Chương 3: Cố gắng nhiều hơn nữa

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Edit: Ry

"A Sơn đấy à, làm phiền cháu quá, phải mất công sang đây thế này." Ông bảo Nhạn Vãn Thu soi đèn pin lên tường, rồi thì đan tay lại với nhau, giơ lên giữa đèn pin và tường, chơi một trò đơn giản: "Ha ha, con xem đây là cái gì?"

Nhạn Vãn Thu nghiêm túc quan sát cái bóng của con vật kia một lúc rồi mới đoán: "Con thỏ ạ? Vì nó có đôi tai rất dài."

Tai ông nội bị nghễnh ngãng nên nghe không rõ, ông lớn tiếng hỏi: "Con gì cơ?"

Cô bé cũng không có vẻ gì là mất kiên nhẫn, chụm hai tay lại đưa lên miệng, xích lại gần tai ông rồi nhắc lại: "Con --- thỏ --- ạ"

"Bị lệch rồi."

Tôi giật mình, vội vàng thu tầm mắt lại, phát hiện mình đang chiếu đèn đi đâu chứ không phải chiếu vào hộp chia điện. Nhạn Không Sơn không thể không ngừng tay mà quay lại nhắc tôi.

"Em xin lỗi!" Tôi lập tức chỉnh lại góc, chiếu về đúng chỗ.

Vẻ mặt Nhạn Không Sơn vẫn thản nhiên như không, quay người tiếp tục công việc trong tay.

Hộp chia điện nằm trong ngăn tủ cách mặt đất hai mét, tôi phải kiễng chân lên mới với tới, mà ông tôi thì thấp dần theo năm tháng, phải đứng lên cái ghế nhỏ mới kiểm tra được. Nhưng người đàn ông trước mắt tôi đây, nhờ vào vóc dáng cao to mà không cần kiễng chân, cũng chẳng cần phải dùng ghế, chỉ hơi ngửa đầu lên là anh đã có thể chạm vào tất cả các công tắc.

Người có chiều cao thích thật, tôi cũng muốn cao được như vậy, bắt đầu từ sáng mai tôi sẽ dậy sớm chạy bộ mỗi ngày, cũng đỡ phải nghe mấy lời cằn nhằn của ông tôi vì cái tội ngủ nướng.

Thay xong cái cầu chì bị cháy, Nhạn Không Sơn xoay cái tua vít trong tay, vặn chặt các con ốc vít trên cầu dao, sau đó gạt cái công tắc nguồn xuống...

"Phụt!"

Thiên Chúa nói phải có ánh sáng, thế là trên đời này có ánh sáng*.



*Chương 1:3 Sách Sáng Thế (hay Chúa sáng tạo ra thế giới), quyển đầu của kinh Cựu Ước. Nguồn: https://augustino.net/kinh-thanh-cuu-uoc/sach-sang-the/





Điện được cung cấp, đèn trong nhà lại sáng lên.

"Ái dà, sửa xong rồi, cuối cùng cũng có thể xem «Tình còn cách mạng còn» rồi. Thu Thu, con có muốn xem không? Phim này hay lắm!" Ông tôi lập tức nhảy dựng lên chạy ra mở tivi.

"Con không xem đâu, phim lần trước ông bảo con là hay lắm chẳng hay gì cả." Cô bé đứng dậy phủi váy, tự giác đi tới chỗ Nhạn Không Sơn: "A Sơn, giờ mình về ạ?"

"Ừm, con đợi chút." Nhạn Không Sơn đóng năó hộp phối điện lại, trả tua vít cho tôi rồi dặn dò: "Mạch điện cũ quá rồi, chưa nói đến chuyện không dùng được thiết bị điện công suất lớn thì để vậy rất nguy hiểm, có rảnh thì em bảo người lớn trong nhà tìm thợ đến kiểm tra đi, cái gì thay được thì tốt nhất là thay đi."

Nhìn anh cũng không lớn hơn tôi mấy, thế mà cứ luôn miệng nói "người lớn trong nhà".

"Em mười tám... Hai tháng nữa là mười chín rồi." Không biết sao mà tôi cực kì kháng cự việc anh coi tôi là một đứa trẻ: "Em không phải trẻ con."

Anh có vẻ ngạc nhiên: "Tôi tưởng em mới mười sáu..."

Chắc là thấy tôi hơi khó chịu nên anh tự biết mình lỡ lời, rất kịp thời ngừng lại.

"Vậy tôi về trước đây, cần gì thì có thể sang gọi tôi." Nhạn Không Sơn dắt con gái ra ngoài, lúc đi ngang qua ông nội, anh còn chỉ tay ra cửa, rồi chỉ vào mình.

Ông nội biết anh phải về, vỗ bôm bốp vào vai anh, khen ngợi tính cách thích giúp đỡ người khác của anh rồi đưa hai ba con ra cửa.

Nghe thấy tiếng Nhạn Vãn Thu chào tạm biệt ông nội, tôi mới hồi hồn, giật mình nhận ra rằng tôi quên nói lời cảm ơn với người ta mất rồi.

Trời nóng thế này, anh ấy chỉ cần đưa cầu chì cho tôi là xong, nhưng Nhạn Không Sơn lại đích thân sang đây.

Ông nội là ông nội, mà tôi là tôi, ông nội nói không có nghĩa là tôi không cần nói, dù sao thì tôi cũng muốn bày tỏ đôi chút sự biết ơn của mình với anh.

Tôi không kịp nghĩ nhiều, vội vớ lấy hai quả táo vàng hơi héo trong mâm đựng trái cây trên bàn rồi đuổi theo.

"Ơ? Miên Miên..." Tôi chạy qua mặt ông nội như một cơn gió, để những lời còn lại của ông tan trong khoảng không phía sau.

Nhạn Không Sơn người cao chân dài, mới được một lát mà anh đã sắp đi đến cửa sân nhà mình.

"Đợi chút!" Tôi gọi anh lại, chạy vội tới, lúc đừng lại còn hơi thở dốc.

Một tay Nhạn Không Sơn đã đặt lên cửa, nghe thấy tiếng của tôi thì không bước tiếp.

"Cảm, cảm ơn anh..." Tôi đưa quả táo trong tay cho anh.

Anh nhìn xuống trái táo, có vẻ không hiểu.

Tôi giải thích: "Đây là quà cảm ơn ạ."

Dư Miên, mày đang làm cái gì vậy?

Thời buổi nào rồi mà còn chạy theo người ta chỉ để đưa hai quả táo? Mùa này táo ở trên đảo nhiều đến mức ba của Tôn Nhụy còn phải mang cho heo ăn kia kìa, thế mà mày còn cầm cái thứ đó đi tặng cho người ta? Có phải vừa rồi tôi bị vong hay thứ bẩn thỉu gì nhập không nhỉ?

Liệu anh ấy có cho rằng tôi thật kẹt xỉ không...

Tôi đứng đờ ra đó, ngoài mặt thì vẫn bình tĩnh như không, nhưng thật ra nội tâm đã loạn cào cào lên rồi.

May là con số trên đầu anh vẫn rất ổn định, không cảm thấy vui vì chuyện này, nhưng cũng không khó chịu.

"Em khách sáo quá rồi." Nhạn Không Sơn nhận lấy hai trái táo trong tay tôi, gật đầu rồi dùng khuỷu tay đẩy cửa sân, dắt Nhạn Vãn Thu vào.

"A Sơn, con ăn táo được không?"

"Ăn xong nhớ phải đánh răng."

"Vâng ạ."

Tiếng hai cha con xa dần, rồi không nghe thấy nữa, trong gió truyền tới tiếng chuông reo, tiếng cửa mở rồi đóng lại.

Tôi ngồi xổm dưới chân tường hoa nhà anh, chán nản đập đầu vào cột điện bên cạnh.

Tại sao tôi lại tặng táo nhỉ! Tại sao vậy hả?!

Tôi phải đưa Cocacola mới đúng! Trời nóng như thế, chưa chắc người ta đã thích táo, nhưng chắc chắn sẽ không ghét một lon coca mát lạnh! Làm gì có ai ghét coca chứ?

Hoặc là tôi có thể chờ đến lần sau kiếm được quà thích hợp thì lại đến gõ cửa nhà anh, chứ không phải là hấp tấp đuổi theo như hồi nãy.

"... Dư Miên à?"

Bỗng một tiếng gọi kinh ngạc đầy thân quen ở cách đó không xa truyền đến, tôi khựng lại, vào thời khắc ấy đại não hoạt động hết công suất, suy nghĩ xem mình phải giải thích hành vi không bình thường này thế này.

Đừng hoảng, chuyện nhỏ thôi.

Tôi đứng phắt dậy, hét lên một tiếng với cái cột điện, rồi vung hai tay đấm vào thân cột cứng rắn, sau đó như thể đang sửng sốt mà quay sang nhìn người đang đi tới.

"Ơ, bà ạ, trùng hợp quá, bà đang dắt chó đi dạo đêm ạ? Trời nóng quá, con không ngủ được nên ra đây để tập thể dục ấy mà."

Người vừa tới mặc dù đã lớn tuổi nhưng khí chất vẫn vô cùng xuất chúng. Mái tóc bạc được vấn gọn gàng sau đầu bằng một cây trâm, bà mặc bộ sườn xám tơ tằm màu trắng thêu hoa, tay đeo chiếc vòng phỉ thúy màu xanh đế vương*, dáng người thon thả, làn da trắng mịn, trông như một vị phu nhân cao quý thời dân quốc.


*Xanh đế vương là màu xanh lục giống như màu của ngọc lục bảo, sắc xanh này mang lại cảm giác cao quý như vua chúa. Đây là màu đẹp nhất, cũng là màu có giá trị nhất của phỉ thúy.


Bà là chị họ của ông nội tôi, năm hai mươi tuổi đã tự vấn tóc thề không lấy chồng, chuyển vào "nhà của bà cô"* ở trên đảo, trở thành một trong những "Tự sơ nữ"**. Bây giờ bà đã ngoài bảy mươi, sống một mình trong nhà của bà cô, ngày ngày làm bạn với một mèo một chó.


*Gốc là 姑婆屋, cô bà ốc, bà cô ở đây để ám chỉ người phụ nữ già, quá lứa lỡ thì nhưng vẫn không lấy chồng (Việt Nam mình gọi là gái ế/bà cô già). Miên Miên gọi bà là bà cô, vừa có thể hiểu theo nghĩa này, vừa có thể hiểu vì bà là chị họ ông nội Miên Miên.

**Nguyên văn là 自梳女, có thể hiểu là người phụ nữ tự vấn tóc, khoảng thời nhà Thanh thì chỉ có phụ nữ đã lấy chồng mới vấn tóc lên, nhưng "tự sơ nữ" là những người trinh nữ thề không lấy chồng, tự tay vấn tóc. Đây là một phong trào cũ người phụ nữ thời đó dùng để phản đối những phong kiến cổ hủ. Phong trào này xuất phát từ khoảng cuối thời nhà Thanh khi nghề nuôi tằm/dệt tơ tằm rất phát triển, cụ thể ở quận Thuận Đức thuộc thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Nguồn: https://baike.baidu.com/item/%E8%87%AA%E6%A2%B3%E5%A5%B3/15266



Thỉnh thoảng ông nội sẽ đến thăm và mang đồ ăn cho bà, ông cũng khuyên bà nên vào viện dưỡng lão, nhưng bà vẫn cứ không yên tâm với con mèo con chó già nua trong nhà, nên có nói thế nào cũng không chịu đi.

"An An già rồi rồi nên bàng quang không tốt lắm, nó không nhịn tiểu được nên trước khi ngủ bà phải cho nó đi dạo như thế này." Bà lắc lắc cái dây xích trong tay, con chó Maltese nhỏ nhắn xinh xắn với đôi bím tóc chạy tới nhấc chân lên để lại mùi của nó trên chiếc cột điện ngay cạnh tôi.

Tiểu xong nó thả chân xuống, lắc lư cái bím tóc chạy đến trước mặt bà cô, giơ móng bám lấy chân bà, miệng rên ư ử.

Bà cô quen tay bế nó vào lòng, cười nói: "Muộn rồi đấy, con nhớ tập xong sớm rồi còn về, đừng để ông nội con lo lắng."

Tôi lập tức vâng dạ: "Con tập thêm một lát rồi sẽ về ngay ạ."

Bà nhìn tôi, ngập ngừngmãi mới nói: "Nếu con không ngủ được thì thử uống chút sữa đi. Bà nghe ông con nói sau này con sẽ ở lại đây, vậy cũng tốt, ông nội con cũng có người bầu bạn. Ông nội con luôn chào đón con, nên con đừng ngại gì hết."

Tôi mỉm cười, ngượng ngùng gật đầu: "Vâng, con biết rồi ạ."

Tháng trước mẹ tôi đã tái hôn, với nhà trai thì đó là cuộc hôn nhân đầu tiên nên họ đối xử với mẹ tôi rất tốt. Mặc dù nhà mới trên danh nghĩa có phòng của tôi, nhưng tôi không muốn làm bóng đèn nên đã đề nghị với bà về đảo Thanh Mai sống. Ban đầu bà phản đối, nhưng tôi thấy chỉ số tâm trạng của bà không những không giảm mà còn tăng, cũng biết đó không phải lời thật lòng của bà, nên nói chuyện khoảng ba lần thì bà đồng ý.

Có đôi khi chính tôi cũng rất ghét cái chứng 'cảm giác kèm' này của mình, vì một khi thấy được quá rõ lòng người thì cuộc sống sẽ trở nên rất mệt mỏi.

May mắn làm sao, ông nội thật sự rất hoan nghênh tôi, đảo Thanh Mai lại ở ngay cạnh thành phố Cầu Vồng, mỗi ngày đều có chuyến tàu và xe buýt vào thẳng thành phố, khai giảng xong mỗi tuần tôi về một lần cũng rất tiện.

Bà cô ôm chó đi xa, tôi thở hắt ra một hơi thật dài, quay đầu liếc nhìn căn nhà nhỏ đóng kín rèm sau lưng, đèn tầng hai vẫn sáng, nhưng không nhìn thấy bóng người.

Con đường rất yên tĩnh, không khí thoảng chút ngọt ngào, không biết đêm nay liệu có vị khách nào ghé chơi không.

Tôi ngắt một cánh hoa tường vi, để lên mũi nhẹ nhàng ngửi, cất bước đi về phía nhà của ông nội.

Đảo Thanh Mai nổi tiếng với quả mơ xanh, vừa đến tháng năm là tháng mơ chín, cũng là mùa du lịch của đảo. Du khách có thể tới đây hái mơ ở vườn hoặc ngắm nhìn cảnh biển, nhộn nhịp vô cùng, sự tấp nập ấy kéo dài mãi đến tháng mười, khi trời dần trở lạnh mới vơi đi.

Trên đảo có một con phố buôn bán dành riêng cho người đi bộ, gọi là phố Nam Phổ, trên phố san sát những hàng quán, ăn nhậu chơi bời đủ mọi thể loại, đêm xuống còn có chợ đêm, là một trong những nơi yêu thích của du khách và thanh niên trên đảo.

Hôm nay Tôn Nhụy hẹn tôi đi dạo phố, nói rằng muốn dẫn tôi đến chỗ này vui lắm.

Tôi nửa tin nửa ngờ đi vòng vèo trong ngõ ngách với cô ấy đến mười lăm phút, cuối cùng dừng chân trước một tiệm sách --- tiệm sách cũ Thời Tiết.

Tôi ngẩng đầu lên nhìn bảng hiệu, cũng đoán được mình đã mắc mưu Tôn Nhụy.

"Cậu thích đọc sách từ bao giờ thế?" Tôi liếc cô ấy.

Tôn Nhụy thẹn thùng cười một tiếng: "Nói gì thế, tớ luôn là bé ngoan thích đọc sách mà."

Tôi xoay người định bỏ đi.

Tôn Nhụy vội vàng kéo tôi lại: "Được rồi tớ rất bỉ ổi, tớ thừa nhận tớ không phải là người mê sách, thứ tớ mê là anh chàng ở bên trong cơ!"

Nói luôn từ đầu có phải là tốt hơn không.

Tôi đổi hướng, lướt qua Tôn Nhụy, đẩy cửa đi vào trong tiệm.

Bên trong ngập tràn hơi lạnh, sự chênh lệch nhiệt độ với bên ngoài có hơi lớn khiến tôi vô thức rùng mình.

Tiệm sách rất yên tĩnh, không nhiều khách lắm. Tôn Nhụy phi thẳng đến quầy tính tiền, nở nụ cười rạng ngời với anh trai thu ngân.

"Văn Ứng, em ghé chơi nè, anh đã tìm được cuốn sách em hỏi lần trước chưa?"

Anh đẹp trai kia trắng nõn nà, không biết làm cái gì mà lại lọt phải mắt xanh của con yêu nữ Tôn Nhụy này, bây giờ vẫn còn đang rất hồn nhiên, không biết mình sắp rơi vào hiểm nguy.

Cơ mà... Tôi nhìn con số 75 bình thường trên đầu cậu ta, không vàng cũng chẳng hồng, con đường này của Tôn Nhụy còn dài lắm.

Để cô ấy ở quầy thu ngân bồi dưỡng tình cảm với anh đẹp trai, tôi bắt đầu đi dạo quanh tiệm.

Tiệm này không lớn lớm, tầng một chỉ kê bốn giá sách, nhưng sách chất đống ở khắp nơi, ngay cả hai bên cầu thang lên tầng hai cũng xếp một dàn.

Thế này mà cũng qua được kiểm tra của phòng cháy chữa cháy sao?

Trước mắt tôi chợt hiện lên một ngôi nhà khác khác cũng có bài trí y hệt thế này. Nhắc mới nhớ, nhà Nhạn Không Sơn cũng như thế, khắp nơi đều là sách, Tôn Nhụy có nói anh mở một hiệu sách trên đảo, không biết là mở ở đâu...

Tôi định lấy một cái cuốn sách nằm ở tầng trên cùng của giá, bèn kiễng chân lên, cố hết sức để với lấy nó.

Chỉ còn một chút nữa thôi, tôi cố gắng vươn tay hết cỡ, vừa chửi thầm cái độ cao của giá sách.

Người chân ngắn thì không có tư cách đọc sách à?

"Để tôi lấy cho."

Khi đầu ngón tay của tôi vừa chạm vào gáy sách được một giây thì một bàn tay to thon dài bỗng vươn tới từ phía sau, dễ dàng lấy cuốn sách từ trên giá xuống.

Người phía sau gần như đứng dán sát vào tôi, thậm chí tôi còn cảm nhận được nhiệt độ cơ thể của đối phương đang xuyên qua lớp vải áo mỏng manh truyền tới mình.

Khi cuốn truyện võ hiệp với trang bìa cũ kĩ được đưa tới trước mặt, tôi sững sờ cầm nó trong tay, quay lại để nhìn người tốt bụng đã 'ra tay cứu giúp' mình.

"Là anh?" Tôi mở to mắt, ngạc nhiên quá đỗi với sự xuất hiện của Nhạn Không Sơn.

"Là tôi." Anh mặc chiếc tạp dề xám đậm giống như anh chàng thu ngân kia, vừa nói anh vừa lấy bút bi và sổ trong túi ra, nhìn giá sách rồi ghi chép lại.

Hiển nhiên đây chính là tiệm sách của anh.

"Đi với bạn gái à?" Anh chăm chú viết, không hề nhìn tôi.

Nhất định là anh đã nhìn thấy tôi từ khi bọn tôi bước vào tiệm.

Tôi ôm chặt cuốn sách trong ngực, giải thích với anh: "Không phải, cậu ấy không phải là bạn gái em, chỉ là bạn thân thôi. Cậu, cậu ấy thích nhân viên của tiệm anh."

"Ồ?" Khóe môi Nhạn Không Sơn hơi nhếch lên thành nụ cười, dáng vẻ anh nhướn mày có vài phần hững hờ: "Nhân viên tiệm tôi có giá lắm đấy, có không ít người theo đuổi đâu, bạn thân em còn phải cố gắng nhiều."

Tôi biết đây chỉ là lời khách sáo của anh, là một kĩ xảo nhỏ trong cách ứng xử sao cho hai người không quá thân quen không cảm thấy nhạt nhẽo. Con số trên đầu anh thậm chí còn chẳng cao hơn anh chàng thu ngân kia, nhưng tôi vẫn rất vui.

"Vâng, em sẽ bảo cậu ấy cố gắng nhiều hơn nữa."

Tôi hơi tò mò, liệu người này có bao giờ rung động, có bao giờ mang màu hồng vì những nỗ lực của một ai đó không? Tôi nhìn chằm chằm vào chỉ số tâm trạng màu trắng trên đầu anh mà nghĩ thầm.

Chắc là có nhỉ, dù sao thì con anh cũng đã lớn vậy rồi.








_____________________________________

Đôi chút về phong trào tự sơ nữ, theo thông tin trên baidu thì phong trào này bắt nguồn từ cuối thời nhà Thanh, là một nhóm đặc thù ở vùng đồng bằng Châu Giang. Theo cuốn "ghi chép về huyện Thuận Đức" thì lúc ấy nghề nuôi tằm/dệt tơ tằm ở vùng Thuận Đức rất phát đạt, rất nhiều nữ công nhân có thu nhập khá, độc lập về kinh tế. Họ nhìn những người bạn của mình sau khi lấy chồng bị nhà chồng khinh bỉ, địa vị thấp, thế nên không cam tâm với sự trói buộc đó, thà ở vậy chứ không chịu gả, thế là tự sơ nữ ra đời. Tự sơ nữ của các vùng khác trong đồng bằng Châu Giang cũng bắt nguồn với lí do tương tự.

Buổi lễ cho tự sơ nữ ngày xưa khá cầu kì, người con gái khi quyết định trở thành tự sơ nữ sẽ phải để người trong tộc chọn một ngày đẹp để cử hành nghi lễ, đến giờ lành thì sẽ mời các bà các cô đức cao vọng trọng trong thôn để chủ trì nghi lễ, sau đó tự sơ nữ sẽ tự búi (vấn) những bím tóc của mình lên, biểu thị rằng mình sẽ vĩnh viễn không lấy chồng (bình thường lúc lấy chồng sẽ là mẹ/cô/bác/bà/chị vấn cho). Hôm tổ chức buổi lễ còn phải làm mấy bàn tiệc rượu mời bạn bè người thân đến để làm chứng.

Tự sơ nữ một khi đã vấn tóc lên thì không được đổi ý, nhất định phải giữ mình trong sạch, không được có bất cứ dây mơ rễ má nào với người đàn ông khác, làm trái với lời thề sẽ bị coi là đồi phong bại tục, bị người đời khinh rẻ, chị em ruồng bỏ, có nơi xử nặng thì có thể bị đánh đập, bỏ vào lồng heo thả trôi sông. Sau khi chết cha mẹ cũng không được nhặt xác để mai táng, chỉ có những người cũng là tự sơ nữ được quyền mai táng. Những người trở thành tự sơ nữ thì có quyền gần ngang với đàn ông thời bấy giờ, có thể tự lập trong xã hội, rời khỏi khuê phòng, ra ngoài canh tác, làm công, buôn bán.

Dựa theo tục lệ, sau khi trở thành tự sơ nữ thì người con gái vẫn có thể ở nhà mẹ mình sinh sống, nhưng không được chết ở nhà mẹ hay nhà người thân mà phải ở trong nhà của bà cô, sau khi chết cũng chỉ có những người chị em cùng là tự sơ nữ mới có quyền mai táng hay tảo mộ.

Khi Trung Hoa Dân Quốc thành lập, chế độ phong kiến và hủ tục cũng bị bài trừ thì phong trào tự sơ nữ cũng dần suy thoái, tuy vẫn còn một số ít kéo dài cho đến năm 2000. Ngày nay thì ở Thuận Đức vẫn có bảo tàng về tự sơ nữ bao gồm danh sách tên, bài vị của các tự sơ nữ và sản phẩm liên quan đến nét văn hóa này.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net