Hồi Ba Mươi Hai: Mùa gió bấc (b)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Băng nhạc "Tiếng Tơ Đồng - Xuân Tiền Chiến 1" đã làm quán cà-phê "Sóng Nhạc" bừng sắc rộn ràng. Sau cuộc gặp gỡ ông cậu vui tính, tâm trạng của Đặng Thừa Tân đã khá hơn rất nhiều, anh cũng bỏ ngoài tai những lời nói khích của những vị khách cố tình kiếm chuyện.

- Mấy bây có đói bụng hôn? Bữa nay tao bao.

Phàm hễ nhắc tới chữ "Ăn miễn phí" là quần thần triệu tập lại mà không cần hiệu lệnh thứ hai!

- Lẹ ghê ha? Nè, muốn ăn gì thì đặt hàng đi, xong xuôi hết rồi gọi tao lại chuyển tiền.

Cậu nhân viên tròn vo e dè hỏi:

- Ăn nhiều quá có bị trừ lương không ông chủ?

- Rửa ly bù thôi. Riêng cậu chắc rửa máy bù mới đỡ lỗ.

- Hứa nghen?

- Ê tôi rút lời lại được không?

- Không, "Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy."

Anh bật cười mà ghẹo:

- "Quân tử nhứt ngôn là quân tử dại, quân tử nói lại là quân tử khôn" mày.

Trong lúc đợi đám nhân viên đặt hàng, anh lắng nghe Duy Quang đang ca bản "Xuân đã về" của tác giả Minh Kỳ.

- Băng nhạc nào vậy cậu?

Anh cầm bìa của băng nhạc lên và đọc:

- Băng nhạc "Shotguns 66 - Mừng Xuân mới: Xuân này con không về".

Người mối quen lớn tuổi pha lửng:

- Nghe cái tựa băng nhạc là hết muốn nhậu.

Rồi người mối quen nói:

- Tôi chỉ ưng nghe Duy Khánh hay Chế Linh ca bài này. Một sáng tác thật hay và nhiều xúc cảm của nhóm nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân.

Trò chuyện thêm vài câu nữa, kế đám nhân viên gọi anh lại trả tiền. Chắc biết lâu lâu anh mới làm phước nên đứa nào đứa nấy cũng ráng đặt cho thiệt nhiều. 

- Thường chỉ có văn công mới sáng tác nhạc cổ xúy chém giết, chứ còn những người vừa là lính vừa là nhạc sĩ thì hiếm khi nào họ ca tụng việc này.

Người vừa phát biểu là một thương - phế binh có đôi mắt rất buồn.

- Tại sao vậy anh?

- Bởi vì họ nhìn thấy tang thương trong chiến tranh nên chẳng ai muốn nhắc tới nó trong bài hát, mà nếu có nhắc thì họ cũng thi vị hóa hoặc sử dụng khái niệm trừu tượng.

Uống xong một ngụm cà-phê không đắng bằng đời mình, cụ nói với người chiến hữu:

- Ngoài ra, những người đã từng tham chiến và hành quân khi sáng tác nhạc họ thường thuật lại rất rành mạch cảnh vật, phong tục - tập quán, con người,... ở những nơi mà họ đã đi qua. Còn văn công trốn ở hậu phương xúi người ta chém giết nên toàn bộ lời ca quanh đi quẩn lại cũng chỉ có bấy nhiêu chữ và ý, bởi có tham chiến và hành quân lần nào đâu mà biết.

Như nhạc sĩ Lam Phương có bài "Tình anh lính chiến" chẳng hạn, "Xuyên lá rừng trăng lên lều vải. Lòng đất ấm thương tình đôi mươi". Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh với bài "Rừng lá thấp", "Rừng lá xanh xanh, cây phủ đường đi. Thành phố sau lưng ôm mộng ước gì?" Nhạc sĩ Trúc Phương có "Trên bốn vùng chiến thuật", "Tôi thường đi đó đây. Bùn đen in dấu giày, lửa thù no đôi mắt, chân nghe lạ từng khu chiến thuật." Nhạc sĩ Anh Thy thì "Lính mà em" phổ từ ý của bài thơ cùng tên của thi sĩ Lý Thụy Ý, "Trăng lên cao, muôn hoa sóng dâng đầy. Tàu lắc lư làm sao viết thư tình?" Đôi nhạc sĩ Song Ngọc - Hoài Linh trải lòng với bài "Một chuyến bay đêm", "Giữa lòng trời khuya muôn ánh sao hiền. Người trai đi viết câu chuyện một chuyến bay đêm." Còn nhạc sĩ Khánh Băng gói gọn từng chiến tuyến và thao trường trong bản "Giờ này anh ở đâu?"

Mỗi người đều phác họa đời lính theo cách của mình, không ai trùng lặp ai, dù bối cảnh bó gọn trong ba địa điểm chính: Đất bằng - Dưới nước - Trên không.

Nghe nhạc Xuân hoài cũng chán, Đặng Thừa Tân bèn mở bài "Tình ca Quê Hương" do song ca Trung Chỉnh - Hoàng Oanh, một sáng tác của ca - nhạc sĩ Duy Khánh.

Người lính già lành lặn hơn kể:

- Có người đã từng hỏi ông Duy Khánh rằng sao lại sáng tác bài "Sao đành bỏ Quê Hương" thì ổng nói không hát vậy nó xử bác sao con. Đương nhiên đây chỉ là giai thoại.

Người khách có dáng dấp cự phú hôm hổm ghé quán đặt mua mấy ly đồ uống. Ông này không bao giờ lấy tiền thối nên mỗi bận pha chế anh thường làm nhỉnh hơn công thức tính sẵn của quán.

Song ca Duy Khánh - Ngọc Lan đang hát bài "Tình đời" của nhóm nhạc sĩ Lê Minh Bằng; trong bài này ba vị cố nhạc sĩ ký tên là Minh Kỳ - Vũ Chương.

"Khi biết em mang kiếp cầm ca, đêm đêm phòng trà dâng tiếng hát cho người đời

Bỏ tiền mua vui

Hỏi rằng anh ơi còn yêu em nữa không?"

Nghe đâu được một đoạn, Vệ Thu tấm tắc khen hay, rồi bình phẩm:

- Bản nhạc của người ta là "Tình đời", mà tự nhiên sửa thành "Duyên kiếp cầm ca". 

Người mối quen nghe vậy gật gù:

- Nhiều ba, má sửa tên bài hát với người sáng tác để lách luật, rồi sẵn đà sửa banh cái lời ca của người ta luôn.

Vừa trả tiền nước, Vệ Thu vừa hỏi người chủ quán trạc tuổi con trai trưởng của mình rằng có bài hát nào là lạ không cho mình nghe với.

- Dạ, "Tâm sự Mộng Cầm", nhạc sĩ Trần Thiện Thanh viết tặng cho bà Mộng Cầm và thi sĩ Qui Nhơn Hàn Mặc Tử, người trình bày là cô Trúc Mai. 

Vệ Thu cười:

- Hầu như ông Thanh cảm mến ai hay ai đó quen biết ông Thanh là đều được ông sáng tác cho một hoặc vài bài. 

Chiếc xe được tài xế đậu cách chỗ cũ khoảng mấy mươi mét. Không quá xa với người trẻ, nhưng lại làm khó một người luống tuổi như Vệ Thu; cũng may còn hàng me tây đại thụ làm lọng che nắng, nên thân già đỡ khổ.

Trì Thương đã đan xong khăn choàng cho má, giờ chú đang làm cái khác cho anh Hai. Mợ Hai khoe với Vệ Thu rằng nửa đêm trời trở lạnh ngủ không được, choàng cái khăn này ra ngồi coi TV hay đọc tin tức trên mạng xã hội không bị hành trúng gió. 

Có lẽ cảm thấy nhàm tai, mợ Hai bèn mở bản "Lý Ngựa ô" do tứ ca Hoàng Oanh - Thanh Vũ - Phượng Bằng - Hồng Phúc biểu diễn, đây là một bài dân ca Nam Bộ được nhạc sĩ Y Vân hợp soạn lại tiết điệu một chút.

Ngang qua Giáo xứ Saint Pio, chú Thương có chuyện cần hỏi nên mạn phép xin mọi người cho mình một tiếng. Thưa hỏi xong xuôi, chú phóng xuống xe, rồi chạy như bay vô nhà thờ để tìm một người Linh mục.

- Thảo.

- Dạ?

- Sao con không lựa chỗ nào...

- Càng gần phố xá, càng xa Chánh Pháp. Không dưng mà tôn giả Đại Ca-Diếp phải vô bãi tha ma  ngồi quán sát lẽ vô thường hay tôn giả A-Nậu-Lâu-Đà phải tu tập nơi thâm sơn cùng cốc dù hai mắt của ông đều bị mù. 

- Má nhìn chỗ con tu, má chịu hổng nổi con à. Hay là má mướn người lắp máy lọc nước tân tiến cho con nghe? Rồi xây lại buồng tắm và nhà vệ sinh. Phải cất thêm gian nhà đặng nấu nướng và tích trữ...

- Thưa má, Sa-môn của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không được phép tích trữ đồ vật và nấu nướng, cũng như không được nằm nệm cao, xài tiền, thậm chí là dầu thơm cũng không được đụng tới.

- Cái gì cũng không được hết rồi sao con sống nổi?

- Tụi con đi theo Đấng Thế Tôn tức là chọn đi theo chữ "Vô"...

- "Vô" đâu mà "Vô"? Má với anh Hai còn sống nhăn răng đây nè.

- Giữa con và má đã có mối dây liên kết và đó gọi là Duyên. Ở trên đời này không ai Vô Duyên với ai hết. Cái gì cũng có thể "Vô" được ngoại trừ chữ "Duyên", phàm đã là con người thì đều gánh trên người chữ "Duyên", Duyên tốt hay Duyên xấu còn tùy thuộc vô tiền kiếp, quá khứ, hiện tại và sự Cộng Nghiệp qua lại giữa máu mủ ruột rà, bạn bè - thân hữu, đồng nghiệp, chủ của sở làm, quốc gia đang sanh sống,...

Về phần chú Thương, chú đang ngồi đối diện với hang đá đã được trang hoàng lộng lẫy và tinh xảo. Người Linh mục mà chú cần gặp vẫn đang vướng trên... nóc nhà; số là con mèo mập bữa nay hứng chí trèo cao rồi hết dám trèo xuống nên bà cụ đành cậy ông Cha kiêm bác sĩ thú y leo nóc nhà bắt nó. Sống trong cái Giáo xứ này riết chắc mấy ông Cha trở thành siêu nhân hết!

Thấy tình hình không xong, chú Thương quyết định giúp Antonio Vũ. Gì chứ trèo leo là nghề của chàng.

Ngôi nhà của bà cụ có một gác lửng dành để đón gió và là nơi lưu chuyển không khí, trên bậu cửa sổ trồng bông dừa cạn và dây trầu bà. Hiện thời Cha Vũ đang ngồi ở trên mái của cái gác ấy mà làm Khương Tử Nha chờ thời. 

Sau khi cúi đầu thưa bà cụ và Cha Thành, chú Thương mới đẩy cổng bước vô. Rồi ngẩng mặt lên hỏi người Linh mục trẻ đang bị say nắng:

- Con mèo sao rồi Cha?

- Tôi đổi phiên gác với nó rồi.

Cha Thành năn nỉ mà như đang pha lửng:

- Con ráng đưa nó xuống đi. Kẻo tối nay nó biểu diễn bài "Vọng gác đêm sương" của nhạc sĩ Mạnh Phát đó.

- Con khoái nghe Thanh Tuyền - Chế Linh song ca bài này lắm đó ông.

Không mấy khó khăn để chú Thương "đưa chàng về dinh". Cả người anh ta nóng bừng, mặt mày ửng hồng vì phơi nắng quá lâu, mồ hôi mẹ - mồ hôi con thi nhau đổ xuống; đã vậy còn mặc đồ đen nên mức độ hấp thụ nhiệt lại càng cao.

- Thôi để ngoại cạo gió cho con nghen Vũ?

- Dạ...

Chú theo chân hai người Linh mục và bà cụ tới khu ký túc xá. Đường đi rợp bóng mát của cây thao lao, hay còn có cái tên gọi mỹ miều khác là "Bằng Lăng", sắc hoa tím biếc ấy đã bước vào thi ca, tiêu biểu là bài "Màu hoa dang dở" của nhạc sĩ trước năm 75 Mạnh Quỳnh, "Tuổi Xuân con gái" của nhóm nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân, "Màu tím thủy chung" của nhạc sĩ Thanh Sơn,... Xích-lô, xe lam, ba-gác máy, thổ mộ, tác-ráng và ghe - xuồng vẫn chạy hà rầm ở đây, làm chú có cảm tưởng như đang lạc bước về thời Sài Gòn xưa, cái thuở kinh - mương đầy rẫy giúp luân chuyển con nước từ muôn phương và cây cao bóng cả làm bầu không khí thêm trong lành, thoáng đãng. Chú chợt nhớ tới những "đô thị khổng lồ" bị bỏ hoang bên Tàu vì giá bán quá cao so với mức lợi tức của phần đông dân cư bên ấy, tự nhiên e ngại viễn cảnh Đất Nước này mai sau sẽ có những vùng đất chết vì nguyên nhân trên...

Antonio Vũ đã thay sang đồ mát. Và đưa lưng cho bà cụ cạo gió. Trải qua bao năm tháng, chai dầu gió Kim vẫn giữ nguyên được mùi thơm năm cũ; trong khi hương vị của mấy gói mỳ mà chú Thương hay ăn lúc nhỏ đã không còn được như xưa.

Vì câu hỏi không có tính chất riêng tư nên chú Thương hỏi luôn. Antonio Vũ tuy đang mệt nhưng vẫn trả lời chú một cách nhiệt tình và suôn sẻ. 

Sau khi tạ từ hai người Linh mục và bà cụ dễ mến, chú Thương trở ra xe. Cha Thành dặn chú đi hết con đường này rồi hãy quẹo phải, tiếp đó băng lên cây cầu dừa bắc qua cái mương độn là sẽ thấy cổng Đông. Phải công nhận đi cầu khỉ hay cầu dừa đều khó như nhau, chú vừa đi vừa "đánh lô-tô", lòng thầm trách bản thân làm biếng mà chi, hồi nãy đi đại đường cái cho rồi.

Một người đàn ông trẻ hơn và tạng người sem sem chú nắm tay dắt chú qua cầu.

- Trời ơi, đợi ông qua cầu mà tôi muốn chết luôn. 

- Cảm ơn.

Cưỡng quảy buồng chuối lên vai, rồi đi xăm xăm qua cây cầu dừa.

Hồi nhỏ, trong một lần về quê chơi, chú đã bị đám bạn xô xuống cái mương độn, đầu đập vô cạnh của cây cầu dừa, máu chảy ròng ròng. May phước tụi nó chơi quân tử nên không bỏ trốn, mà chạy đi báo người lớn tới cứu chú.

Ủa mà khoan đã!

- Anh gì đó ơi! Có phải là... Trời ơi, người hay là quỷ mà mất hình lẹ vậy?

- Dạ con đang đốn chuối ở đây nè cha!

Ở bờ bên kia, Cưỡng ló mặt ra nhìn chú Thương. Hai đứa nhìn nhau mà trào máu họng. 

- Anh có phải là bà con với với Tư Kiền không?

- Hông.

- Thiệt hôn?

- Tui nói xạo đó.

- Nếu anh đúng là em trai của Tư Kiền, mau về nhà đi...

Cưỡng vẫn đang lựa thế để đốn chuối. 

- Tôi đi đây.

Ở ngoài này, mợ Hai đang càm ràm vì sợ qua giờ thọ thực thì thằng Út nhịn đói mất.

- Hay là chúng ta ghé vô đây ăn cơm luôn đi mợ Hai?

- Nhưng mà thằng Út...

- Con không có ngại đâu má. 

Chưa kịp lên xe ngồi nghỉ ngơi, chú Thương đã theo nguyên đoàn vào một quán cơm người Hoa có treo tấm hoành phi khá xưa.

- Thương. Quay mặt qua. - Mợ Hai lau mồ hôi trên mặt con trai bằng cái khăn lạnh quán để sẵn trên bàn.

Chú Thương cười tươi như đứa nhỏ được nhận tiền lì-xì ngày Tết.

Cha Thành đang ngồi soạn diễn văn cho đêm Lễ Giáng Sinh sắp tới ở đằng sau quầy thu ngân, ngó thấy màu áo Tăng sĩ của người khách mới vô thì bật cười. Cụ và cậu này mặc đồ nổi nhứt trong quán. 

- Con ăn gì Thảo?

- Dạ, con ăn hủ tíu - mỳ hoành thánh với đùi gà.

- Ăn gì nữa hôn con?

- Dạ, nhiêu đó đã quá nhiều rồi má.

Mợ Hai biết thằng Út sẽ không kêu thêm nên bà quay sang hỏi thằng Hai:

- Còn con?

- Dạ, con ăn cơm tấm thập cẩm với dồi trường heo xào.

Dì Bảy hỏi:

- Thầy đây uống chi?

- Dạ, thưa cô, cô gọi con là "Cậu" hay "Con" là được rồi. Xin đừng kêu con là "Thầy".

- Vậy con uống gì cô làm cho?

- Nó uống bạc xỉu, tôi cũng vậy. Còn thằng lớn là trà chanh đá, chị làm ơn bỏ nhiều đá cho nó nghen?

- Dạ, tôi nhớ rồi chị.

Vệ Thu ngỏ lời khen khu dân cư của Giáo xứ thật trong lành và yên tĩnh, còn khu buôn bán thì sầm uất, đông vui và tấp nập phát ham. Cha Thành nghe vậy thì liền đánh tiếng cáo lỗi, rồi mạn phép ngồi xuống nói chuyện chơi với người khách tóc hoa râm. 

Mợ Hai biết chuyến đi lại bị trễ thêm tiếng mấy, song không nhăn nhó mà chỉ ngồi nhìn mấy đứa con mà cười mủm mỉm. Sắp nhỏ ở đây đứa nào cũng là con của bà hết.

- Dạ, chị với mấy cháu ăn chè tráng miệng nghen?

- Nhiêu tiền chị cho tôi gởi luôn.

- Không, không, tặng, quán tôi hay có chương trình tặng món tráng miệng cho bàn nào kêu nhiều.

Chú Thương lên xe với tâm trạng không mấy yên ổn. Người đàn ông đốn chuối ban nãy trông rất giống với tay "cò" môi giới nội tạng, mà tay "cò" này lại là em ruột của bạn chú, tức Tư Kiền. Nếu có kẻ muốn mượn sự giống nhau giữa hai người mà giúp cho em trai Tư Kiền thoát tội thì chú sẽ mang tội nặng lắm đây.

- Con thấy Cha Thành sao Thương?

- Dạ?

Mợ Hai rầy thằng Hai vì Vệ Thu đã hỏi câu trên ba lần mà tới lần sau chót nó mới đáp lại.

- Con thấy ổng hết sức hiền và vui tánh. Đâu có hằn hộc, độc đoán như những gì mà người ta đồn thổi hay đám Youtuber lên nói. 

- Con có nghĩ tới chuyện "Ly miêu hoán chúa" không?

Chú Thương trầm ngâm, chừng như không chắc chắn nên không muốn mở miệng trả lời. 

Vệ Thu thấy vậy mới ướm hỏi:

- Con có muốn đi đâu không, nguyên đoàn sẽ ghé đó một chuyến?

- Con muốn xuống Kiên Giang gặp thằng bạn thiết.

- Nó ở đâu?

- Dạ, ở "Kiến Nghĩa đường".

- "Kiến nghĩa bất vi vô dõng dã. Lâm nguy bất cứu mạc anh hùng."? 

- Nó đó bác Ba.

Chiếc xe lại rong ruổi lên đường như một con ngựa đã được thuần chủng. Vì thấy được sự nguy hiểm tiềm tàng trong chuyến đi dài lê thê lần trước nên lần này Vệ Thu mướn thêm một người tài xế nữa, đặng cho hai người luân phiên cầm lái. 

Trước lúc về xứ biển Kiên Giang, mợ Hai biểu đoàn xe ngừng lại ở Cần Thơ để thằng Hai mua chút quà biếu bạn. Hai chàng tài xế sẵn đây xuống xe đi tiểu và châm thêm xăng với nước giải nhiệt cho chiếc xe.

Sau một hồi tra cứu trên mạng, chú Thương biểu hai chàng tài xế đưa mình tới vùng "bánh tráng Thuận Hưng". Chú hay nghe câu "Bánh tráng Mỹ Lồng - Bánh phồng Sơn Đốc" và cũng đã từng ăn thử hai món ăn chơi trên, nhưng chưa từng nếm qua đặc sản xứ gạo Cần Thơ. Kế, má của chú kêu đi mua ba khía, khô và rượu mận. Tới lượt xấp nhỏ lại than khát, nên chiếc xe lại lòng vòng quanh chợ nhỏ thêm một tiếng nữa mới trở về lộ trình cũ.

Trời bất thần đổ mưa nên hai chàng tài xế ngỏ lời khuyên nên đợi tạnh mưa rồi hẵng đi tiếp cho an toàn. Cùng đụt mưa chung với nguyên đoàn là một bà cụ bán hàng rong trên đôi quang gánh cũ mèm; cụ bán bánh lá, bánh tằm bì, bánh mặn và bánh ít trần. Ngoại trừ Trì Thương, ai cũng làm một dĩa bánh quê thơm thảo.

Mợ Hai chỉ vô dĩa bánh mặn của mình mà nói:

- Bánh này là bánh mặn, chứ không phải bánh đúc. Bánh mặn tức là sao? Tức là bánh được làm từ bột gạo hay bột năng - thậm chí có chỗ còn trộn hai loại bột này với nhau, nước cốt dừa và một số nguyên liệu khác, khi ăn chan nước mắm ớt lên dĩa bánh đã được xắt sẵn thành từng miếng vuông hoặc sợi dẹp như cọng mỳ pasta nhưng bự hơn. Đặc biệt món này phải có cà-rốt xắt hột lựu và tôm khô xay nhuyễn rồi ram với gia vị trải lên mặt bánh và ăn cặp với giá sống, nó mới đúng điệu. Cũng có người bỏ thêm thịt bằm xào và đồ chua vô để dĩa bánh "xôm" hơn.

Vệ Thu gật gù:

- Nhiều người ngộ nhận bánh này là bánh đúc của miền Bắc, nhưng kỳ thực hổng phải. Bánh đúc đâu có ăn giống vầy, thường thì bánh đúc đựng trong chén nhỏ - tô bự hoặc xắt thành sợi không đều nhau, và nguyên liệu ăn kèm rất đa dạng. Cách ăn bánh đúc của người miền Bắc cũng tương tự như cách ăn bánh quẩy của họ, tức là họ có thể ăn chung món này với đồ ngọt như mật ong, đường mía,... hay đồ mặn như cá kho, thịt bằm xào,... Ngoài ra, công thức nấu bánh đúc nguyên thủy đâu có nước cốt dừa, bột năng hay ăn kèm với giá sống, nước mắm mặn như trong đây.

Mợ Hai tiếp:

- Một điều rất rạch ròi ở bánh mặn là nó chỉ ăn kèm với bấy nhiêu thứ tôi vừa kể ở trên thôi, chứ nó không có kiểu ăn chung với nhiều món như bánh đúc. Xin phép anh Ba cho tôi bổ sung, công thức làm bánh mặn nào giờ không hề xài mỡ heo như món bánh đúc.

Vệ Thương hỏi:

- Sao nó có cái tên là bánh mặn vậy mợ Hai?

- Bánh được ăn kèm với nước mắm mặn nên nó có tên là bánh mặn đó con.

- Đơn giản quá mợ hén?

Vệ Thu trề môi:

- Nói dông dài nãy giờ mà cũng hổng biết, phải đợi người ta nói huỵch toẹt ra mới hiểu. Thứ đồ chậm tiêu.

Vừa chan miếng nước mắm lên dĩa bánh ít trần, Vệ Thương vừa ngâm nga:

- "Con giống cha là nhà có phước."

Cũng ngoại trừ Trì Thương, ai nấy nhìn nhau cười rũ, cả bà cụ cũng cười rồi mắng yêu, "Tổ bà cái thằng quỷ hỗn."

Vệ Thu trừng mắt:

- Mày với tao chắc là Tiết Đinh San với Tiết Nhơn Quý, Lý Tịnh với Lý Na

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net