HPCMTG: Cảnh Đám Tang

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Vũ Trọng Phụng là nhà văn hiện thực xuất sắc trước Cách Mạng Tháng 8. Ông nổi tiếng về việc viết tiểu thuyết, truyện ngắn và đặc biệt thành công ở thể loại phóng sự, hay còn được mệnh danh là "ông vua phóng sự đất Bắc". Các sáng tác của ông  đều toát lên niềm căm phẫn đầy mãnh liệt cái xã hội đen tối, thối nát đương thời. Đoạn trích "Hạnh Phúc Của một Tang Gia" thuộc chương 15 của tiểu thuyết Số Đỏ là phần độc đáo, giá trị nhất của tác phẩm. Số Đỏ được viết năm 1936 và đăng trên báo Hà Nội từ số 40 ngày 7/10/1936, in thành sách lần đầu năm 1938 và được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của văn học Việt Nam. Đặc biệt không thể không nhắc đến là phân cảnh đưa tang trong đoạn trích được thể hiện qua ngòi bút trào phúng của nhà văn đại tài Vũ Trọng Phụng.

Khi ngay từ nhan đề của "Hạnh Phúc Của Một Tang Gia" đã vô cùng gây chú ý cho người đọc vì sự mâu thuẩn của chúng như: " tang gia" mà lại "hạnh phúc". Nhà có người chết mà lại vui vẻ, sung sướng!? Đó là một điều hết sức oái ăm và ngược đời. Nhan đề đoạn trích còn phản ánh sự thật mỉa mai châm biếm, vừa hài hước vừa tàn nhẫn. Gia đình cụ cố Hồng chẳng những không bối rối mà còn lo lắng hết sức bận rộn khi cụ cố tổ nằm xuống. Nhưng sự lo lắng, bận rộn ấy là để tổ chức cho chu đáo, linh đình, một ngày vui, một ngày hội chứ không phải một đám ma.

Để tô đậm ý nghĩa trào phúng, Vũ Trọng Phụng đã cho ta thấy một chi tiết rất ấn tượng đó là cảnh đám tang của cụ cố Tổ. Là cái đám tang to nhất đất Hà Thành, được tổ chức linh đình, huyên náo như một cái lễ hội có kiệu bát cống, có lợn quay đi lọng, có tới 300 câu đối cùng vài trăm người đi đưa. Kèn tây, kèn ta, kèn tàu thi nhau rộn lên như đang khoe khoang sự giàu sang một cách lố bịch và hóm hỉnh. Khung cảnh đưa tang ầm ĩ, om sòm, nhốn nháo, loạn xạ được thể hiện qua câu " đi đến đâu làm chuyện huyên náo đến đấy.". Người đi đưa thì có đủ mọi loại thành phần như: già trẻ, trai gái, từ cảnh sát tới sư sãi, từ thằng lưu manh tới nhà cải cách, đốc tờ đến nhà thiết kế thời trang. Đặc biệt đáng chú ý hơn cả là đám bạn của cụ cố Hồng-những bậc trưởng lão đang biến cái đám tang thành cái hội thi huân chương và hội râu. Còn có đám giai tranh gái-bạn của cô Tuyết, bà Văn Minh, cô Hoàng Hôn...đang biến cái đám ma thành nơi hẹn hò để chim nhau, cười tình rồi bình phẩm nhau, chê bai, ghen tuông nhau bằng những lời lẽ thô tục. Những kẻ đưa tang này người nào người nấy đều mang cái dáng vẻ, cái hành vi, ngôn ngữ hài hước thể hiện đầy sự giả dối và lố bịch. Đám tang của cụ có Tổ thì cái gì cũng có nhưng điều mà chúng ta không thể thấy đó chính là tình thường cùng sự kính trọng đối với cụ cố ổ. Nhà văn miêu tả cảnh đám tang long trọng, ông đã làm nổi bật lên lòng thương tiếc không thể nhìn thấy trong cái đám tang này của cụ cố Tổ.

Ở khung cảnh đưa tang, ta có thể thấy được sự bát nháo, không phân đúng sai, phải trái, văn hóa và vô văn hóa khi dân ở hàng phố hai bên đường: " nhốn nháo cả lên khen đám ma to"-"chú ý đặc biệt vào những kiểu quần áo đưa tang của tiệm may Âu hóa". Chủ yếu để thỏa mãn sự hiếu kì của bản thân mà không cần biết có hợp hoàn cảnh hay không. Đám con cháu muốn tỏ ra chí tình chí hiếu đã tổ chức một đám ma thật to, thật nổi đình nổi đám khiến tác giả cũng phải đưa ra lời mỉa mai :" Thật là đám ma to tất có thể làm cho người chết nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng, nếu không gật gù cái đầu...!". Lối nói ngược đầy thâm thúy thể hiện thái độ khinh bỉ và mỉa mai của Vũ Trọng Phụng. Cái đám ma đồ sộ, cái dòng người đông đúc đi sau quan tài cứ di, nhìn bề ngoài là đám ma đang chuyển động đến huyệt nhưng quan sát sâu từng con người, từng cái cử chỉ lét lút, từng câu hỏi thì thầm, rỉ tai nhau, ta có thể thấy đây vốn không phải là đi đưa tang, mà là đi đưa một đám rước, rất vui vẻ, rất khoái trá và hạnh phúc.

Cảnh hạ huyệt cũng là một trong những tình huống đầy trào phúng đặc sắc, là đỉnh điểm của sự giả dối và bất lương khi mà cậu Tú Tân bắt bẻ từng người một, hoặc chống gậy, hoặc gục đầu, hoặc cong lưng, hoặc lau nước mắt như thế này, như thế nọ... để tạo dáng chụp ảnh kỉ niệm. Xuân Tóc đỏ cầm mũ nghiêm trang một cách giả vờ, cụ cố Hồng ho khạc, mếu máo và ngất đi. Đám con cháu của cụ cố Tổ đang diễn một vở hài kịch trên miệng huyệt. Vở kịch đạo lí mà cậu Tú Tân là một đạo diễn tài ba khi cùng lúc đảm nhận 3 việc là dàn cảnh, đóng kịch, giả dối. Và làm nền cho pha diễn của hai diễn viên hài hạng sang là: ông Phán mọc sừng và Xuân Tóc Đỏ- hai kẻ kiếm tiền trên xác chết, biến đám ma thành nơi buôn bán. Ông Phán còn khóc đến oặt cả người, khóc mãi không thôi với những tiếng khóc rất lạ: "Hứt! Hứt! Hứt!..." cái âm thanh được phát ra một cách khó khăn, khô khốc và giả dối. Tiếng khóc của ông Phán đã lừa được cả một kẻ lưu manh như Xuân Tóc Đỏ. Và trong lúc đau đớn nhất, ông cháu rể quý hoá đã tranh thủ tiến hành một vụ mua bán, đổi chác, dúi vào tay Xuân một tờ giấy bạc năm đồng gấp tư trả công cho việc hắn đã tố cáo tội cắm sừng của vợ ông. Đám tang diễn ra như một tấn đại hài kịch nói lên sự lố lăng, lột trần bộ mặt đạo đức giả, vô liêm sỉ và đồi bại, băng hoại về đạo đức của xã hội tư sản thượng lưu thời trước Cách mạng. Và quả thực đó là một đám tang gương mẫu cho sự háo danh, giả dối của một gia đình giàu sang mà bất hiếu, bất nghĩa.

Bút pháp trào phúng đặc sắc đã tạo dựng mâu thuẫn và nhiều tình huống hài hước, xây dựng chân dung biếm họa sắc xảo, giọng điệu châm biếm. Tô đậm mâu thuẫn giữa vẻ ngoài đau đớn, tiếc thương và thực chất bên trong lạnh lùng, tính toán của ông Phán mọc sừng. Chính ông Phán đã thuê Xuân Tóc Đỏ làm cho cụ cố tổ uất mà chết nên phải trả tiền để giữ chữ tín ngay trong đám tang.

Qua đoạn trích của Hạnh Phúc Của Một Tang Gia ta có thể thấy đây chính là một tấm màn bi hài kịch. Vạch trần sự bịp bợm, đểu cáng của xã hội tư sản thành thị trước ma lực của đồng tiền. Nói lên thái độ phê phán mạnh mẽ xã hội đương thời với bộ mặt " văn minh", " âu hóa" nhưng lại rách nát, giả dối đến cùng cực được thể hiện qua ngòi bút châm biếm trào phúng đại tài của Vũ Trọng Phụng.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net