Hồi Ba Mươi Ba: Về bến Yêu Thương (a)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thể theo lời mời của mợ Hai, Vệ Thu lại làm một chuyến "Hành trình trên đất phù sa". Kỳ này Trì Thương không đi, ai nấy tự nhiên cảm thấy rất thoải mái. Còn về phần xe cộ, ông khuyên nên mướn một chiếc chín chỗ đời mới; vậy là chú Thương chọn chiếc xe hiệu Ford - Tourneo Custom Titanium. Chú Thương lên băng trước ngồi cùng hai tài-xế, băng giữa là hai cha con họ Vệ và mợ Hai, còn băng cuối là của xấp nhỏ.

Tiếng hát của Thanh Thúy trong bài "Tay vịn Cần Thơ" của nhạc sĩ Phan Ni Tấn gợi cho Vệ Thu nỗi nhớ một thời rời nhà đi làm lơ xe.

Mợ Hai thắc mắc hỏi bác Ba:

- Sao giọng cô Thanh Thúy bữa nay lạ vậy?

- À, đây là cô Thanh Thúy "trong Nước", không phải cô Thanh Thúy kia.

- Hèn chi mà nghe giọng cô Thúy "Hải ngoại" bữa nay không trầm.

Chú Thương góp vui:

- Nguyên quán gia đình nhạc sĩ Phan Ni Tấn ở Long An, nhưng lớn lên ở Ban Mê Thuột, vậy mà giọng văn không bị pha tiếng Bắc nhiều. 

Song ca Hương Lan - Bảo Thiên đang trình bày nhạc phẩm "Chợ đêm miền Tây" của nhạc sĩ Trần Trịnh. Băng nhạc này do chú Thương đặt mua từ một người bạn sống ở bên Hoa Kỳ để làm món quà sinh nhật cho má.

Mợ Hai bình phẩm:

- Tôi thích nghe đôi này song ca bài "Gạo chợ nước sông" của nhạc sĩ Trần Trịnh.

Chú Thương góp lời:

- Bây giờ nhiều người mến chuộng giọng hát rặt kiểu Nam Kỳ, nhưng không biết tới nam ca sĩ này. 

Vậy là Vệ Thu bèn bật bản "Nhớ biển Gò Công" của nhạc sĩ Hoàng Phương với phần trình bày của nam ca sĩ ấy, nằm trong băng nhạc "Gò Công quê hương thương nhớ (Hội ái hữu Gò Công)". Rồi vui miệng giới thiệu:

- Nhạc sĩ Hoàng Phương là người Gò Công.

Kế, Vệ Thu đổi tông sang nhạc phẩm "Mùa Xuân trông thư em" do Chế Linh ca, một sáng tác của nhạc sĩ Viễn Chinh và nam ca sĩ này (trong bài hát trên, ông đề bút hiệu là "Tú Nhi"). Những trăn trở và ưu tư đời lính cứ như vậy được phác họa thông qua lời bài hát rất xưa của hai người nhạc sĩ ấy.

Cuộc trò chuyện tạm ngưng vì hai người tài-xế thông báo đã tới quán mỳ Tàu. Đáng ra mua bánh mì đem lên xe ăn, nhưng ngại hai chàng kia phải ở lại quét dọn và hút bụi cực thân nên đổi sang ăn món này.

Quán "Vĩnh Hảo mỳ gia" nằm ở ngã ba Cây Me, từ đây chạy thẳng ra hai trăm mét là tới đường Huỳnh Tịnh Của. 

- "Vằn thắn"? - Vệ Thu hỏi trong lúc nghe mợ Hai kể về một quán ăn gần đây.

Chú Thương chống cằm mà cười xòa:

- Vậy chắc người bán là Bắc Kỳ.

- Đúng một nửa thôi. Chồng Hoa, vợ Bắc.

Nguyễn Quý Sinh bình phẩm:

- Xứng đôi xứng kép quá chèn rồi.

Chú Thương kể:

- Nhắc mới nhớ, thi sĩ Hồ Dzếnh cũng mang hai dòng máu Hoa - Việt: Cha ông người Quảng Đông, còn mẹ dân Thanh Hóa. Rất nhiều nhạc sĩ sống trong Nam đã phổ thơ của ông thành nhạc. Tên thật của ông là Hà Triệu Anh; ban đầu ông tính đặt bút hiệu là "Hồi Dinh" theo cách phát âm tên riêng trong tiếng Quảng Đông, nhưng thấy không xuôi tai nên sửa thành "Hồ Dzếnh". Tính ra ông cũng là người Minh Hương vì cha ông bỏ nhà Thanh để sang Nước Việt sống.

Vệ Thu hỏi:

- Có bài nào đặc sắc không con?

- Bài "Chiều", nhạc sĩ Dương Thiệu Tước phổ từ thơ của thi sĩ Hồ Dzếnh, thưa chú Ba. 

Chắc thấy họ nói chuyện lâu quá nên chủ quán đích thân ra giới thiệu món. Thời buổi này kiếm khách đâu có dễ.

Vậy là Vệ Thu, chú Thương, hai người tài-xế và Phan Huy Tường ăn mỳ vịt tiềm, Vệ Thương ăn mỳ xào giòn thập cẩm để nước sốt riêng, mợ Hai và Nguyễn Huy Sinh ăn canh sườn nấu nước trà kèm bánh quẩy, và Vệ Giản ăn mỳ hoành thánh với một cái bẹ dính phao câu. Phần đông uống cà-phê, số còn lại uống những loại ngọt hơn như cà-phê sữa, nước ngọt và sâm bông cúc.

Ông chủ quán đang mở băng nhạc "Sơn Ca - Xuân 72, Xuân hạnh phúc, Xuân nhớ nhau"; đang phát tới bản "Xuân về trên non sông Việt Nam" do Đức Minh ca, một sáng tác của nhạc sĩ Văn Phụng:

"Xuân đã về, trên muôn cánh hoa tươi cười

Xuân đã về, reo vui khắp muôn nơi

Xuân đã về, ta ca hát câu yêu đời

Xuân đã về, vui tươi khắp tươi ơi

Trên cánh đồng xanh tươi lúa hoe hoe vàng

Trong xóm làng, cô thôn nữ ca vang

Nơi chiến trường, anh lính hát khúc khải hoàn..."

- Bài này nghe hao hao bài "Xuân đã về" của nhạc sĩ Minh Kỳ. - Mợ Hai nhận xét.

Vệ Thu gật gù. Rồi biểu:

- Năm nào Tết đến - Xuân về là thiên hạ phát bài "Ước nguyện đầu Xuân" của ổng.

- Bài này có ai ca hay không anh?

- Cô Giao Linh hát bài này trước năm 75 đúng lời gốc, còn ông Chế Linh hát bản sửa lời.

Rồi ông bổ sung:

- Ông cũng đẹp trai lắm, nhìn khôi ngô, tuấn tú không kém Anh Việt Thu, Lam Phương, Thanh Bình và Thái Ngọc Sơn. Và hầu như bài nào ổng cũng thêm chữ "Hồng" vì đó là tên của vợ ổng, tức bà Nguyễn Thị Hồng; đây là một cách thể hiện tình yêu với bạn đời rất dễ thương của ổng.

- Ổng người ở đâu anh?

- Nhạc sĩ Hoàng Trang là dân "Bến Te", chánh gốc Kiến Hòa.

- Anh giới thiệu cho tôi biết tên những nhạc sĩ gốc miền Nam được không?

- Anh Việt Thu, Hoàng Phương, Trần Văn Trạch và Lê Dinh dân Mỹ Tho. Thanh Sơn và Trường Hải dân Sóc Trăng. Tô Thanh Tùng dân Đồng Tháp. Phan Ni Tấn dân Long An. Trúc Phương, Mặc Thế Nhân, Đài Phương Trang và Thái Ngọc Sơn dân Sài Gòn. Song Ngọc và Viễn Chinh dân An Giang. Hoàng Trang và Hùng Cường dân Bến Tre. Huỳnh Anh dân Cần Thơ. Nguyễn Tất Nhiên, Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang dân Đồng Nai. Lam Phương dân Kiên Giang. Nguyễn Văn Đông nguyên quán ở Tây Ninh, nhưng sanh ra tại Sài Gòn. Mai Châu dân Bạc Liêu.  Còn nhiều người nữa song tôi không thể nhớ hết.

Nhân viên bưng nước lên trước. Vừa đặt ly cà-phê sữa xuống chỗ mợ Hai, mợ đã bật cười và chỉ sang người tài-xế có làn da đen như cột nhà cháy, và biểu, "Cô uống cà-phê đen, con ơi."

Cả đoàn tiếp tục cuộc hành trình vào lúc chín giờ rưỡi. Trước tiên họ sẽ ghé Kiên Giang để chú Thương bàn công chuyện với người bạn Tư Kiền, kế đến sẽ dừng chân ở Hậu Giang mấy bữa và sau rốt sẽ thăm Kiến Hòa.

Do đã có hẹn nên ông cố và Tư Kiền đã đứng đợi anh trước cổng nhà. Hàng rào trà đã được thằng bạn thiết cắt tỉa gọn gàng, còn cửa cổng đã được ông cố giăng đèn kết hoa rỡ ràng.

Đầu năm đầu tháng nhưng vì biết Tư Kiền không quá tin vào sự kiêng kỵ nên chú Thương biếu tặng một cặp vịt quay Bắc Kinh, hai hộp bánh quy bơ, hai hộp chocolate cỡ lớn, mấy bịch bánh mì Sài Gòn và chục ký khô bò thượng hạng. Nghĩa cử của anh đã làm hai ông - cháu bối rối vì không biết lấy gì đáp lễ cho tương xứng.

- À, chừng nấm tràm vô mùa, cố gởi con mấy ký ăn lấy thảo nghen?

- Dạ, vậy cho con cảm ơn cố trước nhe. Con nghe danh đã lâu nhưng lần nào cũng hụt ăn vì lu bù công chuyện nên quên mua mất.

Cố đưa chú Thương tới tận cửa chánh. Thấy em họ của bạn thằng Kiền và cháu trai bên mình đã đem quà biếu sắp xếp ngay ngắn trên bàn, mới an tâm về lại y quán xắt và phơi thuốc. Độ rày trái gió trở trời, bà con bị nhức mình nhức mẩy, ớn lạnh và cảm sốt liên miên, nên thuốc mau hao lắm.

- Người này có phải em trai mày không?

Tư Kiền để bình trà xuống nghe cái "Cốp", mặt kiếng và mặt sứ đập vô nhau nghe chói tai vô cùng.

- Giống quá... Nhưng nếu lỡ như người trong hình không phải em tao thì sao? Tự nhiên khiến người ta nhận tội thay cho nó hả?

Chú Thương lấy tấm hình lại, bỏ vô trong ba-lô, rồi mím môi nhìn thằng bạn.

- Tao xin lỗi vì đã nổi nóng với mày... Vô nhậu với tao và cố nghen?

Chú Thương vừa lắc đầu vừa cười xòa:

- Để dịp khác đi mày. Sáng tao mới ăn xong tô mỳ vịt tiềm rồi, giờ no lên tới nắp họng. Chừng nào mày lên Sài Gòn thì "hú" tao một tiếng, nếu có cố nữa càng tốt, tao dẫn đi ăn bao bụng cho no cành-hông chơi.

Lấy cớ phải về Hậu Giang để lo mồ mả ông bà và sửa soạn đón Tết, nên chú Thương nói lời cáo từ. Tư Kiền cũng không cầm chân bạn, chú đứng dậy tiễn bạn tới cửa xe, mới quày quả đi xuống dạy võ cho các môn sinh tiếp.

"Cạch."

- Ủa sao ra xe sớm dữ vậy con? - Vệ Thu hỏi trong lúc đang ngồi ở cái ghế của con trai mợ Hai. Ông lật đật bước xuống để trả chỗ cho chú Thương.

- Dạ, có nhiêu đó chuyện để nói thôi bác nên con về sớm luôn.

Vừa nói dứt câu, chú Thương leo lên xe, rồi mau chóng cài lại dây đai an toàn.

Vệ Thu còn đứng dưới đất mà xoay người ngó vô trong "Kiến Nghĩa đường". Mai năm cánh nhuộm vàng một góc sân chưa được lót gạch phẳng phiu, hương thơm ngào ngạt tới nỗi đứng đây mà ông vẫn ngửi thấy. Ong bướm rập rờn chung quanh chậu bông bằng đất nung, một cảnh sắc hữu tình và dung dị mà đã lâu ông mới được thấy lại. Chỗ ở của ông cùng các con bên Mỹ y hệt một tư dinh nhỏ, trên mảnh đất đó có luôn vườn thượng uyển, trường đua ngựa và nông trại, nhưng cảnh sắc chẳng khác nào được thảo trình sẵn trên máy móc nên thiếu hẳn nét tự nhiên như vầy.

- Anh Ba... 

- Ờ, tôi nghe rồi chị Hai.

Vệ Thu hối hả trở lên xe. Rồi vừa ngồi lại ghế vừa rối rít xin lỗi mọi người.

- Khuôn bông mai đã bị thất truyền từ lâu rồi.

- Hả?

Mợ Hai cười mỉm và kể cho anh Ba hay:

- Có lên mạng tra Google nát tay cũng không học được cách làm khuôn đâu. Hầu hết người biết cách làm đã chết hoặc vượt biển đi tìm tự do hết rồi.

Rồi mợ biểu xấp nhỏ chuyền bánh bò do bà tự đổ bằng khuôn bông mai cho nguyên đoàn cùng ăn, để mọi người cảm nhận coi nó khác biệt ra sao so với bánh bán ngoài chợ. Sau đó bà nói:

- Phải làm đúng chất liệu, độ dày - mỏng và kích thước thì khuôn mới cho bánh ngon đặc biệt; còn làm trật thì ăn y hệt mấy chỗ bán khác.

- Nếu chị được bà cụ truyền nghề, chị sẽ làm gì?

- Tôi sẽ dành ra phân nửa lợi tức từ việc bán bánh mà làm học bổng cho trò nghèo.

- Tại sao?

- Người ta dạy nghề cho mình thì mình trao lại cơ hội đi học cho người khác.

Vệ Thu ăn thử một miếng bánh. Màu sắc được tạo từ rau cải - trái cây nên không làm cho miếng bánh có mùi gay mũi. Bột bánh pha vừa, có thêm một xíu nước cốt dừa thành ra vừa béo vừa lạ miệng. Còn về thân bánh, nó có độ dai vừa và "đàn hồi" khá tốt. Tựu trung miếng bánh đạt được cả sắc lẫn vị, cắn vô một cái là thấy khác bánh bán ở chợ liền.

- Bông mai nguyên thủy chỉ có năm cánh. Sau mới lai/ghép ra nhiều cánh và màu sắc. Anh Ba, anh ăn bánh bò nữa hôn?

Vệ Thu nhìn gương mặt đã lốm đốm vết nám đen do nướng bánh nuôi chồng con thuở còn hàn vi của mợ Hai, rồi nhớ về những cô vợ mỹ miều và tánh tình như thiếu nữ mới trổ mã, chợt cảm thấy mình ngu vì đã trọng sắc hơn tài. Cậu Thương dư sức mua kem trị nám của Nhựt, của Hàn, nhưng dầu có bôi - trét tới cỡ nào đi chăng nữa, những thứ mỹ phẩm đó không thể gột rửa được sự tàn phá của lửa than trên mặt của má cẩu. Không biết cẩu nghĩ sao, chớ trong lòng của ông, ông thấy không cần phải đi chữa trị nám cho mợ Hai, bởi gương mặt đó đã quá hoàn mỹ rồi. 

"... Lia thia quầy, quen chậu quay

Vợ chồng này, vợ chồng

Ơi con bạn quen hơi

Ơi con bạn quen hơi...

Chim ơi chim xa rừng

Thì chim thương núi nhớ con

Người cách xa cội nguồn

Người cách xa cội nguồn

Ôi đâu còn có gì buồn hơn

Ôi đâu còn có gì buồn hơn..."

- Anh Ba có thích nghe cô Hương Lan ca bài dân ca Nam Bộ "Lý chim Quyên" không?

Vệ Thu hoàn hồn, rồi cười mơn mà nói:

- Bài này với bài "Đau xót Lý chim Quyên" của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, tôi ưng nghe cổ ca lắm.

Mợ Hai cười chúm chím:

- Anh với tôi hạp ý ghê luôn!

- Hạp thì xáp vô làm đám cưới luôn đi mợ Hai...

Vệ Thu đỏ phừng mặt, day sang đánh thằng Út mấy cái bạt mạng. Ông chưa kịp thanh minh thanh nga thì đã nghe cậu Thương nói:

- Phải a. Thương thì tới với nhau luôn đi bác Ba... Trời ơi má nhéo lỗ tai con đau quá!

- Hai thằng quỷ im hết! - Hai người nói một cách đồng thanh, rồi ngó nhau sượng trân.

Người tài-xế có có cái mũi cao như Tây Phương giải vây:

- Dạ, nào giờ con chưa nghe cô Hương Lan ca bài "Đau xót Lý chim Quyên". Thôi để con bật lên nghe thử nhe?

Do không biết lời bài hát ra răng, mà lại gấp nữa, thành thử ra khó xử tiếp diễn khó xử. Nghe tới đâu, sắc mặt hai người tài-xế kiêm tài lanh xụ xuống tới đó.

- Để luôn đi Tài, Đức. - Vệ Thu trấn an.

Một người suốt đời bị vợ trẻ bòn tiền và một người cả đời tảo tần lo cho chồng con tới nỗi hư nhan sắc trời cho cay đắng nghe cô Hương Lan hát tới đoạn này:

"... Mà đôi ta không là tình nhân, không phải vợ chồng

Chưa hề bén tiếng, chưa hề quen hơi

Như chim Quyên chưa ăn trái nhãn lồng

Như lia thia chưa quen với chậu vàng

Nên dầu biệt ly cũng chẳng ai buồn chi

Chẳng ngậm ngùi đâu dù phải nghe câu hát "Lý chim Quyên"...

Chú Thương tính tắt nhạc, song đã bị mợ Hai chụp tay cản lại. Bà và anh Ba đã ngoài hàng sáu, cái chết đã tới sát đ*t, ở đó mà bạn đời với bạn hữu; chưa kể anh Ba đã giàu sụ mà còn sang trọng, còn bà thì thứ dòng nghỉ học ngang, yêu đương sớm, quê mùa hết nước, mặt mày giờ nào khác chi Chung Vô Diệm...

"Chim Quyên chưa ăn trái nhãn lồng

Qua không thương bậu, bậu đừng thương qua..."

Xấp nhỏ biết gia đình đang có biến nên im re coi máy. 

Sau hơn nửa tiếng lặng trang, mợ Hai lên tiếng:

- Mấy đứa nhỏ nghỉ học hoài có sao hôn anh Ba?

- Dạ, tôi cho tụi nó học online nên không sao đâu chị. Học tiếng Anh cho giỏi, qua đó tôi gởi tụi nó vô trường học. Riêng thằng Sinh, nếu học Đại học không nổi thì cho nó ghi danh vô trường Cao đẳng Cộng đồng học nghề.

- Ờ, mấy đứa dưới mười tám tuổi dễ học, biết tiếng Anh và hòa nhập với xã hội bên đó nhanh hơn thanh niên cứng cáp. Con ráng chịu đựng mấy năm đầu sống như người câm - điếc nghen Sinh?

Nguyễn Quý Sinh vừa dụi mắt vừa trả lời bà:

- Dạ, con sẽ ráng chịu đựng, thưa má Hai.

Chiếc xe cà-rịch cà-tàng mới tới Hậu Giang. Vì hễ thấy chỗ nào bán trái cây hay chợ chiền là mợ Hai cùng xấp nhỏ lại biểu ghé vô chơi. Chắc chừng về đến nhà chiếc xe sẽ biến thành "ghe hàng" mất.

- Còn muốn mua gì nữa hôn chị Hai?

- Còn chớ anh... Gì trợn mắt nhìn tui dữ vậy cha?

- Bác Ba đang ngạc nhiên vì má mua hết mấy cái sạp hàng rồi thì còn cái gì chưa mua mà muốn nữa.

Mợ Hai bẽn lẽn cười:

- Tôi tính mua sầu riêng ăn. Ăn dằn bụng mấy múi trước, rồi xuống Bến Tre ăn cho đã miệng.

Bác Ba ghẹo:

- Tôi mời lơi mà chị mần thiệt hả?

Mợ Hai giận lẫy:

- Tiền của tui, tui muốn mua giống gì kệ tui, anh sao giống thằng Hai quá. Chỉ khác ở chỗ, mỗi bận tui mua gì là nó "Thương tình ca", "Mua về nhớ xài nhe má? Không thì để con mở chạp-phô cho má bán bớt đồ." Tại tui hay quên chớ đâu phải mua về bỏ xó không xài đâu mà nói vậy chớ.

- Rồi, tôi thay mặt cẩu xin lỗi chị nghen? Lát muốn ăn mấy trái tôi đưa tiền cho mua.

- Thôi, tiền đó để dành mua sầu riêng dưới kia đi. Còn đợt này để tôi lo. 

Bác Ba biết mợ Hai vẫn còn đang lẫy nên mượn tụi nhỏ làm "cầu Ô Thước":

- Mấy đứa có muốn đi ăn lẩu không? Bác nghe nói ở Cần Thơ có món lẩu vịt nấu chao ngon lắm... Hình như mợ Hai hổng ăn được chao hả?

- Ăn được chớ sao hông, còn ghiền nữa là đằng khác. Hồi nhỏ nhà nghèo có hũ chao ăn với rau hay bầu luộc là mừng rồi... Í!

Biết mình "trúng kế" của ông già dịch vật kia, mợ Hai tức cành-hông nhưng chỉ biết lầm bầm chửi, "Thứ đồ cha già mắc dịch, mắc phong." Cộng với chuyện xấp nhỏ và hai cậu tài-xế hùa theo thằng chả mà cười quê bà, càng khiến bà thêm quạu.

- Baba... Con hổng có ăn được chao...

- Mày hổng ăn được thì mày kiếm món khác ăn, nói cho tao nghe chi...

- Trời ơi, tui con-ruột của ổng hả Trời?

Chú Thương bật cười:

- Tôi có thằng bạn mở quán ăn ở đây, quán nó bán nhiều món lắm, cậu ưng món nào thì kêu riêng. Chớ vịt đã hôi mà còn thêm chao, cậu sao nuốt nổi?

Bác Ba chống cằm tư lự:

- Mà cũng ngộ thiệt chớ... Phô-mai, sữa chua, mấy cái bánh chế sữa khẳng khẳng gì đó,... thì nó ăn lìm lịm. Mình ngó nó ăn mà bắt ngán.

- Bởi vậy cho nên con mới cao...

- Có cần tao dắt mày đi coi mấy đứa không uống một giọt sữa nào mà vẫn cao trên mét tám không?

- Con chưa nói hết mà, con cao hơn baba.

Mợ Hai nghe vậy thì hả dạ lắm. Thật là "hậu sinh khả úy". 

Chú Thương sợ có thêm người giận lẫy thì mất vui nên mau lẹ bấm số gọi cho thằng bạn chủ quán để kêu nó đặt bàn giùm. Nghe nguyên đoàn có chín người, nó biểu sẽ đặt bàn mười hai chỗ đặng mọi người ngồi cho rộng rãi và dễ đi đứng. Vừa kết thúc điện thoại, chú đã quay qua nói địa chỉ của quán với hai chàng tài-xế; họ cũng mừng vì thuận đường chạy xe, không phải quay đầu hay quẹo ngả khác.

Ăn uống xong xuôi, vô chợ búa mua đủ đồ rồi, về tới nhà cũng hơn sáu giờ rưỡi. Ai nấy đều hối nhau đi tắm - gội đầu, rồi trở về phòng của mình nằm sải lai như con cá mắc cạn. 

Sực nhớ tới mớ thức ăn mua dọc đường, mợ Hai choàng dậy, rồi gõ cửa từng phòng "hiệu triệu" đám nhỏ, ông già mắc dịch và hai cậu tài-xế "mắt quầng thâm mất ngủ" ra phụ bà cất đồ.

- Mua chi cho dữ rồi cất rã tay. - Vệ Thu nói xong, che miệng ngáp ngắn ngáp dài.

- Dạ, tui bổ đồ để trưa mai nấu cho anh ăn đó, cha già thấy ghét.

Vệ Thu khoái quá mà sợ mợ Hai pha lửng nên quýnh quáng hỏi lại:

- Vậy hen?

Mợ Hai nguýt dài, rồi bỏ đi một hơi ra sau hè. Để lại Vệ Thu đứng cười mím mím trong gian bếp đã được sửa sang thành kiểu tân thời.

- Baba, mắc cười thì cười luôn đi ba, cười dzầy nhìn gian dữ lắm.

- Gian hả mày? Hả mày? - Vệ Thu kiễng chân khỏ đầu thằng con Út mấy cái cho bõ tức.

...

Trời vừa mới hưng hửng sáng, gian bếp nhà họ Trần đã bay mùi khói, dầu và cà-phê. Mợ Hai diện áo bà ba lụa tím, mặc quần lãnh đen, chân đi đôi

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net