Vội Vàng (10 câu cuối) - Xuân Diệu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

I. MỞ BÀI:
Xuân Diệu là nhà thơ của tình yêu và tuổi trẻ, là "ông hoàng của thi ca tình yêu".
Trước cách mạng, Xuân Diệu nổi tiếng với hai tập thơ "Thơ thơ" và "Gửi hương cho gió". Chính hai tập thơ ấy đã đưa tên tuổi của Xuân Diệu trở thành "Nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới".
Bài thơ "Vội vàng" nằm trong tập "Thơ thơ" là bài thơ rất tiêu biểu cho phong cách thơ của Xuân Diệu. Tác phẩm để lại dấu ấn về nội dung và nghệ thuật đặc sắc mà tiêu biểu là đoạn thơ sau đây:
"Ta muốn ôm ................ - Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!"

II. THÂN BÀI:

1. Khái quát:
Bài thơ "Vội vàng" nằm trong tập "Thơ thơ", xuất bản năm 1938, là bài thơ tiêu biểu của tập thơ nói riêng, của hồn thơ Xuân Diệu nói chung.
Cả bài thơ thể hiện một nhân sinh quan mang ý nghĩa nhân bản sâu sắc.
Thiên đường là ở ngay trên mặt đất chúng ta với biết bao điều hấp dẫn và quyến rũ.
Vì vậy, hãy yêu mến, hãy gắn bó và sống hết mình với cuộc sống thực tại đầy vui tươi này. Nó bộc lộ niềm ham sống, khát sống, tận hưởng đến vô biên và tuyệt đích của thi nhân. Nó làm ta nhớ tới câu thơ trong bài thơ "Hư vô" của nhà thơ: "Tôi kẻ đưa răng bấu mặt trời, Kẻ đựng trái tim trìu máu đất, Hai tay chín móng bám vào đời." Ở phần trên của bài thơ, thi sĩ luận giải cho người đọc thấy được tạo hóa có sinh ra con người để mãi mãi hưởng lạc thú ở chốn trần gian này đâu. Đời người ngắn ngủi, tuổi xuân có hạn và thời gian trôi đi vĩnh viễn không trở lại. Vì vậy thi nhân "giục giã" chúng ta phải "nhanh lên", "vội vàng lên" để tận hưởng bữa tiệc của trần gian khi mà "mùa chưa ngả chiều hôm", khi mà xuân đang non, xuân chưa già: "Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm" Và bởi: "Em, em ơi! Tình non sắp già rồi..." Có lẽ chính vì vậy mà thi nhân đã khép lại bài thơ bằng một đoạn thơ mang sắc màu ái ân mãnh liệt. Ở đó, ta thấy được sự vồ vập, đắm say rất đỗi Xuân Diệu.

2. Nội dung phân tích:

a. Đoạn thơ mở đầu bằng ba chữ "Ta muốn ôm" như phơi bày ra hết sự ham hố và cuồng nhiệt của Xuân Diệu với cuộc sống trần thế: Trước đó nhà thơ xưng "tôi" với ước muốn táo bạo "tắt nắng, buộc gió" nhưng ở đoạn thơ cuối này cái tôi ấy đã hòa thành cái ta chung để tận hưởng hết những hương sắc của cuộc đời. Ngay liền đó là câu thơ thể hiện cái tươi non của "Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn". "Mơn mởn" là từ láy rất gợi cảm và giàu ý nghĩa diễn tả. Nó gợi cảm sự vật, cây cối đang ở độ non mướt, tươi tốt đầy sức sống "Tháng giêng ngon như một cặp môi gần", khiến cho thi nhân tràn lên bao khao khát: "Ta ôm bó, cánh tay ta làm rắn, Làm giây da quấn quít cả mình xuân; Không muốn đi, mãi mãi ở vườn trần, Chân hóa rễ để hút mùa dưới đất." (Thanh niên)

b. Và đằng sau khao khát "ôm cả sự sống mơn mởn" ấy là những câu thơ mạnh bạo, gấp gáp, giục giã tràn đầy nỗi yêu: "Ta muốn riết mây đưa và gió lượn, Ta muốn say cánh bướm với tình yêu, Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều Và non nước, và cây, và cỏ rạng, Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng, Cho no nê thanh sắc của thời tươi;" Một đoạn thơ ngắn mà có tới bốn, năm từ "ta muốn" được lặp đi, lặp lại như nhịp điệu hối hả, như hơi thở gấp gáp của thi nhân. Chứng tỏ Xuân Diệu nồng nhiệt đối rối rít, cuống quýt, như muốn cùng lúc giang tay ôm hết cả vũ trụ, cả cuộc đời, mùa xuân vào lòng mình. Sống như thế với Xuân Diệu mới thực là sống, mới đi đến tận cùng của niềm hạnh phúc được sống. Điệp ngữ "Ta muốn" như ý nghĩa của nó đã nói lên được cái ham muốn khát thèm đến hăm hở, cuồng nhiệt của nhà thơ. Thi nhân như muốn ôm hết vào lòng mình "mây đưa và gió lượn", muốn đắm say với "cánh bướm tình yêu", muốn gom hết vào lồng ngực trẻ trung ấy "một cái hôn nhiều". Muốn thu hết vào hồn nhựa sống dạt dào "Và non nước, và cây, và cỏ rạng". Để rồi, chàng như con ong bay đi hút nhụy đời cho đến say "chếnh choáng" hút cho đã cho đầy ánh sáng, "Cho no nê thanh sắc của thời tươi" mới lảo đảo bay đi. Câu thơ: "Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng, Cho no nê thanh sắc của thời tươi;" Điệp từ "cho" với nhịp độ tăng tiến nhấn mạnh các cấp độ khát vọng hưởng thụ đạt đến độ thỏa thuê, sung mãn, trọn vẹn. Xuân Diệu muốn tận hưởng cuộc sống cho đến "no nê", "chếnh choáng", "đã đầy". Trong niềm cảm hứng ở độ cao nhất, Xuân Diệu nhận ra cuộc đời, mùa xuân như một cái gì quý nhất, trọn vẹn như một trái đời đỏ hồng, chín mọng, thơm ngát, ngọt ngào, xuân hồng, để cho nhà thơ tận hưởng trong niềm khao khát cao độ. Thơ Xuân Diệu có đặc trưng là sự vồ vập, cuồng nhiệt, mạnh bạo. Mỗi một lần khao khát "Ta muốn" thì lại đi liền với một động từ chỉ trạng thái yêu đương mỗi lúc một mạnh mẽ, nồng nàn hơn "ôm – sự sống" – "riết – mây đưa, gió lượn" – "say – cánh bướm, tình yêu" – "thâu – cái hôn nhiều", để cuối cùng là một tiếng kêu của sự cuồng nhiệt, đắm say thể hiện niềm yêu đời, khát sống chưa từng có trong thơ ca Việt Nam: "Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!". Đây chính là đỉnh điểm của sự khao khát cháy bỏng của nhà thơ. Dưới ngòi bút của Xuân Diệu và trong ánh mắt "xanh non", "biếc rờn" của thi sĩ, mùa xuân hiện lên rõ rệt và sống động như có hình có dáng, có hồn có sắc "Xuân hồng". Mùa xuân như môi, như má của một người thiếu nữ trẻ trung, tràn trề nhựa sống và đẹp xinh, trinh nguyên đang rạo rực yêu đương, hay như một quả chín ngọt thơm trong vườn "Tháng giêng ngon như một cặp môi gần". Đứng trước cái hấp dẫn của mùa xuân, cuộc sống, thi sĩ hình như không nén nỗi lòng yêu đã đi đến một cử chỉ cũng thật đáng yêu: "Ta muốn cắn vào ngươi!" Có lẽ trong các bài thơ của Xuân Diệu trước Cách mạng thì đây là những vần thơ Xuân Diệu nhất. Vì mỗi câu, mỗi chữ đều mang hơi thở nồng nàn, đắm say, ham sống của "một nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới".

3. Đánh giá chung về nội dung và nghệ thuật: Về nội dung, đoạn thơ nói riêng và bài thơ nói chung đã thể hiện cái tôi cá nhân đầy say mê, rạo rực. Xuân Diệu đã bộc lộ một cái tôi tràn đầy sự thèm khát được sống, được tận hưởng một cách cuồng nhiệt những thanh sắc của cuộc đời. Thi sĩ như muốn giang rộng cả đôi tay, cả lồng ngực của mình để đón nhận mùa xuân của tình yêu, của tuổi trẻ. Nỗi khát thèm ấy là xuất phát từ một quan niệm nhân sinh tiến bộ, tích cực của Xuân Diệu trước cuộc đời: "Mau với chứ, vội vàng lên với chứ - Em, em ơi, tình non đã già rồi" (Giục giã) Về nghệ thuật, thành công của đoạn thơ chính là nhờ vào một số yếu tố nghệ thuật: điệp ngữ "Ta muốn" được lặp đi lặp lại nhiều lần; sử dụng động từ mạnh: thâu, riết, say, hôn, cắn; giọng điệu say mê; nhịp điệu gấp gáp; chuyển đổi thể thơ linh hoạt; từ ngữ táo bạo thể hiện cái tôi tràn đầy cảm xúc của tác giả.

III. KẾT BÀI: Tóm lại, đoạn thơ ta vừa phân tích ở trên là một đoạn thơ hay nhất trong bài thơ "Vội vàng". Đoạn thơ đã giúp ta hình dung được tâm hồn Xuân Diệu, một cái tôi yêu đời, giàu xúc cảm, một nhân sinh quan tiến bộ về cuộc đời. Với những gì thể hiện ở trên, Xuân Diệu rất xứng đáng với danh hiệu: "Nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới" (Hoài Thanh).

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

#thơ-ca