thơ tình

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

×Tải ứng dụng TTVGET - On the StoreView

Diễn đàn Bài gửi hôm nay Tìm kiếm

If this is your first visit, be sure to check out the FAQby clicking the link above. You may have to registerbefore you can post: click the register link above to proceed. To start viewing messages, select the forum that you want to visit from the selection below.

Diễn đàn > Cấm Thư > Bằng chứng vi phạm nội quy >

Chủ đề: 100 bài thơ tình nổi tiếng Trung Hoa

Trang 1 của 3 1 23 Cuối

Ngọc Kỳ Lân13:20 07-05-2015

Không biết làm thơ, nhưng thích làm thơ, cũng thích đọc thơ.
Lúc trước sưu tầm được "100 bài thơ tình nổi tiếng Trung Hoa" này trên mạng, nay giới thiệu cho mọi người thưởng thức.

Lời giới thiệu

Điều được coi là "xưa như trái đất" có lẽ cũng luôn luôn mới như trái đất: Tình yêu là đề tài muôn thuở của thơ ca.

Vì thành tựu thơ ca trác việt, Trung Quốc được gọi là "Thi Quốc" và thơ của Thi Quốc cũng không khước từ đề tài muôn thuở ấy.

Nói đến Trung Quốc, người ta nghĩ ngay đến đất nước của Nho gia, mà trong sách kinh điển của Nho gia hầu như không có chỗ cho hai chữ "ái tình". Đã thế, trong thời phong kiến, tư tưởng nho gia lại dung hợp với tư tưởng đạo gia (về sau một bộ phận trở thành Đạo giáo) và Phật giáo. Mà, Nho giáo "tiết dục", Đạo giáo "quá dục", Phật giáo "diệt dục" nên cả ba giáo kết hợp lại chẳng thể thành miếng đất của đề tài tình yêu. Ấy vậy mà trong thơ Trung Quốc (chủ yếu được phát triển dưới thời phong kiến) đề tài tình yêu lại rất phong phú, đa dạng, thể hiện đầy đủ mọi trạng thái, sắc độ của tình yêu, như bạn đọc sẽ thấy trong tuyển tập nhỏ này.

Nguyên nhân nào đã dẫn đến hiện tượng có vẻ như nghịch lý ấy? Điều đó ta sẽ lý giải sau khi khảo sát sự thể hiện đề tài tình yêu trong thơ Trung Hoa.
"Kinh Thi", tập thơ cổ nhất của Trung Quốc, ra đời cách đây hơn 2500 năm, được mở đầu bằng một bài tình ca - "Quan Thư". Và từ đó, đề tài tình yêu luôn là một đề tài quan trọng của thơ cũng như của kich và tiểu thuyết Trung Quốc.

Thơ tình trong "Kinh Thi" là tiếng nói hồn nhiên chân chất của con người Trung Hoa cổ đại, khi chưa có sự ràng buộc của lễ giáo phong kiến. Ta nghe ở đây nỗi rung cảm bồi hồi của buổi ban đầu; lời tỏ bày chân thành; bộc trực; nỗi nhớ nhung sầu muộn, cuộc hẹn hò và lời yêu say đắm, cho đến những lời giận hờn trách móc; nỗi tuyệt vọng và nỗi oán hận... Tất cả đều chân phác.
Thời Hán - Ngụy - Lục Triều (khoảng thế kỷ III TCN đến thế kỷ thứ VI SCN), lễ giáo phong kiến đã ràng buộc con người một cách gắt gao, ấy vậy mà người ta vẫn say mê và mạnh dạn nói rằng:

Thà chẳng biết đến thành xiêu nước đổ,
Bởi nhân gian thật khó trùng phùng.

Hoặc:

Gió xuân thật đa tình
Thổi mở cả xiêm y của ta.
Người ta sống vì tình yêu và dám chết vì tình yêu.
Dưới chân núi Hoa Sơn,
Chàng đã vì em mà chết.
Em một mình biết sống vì ai?
Chàng có thương em hãy mở nắp quan tài.

Không phải chỉ thơ ca dân gian mới mạnh dạn như thế, mà ngay cả trí thức, nho sĩ... cũng nói đến tình yêu một cách hết mình. Đào Uyên Minh được coi là nhà thơ bình đạm, thanh khiết bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc cũng:

Ước tình biến thành đôi giầy nhỏ,
Ôm ấp hoài đôi chân của giai nhân.

Các bậc vua chúa cũng "thi đua" ca ngợi giai nhân với hoa sen bằng vàng trên nền nhà để cho "mỗi bước của Phan Phi đi nở ra một đóa hoa sen". Còn hậu chủ Trần Thúc Bảo chẳng có thành tích gì của đế vương, chỉ sống trong ký ức của người Trung Quốc bằng mấy câu thơ tán dương sắc đẹp cung nữ trong bài "Ngọc thụ hậu đình hoa" một bài thơ diễm tình hoa lệ, được coi như "điềm mất nước" của ông ta.

Chẳng riêng người Trung Quốc mà cả thế giới này đều công nhận Thơ Đường là đỉnh cao của thi ca nhân loại.

Mọi mặt của đời sống đều được thơ Đường đề cập đến. Và người Trung Hoa - khắc khổ và đa tình, đạo mạo và phóng túng - đã không bỏ trống vườn tình. Công bằng mà nói, trong Thơ Đường, bên cạnh đề tài tình bạn cực kỳ phong phú (chiếm khoảng một phần tư số lượng thơ) thì đề tài tình yêu chiếm một tỷ lệ khiêm tốn. Nhưng thơ tình yêu đời Đường cũng thật là phong phú và độc đáo.

Lý Bạch, một nhà thơ hiệp khách, một "tín đồ" Đạo gia say với "rượu, trăng, tiêu, kiếm", vẫn làm cho người ta kinh ngạc bởi nỗi nhớ tình nhân xa cách:

Người đi đi mãi bao đành,
Ba năm biền biệt hương tình chưa vơi...

Những ai trở lại tìm người yêu mà chẳng gặp có thể nghe vang lên trong tâm hồn câu thơ da diết của Thôi Hộ ngàn năm xưa còn vọng lại:

Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu Đông phong.

mà Nguyễn Du đã dịch thật khéo sang thể lục bát:

Trước sau nào thấy bóng người,
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.

Còn những ai đã trót vương mang lưới tình hẳn cảm thấy mình như "con tằm" Lý Thương Ẩn:

Xuân tàm đáo tử ti phương tận
Lạp cự thành khôi lệ thủy can.

Nghĩa là:

Con tằm đến thác tơ còn vướng,
Chiếc nến chưa tàn lệ vẫn sa.

Người Trung Hoa đa tình đã tổ chức "đám cưới vũ trụ" cho chàng chăn trâu và cô thợ dệt của họ tận giải Ngân Hà, luôn cảm thấy tình yêu của mình được cả vũ trụ thông cảm:

Đa tình chỉ hữu xuân đình nguyệt
Do vị ly nhân chiếu lạc hoa.

Nghĩa là:

Chỉ trăng xuân vẫn đa tình
Vì người ly biệt rọi cành hoa rơi.

Đến đời Tống, các nhà "Đạo học" đã qui định khá rạch ròi "Văn tải đạo, thỉ ngôn chí, từ vịnh tình", thơ dời Tống trở nên đầy tính chất triết lý, "khô" và "lạnh". Đề tài tình yêu rủ nhau "di cư" sang Từ.

Nhưng thực ra "Từ" cũng là thơ và như thế lại càng thuận lợi. Vì thơ Trung Quốc, mà đỉnh cao là thơ Đường với "Luật thi" là tiêu biểu, tuy hoàn mã nhưng lại quá quy phạm và gò bó; còn "Từ" tuy không dễ làm vì muốn "điền từ" phải sành âm nhạc nhưng "Từ" lại có đến hàng trăm điệu, mà kể cả biến thể thì đến vài ngàn điệu. "Từ" chấp nhận cả vần trắc, vần bằng, vần cách, vần liền, vần điệp; câu ngắn thì một vài chữ, câu dài thì đến mươi chữ...

Thật là một miếng "đất dụng... tình" của thơ tình yêu, một đề tài vốn thích tự do, phóng túng. Lại nữa, hoàn cảnh xã hội đời Tống cũng đặc biệt. Một mặt thì Nho giáo đã trở thành "Tống Nho" (Đạo học) rất khắc nghiệt nhưng mặt khác thì các đô thị lại phát triển, tầng lớp thị dân đông đảo, tư tưởng của họ phần nào được "cởi trói".

Qua một thời Nguyên vốn là sự thống trị một dị tộc coi thường lễ giáo, "Từ" cũng được sử dụng nhiều với tư cách các ca khúc trong kịch hát đời Nguyễn, đến Tống "Từ" trở thành thể loại chiếm đỉnh cao trên văn đàn với chức năng mới là trữ tình. Thành thử đề tài tình yêu được phát triển một cách phong phú và rực rỡ trong "Từ" ("thi dư") đời Tống.

Vì người Việt Nam ít tiếp xúc với "Từ" Trung Quốc nên trong tuyển tập này chúng tôi chọn dịch một số bài "Từ" (thời Đường, Ngũ Đại và Tống) để bạn đọc làm quen với thể thơ độc đáo này của Trung Quốc.

Như vậy là ở đời Tống, đề tài tình yêu chủ yếu được thể hiện trong "Từ" nhưng không có nghĩa là thơ Tống tuyệt nhiên không nói đến tình yêu. Chẳng hạn như Lục Du, nhà thơ yêu nước vĩ đại, tác giả của ba vạn bài thơ (hiện còn gần một vạn bài), tác giả của rất nhiều bài "Từ" hào hùng, cũng làm những bài thơ tình rất cảm động. Đến hơn 70 tuổi vẫn còn "nhỏ dòng châu khóc dấu xưa" thương nhớ người vợ sớm qua đời sau sự tan vỡ của một cuộc tình thiết tha mà oan trái.

Sang đến thời Minh - Thanh, giai đọan cuối cùng của chế độ phong kiến Trung Quốc, xã hội nhiều biến động dữ dội, tiểu thuyết, trước đây vốn là một thể loại bị coi thường, đã trở thành thể loại chính trên văn đàn. Thơ nói chung không còn được hâm mộ như trước và thành tựu cũng hạn chế (mặc dù số lượng vẫn nhiều). Trong tiểu thuyết thì đề tài tình yêu vẫn chiếm địa vị khá quan trọng, có rất nhiều tiểu thuyết đề cập đến đề tài tình yêu (như "Kim Bình Mai", "Hồng Lâu Mộng" hay "Kim Vân Kiều truyện" mà Nguyễn Du đã chọn làm lam bản để viết nên truyện Kiều... chẳng hạn). Nhưng những tác phẩm ấy ở ngòai phạm vi của tuyển tập và bài giới thiệu này.

Nhà thơ lớn đồng thời là nhà lý luận văn học đời Đường Bạch Cư Dị, trong "Thư gửi Nguyên Cửu" đã nói rằng: "Thơ, tình là gốc, lời là ngọn, âm thanh là hoa, ý nghĩa là quả" (Thi giả, căn tình, miêu ngôn, hoa thanh, thực nghĩa). Người Trung Quốc quan niệm thơ là để trữ tình, dù có "tự sự" đi nữa thì tự sự cũng chỉ là phương tiện để tỏ bày tình cảm. Mà trong các thứ "tình" thì tình yêu là thứ tình cảm mãnh liệt và sâu sắc nhất.

Mặt khác, xưa nay "trái cấm" vẫn là trái ngọt. Lễ giáo phong kiến do Nho gia qui định đã ràng buộc con người quá chặt, tình yêu bị cấm đoán trong đời thì nó phải lên tiếng trong thơ.

Để thuận lợi cho việc tiếp nhận của bạn đọc, phần chú thích tương đối kỹ nhằm cung cấp tư liệu để bạn đọc tìm hiểu bài thơ. Tôn trọng quá trình thưởng thức của bạn đọc, chúng tôi không đưa lời bình luận, đánh giá của cá nhân vào (trừ một vài trường hợp cần giải thích rõ - chẳng hạn như bài "Mã Ngôi" của Viên Mai).

Ở Việt Nam ta đã từng có một số tuyển tập thơ Trung Quốc, thường là tuyển tập theo thời đại và tác giả (như "Kinh Thi", "Thơ Đường", "Thơ Tống", "Thơ Đỗ Phủ", "Thơ Lục Du"...) Đã là tuyển tập thì những tác phẩm được chọn là tiêu biểu. Vì thế có một số bài được đưa vào tuyển tập "Thơ tình Trung Hoa" này, đã từng có trong tuyển tập trước đây và tất nhiên là đã có những bản dịch của các vị tiền bối. Ở những trường hợp ấy, chúng tôi giữ lại bản dịch cũ, vì đó là những bản dịch tốt và đã quen thuộc với một số bạn đọc. Chẳng hạn như bản dịch của Tản Đà, Ngô Tất Tố, Nguyễn Hữu Bổng, Nam Trân, Khương Hữu Dụng, Tương Như... Những bài chưa được tuyển, chưa có bản dịch thì chúng tôi tự dịch (gồm 72 bài).

Mặc dù đã có nhiều cố gắng và thận trọng, chắc chắn tuyển tập này vẫn còn chỗ khiếm khuyết. Chúng tôi chân thành mong đợi sự chỉ chính của những bậc cao minh.

(Lời giới thiệu do tác giả đã sưu tầm 100 bài thơ này viết, mình thấy hay nên đưa lên luôn.)

Ngọc Kỳ Lân13:29 07-05-2015

A Kiều Oán

Vọng kiến uy nhuy cử thúy hoa,
Thí khai kim ốc tảo đình hoa.
Tu du cung nữ truyền lai tín,
Ngôn hạnh Bình Dương công chủ gia.

Dịch Nghĩa:

Nỗi Oán Hận Của Nàng A Kiều (*)

Xa trông thấy cờ thúy hoa bay phấp phới,
Thử mở cửa nhà vàng quét hoa rụng trước sân.
Chốc lát cung nữ vào báo,
Rằng (nhà vua) đi đến nhà của công chúa Bình Dương.

Dịch Thơ:

Xa trông cờ thúy đến rợp trời,
Nhà vàng thử mở, quét hoa rơi.
Chốc sau cung nữ đưa tin đến,
Ân sủng dành cho kẻ khác rồi.

Bản dịch của Nguyễn Thị Bích Hải

Chú thích:
A Kiều: Tức Trần A Kiều, con gái của cô ruột Hán Vũ đế. Khi Vũ đế còn nhỏ, một hôm người cô hỏi có thích A Kiều không, cậu bé trả lời: nếu được lấy A Kiều thì sẽ xây nhà vàng cho nàng ở. Về sau, Vũ đế lên ngôi, cưới A Kiều làm hoàng hậu và xây nhà vàng cho nàng ở như lời đã hứa. Nhưng Trần Hoàng hậu hơn 10 năm không có con. Bình Dương công chúa, chị của Vũ đế, tiến người con gái nhà họ Vệ, sinh hoàng tử. Trần Hoàng hậu bị thất sủng, rất oán hờn đem 100 cân vàng nhờ Tư Mã Tương Như làm bài "Trường Môn phú" dâng Vũ đế. Vũ đế đọc bài phú cảm động lại đưa nàng về ngôi vị Hoàng hậu.

Nguyên tác: Lưu Vũ Tích

Ngọc Kỳ Lân13:33 07-05-2015

Ẩm tửu khán mẫu đơn

Kim nhật hoa tiền ẩm
Cam tâm túy sổ bôi
Đản sầu hoa hữu ngữ :
Bất vị lão nhân khai

Dịch Nghĩa:

Hôm nay uống rượu bên hoa
Vui lòng say sưa mấy chén
Chỉ e hoa sẽ nói :
Không phải nở cho người già

Dịch Thơ:

Uống rượu ngắm hoa mẫu đơn

Hôm nay uống rượu ngắm hoa
Cạn đôi ba chén gọi là mua vui
Chỉ e hoa nói lên lời :
Em không phải nở cho người già nua

Bản dịch của Tương Như

Hôm nay uống rượu trước hoa
Đành say mấy chén gọi là mà thôi
Buồn thay hoa biết nói cười :
Có đâu muốn nở vì ai ông già !

Bản dịch của Trần Trọng San

Nguyên tác: Lưu Vũ Tích

Ngọc Kỳ Lân13:34 07-05-2015

Bài Từ Theo Điệu

Bất thị ái phong trần,
Tự bị tiền duyên ngộ.
Hoa lạc hoa khai tự hữu thì,
Tổng lại đông quân chủ.

Khứ dã chung tu khứ,
Trú dã như hà trú?
Nhược đắc sơn hoa sáp mãn đầu,
Mạc vấn nô quy xứ!

Dịch Nghĩa:

Bài Từ Theo Điệu "Bốc Toán Tử" (1)

Chẳng phải thích cuộc sống phong trần, (2)
Tựa như bị lỗi lầm tiền kiếp.
Hoa rơi, hoa nở tự có thời,
Đều do chúa xuân làm chủ. (3)

Bỏ đi, đã đành là nên bỏ đi,
Ở lại, biết ở lại như thế nào?
Giá mà được hái hoa núi cài đầy đầu, (4)
(Thì) chẳng cần phải hỏi tôi về đâu!

Dịch Thơ: (THEO NGUYÊN ĐIỆU)

Chẳng phải muốn phong trần,
Tựa bị lầm tiền kiếp.
Hoa nở hoa rơi tự có thì,
Bởi chúa xuân sắp xếp.

Bỏ, đành là nên bỏ,
Ở, biết làm sao ở?
Giá được hái hoa dắt mái đầu,
Dẫu về đâu cũng bỏ!

Bản dịch của Nguyễn Thị Bích Hải

Dịch Thơ: (THEO THỂ LỤC BÁT)

Phải đâu thích kiếp phong trần,
Tựa hồ túc trái tiền oan lỡ lầm.
Hoa rơi hoa nở âm thầm,
Toàn do một vị chúa xuân xếp bày.

Nên đi cho khỏi chốn này
Ở thì biết ở sao đây, hỡi trời?
Ước bông hoa núi hái cài,
Cần chi phải hỏi thân này về đâu?

Bản dịch của Nguyễn Thị Bích Hải

Chú thích:
(1) Bài thơ theo điệu "Bốc toán tử" này được sáng tác trong một hoàn cảnh đặc biệt.
Bấy giờ Nghiêm Nhụy đang làm doanh kỹ ở Thai Châu, viên quan tri châu ở đó là Đường Dữ Chính ra lệnh cho Nghiêm Nhụy làm một bài từ vịnh hoa bạch đào. Nghiêm Nhụy đâu dám chống lệnh. Nàng lập tức viết xong và ca một bài từ theo điệu "Như mộng lệnh". Đường Dữ Chính rất tán thưởng, ban tặng cho nàng rất nhiều. Đến đêm Thất tịch (07-07) Đường Dữ Chính mở tiệc trong phủ chiêu đãi bạn bè tân khách. Trong tiệc có một vị hào sĩ tên là Tạ Nguyên Khanh hâm mộ danh tiếng Nghiêm Nhụy lập tức làm một bài từ theo điệu "Thước kiều tiên", rất hợp với đêm hoan hội của Ngưu Lang, Chức Nữ, thể hiện rõ thông minh tài trí của nàng. Tạ Nguyên Khanh say mê nàng, liền giữ nàng ở nhà nửa năm, không tiếc tiền của tặng nàng. Nào ngờ sau đó nhà "đạo học" nổi tiếng của đời Tống là Chu Hy, làm quan khâm sai đến Thai Châu, muốn trai tìm tội lỗi của Đường Dữ Chính, chỉ trích họ Đường có quan hệ bất chính với doanh kỹ Nghiêm Nhụy và bắt Nghiêm Nhụy tống giam hai tháng. Nàng bị tra khảo chết đi sống lại nhưng không hề nói một điều gì tổn hại đến Đường Dữ Chính. Ít lâu sau, Chu Hy được đổi đi làm q uan nơi khác, Nhạc Lâm kế nhiệm. Ông này thông cảm với cảnh ngộ của Nghiêm Nhụy, nhân một buổi lễ, Nhạc Lâm ra lệnh cho Nghiêm Nhụy làm một bài Từ bày tỏ nỗi oan khuất của mình. Nghiêm Nhụy ứng khẩu ca luôn bài từ "Bốc toán tử" này. Nhạc Lâm lập tức ra lệnh cho nàng hoàn lương.
(Có thể, khi viết "Kim Vân Kiều truyện", Thanh Tâm Tài Nhân đã có căn cứ vào câu chuyện này để hư cấu nên việc xử vụ án Thúc Sinh - Thúy Kiều).
(2) Phong trần (gió bụi): Người xưa gọi cuộc sống của kỹ nữ là kiếp phong trần.
(3) Hai câu này ý nói rằng mình bị phụ thuộc vào sự an bài của người khác, không được tự chủ, đồng thời cũng hàm ý mong vị quan mới phán quyết công bằng cho nỗi oan của nàng.
(4) Câu này tỏ ý muốn được hoàn lương, làm một người phụ nữ bình thương hái hoa núi cài đầu. Ở câu cuối, "nô" là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất. Xưa ở Trung Quốc, nữ thường tự xưng là "nô", nam thường tự xưng là "bộc" với ý khiêm tốn.

Nguyên tác: Nghiêm Nhụy

Ngọc Kỳ Lân13:36 07-05-2015

Bá Hề

Bá hề khiết hề!
Bang chi kiệt hề!
Bá dĩ chấp thù,
Vị vương tiền khu.

Tự bá chi đông,
Thủ như phi bồng.
Khởi vô cao mộc,
Thùy chích vi dung.

Kỳ vũ, kỳ vũ,
Cảo cảo xuất nhật.
Nguyện ngôn tư bá,
Cam tâm thủ tật.

Yên đắc huyên thảo (1)
Ngôn thụ chi bội.
Nguyện ngôn tư bá,
Sử ngã tâm muội.

Dịch Nghĩa:

Chàng Ơi

Chàng ơi, chàng thật là tài giỏi,
Chàng là người tài năng nổi bật trong nước.
Chàng cầm cây côn,
Vì vua mà xung phong ở hàng đầu.

Từ khi chàng đi sang Đông,
Đầu tóc em rối như cỏ bồng.
Há vì em không có phấn sáp chải gội,
(Nhưng vắng chàng) em trang điểm cho ai?

Mong mỏi trời mưa,
Mà mặt trời lộ ra sáng tỏ.
Em nguyện cứ tưởng nhớ đến chàng,
Mà cam lòng cho đầu đau nhức.

Làm sao có được cỏ quên sầu,
Trồng vào mái nhà phía Bắc.
Em nguyện cứ tưởng nhớ đến chàng,
Dù (nỗi nhớ) khiến tim em phải đau đớn.

Dịch Thơ:

Chàng người uy vũ anh hùng,
Tài năng trội nhất ở trong nước này.
Cây thù cầm chắc trong tay,
Tiên phong đột trận ra tài giúp vua.

Sang Đông từ độ chàng đi,
Đầu tóc thiếp rối khác chi cỏ bồng.
Phấn son nào phải thiếp không,
Vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai?

Mỏi lòng trông giọt mưa sa,
Mặt trời đâu đã hiện ra rực hồng.
Lòng em chỉ nguyện nhớ chồng,
Đầu tuy có nhức nhưng lòng cũng cam.

Ước gì được cỏ quên lo,
Đem về chái bắc để cho em giồng.
Hãy xin để thiếp nhớ chồng,
Dẫu cho đau đớn trong lòng quản bao.

Bản dịch của Tạ Quang Phát - có thay đổi một số chữ

Chú thích:
(1) Huyên thảo: cỏ huyên. Trong dân gian có quan niệm rằng trồng cỏ huyên ở bên nhà thì sẽ quên được những nỗi lo buồn.

Nguyên tác: Kinh Thi

Trang 1 của 3 1 23 Cuối

Up

Diễn đàn sử dụng vBulletin® Phiên bản 4.2.2.
Bản quyền của 2017 vBulletin Solutions, Inc. Tất cả quyền được bảo lưu.
Người đại diện tại Việt Nam: Ông Lê Quốc Thạo
Địa chỉ: 07, đường 7C, Khu Phố 5, Phường An Phú, Quận 2, Tp HCM
Số điện thoại: 0938517550
Mail: [email protected]
Dù có đội ngũ cộng tác viên quản lý và loại bỏ những bài viết vi phạm nội qui nhưng khó có thể tránh khỏi sai sót.
Nếu phát hiện vi phạm mong các bạn thông báo cho đội ngũ quản lý hoặc bấm nút thông báo vi phạm hoặc

Giao diện máy tính

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net