13Ma Rốc - Tình yêu Thượng Đế và tình yêu trần thế

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Ngủ yên nhé tình thơ!

"I fell in love with you watching Casablanca... Making love all long hot summer night..."

Hồi thiếu nữ, tôi cũng như hàng triệu cô bé mới xuân thì khác từng say mê bài hát Casablanca, từng say mê một trong những bộ phim lãng mạn kinh điển nhất của điện ảnh thế giới và nằm mơ đến một tình yêu cháy bỏng đêm hè trong ánh nến bập bùng bên biển đêm. Trong trí tưởng tượng của tôi ngày ấy, Casa là thiên đường của nàng thơ.

Thế cho nên tôi thót hết cả tim khi bước chân lên máy bay, bất ngờ để ý thấy chữ Royal Air (Hãng Hàng không Hoàng Gia) ở cửa máy bay được... sơn bằng tay.

Tôi đứng chết trân mất tới mấy giây, thậm chí còn bước tới sờ vào lớp sơn đen lem luốc, nét nguệch ngoạc xiên xẹo còn rõ cả vết chổi bị tòe. Tim đập thùm thùm, tôi thắt dây an toàn chặt hơn hẳn mọi khi, bụng thầm cầu khấn tên tất cả các vị thánh thần mà tôi có thể nhớ ra tên. Một cách logic, không ai trên đời muốn di chuyển trên đường bộ bằng một phương tiện thủ công đến mức cái nhãn hiệu của nó được sơn bằng tay, huống chi đây là hẳn một cái máy bay bay trên trời. Như thế này khác gì đi tàu bay giấy?

Royal Air được sơn bằng tay ở cổng máy bay.

Chưa bao giờ tôi có một chuyến đi đầy thấp thỏm như thế. Khi hạ cánh, tôi thậm chí còn muốn nhảy lên vỗ tay, thiếu điều muốn đập cửa cabin vồ lấy phi trưởng mà ôm hôn. Ấn tượng đầu tiên về Ma Rốc rất "thô sơ" như vậy nên khi bước chân vào sân bay Casa tôi khá bất ngờ trước sự hiện đại tiện nghi và phong cách phục vụ chuẩn châu Âu đến khó tin. Không có kiểm tra visa, không phải đóng bất kỳ một thứ phí nhập cảnh nào. Khi tôi bước xuống cầu thang thì một cô gái xinh đẹp trong đội tiếp thị đã chờ sẵn và đưa cho tôi một chiếc sim điện thoại miễn phí. Chỉ trong vòng năm phút, tôi đã có thể nhoay nhoáy vào Internet 3G với giá 10 đô la trong một tuần (thế mới biết internet ở Việt Nam vẫn là rẻ nhất).

Nhưng mà Casa buồn, chẳng có tí lãng mạn nào. Tìm hết hơi cũng không thấy biển đêm ánh nến bập bùng và tình yêu mùa hè cháy bỏng. Trung tâm thành phố hiện đại và sạch bong như một cái tủ lạnh. Chỉ có những người dân ở Casa là dễ thương, rất hồn hậu và hiếu khách, kiểu hiếu khách của một đô thị tuy lớn nhưng vì không có mấy khách du lịch nên người dân không bị vô tâm. Bất kỳ ai tôi tình cờ hỏi đường đều bỏ hết cả công việc đang làm để đưa tôi đến tận nơi. Giấc mơ thời thiếu nữ của tôi có lẽ vì thế không bị đập cho tan nát mà chỉ lẳng lặng trôi qua chìm vào giấc ngủ yên như một lời nói dối vô hại.

Thánh đường Hồi giáo Hassan II tại Casablanca với tháp gọi cầu kinh cao nhất thế giới 210m.Xin chào những mối tình đầu tiên

Ở rất nhiều thành phố của Ma Rốc, những cô gái bán hoa trở thành một phần tất yếu của cuộc sống đến mức bạn tôi nói hầu như không ai coi đó là chuyện bất ngờ nữa. Cũng như nhiều xã hội Hồi giáo khác, quan hệ tình ái trước hôn nhân là điều cấm kỵ nên đa số kinh nghiệm giường chiếu của những chàng trai Ma Rốc đều bắt đầu bằng những cô gái làm nghề hương phấn. Bạn tôi Abdullah nhận được món quà năm 19 tuổi từ một người em họ: một cô gái điếm rất dạn dày. Abdullah nói anh vô cùng biết ơn cô vì nếu không có cô tận tình chỉ bảo, anh sẽ không bao giờ biết rằng "thiên đường có thật và nó ở ngay trên giường".

Tối hôm ấy, tôi, Abdullah và một cô bạn người Canada lần mò theo tiếng nhạc đến một đám cưới ở khu chúng tôi ở. Giữa quảng trường thành phố, hàng trăm thanh niên nam nữ reo hò quanh một chiếc lọng che kín mít đặt trên lưng một con bạch mã tuyệt đẹp. Đoàn rước đi vòng quanh hàng tiếng đồng hồ, trống chiêng um trời, đám thanh niên nhảy múa lắc mông lắc ngực hệt như trên một sàn nhảy chính hiệu. Chiếc lọng nghiêng ngả theo vó ngựa khiến tôi có cảm giác cô dâu ngồi bên trong nếu không phải là một con manơcanh giả thì chắc chắn cũng đã ngất xỉu vì chóng mặt. Không nén nổi tò mò, tôi chen vào giữa đám đông và bảo người nhà cô dâu vén lọng ra cho tôi bắt tay chúc mừng. Họ cười vui vẻ và gõ vào chiếc lọng. Một khuôn mặt đẹp như ngọc ló ra và một nụ cười hạnh phúc rạng rỡ. Tôi thở phào. Đồ - thật!

"Nhưng chưa chắc cái màng trinh của cô ấy đã là thật!" - Abdullah cười, không rõ là bông phèng hay ác ý.

Các cô gái Ma Rốc hiện đại bây giờ rất hay ăn cơm trước kẻng. Là một chuyên viên điều tra xã hội, Abdullah có thể đưa ra những số liệu khoa học chắc chắn rằng chủ đề nóng bỏng của các cô gái là "lỡ" mất gin thì làm thế nào để khi động phòng vẫn chảy máu. "Nhưng 1/3 phụ nữ dù chưa quan hệ bao giờ cũng vẫn không chảy máu mà!" - cả tôi và cô bạn Canada cùng đồng thanh phẫn uất kêu lên. "Trời ơi! Mấy bà không hiểu bọn tôi gì sất! Khoa học làm sao thắng được sự ngu lâu ích kỷ của đàn ông?" (!)

Bó tay!

Ở chương Jordan, tôi có nhắc sơ qua đến dịch vụ vá màng trinh ở Hà Lan giá từ vài trăm đến vài ngàn euro cho một cuộc tiểu phẫu ba mươi phút rất thịnh hành đối với những cô gái xuất thân từ gia đình nhập cư người Hồi. Không chỉ ở Hà Lan, mà khắp châu Âu và Trung Đông, việc khâu vá màng trinh đã trở thành chuyện thường ngày ở huyện. Trong tất cả các quốc gia Hồi giáo Trung Đông thì có lẽ Iran là cởi mở về vấn đề này nhất. Khi đám đàn ông thường đùa với nhau rằng ở thủ phủ Tehran chẳng còn gái trinh đâu, thì thậm chí hình thức phẫu thuật này còn được hẳn một lãnh đạo tôn giáo của Iran - đại giáo chủ (Grand Ayatollah) Sadeq Rouhani chính thức ban fatwa cho phép. Tin mới nhất: Trung Quốc không hổ danh là vô địch nhái hàng đã bắt đầu đổ bộ vào thị trường của công nghệ trinh tiết với sản phẩm siêu rẻ made in China: màng trinh giả, chỉ có 25 đô la, chảy máu như đồ xịn.

Tây Ban Nha

- Tây Ban Nha ư? Tây Ban Nha từng bị chiếm gọn dưới lưỡi gươm của một tên nô lệ Hồi giáo!

Châu Phi cách châu Âu gần như chỉ có một tí tẹo nước. Chiều hôm ấy, tôi và Abdullah trèo lên vắt vẻo ở sân thượng một trường học của Tangier, thõng chân đung đưa, vừa nghếch mũi về phía châu Âu vừa tán phét.

Những chú lừa thồ hàng giao đến từng ngôi nhà nằm ngoắt ngoéo trong thành phố cổ Fes.

Người Ma Rốc ở miền này rất xinh, cứ như thể chỉ vừa mới hôm qua họ đã chạy từ Tây Ban Nha về châu Phi sau hơn bảy thế kỷ người Hồi giáo thống trị toàn bộ cửa ngõ châu Âu. Những cô gái Ma Rốc da trắng mịn, mắt nâu đen, sống mũi cao, dáng người nhỏ nhắn rất đặc trưng của người vùng Nam Âu. Cũng dễ hiểu bởi tuy chính thức là người châu Phi nhưng họ chỉ cách Tây Ban Nha, theo cách nói của Abdullah, có một "vũng nước".

Tôi chẳng thèm cãi Abdullah, dù không cần hỏi Gú Gồ thì tôi cũng thừa biết đoàn quân Hồi giáo chiếm được Tây Ban Nha một phần lớn vì nội bộ của triều đình Visigoth chia rẽ. Ngày ấy, một người quyền quý tên là Julian gửi con gái mình tới hoàng cung để đi học nhưng lại bị đức vua mới lên ngôi Roderic hãm hiếp. Julian nuôi mối thù, và khi quân Hồi giáo chuẩn bị vượt biển đánh Tây Ban Nha thì ông mở toang cửa ngõ Ceuta. Chỉ trong ba tháng, vùng đất tươi đẹp nhất của châu Âu thời ấy nằm gọn trong tay Tariq - một nô lệ được trả tự do và bằng tài năng quân sự của mình trở thành một tướng tài trong đoàn quân Hồi giáo đi thánh chiến.

Người Hồi chiếm Tây Ban Nha, chọc thẳng vào trái tim châu Âu đến tận vùng Tours của Pháp. Bảy thế kỷ sau đó (thế kỷ 8-13) đánh dấu thời kỳ vàng son (Golden Age) của văn minh Hồi giáo, thời kỳ cực thịnh của khoa học kỹ thuật, triết học và nghệ thuật. Châu Âu mông muội bỗng sáng bừng lên bởi những thành tựu rực rỡ của các học giả người Hồi. Chưa một tôn giáo nào lại mang trong mình một thái độ cởi mở, tân tiến, hiện đại đối với khoa học đến thế. Những trung tâm học thuật lớn mời gọi chèo kéo rất nhiều tên tuổi hàng "khủng" về giảng dạy, bất kể họ là người của tôn giáo nào. Hàng ngàn cuốn sách cổ có nguy cơ tuyệt chủng của văn minh Hy Lạp, Ấn Độ, Trung Quốc, Ba Tư được sưu tầm, thu thập, và dịch ra tiếng Ả Rập. Được xóa rào cản về ngôn ngữ, dòng kiến thức ào ạt chảy giữa Đông và Tây. Đó là thời kỳ mà "một giọt mực của học giả còn cao quý hơn một giọt máu của kẻ tử vì đạo".

Hẳn nhiên, cũng như mọi triều đại khác, Golden Age của Hồi giáo dần dần lụi tàn. Thiên Chúa giáo trở lại Tây Ban Nha, dần dần đánh đuổi hết người Hồi về phía bên kia "vũng nước", quay trở lại Bắc Phi và Trung Đông.

Bảy trăm năm trôi qua cũng là bảy trăm năm đế chế Hồi giáo bỏ lại sau lưng một thời kỳ vàng son. Giờ đây, từ phía bên này "vũng nước", mỗi ngày có đến hàng chục, hàng trăm kẻ liều mạng tìm cách đặt chân lên châu Âu bằng đủ mọi kế sách: trốn dưới gầm xe tải, chen chúc như cá hộp trong các ngăn chứa đồ ở xe buýt, vượt biển bằng thuyền tự chế hoặc trả tới 5000 đô la cho các tay mối lái. Tôi từng đặt chân đến vùng cửa khẩu nơi có đến cả trăm thanh niên lang thang lởn vởn chờ các chuyến xe chạy qua để đu người lên. Nhưng thê thảm nhất vẫn là những chiếc thuyền bị lật chìm trên đường vượt biển.

Thành phố màu xanh lam Chefchounen là biểu tượng của giao lưu tôn giáo. Những năm 1930, người Do Thái từ châu Âu bỏ chạy đến đây do bị bài xích bởi trào lưu trở về Miền Đất Hứa (Palestine). Họ sơn nhà màu xanh lam bởi màu lam tượng trưng cho bầu trời, cho Thiên Đàng. Người Do Thái không còn nhưng dân Hồi vẫn giữ màu xanh trên những căn nhà của mình.

Eo Gibraltar nối hai châu lục chỉ dài có hơn chục ki lô mét nhưng sở hữu những trận gió khủng khiếp thổi qua Đại Tây Dương và Địa Trung Hải. Gió mạnh, biển xanh, cát trắng, nắng vàng tạo nên một thiên đường cho những tay đua thuyền buồm và lướt dù gió bên bờ châu Âu. Nhưng thảm thương thay, ở bờ bên này, cũng chính trận gió này mỗi năm lật nhào hàng trăm chiếc thuyền, cướp đi mạng sống của hàng chục ngàn người cố sức rời bỏ châu Phi đi tìm miền đất mới. Rất nhiều trong số họ là phụ nữ có thai. "Tại sao?" - Tôi hỏi Abdullah khi hai đứa đã ngồi tới hàng giờ trước biển, chong mắt nhìn về châu Âu như một dải mờ mờ xa hút. Ở giữa chúng tôi và cái dải đất trông mong manh như sương khói đó là một chuyến phà tôi đi mất chưa đầy ba mươi phút, trong khi có những kẻ mất cả một đời người, tôi trả 30 đô la trong khi họ phải trả bằng cả mạng sống của mình.

"Tạo sao lại có nhiều phụ nữ có thai ư? Vì họ tin rằng châu Âu văn minh nhân quyền sẽ nương tay với những phụ nữ đang ở cữ. Thế nên họ cố tình làm mình có thai trước khi lên đường vượt biển... Mai đừng tin vào Casablanca nữa. Tình yêu lãng mạn đã chết thật rồi! Cuộc sống trần trụi thế này nên niềm ngây thơ bị phá sản cũng là điều dễ hiểu thôi!"

Những chiến binh tình dục

Tôi biết một cô bé sinh viên người gốc Ma Rốc, sinh ra và lớn lên tại Hà Lan. Hãy tạm gọi em là Layla, một cái tên thường gặp trong tiếng Ả Rập, có nghĩa là "màn đêm". Layla thường tự hỏi liệu mình có nên trùm lên đầu chiếc khăn tôn giáo hay không. Ở trường đại học, em được các chuyên gia tư vấn khuyên nên tự tìm hiểu một cách nghiêm túc và sau đó hãy sử dụng quyền tự quyết cho bản thân mình. Hai năm sau gặp lại tôi, Layla mặc niqab che khăn kín mặt, từ chối bắt tay những người nam khác giới, thuyết phục thành công hàng chục bạn nữ khác cũng đeo mạng che mặt, trở thành một thành viên của tổ chức chính trị Hồi giáo, cổ động cho Shariah trở thành luật chính thức ở Hà Lan. Em tiết lộ với tôi rằng vị hôn thê của mình đang ở Syria chiến đấu vì Thượng Đế (chứ không phải vì Syria). Khủng khiếp hơn, tôi không tin vào tai mình khi em hỏi: "Cô đến đó (Syria) rồi, cô có cho rằng sex jihad là điều chính đáng cho những chiến binh của Thượng Đế không?"

Trong tiếng Ả Rập, jihad (cuộc chiến đấu) có hai cách hiểu chính: chiến đấu chống lại kẻ thù của Hồi giáo, và cuộc chiến đấu nội tâm để bảo vệ phần tốt đẹp và tính thiện trong cuộc sống. Tuy nhiên, khi báo chí nhắc đến jihad là nhắc đến cuộc thánh chiến với những tín đồ sẵn sàng chết vì Thượng Đế, và cái chết đó là tấm vé vào thẳng cửa thiên đàng. Ở Syria, có hai phe cùng chống lại nhà độc tài Assad, một là các nhóm cách mạng có tư tưởng tôn giáo dung hòa, hai là đội ngũ chiến binh Hồi giáo jihadist từ khắp nơi đổ về, chủ yếu là khủng bố Al-Qeada và các tổ chức Islamism khác. Các nhóm cách mạng muốn lật đổ Assad để xây dựng một nhà nước dân chủ thế tục. Các nhóm chiến binh Hồi giáo dòng Sunni muốn lật đổ Assad theo dòng Hồi Shia để vinh danh Thượng Đế. Cả hai nhóm này hai tay hai kiếm, một kiếm đánh nhau với kẻ thù chung Assad, một kiếm để giết người của nhóm kia. Tuy nhiên, nhóm các chiến binh cách mạng có một điểm thua rõ ràng so với nhóm các chiến binh của Thượng Đế: họ đói sex.

Câu chuyện cho đến lúc này đã chắc chắn là sự thật, nhưng vẫn chưa hết kinh hoàng cho những ai lần đầu tiên nghe tới. Tất cả bắt đầu từ fatwa không rõ thật hay giả của một lãnh đạo tôn giáo dòng Wahhabi kêu gọi các nữ tín đồ Sunni hãy tới Syria để giúp các chiến binh jihadist xả cơn khát tình dục. Fatwa đảm bảo rằng sự hy sinh này không được coi là tội thông dâm, và do mục đích cao cả vì Thượng Đế, các cô gái cũng sẽ trở thành jihadist và sẽ được lên thẳng thiên đàng. Không biết bao nhiêu cô gái Tunisia dại dột đã lên đường tới Syria, dâng hiến tấm thân mình cho hàng loạt những gã đàn ông đã hai năm trời bận bắn giết nhau không một cơ hội làm tình, trở thành những chiến binh tình dục, và quay trở về với cái thai trong bụng [57]. Sex jihad có lẽ là ví dụ khủng khiếp nhất về sức mạnh của tôn giáo khi bị bóp méo, của Thượng Đế khi bị lợi dụng, của nhục dục dơ bẩn và sự ngu muội của con người khi bị đánh tráo trá hình trên danh nghĩa của đức tin.

Châu Âu mong manh

Trở lại với cô sinh viên Layla. Đối diện với em, giờ nhìn chẳng khác gì một "bóng đêm" theo đúng nghĩa đen, tôi thấy quặn hết cả ruột gan, ước chi mình có thể trói chặt cô bé này lại và chui vào cỗ máy thời gian quay trở về quá khứ. Tôi như bị giáng cho một cú chí mạng vào đầu khi nhận ra rằng những tín đồ của chủ nghĩa Hồi giáo tại châu Âu, về bản chất được sinh từ chính những giá trị mà châu Âu luôn tôn vinh và tự hào: tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, và tự do phán quyết. Những nhà giáo dục như tôi đã ngây thơ tin rằng tự do nhất định sẽ giải phóng con người và hướng con người tới sự cởi mở về tư tưởng. Ai có thể lường trước được rằng "quyền tự do lựa chọn" cũng đồng thời là "quyền tự do lựa chọn" con đường bảo thủ cực đoan, và nhất là quyền tự do lạm dụng những giá trị cao quý khác. Châu Âu bỗng chốc thấy mình há miệng mắc quai. Vì đã tự hào về dân chủ thì sao dám cấm khăn trùm kín mặt, dám ngăn chặn làn sóng đổ bộ của các thánh đường Hồi giáo, dám kiểm soát các bài giảng đạo, dám giải tán các cuộc biểu tình với băng rôn "Dân chủ là bệnh ung thư của châu Âu", hay dám phản đối việc các Islamist thành lập đảng có tên "Shariah for Holland" [58]?

Tự do thế nào là đủ? Dân chủ thế nào là vừa?

Châu Âu bảy trăm năm sau ngày dồn nền văn minh Hồi giáo chói sáng ra khỏi lãnh thổ, giờ đây đang đối mặt với một cuộc thánh chiến thứ hai trong lịch sử, lần này không phải là đoàn chiến binh Muslim từ Trung Đông đem theo kiến thức và sự khai sáng, mà là một đội quân jihadist/ Islamist được sinh ra và lớn lên từ trong lòng châu Âu, sử dụng chính những giá trị cơ bản nhất của văn minh châu Âu để đánh đổ châu Âu. Phương Tây sẽ bị "chinh phạt và sụp đổ từ bên trong", đúng như cương lĩnh của tổ chức Huynh Đệ Hồi giáo.

Chưa bao giờ châu Âu mong manh hơn thế.

Các đảng phái của Islamism chính thức xuất hiện ở ba mươi hai nước, trong đó có bốn nước phương Tây là Mỹ, Phần Lan, Hà Lan và Anh. Chính tại trái tim của châu Âu này, các tín đồ Hồi giáo trẻ tuổi con cháu thế hệ đầu của những người Hồi di cư trở thành những nạn nhân dễ dàng nhất của Islamism. Chân trong chân ngoài, bật gốc cội rễ, cộng với sự phân biệt đối xử và hoàn cảnh kinh tế khó khăn, những thanh niên sinh ra ở châu Âu với hộ chiếu và nền tảng giáo dục châu Âu vẫn rơi vào một cuộc khủng hoảng danh tính trầm trọng: Tôi là ai? Người Hà Lan? Người Ma Rốc? Người Hồi? Người Ả Rập? Các câu hỏi tiếp nối câu hỏi với: Tôi sống để làm gì? Mục đích tối thượng của cuộc đời tôi là gì? Ai thực sự cần đến tôi trong đời này? Trong cơn hoang mang, ngày càng nhiều thanh niên Hồi rơi vào ma trận của Islamism. Họ được thuyết phục để tin rằng danh tính quan trọng nhất không phải là một công dân Hà Lan mà là một chiến binh Hồi giáo, mục đích tối thượng của cuộc đời không phải là trở thành một con người tốt mà trở thành một tín đồ chết vì Thượng Đế, đất nước duy nhất họ có nghĩa vụ trung thành không phải là tổ quốc nơi họ sinh ra mà là một đế chế toàn cầu không biên giới quốc gia ummah [59]. Chính vì quá trình tráo đổi danh tính, xóa nhòa biên giới văn hóa-chủng tộc-quốc gia đó mà người ta trở nên bất ngờ khi ngày càng nhiều khuôn mặt khủng bố có da trắng, mắt xanh, tóc vàng, sinh ra và lớn lên trên chính đất Mỹ và châu Âu, ăn McDonald và đòi đánh bom nền văn hóa tư bản. Sự việc trở nên có phần hoang mang khi năm 2012, một người Hồi quốc tịch Mỹ gốc Việt tên là Phạm Quang Minh bị bắt trong đường dây khủng bố Al-Qaeda. Những yếu tố cấu thành hồ sơ của nhân vật này hầu như chẳng liên quan gì đến nhau (người Việt, sống ở Mỹ, Hồi giáo cực đoan) khiến cho khi thông tin được bung ra thì các phản ứng của độc giả là những câu cảm thán vừa ngơ ngác, vừa tếu táo như không tin vào sự thật, lại vừa hoảng hốt: "Thế là thế nào?"; "Chắc anh chàng này bị chập điện nên chọn nhầm kẻ thù"; "Thôi chết, đến cả dân nhập cư người Việt ở Mỹ cũng có thể thành Hồi giáo cực đoan thì còn cửa nào để thoát đây trời?"

Trong khi đó, đại đa số người Hồi vừa giận giữ, vừa run sợ. Tuy chiếm số đông nhưng cộng đồng Muslim ở châu Âu hầu như không có tiếng nói chính thống. Cũng giống như mọi công dân khác, họ mải mê với công việc làm ăn, lo lắng cho tụi trẻ con đến trường, nấu những bữa cơm vui vẻ trong một gia đình ấm cúng. Cây muốn lặng gió chẳng đừng, cộng đồng người Hồi bị kẹp giữa một bên là sự phân biệt đối xử, thậm chí bài xích và căm ghét của người da trắng bản địa, một bên là mạng lưới Islamism - kẻ đã cướp diễn đàn của những tín đồ Hồi chân chính đang ngày đêm lớn mạnh và bành trướng

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net