị trong tác phẩm ‘Vợ chồng A-Phủ’ của Tô Hoài với nhân vật chị Dậu trong ‘Tắt đèn’ của Ngô Tất Tố. Như vậy, bài làm của bạn sẽ sâu hơn - đây là một khía cạnh quan trọng để bạn ghi điểm ưu cho bài viết của mình.

Phần kết luận

Tóm lại toàn bộ vấn đề đã phân tích ở trên, rút ra kết luận - nếu có mở rộng, hay tạo một chút "âm vang" thì đây là một cách ghi điểm ấn tượng cho người đọc. Nhớ là, dù có riết thời gian đến mức nào, cũng không được bỏ qua phần kết luận đâu đấy!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

#thơ-ca