9Palestine - Mê cung của niềm tin

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng




Tôi còn nhớ những ngày rất bé, chừng 10 tuổi, đọc báo Thiếu Niên có một bài viết tựa đề là: "Palestine Nuna - Đất Palestine là của người Palestine". Bài viết có hình ảnh một cô bé trạc tuổi tôi, mắt mở to thảng thốt. Đôi mắt ấy in sâu dai dẳng theo suốt những năm tháng tôi lớn khôn. Bài viết về một vấn đề chính trị to tát nhưng đăng vắn tắt trên tờ báo trẻ con đã làm nên một điều thần kỳ: tôi chẳng biết Palestine là ở đâu, dân Palestine là ai, cái gì đang diễn ra trên vùng đất ấy, nhưng tôi tin chắc một điều: lẽ phải luôn thuộc về người Palestine.

Niềm tin đơn giản và ngây thơ ấy, bất chấp bao nhiêu cuộc chiến thông tin, đã tìm được cách gắn chặt vào tiềm thức của tôi, cho đến ngày tôi gặp Ahmad trong một trại tị nạn của người Palestine ở Li Băng. Chưa kịp nghe tôi mở miệng, anh đặt tay lên vai tôi và nhẹ nhàng nói: "Mai à! Trên đời này làm gì có cái gọi là đất nước Palestine?"

Câu chuyện của Ahmad làm đảo lộn niềm tin thiêng liêng của tuổi thơ tôi.

Áp phích tình đoàn kết Việt Nam-Palestine năm 1972. (Tác giả: Ismail Shammout)

Đất lành chim đậu, cú cáo trị vì

Từ xa xưa khoảng hơn 3000 năm trước, vùng đất rộng lớn phía tây bán đảo Ả Rập là nơi sinh sống của một số tộc người Ả Rập. Rất nhiều bộ lạc khác cũng di cư đến đây như một quy luật tất yếu của dòng chảy cuộc sống. Hai trong số những bộ lạc di cư này là tộc người Israel đến từ Ur (thuộc Iraq bây giờ) do họ tin rằng Thượng Đế đã hứa ban tặng cho những đứa con cưng của mình một miền đất mới trù phú, điều này được viết trong Kinh Cựu Ước của người Do Thái. Tộc người thứ hai từ vùng đảo Crete (Hy Lạp bây giờ) cũng vượt biển tới đây tìm nơi sinh sống mới. Người từ đảo Crete mạnh mẽ, thiện chiến, trở thành kẻ thù của nhiều tộc người khác do chiếm được nhiều đất đai, thậm chí gây hấn cả với Pharaoh Ai Cập. Họ được người Israel gọi là Peleshet (tiếng Anh - Philistine), có nghĩa là những người di cư và chiếm đóng. Cái tên Palestine lần đầu tiên được nhắc đến bởi một nhà sử học Hy Lạp, ám chỉ vùng đất nơi những người của nhiều bộ tộc khác nhau cùng đến di cư và tranh chấp.

Hơn 1000 năm sau đó, khu vực này nằm dưới sự trị vì của đế chế La Mã rộng lớn. Tộc người Israel khi đó đã lớn mạnh và thành lập nhà nước vững vàng nhưng cũng không thoát khỏi ách đô hộ của La Mã. Họ liên tục nổi dậy. Hoàng đế La Mã sau khi đập tan một cuộc cách mạng của dân Do Thái Israel thì quyết định đổi tên quốc gia này thành Palestine, sáp nhập vào với cả vùng đất rộng lớn của các tộc người Ả Rập gốc quanh đó nhằm xóa bỏ triệt để dấu ấn của nhà nước Do Thái. Cái tên Palestine và người Palestine tiếp tục được Syria, đế chế Thổ Nhĩ Kỳ và đế chế Anh dùng để chỉ vùng thuộc địa bao la của mình. Vùng đất tên là Palestine đó, một vùng đất không có đường biên rõ ràng với một vài thành phố lớn và hàng trăm bộ lạc sống bên cạnh nhau: người Ả Rập, người Do Thái, người Thiên Chúa, người Hồi, người từ đủ các cành nhánh tôn giáo nhỏ hơn. Tất cả bọn họ đều tự nhận mình là người vùng Palestine. Đó không phải là một quốc gia độc lập mà đơn giản chỉ là một cái sân chim.

Tuy nhiên, đất lành không những chỉ có chim đậu mà còn có cả cú cáo muốn trị vì. Hai đế chế lớn La Mã và Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman coi Palestine là thuộc địa của mình nhưng giữ nguyên vùng đất này với cấu trúc thành phố tự trị và bộ lạc. Ottoman hùng mạnh chừng được 500 năm thì hai ông lớn Anh và Pháp nổi lên. Để đánh sụp Ottoman, Anh, Pháp đi đêm với tất cả các bộ lạc và sắc tộc ở Palestine cùng các vùng xung quanh, xúi giục họ nổi dậy chống lại kẻ đô hộ. Với sắc tộc nào Anh, Pháp cũng mạnh mồm hứa hẹn sẽ giúp họ chuyển đổi từ cơ chế bộ lạc và thành phố tự trị lên thành quốc gia, và cho họ quyền lập nhà nước tự chủ một khi đế chế Ottoman sụp đổ.

Khi công việc đã xong xuôi, hai ông lớn chia nhau phần đất đai cai trị thì câu chuyện vỡ óc mới thực sự bắt đầu [44]. Họ ngồi vào bàn, và với cây bút chì trong tay bắt đầu kẻ vẽ các đường biên giới. Một vùng đất rộng lớn nhoằng cái đã trở thành năm quốc gia mới toanh. Mỗi đường biên là một mưu mô toan tính vô cùng cẩn thận, đại để là làm thế nào để các quốc gia mới sẽ không-bao-giờ yên ổn, sẽ lúc nào cũng chênh vênh. Thế thì mới dễ cai trị. "Chia để trị" mà. Và thế là từ cơ thể Syria, Li Băng được Pháp xé ra hình thành một quốc gia mới để sao cho các sắc tôn giáo Thiên Chúa, Hồi giáo Sunni, Shia và Hồi giáo dòng Druze sẽ luôn phải dè chừng nhau. Kuwait được Anh đẻ non bằng cách vặt một mẩu từ Iraq nhằm mục đích chắn đường Iraq không cho ra biển (sau này cuộc chiến Iraq mang quân đánh Kuwait chính là để đòi lại đất ngày xưa). Đồn rằng, khi đang vẽ đường biên giới Jordan thì tự dưng ông Churchill hắt hơi một cái, thế là lãnh thổ của Jordan nguệch vào Saudi một phát. Churchill quẹt nước mũi, cúi xuống và tiếp tục đưa bút lượn trở lại vị trí cũ, thế cho nên đường ranh giới của Jordan trông mới kỳ quái như vậy. Cứ thế, các quốc gia mới của bán đảo Ả Rập được hình thành dưới quyền đô hộ của Anh và Pháp. Chẳng có nước nào được độc lập trọn vẹn, thậm chí tộc người Kurd với dân số tới 40 triệu, dù được hứa sẽ cho lập nước nhưng cuối cùng bị phản bội trắng trợn khi vùng đất nơi họ sinh sống bị chia thành năm phần, nằm ngửa mặt dang chân dang tay, mỗi phần thuộc về lãnh thổ của năm quốc gia khác nhau. Người Kurd cho đến bây giờ vẫn là dân tộc không quê hương lớn nhất và thảm thương nhất trong lịch sử hiện đại.

Vùng đất của người Kurd bị chia làm năm phần cho năm nước khác nhau.

Quay trở lại thời điểm người Anh đi phân phát lời hứa. Không những hứa suông, họ còn hứa ba tầng chồng chéo lên nhau cho ba nhóm đồng minh khác nhau. Vùng Palestine rộng lớn được hứa khi Ottoman sụp đổ sẽ dành cho các bộ lạc Ả Rập để thành lập một hợp chủng quốc thống nhất, rồi cũng chính miếng bánh đó lại được hứa cho gia tộc Hashimi danh giá từng thống trị vùng đất thánh Mecca của Hồi giáo, cuối cùng, miếng mồi ngon béo được dùng để nhử một dân tộc đã hàng ngàn năm mất nước và tan tác khắp chân trời góc bể nhưng vẫn đau đáu nhìn về vùng đất tổ ở Palestine: người Do Thái.

Trở về miền đất hứa

Theo Kinh Cựu Ước của người Do Thái, cách đây 3000 năm tại vùng Palestine, vua David lập nên Vương quốc Israel nơi thành Jerusalem là trái tim của tôn giáo. Với dân tộc Do Thái, vùng đất này là những gì Thượng Đế đã hứa với tổ phụ của họ Abraham, như Kinh Cựu Ước đã ghi: "Ta ban cho con cháu của ngươi mảnh đất này, trải rộng từ sông Ai Cập đến sông Euphrates...". Vì thế đây còn gọi là miền đất hứa (The Promised Land). Đổi lại, Abraham và các con cháu của ông phải thực hiện nghi lễ rạch bao quy đầu - một cuộc phẫu thuật nhỏ mở phần da ở đầu dương vật - để được công nhận là người thừa kế miền đất hứa. Việc tại sao Thượng Đế lại đòi hỏi một cái điều kiện có vẻ "trời ơi" như vậy thì còn nhiều tranh cãi. Nhưng đại đa số cho rằng rạch bao quy đầu sẽ vệ sinh hơn do cặn bã không còn nơi tích tụ, và nghi lễ này cũng mang tính tượng trưng cho việc mở trái tim mình để hoàn toàn cởi lòng không vẩn đục với Chúa (circumcision of the heart).

Tại Jerusalem, con trai của vua David là vua Solomon xây một Đền Thờ Thiêng hùng vĩ nơi cất giữ bản "10 điều răn của Thượng Đế" (The 10 commandments) nổi tiếng. Cũng ở vị trí Đền Thờ Thiêng này là Tảng Đá Nền (Foundation Stone) nơi Người bắt đầu công việc tạo dựng nên Trái Đất, nơi Người vun đất nặn nên Adam ông tổ của loài người. Và đây cũng là nơi Người thử lòng sùng đạo của Abraham bằng cách yêu cầu ông hiến dâng mạng sống của chính con trai mình. Abraham thi hành lệnh giết con. Thượng Đế chứng nhận lòng trung thành tuyệt đối của ông và thay thế chỗ của con trai ông bằng một con cừu.

Người Do Thái dựng nước chưa được bao lâu thì liên tục bị xâm chiếm bởi hết đế quốc này đến đế quốc khác. Người dân bắt đầu cuộc lưu lạc kéo dài hàng nghìn năm. Đền Thờ Thiêng bị người Babylon tàn phá, xây dựng lại thì đến lượt đế chế La Mã đốt trụi. Tất cả những gì còn lại của chốn linh thiêng nhất trong tôn giáo Do Thái là một mẩu bé xíu của bức tường khổng lồ vốn chỉ xây bao quanh để bảo vệ cho Đền Thờ Thiêng và một phần của Tảng Đá Nền. Người Do Thái ở Jerusalem cứ mỗi chiều tối thứ Bảy lại tập trung dưới chân bức tường vừa đọc Kinh Cựu Ước, vừa dập đầu than khóc. Cái cách than khóc khi cầu kinh của người Do Thái cũng rất đặc biệt, họ gập người, liên tục đổ gục đầu về phía trước như một kẻ lên đồng, trên tay cầm cuốn thánh kinh nhỏ xíu vừa khít trong lòng bàn tay. Phụ nữ thường trùm lên đầu một chiếc khăn, đàn ông đội một miếng vải tròn nhỏ thể hiện sự tôn kính. Khi họ bước đi, những chùm dây dài thò ra ngoài cuốn xoắn theo từng bước chân. Tất cả để nhắc nhở người Do Thái rằng trên đầu và xung quanh luôn có Thượng Đế ngóng nhìn, và mỗi lời ăn tiếng nói, mỗi hành động, mỗi lời thở than của họ đều có thể lay động tới Đấng Tối Cao.

Tôi tìm đến Wailing Wall vào đúng một chạng vạng cuối tuần như thế. Từ trên một góc phố cổ nhìn xuống, bức tường được chiếu sáng rực rỡ. Phía dưới chân tường, mặt đất đen thẫm lại bởi màu áo của hàng ngàn người dân Jerusalem. Tôi theo chân những người phụ nữ tiến lại gần chân tường, chọn một góc thật sâu thật khuất và lặng lẽ để mình chìm đuối trong tiếng khóc, tiếng cầu kinh, tiếng than thân thống thiết. Thật khó có thể tưởng tượng người Do Thái đã than khóc vật vã như thế này suốt hơn 2000 năm qua. Đó là một nỗi đau được truyền từ đời này sang đời khác, không có cơ hội hàn gắn, sẻ chia, và lãng quên. Có những thời kỳ người Do Thái thậm chí còn không được bén mảng đến gần Jerusalem nếu không muốn bị khép vào tội chết. Mỗi năm một lần, vài vị vua của đế chế cầm quyền La Mã hào phóng ban tặng cho họ một ngày được đặt chân vào thành Jerusalem, đến gần bức tường, và cũng chỉ đủ thời gian để mà than khóc cho một đất nước tan tác, một tôn giáo bị vùi dập, cho số phận chốn thiêng liêng nhất của linh hồn dân tộc đã bị đốt thành tro tàn chẳng còn mấy dấu vết.

Người Do Thái đã than khóc vật vã như thế này suốt hơn 2000 năm qua.

Tuy nhiên, gì thì gì, lịch sử Do Thái như kể trên vẫn chỉ là từ cái nhìn của tôn giáo. Miền đất hứa sau bao thăng trầm của lịch sử, dân Do Thái chỉ còn chiếm có 3%, phần còn lại đa số là Hồi giáo Ả Rập. Năm 1897, một phóng viên Do Thái người Áo-Hung tên là Theodor Herzl dấy lên phong trào kêu gọi phục hưng nhà nước Do Thái tên là Zionism (bắt nguồn từ chữ Zion, chỉ Jerusalem). Kể từ đó, Zionism khiến hàng ngàn người Do Thái quay trở về Palestine. Thượng Đế hứa cho họ miền đất này từ 3000 năm trước. Người Anh gì thì gì cũng đã lại trót hứa cho họ một quốc gia độc lập. Cộng thêm thảm họa diệt chủng Đức Quốc xã giết năm triệu rưỡi dân Do Thái sau năm 1945 khiến châu Âu cảm thấy cần có trách nhiệm nặng nề đền bù thiệt hại cho một dân tộc vừa bị tàn sát dã man. Khi đó, làn sóng trở về lên đến đỉnh điểm, người Do Thái từ châu Âu ồ ạt tìm cách mua lại đất đai và bất động sản ở Palestine khiến người Ả Rập ở đây vô cùng tức giận. Liên Hợp Quốc bèn đề xuất việc chia vùng Palestine làm hai phần, một cho dân Do Thái Palestine lập nhà nước Israel, một cho dân Hồi giáo Palestine thành lập nhà nước Ả Rập thống nhất, riêng Jerusalem thì trở thành đặc khu quốc tế do Liên Hợp Quốc kiểm soát.

Dân Do Thái Palestine đồng ý và lập tức thành lập nhà nước Israel. Tuy nhiên, không giống như những đất nước được tạo nên bằng ngòi bút như Kuwait, Li Băng, Jordan... một trong hai quốc gia được phương Tây vẽ ra lần này lại dành riêng cho một tôn giáo khác Hồi giáo và một sắc dân khác người Ả Rập. Dân Hồi ở Palestine kịch liệt phản đối. Họ cho rằng cả vùng Palestine phải được công nhận là một nhà nước độc lập duy nhất, và vì đa số dân chúng là người Hồi nên theo nhà nước mới thành lập phải là nhà nước Hồi giáo.

Chỉ một ngày sau khi nhà nước Israel non trẻ tuyên bố thành lập, liên minh năm nước khổng lồ quanh đó gồm Ai Cập, Jordan, Syria, Iraq và Li Băng đồng loạt nổ súng tấn công với danh nghĩa đồng minh bảo vệ người Hồi Palestine thấp cổ bé họng. Đất đai giành giật, chiếm đi cướp lại xóa nhòa đường biên vốn do Liên Hợp Quốc đề xuất. Israel mới đầu chỉ là tự vệ, sau càng chiến càng hăng, một mình đánh tan tác liên quân Hồi giáo. Năm 1967, trong một cuộc xung đột dài sáu ngày, quân Israel không những đánh bật Syria, Ai Cập và Jordan mà còn chiếm thêm vài khoảng lớn lãnh thổ của cả ba nước này, trên đà thắng thế chiếm luôn cả Jerusalem làm thủ đô, rồi kiểm soát cả một phần lớn vùng đất của người Hồi Palestine, đẩy hàng chục ngàn dân Hồi tị nạn không còn chỗ quay về, vì thế nên đây còn gọi là vùng bị chiếm đóng. Liên quân Hồi giáo Ả Rập đành cay đắng chấp nhận thua cuộc, thậm chí phải xuống nước ký hòa ước với Israel để đổi lại các vùng đất bị mất. Cuộc chiến sáu ngày là một vết nhơ đầy nhục nhã trong thế giới Ả Rập, một vết thương không bao giờ lành, một mối thâm thù khiến người Hồi ở bất kỳ đâu cũng có thể biến thành Che Guevara xả thân xối máu để giành lại công bằng cho người Hồi Palestine. Đây cũng chính là lý do tại sao tổ chức (được coi là khủng bố) Hezbollah dòng Hồi Shia ở Li Băng được tung hô vì họ đã đẩy lùi quân Israel năm 2006, một phần nào rửa vết nhơ cho thế giới Hồi giáo [45].

Việt Nam đương nhiên đứng về phía Palestine, thậm chí cuối những năm 80 còn gửi cả cố vấn quân sự đến Trung Đông để giúp quân Palestine. Tuy nhiên, Palestine chưa bao giờ là một quốc gia độc lập, và cho đến tận bây giờ vẫn chưa được hoàn toàn công nhận là nhà nước độc lập. Việc từ chối lời đề nghị chia đất của Liên Hợp Quốc và sau đó tấn công Israel bây giờ nhìn lại hẳn là một lỗi lầm chính trị phải trả giá quá đắt. Palestine giờ đã trở thành biểu tượng của mối hằn thù tôn giáo, là kho chất nổ tiềm tàng, chỉ cần độc lập là lập tức sẽ bị các nước Ả Rập xung quanh biến thành một cái vòi rồng, cuốn lũ xả bão san phẳng Israel đến ngọn cỏ cuối cùng. Tôi thậm chí nghi ngờ những kẻ võ mồm này thực lòng muốn Palestine được độc lập. Bởi một Palestine tan tác trong bàn tay của kẻ chiếm đóng cũng đồng thời là thứ vũ khí lợi hại để các nhà độc tài Hồi giáo lợi dụng nhằm triệt hạ Israel, khuấy động lòng người hướng đến một kẻ thù chung, và đương nhiên là quên đi những vấn đề nội bộ còn đáng xấu hổ hơn gấp nhiều lần. Như người ta lợi dụng một đứa bé tàn tật bị ngược đãi để điều khiển dư luận lòng người. Đứa bé ấy khỏe mạnh lên thì tất nhiên là không ai có lợi. Rốt cuộc, cũng là một cách chia để trị, nhưng lại lấy danh nghĩa là tình thương.

Con đường Sầu Thương

Sau khi Do Thái giáo ra đời được khoảng 1000 năm, Jerusalem lúc đó đang bị đô hộ bởi đế chế La Mã và người Do Thái bị phân biệt đối xử, rất nhiều người phải bỏ xứ mà đi. Vào một buổi sáng mùa xuân, một người Do Thái trẻ tuổi tên là Jesus (Giê-xu) tiến vào thành Jerusalem trên lưng một con lừa. Quần chúng tiếp đón ông nồng nhiệt. Vì Kinh Cựu Ước của người Do Thái nói rằng một messiah, người được chọn lựa, Đức Vua tương lai của Israel sẽ xuất hiện một cách khiêm nhường trên lưng lừa. Thế nên ai cũng hào hứng và hy vọng.

Mỗi ngày mới, hàng trăm người lại tụ hợp nghe Jesus nói chuyện, ngay chính tại Đền Thờ Thiêng Do Thái khi đó vẫn còn chưa bị chính quyền thống trị La Mã thiêu hủy. Nhưng vì những điều Jesus đề cập đến trực tiếp đối đầu với quyền lực của tầng lớp đô hộ, chỉ sau chừng một tuần trụ lại Jerusalem, Jesus bị chính quyền La Mã đóng đinh thập giá. Sau khi Jesus chết, đại bộ phận người Do Thái không còn tin ông là messiah nữa. Đơn giản bởi vì Jesus không hoàn thành sứ mạng của một messiah, tức là đưa toàn bộ dân Do Thái biệt xứ trở về Jerusalem, đánh đuổi chính quyền đô hộ La Mã, và đem đến hòa bình cho toàn nhân loại.

Suốt những thế kỷ thăng trầm sau đó, những người Do Thái tin vào Jesus, tin ông chính là con trai của Thượng Đế và sự bất diệt của Người dần dần tách ra khỏi tôn giáo gốc và hình thành Thiên Chúa giáo, nối thêm kinh Tân Ước vào kinh Cựu Ước của người Do Thái. Suốt trong 2000 năm sau đó, Jerusalem trở thành điểm hành hương quan trọng nhất của các tín đồ Thiên Chúa.

Con đường Sầu Thương (Via Dolorosa) đánh dấu 600 mét của máu và đau đớn bắt đầu từ cổng Sư Tử. Mười bốn điểm dừng kể lại tấn bi kịch được tương truyền là cao quý nhất trong lịch sử tôn giáo độc thần. Vào thời điểm bộ phim The Passion of Christ (Khổ hình của Chúa) của Mel Gibson mới công chiếu, tôi còn nhớ mình kéo bạn bè tò mò đi xem và... nhắm tịt mắt liên tục suốt cả bộ phim. Thành Jerusalem thế kỷ 21 lèn kín khít khịt hàng ngàn sạp hàng đủ màu sắc tươi vui, nhưng tôi thấy chóng hết cả mặt vì suốt mười bốn điểm dừng trên Via Dolorosa đâu đâu cũng gợi lại những thước phim tóe máu. Đi qua vòm cổng đá uy nghi nhưng trong đầu tôi là hình ảnh Jesus bị kết tội và bị xích sắt quật nát thân thể. Một cô bé giơ tay chỉnh lại chiếc khăn trùm làm tôi liên tưởng đến lúc Người bị mão gai ghim vào đầu tóe máu. Bọn trẻ con cười đùa hò hét váng trời trên con đường Người từng vác thập giá lết qua và ngã gục ba lần vì đòn roi tra tấn. Một anh chàng chủ hiệu đồ lưu niệm với theo câu chào hàng ngọt như mía lùi, đúng nơi ấy là điểm dừng nơi Jesus gặp mẹ mình quỵ ngã trước mặt đứa con rứt ruột đẻ ra đang chuẩn bị bước vào cõi chết bằng những chiếc đinh đóng phập qua xương bàn tay găm vào thập giá. Máu! Máu! Và máu! Cả một bộ phim bê bết và đỏ lòm tàn khốc.

Cuối con đường Sầu Thương là thánh đường Holy Sepulchre, cũng có nghĩa là thánh đường Lăng Mộ. Nơi đây 2000 năm trước là ngọn đồi nơi thánh giá được dựng lên, Jesus bị đóng đinh, hạ xuống chôn cất, và ba ngày sau sống lại (Phục sinh). 2000 năm sau, Holy Sepulchre đông nghịt tín đồ từ khắp nơi trên thế giới. Họ quỳ hôn tấm đá nơi thi thể Jesus được hạ xuống từ thập giá. Họ xếp hàng vài tiếng đồng hồ, nhích từng xen ti mét nhỏ để được đến gần hầm mộ Chúa. Ban thờ được trang hoàng lộng lẫy nhất là nơi thập giá cắm xuống, tương truyền cũng là nơi chiếc đầu của Adam - ông tổ loài người được chôn cất.

Ngày Chúa ra đời

Hôm sau, tôi bắt xe vượt qua biên giới Israel để vào vùng đất còn lại của Palestine vẫn chưa

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net