Hồi Ba Mươi Hai: Mùa gió bấc (a)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nơi sân thượng khoảng khoát của viện dưỡng lão, những người tuổi hạc đang thực hiện hoạt động yêu thích của mình như nói chuyện phiếm, tập dưỡng sinh, đọc sách, thục bi-da, chơi trò chơi điện tử, đánh bài, chăm sóc cây kiểng - vườn tược,... hoặc nhờ các điều dưỡng viên làm đẹp, đấm bóp,... cho mình.

Vừa làm móng cho một ông lão mới mổ lấy sạn thận, Năm Tường vừa ca bài "Tình thắm duyên quê" của nhạc sĩ Trúc Phương, mà anh đã từng nghe qua phần trình bày của  năm cặp ca sĩ: Nhật Trường - Mỹ Lan, Mạnh Đình - Sơn Tuyền, Duy Khánh - Thanh Huyền, Mạnh Quỳnh - Như Quỳnh, Tuấn Vũ - Sơn Ca:

"... Trai miền sông Hương hẹn gái miền Cửu Long

Hai ta ước thề xây thắm tình duyên quê..."

- Tường.

Năm Tường ngừng cắt móng tay cho ông lão và ngẩng mặt lên hỏi:

- Dạ?

Ông lão gãi đầu, rồi cười cười hỏi:

- Có tính lấy vợ hôn, ông làm mai cháu gái cho?

Thể theo lời mời của ông lão Công Giáo, Năm Tường cùng người khách đang sống trong viện dưỡng lão tới thăm Giáo xứ Saint Pio. Mấy tuần trước em Mười có mời anh và các anh em Mục sư khác ghé chơi, nhưng vì mắc bận tổ chức tiệc mừng thọ cho một bà lão vừa mới trải qua cơn nguy kịch nên anh đành lỗi hẹn. 

- Cha, cái xe Toyota dòng Highlander này rộng rãi thiệt! Mua đứt hay trả lần lần con?

Năm Tường vừa giúp ông cài dây đai an toàn, vừa cười đáp:

- Dạ, con mua trả góp, chứ đâu có giàu sang tới nỗi mua đứt nổi một lần, ông.

- Nhiều ít?

- Dạ, cũng bộn. Đáng ra con tính để dành chở ôn mệ, cha mạ, nhưng chừ thì mọi sự tiêu dên hết rồi!

Giọng Huế rặt của chàng Mục sư Marshall Võ Kiến Tường nghe véo von như chim hót, trái ngược hẳn với sự bải buôi, chất phác mà anh hằng có khi nói giọng miền Nam.

Ông lão đập nhẹ lên mu bàn tay anh mà hỏi:

- Con còn nói được tiếng Huế thuần không?

- Tiếng Huế chay hả ông? Dạ, không còn lại bao nhiêu đâu ông.

- Đâu, con thử ca chơi một đoạn bài Huế nào đi.

Năm Tường bèn bật bản "Mùa Đông xứ Huế" do Duy Khánh ca, rồi bắt đầu nhẩm theo; bài trên là sáng tác của đôi nhạc sĩ Minh Kỳ - Lê Dinh:

"... Xa Huế thân yêu nhớ nhiều ai ơi

Nhớ bến sông Hương, nhớ hoài con đò

Hẹn ngày mai về thăm kinh đô

Để vương vấn thôi vấn vương ta

Ôi nhớ thương Huế đẹp, Huế thơ..."

- Bài này cô Hoàng Oanh, cô Hương Lan với anh Giang Tử ca nghe cũng mùi lắm con.

Năm Tường gật đầu cười.

- Đâu, con hò một đoạn cho ông nghe coi.

Chiều theo ý ông lão, Năm Tường chọn bài "Huế đẹp, Huế thơ" của ca - nhạc sĩ Duy Khánh. Bài này có một đoạn hò Huế nghe thương lắm là thương.

"... Trường Tiền nghiêng nghiêng

Tiếng dép Trị Thiên nghe não nuột đêm trường

Tiếng ai sầu thương ôi xót xa bên dòng Hương

Chừ xa rồi Huế đẹp của mình ơi

Đường lên Nam Giao chừ mới thiệt là cao..."

Ông lão vỗ đùi cái đét:

- Bài này Bắc hay Nam gì ca cũng lẹo lưỡi hết. Vì toàn tiếng "nước Huệ", lại còn thêm khoản hò nữa chớ.

Xui cho hai ông cháu, đi đúng lúc tan trường, tan sở nên kẹt xe kinh khủng. Cơ hồ như một phút nhích được một mi-li-mét, đã vậy thời tiết còn oi nồng, máy điều hòa trong xe không thể cứu vãn nổi hai người. Ông lão ôm ngực thở dốc, rồi làm liều cởi dây đai ra cho đỡ ngợp. Bên cạnh ông, thằng cháu trai "nước lã"đang uống từng ngụm nước suối.

Quán cà-phê ven mé lộ đang phát bản "Tango Dĩ vãng" do Phương Dung ca, một sáng tác của nhạc sĩ Anh Bằng. Ngoài nữ danh ca trước năm 75 này ra, còn có Kiều Nga, Khánh Ly, Lệ Thu, Họa Mi, Lưu Hồng, Thiên Trang, Giao Linh, Thanh Tuyền, Ý Lan,... trình diễn ca khúc này khá hay theo phong cách và tiết điệu biến tấu của riêng họ. Ông lão nhớ tới lớp dạy khiêu vũ của người vợ quá cố, nước mắt cứ thế giàn giụa như mưa. Đời ông còn gì đâu ngoài cái tuổi già và tấm thân bịnh hoạn tối ngày. 

Chiếc xe lết thêm hai tiếng nữa mới tới được cái xóm Đạo ấy. Thường ngày cổng không đóng kín, mà mở toang như dang tay đón khách vô chơi. Từ ngày "binh biến" kéo đến, các buổi Thánh Lễ phải khóa kín cổng để tránh kẻ gian vào quậy phá. 

Ông lão chỉ cho Năm Tường vô Giáo xứ bằng cổng Nam. Nếu đi bằng lối này sẽ băng qua một rẫy trồng khoai, sắn, củ ấu, củ năng và củ mài của bà Tư Xoan; mấy tiệm chè lớn nơi đô thành rất ưng nông sản chỗ bà vì vừa rẻ vừa sạch. Nghe Năm Tường nói thích ăn củ ấu, ông bèn biểu anh dừng xe rồi bước xuống mua tặng mấy ký củ ấu.

- Ha, cái này mà chơi đánh bài quẹt lọ nồi là đã luôn con. 

Hai bàn tay của ông lão đen như nhuộm sau khi lột vỏ củ ấu, chùi với giấy cỡ nào cũng không ra.

- Nè, há miệng ra, ông đút cho bây ăn. Nhìn bây mà tao nhớ thằng cháu đang đi làm công bên Nhựt quá. Hồi nó còn nhỏ, hễ thấy tao ăn gì ngon ngon là nó lại xáp tới há miệng đòi. 

Năm Tường phì cười, rồi cũng nghe theo lời ông. Vị ngọt bùi mộc mạc của nó như liều thuốc tiên giúp anh vơi bớt phần nào mệt nhọc.

Thay vì đi qua cây cầu, ông lão lại biểu anh quẹo trái để đi vô một con đường đất có hai hàng cây thao lao trổ bông tím ngắt. Hai bên đường, cỏ dại mọc chen lộn với loài sao nháy, mười giờ và dừa cạn. Cảnh đẹp đó bị mấy miếng rác làm cho kém sắc đi, ông cười trừ và phân bua lia lịa với anh; thật ra, anh không phải là người để tâm tới tiểu tiết nên vẫn thấy bình thường.

- Tắp vô đây đi con...

- Dạ.

Nơi ngừng bước của hai ông cháu là quán ăn nhỏ của người Minh Hương. Phía trên cửa chính có gắn tấm bảng bằng cây cẩm lai, trên mặt viết bằng tiếng Hán hay Hán - Nôm gì đó gồm có ba chữ, mỗi chữ đều được dát vàng; nếu như Năm Tường đoán không lầm thì chữ cuối là "Ký" và hai chữ đầu là tên riêng của quán. Dì Bảy không còn nói được giọng Hoa - Việt lơ lớ như thời ông tằng bà tổ, dì nói tiếng Việt rất rõ ràng và khi nói tiếng cố hương cũng rứa, sự tách bạch đó phần nào đã làm tróc đi cái gốc xa xuôi của dì và gây ngộ nhận cho người đối diện rằng dì là người Việt rặt nếu như dì không kể cho họ hay. 

Sẵn đang "mót", Năm Tường tắt máy và khóa xe cẩn thận rồi bước xuống xe mà vô trong quán xin đi nhờ nhà vệ sinh. Dượng Bảy bèn dắt anh ra khu "villa" ngàn sao ở sau hè, cái buồng được quây từ bốn tấm tole, mái che lợp bằng ngói theo kiểu dốc nhưng không kín mà để hở khoảng một tấc cho thoáng khí, bên trong vẫn có bồn cầu và bồn rửa mặt đường hoàng; nghe đâu ngày nào cũng có người tới lau chùi sạch sẽ nên nhà vệ sinh này không mấy hôi hám và dơ dáy.

Ở trong quán, Stephen Đoàn cho Ignacio Cường xem đĩa than mà cô bạn miệt dưới gửi tặng nhân dịp Giáng Sinh sắp tới. Người bạn Mục vụ thấy vậy bèn gác cái muỗng lên tô canh, rồi chùi tay thật sạch trước lúc xin mượn cái đĩa coi thử.

- "Đĩa nhựa 12 - Mùa Giáng Sinh"? Lần trước thì cổ tặng anh đĩa số Mười ba.

Stephen Đoàn vẫy tay ngoắc dượng Bảy, rồi nhờ dượng phát nhạc giùm mình.

Dượng Bảy chọn bài "Lòng thành (Lạy Chúa Ba Ngôi)" do Julie Quang biểu diễn; một sáng tác của nhạc sĩ Tuấn Hải, trong bài này ông ký thêm tên của con trai ông là Lê Kim Khánh bên cạnh bút hiệu Tuấn Hải của mình:

"Lạy Chúa xót thương con không Đạo

Mà con tin rằng có Chúa trên cao..."

Bữa nay dượng Bảy mua được mớ cá nâu tươi rói nên đem về chiên giòn với nước mỡ thắng, rồi nấu thêm tô canh rau ngót với cua đồng xay nhuyễn và nướng cà tím trên lửa than miểng gáo. Vậy là xong bữa cơm trưa của mấy Cha.

Nán lại tán dóc vài câu nữa với vợ chồng dượng Bảy, hai ông cháu mới tiếp tục chặng đường còn lại.

- Dì Bảy tên thật là Huyền Anh, lấy từ cái tên trong câu chót của ca khúc "Huyền" nhạc sĩ Thanh Trang sáng tác. Tiếng ca trong vắt như pha lê của ca sĩ Quỳnh Giao cũng là nguyên nhân chính dẫn tới chuyện dì Bảy có cái tên này.

Năm Tường gật đầu, ra hiệu đã nghe.

- Còn con?

- Con cũng không biết nữa ôn ơi, con bồ côi bồ cút từ nhỏ mà. Nhưng chắc có lẽ Kiến Tường là nơi se duyên cho cha mạ con.

Ngôi nhà ba tầng mà đại gia đình ông lão đang ở nằm ven một bờ đất trồng bông sua đũa và điên điển. Nghe ông lão kể thì bờ đất này của gia đình hàng xóm, họ kiếm thêm tiền chợ bằng công việc bỏ mối thứ rau miệt vườn trên cho các hàng ăn, quán xá. Lần theo ngón trỏ của cụ, Năm Tường thấy một ngôi nhà ba gian hai chái mái ngói Âm Dương cam rực nằm ẩn sau rừng ổi thơm phức; sân trước có đặt bàn thờ Thiên, được dựng bằng cột xi-măng và ốp gạch bông kiểu rất cũ, bệ thờ là một cái tủ nhỏ đóng bằng cây thao lao đã được ngâm dầu hôi nên vẫn còn nguyên vẹn tới giờ. 

- Cụ bà theo Đạo Phật, tuy đã mất, nhưng con cháu vẫn còn giữ cái bàn thờ Thiên ấy đặng làm kỷ vật. Chiều nào con cháu cũng luân phiên ra thắp nhang và thay nước với bông cúng.

Ánh mắt Năm Tường buồn rười rượi. Anh ngậm ngùi thưa:

- Dạ, con mà hay ai giữ kỷ vật của ôn mệ, cha mạ con, có tốn tiền muôn bạc vạn con cũng tới đó xin chuộc lại.

Chưa vô tới cổng mà tiếng con gái cười giỡn um sùm đã vọng tới tai hai ông cháu. Ông lão cười khổ với anh, còn anh thì nghĩ, "Con gái chi mà vô duyên ộn."

- Ủa, ông nội mới dìa, ông nội đợi xíu nghen? Con nấu bún bò chưa được.

- Chúa ơi, thôi chị Ba, chị Ba để tôi ra ngoài quán mua một tô cho lẹ.

- Mần răng mà cô ni nấu bún bò nỏ được?

- Ông nội, ông nội, ông nội mới ra Thần Kinh rước đầu bếp vô dạy con nấu hả nội?

Năm Tường ngó bàn bếp để nồi đụng tứ lung tung tràng mà trong lòng thoáng thấy bực mình. Nường ni mà vô tay chủ quán trước đay của anh thì "mềm xương".

- Đừng chuộng vị tinh.

- Là cái gì hả anh?

- Bột ngọt. Ngoài Bắc kêu "Mỳ chính".

Từ thuở mô đến chừ, anh chưa từng thấy ai nấu bún bò tệ hơn nường ni.

- Cô muốn hầm thịt bò cho mau mềm, nên bỏ vài miếng thơm vô nước lèo; thịt bò sẽ vừa mềm vừa bớt tanh. Riêng về phần mắm ruốc, cô phải xào sơ trên chảo cho "săn" lại rồi mới vít từng chút vô nồi nước, nêm thấy dậy mùi thì ngưng; đừng cho hết một lần, kẻo một lát nước sắc lại sẽ mặn vô hậu. Ngoài ra còn phải nướng gừng nữa.

- Biết vậy tui hổng nấu bún bò đâu. Nấu món chi mà cực vô hậu.

- Răng cô noái nghe tức cười hỉ? Nấu món chi mà nỏ cực? 

- Mỳ gói.

Năm Tường tự nhiên có "một khát khao, một ước ao" là tới bệnh viện thỉnh Tám Khiêm về đặng đối đáp lại cô gái có lối nói hiện ngụy nì.

- Cô nấu coi phiêu quá.

Ba Thoa ngó Năm Tường đăm đăm. Bất đắc dĩ cô mới phải diễn vai này để cuộc mối mai ấy tan hàng, vậy mà người sắp tức chết lại là cô.

Người trai đang nói như hót kia cầm bịch bún khô lên săm soi, rồi nhún vai bình phẩm:

- Cái nì là cọng bánh canh mà, mô phải cọng bún tê. 

- Dì bán biểu đúng nó mà!

- Xòe tay ra.

Năm Tường ghi tên loại bún mà mình ưa ăn mỗi khi nấu món nì vô lòng bàn tay của nường nớ. Anh chừ mới hiểu răng mà nường nì ế. 

Ba Thoa cười duyên với anh theo kiểu mím môi mắm lợi, rồi cúi đầu thưa ông nội trước lúc lên xe chạy ra chợ tìm mua loại bún đó.

- Sao thường ngày con nói chuyện với ông bằng giọng miền Nam, mà nay gặp cháu ông lại nói bằng tiếng Huế?

- Dạ, con muốn ghẹo cổ xíu thôi ông. Mong những lời nói sầm sầy của con không làm phiền lòng ông.

Ông lão biết cuộc mối mai coi như tanh banh, nhưng không giận mà lại còn mắc cười, vì "đàng trai - đàng gái" không ưa nhau nên bên nào cũng chêm móc câu vô lời ăn tiếng nói thành ra nghe như đang diễu hài.

Trong lúc chờ cô gái về nhà, Năm Tường rửa rồi lặt sạch mớ rau sống; về phần thịt bò, anh trụng sơ với nước sôi, để nguội một lát, rồi đem ra rửa lại với nước sạch, rượu trắng và muối hột trước khi bắt lên bếp luộc với các nguyên liệu khác. Nồi nước lèo bún bò y hệt vị bún nước lèo nên anh buộc lòng phải đổ bỏ và đi nấu lại từ đầu; cũng may có nồi áp suất nên không tốn thời gian nhiều, chỉ ngặt nỗi nó sẽ không ngon bằng nấu trên củi than.

- Ông mời con tới đây ăn bún bò, rốt cuộc lại khiến con đi nấu bún bò thay...

- Có sao đâu ông? Con cũng ưa nấu nướng lắm.

Vừa mới nói dứt câu, một người đàn ông mặt mày khờ ịch đi cà nhắc lại bàn bếp. Nếu như Năm Tường đoán không lầm thì đây mới là cháu rể tương lai của nhà cụ. Không phải vì ghét nường tê mà anh giở bày trù, mà kỳ thực cái ánh mắt của anh ta đã biểu lộ điều đó cho anh linh cảm thấy.

- Anh phụ tôi xắt hành, bào rau muống với bắp chuối và lể xí-quách được không?

- Được... Được chớ...

Không biết nường tê mua bún ở chỗ mô mà bây chừ vẫn chưa về. Năm Tường và chàng rể nớ đang chuyện trò với nhau về tin Bộ trưởng Nội An Nguyễn Kim Hương đã đệ đơn xin từ chức vì không chịu nổi áp lực từ phía gia đình các nạn nhân trong thảm án "Hai Mươi" và "Bát Bửu". Phe đối lập đều khấp khởi hy vọng "Cha già" Đăng Khánh cũng từ chức nốt để họ còn bắn pháo bông ăn mừng. Nhưng chắc có lẽ chừng nào cha Khánh nằm liệt một chỗ, chừng ấy ông ta mới chịu nhượng bộ mà về vườn an hưởng tuổi hạc. Từ chuyện nọ xọ qua chuyện khác, dân biểu An Tần vì chuyện tình đồng giới của anh Hai và bê bối đời tư của mẹ ruột mà bị trì hoãn việc nhậm chức; dù rằng cái chức dân biểu chẳng đáng để mất công mất sức tranh đoạt, nhưng không hiểu sao chàng ta lại tiếc nuối níu kéo như vậy.

Chừng nghe tiếng kèn xe "Tin", "Tin" ngoài cổng, buổi tranh luận chánh trị của hai người con Chúa mới ngưng. Chưa bước lên bậc tam cấp mà tiếng của cô Thoa đã vọng thẳng xuống bếp. Cô mang theo một bịch mứt chùm ruột, chỉ cần liếc mắt qua Năm Tường cũng biết phần quà đó là của ai.

Vì không quen nấu nước lèo bằng nồi áp suất "cấp tốc" nên súp hơi mặn. Chẳng nề gì, chỉ cần múc ra phân nửa rồi đổ thêm nước lạnh đặng nấu loãng ra trên lửa riu riu một chút là xong. Sợ súp bị lõng bõng, Năm Tường nướng sơ một củ hành tây bự chác rồi xắt lát trước khi cho vô nồi, đoạn anh bỏ thêm một ít sa-tế và toàn bộ thịt bò vụn. Ước chừng mươi, mười lăm phút sau, anh mới tắt lửa, rồi làm cho mỗi người một tô vung chùng. Cô Thoa đếm được tổng cộng anh quậy nồi nước lèo bốn lần.

Thấy người đàn ông kia đi cà nhắc cà nhưỡi nên Năm Tường biểu anh ta làm ơn "an tọa", để việc bưng bê cho mình và cô Thoa lo.

- Anh là Mục sư hả anh Tường?

- Phải, thưa cô.

- Mới đầu thấy anh "Nghìn trùng xa cách" quá khiến tôi hơi bực. 

- Tôi cũng xin lỗi vì đã lấy tiếng Huế ra ghẹo cô.

- Tôi thương ông này mà ông nội cứ bắt tôi lấy người khác lành lặn hơn ổng. 

- Dạ, cô khỏi nói, nãy giờ ảnh nhìn tôi "thương quá đỗi" đủ để tôi hiểu rồi.

Ăn được đâu nửa tô, thấy ngon quá nên ông lão bèn gọi điện "hú" hai cha con Cha Thành qua ăn chung cho vui.

- Chân anh bị sao vậy anh Út Nhót?

- Dạ, tôi bị quẹt xe, xui rủi sao bị xe lớn cán lên nên đâm què.

- Có đi sắp xương lại không?

- Dạ, hổng có tiền.

- Tôi có đứa em là bác sĩ trưởng khoa Chấn Thương - Chỉnh Hình; hễ ai cần là nó và đồng nghiệp sẽ giúp ghi danh mổ và tham gia chương trình vật lý trị liệu miễn phí.

- Ghi danh miễn phí hay mổ và điều trị miễn phí anh?

- Cả ba.

Út Nhót đứng bật dậy, rồi ba chân bốn cẳng phóng về nhà để lấy giấy tờ.

- Chúa ơi, nó què mà nó chạy được kìa!

Cô Thoa nhìn người yêu mà bụm miệng cười nắc nẻ. Rồi vừa với tay lấy khăn giấy vừa hối ông nội mau ăn giò heo kẻo nguội mất ngon.

Tiếng hát Duy Khánh trong bản "Về với mẹ cha" của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang đã khiến ông lão sầu thương. Có thể xếp bài nhạc này vô thể loại "Chiêu hồi". Chiêu hồi họ về với ai? Về với Mẹ - Cha.

Từ trên chiếc xe bán tải, thầy Dự đỡ Cha Thành bước xuống. Cụ vừa ghé bệnh viện lọc thận theo lịch trình, nên sắc diện không mấy tốt và tươi tỉnh. Còn thầy Dự thì mới lấy máu xét nghiệm nên mặt mày cũng chẳng được vui vẻ. 

- Ủa Năm Tường? 

- Dạ, con đây, thưa Cha. 

Đã nghe qua tài nghệ nấu nướng món Huế của Năm Tường nên hai cha con luống tuổi rất mừng. Không ai biểu ai, người nào người nấy đều tự giác ngồi xuống ghế và soạn sẵn muỗng, đũa.

Cô Thoa đưa chai nước rửa tay khô cho Cha Thành và bác Dự. Rồi đi chế nước mắm và gắp ớt bỏ vô. Về phần nội, nội đang mở tủ lạnh để lấy ra hai chai nước sâm mua ở tiệm cơm vợ chồng dượng Bảy.

- Khỏi liếc nữa, Dự. Tôi tự biết mình phải bớt ăn thịt đỏ. 

Thầy Dự nhịp nhịp đôi đũa trên cục giò heo đã được rút xương sạch sẽ:

- Đừng có ăn giò heo luôn.

- Cho tôi ăn giò lợn bữa nay nhé cậu.

- Bố lại nhại con! Ối giời đất ơi!

- Hai cha con mần răng mà noái lác lác nhau rứa?

Quả đúng như tiên liệu của Năm Tường, hai cha con làm thinh, hết móc họng nhau nữa.

Ăn được đâu vài đũa, Cha Thành mới đánh tiếng hỏi:

- Hỏi thiệt nghen Tường...

- Dạ?

- Con nói tiếng Huế rặt rồi sao tín hữu con hiểu?

- Bởi vậy nên con đâu có được giảng chánh. Thường thì anh Hai Nghĩa, Ba Đức và em Mười Anh lo vụ này.

Đáng ra dùng bữa xong, hai cha con về nhà. Nhưng một cơn mưa vu vơ ghé qua nên hai người đành ở lại đụt mưa. Ngoài sân mưa sa lạnh lẽo, trong này vang rộn tiếng cười và lời ca bất hủ.

Cô Thoa đang xẻ ổi và cam sành, còn người thương của cô thì bào củ cải đỏ và trắng để làm dưa chua; anh bán bột chiên, bánh hẹ, bò bía và gỏi cuốn ở chợ Bến Thành, lợi tức thu về cũng kha khá, đủ để anh nuôi vợ con và gia đình nội - ngoại hai bên. 

- Đang đọc chi rứa thầy?

- Cuốn "Nhà tôi" của nhà văn Bắc Kỳ Duyên Anh, đây là một tác phẩm châm biếm khá vui. Đọc để hiểu thế nào là tự do văn chương và tư tưởng. 

Ông lão vuốt râu cười:

-  "Nam Võ Phiến, Bắc Duyên Anh."

Năm Tường hỏi:

- Những tin đồn về Duyên Anh - Vũ Mộng Long là sao hả ông?

-

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net