Chương 1: Biết về một cuộc thi

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

TEL AVIV, ISRAEL

Trường phổ thông nội trú quốc tế EMIS, rất lấy làm tự hào khi nói rằng đây là một trong những trường cấp ba tầm cỡ tại cái Quận nô nức Tel Aviv này. Một ngôi trường với các học sinh đến từ hàng chục quốc gia trên thế giới tất nhiên sẽ không thuộc dạng tầm thường.

Ký túc xá nữ, thành thật mà nói thì đây là nơi ta có thể nghe được hàng chục ngôn ngữ được nói một cách ồn ào, lẫn lộn với nhau bởi cả trăm con người chỉ trong vòng năm phút ngắn ngủi. Ai cũng phải công nhận, những con người tại cái khu này có khả năng nói nhiều gấp chục lần những thanh niên tại ký túc xá nam trong trường.

Đó là một buổi sáng thứ tư với bầu trời đầy nắng, các phòng trong ký túc xá bắt đầu có những tiếng động đầu tiên trong ngày. Phòng số 29, lầu ba, không thể nào hãnh diện hơn khi nói rằng đây là căn phòng có những âm thanh dễ nghe nhất. Đó là một tiếng hát trong trẻo có thể nhanh chóng lấy lòng người nghe trong chốc lát. Charlotte Harvey, chủ nhân của giọng hát đó là một cô học sinh người Pháp lớp 10D. Cô nàng thật sự xinh đẹp với vóc dáng chuẩn chỉnh, gương mặt thanh thoát, mái tóc thẳng màu nâu nhàn nhạt và đặc biệt là một nụ cười khiến bao anh chàng trong trường ngây ngất. Chính vì lẽ đó, trong khi các cô bạn cùng trường có khi còn đang mong ngóng đợi chờ một mối tình gà bông nhưng kiếm mãi không xong, thì Charlotte đã mệt mỏi bởi sự theo đuổi của sáu cậu bạn trong khối.

Như thường lệ, Charlotte thức dậy từ sớm, chuẩn bị cho một ngày đi học tràn đầy năng lượng. Cô nàng với vẻ ngoài tươi tắn đi khắp phòng với những nốt nhạc trên môi. Cứ tưởng tiếng hát đó sẽ đánh thức người bạn cùng phòng, nhưng không, nó chẳng thể làm thế vì người đó đã tỉnh ngủ trước khi giọng ca đó được cất lên. Cô bạn nhỏ đó đang ngồi khom lưng trên tầng dưới của chiếc giường hai tầng. Sally Amelina Torres, mắt liên tục dõi theo từng dòng chữ trên trang sách trong khi tay phải nhanh nhẹn ghi chú. Hành động của cô bạn nhỏ cứ thế miệt mài cho đến khi tiếng gọi của Charlotte khiến cô giật nảy mình:

– Nhanh. Nhanh. Torres.

Cô nhanh tay gập cuốn sách lại, kẹp luôn cây bút bi vào trong đó. Sally mau lẹ nhảy khỏi giường, bỏ nhanh cuốn sách vừa đọc vào trong cặp. Con bé không đoái hoài đến Charlotte mà chạy ngay đến giá treo đồ. Charlotte đã chuẩn bị xong từ trước, cô nàng rời khỏi phòng, đứng ngay trước cửa đợi trong khi Sally ở trong đó thay quần áo. Không mất nhiều thời gian, Sally đã xuất hiện trước cửa với một vẻ ngoài tươm tất.

– Đi thôi! Đi thôi!

Charlotte hối thúc, tay vỗ vỗ vai của Sally một cách vội vã. Hai người đi cùng nhau đến nhà ăn của trường. Suốt quãng đường, Charlotte lúc thì ríu rít kể đủ thứ chuyện, lúc lại ngân nga vài câu hát. Trái ngược hoàn toàn là Sally, con bé chỉ im im đi bên cạnh, mắt dán chặt vào cuốn sách trên tay. Nó như là một phản xạ có điều kiện của cô, chẳng cần nhìn đường vẫn đi đứng an toàn.

Khu nhà ăn trở nên đông đúc bởi cả trăm con người. Sally và Charlotte đi đến quầy thức ăn, mỗi người lấy cho mình một phần rồi đến một bàn trong góc phòng mà ngồi. Giữa đám đông thế này mới thấy rõ, Sally hoàn toàn lọt thỏm trong biển người. Vốn dĩ đã học vượt cấp tận hai năm, lại thêm cái chiều cao khiêm tốn chỉ tầm một mét năm lăm, thân hình có chút gầy đã khiến cô gái mười ba tuổi này trông chẳng khác gì con kiến giữa đàn voi. Cô vừa ăn, vừa đọc sách, mặc kệ người bạn cùng phòng hơn tuổi đang cố gắng bắt chuyện.

– Nè! Torres! Ưm... Bánh ngọt hôm nay ngon quá xá!

Charlotte tấm tắc khen, vẻ mặt hiện lên sự thích thú. Mấy lời nói vu vơ của cô nàng dường như chưa bao giờ lọt tai Sally. Cô bé không mấy hứng thú với điều đó.

– Uầy! Torres! Dâu hôm nay tươi lắm đấy! Em thấy không?

Charlotte hào hứng nói, mắt long lanh nhìn mấy quả dâu tây tươi mơn mởn trên đĩa.

Hai mươi phút sau, Sally đã đến lớp học. Lớp 10D, cùng với Charlotte. Bởi vóc dáng nhỏ con, cô được ưu tiên ngồi bàn đầu, trong khi cô bạn cùng phòng Charlotte lại được ngồi ở gần cuối lớp vì cái chiều cao cả mét bảy lăm. Giống như là một truyền thống, các học sinh trong lớp dù đã ở tuổi mười lăm vẫn còn thi nhau đùa giỡn làm các lớp học trở nên ồn ào không tưởng.

– Ê! Siêng quá hén!

Tên bạn cùng lớp Obed Rothman, kẻ có hàm răng vẩu, đôi mắt lồi, hàng lông mày rậm lên tiếng, giọng điệu phách lối của một kẻ bắt nạt chính hiệu. Nó đứng trước mặt Sally, cười cợt cái cách cô chăm chú đọc sách. Sally mặc kệ cái tên đó, dù gì cô bé cũng đã quen. Nhưng Obed không chịu để Sally yên, nó liên tục buông lời chọc ghẹo, thậm chí quá đáng hơn khi dùng tay vò vò mái tóc của cô bé một cách không thương tiếc.

– Bỏ ra!

Sally gằn từng tiếng, khó chịu hất văng tay nó. Cô trừng mắt nhìn rồi lại chăm chú vào cuốn sách.

– Cái đứa con gái của ả đàn bà đó mà cũng bày đặt sách với chả vở. Cô cũng chỉ là loại con gái như mụ ta mà thôi.

Obed sỉ nhục Sally, một cách thậm tệ, nó mang cả mẹ cô ra mà lăng mạ. Nhưng biết sao đây? Chuyện cơm bữa rồi. Cô nghe hoài. Cô chẳng lạ gì cái cách người ngoài nhìn cô như kẻ dị hợm, ánh mắt kì thị, lời nói khinh miệt là những thứ họ dành cho cô. Hầu như ngày nào cô cũng phải nghe ít nhất ba lần câu nói "Đồ dị hợm!".

Cô chẳng biết rõ nguyên do đâu. Họ đã gọi cô như thế kể từ khi cô được sinh ra rồi. Cô từ nhỏ đã sống với bà ngoại. Ngoại ở một mình ở cái quán ăn Kosher bé tẹo kể từ ngày cô nhập học cấp 3. Lúc còn bé xíu, tầm năm bảy tuổi gì đó, cô hay lẽo đẽo theo bà, gắng sức hỏi cho bằng được tại sao người khác lại gọi cô như vậy. Câu trả lời lần nào cũng như nhau.

– Vì mẹ con là mẫu ảnh.

Vậy thôi đấy. Sally thậm chí còn chẳng được gặp mặt ba mẹ bao giờ, chỉ thỉnh thoảng được ngoại cho xem mấy tấm ảnh họ gửi về từ đất Mỹ. Vừa mới chào đời, họ đã bỏ cô đi. Ông ngoại cô thì mất từ khi ba cô chưa về làm rể nhà này. Suy cho cùng, cô chỉ còn có bà.

Cái tên Obed đó đá vào chân bàn một cái rồi hoạnh hoẹ bỏ đi. Sally cũng đã quen với việc này. Cô chẳng thèm phản kháng, cùng lắm chỉ là lườm liếc chúng nó vài lần rồi thôi.

Tiếng chuông báo của trường vang lên, đến giờ vào học. Cô chủ nhiệm Dafna Katz bước vào, cả lớp vẫn đứng dậy chào cô như mọi khi. Cô cũng chỉ tầm hai mấy, ba mươi tuổi, dáng người nhỏ con như học sinh cấp hai nhưng cái khí chất toát ra lại rất là nhà giáo. Như một thói quen, cô đưa ta đẩy gọng kính, đôi mắt nheo lại, tay lật lật mấy thứ giấy tờ trên bàn. Cô Dafna nở một nụ cười hiền hậu rồi nói với cả lớp:

– Các em ngồi xuống đi.

Cả lớp nghiêm túc nghe theo. Tiếng kéo bàn, kéo ghế không khỏi khiến ta cảm thấy chói tai.

– Cả lớp nghe đây. Hôm nay cô có một thông báo mới cho lớp chúng ta. Hiện nay, cả Quận đang phát động cuộc thi Super Intelligence Tel Aviv. Đây là một cuộc thi kiến thức dành cho các thí sinh từ 20 tuổi trở xuống. Để có thể được góp mặt trong vòng thi của Quận, các thí sinh dự thi trước hết phải đăng ký, hoàn thành một bài thi trực tuyến thông qua trang web của chương trình.

Cô giáo chỉ nói đến đó, lần nữa đưa tay đẩy kính. Cô nâng xấp giấy tờ dày cộm lên, rời khỏi bục giảng và phát cho mỗi học sinh một tờ.

– Nếu muốn tham gia, các em hoàn toàn co thể đọc thông tin trên giấy hoặc truy cập trang web của cuộc thi để biết rõ hơn.

Mất gần hai phút để trên tay mỗi cô cậu học trò đều có một tờ giấy như thế. Ai trong lớp cũng thi nhau cắm đầu vào tờ giấy, đọc lấy đọc để. Từ đó lớp học có hai thể loại học sinh: đọc vì sự hiếu kỳ nhất thời và đọc vì thật sự muốn tham gia. Sally thuộc kiểu thứ hai.

Quán ăn nhỏ của bà cô là luôn là cái quán đông khách nhất khu này. Đa số những vị khách tại quán đều là mấy đứa con nít nhỏ xíu, thỉnh thoảng xin ba mẹ được vài shekel để tiêu vặt tiêu vãnh, hoặc một vài người dân lao động hay lai rai mấy gia đình tri thức ghé đến đánh chén một bữa. Tel Aviv phồn hoa đấy, nhưng cái khu xóm nhỏ này chỉ được vậy. Chẳng ai giàu để mà bà cháu cô tăng giá bán. Mà khổ nỗi, tầm chục năm trước thì cả khu chỉ có mỗi quán của bà cô, chẳng hiểu kiểu gì, bây giờ quán xá mọc lên như nấm. Đồ ăn có ngon cỡ nào cũng bị vơi đi vài mống khách. Cái quán bé xíu lãi chẳng được bao nhiêu, thậm chí không thể lo hết chi phí sinh hoạt cho hai bà cháu.

Người ngoài nhìn vào, chắc ai cũng nghĩ đứa cháu này tiêu hoang.

– Người già sống tiết kiệm lắm. Có nhỏ cháu kia hoang phí là cùng.

Một trăm phần trăm là họ chưa biết đến mấy căn bệnh mà bà cô đang mang trong người, tiền thuốc men cũng tốn kha khá. Dẫu bà Arella Neham luôn miệng khuyên cháu gái, giữ tiền lại mà dùng, đừng có đổ tiền vào trị bệnh cho bà, mà Sally đâu nghe. Cô không thể nào để bà ngoại phải bị đày đọa bởi những cơn ho như xé họng, những lần đau đầu như búa bổ. Thành ra Sally phải tự thân vận động, với cái dáng người nhỏ xíu như con hamster, nhưng bù lại trí thông minh miễn bàn, cô tham gia mấy cuộc thi trí óc kiểu thế này, tiền thưởng nhận về cũng được kha khá, bớt nặng gánh lo toan.

Lần này cũng thế, đọc vào tờ giấy, với số tiền thưởng cho giải Nhất cấp Quận là 250 shekels, nó nhanh chóng thu hút, thôi thúc cô tham gia cuộc thi.

– Bạn nào muốn tham gia cuộc thi thì có thể đăng ký theo hướng dẫn.

Cô Dafna vừa nói vừa chỉ vào tờ giấy.

– Còn nếu không, các em có thể liên hệ với nhà trường để hỗ trợ các em hoàn tất thủ tục này.

Xong câu nói đó, cô Dafna và các học sinh trong lớp trở về với tiết học đầu tiên trong ngày, như mọi khi.

Mấy tiết học cứ thế trôi qua, ai không hiểu bài chứ riêng Sally thì việc học tại đây lại dễ dàng hơn bao giờ hết. Cô nhanh chóng rời khỏi lớp học, đi nhanh xuống nhà ăn trước tất cả mọi người. Cái thân hình này chưa bao giờ lại lợi thế cho việc tranh giành bàn ăn với những người hơn cô hai tuổi.

Cô tiến đến trước quầy thức ăn, nơi đang bày biện rất nhiều món ăn hút mắt. Nhanh chóng, cô lấy lần lượt các món vào khay của mình. Một tô salad trứng thật to, một phần cá hồi, một tô súp gà và một ly sữa chua yến mạch. Một bữa trưa đầy đủ chất dinh dưỡng. Vốn không thích giao lưu với người khác, cô chọn một bàn ở cuối phòng ăn, lủi thủi ở đó, thưởng thức bữa trưa một mình cho đến khi bị Charlotte đuổi kịp. Ngày nào cũng như ngày nấy, Sally luôn đi trước, bỏ lại Charlotte còn Charlotte thì lúc nào cũng bám dính lấy cô cả. Có lần, vì mãi đi tìm kiếm Sally trong cái phòng ăn đông kín người, cô nàng thậm chí còn suýt va phải một bàn đầy chén đĩa.

– Trời đất! Torres, có cần chạy nhanh vậy không? Bao nhiêu lần rồi.

Cô nàng bày ra vẻ mặt giận dỗi rồi kéo ghế ngồi lại gần cô bạn nhỏ. Níu lấy cánh tay của Sally, cô bạn đưa khuôn mặt trắng hồng của mình lại gần tai cô rồi thủ thỉ:

– Em muốn tham gia đúng không? Cuộc thi đó đó.

Charlotte biết rõ chuyện Sally kiếm sống bằng tiền thưởng các cuộc thi. Với cả, Sally là một cô bé vô cùng thông minh, nói là thiên tài cũng không có gì quá, nếu không tham gia một cuộc thi lớn thế này thì phí.

Sally không vội đáp, cô ăn tiếp một muỗng súp mới trả lời:

– Có lẽ...

Như mang cả thiên nhiên trong từng ánh nhìn, đôi mắt màu xanh lục bảo hững hờ một cách quá đỗi bình thường. Cô cúi mặt, nhìn xuống đĩa ăn, hai cẳng tay để lên bàn, lưng duỗi thẳng, người hơn khom về phía trước. Lực của cả thân trên cứ để mặc cho đôi cánh tay đó gánh vác.


MASSACHUSETTS, THE USA

Harvard University, Đại học Harvard, trăm năm lấy làm kiêu hãnh khi được người đời vinh danh là một trong những đại học hàng đầu thế giới. Nói đây là giấc mộng của hàng triệu học sinh, sinh viên trên khắp thế giới cũng không ngoa. Bằng chứng là hằng năm đều có cả bốn, năm chục ngàn đơn ứng tuyển nhưng chắc chỉ vài phần trăm trong số đó được chấp thuận, khoảng 1500 – 2000 sinh viên. Khắc nghiệt đó chứ!

Cái trời thu đẹp quyến rũ người người ở chốn Cambridge. Trong khuôn viên của một nơi chứa đựng bao tri thức của nhân loại, những chiếc lá khô vàng thỉnh thoảng lại kêu lên vài tiếng xào xạc. Cái nắng dịu ngọt như đôi cánh thiên thần dang rộng trọn lấy vạn vật. Cái mùi hương đặc trưng của mùa thu rủ cả bạn bè của chúng biểu tình trỗi dậy và từng cơn se se lạnh bắt đầu quẩn quanh. Mỗi lần hít thở là mỗi lần mũi ta tê tê bởi khí lạnh đặc quánh mùi cỏ cây. Hương sắc mùa thu đẹp ngất ngây.

Chỉ mới bảy giờ sáng, không gian trong trường đã bắt đầu có sự ồn ào. Chủ yếu là từ các ký túc xá sinh viên. Các nhà ăn bắt đầu đón chào sự xuất hiện của các sinh viên, Annenberg dành cho các "lính mới", một số nhà khác dành cho sinh viên khóa trên. Thư viện Lamont hiếm hoi tạm biệt một vài vị khách đã "đóng quân" ở đó thâu đêm trong khi những nơi khác đang đón chào những sinh viên như một cách khởi đầu ngày mới.

Một ngày thứ năm bình thường, không có quá nhiều điều đặc biệt, giáo sư Reid tầm 60 tuổi đang chậm chạp lôi kéo tấm thân già cả đến giảng đường. Mái tóc của ông bạc phơ, khuôn mặt tròn trịa với nước da đặc trưng của người gốc Phi, kèm theo đó là những nếp nhăn đang xô đẩy nhau, đầu mũi ú nu nâng đỡ cặp kính lão cứ xệ xệ xuống. Phải mất kha khá sức lực để ông đi bộ suốt một quãng đường dài. Giáo sư Reid ngồi chễm chệ trên chiếc ghế. Khác với những đồng nghiệp của mình, ông luôn là người đến sớm, sớm hơn cả những sinh viên của mình. Ông thích ngồi một mình trong giảng đường, nhìn ngắm một cách lặng lẽ và lật qua lật lại vài trang sách trước khi bắt đầu công việc của mình.

Không gian giảng đường yên tĩnh một cách nhàm chán, những con người của tiệc tùng sẽ phát rồ sau năm phút ở đây. Dãy bàn ghế hoàn toàn trống trơn, không một bóng người, chỉ có ông Rocco, tức giáo sư Reid. Giáo sư vẫn cứ ngồi trầm ngâm một mình, lật qua lật lại một cuốn sách cũ kĩ, nó cũ đến mức những trang sách dường như mục nát cả, bìa ố vàng và gáy đã trở nên bong tróc, trầy xước đến độ không thể đọc được tên sách. Ông đã làm như vậy, hơn cả trăm lần rồi. Như ông không thể ngưng. Thỉnh thoảng, giáo sư Rocco lại đưa tay quờ quạng tìm kiếm chai nước trên bàn, tu một ngụm rồi lại lật cuốn sách đó tiếp.

Tiếng mở cửa phá bĩnh không gian lặng yên của giáo sư, một chàng trai bước vào. Ấn tượng đầu về anh ta có lẽ là mái tóc màu vàng pha chút bạch kim của mình, tiếp đến là gương mặt trẻ tuổi không chút biểu cảm. Anh vào phòng một cách điềm tĩnh, nhẹ nhàng đóng cửa phòng, bước đến gần, gật nhẹ đầu coi như chào hỏi với giáo sư Rocco rồi đi về phía chỗ ngồi. Vị giáo sư già đã gấp cuốn sách lại, cẩn thận đặt nó vào trong cặp sách. Ông khó khăn bước xuống, đến chỗ cậu sinh viên trẻ đang ngồi, cất chất giọng ồm ồm của mình:

– Dạo này chắc vất vả nhỉ...

Giáo sư Rocco chống tay lên bàn, ông từ từ hạ cái thân hình quá khổ của mình xuống chiếc ghế bên cạnh anh sinh viên.

– ...Walton?

Ông hoàn thành nốt câu nói, thả lỏng người trên chiếc ghế dành cho sinh viên. Anh sinh viên không vội vã trả lời, chỉ mở miệng sau khi đặt đồ dùng cần thiết lên bàn. Serpens Skylar Walton với chất giọng trầm, ánh mắt không có chút hào hứng, sơ sài đáp lời vị giáo sư:

– Vâng... Không hẳn.

Giáo sư Rocco rên rỉ cho tấm lưng đang đau nhức của mình, rồi tiếp tục hỏi Serpens:

– Chủ tịch dạo này vẫn khoẻ nhỉ?

Ông hỏi Serpens về cha của anh, người đàn ông tên Titus James Walton, chủ tịch tập đoàn Walton, cũng là một phần nguyên nhân khiến Serpens được các giáo sư tại đây chú ý hơn hẳn so với các sinh viên còn lại. Nét mặt ông thầy vẫn cứ tươi roi rói, hoàn toàn không bị ảnh hưởng gì bởi thái độ thờ ơ, chán chường của cậu sinh viên.

– Chưa chết.

Serpens nói một cách ghét bỏ. Không phải là anh ghét vị giáo sư này, anh vốn dĩ đã thế với hầu hết mọi người. Sinh ra trong một gia đình tỷ phú quyền thế đầy mình, độ nổi tiếng thì không cần bàn cãi, từ lúc còn bé tí, anh đã được không ít tay phóng viên vây quanh. Nhưng với cái tính cách dửng dưng với thiên hạ, việc anh phớt lờ câu hỏi, lời chào từ người khác xảy ra như cơm bữa và vẫn tiếp diễn đến tận bây giờ. Không ít trang báo lá cải đồn thổi thông tin anh bị tự kỷ hoặc mắc bệnh tâm thần chỉ nhờ mấy hành động nhỏ xíu đó. Anh cũng không để bụng nhiều, những tin thất thiệt coi như cũng là chút gia vị mấy tay phóng viên thêm vào cho con người anh vậy. Dù gì bọn chúng cũng không thu thập được thông tin gì. Mấy ai cam chịu uống nước lã sống qua ngày.

Giáo sư Rocco không hỏi gì thêm, chỉ nở một tràng cười nhè nhẹ. Ông đưa tay định vỗ vai Serpens nhưng anh nhanh chóng tránh né. Lại một tiếng cười thật to, ông Rocco quay trở lại ghế ngồi của mình.

Serpens ngồi đó, anh chăm chú dán mắt vào cuốn sách trong tay. Hiện tại đối với anh, sách là điều duy nhất có thể khiến anh thư giãn. Sau đó khá lâu, có thêm vài sinh viên khác từ cửa bước vào. Đến mười giờ bảy phút, giờ học chính thức bắt đầu.

Sau nhiều tiếng học tập vất vả, đến mười hai giờ trưa, hàng loạt sinh viên thi nhau đổ xô đến các nhà ăn. Riêng Serpens, anh không chọn nhà ăn là địa điểm tiếp theo để ghé chân mà thay vào đó chọn một bàn trống ở một khu cách đó khá xa. Anh không ở lại ký túc xá, càng không ăn bữa trưa tại nhà ăn của trường. Không cần nhờ đến gia đình, anh đủ giàu để tự có một căn nhà tại Massachusetts và thuê người giúp việc riêng. Mọi bữa ăn trong ngày, Serpens đều có người chuẩn bị cho, việc nhà cũng chẳng cần phải động tay đến.

Serpens vừa ăn vừa vừa nghiền ngẫm cuốn sách của mình. Đó không chỉ là sở thích mà anh coi đó là nhiệm vụ cả đời, đọc sách. Anh kết thúc bữa trưa như thường lệ, chẳng có gì đặc biệt. Serpens chấm dứt bữa trưa ngày hôm nay, anh nán lại chỗ chiếc bàn, chây ì cái thân, vừa chống cằm vừa đọc tiếp cuốn sách. Phải gần nửa tiếng sau, anh mới chán chường bước đi đến lớp học tiếp theo.

Đường đến lớp tiếp theo thật sự không xa lắm, anh hoàn toàn có thể đi bộ đến đó. Tiết học này được giảng dạy bởi một giáo sư gốc Á, Hikari Suzuki, một trong những giáo sư nổi tiếng tại đây. Có thể đối với những sinh viên khác, những tiết học thế này có thể rất cuốn hút, hoặc khó nhằn, nhưng với Serpens anh lại cảm thấy tẻ nhạt khi ngồi trong giảng đường thế này. Có lẽ do anh tiếp thu kiến thức tốt hơn, thông minh hơn, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn đồng thời cũng trở nên nhàm chán hơn. Theo thói quen, anh vừa chống cằm, vừa lơ đễnh nhìn về phía vị giáo sư đang thao thao bất tuyệt.

Giờ học kết thúc, Serpens đáng lẽ ra nên về nhà, nhưng hôm nay anh đã chọn ở lại đây một chút, để đến thư viện. Thư viện trường tương đối vắng vẻ, nếu không phải trong kỳ kiểm tra thì có hôm còn không có một bóng người ở đây. Anh chọn một chỗ ngồi vắng vẻ, ở trong góc khuất, nơi mà anh có thể tận dụng sự yên tĩnh để giải quyết mớ công việc của mình. Serpens đặt chiếc laptop của mình lên bàn, thêm một cuốn sổ tay và không thể thiếu một cây bút. Màn hình laptop của anh đầy những báo cáo dài dòng. Tất nhiên là phải vậy. Ngay từ lúc mười tuổi, anh đã làm việc trong công ty của ba với vai trò là một nhà lập trình Trí tuệ nhân tạo. Đến bây giờ cũng được bảy năm rồi, năm nay anh mười bảy tuổi.

Kể từ lúc nhập học Harvard, tức là hai năm về trước, anh ngày càng bận rộn hơn, hết công việc lại đến việc học tranh nhau đuổi theo anh. Mặc dù mới vào học Harvard được hai năm, nhưng anh lại tốt nghiệp bậc Cử nhân được một năm rồi. Ngay trong năm sau đó, anh lại trúng tuyển Harvard thêm một lần nữa và đang theo học chương trình bậc Thạc sĩ. Phải nói áp lực như muốn nghiền nát người ta, vậy mà anh chàng trẻ tuổi vẫn tỏ ra hết sức bình thường.

Serpens ngồi trong thư viện suốt ba tiếng đồng hồ, anh giải quyết được kha khá công việc. Đến lúc này, thời gian của anh sẽ được dành cho mấy cuốn sách. Anh không có sở thích mượn sách của thư viện, vì nhà anh thừa tiền để mua. Lấy trong cặp ra một cuốn sách tương đối dày, khoảng tầm ba hay bốn trăm trang, anh say sưa đọc nó.

– Chà, chà, cậu trẻ đang đọc gì đó? Ò ò, là "Tương thích với con người: Trí tuệ nhân tạo và vấn đề kiểm soát" của Stuart Russell. Hay đấy!

Giọng nói của một cô gái trẻ vang lên. Serpens liếc mắt nhìn. Là một cô gái khoảng hai mươi tuổi, mái tóc đen và có trang điểm nhẹ. Cô gái đó cầm trên tay một xấp giấy tờ gì đó, mắt cô ta chăm chú nhìn vào cuốn sách anh đang cầm trên

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net