Hồi thứ nhất - QUAN TÀI KÉP

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

   "Ma đưa lối, quỷ dẫn đường"( tục ngữ )

   Thời nhà Lý, nước ta quốc hiệu là Đại Cồ Việt, sau đến đời vua Lý Thánh Tông thì đổi tên thành Đại Việt. Từ thuở Lý Thái Tổ lập quốc, Đại Việt vốn là một vương quốc hùng mạnh, sau suốt trăm năm đánh dẹp đã ổn định biên cương, giữ được phong độ của một nước cường. Ngoại bang khi ấy phía nam nước Chiêm Thành phải nể sợ, phía tây nam nước Chân Lạp phải khiêng dè, phía tây nước Ai Lao phải thần phục.

   Phương bắc vốn là mối lo ngàn đời của các vương triều Đại Việt, khi ấy cũng rơi vào thế suy. Bởi vì nước Đại Lý phía tây bắc thì ngày càng yếu ớt, không phải lả mối đe dọa. Ngay đến Tống triều hùng cứ Trung Nguyên bấy lâu cũng bị người Kim uy hiếp ở phương bắc. Bởi vậy Nam Tống trong suốt trăm năm lo giữ mối giao hảo với người Việt. Đến những năm dưới thời vua Lê Anh Tông thì lãnh thổ người Tống bị thu hẹp lại chỉ còn mười lăm lộ phía nam sông Dương Tử.

   Có điều, theo sử sách ghi lại, Lý triều hưng thịnh nhất dưới thời ba vị vua đầu là Lý Thái Tổ,Lý Thái Tông và Lý Nhân Tông. Đến thời Lý Thần Tông, Đại Việt không còn hung mạnh như xưa nữa. Khi Lý Anh Tông lên nắm đế quyền, ngài mới lên bốn, việc trong triều phần nhiều nhờ vào thái úy Đỗ Anh Vũ. Cứ xét việc người đời trước như Han Thiếu Đế với Đổng Trác, đời sau như Lý Chiêu Hoàng với Trần Thủ Độ cũng đủ biết, thời kỳ ấu chúa công thần tự cổ chí kim( mị cũng chẳng hiểu đây là thời gì. bạn nào biết thì nói cho mình nha ), bao giờ cũng lắm mầm họa. 

   Vào thời bấy giờ ở làng Việp, huyện Phú Bình, phủ Phú Lương( nay thuộc Thái Nguyên ) có người tên cúng cơm là Nguyễn Tạm, dân trong làng thường gọi ông là ông Tạm Mộc. Gọi như thế là bởi ông Tạm ấy làm nghề thợ mộc.

   Vốn dĩ, ông Tạm Mộc không phải tay lão luyện trong nghề. Khi xưa còn bé ông đi ở cho nhà người chủ có xưởng mộc trên phủ. Người chủ ấy thấy thằng bé chăm chỉ cần cù bèn sinh lòng thương mến, cho phụ việc để có cái nghề sau này nuôi lấy thân.

   Có điều người chủ vốn không phải tay giỏi giang, mà không phải danh sư( thầy ) làm sao thành học trò giỏi? Ông Tạm Mộc cuối cùng cũng chỉ có thể đóng những thứ bàn ghế đơn giản thường dùng ở nhà thứ dân. Những chạm trổ cầu kỳ, khảm trai nạm ốc, hiển nhiên ông Tạm Mộc không thể lảm được. Ông học nghề được hai năm thì chủ xưởng ấy thua bạc đến mất nhà cửa. Ông Tạm Mộc đành sắm lấy ít đồ nghề quay về làng, vừa làm ruộng vừa làm mộc kiếm cơm.

   Ông Tạm Mộc đi cấy thuê được vài năm thì chán nghề cày cấy, chuyển hẳn sang làm mộc. Nghề ông vốn không tinh( không giỏi về nghề đấy ), có điều đất Phú Lương vốn là vùng xa cách kinh thành, nơi ấy dân tình còn khốn khó, việc chế tác các vật dụng trong gia đình không cần cầu kì xa hoa, chỉ cần tiện dụng dễ dùng, nên ông Tạm Mộc thường được bà con trong làng nhờ đóng giúp các vật dụng như bàn ghế, sập, tủ.

   Tính ông Tạm Mộc vui vẻ xuề xòa, ai kì kèo bớt một vài đồng ông đều thuận ý ngay. Nhưng thế chẳng những không làm ông nghèo đi, mà dân tình nơi ấy cũng thuần hậu chất phác, dù có được lợi chút ít, nhưng thấy người thợ mộc hiền lành tốt tính, cũng chẳng ai nỡ để ông thiệt thòi, khi xong việc lại mang quà cáp dân dã sang tạ ơn. Nhờ thế nên xét ra ông cũng chẳng mất gì, lại giữ được cái tình với bà con làng xóm, việc nọ đẻ việc kia, ông Tạm Mộc cũng không mấy khi thiếu việc làm.

   Vợ ông Tạm Mộc, dân làng thường gọi là thị Tạm theo tên chồng, vốn là người đàn bà có nhan sắc tầm thường nhưng tốt tâm, lại khỏe mạnh, chăm chỉ. Ngày ngày thị ra chợ làng buôn bán lặt vặt, có khi làm thuê cho người ta, phụ giúp chồng nuôi năm đứa con nhỏ.

   Tết năm ấy, ông Tạm Mộc bận tối ngày. Là bởi vì nhiều nhà cả năm dành dụm được ít tiền, muốn sắm chút đồ đạc mới, hoặc sửa lại những thứ đã hỏng trong nhà. Cái lán nhỏ vừa là xưởng mộc, vừa là nơi chứa đồ chất đầy bàn ghế giường tủ nhà thiên hạ, cái mới cái cũ ngổn ngang. Ông Tạm Mộc cả nể, hứa với người ta nhiều quá, đêm nào cũng phải thức làm khuya.

   Thị Tạm mấy hôm nay không ra chợ làng nữa mà cơm nắm muối vừng theo vợ chồng người anh trai mang bánh chưng ra tận huyện. Chợ tết từ đầu tháng chạp đã nhộn nhịp lắm, ngày nào cũng mở chứ không phải đợi đến rằm đến tháng. Thị Tạm đi mấy chuyến thấy có lời gấp mấy lần buôn bán bình thường, thị mừng lắm, bỏ tiền mua mấy yến nấp trắng thượng hạng, lại thêm đậu xanh, thịt lợn, lá dong, củi lửa... bắc một cái nồi lớn cạnh lán mộc của ông Tạm, sai năm đứa con ngày đêm canh chừng.

   Ông Tạm Mộc nhờ ánh lửa ấy, chỉ cần thắp thêm ngọn đèn dầu lạc để gần bên, có thể đục đẽo cho đến khi mệt rũ thì lăn ra ngủ.

   Đường từ làng ra huyện mất đến mấy ngày cả đi cả về, nên mỗi khi thị Tạm về lấy thêm bánh mang bán thường ở nhà một đêm, cả gia đình quây quần bên bếp lửa hồng, tiếng bào tiếng đục, tiếng củi lép bép cháy, tiếng cười nói, kể chuyện, cả tiếng la khóc của bọn trẻ làm không khí gia đình thật đầm ấm hạnh phúc.

   Đến ngày hăm ba tết, ông Tạm Mộc mới làm hết hai phần ba số việc đã nhận. Thế mà vẫn còn có người đến nhờ. Ông Tạm Mộc sợ thất hện với người khác nên không muốn nhận thêm. Nhưng những người tới đặt muộn thường là nghèo khó, có khi họ vác tới cả cái giường mà chân đã mục ruỗng, chỉ e đêm giao thừa vợ chồng đang ngủ thì sập, lại giông cả năm. Những nhà khó khăn như thế, không làm giúp cho thì ông áy náy lắm.

   Đến tối hôm ấy, ông Tạm Mộc đang bào lại cái bàn cũ nhà hàng xóm, trời mưa rả rích suốt cả canh giờ. Khuya lắm rồi, chỉ còn con Mẹo, đứa con cả của ông, ngồi co ro canh lửa, những đứa nhỏ hơn đã đi ngủ hết. Thấy con Mẹo cũng gà gật chực ngủ, ông Tạm Mộc thương con, nói nhỏ:

   - Vào ngủ đi con, để thầy trông cho.

   Con Mẹo cả mừng, vâng một tiếng rồi lẹt xẹt vào nhà.

   Ông Tạm Mộc làm một mình ngoài sân hồi lâu, bất chợt một cơn gió mạnh thổi thốc tới. Cơn gió này khí lạnh khác thường, nó khiến cả cái bếp lửa đang cháy leo lét và ngọn đèn dầu đặt cạnh ông đều tắt lịm. Trong chốc lát, đến cả tiếng cóc nhái cũng im bặt, bóng đêm bao trùm không gian. 

   Ông Tạm Mộc vội lấy bùi nhùi ra châm lại lửa. Ngọn đèn dầu vừa được thắp lên, ông giật mình nhận ra cách mình chưa đến một thước, một ánh mắt kỳ dị đang trân trân nhìn ông không chớp.

   Đôi mắt ấy mỏng như sợi chỉ mà đờ đẫn vô hồn trên một khuôn mặt trắng bợt bạt. Ánh mắt ấy nửa như nhìn ông, lại nửa như nhìn một vật gì đó ở cách xa lắm. Thân hình người ấy như một pho tượng. Ngay cả trong cơn gió mạnh, dường như vạt áo hắn cũng không hề lay động.

   Từ trong nhà, con chó Mực nhà ông phóng vọt tới người lạ mặt sủa rối rít. Hắn dường như không để ý tới con Mực, vẫn chăm chú nhìn ông Tạm Mộc.

   Hắn nói:

   - Ông là thợ mộc làng này?

   Giongj hắn bình thản, câu nói chậm đến mức gần như rời rạc từng từ. Ông Tạm Mộc bỗng thấy sống lưng mình lạnh toát. 

   Ông đáp, giọng hơi run run:

   - Vâng.

   Người đó nói:

   - Ông đóng được quan tài chứ?

   Ông Mộc vốn mơ hồ thấy được sự ma quái trong con người này, đêm hôm khuya khoắt lại nghe thấy hắn nhắc đến hai từ "quan tài" thì càng hoảng sợ, nhất thời chưa thể mở miệng ngay. Người kia cũng không đợi ông trả lời, chỉ lạnh nhạt đưa ông một mảnh giấy.

   Ông Tạm Mộc dồn hết can đảm, run run nói:

   - Thưa tôi không biết đọc, với lại tôi đã nhận nhiều việc quá rồi, không nhận thêm được nữa.

   Người đối diện ông mặt vẫn không biểu lộ chút cảm giác nào, nhìn ông một hồi rồi nói:

   - Gỗ Ngọc Am, dài một ngũ (1 ngũ = 2m), rộng một ngũ, cao hai xích (1 xích = 40cm). Không được sập ván dưới ba tháng. Ba hôm nữa ta tới lấy. Ông cần bao nhiêu cứ nói.

   Ông Tạm Mộc giật mình. Ông vốn đã vài lần đóng quan tài cho những đám hiếu trong làng, nhưng chưa bao giờ ông thấy có người yêu cầu mình đóng một cái quan tài hình dạng như thế. Thông thường quan tài có chiều rộng chỉ hai xích, đến hai xích rưỡi đã là loại quá to rồi, đằng này hắn muốn đóng quan tài có chiều rộng đến một ngũ. Như thế quan tài ấy rộng bằng một cái phản, quả là dị thường. Người chết nằm trong quan tài ấy, chẳng phải là quá thoải mái ư? 

   Lại thêm, hắn đòi quan ấy phải làm bằng loại gỗ Ngọc Am tuyệt phẩm, có thể tự phát hương thơm, khiến cho mộ phần người được táng luôn phảng phất mùi gỗ. Thứ gỗ ấy ông Tạm Mộc mới chỉ được nghe nói, chứ chưa thấy bao giờ. Chẳng những thế, một tay thợ như ông làm sao có thể vừa đóng quan vừa tính được thời gian sập ván?

   Ông Tạm Mộc thấy sự kỳ quái toát ra từ người đối diện, bất giác run lẩy bẩy nói:

   - Chỗ tôi không có gỗ Ngọc Am, cũng không tính được thời gian sập ván như ông nói. Tôi chỉ là anh thợ mộc đi sửa bàn đóng ghế thôi, mong ông thương cho.

   Ông Tạm Mộc nói rồi hướng về phía người kia vái lia lịa.

   Con Mực đã ngừng sủa, không gian yên ắng khiến ông Tạm Mộc càng cảm thấy hãi hùng.

   Người kia không thèm chú ý tới dáng vẻ sợ hãi của ông Tạm Mộc, hỏi:

   - Quanh đây có nơi nào đóng quan nữa không?

   Ông Tạm Mộc đáp:

   - Như ông yêu cầu thì có lẽ phải lên phủ mới có thứ gỗ ấy. Tôi không quen đóng quan, xin ông bỏ qua cho, việc này quá sức tôi...

   Người kia đáp:

   - Không được, thế muộn quá.

   Hắn thờ thẫn nhìn ông Tạm Mộc rồi nói:

   - Vậy ông dùng gỗ nào cũng được, chỉ có điều, không được sập ván dưới ba tháng.

   Ông Tạm Mộc toan nói thêm nhưng người kia đã phất tay đưa cho ông một nén vàng nhỏ. Ông đang lúc hoảng sợ, tựa như bị người kia thôi miên, chỉ biết đưa tay nhận lấy.

   Người kia lại nói:

   - Nhớ đấy, dài một ngũ, rộng một ngũ, cao hai xích, dày một tấc. Dưới ba tháng không được sập ván. Ba hôm nữa ta tới lấy.

   Nói rồi người ấy quay mình bỏ đi, chẳng mấy chốc đã lẫn trong màn đêm dày đặc.

                                                                                 *********


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net