Phần IX: Minh Châu quận chúa (C26-C31)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

  TRÌ THƯỢNG
(Bạch Cư Dị)
Tiểu oa sanh tiểu đỉnh,
Thâu thái bạch liên hồi.
Bất giải tàng tung tích,
Phù bình nhất đạo khai.
Dịch thơ:
Thuyền con cô bé nhẹ bơi
Hái về sen trắng xinh tươi nõn nà
Khó mà che dấu thân ngà
Giữa ao bèo nổi mở ra lối về
(Hải Đà phỏng dịch)

Chương 26. Ra đường phải xem hoàng đạo

Ngô Hà Huy đã lên chức Thái học sĩ, cùng với địa vị cao, tật càm ràm của hắn cũng tăng theo. Năm Thái Minh thứ sáu, mật thám đưa tin Tề vương nuôi tư binh vượt quá số quy định, xây dựng căn cứ bí mật trên núi cao. Hoàng đế đọc thư cười một tiếng, vo thành bóng ném. Tiểu Ninh Tử tập tễnh nhặt lên thiêu hủy. Ngô Hà Huy bắt đầu phân tích và thống kê:

-Với tốc độ phát triển hiện tại, Tề vương cần thêm một năm rưỡi mới trở thành mối họa. Dựa trên hàm số quân lương mà thần phát minh, trung bình cộng lương thực bình quân đầu người bé hơn trung bình cộng quân lương tiêu chuẩn. Đem hai vế bình phương rồi chia cho diện tích đất ở Đông Hoang thì...

-Được rồi, được rồi... ngươi nói luôn kết quả đi! – Chu Lạc Ca Dương sắp hết kiên nhẫn

-Kết quả chính là... phương trình có nghiệm âm!

-...

Tiểu Ninh Tử nhìn Thái học sĩ với ánh mắt hâm mộ. Ngài thật là quả cảm, anh dũng, gan dạ, bất khuất,... dám giỡn mặt với long nhan!!! Ngô Hà Huy thích bị ngược đãi. Sau lần bị đày ra ải đảo làm việc hai tháng hắn vẫn chưa bỏ thói dài dòng lạc đề. Hoàng thượng nói là "thị sát dân tình" nhưng cái đảo đó bé xíu, có chừng sáu hộ ngư dân không tới ba chục người. Những ngư dân này không biết chữ, sống biệt lập với đất liền. Khi bảo "triều đình Khương La", họ hỏi "Khương La phải nướng hay hầm?" Ngô Hà Huy thật là hết cách, tiền và lệnh bài không có giá trị, đành phải theo dân ra biển đánh cá để xin cái ăn... Lúc thuyền lớn tới đón hắn về, hắn gầy như que củi ôm chân Đô Thư Doanh khóc nức nở.

Ánh mắt này của hoàng đế nhìn rất quen, giống hệt cái nhìn trước khi ra lệnh "thị sát dân tình". Ngô Hà Huy toát mồ hôi, lập tức ngoan ngoãn trình bày:

-Nghiệm âm... nghiệm âm tức là lương thực trong vùng bị thiếu hụt, trồng ra không đủ nuôi binh. Tề vương nhất định sẽ nghĩ cách vơ vét lúa gạo từ nơi khác. Chúng ta dựa vào điểm này điều tra con đường vận chuyển ở các địa phương, rất có thể tìm ra bằng chứng...

Ca Dương hừ một tiếng, quen tay ném viên ngọc to bằng trái đào vào rổ lưới. Thư phòng của hắn rất giống một sân chơi, bên này đặt một giỏ phi tiêu, trên tường dán hình Tiểu Ninh Tử. Mỗi lần hắn rảnh tay phóng "viu" một cái là Ninh thái giám sẽ ôm đầu kêu oai oái. Bên kia có giá gỗ treo một rổ lưới, trong lưới lỉnh kỉnh các loại ngọc thạch. Xa xa còn có tấm thảm lớn xanh rì như cỏ. Trên thảm khoét mấy lỗ nhỏ vừa bằng quả banh, Ca Dương thích dùng chày gỗ đánh banh, quả bóng lăn nhẹ, nếu rơi trúng lỗ thì thắng. Trên trần nhà còn treo rất nhiều vòng tròn kim loại, sở thích hàng ngày của hoàng thượng là xếp chim giấy, phóng qua phóng lại. Tiểu Ninh Tử chạy tới chạy lui, tận tụy làm công việc nhặt chim, nhặt banh, nhặt phi tiêu... Bây giờ mà tổ chức cuộc thi chạy đường dài vượt chướng ngại vật thế nào Ninh thái giám cũng giành hạng nhất! Ngô Hà Huy rất không đồng tình với tác phong vừa làm vừa chơi của bệ hạ, không dưới hai trăm lần nhắc nhở. Kết quả rất nhiều chim giấy bay vào mặt hắn...

Đối với Ninh Tử, Hà Huy hay là Đô Thư Doanh, chuyện này là ngày thường ở huyện. Chỉ tội cho mấy lão triều thần có việc khẩn báo cáo, chưa đọc hết sớ đã tức sùi bọt mép. Danh tiếng của bệ hạ vì chuyện này bị ảnh hưởng ít nhiều, gã nho sĩ chán sống nào đó đã viết một bài Trường hận ca:

"Than ôi cảnh nước mất nhà tan

Chúa thượng không màng đến giang san

Ném banh bắt bóng quên nghiệp sáng

Tấu chương tin khẩn ném dưới sàn

Đắng lòng kẻ sĩ buồn lai láng

Quên nước lơ dân đáng phê phán

Mất mặt không xứng làm hảo hán

Khương La vạn dặm phải lầm than..."

Sau khi đọc bài "Trường hận ca", hoàng đế vỗ đùi cái đét:

"Hay! Thủ pháp rất tốt! Trẫm bổ sung thêm hai câu:

Văn chương con chó kẹp dưới háng

Vứt ra ngoài đường cho xe cán!"

Ngô Hà Huy nhíu mày nhắc nhở:

-Hoàng thượng, xin gìn giữ sự trong sáng của ngôn ngữ dân tộc!

Trở lại chuyện Tề vương hôm đó.

Ngô Thái học sĩ trình bày một bài luận văn dài sáu cuộn giấy, kết cấu chặt chẽ, miêu tả sống động, tự sự lôi cuốn, biểu cảm chân thật... Tới khi hoàng thượng ghi bàn thắng thứ một trăm linh ba hắn mới nói xong. Chu Lạc Ca Dương gật đầu tán thưởng:

-Bút lực ngày một tăng, thế cuối cùng bốn thầy trò có thỉnh được kinh không?

-...

Mãi đến xế chiều, Ngô Hà Huy đem theo giao phó của bệ hạ ra khỏi thư phòng. Trong này Ca Dương nói với Tiểu Ninh Tử:

-Ngày mai bảo Ti thải phường may một cái gối ôm, treo lên chỗ đó!

-Tuân lệnh...

-Tìm một bức chân dung Tề vương trong thư khố, cắt ra dán lên gối cho trẫm!

-Vâng ạ...

-Làm thêm một đôi bao tay dày!

-Đã rõ... nhưng... hoàng thượng có trò chơi mới ạ?

-Ừ, từ giờ ta không phóng tiêu nữa, chuyển quá đấm cái gối đó!

-Ôi~~~ bệ hạ anh minh, ngài là vầng thái dương chói lóa, sưởi ấm trái tim thần, soi sáng cuộc đời thần!

***

Hòa An phủ, nửa đêm canh ba.

Niệm Nhất và Tương Tư bị phạt chép Gia huấn, suốt ba ngày còn chưa chép xong. Bọn trẻ không khỏi cảm thán đầu óc tỉ mỉ của bà nội, ngay cả chuyện nhổ nước bọt cũng có luật lệ chi tiết. Chiếu theo Gia huấn này, một ngày bọn nó phạm ít nhất hai mươi lỗi... Hai đứa chép tới tối, ăn cơm rồi chép tới đi ngủ. Niệm Nhất mỏi tay mỏi chân không thèm về phòng nửa, nằm luôn với tiểu cô.

Đang say giấc nồng, ngoài cửa sổ có tiếng động lạ làm Tương Tư thức giấc.  Con bé là chúa sợ ma, lay lay Niệm Nhất gọi dậy. Niệm Nhất là chúa thích ma, nó từng mơ ước kết bạn với ma mà tới giờ chưa gặp. Hai đứa trẻ mở cửa sổ thò đầu ra ngoài. Vốn dĩ phòng sát vách có Tô mama nhưng bà ấy tuổi cao thường ngủ say, ầm ĩ một chút sẽ không thức.

Niệm Nhất mắt hau háu tìm trong bóng tối, nhìn thấy một người rón rén từ nóc nhà nhảy xuống. Ma! Cuối cùng ta đã thấy ma ca ca, ma tỷ tỷ! Niệm Nhất co chân chạy ra ngoài, Tương Tư không dám ở một mình cũng bám theo nó. Hai đứa trẻ như chơi trò mạo hiểm, mò mẫm theo dõi con ma. "Con ma" kia ngồi chồm chỗm, đào đất dưới gốc mai. Tương Tư trốn sau vách tường nhìn lén, trạng thái này là sợ mà vẫn tò mò. Niệm Nhất thì sung sướng chạy tới ôm cổ ma bằng hữu

-Ma đại ca! Huynh có nhận đồ đệ không? Ta theo huynh đi nhát người được không?

"Con ma" bị tập kích sau lưng, giật mình té chỏng vó.

-Tiểu Niệm!!! Con làm cái gì thế? Hù chết tứ thúc rồi!

-Tứ thúc!!??

Hai đứa nhỏ không ngờ mình lại gặp nhân vật bỏ nhà đi đã lâu này.

-Thúc làm gì ở đây vậy? Phòng của ông nội bên kia mà...

Tịch Tề bịt miệng thằng bé, mờ ám bảo:

-Nhỏ giọng thôi, chú trở về lấy một vật, đừng để ông nội biết, chú lấy rồi đi ngay!

Niệm Nhất chớp chớp mắt, lóe ra tia sáng giảo hoạt. Nó cười cười bảo:

-Thúc thúc... đi chơi một mình không vui đâu nha, phải dẫn Niệm Niệm theo nha...

-Thúc không đi chơi mà đi kiếm tiền! Tiểu Niệm ngoan, cùng cô cô về phòng ngủ đi...

Niệm Nhất là ai chứ? Nó vốn không phải đứa trẻ biết nghe lời!

-Thúc không dẫn con đi, bây giờ con la lên cho mọi người biết!

-Ấy ấy, tiểu tổ tông, con tha cho thúc đi mà T__T

-Không tha, không tha, thúc phải dẫn Niệm Niệm đi...

Tương Tư yên lặng đứng nhìn, tới khi phát hiện hai chú cháu này đang bàn chuyện bỏ trốn, con bé mới khóc òa:

-Đừng đi... đừng bỏ Tư nhi mà... huhuhuhuh...

Tịch Tề toát mồ hôi, trời ơi cái miệng nhỏ này mới là tai họa!!! Hắn không còn nào cách khác đành phải xuống nước, kiểu này để phụ vương biết, rất khó nói hắn còn chân mà chạy không...

-Ôi... muội muội ngoan, muội muội cưng... đừng khóc, đừng khóc mà... Tứ ca đem muội đi chơi, có được không?

-Đem cả Niệm Niệm nữa!!! Không con sẽ mách ông nội!

Trời ạ, hắn bị hai tiểu gia hỏa này nắm được cái đuôi, không thể không khuất phục

-Rồi rồi, đem hết, đem hết, đưa cả hai cùng đi!

Tịch Tề nghiến răng nghiến lợi lấy hổ phù chôn dưới gốc mai bỏ vài túi vải bên hông. Hắn nhìn hai đứa nhỏ mặt mày hớn hở cứ như sắp phát tài to, thở dài một tiếng. Thôi, phóng lao thì phải theo lao, trước tiên đem hai đứa ra khỏi phủ đã! Đêm nay về nhà không có xem hoàng đạo, ai mà biết gặp phải đại hạn? Thật ra Tịch Tề cần xem luôn tử vi cả năm, bởi vì cái hạn này rất rất dài, tất cả tai họa còn nằm phía sau...

Chương 27. Vi hành

Đô Thư Doanh ngồi xuống bên giường, ánh mắt phức tạp nhìn chị gái của mình. Thư Kỳ uống thuốc rồi ngủ say, nét mặt trông hiền lành, không giống bộ dạng đanh đá thường ngày. Tới tận bây giờ, cho dù nàng ta nửa tỉnh nửa mê nhưng vẫn là Đức phi nương nương. Kẻ không rõ chuyện cho rằng bệ hạ thâm tình, một nữ nhân vô năng như vậy vẫn không ruồng bỏ. Đô Thư Doanh hiểu, nhị tỷ được đối xử không bạc, hoàn toàn là nhờ ông nội đang trấn giữ biên cương. Nhưng mà tháng ngày tốt đẹp của chị ấy sẽ không còn dài. Tin tức về Đô Dư Mân đã tới tai bệ hạ, ông bị chứng tê chân nhiều năm, giờ đại phu chẩn đoán chân trái đã liệt, có khả năng phải cưa bỏ. Vào tuổi tác của ông, bệnh đến như núi đổ, chẳng mấy chốc đã thành con chiến mã già, không chịu nổi cát bụi sa trường nữa.

Đô tướng quân yêu nhất là đứa cháu gái đích nữ này, bệ hạ chỉ dựa vào đó mà dễ dàng lấy được lòng trung thành của ông. Trận chiến với Đại Thế năm đó đã đem tới cơ hội ngàn vàng cho Thư Doanh. Hoàng thượng triệu hắn và Thư Kỳ vào cung, gọi hoa mỹ là trọng dụng cùng sủng ái, nói trắng ra là bắt giữ con tin. Đô Thư Doanh khởi đầu với chức học sĩ nho nhỏ, cẩn trọng sinh tồn ở chốn quan trường. Hắn mất ba năm mới lấy được lòng tin từ bệ hạ, lại ba năm nữa để có được chỗ đứng dưới ngọn cờ của ngài. Thư Doanh rất ghen tị với Ngô Hà Huy, tại sao hắn không quen biết hoàng thượng từ nhỏ?

Với chí tiến thủ và khao khát khẳng định bản thân, Thư Doanh sống rất gò bó và quy cũ. Ở trước mặt vua, hắn không thể nở nụ cười thoải mái giống Hà Huy được... Chu Lạc Ca Dương cà lơ phất phơ mà chuyện gì cũng nhìn thấu, Ca Dương từng nói:

-Tiểu tử này, trẫm có ăn thịt ngươi đâu mà căng thẳng như vậy? Hạ thấp kì vọng một chút để sống thêm vui vẻ!

Thư Doanh ngồi lại không lâu bèn đứng lên ra về. Tự do ra vào Kỳ Quyên Hiên là đặc ân bệ hạ ban cho, một nam nhân xuất hiện ở hậu cung không phải chuyện gì tốt đẹp, vẫn là ít đi một chút thì hơn! Thư Doanh đã nhìn thấy Thư Kỳ, xem như hoàn thành nhiệm vụ phụ thân giao cho, hắn sẽ trở về phòng viết thư báo bình an. Sống ở chốn thâm cung, "bình an" là một giấc mơ xa xỉ, nó chỉ dành cho kẻ biết khiêm nhường và an phận, còn phải thông minh một chút để tránh người ta hắt nước bẩn lên mình.

Công việc của Thư Doanh phải ở trong Hàn Lâm Viện, mỗi tháng về hai ngày. Tháng trước hắn viện cớ công sự chưa xong mà ở lại trong cung. Hắn rất phiền chán thái độ của mẫu thân, mỗi lần trở về đều bị bà ta cào cấu, ép mình phải tạo cơ hội cho Thư Kỳ cùng hoàng thượng, còn trách mình ăn cháo đá bát, máu lạnh vô tình. Đàn bà đúng là thiển cận, phải xem đương kim hoàng thượng là người thế nào, dựa vào mấy lời nói tốt là có thể khiến vua yêu thích sao? Huống chi nhị tỷ không bình thường, lúc nổi điên rất đáng sợ, lúc tỉnh táo thì chua ngoa đanh đá, lấy chuyện đánh phạt hạ nhân làm niềm vui. Thư Doanh ước gì mình không có bà chị này!

Từ nhỏ tới lớn hắn bị nhị tỷ bắt nạt vô số lần, nàng ta trước mặt trưởng bối là đứa con gái ngoan, thấu tình đạt lý, thùy mị đoan trang. Trước mặt hắn thì như cô chủ nhỏ đối xử với con mèo ghẻ, vui thì cho ít cơm thiu, buồn thì đè đầu vào xô nước. Mẫu thân đối xử với hắn và chị rất khác biệt. Khi có cha hắn ở đó, bà cười bảo hắn nghịch ngợm nên quần áo thường lem luốc, bảo hắn ham chơi nên chưa học thuộc Ấu Kinh. Thư Doanh không thể nào hiểu được, cùng một mẹ sinh ra, vì sao khác biệt đến thế?

Cho tới năm hắn 15 tuổi, mama già trong phòng giặt nói cho hắn biết, mẹ ruột của hắn họ Châu tên A Kiều, là a hoàn hồi môn của phu nhân. A Kiều đi theo phu nhân đến nhà họ Đô, Thẩm Nhĩ Nguyệt hứa rằng đợi khi nàng tròn mười tám thì sẽ trả giấy bán thân, để nàng đi lấy chồng. A Kiều và Tiểu Ngu thương nhau, anh là gã sai vặt làm việc trong Thẩm gia ngày xưa. Họ hẹn ước một mối hôn sự, chỉ đợi A Kiều được tự do thì ra ngoài làm ăn buôn bán. Không ngờ Thẩm Nhĩ Nguyệt nuốt lời, thấy A Kiều xinh đẹp, tướng tá nảy nở, là loại dễ sinh, liền nảy mưu kế. Nhân lúc chưa có con trai, tiểu thiếp trong nhà ngày càng khó trị, Thẩm phu nhân bỏ thuốc lừa A Kiều ngủ với lão gia. A Kiều trở thành nha hoàn thông phòng ở chỗ phu nhân. Tiểu Ngu tưởng rằng nàng vì ham phú quý mà trèo lên giường kẻ có tiền, liền đau buồn dứt áo ra đi. A Kiều oan mà không biết kêu ai, mất đi trinh tiết mãi mãi không có ngày thoát kiếp nô lệ. Nửa năm sau nàng có thai, sinh ra Đô Thư Doanh. Thẩm Nhĩ Nguyệt lập tức cướp đứa trẻ làm con mình, từng bước bức A Kiều thành nô tỳ quét dọn, gánh nước chặt củi. Nàng ở cữ không tốt, lại dầm sương dãi nắng nên sinh bệnh, sau đó....

Thư Doanh nghe hết câu chuyện, mắt ráo hoảnh chẳng nói nên lời. Nhà hào môn sâu như bể, lòng dạ con người vì tư lợi mà bất chấp luân thường đạo lý. Giờ hắn đã hiểu vì sao mình là đích tôn mà mẫu thân lại không thương, cả ông nội cũng không quý bằng Thư Kỳ...

Ngô Hà Huy biết được chuyện này cũng im lặng thật lâu. Cảnh ngộ họ khá giống nhau nhưng hắn may mắn hơn nhiều. Ít ra mẹ hắn đã có danh phận rõ ràng, chết có bài vị và chôn cất chu đáo. Từ nhỏ hắn đi theo Tam hoàng tử, sớm có người bảo vệ và dạy dỗ tốt. Hà Huy bá vai Thư Doanh nói:

"Người anh em, cậu cừ đấy, một mình phấn đấu, đến đỉnh vinh quang!!!"

Ca Dương vừa phóng phi tiêu vừa cảm thán "Sao mình toàn thu về trẻ mồ côi cơ nhỡ thế này?"

Tiểu Ninh Tử đứng phía sau thì ôm đầu la oai oái...

Năm Thái Minh thứ sáu, biến động ở Đông Hoang ngày một lớn, thủ đoạn tinh vi, cho thấy dã tâm khổng lồ của Chu Lạc Huyên Kim. Ca Dương nhíu mày đọc tin tức mật thám báo về, đáy lòng phiền muộn. Đây là Tứ đệ của hắn, làm vương ở Đông Hoang, hàng năm tô thuế dư ăn mười đời, có một vương phủ cao cổng kín tường... tại sao lại không biết đủ?

Anh em nhà hoàng tộc như kẻ thù không đội trời chung, Ca Dương có lòng hòa giải mà người ta không chịu nhận! Hắn theo thói quen xoay xoay chiếc nhẫn đầu rồng trên ngón cái, lười biếng bảo:

-Trẫm muốn đi vi hành!

Ngô Hà Huy ngồi ở bàn nhỏ tính toán sổ sách, thuận miệng đáp:

-Đi vi hành, ngài muốn đi đâu?

-Đông Hoang!

Thái học sĩ gật gù

-Uhm, rất tốt, Đông.... CÁI GÌ?

Bàn tính rơi xuống đất, Ngô Hà Huy trợn mắt nhìn lên. Ca Dương ném viên cẩm thạch vào rổ lưới, lơ là trả lời:

-Không vào hang cọp, sao bắt được cọp con?

-Này... này... không đúng! Phải gọi là "chui đầu vào rọ"! Đông Hoang có tâm làm phản, ngài đến đó chẳng khác gì thịt dâng tận mâm!!

-Thịt của trẫm không phải dễ ăn đâu! Tiểu Ninh Tử, nói cho Thái học sĩ biết, thịt Đường Tăng có ăn được không?

Tiểu Ninh Tử suy nghĩ một lát ngây thơ hỏi:

-Ý bệ hạ là thịt Tôn Ngộ Không ạ? Không dễ ăn, tuyệt đối không dễ ăn!

-...

***

Thư Doanh biết được việc này là lúc ngồi trong xe ngựa ra khỏi thành. Hôm qua hắn nghe tin đồn hoàng thượng mắc chứng thủy đậu, bịt kín mặt mũi trốn trong tẩm phòng, không lên triều trong một tháng! Mới đầu Thư Doanh đã sinh nghi, quả nhiên bệ hạ giở trò! Người nào đó lúc này đang nửa nằm nửa ngồi trên ghế đệm xa hoa, ăn nho phun hạt vèo vèo ra cửa sổ. Tiểu Ninh Tử khép nép nhắc nhở:

-Hoàng thượng... làm thế này trông mất phong phạm lắm!

-Phong phạm cái gì? Ngươi không thấy trẫm đang trồng cây gây rừng à?

Tiểu Ninh Tử nghĩ cũng đúng, sau này hai bên đường sẽ mọc lên từng giàn nho xanh rì, xum xuê che bóng, trên thân cây treo bảng "Ngự nho" (nho của vua). Ninh thái giám luôn luôn lạc quan, hắn quên mất khí hậu vùng này cây nho không thể sống...

Thư Doanh cùng Hà Huy ngồi riêng một xe, đại trượng phu đi xe thật không thoải mái, đợi lúc rời xa kinh thành sẽ cưỡi ngựa! Thư Doanh vén rèm cửa nhìn ra cảnh sắc bên ngoài, nghi ngờ hỏi:

-Sao ta thấy đường này không đúng... chẳng phải đến Đông Hoang à?

Ngô Hà Huy giũa móng tay, thở dài đáp:

-Phải, đi Đông Hoang, nhưng mà đi đường khác qua Lỗ Châu, Kiến Châu, Mạn Châu, Bình Châu, Giang Châu...

Thư Doanh nghệt mặt ra, Đông Hoang một đường thẳng tiến chỉ mất 5 ngày, còn hoàng thượng đi lòng vòng hết nửa tháng! Giờ hắn hiểu rồi, vi hành gì chứ, bỏ nhà đi chơi thì có! Đối với tính tình tùy hứng của Ca Dương, người quen sống quy luật như Thư Doanh không hề phản cảm, hắn rất khâm phục. Bởi vì Ca Dương chẳng làm gì mà thu được rất nhiều, biết cái gì nên chú trọng, cái gì đáng bỏ qua. Thư Doanh phải học hỏi điều này.

Chiều muộn, bọn họ nghỉ chân ở Lỗ Châu. Đây là một tỉnh lỵ thuộc miền tây nam, có nền văn hóa ẩm thực đặc sắc. Việc đầu tiên cần làm là đi la cà hàng quán! Chợ Lỗ Châu có hội đêm, náo nhiệt vô cùng. Người ta bán đèn lồng, chơi tửu lệnh, bán mặt nạ, trang sức linh tinh... Phố lầu xanh rất phát triển, có mười hai kỹ viện, từng tốp mỹ nữ câu tình trong chiếc váy hoa, che dù lượn qua lượn lại, chào mời rôm rả... Phải công nhận Lỗ Châu là một nơi cởi mở, rất có trình độ ăn chơi!

Thư Doanh ở trong hoàn cảnh nào cũng không lơi là cảnh giác. Hắn bí mật quan sát xung quanh, nhíu mày nói khẽ vào tai Hà Huy

-Có vấn đề!

-Cái gì?

Tiếng pháo nổ hơi lớn, hai người ở gần không dễ nói chuyện.

-Ta nói là có bất thường! Những người ăn xin ở đây quá nhiều, họ hành động kì lạ, giống như theo dõi ai đó...

Bộ mặt phơn phởn của Ngô thái học sĩ liền biến đổi, nghiêm túc đánh giá con phố. Hai mẹ con kẻ ăn mày ngồi ở góc tường, thầm thì nói chuyện. Gã đàn ông rách rưới cầm cái bát mẻ nhìn ngó dáo dác, bắt gặp ánh mắt Ngô Hà Huy thì sợ hãi quay đầu bỏ chạy. Vài kẻ khác rỉ tai nhau, giống như truyền tin tức. Ngô Hà Huy quản lý hệ thống sòng bạc và tửu lầu trong kinh thành, không xa lạ gì với mấy chuyện này. Ở Lỗ Châu thế lực của hắn khá mỏng, cho nên có kẻ thâu tóm là chuyện dễ hiểu. Việc này cũng chẳng đáng ngại, hắn quá bận, không quan tâm tới cái tỉnh nho nhỏ này. Nhưng hiện tại hoàng thượng đang ở đâu, một chút khác thường cũng là hiểm họa.

Ngô Hà Huy phe phẩy quạt, bước nhanh hơn đuổi theo Ca Dương

-Thiếu gia, chỗ này không an toàn, chúng ta sớm về khách điếm đi!

Ca Dương say sưa ngắm lồng đèn nhưng vẫn đáp rành mạch:

-Ta thấy rồi. Không có gì, một đám người tứ cố vô thân... có lẽ họ có chuyện riêng, không liên quan chúng ta. Thôi, đi chơi đi, đừng căng thẳng!

Ca Dương cười cười, chui qua dãy lồng đèn đi sang bên kia đường. Ngô Hà Huy nghĩ cũng đúng, cho dù có chuyện thật thì bệ hạ sẽ xử lý tốt, thân thủ của ngài quỷ dị như thế, chưa kể ám vệ một tấc không rời. Đô Thư Doanh lại chẳng lạc quan như vậy, hắn theo sát Ca Dương, bộ dạng gà mái mẹ.

Ca Dương đi qua một gian hàng nữ trang, nghe thấy hai cô gái đang tranh giành đồ vật. Một thiếu nữ áo hồng yểu điệu và một cô gái áo lam đeo kiếm bên hông oai hùng.

-Vật này ta chọn trước, ngươi buông tay! – Nữ hiệp hếch cằm ra lệnh

-Vị tiểu thư này không nói lý lẽ, rõ ràng ta chọn trước mà! – Hồng y mỹ nữ nhíu mày phân trần

Người bán hàng ranh mãnh cười bảo:

-Hai đại tiểu thư, sợi dây chuyền này rất hiếm có, chi bằng hai vị cùng ra giá, ai giá tốt thì được mua!

Nữ hiệp híp mắt:

-Tên gian thương này, thấy bọn ta thích mà hét giá hả? Đã nói 400 đồng, không được hơn!

Tiểu mỹ nữ móc bạc ra đưa, cười với chủ quầy:

-Ta trả 500, ông bán không?

-Bán! Bán!

Nữ hiệp áo lam trợn mắt, giơ chân đá vào sạp hàng:

-Ngươi thật quá đáng, buôn bán gì mà không biết trước sau, ta sẽ kiện lên quan phủ!

Tiểu mỹ nhân đắc ý:

-Vị tiểu thư này... không có tiền thì đừng

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net