11Libya - Ngỡ ngàng rạng đông

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng




Libya là một trong ba đất nước hoàn toàn trong tình trạng vô chính phủ vào đúng thời điểm tôi đặt chân qua biên giới. Tuy nhiên, không giống như Yemen nơi máy bay hạ cánh ngay tại thủ đô, hay Ai Cập nơi dù chính trị có tí loạn lạc nhưng đám khách du lịch kiểu "chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ" vẫn chất đầy vài chuyến xe buýt từ biên giới heo hút, Libya bắt tôi chờ gần năm tiếng ở cửa khẩu vì hải quan Ai Cập nhất định không tin ở tít phía bên kia đường biên, nhân viên của công ty du lịch Libya đang chờ sẵn với visa nhập cảnh. Họ nhìn tôi và bốn bạn đường người Nhật rồi lắc đầu quầy quậy: Làm gì có chuyện thời điểm này có ai xin được visa vào Libya? Ngay cả ở thời bình xin visa du lịch còn khó, phải đăng ký đi theo đoàn hoặc được người bản xứ viết thư mời nữa là lúc đất nước đang loạn lạc kiểu rắn mất đầu như thế này.

Với vốn tiếng Ả Rập vừa ít vừa sai toe toét, tôi dùng cả tứ chi lẫn ngũ giác quan để hiểu và giải thích rằng xin được cái visa này phải mất mấy tháng trời mò tìm môi giới trên mạng, rồi hết hơi tìm bạn đồng hành để được giảm giá, rồi phải gửi đủ thứ giấy tờ bảo đảm, rồi cuối cùng mỗi đứa vẫn mất tới gần 200 đô cho một lời hứa sẽ-được-cộp-dấu còn chưa biết có phải là đồ xịn hay không. Khoa chân múa tay, nhưng cả lũ lòng dạ thắc thỏm: Nhỡ mấy lão hải quan này nói đúng thì sao? Nhỡ bên kia đường biên quả là không có ai chờ chúng tôi thì sao? Nhỡ số tiền chuyển khoản mất hút vào một cái ngân hàng ma nào đấy thì sao? Giữa Ai Cập và Libya là một khoảng đồng không mông quạnh chẳng thuộc địa phận của bất kỳ quốc gia nào. Bước vào đó là coi như chắc chắn thành dê con lạc mẹ, rồi trở thành món lẩu dê lúc nào có trời mới biết.

Người hùng hay kẻ tội đồ?

Từ biên giới, lái xe của công ty cấp visa đưa tôi và ông bạn đường Kazuo đặt chân đến Benghazi lúc gần ba giờ sáng. Thành phố trong màn đêm vẫn không giấu nổi vẻ hào hoa của một đế chế dầu mỏ nhiều tiền nhưng đang cố sức hoàn hồn sau cuộc chiến với những tòa nhà bị đánh bom nát bươm. Đất nước vừa qua binh đao loạn lạc mà khách sạn nào ở Benghazi cũng kín chỗ khiến chúng tôi phải hết hơi mò mẫm mới tìm được một phòng hai giường đơn giá không đến nỗi cắt cổ (115 đô la). Ba người bạn Nhật đi xe máy phân khối lớn thì tiết kiệm triệt để bằng cách chăng lều ngủ ngay ngoài vỉa hè. Họ đã trải qua hơn ba năm lang thang khắp thế giới trên con ngựa sắt của mình nên túi tiền sắp cạn kiệt. Bức tường nơi "băng đảng tha phương" này chọn làm phông nền để hạ cánh phủ kín một bức graffiti khổng lồ hình một gã râu ria xoăn tít đang hốt hoảng bỏ chạy, ị đùn be bét cả ra quần. Cả lũ soi đèn pin lên ngắm nghía rồi cười ha ha. Cái gã khốn khổ đó tên là Gaddafi.

Biếm họa Gaddafi thua trận sợ ị ra quần.

Trung Đông hầu như toàn các nhà độc tài, nhưng danh hiệu về sự ấn tượng thì không ai vượt qua nổi vị đại tá từng thống trị Libya suốt bốn mươi hai năm và bị quân nổi dậy giết chết một cách thảm khốc trong Mùa xuân Ả Rập năm 2011. Tiếng xấu tiếng tốt đan xen, sau gần nửa thế kỷ cầm quyền, nhà độc tài kỳ quặc này khiến thế giới dở khóc dở cười. Không chỉ là cách ăn mặc kỳ quái, nhiều lần công du nước ngoài, Gaddafi thường đòi chủ nhà phải đến tiếp mình trong một cái... lều kiểu châu Phi dựng ở đâu đó quanh khu nhà chính phủ. Danh sách các vị trí dựng lều của Gaddafi bao gồm cả quảng trường Đỏ nổi tiếng ở Nga, và đương nhiên, danh sách các vị nguyên thủ chịu chui vào lều nói chuyện với Gaddafi bao gồm cả ông mặt sắt Putin. Sự thân cận với Nga dù chỉ là lớt phớt bề mặt cũng khiến Mỹ khó chịu và tổng thống Mỹ Reagan đã không ngần ngại đặt cho Gaddafi biệt hiệu nổi tiếng: "Con chó điên của Trung Đông"

Một khu nhà bị bom phá hủy ở Bengazi.

Ngày đầu tiên đặt chân đến Libya, tôi đánh bạo ngó vào một vài cửa hàng sách hỏi cuốn Al-Kitab al-Khadra. Ai cũng nhìn tôi như sắp muốn xé phay đến nơi: "Đốt hết rồi! Hỏi làm gì?" Không nản chí, tôi nhờ bạn bè ở Libya tìm hộ, nhưng rốt cuộc phải thôi vì bắt gặp ánh nhìn nghi ngại với cái dấu hỏi to tướng treo trên trán: "Chết! Con này gián điệp..."

Al-Kitab al-Khadra - hay còn gọi là cuốn Sách Xanh (Green Book) là tên một tài liệu được lưu truyền như thánh kinh trong chế độ chủ nghĩa xã hội Hồi giáo (Islamic socialism) mà Gaddafi tạo ra. Ông ta tuyên bố hai mô hình chính trị đang đánh nhau khốc liệt lúc ấy là chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản đều sai toét. Chủ nghĩa tư bản thì chỉ biết có tiền tiền tiền, chủ nghĩa cộng sản thì là một lũ vô đạo không biết kính sợ Thượng Đế. Rốt cuộc, chỉ có mô hình của ông ta (The Third International Theory) là chuẩn nhất, các nước thế giới thứ ba cứ đi theo mô hình này là ổn thỏa hết, đặc biệt là mấy nước châu Phi, vì tiên đoán của Gaddafi là đã qua cái thời dân da trắng làm chủ thuộc địa, dân da vàng xâm lấn bằng vó ngựa, ắt bây giờ phải đến thời dân da đen đứng lên làm bá chủ thế giới.

Sau cách mạng, những vụn sắt của chiến tranh được sáng tạo thành các tác phẩm nghệ thuật và những hình nộm ghi lại tội ác của Gaddafi.

Những luận thuyết đơn thuần là đậm đặc chủ nghĩa Mác cộng với tí mùi tôn giáo của Gaddafi được ông ta viết thành một cuốn sách với ngôn ngữ dân dã để ai cũng có thể đọc hiểu. Al-Kitab al-Khadra là khao khát của Gaddafi, để nói cho cả Libya thấy rằng sinh ra là một người gốc Phi không có gì đáng xấu hổ. Trải qua bao nhiêu trận chiến chinh, người Ả Rập tràn đến châu Phi, đem theo tôn giáo, văn minh và dần dần đồng hóa người bản địa, trở thành dòng giống cao quý hơn cả người bản địa. Cậu học sinh nghèo sinh ra trong một bộ lạc Phi Berber dù bị bạn bè trêu ghẹo nhưng không nản chí học hành, đêm phải ngủ nhờ các thánh đường, mỗi tuần phải cuốc bộ hai mươi dặm gió bụi mới về đến nhà. Gaddafi làm tôi nhớ đến những gương học giỏi vượt khó ở Việt Nam quyết tâm đổi đời bằng kiến thức. Tuổi thơ bần hàn của Gaddafi khiến ông quyết định dân dã hóa học thuyết của mình để cho đến cả những kẻ nghèo hèn ít học sống du canh du cư ở sa mạc như quá khứ xa xưa của chính bản thân mình nếu có đọc cũng có thể vỡ ra vài điều [50].

Ôm cuốn Sách Xanh trong tay, đám học sinh Libya mỗi tuần bỏ ra hai giờ để ngấm đến tận xương tủy rằng gia đình quan trọng thế nào, tự do ngôn luận là điều sống còn ra sao (!), đàn ông đàn bà hiển nhiên là hoàn toàn bình đẳng, hay tất cả các chế độ chính trị trên thế giới đều không thực sự dân chủ vì quyền năng nằm trong tay một số ít các nhà lãnh đạo. Để giải quyết khiếm khuyết này, ở Libya, hệ thống hội đồng nhân dân được thiết lập để tạo nên một nhà nước "dân chủ trực tiếp" không có người đứng đầu (direct democracy), "mỗi người dân là một Tổng thống". Bản thân Gaddadi không giữ một chức vụ gì chính thức mà chỉ là một nhà lãnh đạo tinh thần. Hẳn nhiên, trong thực tế, Gaddafi đã cho ra đời một chế độ xã hội độc nhất vô nhị nơi ông ta là kẻ độc tài nhưng núp dưới chiêu bài dân chủ tuyệt đối.

Tuy nhiên, cũng trong đất nước độc tài ấy, chỉ trong vòng mười lăm năm tỉ lệ biết chữ từ 10% tăng lên 90%, tuổi thọ bình quân từ 57 tăng lên tới 77, giáo dục miễn phí lên đến tận bậc đại học. Đầu những năm 80, Libya trở thành một trong những nước giàu nhất thế giới, đứng trên cả Thụy Sỹ, Ý, Tây Ban Nha và Hàn Quốc. Gaddafi tuyên bố rằng utopia - cái xã hội cộng sản hạnh phúc tốt đẹp đến mức không tưởng mà tác giả Thomas More và loài người hằng ngày đêm mơ ước từ thế kỷ thứ 16 đã trở thành sự thực ở Libya. Đối với những người chỉ nhìn thấy Gaddafi từ màn hình ti vi thì ít nhất đội vệ sĩ toàn phụ nữ còn trinh, cô nào cô nấy quần áo rằn ri, vuốt lông mi đen rợp cả má của ông đã đủ để lại một ấn tượng không thể quên.

Nói đi cũng phải nói lại, Gaddafi có thể đem lại sự bình đẳng cho phụ nữ của cả Libya, tạo tiền đề cho việc sau cách mạng có tới hàng trăm phụ nữ tham gia tranh cử và chiếm tới gần 17% số ghế quốc hội, nhưng sau khi ông ta chết đi, hàng loạt các câu chuyện hãm hiếp động trời của Gaddafi và các con trai dần dần bị lộ ra ngoài. Trong cuốn sách mới xuất bản của mình, tác giả Annick Cojean phỏng vấn trực tiếp những nạn nhân giấu mặt của vị đại tá ham mê nhục dục một cách bệnh hoạn. Khi đến thăm các trường học, ông ta thường đặt tay lên đầu một cô bé học sinh nữ, dấu hiệu để tay chân thân cận nhận mặt và tiến hành bắt ép gia đình phải giao con gái cho Gaddafi. Một vài nô lệ tình dục của ông ta đơn thuần là khoác lên người bộ quần áo vệ sĩ trên những chuyến công du, bề ngoài là để huênh hoang với phương Tây về vị trí của người phụ nữ trong xã hội Libya hiện đại, bên trong là tấn bi kịch đường cùng của những cô gái không còn có thể quay trở về nhà vì rất nhiều lý do, trong đó có vết nhục làm ô uế danh dự của gia đình và dòng họ [51].

Là một nhà độc tài với những tính cách oái ăm, nhiều mảng miếng tốt xấu như thế nên tôi không ngạc nhiên khi người đầu tiên tôi kết bạn tại thủ đô Tripoly, sau một hồi ngần ngại, đã thẳng thắn cho tôi biết rằng ông trung thành với Gaddafi. Jamal là quản đốc trong một công ty dầu lửa. Ông nói tiếng Anh lưu loát, từng tu nghiệp nhiều năm ở châu Âu. Suốt bữa ăn mời bạn mới quen, Jamal kể cho tôi nghe về lịch sử Libya từng là thuộc địa của Ý. Trong cuộc chạy đua chiếm hữu các vùng đất của châu Phi, Ý chậm chân hơn nhiều so với các trùm sò khác như Anh, Pháp, Hà Lan. Libya là mẩu Bắc Phi duy nhất còn sót lại mà Ý có thể chiếm đoạt với lý do là vùng đất này cách Ý chỉ vài trăm cây số đường biển. Vướng phải sự kháng cự quyết liệt của người bản xứ, quân đội Ý tàn phá hàng trăm xóm làng, đày ải hàng chục nghìn người trong các trại lao động và không ngần ngại dùng bom hóa học phá hủy mùa màng.

Lái xe đưa tôi vòng vèo qua những con phố còn đầy những hình vẽ chế nhạo và rủa xả Gaddafi, Jamal thả từng câu chậm rãi: "Đại tá Gaddafi chính là người khiến thủ tướng Ý Berlusconi phải hôn tay và xin lỗi vì ba mươi năm đô hộ và trả gần bốn tỉ đô la cho những thiệt hại xảy ra trong quá khứ. Cô có thể tưởng tượng được thủ tướng nước cô khiến tổng thống Pháp phải hôn tay, xin lỗi vì gần một trăm năm đô hộ Việt Nam, rồi lại còn ngỏ ý đền bù cho dân nước cô hàng tỉ đô la?"

Tôi phì cười!

Câu chuyện sau Mùa xuân Ả Rập lúc nào cũng râm ran từng góc phố.

Chạng vạng

Đất nước đang trong thời kỳ chuyển tiếp hỗn mang, các nhóm quân nổi dậy sau khi hạ được nhà độc tài thì quay ra tranh giành nhau về vùng ảnh hưởng. Libya bản chất là một xã hội bộ lạc, dù phát triển hiện đại vẫn còn nguyên thủy sự trung thành với họ mạc và tư tưởng vùng miền. Đường phố Libya cũng vì thế mà nguy hiểm hơn bởi sự đụng chạm giữa các phe phái khởi nghĩa. Hai lần tôi và một người bạn bản xứ đang đi trên đường phải nhanh chóng rời sang một dãy phố khác vì bất thần có xung đột vũ trang. Hàng toán thanh niên vác súng chạy rầm rập qua các ngõ hẻm. Đám trẻ con đang chơi bóng đá hối hả thu nhặt quần áo, hét toáng lên xua chúng tôi chạy ngược lại, nhanh chóng rời khỏi khu vực khuy hiểm. Đêm nằm trong khách sạn tôi và Kazuo đếm được hàng chục tiếng súng bắn xa gần. Tôi trèo lên thành cửa sổ, đặt máy quay phim chĩa vào đêm tối, mắt thao thức không sao ngủ được, đầu óc quay quay nghĩ đến quãng đường từ biên giới tới Bengazhi không biết cơ man nào là trạm kiểm soát, xe tăng, và các chiến binh cách mạng xuất xứ thường dân mặc áo phông quần bò, quanh bụng giắt đầy lựu đạn, tay vác khẩu súng máy to tướng gõ cạch cạch vào thành xe, hứng lên là đòi chặn đường xét hỏi giấy tờ.

Màn hình điện thoại của tôi nhấp nháy, báo có tin nhắn mới của Hashim. Hashim là một cậu bạn trên Couch Surfing tôi hẹn uống cà phê hồi chiều: hồn nhiên, ga lăng, và đẹp trai quá mức cần thiết (híc!). Trái tim tôi chỉ bớt xao xuyến khi Hashim kể rằng cậu tham gia khởi nghĩa từ những ngày đầu tiên, lần đầu tiên trong đời chạm tay vào cây AK47 cũng là lần đầu tiên kéo cò và giết chết một người lính trong quân đội của Gaddafi: "Tôi tập bắn những phát đạn đầu tiên bằng cách siết cò súng nhằm thẳng vào quân thù!" Hashim vừa lái xe vừa giải thích. Cậu chìa cho tôi xem chiếc thẻ vệ sĩ có ghi sinh quán tại Zintang. Người vùng Zintang nổi tiếng hiếu chiến. Ai nhìn thấy tên quê hương của cậu cũng phải nể sợ. Rồi Hashim cười, nụ cười làm mê mẩn lòng dạ con bé tôi. Cậu xuống xe, bước vòng qua phía sau và lịch lãm mở cửa, lùi lại một bước, nghiêng đầu, dang rộng cánh tay. Tim tôi rơi cộp một phát xuống lòng đường.

Rời Benghazi, tôi và Kazuo bắt xe khách tới thủ phủ Tripoly. Kazuo 50 tuổi, là một phóng viên tự do, được tôi và ba tay du lịch bằng xe máy rủ nhập hội để giảm giá xin thị thực. Như rất nhiều kẻ đi phượt bụi bặm khác, chúng tôi nghe theo sách hướng dẫn du lịch Lonely Planet nhằm thẳng Youth Hostelling International (YHI) - một thương hiệu nhà trọ quốc tế giá rẻ sạch đẹp có dormitory giường tầng kiểu ký túc xá chung cho cả nam và nữ.

Chưa bao giờ tôi thấy một cái YHI nào bẩn và tồi tàn hơn thế, toa lét dơ dáy, ga nệm nhăn nhúm, cầu thang đầy bụi, buổi tối hơn mười giờ đã khóa trái cổng khiến tôi phải hết hơi gọi điện. Khắp hai tầng toàn khách vãng lai nội địa mặt mũi khó đăm đăm, khác một trời một vực với các YHI trên thế giới toàn nam thanh nữ tú trẻ trung vui tươi từ bốn biển tụ về. Ở chưa được một ngày, chúng tôi bị một vài thanh niên sống quanh đó bắt ép quản lý YHI yêu cầu rời khách sạn với lý do Libya là đất nước Hồi giáo, không phải là vợ chồng không được ở chung phòng, dù là phòng dorm với cả chục cái giường một thiết kế cho nhiều khách ở chung.

Mới đầu viên quản lý còn ngọt nhạt giải thích rằng kiểu YHI toàn thế giới nó phải thế, sau bị đe dọa dữ quá lão ta chuyển hệ kiên quyết tống cổ chúng tôi ra đường cho yên chuyện. Tôi cũng không vừa, một tay lia máy quay phim, một tay khăng khăng chìa mảnh giấy bắt gã quản lý phải ký chứng nhận sự việc. Lời qua tiếng lại ỏm tỏi, thấy tôi thân con gái một mình mà gân cổ lên cãi không mệt mỏi (lão Kazuo nhát cáy đã ngoan ngoãn rời đi trước), gã quản lý nắm tay đấm choang choang xuống bàn còn mấy gã thanh niên máu bốc lên tận mặt thì nhảy choi choi bẻ tay răng rắc, chắc chỉ thiếu chút nữa là nhảy vào nghiền tôi tan xác. Không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà lúc ấy tôi lại... cười khẩy rồi nói mỉa mai: "Còn trò gì giở nốt ra đi!" Giờ nghĩ lại vẫn thấy mình ngu.

Ai cũng có quyền bảo tôi ngu, điếc không sợ súng. Đất nước đang không có chính quyền, không có cảnh sát, không có tòa án, nếu tôi có mệnh hệ gì thì chẳng ai thèm giải quyết. Chính vì tình trạng vô chính phủ như vậy mà những gã thanh niên vô công rồi nghề mới đột ngột trở nên hung hăng, đường phố mới bất an, và mới có những kẻ chẳng danh tính gì cũng tự cho mình quyền hành xóa bỏ và áp đặt các luật lệ đạo đức lên người khác.

Bị đuổi khỏi YHI, tôi và Kazuo lang thang khắp nơi để đi tìm một khách sạn không hét giá cứa cổ. Trong khoảng một tuần ở lại Tripoly, hai đứa phải chuyển chỗ ở tới bốn lần. Lần cuối cùng trụ lại tại một khách sạn tư nhân gần khu phố cổ, nơi tình cờ tôi gặp Magdi Elsharif - người phát ngôn của mạng giám sát bầu cử quốc gia Elshed. Kể lại cho anh nghe chuyện một lũ đàn ông nhân danh Thượng Đế và tôn giáo tống cổ con bé tôi ra đường giữa đêm hôm khuya khoắt, tôi lo lắng cho tương lai của Libya sẽ rơi vào tay các đảng của chủ nghĩa Hồi giáo Islamism giống như Ai Cập, Magdi liền vỗ vai cười lớn: "Ôi Mai đừng lo! Tôi dám đánh cược cái thủ cấp của mình rằng bè lũ Islamist sẽ không bao giờ thắng cử. Những người Hồi chân chính ở Libya giàu có và đầy một sàng học thức, chứ đâu có nghèo và ngu như dân Hồi ở Ai Cập?"

Tôi vừa cười vừa mếu vì cách nói thẳng thắn diễn đạt sự thật kiểu "trần như nhộng" của Magdi. Nhưng không thể không công nhận anh nói đúng phần nào. Người Ai Cập ở các vùng nông thôn non nửa mù chữ, non nửa đói nghèo, thế cho nên mạng lưới Islamism Huynh Đệ Hồi giáo mới có thể dùng các chiêu bài bánh mì và cứu trợ để mua chuộc. Khi người ta đói ăn thì cái quan trọng nhất không phải là chính trị mà là cái bụng no cái đã. Khi người ta còn phải lăn ra làm quần quật thì đảng phái nào cho thêm miếng thịt vào bát cơm là đảng phái đó sẽ được lá phiếu bầu. Tôi nhớ lần ở châu Phi, một bà mẹ đã cười khì vào mũi tôi mà rằng: "Tôi bận lắm cô ơi! Bao giờ tôi có thời gian rỗi thì tôi sẽ nghĩ về dân chủ!"

Sau này khi tôi đã về châu Âu, nghe tin bầu cử từ Libya với chiến thắng áp đảo của những người Hồi theo chủ nghĩa tự do, tôi hối hả mò lên facebook chúc mừng Magdi. Anh cười: "Bảo rồi mà không nghe! Thấy chưa? Toàn lo hão! Người Libya túi đầy tiền đâu dễ gì bị mấy gã thầy tu làm chính trị dùng bánh mì mua chuộc" [52].

Chân chất

Libya có lẽ là đất nước khiến tôi khổ sở nhất, nhưng cũng là đất nước khiến tôi ngỡ ngàng nhất bởi sự chân thành và hướng thiện của người dân bản xứ. Dù trong hoàn cảnh hỗn mang vô chính phủ nhưng tội ác không bao trùm đường phố, các phiến quân vũ khí đầy mình nhưng không làm hại đến người dân. Tận mắt tôi chứng kiến một người đàn ông khiêng hai tay xách đầy tiền, tiền phòi cả ra ngoài, hồn nhiên từ góc khuất ngã tư xuất hiện và bước vào nhà băng. Cảm giác yên ổn rõ nhất là khi bước quanh những phiên chợ đông đúc mà không bị cò chào mời, không bị người bán hàng níu kéo, không lo bị móc túi và không lo bị lừa hàng dỏm. Những tiệm vàng ở Tripoly không có cửa sắt, vòng vàng dài hàng mét mỗi nút to bằng miệng chén vắt hàng chục hàng trăm chuỗi trên giá hệt như các sản phẩm tiêu thụ hàng loạt trong các siêu thị. Người dân Tripoly mỗi lần bước vào tiệm vàng mua hàng ký, hoặc là để chuẩn bị đám cưới, hoặc là để dành đầu tư. Thấy tôi lấp ló ở

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net