Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

“Ai mua trăng tôi bán trăng cho Trăng nằm yên trên cảnh liễu đợi chờ Ai mua trăng tôi bán trăng cho Chẳng bán tình duyên ước hẹn thề”. Hàn Mặc Tử - một trong những hồn thơ phong phú và mãnh liệt nhất của thơ ca lãng mạn, nổi tiếng như cồn với "lời rao trăng" kì lạ cùng với những dòng thơ điên loạn. Tuy vậy, bên cạnh những dòng thơ điên loạn ấy, vẫn có những vần thơ trong trẻo đến lạ thường, điển hình chính là bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” trích trong tập “Thơ Điên”. Trong những giây phút đau đớn nhất của cuộc đời, ông đã thả mình vào trong thơ, thăng hoa nỗi đau của chính bản thân mình thành những dòng thơ ảo mộng ẩn chứa trong đó một mối tình mặn nồng trong sáng hòa quyện cùng thiên nhiên xứ Huế xinh đẹp. "Sao anh không về chơi thôn Vĩ?" Câu hỏi đầu bài thơ ngọt ngào nửa như chào mời tha thiết, nửa như nhẹ nhàng trách móc người yêu biết bao thương nhớ đợi chờ đã làm thức dậy trong hồn thơ của Hàn Mặc Tử về thôn Vĩ, về xứ Huế thơ mộng. Đại từ “anh” trong câu thơ đã tạo nên nhiều cách hiểu khác nhau, ta có thể hiểu “anh” chính là tác giả. Và phải chăng người phát ngôn câu hỏi chính là Hoàng Cúc tâm tư thầm kín? Giọng thơ dịu dàng, đằm thắm và tình tứ của những đôi lứa yêu nhau. "Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên Vườn ai mướt quá xanh như ngọc." Nhắc đến Vĩ Dạ thôn, hình ảnh đầu tiên hiện lên trong tâm trí nhà thơ chính là cảnh bình minh xứ Huế huyền ảo với những “hàng cau” đượm màu nắng - một loại cây rất thân thuộc với làng quê Việt Nam. Điệp từ “nắng” gợi cho ta cảm giác ánh nắng ấm áp mới lên buổi sớm biểu tượng cho sức sống, niềm vui như lan rộng tràn đầy đất trời, chiếu sáng lấp lánh trên những “hàng cau” còn đẫm sương đêm mà không chói chang gay gẳt. “Nắng mới lên” mở đầu cho một ngày mới trong trẻo, tinh khôi khiến khu vườn bừng như bừng sáng lên như một viên ngọc quý. Câu thứ ba cất lên như một tiếng reo đầy thích thú, biểu lộ sự ngạc nhiên đến ngỡ ngàng, ngưỡng mộ trước vẻ đẹp của vườn cây Vĩ Dạ: "Vườn ai mướt quá xanh như ngọc". "Mướt" ngoài ý nghĩa chỉ sự nhẵn bóng như mượt, còn có ý nghĩa tươi non, gợi vẻ óng ả, mỡ màng, trong trẻo. Còn ngọc là loại đá quý có sắc bóng xanh biếc rất đẹp và tinh khiết. Khu vườn được chăm sóc bởi bàn tay cần cù, khéo léo lại được tắm nắng gội mưa thường xuyên nên bóng nhẵn, tươi tốt, ánh lên như màu ngọc bích, long lanh. Đây chắc hẳn phải có sự chăm sóc của một đôi tay khéo léo, tỉ mỉ của một cô gái. Bởi người xưa cũng thường ví “ngọc” với vẻ đẹp của người con gái. Cô gái ấy phải chăng chính là người được ám chỉ trong đại từ phím chỉ "ai"? Qua đó cho chúng ta thấy thi nhân là một ngòi bút có tài quan sát rất tinh tế và trí tượng rất phong phú, khiến người đọc hết sức thích thú. “Lá trúc che ngang mặt chữ điền” Hình ảnh con người thấp thoáng ẩn hiện sau những cành lá trúc làm cho cảnh vật Vĩ Dạ vốn đã đẹp lại còn đẹp hơn nữa trong sự hài hoà giữa cảnh và người, giữa tĩnh và động. Mặt chữ điền ở đây cũng có rất nhiều cách nghĩ, nhưng theo suy nghĩ của tôi, có lẽ đây là khuôn mặt của một nam nhân thì hợp lý hơn. Cảnh vật Vĩ Dạ dường như được thi nhân miêu tả từ xa đến gần, từ thực đến ảo. Phải chăng nam nhân có khuôn mặt chữ điền phúc hậu theo quan niệm cổ chính là thi nhân? Thi nhân đã thả hồn mình về xứ Huế, không dám lại gần chỉ có thể đứng từ xa khuất sau lá trúc lén nhìn vì mặc cảm bản thân hiện tại không thể làm được gì cho người thương? Câu trả lời có lẽ chỉ có chính Hàn Mặc Tử mới hiểu được. Câu thơ tạo vẻ đẹp vừa sáng tạo vừa hư ảo như có như không khiến đọc giả tò mò không thôi.

“Gió theo lối gió, mây đường mây"

Cảnh vật lúc này không còn trong vườn nữa. Khác hẳn với khổ thơ đầu tiên mướt xanh sự sống, ở khổ thơ thứ hai lại tràn ngập tâm trạng u buồn, cô đơn đến lặng người bởi sự chia li. Giọng thơ nghe thật chua xót và đầy ám ảnh.

Thi sĩ lặng bước ra khỏi khu vườn, lòng trĩu nặng nỗi sầu, nhìn lên bầy trời nhìn gió với mây mà thở dài. Tâm trạng buồn chán của thi sĩ dường như đổ lên cả cảnh vật xung quanh. Gió với mây là hai thứ không thể tách rời. Gió thổi mây bay. Thế nhưng, lúc này đây thi sĩ lại cảm thấy mây và gió giờ đây chia hai ngả, đường ai nấy đi.

"Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay".

Dòng sông Hương hiện lên mới buồn làm sao với những bông hoa bắp màu xám tẻ nhạt. Với biện pháp nhân hóa “dòng nước buồn thiu” càng làm cho hình ảnh dòng nước trở nên ảm đạm, xa vắng. Hoa bắp khẽ lay trong làn gió đìu hiu nhẹ nhàng thổi qua. Đằng sau những cảnh vật ấy là tâm trạng của một con người mang nặng một nỗi buồn xa cách, một mối tình vô vọng, tất cả bây giờ chỉ là hư ảo trong mộng tưởng. Phải chăng mang nặng mặc cảm của một người thiết tha gắn bó với đời mà có nguy cơ phải chia lìa khỏi cõi đời và một mối tình đang ở dạng đơn phương chưa có những phút giây gặp gỡ ngọt ngào đã sớm rơi vào cảnh ngộ cay đắng, chia lìa? 

“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?”

Một không gian tràn ngập ánh trăng, một dòng sông trăng, một bến đò trăng, một con thuyền đầy trăng… Hàn mặc Tử rất mê trăng. Trăng đã đi vào thơ Tử như một nhân vật huyền thoại, một nơi chốn để tâm hồn thi nhân được phiêu diêu, thoát tục. Không ai viết nhiều và viết hay về trăng như Hàn Mặc Tử. Vì thế, khi viết về xứ Huế mộng mơ, Hàn Mặc Tử không thể không tả trăng. Trăng dưới ngòi bút tài hoa của ông bỗng trở nên huyền ảo, tràn đầy vũ trụ, tạo nên không khí nửa thực, nửa hư như trong cõi mộng. Chỉ có trong mộng thì sông mới là “sông trăng” và “thuyền” mới chở đầy trăng. Với Hàn Mặc Tử, trong cảnh ngộ lúc đó, trăng có ý nghĩa như một bám víu duy nhất, như người bạn tri âm tri kỷ giờ chỉ còn là nỗi ước ao khao khát và nỗi niềm lo âu về sự muộn màng, dang dở. Nó đã trở thành một nỗi ám ảnh da diết. Cho nên, lời thơ của ông cất lên như một câu hỏi day dứt với một chữ “kịp” đầy thấp thõm: “Có chở trăng về kịp tối nay?”. Tác giả hiểu căn bệnh của mình nên ông mặc cảm về thời gian ngắn ngủi của cuộc đời. Giờ đây đối với ông, sống là chạy đua với thời gian, ông luôn tranh thủ từng ngày, từng buổi trong cái quỹ thời gian còn quá ít ỏi của mình. Chữ “kịp” nghe thật xót xa, đau đớn, gây nên nỗi xót thương tiếc nuối cho đọc giả, đặc biệt là những giai nhân cùng gia đình ông cũng như những người yêu thơ của Hàn Mặc Tử. 

Từ thế giới của cõi mộng, sang khổ thơ tiếp theo, thi nhân đưa ta tới thế giới mang vẻ đẹp huyền ảo của xứ Huế và chất chứa tình đời, tình người thiết tha nhưng xa xăm vô vọng của nhà thơ:

“Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?"

Câu thơ có điệp từ “khách đường xa” thể hiện tâm trạng khắc khoải nhớ mong về khoảng cách xa vời của một mối tình đơn phương, vô vọng. Hình ảnh người con gái xứ Huế xuất hiện bằng từ “em” rất mơ hồ, mơ hồ tới mức thấy áo nhưng lại “nhìn không ra”. “Em” gần gũi đấy mà quá đỗi xa vời. Gần gũi vì đây là hình ảnh hoài niệm trong cõi lòng thi nhân; xa vời vì giữa hai người là khoảng cách thời gian và màn khói sương. Màu áo trắng là màu áo dài nữ sinh Huế và cũng là màu gợi về sự tinh khiết sáng trong rất phù hợp với hình ảnh cô gái trong mộng tưởng. 

Đại từ phiếm chỉ “ai” một lần nữa xuất hiện hai lần ở câu thơ cuối như đang thắc mắc, dằn vặt trong tâm hồn. Cô gái Huế dịu dàng, kín đáo, e lệ, trong trắng nhưng liệu tình yêu của “em” có đậm đà, bền chặt chăng hay cũng bảng lảng như khói sương? Đây là câu hỏi của trái tim và đó cũng là câu hỏi muôn thuở của tất cả những người đang yêu càng thiết tha, càng day dứt, dằn vặt.

Tứ thơ Đây thôn Vĩ Dạ là sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên với con người, giữa bút pháp tả thực - lãng mạn với trữ tình. Cảm xúc vận động quanh Tứ thơ ấy là nỗi lòng thương nhớ, tin yêu, bân khuâng, hy vọng nhưng cũng đầy hoài nghi, đợm buồn.

Trong tập thơ Điên, “Đây thôn vĩ Dạ” là một nốt nhạc hồn nhiên, trong trẻo lạ thường. Đó là sự hồn nhiên trong trẻo tận cõi lòng Hàn Mặc Tử vẫn thiết tha với đời. Bài thơ để lại một ấn tượng rất lớn trong tôi, càng đọc tôi càng thấy mình như chìm đắm trong từng dòng thơ lãng mạn mà tha thiết ấy. Trong tất cả những gì còn lại mà Hàn Mặc tử giành cho đời, những người yêu thơ của ông phải luôn yêu thích “Đây thôn Vĩ Dạ”. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net