27. Không người sám hối

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
món ăn mà Diệp Văn Khiết thích... tất cả mọi thứ đều rất khéo léo, rất thành thạo, rất chu đáo. Nhưng Diệp Văn Khiết lại cảm nhận được rõ rệt khoảng cách giữa họ, bọn họ cẩn trọng né tránh những chủ đề mẫn cảm, không hề nhắc đến cha của Diệp Văn Khiết.

Sau bữa tối, Thiệu Lâm và chồng tiễn Diệp Văn Khiết và con gái đi rất xa, ông thứ trưởng bảo muốn nói với Diệp Văn Khiết mấy lời, Thiệu Lâm bèn quay về trước. Lúc này, sắc mặt ông thứ trưởng trog chớp mắt đã đổi từ nụ cười ấm áp thành lạnh như băng giá, tựa như đã hết kiên nhẫn, thẳng thừng giật phăng tấm mặt nạ đang đeo xuống, ông ta nói: "Sau này, hoan nghênh cháu dẫn con bé đến đây chơi, có điều, đừng truy cứu nợ cũ trong quá khứ. Về cái chết của cha cháu, mẹ cháu không hề có trách nhiệm gì, bà ấy cũng là người bị hại. Ngược lại, con người cha cháu ấy, sự cố chấp đối với những tín niệm của ông ấy có chút hơi biến thái, cứ đi một con đường đến tận cùng, vứt bỏ cả trách nhiệm đối với gia đình, khiến cho mẹ con cháu chịu bao nhiêu khổ sở."

"Ông không có tư cách nói về cha tôi." Diệp Văn Khiết phẫn nộ nói, "Đây là chuyện giữa hai mẹ con tôi, không liên quan đến người khác."

"Đúng là không liên quan đến bác." Chồng của Thiệu Lâm lạnh lùng gật đầu, "Bác đang truyền đạt lại ý của mẹ cháu."

Diệp Văn Khiết ngoảnh đầu nhìn, trên lầu căn nhà nhỏ có sân dành cho cán bộ cao cấp kia, Thiệu Lâm đang vén một góc rèm cửa sổ nhìn trộm về phía này. Diệp Văn Khiết lặng lẽ ôm Đông Đông bỏ đi, từ sau không bao giờ quay lại đó nữa.

Diệp Văn Khiết đã hỏi han nhiều nơi để tìm kiếm bốn Hồng vệ binh năm xưa đã đánh chết cha mình, cuối cùng tìm được ba trong bốn người bọn họ. Ba người này là thanh niên trí thức trở lại thành phố, giờ họ đều không có việc làm. Diệp Văn Khiết biết được địa chỉ của họ, liền lần lượt gửi cho mỗi người một bức thư đơn giản, hẹn họ đến sân động mà năm đó cha cô bị hại để nói chuyện.

Cô không hề có ý định trả thù. Vào buổi sớm khi Mặt trời lên ở căn cứ Hồng Ngạn đó, cô đã trả thù toàn nhân loại, bao gồm cả mấy người bọn họ, giờ cô chỉ muốn nghe lời sám hối của những hung thủ này, nhìn thấy dù chỉ là một chút sự hồi phục của tính người.

Ngày hôm đó, hết giờ học buổi chiều, Diệp Văn Khiết đợi họ trên sân vận động. Cô không ôm nhiều hy vọng lắm, gần như khẳng định rằng họ sẽ không đến, nhưng đúng giờ hẹn, cả ba Hồng vệ binh năm xưa đều xuất hiện.

Từ xa, Diệp Văn Khiết đã nhận ra ba người đó, vì họ đều mặc quân phục màu xanh lục mà hiện nay đã rất hiếm gặp. Khi lại gần, cô phát hiện đây rất có thể chính là bộ đồ họ đã mặc trong buổi đại hội phê đấu năm đó, quần áo đều đã bạc trắng vì giặt giũ, có những vết vá khá rõ. Nhưng ngoài điều đó ra, ba người phụ nữ tầm trên dưới ba mươi này đã không còn bất cứ điểm tương đồng nào với ba Hồng vệ binh hiên ngang oai hùng năm đó nữa, hiển nhiên, ngoài tuổi trẻ ra, còn có nhiều thứ khác đã bị phai nhòa khỏi họ.

Ấn tượng đầu tiên của Diệp Văn Khiết là, khác hẳn sự nhịp nhàng ăn ý năm đó, khác biệt giữa ba người họ đã lớn hơn. Một người trở nên rất gầy, bộ đồ năm xưa mặc trên người không ngờ còn hơi rộng, lưng cô ta hơi còng xuống, mái tóc ngả vàng, đã thấp thoáng vẻ già nua; một người khác lại trở nên to béo phốp pháp, bộ đồ khoác trên tấm thân to bè không cài nổi cúc, đầu tóc cô ta bù xù, mặt mày đen đúa, rõ ràng đã bị cuộc sống vất vả mài mòn hết vẻ thanh tú của phái nữ, chỉ còn lại sự thô lỗ và tê dại; người thứ ba thì vẫn còn phảng phất bóng dáng của tuổi trẻ, nhưng một ống tay áo của cô ta đã trống hoác, lúc bước đi cứ nghiêng nghiêng ngả ngả.

Ba cựu Hồng vệ binh đi tới trước mặt Diệp Văn Khiết, đứng thành hàng ngang đối diện với cô - năm xưa, họ cũng đứng đối diện với Diệp Triết Thái như vậy – cố thử tái hiện lại sự tôn nghiêm từ lâu đã bị quên lãng ấy, nhưng sức mạnh tinh thần như ma quỷ năm xưa hiển nhiên đã hoàn toàn biến mất. Vẻ mặt người phụ nữ gầy gò trông hệt như con chuột, gương mặt người cao lớn thì chỉ còn sự đờ đẫn, người cụt tay ngước đôi mắt lên nhìn bầu không.


"Cô tưởng chúng tôi không dám đến?" Người cao lớn hỏi như thể muốn khiêu khích.

"Tôi cảm thấy chúng ta nên gặp mặt nhau, chuyện trong quá khứ rốt cuộc cũng nên có một cái kết." Diệp Văn Khiết nói.

"Đã kết thúc rồi, chắc hẳn là cô đã nghe nói." Người gầy gò lên tiếng, giọng cô ta the thé, như thể lúc nào cũng có một nỗi kinh sợ không biết từ đâu.

"Tôi nói là về mặt tinh thần."

"Vậy tức là cô đang chuẩn bị nghe chúng tôi sám hối chứ gì?" Người cao lớn hỏi.

"Các người không nên sám hối hay  sao?"

"Vậy thì ai sám hối với chúng tôi chứ?" Người cụt tay từ nãy giờ im lặng nói.

Người cao lớn nói: "Trong bốn người chúng tôi, có ba người từng ký tên trên báo tường của trường trung học thuộc Đại học Thanh Hoa, từ Nối vòng tay lớn, Đại duyệt binh, cho đến Đấu tranh vũ trang, từ 'Bộ tư lệnh thứ nhất', 'Bộ tư lệnh thứ hai', 'Bộ tư lệnh thứ ba', cho đến 'Ủy ban liên hợp hành động', 'Đội Hồng vệ binh duy trì trật tự khu Tây Thủ Đô', 'Đội Hồng vệ binh duy trì trật tự khu Đông Thủ đô', rồi đến 'Công xã Bắc Đại mới', 'Đội chiến đấu Cờ Đỏ', và 'Đông phương hồng', chúng tôi đã trải qua toàn bộ quá trình từ sinh đến tử của Hồng vệ binh."

Người cụt tay tiếp lời: "Trong trăm ngày Đấu tranh vũ trang ở sân trường Thanh Hoa, bốn người chúng tôi, hai người ở binh đoàn 'Cảnh Cương Sơn', hai người ở binh đoàn '414'. Tôi giơ lựu đạn xông về phía xe tăng tự chế của 'Cảnh Cương Sơn', cánh tay này bị bánh xe tăng nghiền nát, lúc đó máu thịt và xương cốt đều hòa thành bùn lầy dưới đất... năm đó tôi mới có mười lăm tuổi thôi."

"Về sau, chúng tôi đều đi theo phong trào!" Người cao lớn giơ hai tay lên nói,

"Bốn người, hai đi Thiểm Tây, hai đi Hà Nam, toàn là những chỗ nghèo đói nhất hẻo lánh nhất. Lúc mới đi thì còn hăm hở lắm, nhưng ngày tháng lâu dần, làm xong công việc của một ngày trên đồng ruộng là mệt đến nỗi quần áo cũng chẳng giặt nổi; nằm trong căn lều cỏ dột dát, nghe tiếng sói tru phía xa xa, dần dần chúng tôi cũng từ trong mộng trở về với hiện thực. Chúng tôi ở chốn quê nghèo hẻo lánh ấy, thật sự là kêu trời không thấu, gọi đất chẳng xong."

Người đàn bà cụt tay ngẩn người ra nhìn xuống đất: "Có lúc, trên con đường nhỏ giữa núi hoang, chạm mặt những chiến hữu Hồng vệ binh ngày trước, hoặc là kẻ địch trong Đấu tranh vũ trang, chỉ thấy quần áo rách rưới như nhau, khắp người toàn bụi đất và cứt trâu như nhau, đành nhìn nhau không nói mà thôi."

"Đường Hồng Tịnh," người cao lớn nhìn chằm chằm vào Diệp Văn Khiết nói, "chính là con bé đã quất vào đầu bố cô nhát thắt lưng trí mạng đó, bị chết chìm ở sông Hoàng Hà. Nước lũ cuốn trôi mấy con dê trong đội sản xuất, bí thư chi bộ liền hét lên với đám thanh niên trí thức: các tiểu tướng cách mạng, thời điểm khảo nghiệm các cô cậu đến rồi! Thế là, Hồng Tịnh liền cùng ba thanh niên trí thức khác nhảy xuống sông đi vớt dê, lúc đi còn là lũ lớn do băng tan, trên mặt nước còn dập dềnh một lớp băng mỏng nữa! Bốn người đều chết hết, chẳng biết là chết chìm hay chết rét nữa. Lúc trông thấy xác bọn họ... tôi... tôi... mẹ nó không nói được nên lời nữa..." Cô ta bưng mặt khóc òa lên.

Người gầy gò cũng thở dài trong nước mắt: "Sau này cũng về được thành phố, nhưng trở về thì thế nào đây? Vẫn là hai bàn tay trắng, các thanh niên trí thức trở về đều chẳng sống tốt, mà những người như chúng tôi thì đến công việc tệ nhất cũng còn chẳng kiếm nổi, không có việc làm không có tiền không có tương lai, chẳng có gì nữa cả."

Diệp Văn Khiết hoàn toàn không nói được gì.

Người cụt tay lại nói: "Gần đây có một bộ phim, tên là 'Phong', không biết cô có xem chưa? Đoạn kết, một người lớn và một đứa trẻ đứng trước mộ của những Hồng vệ binh chết trong Đấu tranh vũ trang, đứa trẻ đó hỏi người lớn: họ là liệt sĩ phải không ạ? Người lớn nói không phải. Đứa trẻ lại hỏi: thế họ là kẻ thù ạ? Người lớn nói cũng không phải. Đứa trẻ lại hỏi tiếp: thế họ là gì? Người lớn trả lời: là lịch sử."

"Cô nghe thấy chưa? Là lịch sử! Đã là lịch sử rồi!" Người cao lớn hung hăng vung một bàn tay to bè lên, "Giờ đã là thời lỳ mới rồi, ai còn nhớ đến chúng tôi nữa, ai còn coi chúng tôi ra gì nữa? Mọi người sẽ nhanh chóng quên hết sạch mọi thứ thôi!"

Ba cựu Hồng vệ binh bỏ đi, để lại một mình Diệp Văn Khiết trên sân vận dộng, buổi chiều mưa lâm thâm của mười mấy năm về trước, cô cũng cô độc đứng một mình nơi đây, nhìn người cha đã chết của mình. Câu nói cuối cùng của người phụ nữ từng là Hồng vệ binh ấy cứ không ngừng dội đi dội lại trong óc cô...

Vầng tà dương rọi xuống thân hình gầy yếu của Diệp Văn Khiết, thành một chiếc bóng đổ dài trên đất. Trong tâm trí cô, một chút hy vọng đối với xã hội vừa xuất hiện đã tan biến như giọt sương bốc hơi dưới ánh Mặt trời nóng bỏng, một thoáng hoài nghi đối với hành vi phản bội loài người của mình cũng hoàn toàn biến mất không còn tăm tích, dẫn đường cho một nền văn minh bậc cao hơn trong vũ trụ đến với thế giới loài người, rốt cuộc đã trở thành lý tưởng kiên định không gì lay chuyển nổi của Diệp Văn Khiết.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

#tamthe #tâm