Sứ mệnh của con người là sống chứ không phải tồn tại

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đề bài: W. Gớt - nhà thơ vĩ đại người Đức từng nói: "Sứ mệnh của con người là sống chứ không phải tồn tại". Từ những trải nghiệm văn học của mình anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.

Bài viết của em Nguyễn Lê Thảo Vy, học sinh lớp 11 chuyên Văn trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên đăng trên tạp chí Tài hoa trẻ số 949, ra ngày 10/04/2016.

Văn học là nhân học, câu nói ấy của Gorki qua thời gian dường như đã trở thành định nghĩa chân chính của văn học. Văn học đem đến những bài học quý giá cho con người, hướng con người đến những điều cao đẹp. Từ những câu thơ ngọt ngào, êm đềm thoảng nhẹ như hương đồng nội, những trang văn mát lành như gió mùa thu, những thiên tiểu thuyết bề bộn cuộc sống phức tạp nhiều mối lo âu,... cho đến những truyện ngắn súc tích, lắng sâu; mỗi nhà thơ, nhà văn đều muốn gửi lại trong mỗi chúng ta dư vị đậm sâu, mặn mà âm vang từ cuộc sống này, mở ra trước mắt ta một chân trời mới mà ở đó ta nhận thức sâu sắc rằng: ""Sứ mệnh của con người là sống chứ không phải tồn tại"
Quan niệm này của Gớt khiến chúng ta sửng sốt và phải vội vàng ngẫm lại cái định nghĩa về cuộc đời mà bấy lâu nay con người vốn hay ngộ nhận trong nhận thức. Để giờ đây ta có hai khái niệm hoàn toàn khác biệt giữa "sống " và "tồn tại ". Khi một con người được sinh ra, được nuôi lớn, hoạt động trao đổi chất với thế giới bên ngoài, khi tim vẫn đập, máu vẫn chảy, vẫn hít thở khí trời thì khi ấy con người "tồn tại ". Nhưng để "sống " thì không đơn giản như thế, "tồn tại " chỉ là sống ở phương diện sinh học, còn sống thì lại hoàn toàn khác. Để được sống thì đương nhiên trước nhất phải tồn tại, nhưng đang tồn tại không có nghĩa là đang sống. Tồn tại là khi ta có mặt ở trên đời như biết bao sinh vật khác trên thế giới này, là dừng lại ở mức "con ", là một loài trong muôn loài của thế giới tự nhiên. Nhưng khi ta "sống ", ta vươn lên và chạm đến chữ "người" thì đã là một sự tồn tại đặc biệt của thế gian, như William Shaekspear đã ca ngợi: "Kì diệu thay là con người... thật là vẻ đẹp của thế gian , kiểu mẫu của muôn loài". Được "sống " là một đặc ân, một món quà thiêng liêng mà mỗi chúng ta phải biết trân trọng: "Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy ". Một cuộc sống thật sự là khi con người biết rung cảm, biết nhận thức, tồn tại với một trí tuệ sáng suốt, một tâm hồn cao đẹp, biết làm những việc có ích, có ý nghĩa, biết rằng mỗi một ngày sống ở đời là mỗi "có thêm ngày nữa để yêu thương ". Để con người nhận thức được sâu sắc điều đó, văn chương xuất hiện với sức mạnh cảm hóa và thay đổi lớn lao. Văn học là sự "hướng về, sự vươn tới, sự níu giữ mãi mãi tính người cho con người".
Từ việc phản ánh thế giới khách quan qua lăng kính chủ quan, văn học giúp con người nhận ra thế nào là một cuộc sống đích thực. Thạch Lam đã rất tinh tế và khéo léo khi lắng nghe mọi âm thanh, mọi chuyển động của từng thời khắc một tại nơi phố huyện nghèo nàn, nhỏ bé. Trong bức tranh phố huyện ấy, người nghệ sĩ đã khéo léo trộn vào nhau những hình ảnh tương phản – Ánh sáng và bóng tối, âm thanh và sự tịch mịch. Có ánh sáng đấy, nhưng vô cùng nhỏ nhoi, đơn độc, nào là "khe ánh sáng ", "vệt sáng", "hột sáng", ánh sáng từ ngọn đèn con chị Tí, từ ánh lửa bác Siêu,... Chừng ấy thứ ánh sáng, le lói, yếu ớt, như bị nuốt gọn vào thứ bóng tối vô tận. Có âm thanh, nhưng là âm thanh từ tiếng ếch nhái kêu ran, tiếng muỗi vo ve, là âm thanh khô khốc từ tiếng cầm canh chỉ đánh lên một tiếng rồi chìm ngay vào bóng tối, là những câu đối đáp nhát gừng, cụt lủn thi thoảng thốt ra từ đôi môi những con người vốn lặng lẽ nơi phố huyện. Tất cả những ánh sáng, âm thanh ấy chỉ khiến bóng tối ngày càng lan rộng và sự tịch mịch bao trùm lên tất thảy. Một bóng tối đặc quánh như sơn dầu: "Tối hết cả, con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại càng sẫm đen hơn nữa.". Những người dân phố huyện cứ thế lầm lũi, quẩn quanh trong "cái ao đời chật hẹp" bị vây phủ bởi một thứ bóng tối mịt mù. Họ sống nhàm chán, tẻ nhạt, không hy vọng, không niềm tin như ý thơ Huy Cận:
"Quẩn quanh mãi giữa vài ba dáng điệu
Tới hay lui chỉ chừng ấy mặt người
Vì quá quen nên rất đỗi buồn cười
Môi nhắc mãi cũng chỉ ngần ấy chuyện."
Nếu ánh sáng đại diện cho sự sống, cho niềm tin về những điều tốt đẹp, thì bóng tối đại diện cho một cái gì đó u ám, tẻ nhạt. Ở đây, phố huyện đã hoàn toàn chìm sâu trong bóng tối và sự tịch mịch có nghĩa là sự sống ở đây đang đuối dần. Cuộc sống của những người dân phố huyện dường như chỉ dừng lại ở hai chữ "tồn tại ". Đó là một cuộc "sống mòn " thảm thương, tội nghiệp.
Trước những cuộc "đời thừa " đó, nhà văn đã lắng lòng lại để nghe những khao khát, ước mơ cháy bỏng từ sâu bên trong tâm hồn họ. Chính cái thế giới trong mơ của họ mới là một cuộc sống ra sống, đáng sống, đó là một thế giới rộng lớn, tràn ngập âm thanh, ánh sáng và tiếng nói cười. Những khát vọng ấy, họ gửi cả vào một chuyến tàu đêm. Những con người trong bóng tối ấy đêm nào cũng cố thức đến khuya để đợi đoàn tàu bởi đoàn tàu ấy đem đến một thế giới khác hẳn đầy ánh sáng, âm thanh và sắc màu đủ sức xua tan đi tất thảy bóng tối và sự tịch mịch của phố huyện. Dù chỉ trong một thoáng chốc, nhưng đó thực sự là niềm khát khao, là nơi gửi gắm ước mơ của bao kiếp người nhỏ bé, tội nghiệp trong bóng tối. Thạch Lam đã lắng nghe, trân trọng những rung động thẳm sâu, những khát khao vượt thoát khỏi bóng tối để hướng về ánh sáng , để sống cho ra sống của những con người nhỏ bé, tội nghiệp
Không được sống một cách đích thực mà chỉ "tồn tại " là một điều khủng khiếp mà khi nhận ra điều đó, con người ta sẽ rơi vào trạng thái khổ đau, tuyệt vọng để rồi phải chọn cho mình một lối thoát dù đau đớn đến mức nào. Nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao đã thể hiện thông điệp ấy một cách gay gắt, mạnh mẽ bằng chính cái chết tức tưởi của mình.
Cái chết của Chí Phèo là cái chết để "đòi quyền được sống ". Có thể nói, cuộc đời Chí Phèo có hai kiếp sống, xảy ra trước và sau khi gặp gỡ Thị Nở. Trước khi gặp Thị Nở, đó dường như chỉ là một sự tồn tại sinh học khi Chí để mặc cho cơn say nhấn chìm mọi giác quan, khi hắn chỉ có một nghề là rạch mặt ăn vạ. Hắn thậm chí "chưa bao giờ tỉnh để nhận ra sự có mặt của hắn trên đời ". Hắn bị bà con làng Vũ Đại ruồng rẫy, bị đẩy ra khỏi vòng tay xã hội, bị cự tuyệt hoàn toàn quyền làm người. Không ai thèm đáp lại lời hắn, chửi nhau với hắn chỉ có tiếng sủa của vài ba con chó. Chí Phèo rơi vào một kiếp sống chẳng khác nào súc vật, ảm đạm và thê lương .
Nhưng sau cái đêm định mệnh ấy, mọi thứ đã đổi khác. Thị Nở không chỉ đánh thức bản năng của một thằng đàn ông bên trong Chí, mà tình yêu và sự chăm sóc tận tình của Thị như đôi tay vớt Chí Phèo lên khỏi vũng lầy tha hóa. Lần đầu tiên, hắn tỉnh, tỉnh để ngẫm lại cuộc đời, tỉnh để mà ước mơ, mà hi vọng. Hắn thèm được lương thiện, được trở về với cuộc đời, hắn khao khát được sống một cách đúng nghĩa, với tư cách là con người. Nhưng cuộc đời lại tàn nhẫn đóng sập cánh cửa ngăn cách hai thế giới ngay trước mặt Chí bằng những định kiến tàn nhẫn thể hiện qua lời bà cô. Chí Phèo đã chọn cho mình một lối thoát tuy đau đớn nhưng không thể khác là tự kết liễu cuộc đời mình cùng kẻ thù là Bá Kiến. Chí Phèo đã nhận ra rằng không thể sống như một sự "tồn tại sinh học " như trước nữa. Hắn đã chấp nhận kết liễu cuộc đời để được chết cho ra một con người.
Văn học quả thật có sức cảm hóa, giáo dục lớn lao và mạnh mẽ đối với tâm hồn người. Bài học văn chương không hề giáo điều, khiên cưỡng nhưng lại dễ dàng khiến con người mở lòng tiếp nhận. Văn học là thứ có thể giữ cho con người mãi mãi là con người, không sa xuống thành động vật nhưng cũng không trở thành những ông thánh, ông thần. Văn học luôn giữ cho con người một trái tim tràn đầy yêu thương, một tâm hồn tràn đầy cảm xúc, luôn hướng con người đến một cuộc sống đích thực với tư thế kiêu hãnh "như loài chim tung cánh lên bầu trời cao ", là một con người chân chính "chỉ có thể bị tiêu diệt chứ không thể bị khuất phục "./.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

#thơ-ca