Hồi Ba Mươi Ba: Về bến Yêu Thương (b)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Stephen Đoàn được Trần Bảo Sơn đón ở một bến xe "lục bình". Người Linh mục xấu trai ngồi uống cà-phê chừng hơn nửa tiếng thì chàng cư sĩ mày tằm mắt phụng mới tới. Đáng ra anh đã xuống Kiến Hòa, nhưng vì cần gặp người này gấp nên phải vòng lên An Giang.

Nghe hết bản "Thương Mẹ" của nhóm nhạc sĩ Lê - Minh - Bằng, trong bài này ba ông ký tên là Minh Kỳ - Dạ Cầm, qua phần trình bày của Trung Chỉnh, Stephen Đoàn mới đứng dậy đi trả tiền nước và đủng đỉnh bước ra xe của Trần Bảo Sơn.

Chiếc xe Lexus chín chỗ rất rộng rãi và thơm phức, lại có tính năng xoa bóp - đấm lưng cho người ngồi. Chưa kể tới là màn hình LCD cảm ứng thời thượng có rất nhiều mục giải trí thật tuyệt.

Trần Bảo Sơn thấy dáng đi hơi khòm của người bạn đường thì biết chắc anh ta đang rêm mình nên điều chỉnh cái ghế hơi ngả ra sau và ấn nút "Đấm bóp", rồi mời anh ta leo lên ngồi.

Đối với nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ thì "Không còn gì sung sướng khi trở về thăm lại Quê Hương", còn với Stephen Đoàn thì "Không còn gì sung sướng như đang nhức mỏi mà được ngồi lên ghế xoa bóp". Anh nằm ngửa đầu, để mặc cho chiếc ghế đáng yêu xua tan cơn rêm mình và bải hoải.

- Đỡ đau lưng chưa bạn hiền?

Stephen Đoàn cười giòn:

- Rất cảm ơn anh. 

Trần Bảo Sơn vừa sửa kiếng chiếu hậu vừa hỏi:

- Mà, cao danh quý tánh anh là chi?

- Tôi tên là Đoàn Ngọc Mỹ, tên Thánh là "Stephen". 

- Tôi tên Trần Bảo Sơn, Pháp Danh "Bửu Sơn".

Chiếc xe từ từ lăn bánh, rời khỏi khu chợ nhộn nhịp gần ngọn núi Cấm. Stephen Đoàn ngoáy đầu nhìn cảnh rừng núi hùng vĩ lần nữa trước khi để tâm vào chuyện hệ trọng trước mắt.

Qua những nẻo đường nhỏ hẹp quanh co và lộ cái thênh thang, Stephen Đoàn đã tới một xóm vắng um sùm tiếng chim kêu trên bầu trời xanh ngắt không một gợn và đâu đó nơi tàng cây dày lá. Chiếc xe vừa tới cuối xóm, mà người Linh mục đã nghe lại tình quê. Trên đồng đã rôm rả tiếng gieo mạ và nhịp chân đi của những người nông dân một nắng hai sương chất phác, xuề xòa.

- Tôi nhớ ca sĩ Tuấn Vũ có ca bài "Về dưới mái nhà" của hai nhạc sĩ Xuân Tiên và Y Vân. Lời của Y Vân và nhạc của Xuân Tiên, người hát đầu tiên là ca sĩ Minh Trang.

Trần Bảo Sơn nêu quan điểm:

- Riêng tôi lại ưng giọng của nghệ sĩ Duy Khánh hơn.

Băng qua một cây cầu xi-măng bề ngang chừng năm mét, Stephen Đoàn đã tới một xóm khác. Ở đây cũng im ắng không kém xóm kia, đi gần hết xóm vẫn không tìm đâu bóng hình của ai đó hay chiếc xe đạp cọc cạch qua. Hai bên đường thoảng vương hương thốt nốt và sứ trắng tinh khôi.

Lại qua một cây cầu nữa, Stephen Đoàn vẫn chưa nghe Bảo Sơn nói gì về tịnh thất của anh ta và các bạn đồng tu. 

Một hàng rào lưới B40 kéo dài gần một cây số, đằng sau nó là vườn cây ăn trái sum sê, những luống bông - kiểng rực rỡ và liếp rau - cải tươi tốt. Nhân công chắc không dưới trăm người. Dễ chừng được mười mấy công đất vì Stephen Đoàn chưa thấy điểm dừng của lưới sắt kiên cố.

- Đất của ai mà dữ vậy anh Sơn?

- Đất của tôi.

- Chúa ơi!

- Cỡ đó mới nuôi nổi hai trăm người.

Và hàng rào lưới B40 đã kết thúc, giờ là hàng rào sắt sơn trắng và trồng cặp hai bên hàng rào là bông bụp đỏ thắm rất duyên. 

Đinh Mạnh Hùng đã đứng đợi sẵn ở cổng tịnh thất. Anh ta đen nhẻm, mập mạp, dáng vẻ nhìn giống diễn viên hài hơn là một người cư sĩ Phật Giáo. Tiếng nói thì sang sảng, chưa tới gần mà đã nghe lồng lộng. 

Những cư sĩ khác không có đặc điểm gì nổi bật, ngay cả bộ đồ bà ba trắng và đôi guốc mộc cũng không làm họ khác lạ được.

- Đi, theo tôi vô nhà vệ sinh rửa tay, rửa mặt rồi vô vườn nhập tiệc. - Đinh Mạnh Hùng vỗ vai người bạn đường xa một cái mạnh tay.

- Nhè nhẹ tay thôi cha... - Một người cư sĩ bực mình trách. - Tướng như con trâu vật mà nhè ai cũng vỗ vai.

Stephen Đoàn phì cười.

Nhà mát trong vườn thanh long nằm đâu mặt với mương nước rất đầy, cơ hồ muốn tràn luôn lên bờ. Hỏi ra mới hay đây là mương nước dự trữ cho việc tưới cây, phòng khi gặp trời hạn hay mùa mưa chậm tới.

Chưa bước lại gần mà Stephen Đoàn đã ngửi thấy mùi đồ ăn thơm nức mũi. Thịnh tình mà nhóm cư sĩ Hòa Hảo dành cho anh đã làm Cha Phó trẻ cảm động, tiếc rằng anh không có gì để tặng họ.

- "Vô đây em, dù đường xa anh vẫn đưa em dìa..."

Lối hát giỡn của Mạnh Hùng đã làm mọi người cười sặc sụa. 

Stephen Đoàn biết Mạnh Hùng hát chế từ bài "Gạo trắng trăng thanh" của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, lòng rất muốn chế ra vài câu vui vui để pha lửng lại nhưng cơn đói cào ruột đã làm tắt ý tưởng. 

Bữa xế chiều có món gà đốt Ô Thum, lía Tân Châu, xôi phồng và gỏi đu đủ Tri Tôn; tráng miệng thì đãi bánh Chăm và chè thốt nốt. Đinh Mạnh Hùng biết anh người Vĩnh Long nên đã đổ bánh xèo hến Cù lao Dài. 

- Mấy anh có được phép uống rượu không?

Trần Bảo Sơn lắc đầu:

- Không, nhưng tụi tôi tự du di cho mình uống vài chung góp vui mỗi dịp lễ lạt và gặp mặt bằng hữu, chớ không được để bản thân say xỉn.

Nói đoạn, Trần Bảo Sơn đưa lon "White Claw - Ruby Grapefruit" cho chàng Linh mục. Đây là đồ uống có cồn; bia thì rất ít và thường được pha loãng với nước ngọt/nước trà/nước trái cây hay thậm chí là cà-phê.

Đinh Mạnh Hùng cất giọng mời:

- Ăn gì thì tự chọn nghen Thầy?

- À... Dạ...

Trước lúc "nhập cuộc", bên Chúa làm lễ theo Chúa, bên Phật làm lễ theo Phật. Xong xuôi đâu đó, Trần Bảo Sơn còn đại diện anh em cư sĩ mà chế bia xuống nền gạch tàu nhằm cúng đất đai.

Sau bữa chính, nguyên nhóm thưởng thức món tráng miệng và uống trà đá giải khát.

Một người cư sĩ có Pháp Danh Vân Châu giới thiệu đặc sản xứ mình:

- Đường thốt nốt ngon lắm. Ăn cặp với xôi thì còn gì bằng.

Stephen Đoàn "Dạ" một tiếng, rồi ướm hỏi về Ông Hai Đạo Dừa.

Uống vài ngụm trà đá thanh mát, kế Bảo Sơn mới giải đáp:

- Nếu như anh có duyên được gặp hàng chút của Ông Hai, có lẽ anh sẽ được nghe người này kể  chuyện dòng họ Ông Hai. Nhưng rất hiếm khi, hàng chắt - chút - chít chịu mở miệng nói vì không muốn bị "gài". Cả đệ tử của Ông Hai cũng vậy, một số vẫn còn lưu lại trên An Giang, và không được mấy vị muốn tiết lộ cho anh biết điều đó.

Đinh Mạnh Hùng kể:

- Vào năm 72, vài đệ tử của Ông Hai rời cồn Phụng sang cồn Tân Vinh chơi với mấy ông già trong xóm cù lao. Họ nhìn thấy ở phía Bắc có một vệt sao chổi dài quét qua, thì nhìn nhau lắc đầu mà nói gần như cùng lúc, "Miền Bắc năm nay tiêu." Và quả nhiên, năm đó tự nhiên miền Bắc nổi lên bịnh lạ, chết chóc không ngưng và người dân ở ngoải thì mất mùa đói kém nặng nề.

Tôi biết anh theo Công Giáo nên cũng chẳng cổ xúy anh đi tìm các đệ tử của Ông Hai. Bởi vì nếu hữu duyên, họ sẽ tặng cho anh một quẻ "tri thiên mệnh", mà điều đó sẽ khiến anh phạm điều răn bên đức tin của anh.

Stephen Đoàn gật đầu. Lại hỏi:

- Nghe đâu Ông Hai bị bắt gần mười mấy năm?

Bảo Sơn phì cười mà mặ̣t mày buồn hiu:

- Ông Hai không có bị bắt đi "cải tạo" tới năm 99 đâu, mà là bị giết luôn vào thời điểm từ năm 79 đổ về mốc 76, bằng cách bị xô lầu té chết.

- Vậy Ông Hai có tranh cử tổng thống không?

- Có, Ông Hai có ra tranh cử tổng thống vào năm 72, trên con thuyền Bát Nhã chở đầy tiền xu xỏ xâu. Nhưng tấm hình hay đăng trên mạng không phải là tấm hình đúng với bối cảnh đó. Hiểu chưa? Họ lấy tấm hình chuyện khác ghép vô chuyện này.

- Trên mạng tam sao thất bổn nhiều quá.

Cư SĨ Vân Châu tiếp:

- Ông Hai từng học chung trường với hai ông tổng thống thời đó và đậu cử nhân bên Pháp. Vậy theo Thầy, trình độ Ông Hai ra sao?

Stephen Đoàn ngần ngừ rồi quyết định không trả lời.

- Ngoài ra, Ông Hai còn là bạn rất thân của ông tổng thống thứ hai, nên hay gọi người này là "Nó". Vì vậy nhiều người thời đó lẫn thời nay đã "suy bụng ta ra bụng người" mà xuyên tạc thành Ông Hai ghét người này.

- Mấy anh có thờ Ông Hai không?

Các cư sĩ gật đầu gần như một lượt.

Stephen Đoàn ngỏ ý muốn xem.

Trần Bảo Sơn bèn dẫn chàng Linh mục vô coi.

Bàn thờ Ông Hai Đạo Dừa nằm phía sau lưng Chánh Điện, ở mé bên tay trái, chỉ là một cái hương án nhỏ nhưng nhờ cách bày trí nên vô cùng trang trọng và đẹp đẽ. Theo như lời của Bảo Sơn, hương án của Ông Hai đã dời tới đổi lui mấy lần, nay mới nằm chết ở đây luôn. Stephen Đoàn thắp cho Ông ba nén nhang thơm, rồi theo đoàn cư sĩ Hòa Hảo ra vườn.

Bảo Sơn trầm giọng mà nói:

- Đôi lúc tôi thấy cái tinh thần "Hòa đồng tôn giáo" của Ông Hai Đạo Dừa rất đúng. Cái nào hay thì mình học theo, cái nào dở thì mình phải bài trừ.

Từ nơi chòi canh vọng ra bài "Em về trong chiêm bao" do Chế Linh ca, bài hát do ông tự sáng tác với bút hiệu "Tú Nhi" quen thuộc. Ông cậu giữ vườn chắc đang nằm nghỉ trưa trong đó.

Nhìn những thửa đất cây trái trĩu cành mà chưa thể hái xuống vì thương lái ít ỏi, Bảo Sơn buồn bực nói:

- Chúng ta phải tự thoát khỏi sự lệ thuộc vô chuyện xuất cảng trái cây qua Tàu.

Cư sĩ Vân Châu biểu:

- Lỗi đó một phần do thương lái Nước mình ham rẻ tuồng hàng Tàu qua nữa.

- Phải. Một bó rau mua tại gốc chưa tới một đồng bạc, bên Tàu nó bán hàng dỏm mười bó một đồng, chỉ vì ham lời nhiều mà các thương lái tiếp tay giết chết nhà vườn trong này.

Rồi Bảo Sơn quay qua nói với Stephen Đoàn:

- Tôi đang nghiên cứu cách làm ra bánh - mứt từ những thứ trái cây đang trồng, rồi tìm đường xuất cảng qua phương Tây.

- Được chưa?

- À, được mứt mãng cầu, sa-kê, khoai mì, củ từ và khoai môn sấy khô, bánh bông lan thanh long, nhãn ngâm đóng hộp, kẹo ổi, kẹo gừng, khoai lang ngào đường... Tụi tôi đã được bên Tây phương chấp nhận và kết nối làm ăn.

- Vậy là tốt quá rồi!

- Phải làm sao bảo đảm được vị ngon và hạn chế được rủi ro hư hao trong lúc vận chuyển, đó là một mệnh đề nan giải với chúng tôi. 

- Việc này Bộ Công Thương và Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp phải lo cho các anh. 

Bảo Sơn nhếch miệng cười:

- "Mấy đời bánh đúc có xương. Mấy đời đám đó biết thương dân quèn."

Đi tới thửa nào có trái cây chín, Stephen Đoàn cũng được mời nếm thử trái cây. Bây giờ chưa vào Hè nên vài bờ chưa có trái cây chín và bông nở, thành ra những bờ này rặt sắc xanh của lá. 

Chưa tới thửa đất cuối cùng mà ai nấy đã mỏi rã hai chân nên đành phải vòng về. Thấy sắc mặt tái mét của Stephen Đoàn, Bảo Sơn bèn mời anh ta ghé nhà xưởng nghỉ mệt. Stephen Đoàn đồng ý ngay tắp lự.

Nhà xưởng nằm ở sau lưng vườn trái cây, xây dựng coi bộ bề thế và hết sức mát mẻ, diện tích ước khoảng ba ngàn mét vuông. Ở đây cũng chia thành nhiều khâu như những sở làm khác: Ngoại trừ trẻ vị thành niên và thai phụ, ai cũng có việc làm phù hợp với khả năng và sức khỏe của bản thân.

Sau khi trở ra từ nhà vệ sinh, Stephen Đoàn được mời uống một ly nước rau má - đậu xanh để giải nhiệt. Sợ phí thời gian, anh ngỏ ý được đi thăm viếng những nơi khác, và đoàn cư sĩ chấp thuận.

Ở đâu cũng thấy cảnh máy móc hoạt động hết công suất và những người công nhân lành lặn có, khuyết tật có không mặc đồng phục thoăn thoắt tay làm. Tuy là nhà xưởng "miệt vườn" nhưng Bảo Sơn vẫn trang bị rô-bốt tối tân để đỡ đần công việc cho mọi người. 

Tới một khâu nọ, Stephen Đoàn ngạc nhiên hỏi:

- Những người kia làm việc cho anh?

Bảo Sơn đáp:

- Ờ, được trả lương đàng hoàng, khỏi cần phải trông cậy nguồn tiền của Mạnh Thường Quân nào hết.

Stephen Đoàn đếm sơ thì thấy nhân công được đâu ba mươi người; ngay cả người mù cũng có việc làm, họ được giao sắp các gói mứt vô thùng, rồi người câm - điếc sẽ lo phần kiểm tra, dán nhãn mác và đóng thùng. Hỏi ra mới hay, ở đây ai cũng biết thủ ngữ và chữ nổi, để tiện bề giao tiếp với những người bị khiếm khuyết.

Trần Bảo Sơn tủm tỉm cười giới thiệu:

- Trước khi vô làm, họ đều được dẫn đi rửa tay sạch sẽ và hong khô tay dưới máy sấy khử trùng.

- À...

Đợi ra khỏi nhà xưởng, Stephen Đoàn mới hỏi nhỏ:

- Mà mấy anh ơi...

- Chi Thầy?

- Mấy anh có đề, "Sản phẩm do người... người... khuyết tật làm ra" không?

- Không. Chúng tôi không lấy sự khiếm khuyết của họ để ăn mày lòng thương của thiên hạ mà làm giàu cho mình. Ai ăn - uống cảm thấy vừa miệng thì mua ủng hộ tiếp, còn không thì thôi.

Qua khỏi nhà xưởng là tới mấy liếp rau xanh um, rau này ngày nào cũng đem ra chợ đầu mối bán. Stephen Đoàn ngắm nghía luống cải ngồng tươi tốt, trong bụng thầm tưởng lại vị ngon của món bánh xèo ban nãy, rồi bùi ngùi nhớ tới quán bánh xèo nhỏ nằm ở một góc léo hánh của Giáo xứ.

- Nghe nói Thầy xuống đây tìm người? - Trần Bảo Sơn vừa hỏi vừa ngó con sâu lông đang nằm trên cái bắp cải nham nhở.

- Dạ, tôi cần tìm ông Phan Thụy Long.

- Phan... Thụy... Long... - Đinh Mạnh Hùng gãi đầu.

Một người cư sĩ xen vô nói:

- Hình như tụi mình có quen người này...

- Trời ơi, là Thầy Phá Vân chứ ai! - Trần Bảo Sơn vỗ tay cái chát.

Stephen Đoàn toét miệng cười:

- Có thể dẫn tôi đi gặp người đó được không?

Trần Bảo Sơn lắc đầu:

- Thẩy ở tuốt trên đỉnh Cô Tô. Để sáng mai đi nghen? Ban đêm lái...

- Tôi đi bộ được. Xin hãy bỏ tôi ở dưới chân núi, tôi sẽ tự tìm đường đi lên.

- ... Cũng được. Có lẽ Thầy Trì Thương sẽ biết sự hiện diện của Thầy mà đứng sẵn chờ rước.

Để phòng việc sẽ nghỉ lại một đêm ở tịnh thất, Stephen Đoàn đem theo một ba-lô cỡ lớn đựng tư trang và thuốc men.

Từ đây tới Phụng Hoàng Sơn không xa như chàng Cha Phó tưởng, có thể là do đi bằng xe hơi và chạy với tốc độ cao nên quãng đường được rút ngắn lại. Hai bên đường quán xá bày bán thật đông vui, ở đâu cũng thấy những điểm mời nhận đồ ăn - thức uống miễn phí, nhìn coi quang cảnh mà thấy yêu đời lạ kỳ. Anh chạnh nhớ những bản tin gần đây bên Công Giáo, nhất là những trăn trở của Đức Giáo Hoàng và các Đức Hồng Y, nỗi buồn tự nhiên tràn ngập trong tim. Anh mượn ống tay áo làm khăn lau nước mắt, rồi cúi đầu lần chuỗi Mân Côi.

- Kẻ phá Đạo nhanh nhứt là kẻ khoác áo nhà tu, phải không Thầy? - Trần Bảo Sơn nhếch miệng hỏi.

- Dạ phải, thưa cư sĩ. Chúng ta biết rõ chúng, nhưng chống không lại chúng vì đám hậu thuẫn chúng quá mạnh.

- Ngoài đám hậu thuẫn chúng ra, còn băng tín đồ thần tượng kẻ đó nữa.

- Dạ phải...

Sợ Stephen Đoàn bị khát nước, nên cư sĩ Bửu Sơn mua cho anh một lít nước thốt nốt và kèm theo một phần xôi phồng Chợ Mới. Ngoài ra, còn tặng cho chàng ta một ve rượu thuốc xức phòng rắn, rít, muỗi - mòng và bò cạp và một vỉ thuốc Tây trị nọc độc rắn.

Hãy còn cách chân núi Cô Tô chừng hai trăm mét, Đinh Mạnh Hùng đánh tiếng xin đi theo vì sợ Stephen Đoàn bị lạc đường, chàng Linh mục mừng rỡ mà cảm ơn rối rít.

Sau khi bôi rượu thuốc lên tay, chân, cổ, gáy, sau ót và hai bên vai, hai người khác Đạo mới khăn gói lên đường. Đường rừng sẩm tối trông vô cùng đáng sợ và ma mị, vũ khí mà hai người nắm chắc trong tay là lòng tin vào Chúa và Phật. 

Đi chẳng được bao lâu mà đế giày của hai người đã dính bết sình lầy và lèn cứng đá dăm, họ đành phải ngừng bước để khượi mấy cục đá ra cho bớt nặng chân. Tịnh thất đó nằm ở đâu sau những cánh rừng thâm u kia vậy? Lúc này sao Hôm đã mọc, mảnh trăng khuyết chênh vênh như thuyền con giữa thinh không mờ mờ sương giăng và gió thổi, đâu đó tiếng kêu của chim rừng gọi nhau về tổ, thảng hoặc tiếng dế kêu rinh rích sau những lùm cây, bụi cỏ cao quá đầu người.

- Ai ở đây nổi hả cư sĩ Hùng?

- Tăng sĩ Theravada ở nổi.

Nói đoạn, Đinh Mạnh Hùng đưa khúc cây lượm được cho Stephen Đoàn để làm gậy chống. Về phần mình, anh không xài tới vì chưa kiếm được khúc cây ưng ý giống vầy.

Tới một ngã rẽ, hai người tìm một gốc cây đặng ngồi nghỉ mệt. Có thể do bị ra mồ hôi quá nhiều nên không ai bị mắc tiểu, thành ra cũng đỡ ngại ngùng và khó xử.

- Họ sống bằng cách nào hả anh?

- Xuống núi khất thực.

- Chúa ơi, ngày nào cũng vậy chịu sao thấu?

- Nếu đã tu tập thì không nên kêu khổ, các Thầy quan niệm như vậy đó.

Trong lúc ngồi ăn uống lấy sức, Stephen Đoàn mời người bạn cư sĩ nghe vài bản nhạc yêu thích của anh.

"Chiều nay sương gió, lữ khách dừng bên quán xưa

mơ màng nghe tiếng chuông chiều, vương về bên quán tiêu điều

Vầng trăng hoen úa, như lá vàng rơi cuối Thu

lững lờ soi mấy hàng cây, u sầu đang ngắm trời mây ..."

Tiếng hát sang trọng của Kiều Nga đã làm bài hát "Dừng bước giang hồ" do nhạc sĩ Hoàng Trọng phổ từ lời của tác giả Quang Khải càng hay thêm bội phần.

Đinh Mạnh Hùng nhận xét:

- Cô Thái Thanh và cô Khánh Ly ca bản này cũng hay. Đây là lần đầu tiên tôi nghe "thế hệ tiếp nối" của hai cô hát bài này, rất hợp đó chứ.

Đợi cho ca khúc kết thúc, Stephen Đoàn thổi kèn harmonica giai điệu bài "Cao cung lên" của hai Linh mục Hoài Đức và Nguyễn Khắc Xuyên, mà anh đã từng nghe qua màn tam ca của Thái Thanh - Anh Khoa - Sĩ Phú.

Tiếng đàn người Linh mục trẻ thanh thoát tới nỗi chàng cư sĩ Hòa Hảo có cảm tưởng đây là khúc Nghê Thường trên cung Quảng Hằng. Chừng thanh âm lắng rồi mà Đinh Mạnh Hùng vẫn chưa hồi thần lại được, mất một lúc sau anh mới cất giọng ngợi khen:

- Cha, Thầy thổi hay quá! Tôi có học tới chết chắc cũng hổng được bằng cái móng chưn Thầy. 

- Anh... anh khen hơi quá lời rồi.

Đinh Mạnh Hùng xua xua tay:

- Có quá lời đâu chớ... Xuất sắc thì phải tán thưởng nhiệt liệt mới xứng.

Ngồi nói chuyện chơi thêm chục phút nữa, hai người đi tiếp.

Đường càng ngày càng gập ghình, cheo leo, khúc khuỷu và có vô vàn hiểm trở tiềm ẩn. Đã mấy lần bước chân của họ giẫm phải rắn, rít hay đi ngang qua

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net