🌸 Chương 149: Con

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lúc cùng trở về thôn Cửu Sơn từ huyện Định Châu, vì việc ai lái xe mà Lâm Tố Mỹ và Tạ Trường Du có một cuộc tranh cãi nhỏ. Cuối cùng lấy lí do Tạ Trường Du đã uống rượu, Lâm Tố Mỹ tự ngồi trước vào ghế lái. Tạ Trường Du chỉ đành ngồi vào ghế phụ lái với nét mặt không biết là bất lực hay là tiếc nuối.

Vì trước đó Lâm Tố Mỹ đã kể một vài chuyện linh tinh nên trên quãng đường về, hai người đều kể một vài chuyện hồi nhỏ của bản thân.

Thực ra, đến bây giờ Lâm Tố Mỹ vẫn hơi khó hiểu, cũng có thể nói là sự khó hiểu của cô trong cơ thể này. Hồi nhỏ cô và các anh chị họ cùng ra ngoài tắm, khi ấy còn nhỏ nên đều được bác hai dẫn đi. Cô nhớ rất rõ, nước đó rất sâu, hình như mình đã bị chìm trong nước, nhưng vùng vẫy mấy cái thì lại nổi lên. Cô không rõ thật sự là mình đã tự vùng vẫy, hay là được người khác cứu lên.

Kí ức của Tạ Trường Du với thời thơ ấu chính là cùng hội Quách Chí Cường leo núi, trèo cây. Ngoài cổng nhà anh có một tổ chim, có trời mới biết mỗi lần nhìn thấy nó, Tạ Trường Du muốn cầm thanh tre chọc đến mức nào. Đáng tiếc là lần nào anh cũng phải tự khuyên mình đó là mái nhà của những em chim.

Mùa đông hằng năm, khi chim không có ở đó, anh đều nhìn chằm chằm vào tổ chim ấy.

Có lẽ vì ánh mắt đó quá có cảm giác phạm tội, anh đã bị tất cả mọi người trong nhà cảnh cáo.

Trần Tư Tuyết: Không được động vào đâu đấy, mày chọc nhà của người ta, người ta trở về thì sống ở đâu? Nó sẽ trở về nhà, chỉ là mùa đông nó đi đến nơi khác thôi.

Tạ Minh: Mày mà dám chọc, bố đánh chết mày.

Tạ Trường Linh: Phải ngoan ngoãn nghe lời.

Tạ Trường Bình: Ê, hay là tao và mày lặng lẽ chọc nhé?

Cuối cùng có một năm, chú chim đó không bay về, rốt cuộc tổ chim ấy đã trống không, Tạ Trường Du cầm một thanh tre chọc tổ chim đó. Sau khi hoàn thành chuyện muốn làm bao năm, Tạ Trường Du cảm thấy sung sướng cuộc đời. Anh vỗ tay rồi hiên ngang rời đi.

Sau đó hội Quách Chí Cường hỏi anh đã làm chuyện tốt gì với vẻ vô cùng tò mò?

Anh nói mình đã chọc tổ chim. Kết quả là chẳng một ai tin anh, họ đều cảm thấy anh đang bốc phét, khiến bản thân anh cũng dở khóc dở cười.

Còn chuyện của nhà bà ngoại Tạ Trường Du thì khác với Lâm Tố Mỹ. Tạ Trường Du vẫn luôn không thân thiết với nhà bà ngoại mình, anh chị em họ gì đó càng chẳng qua lại.

Bà ngoại của Tạ Trường Du ư, Lâm Tố Mỹ đương nhiên cũng từng lĩnh giáo.

Cho dù người nhà bà ngoại Tạ Trường Du là người thế nào, khi Lâm Tố Mỹ đến nhà bà ngoại mình, cô cũng sẽ mang quà sang bên đó. Song cô không nói nhiều, càng không ở lại ăn cơm, chỉ dặn dò bà cụ nghỉ ngơi cho tốt.

Sau đó Lâm Tố Mỹ và Tạ Trường Du sẽ bị bà cụ phàn nàn.

- - Hai đứa bay đúng là nhẫn tâm, các bác hai đứa sống thành như thế mà hai đứa bay cũng không biết đường giúp đỡ chúng nó.

- - Sao hai đứa bay có thể như thế? Hai đứa không thể như vậy, hai đứa giúp chúng nó, chăm sóc chúng nó, để chúng nó dưỡng lão.

- - Không hiếu thảo phải bị sét đánh...

......

Sau khi gặp bà ngoại Tạ Trường Du, Lâm Tố Mỹ đột nhiên cảm thấy hình như bà ngoại mình cũng ổn đấy chứ? Ít nhất bà ngoại cô không có suy nghĩ tìm con cháu đòi tiền mà đều dùng tiền mình tự tiết kiệm, ngay cả lúc bị bệnh cũng tiêu tiền của chính bà cụ. Đương nhiên, nếu bà cụ thực sự không có thì vẫn phải để con cháu cho.

Trong vấn đề về bà ngoại, Lâm Tố Mỹ đề nghị nếu có gì xảy ra thì mẹ mình cùng các bác chia đều chi phí, dẫu sao Trần Đông Mai cũng không gánh vác nghĩa vụ phụng dưỡng.

Hai người về nhà, lúc dừng xe lại thì vẫn hơi bất ngờ.

Dù là Tạ Trường Du hay Lâm Tố Mỹ đều có một thói quen, lúc lên huyện hay đi công tác, họ đều sẽ mua một vài món quà nhỏ về nhà. Dẫu sao trong nhà cũng có quá đông trẻ con, chia cho chúng một chút đồ đã có thể khiến chúng vui vẻ tận mấy ngày, chuyện hay như thế cớ sao lại không làm chứ.

Mà lũ trẻ cũng tinh ranh, chỉ cần nhìn thấy họ thì đều ùa đến.

Nhưng hôm nay mọi sự lại khác.

Sự khác thường thể hiện ngày hôm nay hơi ngoại lệ, hoặc là đã xảy ra chuyện gì đó rồi chăng?

Lâm Tố Mỹ và Tạ Trường Du nhìn nhau. Hai vợ chồng đã có sự ăn ý, không hẹn mà cùng hơi lo lắng.

Sau đó Lâm Tố Mỹ nhíu mày, hình như cô nghe thấy tiếng mẹ mình...

Ảo giác ư?

Cô lại nhìn sang Tạ Trường Du lần nữa.

Tạ Trường Du chau mày. "Về nhà xem trước đã."

Lâm Tố Mỹ gật đầu.

Hai người đi về phía nhà họ Lâm, trên đường cũng chạm mặt một vài người trong thôn, họ đều bảo Lâm Tố Mỹ về khuyên nhủ Trần Đông Mai đừng có giận dữ nữa.

"Mẹ cháu làm sao ạ?" Lâm Tố Mỹ cũng có thể nghe thấy tiếng mắng của Trần Đông Mai rồi. Đó thật sự là mắng, kiểu dùng thực lực tuyệt đối tuôn ra cả đống lời lẽ ô uế, khiến Lâm Tố Mỹ nghe mà xấu hổ.

"Dưa hấu nhà cháu trồng bị người ta trộm mất, mẹ cháu tức điên người..."

Chuyện này...

Lâm Tố Mỹ hít sâu một hơi.

"Chẳng để lại một quả nào luôn, mẹ cháu thực sự cáu tiết lắm."

Lâm Tố Mỹ nghe những lời xỉ vả cấp mười đến từ mẹ mình thì cũng không dám đến gần Trần Đông Mai nữa. Những lời lẽ bẩn thỉu đó đều liên quan đến cơ quan riêng tư trong cơ thể người, bị mắng ra như vậy thì uy lực mạnh mẽ.

Sau đó, Lâm Tố Mỹ nghe thấy một từ là "háng thối". Chẳng hiểu sao, cô cảm thấy hơi buồn cười. Tiếp đó cô bắt đầu nghiên cứu sâu xa: tại sao lúc mắng người lại mắng mấy cơ quan riêng tư trong cơ thể người chứ, rốt cuộc do ai phát minh, tại sao phải làm như vậy?

Lâm Tố Mỹ và Tạ Trường Du nhìn nhau.

"Bố mẹ em yêu quý mấy quả dưa hấu đó lắm, chúng còn chưa lớn mà hai cụ đã phân chia xem để lại cho vợ chồng mình bao nhiêu rồi."

Tạ Trường Du cố ý trợn mắt. "Cho nên dưa của vợ chồng mình không còn nữa hả? Thế thì chúng mình chịu tổn thất rồi còn gì?"

Đúng thật là như thế.

Tiếng mắng của Trần Đông Mai vẫn chưa ngừng.

Lâm Tố Mỹ hít sâu một hơi. "Tạ Trường Du, em cho anh một cơ hội lái xe. Vừa nãy không phải anh tranh với em xem ai lái xe đấy sao? Bây giờ em cho phép anh lái xe."

"?"

"Anh đi mua mấy quả dưa hấu về. Mua mấy quả to, sau đó mua thêm mấy quả nhỏ hơn. Đợi lát nữa em giả vờ đi tìm dưa, rồi nói bọn trộm chưa trộm hết, vẫn còn mấy quả mọc trong cỏ không bị trộm."

Tạ Trường Du trợn tròn mắt. "Mẹ sẽ tin hả?"

Chuyện này ư?

Lâm Tố Mỹ thở dài. "Mẹ đừng tức giận như thế nữa là được. Mẹ mà thế này thì phải cáu kỉnh tận mấy ngày, không tốt cho sức khỏe."

Bấy giờ Tạ Trường Du mới gật đầu.

Vì thế hai vợ chồng hợp tác.

Dưa đã bắt đầu được bán từ lâu rồi, nhưng dưa nhà họ Lâm trồng chín muộn hơn nên bây giờ vẫn chưa bắt đầu thu hoạch. Bây giờ nếu Tạ Trường Du ra ngoài mua thì cũng rất dễ.

Lâm Tố Mỹ đi về nhà mình.

Trần Đông Mai vừa thấy con gái mình, suýt thì bật khóc. Tuy không khóc nhưng mắt dì cũng đã hoe đỏ. "Tiểu Mỹ, dưa hấu nhà mình không còn nữa rồi, không còn một quả nào nữa rồi."

Lâm Tố Mỹ tiến lên đỡ mẹ mình. Vừa rồi hẳn là Trần Đông Mai mắng rất dữ, giọng đã hơi khàn.

Trần Đông Mai tức đến nỗi mặt đỏ phừng phừng. "Đều là lỗi của mẹ. Bố con nói thời gian này phải ra đó trông, buổi tối phải ngủ ở đó, mẹ còn nói ông ấy nghĩ quá nhiều. Người dân thôn Cửu Sơn mình nhiều như thế, ai lại chạy tới trộm đồ chứ? Con xem hồi Tết, các thôn khác đều có trộm, còn thôn mình thì không. Mẹ còn tự cho là mình thông minh, ở chỗ bố con bắc giàn, mẹ còn đặt hai đôi dép lê giả vờ là có người đang trông..."

Trần Đông Mai không chỉ tức giận vì dưa hấu bị trộm mà còn bực vì mình không nghe lời Lâm Kiến Nghiệp. Nếu dì nghe lời Lâm Kiến Nghiệp, ở đó trông mấy ngày thì dưa sẽ không bị trộm.

"Mẹ, chỉ mấy quả dưa thôi mà, mẹ đừng..."

Lời còn chưa dứt, ánh mắt của Trần Đông Mai đã quét qua. Lâm Tố Mỹ lập tức im bặt.

"Đó là vấn đề mấy quả dưa hả? Mẹ và bố con đã ngần này tuổi rồi mà còn gánh phân đi bón cho chúng, trời hơi khô đã sợ chúng héo chết, có tình cảm với chúng rồi, bây giờ sắp hái rồi lại bị trộm hết... Tức chết mẹ mà..."

Lâm Tố Mỹ xem trực tiếp mẹ mình tức đến mức giậm chân rồi lại bắt đầu mắng ở ngay hiện trường.

"Mẹ, đừng mắng nữa, những lời mẹ mắng chỉ có thể để người trong thôn mình nghe thấy, nhưng chắc chắn không phải là người thôn mình trộm đâu."

"Sao con biết không phải người thôn mình? Không phải người thôn mình thì ai biết nhà mình trồng dưa hấu?"

Chuyện này ư, Lâm Tố Mỹ thật sự tắc tịt.

"Mẹ, đừng nói nữa, mẹ xem bao nhiêu người đang nhìn kìa!"

"Chê mẹ làm mày mất mặt hả!"

Giờ thì hay rồi, Lâm Tố Mỹ không dám nói nữa. Mẫu thân đại nhân nhà mình mà thể hiện uy lực thì không ai dám hé lời cả.

Cuối cùng Lâm Kiến Nghiệp nhìn sang Lâm Tố Mỹ, lắc đầu với cô, tỏ ý bảo cô qua đây ngồi xuống, cứ mặc kệ Trần Đông Mai.

Người ta già cả rồi vẫn vất vả trồng chút dưa hấu, phần nhiều là nghĩ đến con cháu, còn họ thì chưa từng nghĩ sẽ ăn được mấy miếng. Nhưng thứ mình vất vả trồng ra lại cứ thế bị trộm mất, quả thực khiến người ta tức đến mức bốc hỏa. Nếu không mắng vào lúc này để phát tiết thì có lẽ Trần Đông Mai sẽ càng khó chịu.

Thực ra, Lâm Kiến Nghiệp cũng chẳng tốt hơn là bao.

Lâm Kiến Nghiệp còn có tình cảm với mảnh đất trồng dưa hấu đó hơn Trần Đông Mai. Ngày nào Lâm Kiến Nghiệp cũng chạy đến xem dưa. Ông bắt đầu quan sát từ lúc ra hoa, trông ngóng từng ngày đến lúc kết quả, rồi xem dưa hấu lớn dần, ngay cả chuyện có bao nhiêu quả to bao nhiêu quả nhỏ ông đều biết rõ, thậm chí còn biết mỗi quả dưa mọc ở chỗ nào.

Bình thường không có chuyện gì làm, ông thích di chuyển loanh quanh để đếm dưa hay đếm xem trên cây có bao nhiêu quả bưởi. Đối với chỗ quả nhà mình, ông biết rõ mồn một.

Lâm Tố Mỹ đợi một lúc lâu, cuối cùng Tạ Trường Du đã đến rồi lặng lẽ đánh tiếng với cô.

Lâm Tố Mỹ cảm thấy bây giờ mình và Tạ Trường Du giống như đặc vụ vậy. Sau đó cô lặng lẽ theo Tạ Trường Du ra ruộng dưa xem trước.

Chỉ có dây leo, không có dưa hấu, cả một mảng hoang vu.

Nhưng mảnh đất này cao hơn mảnh đất phía dưới một chút. Mảnh đất ở dưới vừa khéo là của nhà bác hai cô. Vì trồng một vài loại cây ăn quả, hơn nữa nhà bác hai không làm ruộng nên trong đó cỏ mọc um tùm.

Thấy tình hình này, mắt Lâm Tố Mỹ và Tạ Trường Du đều sáng lên. Giờ thì tìm được cớ rồi, có thể nói là dây leo đã chui xuống mảnh đất phía dưới, bị cỏ che mất nên dưa hấu không bị trộm.

Hai vợ chồng phối hợp nhịp nhàng, sau đó về nhà, còn dùng túi xách dưa hấu Tạ Trường Du đã mua đến nhà họ Lâm. Đương nhiên, Tạ Trường Du làm người lao lực.

Lâm Tố Mỹ vui vẻ chạy đến kéo Trần Đông Mai. "Mẹ ơi mẹ, con bảo mẹ chuyện này."

"Chuyện gì?" Giọng Trần Đông Mai rất to.

"Con và Trường Du vừa ra ruộng xem, mẹ đoán xem bọn con đã phát hiện ra điều gì?"

"Chẳng lẽ tên trộm vẫn chưa đi à? Bị hai đứa phát hiện rồi hả? Có bắt được không, mẹ sẽ đánh chết nó..."

Lâm Tố Mỹ yên lặng một thoáng. "Không phải... Mà là bọn con phát hiện có một ít dây leo dưa hấu nhà mình chạy xuống phần đất nhà bác hai, sau đó còn kết quả nữa. Đảm bảo là bị cỏ che mất rồi, cho nên bọn trộm không phát hiện ra."

Trần Đông Mai nhìn con gái với vẻ nghi hoặc, thật hay giả vậy?

Lâm Tố Mỹ vội vẫy tay với Tạ Trường Du, sau đó mở túi ra. "Mẹ tự nhìn xem, còn có mấy quả dưa to đây này!"

Trần Đông Mai thật sự nhìn mấy cái, sắc mặt đã tốt hơn nhiều. "Mẹ nó nữa, đám trộm đó mù rồi à, dưa to thế này mà cũng không thấy."

Lâm Tố Mỹ: "... Bị cỏ che mất, hơn nữa bọn chúng trộm vào buổi tối, không nhìn thấy cũng bình thường mà mẹ."

Trần Đông Mai lại nhìn mấy cái, mắt xẹt qua chút ngờ vực, sau đó dì nói: "Trường Du, con mang hai quả dưa to về cho bố mẹ con nhé."

"Vâng, con cảm ơn mẹ." Tạ Trường Du vội nói.

Vì thế Trần Đông Mai đích thân xách dưa vào nhà. Có lẽ vì bây giờ không phải là "chẳng còn thừa một quả nào", cho nên Trần Đông Mai không mắng nữa.

Lâm Tố Mỹ thở phào một hơi.

Có điều, Lâm Kiến Nghiệp nhìn cô mà lắc đầu, sau đó lại nở nụ cười. Bọn trộm đâu có ngốc đến thế, dây leo hơi thò xuống thật, nhưng không có một quả dưa hấu nào cả, ông biết rất rõ.

Tạ Trường Du cầm dưa hấu về nhà, Trần Tư Tuyết và Tạ Minh nhìn mà đều sốc.

"Trường Du, dưa anh mua đấy à?"

"Không phải, của nhà Tiểu Mỹ ạ."

Trần Tư Tuyết càng kinh ngạc. "Ơ tưởng bị trộm rồi? Chẳng còn lại một quả nào cơ mà."

"À, còn mấy quả bị lấp trong cỏ."

"Vậy hả? Thế thì đúng là may mắn đấy."

......

Nhà họ Lâm.

Trần Đông Mai cúi đầu thầm thì với Lâm Kiến Nghiệp: "Hai cái đứa này coi chúng ta là đồ ngốc à. Tôi thấy dưa hấu này có màu sắc khác với dưa nhà mình. Dưa nhà mình màu nhạt hơn."

Lâm Kiến Nghiệp nhìn vợ một cái. Hai đứa nó đâu có ngốc, mà là hy vọng bà đừng tức giận như thế nữa thôi.

Vốn Trần Đông Mai thật sự bực mình, nhưng bị chuyện của Lâm Tố Mỹ và Tạ Trường Du làm gián đoạn, tâm trạng trở nên tốt hơn tựa như một kì tích. Nhưng dưa hấu này vẫn là một sự ám ảnh, từ nay về sau, nhà họ Lâm sẽ không bao giờ trồng dưa hấu nữa.

- ------------------------------

Nửa cuối năm nay là lúc tập đoàn Du Mỹ phát triển nhanh chóng. Vị trí của nhà máy mới được lựa chọn xong, bắt đầu khởi công và sắp xếp người qua đó trông chừng, sau này còn một loạt chuyện tuyển dụng phải làm. Mà lúc nhà máy mới khởi công, trên một mảnh đất hiện giờ ở rìa còn sau này thuộc khu trung tâm thành phố Vân, tòa nhà trụ sở của tập đoàn Du Mỹ lặng lẽ được xây dựng.

Bố trí trụ sở ở thành phố Vân là kết quả bàn bạc của tất cả mọi người. Muốn thu nhận thêm càng nhiều nhân tài ưu tú thì vị trí địa lý cũng rất quan trọng. Cho nên họ quyết định bố trí ở thành phố Vân.

Ngoại trừ hai chuyện này, chuyện trọng đại nhất chính là bây giờ Lâm Tố Mỹ và Tạ Trường Du muốn bắt đầu từng bước hoàn thiện các bộ phận. Trước đây mọi người làm cùng nhau, còn bây giờ phải căn cứ vào năng lực của từng người để bắt đầu chia thành các bộ phận khác nhau.

Đồng thời, Lâm Tố Mỹ cũng muốn cho ra sản phẩm mới.

Dưới sự nỗ lực không ngừng của Lâm Tố Mỹ, sản phẩm mới Oa Oa Lạc ra đời. Nghĩa cũng như tên, là một sản phẩm ra đời hướng đến đối tượng trẻ em. Hương vị chua nhẹ phần nhiều là ngọt, hơn nữa vị ngọt đậm đà, uống rất ngon miệng.

Lâm Tố Mỹ và Tạ Trường Du bận đến mức muốn phân thân, ngay cả thời gian ở nhà cũng không nhiều, cho dù ở nhà thì phần lớn là nghỉ ngơi, sau đó trò chuyện mấy câu, luôn luôn là chuyện trò được một nửa thì đều có thể ngủ thiếp đi.

......

Nhưng cho dù có bận hơn nữa, Lâm Tố Mỹ cũng định làm một chuyện.

Cô quyết định quay quảng cáo cho Mỹ Tư Vị và Oa Oa Lạc, sau đó cho chiếu trên các đài, tiến hành một làn sóng tuyên truyền cho sản phẩm của mình.

Mọi người đều chưa từng tiếp xúc với chuyện này, cũng không biết nên làm thế nào. Lâm Tố Mỹ chỉ đành tạm thời thành lập một bộ phận truyền thông, bắt đầu xử lý chuyện này.

Phải quay một đoạn quảng cáo, nói khó không khó, nói dễ cũng chẳng dễ.

Phải mời người có chuyên môn, sau đó phải tìm người hỏi thăm tình hình bên phía đài truyền hình, hơn nữa còn phải tính toán quảng cáo chiếu trong bản tin nào thì có hiệu quả nhất.

Một chuyện vốn đơn giản, khi thật sự tính toán thì cũng rất phức tạp.

Nếu Lâm Tố Mỹ đã quyết định làm tốt chuyện này thì thứ đầu tiên cần xem đương nhiên là quảng cáo của người khác.

Quảng cáo hiện giờ không hề phức tạp, thậm chí rất đơn giản và thô, đặt sản phẩm đến trước mặt công chúng một cách trực tiếp chứ không có nhiều trò kịch tính như sau này.

Quảng cáo đồ uống cũng có, nhưng thực ra khá ít.

Bình thường cô không quan tâm những thứ này, bây giờ xem thì không khỏi buồn cười. Phần lớn đều là quảng cáo thức ăn cho lợn. Nhìn quảng cáo thức ăn cho lợn chiếu trên vô tuyến, còn có không ít em lợn mập mạp xuất hiện trên màn hình, cô câm nín một lúc lâu.

Cô đích thân đi hỏi, phát hiện quả thực những thương hiệu có quảng cáo bán hàng tốt hơn.

Mấy ngày liên tiếp, Lâm Tố Mỹ đều xem những quảng cáo đó. Cô xem mà còn thấy thích thú nữa. Có đôi khi, quảng cáo thật sự không đặt nặng vào nội dung hay hoặc hình ảnh đẹp, mà là để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem. Xem nhiều như thế, quảng cáo mà cô có ấn tượng sâu sắc nhất vẫn là quảng cáo thức ăn cho lợn, hơn nữa cô cũng ghi nhớ thương hiệu rõ mồn một. Nếu mua thức ăn cho lợn, thật sự có khả năng là cô sẽ lựa chọn thương hiệu này.

Ngoài ra, nếu có một lời thoại quảng cáo đơn giản, có vần, đọc thuận miệng thì cũng sẽ để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem.

Lúc Lâm Tố Mỹ xem, thi thoảng Tạ Trường Du sẽ xem cùng cô một lúc, thi thoảng sẽ làm chuyện của mình.

"Haizz, quảng cáo còn tuyệt vời ông mặt trời hơn chồng em à?"

"Em từng nghe người ta ghen, nhưng chưa từng nghe ai ghen với quảng cáo cả, anh định làm người tiên phong đấy à?"

Lâm Tố Mỹ ngồi trên ghế, Tạ Trường Du ôm cô từ phía sau. "Nghĩ xong sẽ làm thế nào rồi à?"

"Vâng, không cần phức tạp quá, chỉ giới thiệu đơn giản sản phẩm của mình là được." Cô lại ngẫm nghĩ. "Anh nói xem có cần tìm một người tiến hành quay phim không?"

"Thế nào cũng được."

"Em bàn thêm với cả nhóm đã."

"Em đừng tự khiến bản thân mình mệt quá là được."

......

Lâm Tố Mỹ và cả nhóm bàn bạc rồi vẫn quyết định chọn người để quay cùng. Nội dung quay cũng đã được lên kịch bản xong xuôi: năm hương vị của Mỹ Tư Vị cùng xuất hiện, năm loại chất lỏng năm màu sắc tụ lại thành năm chai Mỹ Tư Vị, màu sắc tươi sáng, hẳn là rất thu hút, sau đó nhân vật quảng cáo xuất hiện, cầm một chai Mỹ Tư Vị, nói lời thoại là được.

Nội dung quảng cáo vô cùng đơn giản.

Nhưng tìm ai đây? Lâm Tố Mỹ thiên về tìm một cô gái xinh đẹp, trẻ trung, hoạt bát, tốt nhất là sinh viên năm nhất năm hai. Lúc này học sinh cấp ba quá non nớt, thiếu đi chút hoạt bát, sinh viên năm nhất năm hai vừa hợp, trẻ trung lại xinh đẹp.

Lúc chọn nhân vật chính, người trong nhóm tranh luận không dứt.

Lâm Tố Mỹ cũng cảm thấy buồn cười.

Có người liền đề nghị một người họ hàng nhà anh ta rất xinh đẹp. Kết quả là ảnh chụp ra trông cũng ổn, nhưng vừa vào ống kính thì hoàn toàn là một thảm họa.

Đối với mấy lời kiểu "họ hàng nhà tôi", "người tôi quen", "một người tôi biết", Lâm Tố Mỹ đã sản sinh bóng ma rồi.

Cuối cùng Lâm Tố Mỹ nói với người trong nhóm của cô một cách rất bất lực – Thôi vậy, mọi người đừng đề cử nữa.

Nhưng mà khi về nhà, nét mặt của Lâm Tố Mỹ lại càng bất lực.

Vừa thấy dáng vẻ của cô, Tạ Trường Du đã biết chắc chắn vẫn còn chưa chọn được người. "Em đừng sốt ruột quá."

"Nào, đấm lưng cho em."

"Em biết sai khiến người ta ghê nhỉ?"

Lâm Tố Mỹ cười. Trước tiên cô chạy qua, mát xa một lúc cho Tạ Trường Du, sau đó mới để anh đấm lưng cho mình.

"Tạ Trường Du, anh đoán sai rồi, bọn em chọn được người rồi."

"Vậy sao trông em còn thế này?"

"Thế anh đoán xem, tại sao đã chọn được người rồi mà em còn không vui như vậy?"

"Suy nghĩ của bọn em khác nhau à? Người họ chọn không phải người mà em ưng?"

"Coi như đoán đúng một nửa đi!"

"Nói kiểu vậy cũng được nữa hả."

Lâm Tố Mỹ thở dài não nề. "Tạ Trường Du, người mà họ chọn quay quảng cáo là người mà anh yêu nhất. Anh đoán xem người đó là ai?"

Tạ Trường Du chợt bừng tỉnh ngộ. "Ồ, họ chọn mẹ anh à?"

Lâm Tố Mỹ bò dậy, phát nhẹ vào anh. Trông điệu bộ của anh, cô liền hiểu anh biết rõ rành rành, vậy mà còn cố ý nói vậy.

Cô dựa vào lòng anh. Cô không muốn tự làm nữ chính trong quảng cáo, nhưng họ lại chẳng tìm được lấy một đối tượng nào, nếu tiếp tục tìm thì cũng tốn thời gian. Quan trọng hơn, cô là người phụ trách cao nhất của tập đoàn Du Mỹ, lấy hình tượng của bản thân cô giới thiệu sản phẩm của công ty thì hình như càng có ý nghĩa.

Cô cũng bị chút ý nghĩa đó làm lung lay.

"Quay thì cứ quay thôi, lẽ nào em không tự tin về bản thân mình hả?" Tạ Trường Du trêu cô.

Lâm Tố Mỹ hừ hừ hai tiếng. "Ngày trước tự tin lắm đấy. Sau khi lấy chồng thì già rồi, tự tin không nổi nữa."

"Ồ, thế thì là lỗi của anh rồi."

"Chuẩn đấy, tuổi xuân không còn, anh bồi thường thế

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net