Bài Làm

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

A: Mở Bài
Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ nữ nổi tiếng xuất hiện trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, cũng là gương mặt đáng chú ý của nền thơ Việt Nam hiện đại. Thơ Xuân Quỳnh tươi tắn, hồn hậu và nồng nhiệt. Đó là tiếng lòng của một tâm hồn gắn bó thiết tha với cuộc đời, con người, khát khao tình yêu và hạnh phúc bình dị đời thường. Vì thế thơ tình yêu là một mảng đặc sắc của Xuân Quỳnh. Sinh thời Xuân Quỳnh đã có một số bài thơ tình xuất sắc như: Thơ tình cuối mùa thu; Tự hát; Thuyền và biển... Trong đó bài thơ "Sóng" là nổi bật hơn cả. Bài thơ này là tiếng thơ bày tỏ trực tiếp những khát khao sôi nổi, mãnh liệt mà chân thành, tự nhiên của một trái tim phụ nữ trong tình yêu. Hình tượng "sóng" trong bài thơ đã thể hiện thật sinh động và hấp dẫn tâm trạng của người con gái đang yêu, bộc lộ vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu.
B: Thân Bài.

Bài thơ Sóng được sáng tác trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình), lúc đó Xuân Quỳnh mới 25 tuổi trẻ trung yêu đời. Đây là một bài thơ đặc sắc viết rất hay về tình yêu, rất tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh. Ta gặp Xuân Diệu trong thi đàn với chất men say tình yêu mãnh, liệt nồng nàn của người tự cho là "kẻ uống tình yêu đến dập môi". Ta gặp Nguyễn Bính "người nhà quê" chân thật, da diết..... và thật bất ngờ khi ta gặp nữ sĩ với tâm hồn dạt dào và say đắm trong tình yêu. Bài thơ được in trong tập thơ "Hoa dọc chiến hào".

Hình tượng trung tâm của bài thơ là "Sóng". Xuân Quỳnh đã nối tiếp truyền thống trong thơ ca là lấy sóng để hình dung tình yêu. Đem sóng nước so sánh với sóng tình. Dù tiếp nối truyền thống văn học như Sóng của Xuân Quỳnh vẫn có những nét độc đáo riêng. Cả bài thơ là những con sóng tâm tình của một người phụ nữ được khơi dậy khi đứng trước biển cả đối diện với những con sóng muôn trùng.

Trong bài thơ còn có một hình tượng trữ tình nữa đó là "em". "Em" cũng là "sóng" mà "sóng" cũng là "em". Sóng là một hình ảnh ẩn dụ, là sự hóa thân của cái tôi trữ tình của nhà thơ. "Sóng" và "em" vừa hòa nhập làm một, lại vừa phân đôi ra để soi chiều vào nhau. Với hình tượng "sóng", Xuân Quỳnh đã tìm được một cách thể hiện xác đáng vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu. Với cấu trúc song hành này đã tạo thành chiều sâu nhận thức và nét độc đáo riêng cho bài thơ.
Mở đầu bài thơ Xuân Quỳnh đã nêu lên đặc điểm của những con sóng.
"Dữ dộivà dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể"

Không kể ở sông hay ở biển, lúc thì sóng "dữ dội", "ồn ào" lúc lại "dịu êm", "lặng lẽ". Lúc dữ dội lúc lại dịu êm, chợt ồn ào rồi chợt lặng lẽ. Sóng luôn luôn biến đổi với những trạng thái đối nghịch. Ở dòng sông chật hẹp sóng không hiểu nổi mình nên tìm ra tận biển khơi để được hòa mình vào sức sống mạnh mẽ với trăm nghìn con sóng giữa đại dương bao la để hiểu về mình hơn. Đó cũng là hình ảnh nhân vật trữ tình-một tâm hồn đang yêu phức tạp đầy biến động khát khao được hòa vào biển lớn cuộc đời để tìm hiểu chính mình.

Tình yêu của con người muôn đời không thay đổi, cũng như những con sóng trường tồn với thời gian không ngừng nghỉ và mệt mỏi. Con sóng ngày xưa thế nào thì con sóng ngày nay vẫn thế:

" Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Buồi hồi trong ngực trẻ"

Ở trên mặt đại dương, sóng vĩnh hằng với thời gian, trong đời thường, tình yêu luôn hiện hữu "Làm sao sống được mà không yêu/ không nhớ không thương một kẻ nào". Và tình yêu trở thành khát vọng của loài người, của nhân loại, đặc biệt là trong lòng những người trẻ tuổi. Tình yêu không bó hẹp ở trong một phạm vi giới hạn nào nhưng tình yêu thường đi đôi với tuổi trẻ. Ở độ tuổi mùa xuân của cuộc đời này, tình yêu mới phát triển mạnh mẽ và đầy đủ ý nghĩa nhất. Tình yêu tràn đầy hơi thở thanh xuân làm bồi hồi biết bao trái tim tuổi trẻ. Như vậy khát vọng tình yêu gắn liền với ngực trẻ và chỉ có trái tim tuổi trẻ mới đủ chỗ cho tình yêu. Nhà thơ Xuân Diệu có lần viết :"Hãy để trẻ con nói cái ngon của kẹo/ Hãy để tuổi trẻ nói hộ tình yêu".

Trước không gian bao la của vũ trụ, biển cả làm sao không trăn trở với những câu hỏi tự ngàn xưa:

" Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?"

Điệp từ "em nghĩ" thể hiện sự thao thức, lo lắng. "Nghĩ" và hỏi để rồi cố gắng tìm lời giải đáp cho sóng, cho tình yêu. @wattpad Từ những nhận thức về sóng, cũng là tình yêu, nhà thơ đi tìm những biểu hiện của tình yêu qua hình tượng sóng. Trước hết tình yêu là cái không thể cắt nghĩa, không thể trả lời:

"Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau"

Giữa đại dương mênh mông ấy, nơi nào là nơi bắt đầu của sóng, thật khó mà trả lời cho chính xác. Song vẫn có thể nói: "Sóng bắt đầu từ gió". Thế " Gió bắt đầu từ đâu" câu trả lời thật sự không dễ dàng bởi xa hơn nữa vũ trụ có từ đâu. Soi vào "sóng", người phụ nữ nghĩ về tình yêu của mình và đi tìm lời đáp cho sự khởi nguồn tình yêu của mình "Em cũng không biết nữa /Khi nào ta yêu nhau". Đó là quy luật không thể lý giải được trong tình yêu, nhà thơ Xuân Diệu từng viết:

" Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu."

Thật ra khi yêu, người ta cứ muốn tìm hiểu, muốn giải thích: Vì sao ta yêu nhau? Yêu nhau từ khi nào, từ ngày nào? Hỏi người yêu mình cũng là tự hỏi chính mình, nhưng cũng như sóng biển và gió trời vậy thôi làm sao mà biết được. Tình yêu cũng như một số quy luật hiển nhiên có những bí ẩn mà con người không dễ tìm được câu trả lời. Đoạn thơ bộc lộ tâm hồn người phụ nữ vừa chân thật vừa dễ thương.

Sang khổ năm cũng từ hình tượng sóng Xuân Quỳnh nhận thức thêm một đặc trưng nữa của tình yêu là nỗi nhớ.

" Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức"

Tình yêu lứa đôi thường được biểu hiện bằng nhiều trạng thái tình cảm và nỗi nhớ là biểu hiện tiêu biểu nhất. Tất nhiên trong cuộc đời khi xa cách sẽ có nhiều nỗi nhớ :nhớ cha mẹ, nhớ anh chị, nhớ bạn bè... Trong thơ nỗi nhớ của tình yêu có nhiều sắc thái riêng biệt, nỗi nhớ là chứng tích cho một tình yêu đích thực. Trong văn học trung đại người xưa cũng từng có nỗi nhớ trong tình yêu :"Nhớ chàng như mảnh trăng đầy/ Đêm đêm vẫn sáng hao gầy đêm đêm". Trong thơ Xuân Quỳnh, nỗi nhớ được diễn tả thật độc đáo và sáng tạo. Dù ở không gian nào :dưới lòng sâu" âm thầm hay "trên mặt nước" dữ dội; Dù ở thời gian nào "ngày" hay "đêm", sóng vẫn "nhớ bờ", sóng vẫn "bồn chồn thao thức và không ngủ được". Tác giả đã lấy không gian và thời gian để đo nỗi nhớ của em làm cho nỗi nhớ trở lên mãnh liệt, chân thành.

Tình yêu sôi nổi nồng nhiệt của trái tim người phụ nữ cũng lại là một tình yêu chân thành, trong sáng, @[email protected] một tình yêu hết mình và đòi hỏi sự duy nhất tuyệt đối, sự gắn bó thủy chung:

"Dấu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh-một phương"

"Dẫu xuôi","dẫu ngược", "phương Bắc", "phương Nam" là những hình ảnh cụ thể nói lên độ dài xa cách và những cách trở trong tình yêu. Gian nan, thử thách là điều không thể tránh khỏi, càng xa cách, càng gian lao cực khổ, càng khẳng đinh sự bền vững chung thủy. Giông như những con sóng dù "xuôi Bắc, ngược Nam", sóng vẫn muốn trở về với bờ. Cũng như em dù đi đâu, về đâu lòng em vẫn "hướng về anh một phương", hướng về người yêu thương nhớ.

Từ quan niệm về tình yêu như thế, khổ thơ thứ bảy như một lời thề đầy xúc động nhưng mạnh mẽ, dứt khoát, nêu đc sự quyết tâm của người đang yêu:

"Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở"

Từ ngữ "ở ngoài kia" hay "muôn vời" chỉ sự xa cách giữa sóng và bờ, nhưng cả trăm nghìn con sóng con nào cũng vượt qua bao cách trở để tới bờ. Một hình ảnh tuyệt đẹp mà chỉ có tâm trạng của người phụ nữ đang yêu mãnh liệt mới phát hiện ra một cách tinh tế như vậy. Ngày xưa lứa đôi yêu nhau với sức mạnh của tình yêu, họ cũng quyết tâm vượt qua mọi thử thách: "Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo. Ngũ lục sông cũng lội. Thất bát đèo cũng qua" để được sống dưới một mái ấm đời đời bên nhau.

Sau những trăn trở, suy tư về tình yêu, về không gian Xuân Quỳnh lại suy tư về thời gian, về cuộc đời:

" Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa"

" Cuộc đời tuy dài thế" vì lúc đó những nữ sĩ mới 25 tuổi còn cả cuộc đời đang ở phía trước. Tuy vậy Xuân Quỳnh vẫn nhận thấy cái ngắn ngủi hữu hạn của đời người của thời gian. Đoạn thơ thoáng một nỗi niềm khắc khoải về sự trôi chảy của thời gian và cái ngắn ngủi của cuộc đời. Trong đoạn thơ tuy không hiện lên thành chữ, thành lời nhưng đó cũng là một thoáng lo âu rất chính đáng về tình yêu: liệu tình yêu có vượt qua những quy luật tất yếu của cuộc đời. Tình yêu đẹp là thế, thiêng liêng là thế nhưng tình yêu cũng lại là thứ ngắn ngủi, mong manh khó giữ..

Vì thế, để vượt quá giới hạn ấy con người chỉ có một cách là hoà tan tình yêu vào thiên nhiên vĩnh cửu, vào cuộc đời vĩnh hằng để ngàn năm sau những con sóng đại dương vẫn cất cao lời hát ca ngợi tình yêu bất diệt:

"Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ."

Nỗi trăn trở đã trở thành bức bách, thôi thúc: làm sao được tan ra thành trăm con sóng nhỏ trong đại dương vô tận được tồn tại mãi mãi, sống mãi giữa biển lớn tình yêu của nhân loại. Đó là khát vọng về một tình yêu cao thượng được chia sẻ, được hòa nhập tình yêu cá nhân vào tình yêu chung của cộng đồng. Một ước vọng bay bổng tuyệt vời.
C: Kết Bài
Từ hình tượng "sóng" Xuân Quỳnh đã cho ta thấy vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu. Với tình yêu chân thành, thắm thiết người phụ nữ muốn sống hết mình, sống trọn vẹn trong tình yêu đẹp.

Bài thơ "Sóng" là bài thơ tình yêu hay trong chùm thơ tình yêu đặc sắc của Xuân Quỳnh. Bài thơ thể hiện khát vọng nồng nàn, tha thiết, sâu nặng thủy chung, một tình yêu vừa mang tính dân tộc vừa mang tính nhân văn sâu sắc. Tác giả nói với người, nói với mình về tình yêu trẻ trung nồng nhiệt gắn liền với khát vọng muôn thuở của con người. Xuân Quỳnh xứng đáng là một nhà thơ nữ xuất sắc của tình yêu lứa đôi, Bà đã làm phong phú cho nền thơ nước nhà

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

#thơ-ca