8Jordan - Những "tội lỗi" và "tai tiếng" ở vùng Biển Chết

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng




Hồi mới lớn, tôi thường hình dung về Trung Đông như một xứ sở thần tiên với những mối tình lãng mạn, những harem tràn trề nhục dục, những chàng trai Ả Rập đẹp thắt tim và những cô gái eo thon với điệu múa bụng còn mê hoặc hơn cả ánh nhìn của hổ mang chúa. Lớn hẳn lên, những câu chuyện trên báo chí về Trung Đông khiến tôi vỡ mộng bởi vùng đất này giống như một hoang mạc về tình dục và những cuộc hôn nhân dường như chỉ có mỗi một mục đích là... phối giống. Bây giờ được đặt chân lên đây, tôi thấy cả hai sự hình dung của mình đều đúng và đều sai, bởi hình như ai cũng bận rộn với hai cuộc sống, một truyền thống đến thành cổ hủ, một tà dâm đến thành nổi loạn. Dưới tà áo chùng đen nào dường như cũng ẩn chứa một ngọn lửa tình bị kìm hãm, và sau ánh mắt rạp xuống khiêm nhường nào cũng cháy bỏng một nỗi đam mê thèm khát.

Một tí da là... nhiều tí tội lỗi

Trong vòng chưa đầy bốn mươi tám tiếng đặt chân đến Jordan, tôi thành người nổi tiếng.

Một tờ báo chính thống của Jordan đăng ảnh tôi lên trang nhất, một tờ khác post hình tôi lên facebook và tính cho đến thời điểm này thì đã có khoảng 120 người "share", chia sẻ, phát tán trên mạng cái hình tôi bé xíu. Kể đến đây đã biết ngượng nên phải đính chính lại ngay rằng tôi "tai tiếng" chứ không phải nổi tiếng. Mà cũng chẳng phải tôi, chỉ là... cái vai tôi tự dưng xấu số thành đề tài cho thiên hạ ném đá.

Chiều hôm ấy, tôi và hai người bạn đi qua phía thánh đường Hồi giáo ở trung tâm thủ đô Amman đúng vào lúc gần một ngàn tín đồ trải chiếu ra con đường chính để cầu nguyện. Bình thường họ cầu nguyện trong thánh đường, nhưng từ khi Mùa xuân Ả Rập tràn qua, chiều cuối tuần nào phe đòi cải cách chính phủ cũng cố tình tổ chức cầu nguyện tràn cả ra đường. Trên vỉa hè, ai mua bán qua lại thì cứ việc buôn bán lại qua. Dưới lòng đường, các ông các anh và các bé trai dập đầu nhằm hướng Mecca quỳ lạy. Được một chặp thì con bé tôi hơn hớn mặc áo hở vai tình cờ đi qua. Đúng kiểu một khách du lịch, thấy lạ là giương máy ảnh lên chụp. Toách!

Chưa đầy ba tiếng sau, thằng Rudy gọi điện hộc tốc triệu tập tôi lên facebook. Chình ình trên trang chính của tờ báo là cái vai trần của tôi phơi ra. Dưới lòng đường, một nửa đám đàn ông cúi đầu cầu nguyện, một nửa cả gan... ngước mắt nhìn. Đấy, chỉ có thế thôi. Thế mà dân tình bù lu bù loa, hết kêu tôi không tôn trọng tín đồ đang làm nghi lễ, rồi lại quay ra chửi bới mấy gã tín đồ nửa mùa đang lạy Chúa Trời mà thấy gái một cái là giướng mắt lên.

Cái vai tai tiếng của tôi ở Amman khi tình cờ đi qua một buổi hành lễ chiều thứ Sáu ngay trên mặt đường.

Tôi hết hồn, kêu Rudy giải thích xem bản thân sai chỗ nào. Bởi khách du lịch ăn mặc như tôi ở Amman là chuyện thường. Và hàng chục khách du lịch tình cờ đi qua chụp ảnh họ là điều đương nhiên, vì họ đã chọn cầu nguyện trên vỉa hè nơi buôn bán chợ búa chứ không phải trong thánh đường tôn nghiêm. Rudy nhíu trán một hồi rồi kêu cái ảnh này không đăng mặt tôi, ý đồ cố tình muốn cho dân tình hiểu nhầm tôi là người bản xứ chứ không phải khách du lịch. Chung quy chỉ là muốn bán được báo và câu lượt xem.

"Thế tại sao lại phải câu view kiểu nửa mùa như thế?"

Đơn giản là vì trâu bò đang đánh nhau nên cần ruồi muỗi chết cho xôm tụ. Sau mỗi chiều thứ Sáu cầu kinh xong là cả ngàn tín đồ này đứng lên lôi băng rôn ra tuần hành biểu tình đòi thay đổi chính phủ. Suốt hơn một năm rưỡi sau Mùa xuân Ả Rập, trung bình cứ sáu tháng Jordan lại có một ông thủ tướng mới, ông nào cũng có thời từng làm... cựu thủ tướng. Sau tầm nửa năm không cải cách kịp bèn phải từ chức để thay nội các. Vì thứ Sáu nào cũng có biểu tình nên báo chí phải căng óc tìm ra khía cạnh mới giật tin cho ăn khách. Việc đưa cái vai của tôi lên báo theo Rudy là "lá cải" hết phương cứu chữa. "Sex sells!" [38]

Tình dục bao giờ cũng là một vũ khí chính trị thần kỳ. Ở phương Tây, những vụ xì căng đan có dính đến da thịt dễ dàng quật chết một tài năng lãnh đạo. Ở Trung Đông, sex và sự "suy đồi về cuộc sống tình dục" theo kiểu châu Âu thậm chí trở thành một trong những động lực để cả một chủ nghĩa Hồi giáo ra đời (Islamism) với mục tiêu chống lại ảnh hưởng tiêu cực của phương Tây và phục hưng một thời huy hoàng của đế chế Hồi giáo. Phương thức để có thể đưa Trung Đông nghèo nàn lạc hậu quay trở lại những năm tháng vinh quang là dùng đạo Hồi làm kim chỉ nam và nền tảng cho cuộc sống cá nhân và chính trị của toàn xã hội. Trong một xã hội lý tưởng mà họ mơ ước đạt được, những phụ nữ (bản địa) nhơn nhơn mặc áo hở vai tung tăng ngoài đường như con bé tôi chiều hôm qua là một vết nhơ của văn minh phương Tây đột nhập vào đây làm biến thái văn hóa nội địa. Đã thế, tôi lại đặt chân đến Jordan vào thời điểm những giá trị cũ mới đang bị soi mói và nhìn nhận lại, thậm chí những điều đang là rất bình thường cũng bắt đầu trở nên nhạy cảm. Khách du lịch và người nước ngoài bắt đầu bị Hồi giáo cực đoan săm soi kỹ hơn dưới lăng kính tôn giáo vì họ đại diện cho một phương Tây "suy đồi". Tôi có cảm giác kể cả nếu như họ có biết sự thật tôi chỉ là một khách du lịch tình cờ đi qua, thì phe cực đoan cũng sẽ lập tức kêu gọi thiết lập điều luật để chấn chỉnh đạo đức của hàng triệu khách nước ngoài đến Jordan, bất chấp nguồn ngoại tệ khổng lồ đang nuôi sống đất nước. Nói một cách khác, cái vai của tôi, vốn là chuyện chẳng có gì đáng nói, sẽ trở thành cái cớ để gây sự và đối đầu với văn hóa phương Tây trong một cuộc chiến đang bắt đầu phôi thai hình thành. Chính vì thế, những cái còm [39] trong bài báo không đơn giản chỉ là yêu cầu những tín đồ tuy ngồi ở giữa chốn chợ búa thì vẫn phải một lòng với chuyện cầu kinh, mà còn nhằm vào chính bản thân tôi với sự xấu xa đáng hổ thẹn của một đứa con gái mang tiếng là người Jordan mà lại còn ti toe "cố tình" ăn mặc hở cả vai ra giống lũ dân Tây để tạo điều kiện cho đàn ông sa chân vào tội lỗi. Thế là ăn đập! Chết này!

Trái cấm nào mà chẳng ngọt ngào

Sau bao tháng lăn lê ở Trung Đông, tôi đã đủ minh mẫn để có thể gác chân lên thành ghế trong phòng khách nhà Rudy, vừa tra nghĩa các lời bình luận trên facebook vừa phá lên cười sằng sặc.

Thằng Rudy cũng cười. Cả hai chúng tôi đều biết rằng nếu cứ tin vào những gì nổi lềnh phềnh trên bề mặt cuộc sống ở Trung Đông, hay những lời nói đạo đức hoa mỹ từ miệng những tín đồ hoặc quá sùng đạo, hoặc quá cực đoan, thì chẳng khác gì nhìn một phụ nữ mặc niqab che kín thân thể mặt mũi và vội vàng kết luận cô ta hẳn là xấu đau xấu đớn và khô như ngói. Sự thật là dưới lớp khăn che mặt đen sì nặng nề ấy rất có thể phập phồng một cơ thể nóng bỏng với bộ đồ chíp khêu gợi hoặc thậm chí chẳng-có-gì. Trong muôn vàn câu chuyện rúc rích của tụi con gái là một đề tài muôn thuở: làm thế nào để "ấy" mà không bị rách, để có khoái lạc mà không cần bọn con trai phải đi vào, để vẫn đi vào mà không vào... đúng chỗ (!), hoặc để đi ra đi vào thoải mái mà lại không có thai.

Sex trước hôn nhân là điều cấm kỵ, đi hẹn hò có khi còn bị bố mẹ cử em trai đi theo, trai gái hầu như không bao giờ bắt tay nhau, nhưng nghiên cứu chỉ ra rằng có tới 1/3 đám thanh niên ngoạm mồm vào trái cấm. Trước khi ngày cưới được ấn định, một số cô gái trẻ lại tìm đến những bác sĩ bí mật để vá lại màng trinh, để đêm tân hôn sẽ chảy máu, để mặt một ông chồng sẽ dãn ra hạnh phúc, để nếu là một đám cưới truyền thống thì miếng vải có dính máu trinh sẽ được đưa ra cho toàn thể hai họ chiêm ngưỡng, và những người đàn ông sẽ bắn súng lên trời để chào mừng. Thế là một cô gái ngoan hiền đã có nơi có chốn. Và rất có thể, cái con bé ngoan hiền ấy lấy chồng xong cũng mở cờ trong bụng vì "thế là bây giờ tôi có thể làm bất kỳ điều gì tôi muốn mà không lo bị mất trinh".

Các bé gái được trang điểm lộng lẫy tại một đám cưới ở Irbid. Con gái là ngọc ngà châu báu trong nhà, được bảo vệ và phải tự bảo vệ bản thân vì phẩm giá và danh dự của gia đình. Đám cưới này hiện đại hơn ở Yemen một chút vì không chỉ có chú rể mới được nhìn mặt cô dâu và các phụ nữ bên nhà gái, mà khoảng hơn một chục anh em họ hàng cũng được phép lên nhảy một điệu truyền thống với gia đình nhà gái.

Khi còn ở Syria, có lần tôi và Hani đang ăn thì anh chỉ cho tôi một phụ nữ mặc abaya đen vừa bước chân ra khỏi cổng một ngôi nhà đối diện quán cà phê nơi chúng tôi ngồi: "Mai đừng tin cứ cô gái nào ăn mặc truyền thống như thế kia đều là gái cấm cung hết. Cô ả này thậm chí có thể là gái điếm. Tại sao? Vì cách cô ta trang điểm, và nhất là vì người đàn ông vào trước thuê phòng rồi bây giờ xong việc thì đang bước ra, mỗi người đi một hướng kia kìa".

Những nhà thổ ở Trung Đông nhiều có khi chẳng kém gì nơi khác. Nước nào cũng có đạo luật chống các hành vi làm tiền nhưng thực tế là một bức tranh hoàn toàn khác. Ở Ai Cập, những chàng nàng gái điếm có ở khắp mọi hang cùng ngõ hẻm. Ở Syria, sex được mua bán ngấm ngầm trước sự tảng lờ của chính quyền. Ở Bahrain, nền công nghiệp hương phấn phát triển tột đỉnh để đáp ứng cho một đội quân đực rựa khát khao nhục dục từ Saudi cứ mỗi cuối tuần lại lái xe qua đường biên giới để bật nút chai giải thoát cái bình hoóc môn đàn ông bị đè nén. Ở Tunisia, chính quyền thế tục của cựu độc tài Ben Ali còn tiên tiến đến mức hợp thức hóa nghề đĩ điếm, mỗi thành phố đều có quận Đèn Đỏ và những cô gái bán hoa được cấp thẻ phát số cùng sự bảo trợ và chăm sóc xã hội tối thiểu. Ở Saudi, Iran và Ai Cập, "hôn nhân tạm thời" là một kiểu xoắn vặn tôn giáo để hợp pháp hóa việc mua bán dâm bởi những hợp đồng hôn nhân tính-theo-giờ hoàn toàn được tòa án công nhận. Xong việc là ly dị, ai về nhà người nấy.

"Sex ở Trung Đông dễ lắm Mai ạ" - Hani tiếp tục - "Ở Tây nơi Mai sống người ta có thể nhầm những tín hiệu bạn bè đơn thuần với tín hiệu của tình dục, chứ ở Trung Đông nơi con trai con gái không được tiếp xúc với nhau thì hễ có tín hiệu thì 100% là tín hiệu sex. Không thể nhầm lẫn được. Không tin để tôi chứng minh cho Mai xem!"

Hani bật blue tooth trong điện thoại. Màn hình rà soát trong tầm phủ sóng xung quanh và thông báo có khoảng hơn chục cái điện thoại cũng đang mở blue tooth. Một cái nick tên là "lonely princess" (công chúa cô đơn) thu hút sự chú ý của tôi. Lập tức, Hani gõ một tin nhắn làm quen:

- Hi!

- Hello!

Tôi thì thào, thậm chí cũng không hiểu sao mình lại thì thào: "Như thế đã phải là tín hiệu chưa?". Hani cười khì: "99% rồi! Con cá này chỉ chờ để được cắn câu thôi mà!"

Kết luận: Chỉ cần trao đổi với nhau hai từ "Hi" và "Hello" là toàn bộ chu trình "tà lưa cưa cẩm" đã hoàn thành. Siêu kỷ lục!

"Đàn ông không tiến hóa!"

Từ sau cuộc nói chuyện với Hani, tôi không bao giờ nhe răng cười bừa bãi với mọi người xung quanh nữa. Một chiếc áo hở vai, một khuôn mặt không đội khăn hijab, một thái độ thân thiện, một lời chào hỏi quan tâm đều có thể bị coi là "tín hiệu". Đám phụ nữ châu Âu sang Trung Đông quần áo ngắn cũn cỡn, gặp ai cũng bắt tay bắt chân, nói cười thân thiết như bạn bè hẳn nhiên là khiến cho hệ thống rađa của đàn ông nơi đây loạn lên và phụ nữ Tây hẳn nhiên được coi là dễ dãi, sẵn sàng ngủ lang xả láng. Những bộ phim Mỹ để lại ấn tượng con gái đàn bà Tây ai cũng có một cuộc sống phóng túng, sẵn sàng lên giường. Một gã thậm chí thành thật than phiền rằng cô bạn mình không hề giống người Mỹ bình thường chút nào, bằng chứng là cô ta từ chối hôn vì đã có bạn trai ở nhà.

Tôi luôn phải khốn khổ giải thích cho họ rằng sự dễ dãi của trai gái phương Tây hầu hết tập trung vào khoảng thời gian họ còn tự do, chưa có ràng buộc. Trong thời gian này, trao nhau một nụ hôn hay một cuộc làm tình là điều không đến nỗi quá khắt khe. Tuy nhiên, một khi mối quan hệ chính thức được xác lập thì tỉ lệ phản bội bạn tình của họ thấp hơn so với các xã hội cổ điển. Tại sao? Bởi người phương Tây không phải chịu nhiều sức ép về việc ly hôn, trong khi người Trung Đông và Á châu sẽ chấp nhận ông ăn chả bà ăn nem vụng trộm mà không ly hôn để khỏi bị điều tiếng.

Với khuôn mặt da vàng mũi tẹt, tôi còn phải hứng chịu những kiếp nạn trời ơi, hậu quả của một số lượng lớn người giúp việc châu Á nhập khẩu vào Trung Đông bị coi thường như kẻ tôi tớ với sức lao động và thậm chí thân thể cũng có thể cho thuê. Kể cả khi tôi không để hở một tí da thịt nào thì một vài cái rađa mẫn cán vẫn cứ hoạt động hết công suất và những lời đề nghị khiếm nhã vẫn có thể rơi xuống đầu. Một buổi chiều, khi tôi đang đi trên đường thì một lão già lập cập chạy theo, đi sát vào bên, mắt không nhìn tôi mà tay thì xòe ra bên trong có một xấp dina dày cộp. Tôi thấy máu sôi hết trong người, lập tức gào lên cho cả thành Amman phải nghe thấy: "Tati li umika! Tati li umika!" Tiếng Ả Rập có nghĩa là: "Đưa tiền đó trả cho mẹ mày ấy!" (E hèm! Tôi đã nói là khi cần thì tôi cũng có thể đanh đá chưa nhỉ?)

Ấm ức kể lại cho bạn nghe chuyện này, câu đầu tiên cô ta hỏi tôi là: "Thế lúc đó mày mặc gì"? Câu hỏi này lại khiến tôi ba máu sáu cơn nổi điên lên thêm một lần nữa. Tôi ghét cay ghét đắng những lối suy nghĩ hủ lậu như thế này. Trong một xã hội mà cái gì cũng có thể đổ vấy cho con gái, thay vì phải giáo dục thằng đàn ông ngừng suy nghĩ bằng chim và phải tư duy bằng đầu, thì phụ nữ lại được răn dạy là phải che mặt lại, quấn mình vào cái đụp vải đen sì, và tránh đàn ông càng xa càng tốt. Bao nhiêu vụ hiếp dâm xảy ra đã được lũ yêu râu xanh ngụy biện là "Lỗi của cô ta! Ai bảo cô ta ăn mặc khiêu khích? Ai bảo cô ta đi ra đường một mình? Ai bảo cô ta không ở nhà vào giờ này? Ai bảo cô ta thích thể hiện?" Với tôi, điều này chẳng khác gì việc sỉ nhục đàn ông, coi giống đực là một đám nô lệ của ham muốn tình dục và hoàn toàn không có khả năng tự kiềm chế bản thân. Hồi ở Yemen, khi được một anh bạn nhắc khéo, tôi đã kiên quyết không thay chiếc áo cộc tay đang mặc bằng một chiếc áo kín đáo hơn. Tôi thẳng thắn bảo anh ta rằng: "Mai coi anh và những người đàn ông xung quanh là những cá nhân có văn hóa, có tư chất và đạo đức đủ để không hình thành những ý nghĩ xấu xa khi nhìn thấy một cô gái mặc áo cộc tay". Tôi mất cả mấy tiếng để tranh luận và giải thích với anh rằng đàn ông phải cảm thấy bị xúc phạm khi phụ nữ từ chối bắt tay [40], đơn giản vì khi ấy trong đầu cô ta nghĩ rằng: "người đàn ông này có tiềm năng hãm hại mình". Một xã hội toàn cấm đoán là một xã hội của sự bất lực và mất hoàn toàn niềm tin với con người.

Bạn tôi chăm chú lắng nghe, và cuối cùng tôi đã thuyết phục được anh tin rằng việc bắt những bé gái nhỏ xíu phải trùm khăn hijab hay che kín mặt mũi thân thể bằng niqab là hành động biến một đứa trẻ ngây thơ thành đối tượng tình dục có tiềm năng bị quấy rối và chiếm hữu. Điều đó cũng tương tự như việc ngấm ngầm đồng ý rằng giống đực sau bấy nhiêu ngàn năm văn minh nhưng không hề tiến hóa mà vẫn giữ nguyên lòng ham muốn nhục dục của loài cầm thú, thấy thịt da là nhào tới, rằng trí óc của đám đàn ông xung quanh đầy rẫy những ý nghĩ đen tối bẩn thỉu đến mức một đứa bé gái chưa có hình hài phụ nữ cũng phải tự bảo vệ mình khỏi những con đực cuồng dâm.

Sinh ra từ tội lỗi

Nhưng nghĩ cho cùng, không tự bảo vệ không được. Đơn giản vì nếu không tự bảo vệ mình thì đôi khi những người đầu tiên muốn mình lìa đời chính là gia đình. Cái màng trinh của một đứa con gái không đơn giản chỉ là một lớp da có thể bị rách khi đi xe đạp mà là một cái bằng chứng nhận đạo đức và danh dự của cả một dòng họ. Trong một xã hội mà phẩm giá quan trọng hơn tất thảy, người ta sẵn sàng ra tay giết chết người thân để bảo tồn danh tiếng cho gia đình. Những người phụ nữ không phải là chủ nhân của cơ thể mình, bởi cơ thể đàn bà của họ là cội nguồn của sự sinh sôi và cũng là cội nguồn của tội lỗi. Ba tôn giáo cùng nguồn gốc Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo tin vào câu chuyện Adam đã bị Eva dụ dỗ ăn trái cấm và kết cục là cả loài người được sinh ra từ lỗi lầm của phụ nữ. Câu chuyện tôn giáo này kết hợp với một nền văn hóa phụ hệ gia trưởng của sa mạc nơi sức mạnh của bộ lạc dựa vào khả năng chinh chiến của đàn ông, nơi các bé gái và phụ nữ trở thành gánh nặng trong những cuộc sống du mục, nơi đàn ông quyền sinh quyền sát và đàn bà trở thành những kẻ bám theo lưng lạc đà, thua trận là bị thu gom thành chiến lợi phẩm. Số phận những người phụ nữ vì thế bị kìm kẹp bởi trái tim, lý trí và cái "phần mềm phía trước" của đàn ông. Trong tiếng Ả Rập, namus có nghĩa là danh dự (honor). Danh dự của một người đàn ông phụ thuộc vào phẩm hạnh của người đàn bà: sự trinh trắng, sự khiêm tốn, sự có thể đẻ con, sự có thể đẻ con trai, sự ngoan ngoãn, sự gọi dạ bảo vâng, sự răm rắp cưới người chồng đã được gia đình lựa chọn, sự trung thành, sự tiết hạnh. Nếu vì một lý do nào đó người phụ nữ trót đánh rơi một mẩu phẩm hạnh này, người bị ô nhục là người đàn ông. Và cái chết của người phụ nữ (honor killing) là để rửa nhục cho đàn ông. Danh sách những điều khiến phụ nữ có thể bị chính người thân của mình phải ra tay thì dài vô tận: người Thiên Chúa mà dám yêu người Hồi giáo, người Hồi giáo mà dám trốn đi với người ngoại đạo, người Hindu không cùng một đẳng cấp mà dám dan díu với nhau... Thậm chí, khi một cô gái bị cưỡng hiếp, điều đó có nghĩa là những người đàn ông trong gia đình cô đã bị ô nhục vì không hoàn thành nghĩa vụ gìn giữ namus của chính mình. Trong một vài trường hợp, họ cảm thấy không còn cách nào khác là giết người phụ nữ hoặc thuyết phục kẻ cưỡng hiếp phải cưới người phụ nữ vừa bị hãm hại. Giữa việc bị gia đình giết và phải sống với kẻ vừa cưỡng bức mình đến hết đời, tôi thực sự không biết lựa chọn nào khủng khiếp hơn.

Cuộc chiến không cân sức

Phải nhấn mạnh một điều rằng tục lệ giết vì danh dự không phải là sản phẩm của Hồi giáo, thậm chí đi ngược lại những ý muốn tốt đẹp của tiên tri Muhammad nhằm bảo vệ phụ nữ. Tuy nhiên, tôn giáo đã không mạnh bằng hủ tục văn hóa. Khủng khiếp hơn, trong một sự xuyên tạc xoắn vặn tôn giáo kinh hoàng để phục vụ cho nhu cầu quyền lực của giống đực, hủ tục văn hóa đã chiến thắng dưới chiêu bài tôn giáo. Ví dụ điển hình nhất của sự xuyên tạc tôn giáo này có liên quan đến việc tòa án tôn giáo của một số nước yêu cầu nạn nhân bị cưỡng hiếp phải có đủ bốn... nhân chứng tận mắt nhìn thấy việc cô ta bị bức hại. Nếu không đưa ra đủ bốn nhân chứng, điều đó có nghĩa là cô ta dan díu tình ái ngoài phạm vi hôn nhân, và đương nhiên là bị trừng phạt thích đáng, nhẹ thì vài trăm roi, nặng thì bị ném đá đến chết.

Hai người phụ nữ ăn mặc đối lập nhau nhưng có suy nghĩ giống nhau: "Đúng là một xã hội đàn ông làm bá chủ" (phụ nữ là đồ chơi cho đàn ông). Bức biếm họa này chỉ trích

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net