Chương 2: Không Sơn, Tân Vũ, Vãn Thu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Edit: Ry

Tai nạn đó xảy ra vào năm tôi mười tuổi, tôi nhớ khi ấy cũng là mùa hè.

Ngày đó sau khi tan học, tôi đi trên con đường thân thuộc để về nhà, đi ngang một quãng vắng, tôi chợt bị một tiếng kêu yếu ớt thu hút. Lần theo âm thanh, tôi phát hiện trong dải cây xanh bên vỉa hè có một chú chim nhỏ chỉ bằng nửa lòng bàn tay, lông nó còn mọc chưa đủ, gần như trọc lốc.

Tôi ngẩng lên nhìn khắp nơi, cuối cùng phát hiện tổ của con chim trọc này nằm trong một góc khuất giữa những chạc cây ngay trên đầu nó. Chắc nó rơi từ trên đó xuống. May mà rơi vào chỗ đất bùn mềm mại, còn có cỏ xanh làm đệm nên mới thoát chết.

Bảo vệ động vật là trách nhiệm của mọi người. Đây là đạo lí làm người mà nhà trường luôn dạy cho các em học sinh, tôi của năm mười tuổi ấy đã tin tưởng không chút nghi ngờ. Hoàn toàn không nghĩ đến việc tìm người lớn nhờ giúp đỡ, tôi ôm trong lòng sự tự tin đến mù quáng, đặt cặp sách xuống, cầm lấy chú chim nhỏ đang líu ríu dưới đất, tay không trèo lên cây.

Tôi và Tôn Nhụy đã quậy phá khắp đảo, lên núi xuống biển, gây ra không ít chuyện, cũng học được không ít kĩ năng. Độ cao của cái cây này chẳng làm khó được tôi, mặc dù hơi mất sức một chút, nhưng tôi vẫn đưa chim nhỏ về ổ an toàn.

Ngay khi nội tâm tôi còn đang vô cùng thỏa mãn, bắt đầu bò xuống thì tai nạn xảy ra.

Tôi trượt chân, mất thăng bằng ngã từ trên cây xuống, đầu đập thẳng xuống đất, lập tức bất tỉnh nhân sự.

Lúc tỉnh lại đã nằm trong viện, bên cạnh chỉ có mỗi mẹ tôi đang trông nom.

Thấy tôi tỉnh lại thì bà mừng rỡ vô cùng, ôm chầm lấy tôi, lẩm bẩm cảm ơn ông trời phù hộ, rồi lại trách sao tôi nghịch ngợm như thế, leo cây ngã vỡ cả đầu.

Tôi còn định giải thích cho mẹ nghe thì đột nhiên nhìn thấy trên đỉnh đầu bà có hai con số màu trắng --- 86.

"Mẹ ơi, trên đầu mẹ có gì kia..." Tôi chỉ lên đầu mẹ mình, vừa tỉnh dậy nên đầu óc còn hơi mơ màng.

Gần như tôi vừa dứt câu là con số màu trắng kia biến đổi ngay tức khắc, nó nhiễm lên một lớp màu xám nhàn nhạt, tụt mất 5 số.

Mẹ tôi phủi tóc, kinh hãi nói: "Cái gì cơ? Bọ hả?"

"Không phải, là số ạ, có hai số màu trắng, còn đổi màu nữa..."

Tôi thật thà trả lời, còn con số kia thì nhanh chóng trở nên sậm màu, gần như thành màu đen.

Mẹ sững sờ nhìn tôi, càng nhìn càng lo sợ: "Con ở yên đó, để mẹ đi gọi bác sĩ..."

Bà hốt hoảng chạy ra ngoài, chưa đầy năm phút đã có một nhóm người mặc áo blouse trắng tràn vào phòng bệnh, trên đầu của người nào cũng có hai con số giống mẹ tôi, chỉ khác nhau về màu sắc.

Bọn họ vây quanh tôi làm một loạt kiếm tra xét nghiệm, còn để y tá đẩy tôi đi chụp CT não, bận rộn hơn nửa ngày thì kết quả đều rất tốt, họ chỉ có thể dặn mẹ tôi tiếp tục theo dõi thêm vài ngày để xem tình trạng nhìn thấy ảo giác của tôi có chuyển biến tốt hơn không.

Mẹ tôi lo lắng đưa tôi về nhà, còn lén gọi điện cho ba tôi.

"Miên Miên ngã từ trên cây xuống, không cẩn thận nên đầu bị va đập, em thấy con nó không ổn cho lắm, anh có thể về một chuyến được không?"

"Khám rồi, bác sĩ không tra ra được gì cả, nhưng... Không phải, con nó nói trên đầu em có... Đợi đã!"

Ba tôi luôn là một người bận rộn, mà những lúc bận rộn thì ông chẳng nói được mấy câu đã cúp máy. Tôi là con ruột của ông, nhưng ở trong lòng ông, tôi còn không quan trọng bằng công việc.

Mẹ tôi a lô vài lần nhưng phát hiện ba tôi đã cúp máy, bao nỗi khó chịu bị dồn nén lâu nay bỗng bùng phát, trong cơn tức giận bà quăng chiếc điện thoại xuống đất.

Rồi bà ôm mặt lẳng lặng đứng đó, con số trên đầu chốc chốc lại biến thành màu đỏ, chốc chốc lại chuyển lam, chỉ số vốn đang bảy mươi trở thành năm mươi mấy.

Thời khắc đó tôi đã có dự cảm rằng có lẽ bọn họ sẽ không ở bên nhau đến ngày bạc đầu.

Trẻ con luôn rất thông minh, sau một thời gian tự tìm tòi, tôi nhanh chóng nắm giữ quy luật của những con số đó.

Tôi mất khoảng một tuần để viết lại kiến thức của mình, đối chiếu những con số và màu sắc tưởng như không có chút quy luật nào. Một tuần sau, mẹ tôi đưa tôi đi khám lại, tôi lấy cuốn vở ra nói hết với bác sĩ tình trạng của mình.

"Lúc vui vẻ sẽ có màu trắng, nếu không có gì đặc biệt xảy ra thì hầu hết mọi người sẽ có màu trắng... Màu đen là sợ hãi, chỉ hơi hơi sợ sẽ là màu xám, cực kì cực kì sợ mới biến thành màu đen... Màu đỏ là tức giận, màu lam là đau buồn... Những cái khác tạm thời cháu vẫn chưa nghiên cứu ra..."

Bác sĩ có phần kinh ngạc và thán phục khi nhìn bản ghi chép của tôi, bác hỏi tôi: "Ngoài số trên đỉnh đầu ra thì cháu còn nhìn thấy gì khác không? Mấy thứ mà trước kia cháu chưa từng nhìn thấy ấy."

Tôi lắc đầu: "Không ạ."

Bác hỏi tôi rất nhiều vấn đề, trên bệnh án lít nha lít nhít chữ, khắp phòng khám chỉ có tiếng ngòi bút lăn trên giấy sột soạt.

"Bác sĩ, rốt cuộc là con tôi bị gì vậy?" Mẹ tôi nhẹ nhàng đặt hai tay lên vai tôi, giọng nói lộ rõ sự lo âu.

Bác sĩ ngừng bút, thở hắt ra một hơi từ khoang mũi, như thể đang châm chước ngôn từ.

"Có lẽ là cú ngã của cháu bé đã khiến đại não bị tổn thương, tạo thành ảnh hưởng tới hệ thống cảm nhận của cháu..." Bác sĩ thấy sắc mặt mẹ tôi không ổn, vội vàng trấn an: "Chị đừng quá lo, cái 'ảnh hưởng' này không có nghĩa là sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng cháu. Chị về nhà có thể tìm hiểu về 'chứng cảm giác kèm' để biết thêm về căn bệnh này, nước ngoài đã có rất nhiều ca bệnh được chuẩn đoán chính xác..."

Bác sĩ vừa nói vừa viết ngay ngắn dòng chữ 'cảm giác kèm' to tướng lên giấy.

Bác kiên nhẫn giải thích cho chúng tôi, cảm giác kèm là để chỉ một hiện tượng về cảm giác cộng sinh. Có một số người bệnh có sự cộng sinh của thính giác và thị giác, mỗi âm thanh họ nghe đều có màu sắc; có người bệnh thì thính giác cộng sinh với vị giác, mỗi âm tiết họ nghe đều có hương vị của riêng chúng.

Trường hợp của tôi thì đặc biệt hơn, khả năng đồng cảm cùng người khác đã kết nối với thị giác, giúp tôi có thể 'nhìn' được sướng vui giận buồn của họ.

Tóm lại tôi chẳng phải con người được ông trời trao sứ mệnh cao cả gì hết. Tôi không có siêu năng lực, cũng không phải người biến dị, tôi chỉ bị hỏng đầu thôi.

Trong hai năm đầu, tôi và mẹ đều tin tưởng tuyệt đối vào lời giải thích của bác sĩ, chỉ cho là mình mắc phải một căn bệnh khá hiếm gặp mà thôi.

Nhưng rồi theo thời gian dần trôi, tôi bắt đầu hiểu hơn về ý nghĩa sâu xa của những màu sắc con số đó, và tôi nảy sinh một ý tưởng hoang đường mới.

Ví dụ như, cho dù ba mẹ cố gắng diễn vai vợ chồng đầm êm ấm trước mặt tôi, nhưng thông qua những chỉ số cảm xúc giảm dần theo từng ngày, tôi biết họ căm ghét nhau đến nhường nào, khó mà gắn bó lâu dài được.

Tôi cũng có thể dựa vào "cảm giác kèm" này mà biết trong lớp có bao nhiêu đôi chim cu, biết ai thầm mến ai, nhưng mà căn bản là tôi không có quan tâm bọn họ yêu sớm từ khi nào.

Dường như khả năng đồng cảm của tôi đã mạnh đến mức có thể xuyên qua vẻ ngoài mà nhìn thẳng vào sâu trong cõi lòng họ. Chuyện này thật bất hợp lý.

Tôi cố gắng tìm hiểu, nhưng không đợi nghiên cứu của tôi ra kết quả thì cuộc hôn nhân của ba mẹ tôi đã hoàn toàn đổ vỡ. Mẹ tôi ly hôn dắt theo tôi, dứt khoát cắt đứt toàn bộ quan hệ với nhà họ Dư từ đó.

Về sau tôi rơi vào thời kì phản nghịch không được vui vẻ cho lắm, tính cách trở nên quái gở khó gần. Mà càng chết hơn là theo sự phát dục của cơ thể, nhận thức về tình dục cũng nảy nở, tôi phát hiện mình... Thích đàn ông.

Cũng bởi vậy mà chuyện liệu cái "cảm giác kèm" này của mình là siêu năng lực hay là do não hỏng cứ thế bị kéo dài mãi. Mà khi tôi không còn phản nghịch nữa, có thể bình tĩnh chấp nhận việc mình là đồng tính, lại xảy ra một vài chuyện này nọ, thế nên việc tìm ra rốt cuộc cái năng lực vớ vẩn này là gì đã không còn quan trọng với tôi nữa rồi.

Một giây trước, đèn và quạt vẫn còn đang chạy bình thường, một giây sau đã tối sầm lại, tất cả đồ điện đều dừng hoạt động, cả căn nhà bị cúp điện.

Tôi đặt cuốn manga xuống, mò mẫm đứng dậy trong bóng tối, cầm điện thoại mở đèn pin, men theo cầu thang cẩn thận đi xuống lầu.

"Ông ơi, mất điện rồi, có phải cầu dao bị đứt không ạ?"

Căn nhà cũ kĩ này được xây từ khi ông tôi còn trẻ, nó đã sắp năm mươi nên đường điện cũng lão hóa theo là điều không thể tránh được, chỉ cần dùng hơi nhiều đồ điện một tí là nó sẽ cáu kỉnh làm vài phát đứt cầu dao cho xem.

Ông nội đang xem tivi ở tầng một, lúc này cũng đã tìm được đèn pin, đang thành thạo mò tới chỗ tủ phân phối điện.

"Để ông xem nào..."' Ông mở tủ ra rồi gạt công tắc nguồn điện lên.

Cảnh tượng sáng trưng không xuất hiện.

Ông nội lại thử hai lần nữa rồi mới tiếc nuối xoay người: "Hình như đứt cầu chì rồi."

"Vậy làm sao bây giờ ạ? Có sửa được không ông?"

Dường như ông không nghe thấy tôi hỏi, đi tới bên một cái ngăn kéo, lục lọi một hồi, vừa tìm vừa tặc lưỡi liên tục.

"Không có cầu chì." Ông quơ chiếc đèn pin, ánh sáng chói lòa lướt qua mắt tôi rồi chiếu ra ngoài cửa: "Miên Miên à, con sang nhà hàng xóm hỏi họ xem có cầu chì không, mau lên, bộ phim « Tình còn cách mạng còn » của ông sắp chiếu rồi."

Ngoài sở thích bán trứng luộc nước trà ra thì ông còn thích theo dõi phim truyền hình nhiều tập, xem hết bộ này đến bộ khác, có thể xem đến nửa đêm, còn giống thiếu niên nghiện net hơn cả tôi.

"Vậy ông cẩn thận một chút, con đi rồi về ngay." Cũng không biết ông có nghe thấy không, tôi giơ điện thoại lên rồi ra cửa, chạy sang nhà hàng xóm.

Con đường trước cửa vẫn mờ tối như mọi khi, đèn đường chẳng sáng mấy. Ở bên phải là nhà đã làm hàng xóm với ông tôi nửa đời người, tình làng nghĩa xóm khá tốt đẹp, tiếc là cửa nhà họ lại đóng, đèn trong nhà cũng không sáng, hình như là đi vắng rồi.

Tôi chỉ có thể qua nhà hàng xóm mới ở bên trái.

Lúc đi qua chiếc chuông gió treo trước cửa, tôi vô thức ngước lên nhìn, dưới chiếc chuông gió pha lê hình nón có treo một mảnh giấy rộng cỡ hai ngón tay, trên giấy là những con chữ đang tung bay, nó viết --- Mưa chiều vừa tạnh, núi vắng không, Trời thu bảng lảng gợn mây hồng*.


*Hai câu thơ đầu trong bài thơ Đêm thu ở núi (Sơn cư thu minh) của Vương Duy thời Thịnh Đường. Bản dịch thơ của Phụng Hà. Nguồn: https://www.thivien.net/V%C6%B0%C6%A1ng-Duy/S%C6%A1n-c%C6%B0-thu-minh/poem-WduprxigwL0UYlcFJNR4Ew


Tôi chỉ vội vàng lướt qua rồi ấn chuông cửa.

Nhanh chóng có tiếng người đi từ xa đến, khi cánh cửa trước mắt tôi được mở ra, tôi thế mà lại thấy hơi căng thẳng.

Mái tóc ngắn chỉnh tề, đôi lông mày rậm sắc. Người đàn ông mặc đồ ở nhà ra mở cửa, nhìn trong khoảng cách gần thế này, vóc dáng của anh ta càng khiến người khác phải kinh ngạc, có thể là do được rèn luyện nên bả vai anh rất rộng, còn mơ hồ phác họa ra được đường nét cơ ngực dưới lớp vải, anh ta phải cao to hơn tôi hẳn một size.

Chỉ cần một cái tay kia thôi là đã đủ cho tôi chết rồi...

"Anh, chào anh, em ở nhà bên cạnh ạ." Mỗi lần căng thẳng là tôi lại nói lắp: "Nhà em bị đứt cầu dao, chắc là cầu chì bị cháy, nhà của anh có... Có dư cầu chì không ạ? Có thể cho em mượn được không?"

Cửa cũng không mở hết, người đàn ông chống một tay lên khung cửa, gần như là phải nhìn xuống mới thấy tôi.

"Cầu chì? Để tôi tìm một chút, chắc là có." Anh buông tay ra, quay người vào nhà: "Em vào đi, đừng đứng ngoài cửa."

Cánh cửa từ từ được mở ra, tôi do dự một hồi, ngập ngừng bước vào.

Hai bên hành lang xếp những chồng sách, đủ thể loại, có cuốn nhìn rất mới, như thể chưa cả được giở ra, cũng có cuốn cũ nát vô cùng, trang sách nát bươm bung hết khỏi gáy.

Chúng nằm ngổn ngang chiếm hơn nửa lối đi, kéo dài thành một đường và chiếm lĩnh phòng khách, trèo lên cả cầu thang với cùng một phong cách.

Phòng khách đang mở tivi, một cô bé mặc váy đỏ bồng bềnh đang ngồi dưới đất, đôi mắt em chăm chú nhìn màn hình lớn, tay thì bấm chiếc tay cầm game tạch tạch.

Tôi nhìn lên màn hình, hóa ra cô bé đang chơi Mario.

Đã bao nhiêu năm rồi mà sức cuốn hút của anh thợ sửa ống nước này vẫn mạnh mẽ như vậy.

Và cũng từng ấy năm, anh ta vẫn phải khốn khổ giải cứu nàng công chúa.

Cô bé phát hiện ra sự tồn tại của tôi, đôi mắt to với hàng mi rậm thoáng nhìn qua một cái rồi không để ý nữa, nhanh chóng quay lại trò chơi của mình.

Tôi để ý thấy dưới váy của cô bé chỉ có một cái chân, mà bên cạnh có một đoạn chân giả đến đầu gối nằm lăn lóc, hẳn là 'một chân khác' của bé.

"A Sơn nhanh lên đi, con sắp chết rồi!"

Chắc do người đàn ông kia đi hơi xa nên không nghe được tiếng gọi của cô bé.

Tôi đi qua nhìn, chỉ cho bé: "Em phải nhảy lên đầu mới đánh chết nó được..."

Cô bé hơi ngạc nhiên nhìn tôi một cái, im lặng làm theo chỉ dẫn của tôi, dễ dàng qua cửa.

"Anh giỏi quá." Trong lúc đang hiện đồ họa chuyển cảnh, cô bé bỏ tay cầm xuống, có vẻ tương đối hài lòng mà khen tôi một câu.

Chẳng giấu gì, tôi cũng là một fan cuồng của anh thợ sửa ống nước này...

"Thu Thu, con chơi xong rồi thì cất máy game đi, chuẩn bị lên giường ngủ thôi."

Tôi quay người lại, anh ta đã tìm được cầu chì và trở lại phòng khách.

"Cảm ơn..." Tôi đứng dậy đi về phía anh, đưa tay lấy cục cầu chì.

Anh ta chợt giơ nó lên cao, không cho tôi lấy nó.

Tôi sững sờ, nhìn vào mắt anh.

"Có biết dùng không?" Hẳn là anh thường xuyên hút thuốc lá, lúc nói nhẹ sẽ nghe được chất khàn đặc sệt.

Nếu không phải chỉ số trên đầu anh ấy vẫn trắng tinh, không hề có sự dao động nào, thì tôi cũng đang nghi ngờ liệu có phải anh đang thả thính tôi không.

Tôi rút tay lại, may là đèn trong phòng khá mờ nên anh không thấy tôi đang đỏ mặt.

"Em không biết, nhưng ông nội em biết."

Người kia nghĩ ngợi rồi nói với cô bé đang ngồi trên sàn: "Thu Thu, đi nào, dẫn con qua nhà ông trứng luộc nước trà chơi nhé."

Cô bé vừa nghe xong thì vẻ mặt như bừng sáng, nhanh chóng tự đeo chân giả cho mình.

"Được ạ, con thích ông trứng luộc nước trà nhất!"

Anh lại quay sang nói với tôi: "Đi thôi, tôi qua nhà em xem sao."

Có lẽ đây là dáng vẻ tiêu chuẩn của một người đàn ông trưởng thành nhỉ. Nghĩ những điều bạn chưa từng nghĩ, làm những việc bạn không dám làm, vô tình tỏa ra sự tin cậy khiến người khác phải tâm phục khẩu phục.

Ngầu quá đi mất...

Nhịp tim tôi dồn dập, gật đầu nói: "Làm phiền anh vậy."

Vì anh phải bế cô bé nên không cầm đèn pin được, tôi bèn đi bên cạnh soi đèn giúp anh.

"Em tên là Dư Miên, Miên trong cây bông vải, tên anh là gì ạ?" Tôi đẩy cổng để anh vào trước.

Anh lướt qua ngay mặt tôi, giọng nói khàn khàn vang lên trong màn đêm hệt như tiếng đàn cello được người khẽ khàng gảy lên âm điệu, ngay cả chất rung trong âm thanh cũng mềm mại như tơ lụa cao cấp.

"Nhạn Không Sơn."

Nếu cảm giác kèm của tôi là sự kết nối của thính giác và vị giác, thì âm thanh của anh chắc chắn là một loại rượu mạnh, càng nghe càng ngây ngất.

"Nhạn Vãn Thu ạ." Bé con đang tựa đầu vào vai người đàn ông cũng tự giác giới thiệu bản thân.

Mưa chiều vừa tạnh, núi vắng không,

Trời thu bảng lảng gợn mây hồng.

Hóa ra ý nghĩa của câu thơ trên chuông gió là như vậy.

Lúc này tôi vẫn chưa biết, nhà họ Nhạn còn có người thứ ba cũng lấy tên theo câu thơ năm chữ đó---- Tân Vũ, Nhạn Tân Vũ.

Cô ấy là chị của Nhạn Không Sơn, cũng là mẹ ruột của Nhạn Vãn Thu. Nhạn Không Sơn không phải là người ba đơn thân, mà là cậu ruột của cô bé.



____________________________________

Bài thơ: Sơn cư thu minh

Không sơn tân vũ hậu,

Thiên khí vãn lai thu.

Minh nguyệt tùng gian chiếu,

Thanh tuyền thạch thượng lưu.

Trúc huyên quy hoán nữ,

Liên động há ngư chu.

Tuỳ ý xuân phương yết,

Vương tôn tự khả lưu.


Dịch thơ (theo Phụng Hà)

Mưa chiều vừa tạnh, núi vắng không,

Trời thu bảng lảng gợn mây hồng.

Dòng suối trong veo luồn vách đá,

Vầng trăng sáng rỡ chiếu rừng thông.

Giặt về, thôn nữ reo ngõ trúc,

Lưới xong, ngư thuyền khuấy sen sông.

Cỏ xuân dù đã nhạt thanh sắc,

Vương tôn rời bước chẳng đành lòng.


Không Sơn và Tân Vũ tương ứng với câu thơ đầu tiên của bài là "Không sơn tân vũ hậu" tức "Mưa chiều vừa tạnh, núi vắng không". Vãn Thu tương ứng với câu thứ hai là "Thiên khí vãn lai thu" tức "Trời thu bảng lảng gợn mây hồng".


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net