Phân tích bài thơ Tràng Giang của Huy Cận

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Huy Cận là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất của phong trào "Thơ Mới". Vẻ đẹp thiên nhiên, nỗi ưu sầu nhân thế - một nét thơ tiêu biểu của Huy Cận, được thể hiện khá rõ nét qua bài thơ "Tràng Giang". Đây là một bài thơ hay, tiêu biểu và nổi tiếng nhất của Huy Cận trước Cách mạng tháng tám. Bài thơ được trích từ tập "Lửa thiêng", được sáng tác khi Huy Cận đứng ở bờ Nam bến Chèm sông Hồng, nhìn cảnh mênh mông sóng nước, lòng vời vợi buồn mang tâm sự kiếp người nhỏ bé, nổi trôi giữa dòng đời vô định.

Ngay từ đề bài, thi nhân đã khéo gợi lên vẻ đẹp cổ điển lại hiện đại cho bài thơ. "Tràng giang" là một cách nói chệch đầy sáng tạo của Huy Cận. Hai chữ "tràng giang" gợi liên tưởng về dòng Trường giang - con sông dài miên man của Trung Quốc. Câu đề từ giản dị, ngắn gọn với chỉ bảy chữ nhưng đã đầy đủ cảm xúc chủ đạo của cả bài: "Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài". Trước cảnh "trời rộng", "sông dài" bát ngát, mênh mông của thiên nhiên, lòng người bỗng dấy lên cảm giác "bâng khuâng", nhung nhớ. Từ láy "bâng khuâng" được sử dụng rất đúng chổ, nói lên được tâm trạng của thi sĩ: buồn bã, u sầu, cô đơn, lạc lõng.

"Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,

Con thuyền xuôi mái nước song song.

Thuyền về nước lại sầu trăm ngả

Củi một cành khô lạc mấy dòng".

Tràng giang hiện lên với nhiều hình ảnh đẹp trong cổ thi: dòng sông, con thuyền, gợn sóng,... Nhưng cảnh đẹp lại thấm đượm một nỗi buồn da diết. Trên bức tranh sông nước ấy đã hiện lên hình ảnh một con thuyền, một con thuyền không chèo "xuôi mái"- hình ảnh tĩnh trên một dòng sông tĩnh.  Bức tranh thiên nhiên mở ra theo cả hai chiều, "điệp điệp" gợi ra không gian theo chiều rộng, còn "song song" lại làm cho ta cảm giác về chiều dài. Sóng của dòng sông, của thiên nhiên trong phút ấy cũng hóa thành con sóng lòng của thi nhân với từng nỗi buồn trùng điệp như vô tận, da diết khôn nguôi. Xưa nay, thuyền và nước vốn đi liền nhau, thuyền trôi đi nhờ nước đẩy. Thế mà Huy Cận lại thấy thuyền và nước đang chia lìa, xa cách "thuyền về nước lại", nghe sao đầy xót xa. Chính lẽ vì thế mà gợi nên trong lòng người nỗi "sầu trăm ngả".  Nhà thơ dùng từ "trăm ngả" dường như khiến người đọc cảm nhận mối sầu ấy không có chỗ tận cùng, và nỗi buồn lại càng mênh mang hơn nữa. Có lẽ vì lòng người buồn mà tâm cảnh cũng nhuốm lên ngoại cảnh. Nhìn đâu thi nhân cũng chỉ thấy cảnh vật rời rạc chia ly, u sầu cứ thế mà hiện lên trong từng câu chữ. 

Tâm hồn của chủ thể trữ tình được bộc lộ đầy đủ nhất qua câu thơ đặc sắc:

"Củi một càng khô lạc mấy dòng".

Huy Cận đã khéo dùng phép đảo ngữ kết hợp với các từ ngữ chọn lọc, thể hiện nổi cô đơn, lạc lõng trước vũ trụ bao la. "Một" gợi lên sự ít ỏi, nhỏ bé, "cành khô" gợi sự khô héo, cạn kiệt nhựa sống, "lạc" mang nỗi sầu vô định, trôi nổi, bập bềnh trên "mấy dòng" nước thiên nhiên rộng lớn mênh mông. "Cành củi" thôi đã gợi lên sự nhỏ bé, đơn độc lại còn "củi khô" nữa thì lại càng bé nhỏ tội nghiệp hơn. Phải chăng hình ảnh cành củi khô trôi nổi phù du trên sóng nước Tràng giang chính là hình ảnh ẩn dụ để biểu tượng cho kiếp người như thi nhân đang nổi trôi, bơ vơ, vô định giữa dòng chảy của cuộc đời? Nhà thơ đã thổi vào đó một linh hồn: cành củi khô đã vượt qua biết bao dòng nước thể hiện sự trôi nổi, lạc loài của một kiếp người giữa dòng đời chồng chất nỗi buồn vô tận.

Nối tiếp cái u sầu, buồn bã của khổ đầu, khổ thơ tiếp theo như đẩy con người lên đến đỉnh điểm của nỗi sầu:

            "Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,

            Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.

            Nắng xuống, trời lên sâu chót vót.

            Sông dài, trời rộng bến cô liêu."

Trên dòng Tràng giang mênh mông, mọc lên "lơ thơ cồn nhỏ", "gió đìu hiu", cảnh hiu quạnh và cái gì cũng nhỏ bé thưa thớt. Từ láy "lơ thơ" diễn tả sự rời rạc của những cồn đất nhỏ nhoi mọc lên giữa dòng sông gợi cảm giác hoang vắng, cô tịch, tiêu điều, xơ xác. Hai chữ "đìu hiu" như càng khắc sâu thêm nỗi buồn hiu hắt làm câu thơ chùng xuống như một tiếng thở dài man mác. 

Câu thơ thứ hai đã vẳng lên âm thanh của sự sống, của con người, nhưng âm thanh ấy cũng nhỏ nhoi, yếu ớt, cô quạnh:

                             " Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều". 

Nhà thơ như đang bị vây giữa không gian ba chiều rộng lớn. Chỉ một câu thơ thôi mà lại mang nhiều sắc thái, vừa gợi "đâu đó", âm thanh xa xôi, không rõ rệt, có thể là câu hỏi "đâu" như một nỗi niềm khao khát, mong mỏi của nhà thơ về một chút âm thanh sự sống của con người. Đọc lên câu thơ chúng ta có giác rất mơ hồ, có lẻ tác giả đã cảm nhận bằng thính giác chứ không phải chính mắt nhìn thấy khiến cho thanh âm ấy như có như không, như hư như thực.

Đến câu thơ thứ ba thì không gian được mở ra theo một chiều khác, chiều cao qua hình ảnh của nắng và bầu trời :

                                "Nắng xuống, trời lên sâu chót vót

                                   Sông dài trời rộng bến cô liêu".


Hai hình ảnh nắng và trời được đặt trong những chuyển động trái chiều – "lên" và "xuống" tạo cảm giác về một sự chia rẽ. Nắng xuống và trời lên, để lại một khoảng trống "sâu chót vót". Chữ "sâu" rất ấn tượng. Nếu dùng từ "cao" thì chỉ tả được độ cao vật lý của bầu trời còn chữ "sâu" vừa tả được độ cao vừa gợi được cảm giác của con người trước chiều cao ấy. Đó chính là sự nhỏ bé của hồn người trước cái vô cùng của vũ trụ. "Sông dài, trời rộng" tạo ra một hùng cảnh kì vĩ, còn những gì thuộc về con người thì lại bé nhỏ, cô đơn biết bao: "bến cô liêu". Vì thế đọc câu thơ lên ta có cảm giác hồn mình như đang lạc lõng giữa càn khôn vũ trụ. Con người trong phút ấy trở nên nhỏ bé cô đơn hơn bao giờ hết.

                                    " Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;

                                       Mênh mông không một chuyến đò ngang.

                                       Không cầu gợi chút niềm thân mật,

                                       Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng."

Cảnh vật nơi đây dường như đông đúc hơn bởi những thân phận bèo trôi "hàng nối hàng". Hình ảnh cánh bèo trong "bèo dạt về đâu" mang thân phận của con người: lạc loài, trôi nổ, không biết đi về đâu, cũng không thể tự làm chủ cuộc đời của chính mình. Phóng tầm mắt ra sông rộng, tác giả đá trông thấy: "Mênh mông không một chuyến đò ngang", "Không cầu gợi chút niềm thân mật" để rồi thấm thía sự đơn độc. Từ "không" hai lần phủ định "không đò", "không cầu"  trong hai câu thơ như hai cái lắc đầu buồn bã. Cuộc đời quá mênh mông, không có một chút niềm thân mật để kéo mình ra khỏi nỗi cô đơn đang bao trùm, vây kín. Cầu hay chuyến đò ngang vốn dĩ là phương tiện kết nối giữa người với người. Nhưng giờ đây cầu và đò đã bị nhấn chìm trong sự mênh mông ấy khiến cho thi sĩ như đang bị cách ly, cô độc đến tận cùng. Thiên nhiên như ngủ thiếp đi trong giấc ngủ triền miên và nỗi buồn cô đơn như nhân thêm gấp bội.

                                      Lớp lớp mây cao đùn núi bạc

                                      Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.

                                      Lòng quê dợn dợn vời con nước,

                                      Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà."

  Chỉ bảy chữ thôi mà câu thơ đã mở ra trước mắt người đọc một bức tranh cổ xảo diệu: một rặng núi xa, những đám mây bạc từ mặt đất chầm chậm dâng cao. Cảnh thật hùng vĩ tráng lệ nhưng đối lập với cái hùng vĩ ấy là hình ảnh cánh chim nhỏ bé đơn côi đang "nghiêng cánh nhỏ". "Cánh chim" và "bóng chiều" vốn là những hình tượng của buổi hoàng hôn trong thơ ca cổ điển. Bóng chiều buông xuống đè nặng lên cánh chim bé nhỏ, lạc lõng giữa bầu trời rộng thênh thang. 

Chỉ bằng hai câu mà nhà thơ đem lại cho người đọc những xúc cảm thân thương, quen thuộc của quê hương để nói đến tình quê, đến nỗi nhớ quê nhà trong hai câu thơ cuối. "Lòng quê dợn dợn vời con nước", "dợn dợn" là một từ láy nguyên rất sáng tạo của Huy Cận cho thấy một nỗi niềm bâng khuâng, cô đơn của "lòng quê" đang "dợn" lên trong tâm hồn thi nhân làm cho hồn người nôn nao không yên. Nỗi niềm đó là nỗi niềm nhớ quê hương khi đang đứng giữa quê hương của chính mình nhưng quê hương đã không còn.

Câu thơ cuối cùng khép lại "Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà". Huy Cận không nhìn thấy "khói" nhưng vẫn nhớ nhà da diết. Đó chính là tâm trạng và lòng yêu quê hương sâu kín của nhà thơ. Từ đó bài thơ mở ra một tình yêu lớn lao hơn mỗi miền quê, mỗi cảnh vật. Tình  yêu đó mang nỗi buồn sông núi, nỗi buồn về đất nước. Thế mới biết tấm lòng yêu quê hương thắm thiết đến nhường nào của thi nhân.

Tràng giang mang đậm chất cổ điển và hiện đại qua việc vận dụng nhuần nhuyễn thể thơ bảy chữ với cách ngắt nhịp, gieo vần, bút pháp tả cảnh ngụ tình, gợi hơn là tả, sử dụng nhiều từ láy độc đáo, nhiều từ Hán Việt cổ kính,... Tạo được những hình ảnh song song, kết hợp với âm điệu, nhịp điệu khá uyển chuyển có sự hòa điệu giữa hồn người và cảnh vật.

"Tràng giang" là một trong những bài thơ hay nhất trong tập thơ "Lửa thiêng". Bài thơ không chỉ là một bức phong cảnh mà còn là "một bài thơ về tâm hồn". Vẻ đẹp của những dòng sông trên mọi miền đất nước hội tụ trong tâm hồn thi nhân kết hợp hài hòa với vẻ đẹp của tình yêu quê hương, tình yêu sông núi. Đọc "Tràng giang" ta thêm yêu, thêm nhớ đất trời sông núi quê hương Việt Nam.

* Lời riêng: Bài văn trên sử dụng một số tài liệu trên mạng, kết hợp nhiều văn mẫu với nhau nhưng vẫn còn thiếu rất nhiều ý, đặc biệt là phần nghệ thuật vốn là điểm yếu của mình. Vì vậy bài văn chỉ có tính chất tham khảo, nếu bạn nào muốn copy thì chú ý sửa lại theo lời văn của chính các bạn! 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net