SỰ DU NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN NHO GIÁO Ở VIỆT NAM

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1.1. Nguyên nhân sự du nhập Nho giáo ở Việt Nam

 Nguyên nhân của sự du nhập Nho giáo vào Việt Nam trước hết xuất phát từ bản thân của Nho giáo. Với tư cách là một tư tưởng chính trị xã hội nó có quá trình phát triển sớm và đã có một chỗ đứng vững chắc trong xã hội Trung Quốc  từ thời cổ đại. Chính sự phát triển mạnh mẽ đó mà nhu cầu mở rộng truyền bá học thuyết của nó là điều tất yếu. Hơn nữa Nho giáo còn được các chính quyền phong kiến Phương Bắc sử dụng như một công cụ đắc lực nhằm bảo vệ tôn ti trật tự phong kiến và quyền lợi của giai cấp thống trị trong quá trình xâm lược nước ta.

Thứ hai sự du nhập của Nho giáo vào nước ta còn là nhu cầu của xã hội Việt Nam bấy giờ:

 Nhu cầu thống nhất tư tưởng

Ở thời kì hình thành văn hóa bản địa, xã hội Việt Nam chủ yếu được xây dựng trên cơ sở các hương ước phát sinh từ các điều kiện cụ thể của đời sống nông nghiệp địa phương. Do cùng cư trú ở cùng một khu vực địa lý, có đời sống vật chất và văn hóa khá tương đồng nên các hương ước nhìn chung có những khía cạnh (nội dung) chung. Từ thế kỷ VII-III TCN, các nhà nước Văn Lang – Âu Lạc hình thành và phát triển song nhìn chung nền tảng tư tưởng xã hội thống nhất vẫn ở trạng thái cổ sơ. “Quốc pháp” thời bấy giờ vẫn lấy cơ sở từ những điểm chung ấy của hương ước, nghĩa là thời bấy giờ Việt Nam chỉ có minh triết chứ hoàn toàn chưa có hệ tư tưởng xã hội chính thống và hoàn hảo.  Năm 111 TCN, nhà Tây Hán biến Bắc Bộ Việt Nam thành quận Giao Chỉ chính thức từ đây, người Việt Nam đã bắt đầu tiếp xúc với Nho giáo. Quan lại Trung Hoa dùng Nho giáo làm hệ tư tưởng xã hội chính nhằm phục vụ mục đích cai trị và đồng hóa. Cùng du nhập vào Việt Nam thời bấy giờ còn có Phật giáo và Đạo giáo, dân gian Việt Nam lại tin hơn vào Phật và Đạo, sử dụng hai hệ tư tưởng này để chống lại Nho giáo. Dù vậy, Nho giáo đã ít nhiều được giới trí thực và quan lại người Việt tiếp nhận, nghĩa là người Việt Nam ít nhiều đã “làm quen” với hệ tư tưởng Nho giáo. Năm 938, Việt Nam tái độc lập. Các tập đoàn phong kiến Việt Nam là Lý, Trần, Lê thay nhau xây dựng văn hóa Đại Việt. Nếu như ở giai đoạn Bắc thuộc Nho giáo du nhập vào Việt Nam qua quá trình cưỡng bức thì ở giai đoạn Đại Việt sau đó, người Việt Nam lại tự nguyện du nhập Nho giáo là vì Việt Nam cần một hệ tư tưởng chính trị - xã hội thống nhất, hiệu quả. Tóm lại, nhu cầu có một hệ tư tưởng xã hội chính thống là một nhu cầu có thực ở Việt Nam. Điều này cũng đã từng xảy ra ở tuyệt đại các xã hội truyền thống ở Đông Nam Á cổ đại. Chính vì thế, việc Nho giáo du nhập vào Việt Nam phần nào đáp ứng được nhu cầu ấy.

Nhu cầu tổ chức và vận hành nhà nước

Giống như nhu cầu thống nhất tư tưởng xã hội, giới thống trị phong kiến Việt Nam đứng trước các thử thách lớn là: xây dựng Nhà nước theo mô hình nào; cơ cấu hệ thống và phương pháp vận hành ra sao?. Trong khi đó, Nho giáo ở Trung Quốc đã trải qua các cải cách của Chu Hy, Trình Hạo-Trình Di thành Tân Nho, lấy Lý làm trọng tâm, gần gũi hơn với xã hội do đã tiếp nhận một bộ phận tư tưởng tiến bộ của Phật, Đạo và minh triết dân gian. Nhờ vào Tống Nho, Trung Hoa rộng lớn đã có thể tổ chức và vận hành Nhà nước khá hiệu quả. Đây là điểm cơ bản để giới thống trị Việt Nam tự nguyện tiếp nhận Tống Nho làm công cụ thống nhất quốc gia, xây dựng và vận hành nhà nước. Đến thế kỷ XV, nhà Lê chọn Nho giáo làm quốc giáo, chính thức từ đây Nho giáo trở thành hệ tư tưởng chính thống toàn quốc, đánh dấu bước ngoặc quan trọng trong lịch sử Nho học Việt Nam. Đến các thế kỷ XVI-XVIII, Việt Nam rơi vào cục diện chia cắt Trịnh – Nguyễn, rồi Đàng Trong – Đàng ngoài, song cả hai đều chọn Nho giáo làm hệ tư tưởng chính thống mặc dù những giá trị Nho giáo đã không còn được sáng giá như trước nữa, và tại Việt Nam cũng chưa từng diễn ra cuộc cách tân Nho giáo nào. Trong khi đó, tại Trung Quốc đã trải qua nhiều cuộc cách tân ở các thời Minh, Thanh, càng làm cho Nho giáo Trung Quốc mang tính thời cuộc hơn.

Nhu cầu đào tạo nhân tài và chấn hưng giáo dục

Với tư cách là một học thuyết xã hội chuyên đào tạo người tài, Nho gia và sau là Nho giáo hướng đến một nền giáo dục chính thống với các ưu điểm nổi trội sau: (1) Phương pháp đối thoại giữa thầy và trò nhằm nâng cao khả năng sáng tạo và tư duy độc lập của trò (2) Phương pháp thực tế, nhờ vậy tránh được tình trạng học không đi đôi với hành (3) Phương pháp đề cao khả năng tự cách tân, tìm tòi tri thức và khả năng làm việc độc lập của người học. Chính ở tính năng đào tạo người quân tử, Nho giáo đáp ứng nhu cầu cung cấp nhân sĩ, thân sĩ góp phần tham gia quản lý nhà nước và chấn hưng giáo dục nước nhà.

Nhu cầu bổ sung dòng văn hóa cổ điển (văn hóa bác học)

Văn hóa Việt Nam thuộc là văn hóa dân gian và đã trải qua hàng ngàn, hàng vạn năm hình thành, phát huy, đi sâu vào cội rễ tâm thức từng người dân Việt Nam. Song xét ở khía cạnh tri thức xã hội và phát triển, chỉ văn hóa dân gian thôi là chưa đủ để một nền văn hóa đứng vững, làm nền tảng tư tưởng – văn hóa – xã hội để đất nước đi lên. Và vì thế, sự có mặt của Nho giáo ở Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu này. Nho giáo, cùng với Phật và Đạo, góp phần hình thành và phát triển dòng văn hóa cổ điển Việt Nam, mà trong đó Nho giáo đóng vai trò chủ đạo.

1.2. Sự du nhập Nho giáo vào Việt Nam

Nho giáo là những tư tưởng triết lí, luân lý đạo đức, vốn đã có cơ sở ở Trung Quốc từ thời Tây Chu, đến cuối thời Xuân Thu thế kỉ VI-V TCN thì được Khổng Tử và môn đệ của ông hệ thống hoá và tập hợp lại trong hai bộ kinh điển là Ngũ Kinh và Tứ thư. Đến thời Hán Vũ Đế đã cho độc tôn Nho giáo. Từ đó Nho giáo đã trở thành ý thức hệ chính thống chi phối văn hoá Trung Quốc và làm nền tảng cho việc xây dựng và bảo vệ chế độ phong kiến Trung Quốc suốt 2000 năm lịch sử. Cũng kể từ đó, với chính sách bành trướng của các triều đại phong kiến phương Bắc, ảnh hưởng Nho giáo lan tràn sang các nước khác trong đó có Việt Nam. Nho giáo du nhập vào xã hội nước ta từ thời Bắc thuộc, gắn liền với sự xâm lược của các thế lực phong kiến phương Bắc. Hẳn là thời Tây Hán, tư tưởng Nho giáo đã được truyền vào nước ta, nhưng đến thời Đông Hán về sau mới có tài liệu lịch sử cụ thể nói về vấn đề này. Đến những năm đầu Công nguyên, hai thái thú là Tích Quang và Nhâm Diên đã “dựng nhà học dẫn dắt bằng lễ nghĩa” (theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, tr.157) ở Giao Chỉ và Cửu Chân. Vào thời kỳ cuối thế kỷ II đầu thế kỷ III, thái thú Sĩ Nhiếp đã cho dựng trường Nho học mở tại thành Luy Lâu, đồng thời ông đã tạo điều kiện thuận lợi cho Nho giáo phát triển. Các nhà Nho nước ta sau này đã tôn Sĩ Nhiếp là Nam Giao học tổ (Vị tổ việc học ở cõi Nam). Khi Nho giáo vào nước ta thì đầu tiên là Hán Nho, và chủ yếu thông qua quan lại và Nho sĩ Trung Quốc. Như vậy, dưới góc nhìn của văn hoá tư tưởng sự du nhâp truyền bá Nho giáo vào Việt Nam là một hiện tượng tự nhiên. Bởi lẽ, Nho giáo với tư cách là một hệ tư tưởng có vị thế bình đẳng như mọi hệ tư tưởng tín ngưỡng, tôn giáo khác. Khi đã khẳng định vị thế của mình trên vũ đài chính trị cả Trung Quốc, thì Nho giáo cũng đã tuân theo quy luật vận hành tự thân của nó đó là truyền bá ra ngoài.

1.3. Các giai đoạn phát triển của Nho giáo ở Việt Nam

Thời Bắc thuộc

Đây là thời kỳ Nho giáo ở dạng Hán Nho du nhập vào nước ta. Các quan lại Trung Quốc như Tích Quang, Nhâm Duyên và Sỹ Nhiếp đã có công truyền bá Nho giáo vào Việt Nam với các hoạt động như mở trường học nhằm đào tạo cho chính quyền chính trị một lớp quan lại hạ cấp, tiến hành chính sách đồng hoá nhân dân ta theo phong tục, lễ giáo phong kiến Trung Quốc. Nho giáo với tư tưởng Tam cương,Ngũ thường, tư tưởng thiên mệnh hết sức khắc nghiệt đã được nhà Hán sử dụng như một công cụ chủ yếu để thống trị và nô dịch nhân dân ta, biến văn hoá ta phụ thuộc và là một bộ phận của văn hoá Hán. Do đó, ngay từ đầu nhân dân ta đã căm ghét xa lánh Nho giáo. Chống Nho giáo, chống Hán hoá đã trở thành một bộ phận, một  mục tiêu của sự nghiệp đấu tranh chống quân xâm lược phương Bắc của nhân dân ta dưới thời Bắc thuộc. Mặc dù là hệ tư tưởng, là công cụ thống trị nhưng Nho giáo ở thời Bắc thuộc chỉ phát triển ở một số trung tâm châu trị và quận trị, ảnh hưởng trong một bộ phận quan lại đô hộ và tầng lớp trên của xã hội. Trong thời kì này một số người Việt Nam do học tập nho giáo và tham gia bộ máy cai trị của chúng nên đã tiếp thu nhiều thi thức Nho học. Thời Bắc thuộc, Nho giáo chưa bám rễ vào đời sống của người dân Việt Nam. Hay nói cách khác ảnh hưởng của Nho giáo trong Hán hoá của dân tộc Việt là rất hạn chế. Như vậy có thể thấy, suốt giai đoạn Bắc thuộc Nho giáo tuy đã được du nhập vào nhưng chưa có chỗ đứng trong xã hội Việt Nam, nó bắt rễ chậm chạp hơn so với Phật giáo và Đạo giáo. Nho giáo chỉ được nhân dân ta tiếp nhận một cách dè dặt.

Nho giáo dưới thời Ngô-Đinh-Tiền Lê

Sự thể hiện của Nho giáo thời kì này là hết sức mờ nhạt trong xã hội cũng như trong triều đình. Bộ máy quan liêu chặt chẽ cùng với chế độ khoa cử dựa trên tầng lớp sĩ phu chưa được thiết lập. Tầng lớp trí thức của xã hội không phải là các Nho sĩ mà là các vị Cao tăng. Như vậy, Nho giáo giai đoạn này chưa có điều kiện để phát triển và chưa có một vai trò nhất định đối với tiến trình phát triển của chế độ phong kiến Việt Nam.

Nho giáo dưới thời Lý-Trần-Hồ

Thời Lý-Trần có thể coi là thời kỳ bước đầu phát triển của Nho giáo ở Việt Nam, và cho đến đây Nho giáo mới bắt đầu có ảnh hưởng lớn trong xã hội. Sự phát triển của Nho giáo thời kỳ này được biểu hiện ở các mặt sau đây:

            Chế độ giáo dục và thi cử.

Sự phát triển của Nho giáo thời Lý-Trần được thể hiện rõ nét ở mặt giáo dục và thi cử. Kể từ khi Nho giáo truyền vào nước ta, việc học tập ngày càng phổ biến trong dân gian, nhưng cho đến trước thập niên 70 của TK XI ở nước ta vẫn chưa có tổ chức thi cử. Dưới thời Lý các sự kiện: vua Lý Thánh Tông cho xây dựng Văn Miếu, làm tượng thờ Chu Công, Khổng Tử và Tứ phối, mở khoa thi đầu tiên vào năm 1075 để lựa chọn nhân tài, mở Quốc Tử Giám (1076), bắt đầu chế độ học và thi cử tuyển chọn nhân tài theo tư tưởng của Nho giáo. Đến thời Trần, cùng với việc củng cố tư tưởng Nho giáo, vương triều này đã tạo ra quy cũ cho việc học hành. Nhà Trần lập Quốc Học Viện vào năm 1252 để cho con em quý tộc, quan lại, nho sỹ vào học, và giảng dạy Tứ Thư, Ngũ Kinh. Đặt ra chức học quan để chăm lo việc học hành, thể lệ thi cử, học vị được chính quy hoá.

            Quán triệt tư tưởng triết học của Nho giáo.

Đó là các thuyết mệnh trời, thuyết “thiên nhân cảm ứng” của Nho giáo. Bản thân việc nhà Lý thay nhà Lê được tuyên truyền là làm theo mệnh trời. Thời kỳ này còn thực hiện các quan điểm đạo đức của Nho giáo, đó là đề cao chữ “trung” chữ “hiếu” và “nhân nghĩa”. Tuy nhiên dưới thời Lý-Trần là thời kỳ phát triển bước đầu của Nho giáo, vì vậy việc thực hiện đạo đức và các quy chế của Nho giáo chưa được chặt chẽ. Tóm lại, đây là thời kỳ Nho giáo mới bắt đầu có ảnh hưởng trong xã hội. Tuy nhiên, đây cũng là thời kỳ mà Phật giáo rất được tôn sùng, do đó trên thực tế trong thời gian này, Nho giáo chỉ lưu hành trong tầng lớp cầm quyền, ở triều đình và các lộ phủ, còn trong dân gian Phật giáo vẫn là phổ biến và có ảnh hưởng sâu đậm so với Nho giáo. Vào cuối thời Trần sang thời Hồ, với những việc làm của Hồ Quý Ly đã góp phần làm cho Nho giáo được định hướng cả bề sâu lẫn bề rộng. Tuy nhiên nhà Hồ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn sau đó nước ta đã bị quân Minh xâm lăng, đồng thời nhà Minh đã đưa Tống Nho vào Việt Nam.

Nho giáo thời Lê sơ.

Đến thời Lê sơ với những điều kiện thuận lợi khách quan tác động đã làm cho Nho giáo phát triển hơn so với thời Lý-Trần. Nhà Lê đã chủ động đưa Nho giáo thành quốc giáo. Nho giáo đã giành vị trí thống trị và trở thành thiết chế xã hội, hệ tư tưởng chính thống của chế độ phong kiến. Chính quyền phong kiến lấy Nho giáo làm mẫu mực cho việc trị dân, làm “khuôn vàng thước ngọc” cho việc xây dựng các thiết chế xã hội. Nho học rất được chú trọng, được tôn làm quốc học. Vào năm 1428, khi vừa lên ngôi, Lê Thái Tổ đã “hạ chiếu cho trong nước dựng nhà học, dạy dỗ nhân tài, trong kinh có Quốc Tử Giám, bên ngoài có nhà học các phủ”. Khoa cử thúc đẩy, hình thành tầng lớp Nho sĩ đông đảo. Kinh đô có Quốc Tử Giám, Thái Học Viện. Đời Lê Thánh Tông đã ấn đinh thi cử quy cũ và tổ chức 12 khoa thi hội. Từ triều Lê, người thi đậu rất vẻ vang: có lễ xứng danh lễ vinh quy, lễ khắc tên tiến sĩ vào bia đá ở bia miếu. Một số danh Nho tiêu biểu ở thời Lê như: Nguyễn Trãi, vua Lê Thánh Tông, Lê Văn Linh, Bùi Cầm Hồ, Nguyễn Trực,…

Nho giáo dưới thời Hậu Lê (1428-1788)

Đây là một thời kỳ diễn ra nhiều biến động to lớn trên tất các mặt đời sống xã hội, những bước thăng trầm của chế độ phong kiến Việt Nam và của Nho giáo với tư cách là hệ tư tưởng của chế độ phong kiến, là công cụ trị nước của các triều đại phong kiến.

Nho giáo dưới triều Nguyễn

Đầu thời Nguyễn, Nho học và Nho giáo được đề cao hơn trước. Các vua đầu triều Nguyễn đều nhận thức được vai trò quan trọng của Nho giáo trong việc củng cố chế độ phong kiến tập quyền chuyên chế, nên đã lấy Nho giáo làm quốc giáo. Nhà nước đã cố gắng hết mức tăng cường và củng cố Nho giáo như: chấn chỉnh chế độ giáo dục, tổ chức phát triển giáo dục Nho học, mở rộng các khoa thi cử nhân, hệ thống trường học được thành lập đến tận phủ huyện. Ngoài ra còn truyền bá, công bố rộng rãi, huấn dịch tập điều, nêu cao trung hiếu, lễ nghĩa theo quan niệm Nho giáo, ban bố đến tận làng xã. Đồng thời, còn hạn chế Phật giáo và Đạo giáo và độc tôn Nho giáo. Tuy dưới triều Nguyễn Nho giáo vẫn ở điạ vị độc tôn, nhưng đã bất lực, suy yếu. Hình thái Nho giáo ấy, cũng đã hoàn toàn bất lực khi thực dân Pháp đặt ách thống trị đối với nước ta.

1.4. Ảnh hưởng của Nho giáo ở Việt Nam----Về mặt tư tưởng xã hội

Trong số các đặc trưng tính cách văn hóa truyền thống ở Việt Nam thì tính dân chủ do đời sống cộng đồng đã được bổ sung thêm đặc trưng tính tôn ti do Nho giáo mang lại. Nho giáo với chủ trương Tam cương, Ngũ thường đã bổ sung vào truyền thống quân bình của văn hóa nông thôn Việt Nam vốn tồn tại và vận hành bằng các hương ước cũ kỹ với tầm bao phủ hẹp bằng tầm nhìn tư tưởng rộng lớn hơn của Nho giáo. Nếu như Phật giáo và Đạo giáo bổ sung hệ thống triết lý gắn nhiều hơn với thế giới tinh thần, thế giới tâm linh thì Nho giáo đã bổ sung tư tưởng thế trị để giữa thế cân bằng trong xã hội. Hệ quả của nó, đặc trưng thiên về âm tính của văn hóa truyền thống đã được bổ sung tố chất dương tính. Tương tự, tư duy tổng hợp của dân gian được bổ khuyết bằng kiểu tư duy phân tích khoa học do tầng lớp trí thức nho học đóng góp. Tương tự như vậy, dòng minh triết Việt được làm mới bằng các nguyên tắc rạch ròi, có hệ thống và phương pháp cụ thể của Nho giáo.Song song đó, các đặc trưng tiêu cực như thói cào bằng, thiếu tinh thần tôn trọng pháp luật trong dân gian cũng được khắc phục hoặc hạn chế do đặc trưng tôn ti của tinh thần Nho giáo (Tam cương, ngũ thường, tinh thần quân tử).

Về mặt tổ chức và vận hành Nhà nước

Thời kì chưa tiếp xúc văn hóa Hán, tổ tiên Việt Nam từng có các tổ chức nhà nước sơ khai như Văn Lang, Âu Lạc cổ. Mô hình nhà nước Văn Lang là bước phát triển tiếp theo của hình thức liên minh bộ lạc, do vậy trong tính chất nhà nước của nó ít nhiều còn lưu lại dấu vết các đặc trưng của hình thức liên minh bộ lạc cổ xưa. Nho giáo vào Việt Nam cùng với hệ thống tổ chức quản lý kiểu Trung Hoa ít nhiều đã bổ sung tính hoàn thiện của mô hình nhà nước phong kiến tiến bộ và hiệu quả. Bỏ qua thời kì Bắc thuộc, nhà nước Đại Việt từ thế kỷ X về sau đã xây dựng bộ máy nhà nước và quản lý hoàn toàn mô phỏng theo cung cách Trung Hoa, trong đó có chỉnh đổi cho phù hợp với tình hình của đất nước. Tính từ thời Lý, Trần sang thời Lê, cùng với mức độ tăng dần của tầm ảnh hưởng của Nho giáo thì bộ máy nhà nước cũng dần hoàn thiện. Thời nhà Lý chỉ có hai bộ là Hình và Lại, đến thời Trần là bốn Bộ gồm Hình, Lại, Binh, Hộ, sang thời Lê đã tăng lên sáu bộ, tức Lại, Lễ, Hộ, Binh, Công, Hình. Chức năng của từng bộ cũng hoàn thiện dần. Với cách tổ chức ấy, nước Đại Việt thời Lê thế kỉ XV-XVI được cho là một trong những nhà nước hoàn chỉnh, có hệ thống nhất ở Đông Nam Á.

Về giáo dục - đào tạo

Kể từ khi Nho giáo du nhập vào Việt Nam vào thời đầu Công nguyên thì nền học vấn theo Nho học (bằng chữ Hán) cũng bén rễ ở Việt Nam. Khởi đầu của Hán học Việt Nam là sự đóng góp của một số quan cai trị người Hán như Tích Quang, Nhâm Diên, Sỹ Nhiếp, trong đó đặc biệt là Sỹ Nhiếp. Ông lắp ghép tinh thần Hán học vào nước ta. Đến đây thì văn hóa truyền thống ở Việt Nam được bổ sung các tri thức cổ điển do Nho học mà rộng hơn là Hán học, góp phần thúc đẩy dòng văn hóa cổ điển hệ thống hóa hoàn chỉnh và phát triển. Thời kì tái độc lập thế kỉ X, Nho học tiếp tục phát triển trong văn hóa Đại Việt, đồng thời chuyển từ giai đoạn thụ động sang giai đoạn chủ động. Nền học vấn lúc bấy giờ hoàn toàn do người Việt làm chủ. Kể từ 1075, nhà nước mở khoa thi và từ thời Trần trở đi, các khoa thi trở nên đều đặn. Nho sĩ Việt Nam xưa học Tứ thư – Ngũ kinh chủ yếu vẫn là để làm quan, chỉ một vài danh nho mới thực sự chuyên tâm nghiên cứu và bổ khuyết cho học thuyết Nho gia hoặc biến tấu và vận dụng cho phù hợp với tình hình Việt Nam. Tuy vậy, trong lịch sử Nho học Việt Nam cũng có nhiều nhà nho nổi danh với các công trình và thành tựu nghiên cứu Nho học. Trong số ấy phải kê đến Lê Quý Đôn (1726-1783), Ngô Thì Nhậm (1746-1803), Nguyễn Huy Oánh (1713-1798), Nguyễn Du (1765-1820).

Về văn học – nghệ thuật Ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc – và nói chung trong một thời gian dài Nho giáo được coi là ý thức hệ chính thống. Vì vậy Nho giáo chi phối văn học nghệ thuật. Tác dụng chi phối của Nho giáo sâu sắc, nhiều mặt và qua nhiều yếu tố khác nhau. Nghệ thuật Việt Nam cả hình khối lẫn diễn xướng đều chịu chi phối mạnh mẽ. Lấy điêu khắc làm thí dụ, so với các nền văn hóa lân cận như Chăm-pa, Angkor hay Indonesia, điêu khắc Việt Nam không phát triển, kể cả về nội dung lẫn hình thức. Quanh đi quẩn lại vẫn là các mô típ tứ linh, bát vật, tùng-trúc-cúc-mai (tứ quân tử), các mô hình mang ý nghĩa may mắn đậm dấu ấn Nho giáo. Trong lĩnh vực diễn xướng cũng không mấy khả quan. “Xướng ca vô loại” là chủ trương chung của các tập đoàn phong kiến. Quan niệm CÁI ĐẸP, CÁI HAY của Nho giáo cũng chi phối ngòi bút. Văn chương phải là để giáo hóa, có quan hệ đến thế đạo, nhân tâm, có tác dụng tu dưỡng tính tình nên phải có nội dung đạo lý. Đó là kiểu sáng tác “diễn tâm thành văn”. Trong lịch sử văn học Việt Nam, văn sĩ được phân thành ba hạng, gồm (1) người hành đạo (thường ở cung đình), (2) người ẩn dật (ở ẩn nông thôn), và (3) người tài tử (nho sĩ đô thị), song chỉ có hạng nho sĩ tự do có phong cách đột phá nhưng thường không được coi trọng. Trong suốt thời kì phong kiến Việt Nam, dòng văn học cổ điển theo Nho giáo tồn tại song song với dòng văn học dân gian. Nhìn chung, Nho giáo đã kìm hãm sự phát triển của văn hóa nghệ thuật Việt Nam cổ trung đại

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

#thơ-ca