Chương 2: Mảnh ký ức đầu tiên

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


TÔI MUỐN TẠM BIỆT THẾ GIỚI NHỎ XINH CỦA TÔI (1)


"Tôi khao khát họ ở bên tôi, khao khát họ đối xử tốt với tôi và giờ lại khao khát họ đừng xuất hiện trong cuộc đời tôi. Mỗi tiếng gọi bố, gọi mẹ tôi phát ra như bị ép buộc, tôi chẳng muốn. Hoá ra, điều tốt đẹp hằng mong ước chưa chắc đẹp đẽ như đã tưởng tượng."


Tháng năm, hai năm sau...

Một ngày tháng năm oi bức, cái nắng nóng ngột ngạt khiến con người ta hít thở thôi cũng thấy oải. Ve kêu inh ỏi nhức cả óc, này chỉ có ngồi phòng điều hoà mới chống cự được, mà có khi phòng điều hoà cũng không có tác dụng mấy nếu trong lòng luôn mang bực bội, tức tối...

*Bốp.

"Hự...."

"Tao bảo mày trông nhà cơ mà, sao mày ngủ, hả?"

"Con không ngủ."

"Lại nói dối, tao dạy mày nói dối hả thằng ranh con mất dạy này."

"Ngủ, dám ngủ à. Nói dối, mất dạy, thằng ranh."

Tiếng đánh xen tiếng chửi mắng trong tiết trưa hè oi ả khiến cho sự thô bạo trở nên nặng nề hơn thì phải. Nghe nói, thời tiết oi bức sẽ làm cho tính khí con người cộc cằn, bực rọng hơn. Nhưng có điều hoà mà, thứ mát mẻ nhân tạo, máy móc này tưởng rằng hữu hiệu lắm cơ chứ.

Bố tôi cứ hỏi đi hỏi lại câu hỏi 'Mày ngủ à?' và tôi cũng trả lời đi trả lời lại một trả lời chắc nịch 'Con không ngủ.'. Mỗi lần tôi trả lời vậy là bố lại nện vào mặt tôi liên hồi những phát tát đau điếng. Câu trả lời có đúng nhưng không đúng ý người hỏi thì có là sự thật cũng vô nghĩa.

Khoảng mười năm phút trôi qua...

Bố mệt nhoài thở dốc vì những lần ra đòn hết sức, còn tôi tôi chán nản với cái lý lẽ của mình. Đúng hay sai chẳng quan trọng nữa. Cuối cùng tôi cũng không thể kiên định với câu trả lời ban đầu. Tôi thều thào:"Vâng, con ngủ."

Bố đẩy tôi ngã xuống sàn nhà gạch hoa lạnh toát. Túm lấy cổ áo tôi, chỉ mặt, bấy giờ tôi mới có thể nhìn rõ khuôn mặt đỏ tía, phẫn nộ và bực tức của ông, cả đôi mắt nhìn con trai của mình như nhìn thứ rác rưởi không sạch sẽ.

"Mày còn nói dối lần nữa tao sẽ giết mày đấy thằng chó. Cho ăn, cho học hành đàng hoàng không phải để mày mở mồm ra cãi lại tao biết chưa. Ngồi dậy, dọn nhà rồi lo mà đi học thêm phụ đạo đi, học hành đã chẳng đâu vào với đâu, đạo đức thì kém cỏi, thử hỏi sau này làm được cái gì. Mẹ kiếp, chó má, ra ngoài đã khó chịu về nhà nhìn cái mặt mày chỉ muốn đâm cho phát chết quách cho xong, đau hết cả đầu tao."

******

Chín giờ ba mươi phút sáng ngày hôm sau, hôm nay là chủ nhật...

Làng tôi có người mất, một bà cụ, thật ra nếu gọi là bà cụ thì không đúng lắm, là một bà thôi. Tầm khoảng ngoài sáu mươi, tôi không nhớ bà tên gì. Người ta phát hiện ra bà khi đó chỉ còn là cái xác không hồn lạnh tanh, nằm co quắp góc chuồng gà.

"Bà ấy không may bị điện giật mà chết." Nội tôi đứng ở cửa phe phẩy cái nón, giọng đượm buồn thương tâm, xót xa kể lại.

"Kể ra cũng tội, ở có một mình trong căn nhà rách nát chật hẹp, nuôi vài con gà lấy trứng qua ngày. Con cháu thì hắn hủi chẳng ai để ý, khi chết đi cũng chỉ có làng, có hội tiễn đưa. Cả đời người lam lũ vì con vì cái giờ về cõi cô quạnh có một thân một mình, đời người khổ thế đấy, tội lắm con ạ."

Không. Tôi chẳng thấy tội, trong cái hè oi bức này có cách nào giải thoát được bản thân mới mát mẻ được, nằm dưới ba tấc đất yên tĩnh, thoải mái không phiền ai, không lo nghĩ gì.

Hội bà tham gia là Hội người cao tuổi ở thôn, khi có một thành viên trong hội mất, mọi người trong hội sẽ đến nhà hội trưởng đóng một bơ gạo (đó là cái vỏ lon sữa Ông Thọ được tận dụng lại. Đồng thời mọi người cũng góp mười nghìn đồng và sang nhà thành viên trong hội mất để phụ giúp, lo tang cùng gia đình.

Bà cụ thân già cô độc các thành viên khác chạy đôn chạy đáo. Nội tôi lại chính là hội trưởng, nên phải túc trực đến khi tang lễ xong xuôi.

Nội kể qua vậy rồi nhắc tôi có người vào góp gạo đóng tiền thì ghi hộ nội, trong đám, tang gia bối rối không ai ghi cho, tôi bật dậy vâng một tiếng. Cách một lớp màn nội không nhìn rõ mặt. Tôi đợi nội đi ra khỏi phòng mới vén màn lên. Trong đầu chợt nghĩ, cái chết trong cô độc có thật sự tủi nhục hay vô tình là sự giải thoát.

Tiếng xe đạp lách cách của nội khuất dần, không gian trong nhà cũng chìm vào tĩnh lặng, lạnh tanh.

Bố mẹ tôi chắc đã đi làm từ sớm, họ có rất nhiều công việc lúc nào cũng đến tối mịt mới về. Họ tham công tiếc việc hơn bất cứ ai. Cũng phải thôi, đang quản lý công ty lớn, làm ăn thua lỗ về đây làm văn phòng tầm thường thì chả vậy. Từ làm sếp chỉ tay năm ngón, xuống làm nhân viên bị người ta sai bảo ai chịu được. Là cái cảm giác từ đáy đến đỉnh tự hào nghiên ngang, mà từ đỉnh quay về đáy lại thấy thấp hèn tầm thường.

Trong người cảm thấy có chút ể oải, đầu rất nặng. Tôi quyết định đi tắm. Vết đánh hôm qua vẫn hơi bầm và sưng. Nước từ vòi hoa sen xả xuống, tràn từ trên đỉnh đầu vào mặt, tôi ngửa cổ, nước tràn vào mắt, vào mũi, khó thở. Nhưng tôi thích vậy, không biết tại sao nhưng tôi thích được như những chú cá ngoài biển được nước bao quanh mình, nuốt trọn, cảm giác sẽ thoải mái và dễ chịu không nặng nề giống như thế giới tôi đang sống.

Tôi bắt đầu nghĩ ngợi chuyện hôm qua.

Hôm qua tôi đã ngủ quên!? Trong lúc bố tôi đi vắng tôi ngủ quên!?

Trước đó bố đã bảo tôi trông nhà!? Tại sao tôi lại đi ngủ trong khi tôi đã ngủ trưa nhỉ?

Tôi cố gợi nhớ lại chuyện ngày hôm qua, mãi vẫn không nhớ chuyện gì đã xảy ra. À...Hình như tôi thấy trời đất quay cuồng, mặt mũi tối lại, mọi thứ mờ nhạt, đứng không vững, máu mũi bắt đầu chảy ra, tôi cảm thấy hơi choáng và đã gục đi ngay sau đó... Ồ, hóa ra lý do là vậy, tôi lao lực quá.

Tôi càng nghĩ càng thấy nực cười thay. Tôi khao khát họ ở bên tôi, khao khát được ở trong vòng tay của họ và giờ lại khao khát họ đừng xuất hiện trong cuộc đời tôi. Mỗi tiếng gọi bố, gọi mẹ tôi phát ra như bị ép buộc, tôi chẳng muốn. Hoá ra, điều tốt đẹp hằng mong ước chưa chắc đẹp đẽ như đã tưởng tượng.

Nếu là ngày trước, mỗi lần tôi bị đánh, tôi đều thấy uất ức, đều gào lên minh oan dù cuối cùng cũng không có một ai nghe tôi, dù sau đó đều trốn ra một góc sau nhà ôm mặt khóc. Tôi vẫn cảm thấy phải chứng minh được bản thân tôi mới là người cần được an ủi. Mặc cho bố chưa bao giờ tin những lời tôi nói cũng được, kể cả đến khi ông ta biết được sự thật, cũng chẳng cần xin lỗi hay hỏi han tôi.

Ông ta, chỉ vui vẻ với những đứa trẻ không phải do ông sinh ra, ông sẵn sàng cho chúng đến cả vài trăm nghìn mua đồ chơi trong khi đó mười nghìn ăn sáng cho tôi là quá nhiều và tôi cũng chưa hề nhận được một đồng tiêu vặt nào dù chỉ là một nghìn.

Tôi còn từng bắt gặp ông ta cười đùa thằng nhóc mới gặp trong lúc đợi tôi đi học về và đồng ý đèo nó về sau đó khi biết mẹ nó bận nên đón nó trễ. Trong khi chỉ vì bất đắc dĩ tôi không may bị té cầu thang trong lúc bê chồng sách, bị trật khớp chân nên ông ta mới phải đưa đón tôi đi học. Mà ông ta bực tực mắng mỏ suốt ngày.

Ông ta không có thời gian để đợi đến lúc tôi ra sao, ông ta tan làm mới đến đón tôi mà? Chỉ cần nói à 'Giờ tao đưa thằng nhóc này về vì nhà nó đường xa.' tôi cũng chấp đi nhờ hoặc đi bộ.

Thôi tôi không ganh với việc ông cười đùa với thằng nhóc đó, hay bất cứ ai như ngày xưa nữa rồi. Nhưng dù sao ông ta cũng là bố đẻ của tôi mà, có thể đợi tôi một chút hoặc kèm tôi về và trở thêm thằng nhóc đó cũng được chẳng sao. Đại loại thế. Tại sao không làm vậy?

Tôi quyết định không nhờ ai hết, tôi cuốc bộ về nhà và chiều tôi cũng nói dối là có bạn đợi kèm tôi đi thi ông ta không cần đưa. Tôi không còn quan tâm cái chân nó đau thế nào nữa, nó có tàn phế thì có sao, ai quan tâm nào.

Đúng, tôi đã từng muốn nhận từ ông ta lời xin lỗi, người lớn thì cũng phải xin lỗi chứ. Nhìn những đứa em con nhà các cô, các chú chúng nó gần gũi, bấu víu, nô đùa với bố chúng, còn được cùng bố làm diều, chơi bóng, hay như thằng em con chú ba còn cùng bố nó làm ra mấy thứ đồ xịn sò như mấy con robot đơn giản, nó hí hửng mang đi khoe khắp nơi trông thật là ngầu. Tôi đứng nhìn một cách thèm thuồng, khao khát nhiều đến nỗi tuyệt vọng.

Giờ thì khác rồi tôi không cần nữa, tôi chẳng cần gì nữa.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net