Hồi Ba Mươi Lăm: Như mây mùa Hạ (b)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đến Bảo Lộc, ba người chia làm đôi ngả: Một về thành đô, một lên xứ sở sương mù. 

Thay vì ở trong một khu nghỉ dưỡng hạng sang, Vệ Thương ngỏ ý nên mướn một khách sạn ba sao thôi; rồi chừng nào Samuel Định có mặt thì hãy thuê một căn homestay đặng ở cho rộng rãi.

Dưới sự giới thiệu của bác tài-xế có giọng nói lơ lớ dễ thương, hai người trai trẻ tìm đến thương xá mới xây hai mươi tầng để mướn phòng ở. Nơi đây là tổ hợp của khu thương mại, vui chơi - giải trí, nhà hàng - quán sá, khách sạn, văn phòng, phòng khám, phòng tập thể hình,... Để tiện cho việc kinh doanh và lên - xuống của mỗi khu, kiến trúc sư đã chia tòa nhà thành ba khối chính: Khối thứ Nhứt nằm ở bên trái dùng làm văn phòng, phòng khám, phòng tập thể hình; diện tích nhỏ hơn nhưng cao hơn khối thứ Nhì vì phải dành ra hai tầng làm bãi đậu xe. Khối thứ Nhì lớn nhất trong ba khối và cũng đông vui nhất; ở đây ngày cũng như đêm, lúc nào cũng có người qua kẻ lại và buôn bán um trời. Và khối cuối cùng hướng mặt ra rừng thông nhân tạo, do đó những du khách nghỉ ngơi trong khách sạn được tận hưởng một bầu không khí vô cùng trong lành và thoải mái; khách sạn này nằm trên tầng Sáu và kéo dài tới tầng Mười Hai, còn những tầng dưới là nơi làm việc của Ban Quản Trị, Quản Lý và Bảo An của thương xá; trên tầng Mười Ba là sân vườn lộ thiên nên về đêm chỗ này sẽ rất ít tiếng ồn, thành ra hai người mới chọn một căn phòng ở tầng Mười Hai.

Trước lúc chia tay người phục vụ gốc địa phương, Vệ Thương "boa" cho chút tiền. Sự hào phóng của cậu đã đem đến một niềm vui nho nhỏ cho anh ta.

Vừa đóng cửa phòng, La Yến Thanh vừa hỏi:

- Mày ngủ ở giường nào hả Thương?

- Gần cửa. Tao có cái tật hay ăn khuya lắm nên đi ra - đi vô đỡ làm phiền hơn.

Bấy giờ hai đứa mới có dịp quan sát căn phòng: Nơi đây được thiết kế theo kiểu kiến trúc giao thoa giữa hai nền văn hóa Pháp - Việt, nhưng không gợi cho ai cái cảm giác của những năm thuộc Thế kỷ Mười Tám, ắt hẳn những trang - thiết bị điện tử tân thời bày trí khắp phòng đã phá hỏng công sức sắp đặt và ý tưởng của kiến trúc sư. Hai chiếc giường đơn cách nhau một cái tủ đầu giường bề ngang chừng thước hai, chiếc giường nào cũng được trải drap và bộ mền - gối đồng màu, đồng hoa văn; đặc biệt không có giăng mùng rủ xuống ở phần đầu giường. Tủ âm tường được đặt đối diện với chân giường; thiết kế này hơi bất tiện và kỳ khôi vì cửa phòng tắm nằm sát một bên nên không khéo những người ở cùng phòng sẽ dễ khiến đối phương bị thương.

Hai đứa thay phiên nhau đi tắm rửa, gội đầu. Trong lúc chờ đứa kia trở ra, đứa nọ treo một vài bộ quần áo lên cái móc của chiếc tủ âm tường và đặt vài món đồ cá nhân lên cái tủ đầu giường. Ngay khi mới đặt chân vào phòng, Vệ Thương đã đi sạc các thiết bị điện tử cá nhân của hai người.

- Xong rồi mày. - Út Thanh thò đầu ra ngoài phòng tắm thông báo.

- Ờ... Ê, khoan đã! Lại đây cái coi!

Út Thanh vùng vằng không chịu bỏ cái khăn tắm vắt ở trên vai xuống, nhưng cũng đành thuận theo ý nó. Anh ngồi cạnh nó, rồi để mặc cho nó săm soi vết thẹo kia.

- Tao rờ thử nghen?

- Ờ.

Trên lưng của Út Thanh có bảy vết sẹo lồi trông rất đáng sợ. Tò mò nguyên do thành hình, Út Thương hỏi nhỏ:

- Bị gì mà lắm thẹo vậy hả Thanh?

- Ông già đánh tao.

- Lấy cái gì đánh?

- Roi cá đuối.

- Kể cho tao nghe rõ hơn được không?

- Bữa đó tao đi hát đám cưới, về hơi trễ chút, ổng tưởng tao vô mấy cái chỗ thác loạn mà mấy đứa ký giả hay đăng nên chửi tao té tát. Mẹ tao cũng hổng thèm binh, còn hất cái bánh kem mà gia chủ cho tao xuống sàn nhà. Tao tức quá mới cãi tay đôi lại. Rồi ông già tao với tay lấy cây roi cá đuối quất xối xả vô bản lưng tao. Không nhờ anh Hai Nghĩa với anh Năm Tường nhảy ra can, chắc tao ngồi liệt một chỗ luôn rồi. 

Trong tiếng nấc nghẹn, Út Thanh kể tiếp:

- Vô nhà thương, bác sĩ hỏi tao bộ gây thù chuốc oán dữ lắm sao mà bị người ta đánh đến nỗi bầm da - thúi thịt vậy? Tao làm thinh luôn. Anh Hai với anh Năm cũng câm luôn. 

Út Thương ngó thằng bạn mà thở dài thườn thượt.

Út Thanh đứng lên mà hỏi:

- Đi ăn gì đây? Ăn phở không?

- Thôi, tao ghét ăn phở với bánh tráng bỏ nhưn nướng.

- Vậy mày muốn ăn cái gì?

- Cơm tấm, hủ tíu hay thức ăn nhanh công nghiệp cũng được.

Nhưng trước hết, Út Thương phải đi tắm cái đã. Vừa đóng cửa phòng tắm, cậu vừa nhìn Út Thanh. Người bạn thiết đang sấy tóc, sấy luôn những giọt lệ sầu đang đọng trên mi.

Lối chừng một tiếng sau, hai người mới đi qua Khối Hai.

Trái ngược với sự tĩnh lặng của hai Khối kia, khu vực này hết sức ồn ào và đông vui, gần như mỗi mét vuông là có ba người. Mùi thức ăn đã và đang chế biến có ở khắp mọi nơi. Các rạp chiếu phim đông nghẹt khách, từng hàng dài người đứng đợi mua vé xem trông thật xôm tụ. Không khó để bắt gặp những người làm công việc rải tờ rơi, họ có mặt ở toàn bộ Khối này.

Tiếng hát Ngọc Lan trong bài "Tình yêu thiết tha" vang lên trong một nhà hàng thưa khách ở tầng Mười; nhạc sĩ Lê Hựu Hà đặt lời Việt từ ca khúc "La vie, c'est une histoire d'amour" của đôi tác giả Christophe - Yves Dessca.

- Ghé đây ăn đi mậy. - Út Thanh đề nghị.

Nhân viên hết sức niềm nở, vừa thấy hai người đứng xớ rớ ngoài cửa liền tươi cười rước vào ngồi, không quên giới thiệu những món ăn đặc sắc của nhà hàng. Cũng theo lời khuyên của nhân viên, họ ngồi ở cái bàn ở góc trong cùng mé bên tay trái và sát vách kính chạm trần; từ đây có thể nhìn thấy quang cảnh bên ngoài khá rõ.

Đưa cho hai chàng Út hai cuốn thực đơn xong, nhân viên đó quay trở ra cửa chính đón khách tiếp.

Vệ Thương rất mừng khi thấy có món gà chiên bột và bơ - sữa. Kể từ ngày về quê hương, cậu ít có dịp ăn mấy món này vì một phần muốn nếm thử đồ ăn xứ Việt, một phần là do baba la rầy và bắt phải bớt ăn. Cậu quyết định chọn món này với một phần mỳ Ý sốt thịt bò bằm, khoai tây làm theo kiểu "Poutine" của Gia Nã Đại và salad tôm luộc rưới sốt rượu vang.

Riêng La Yến Thanh, anh chọn cơm gà Hải Nam và súp bào ngư. Còn đồ uống thì anh chọn trà dâu tằm có đá viên thật ít đường.

Trong lúc đợi bữa ăn dọn lên, Vệ Thương chống cằm ướm hỏi:

- Mày với anh Định...

- Bạn thôi mậy. - Nói tới đó, La Yến Thanh khỏ đầu thằng bạn nhỏ tuổi cái cốc. - Ảnh coi tao như Mười Anh vậy.

Út Thương xoa xoa đầu mà nhếch miệng cười chống chế:

- Ờ, tao quên, ảnh là cựu chủng sinh của Dòng Chúa Cứu Thế, xém chút nữa là thành tu sĩ rồi.

- Tao vẫn không hiểu tại vì căn cớ gì mà ảnh phải bỏ tu?

- Có lẽ là do trọng trách và chức sắc nên anh Định không thể vừa làm tu sĩ vừa thâm nhập giới giang hồ để điều tra phá án được.

- Ảnh đâu phải "Cha Nhà thờ" trong phim "Người trong giang hồ".

Út Thương chợt ra hiệu cho Út Thanh hướng mắt nhìn về phía thang cuốn. 

Một người đàn ông đang bị hai bảo vệ lôi xuống thang cuốn, ý chừng muốn tống khứ anh ta ra khỏi đây. 

- Trời ơi, chỗ người ta buôn bán mà quậy quạng kiểu này không bị đuổi ra mới lạ.

Út Thanh nổi máu nhiều chuyện hỏi:

- Nhưng mà phải có cái gì khuất tất thì ông này mới vô đây quậy chớ?

- Ôi, nó nói tụi bây bắt cóc mẹ tao.

Sau bữa ăn no nê, hai chàng Út mới đi kiếm người đàn ông ban nãy.

Sau hơn một tiếng vừa tìm kiếm vừa ngắm cảnh, hai chàng Út thấy anh ta đang ngồi dưới gầm cầu cách thương xá chừng ba trăm mét về phía Đông. 

Trước sự thăm hỏi vồn vã của hai người, anh ta phát cáu nhưng vẫn gắng gượng cười và nhẹ nhàng cất lời khước từ.

Biết rằng không thể moi được tin tức gì từ người này, hai chàng Út đành ra về. Không quên để lại một hộp cơm sườn xá xíu - chả trứng kèm đồ chua, một hộp canh và một ly cà-phê sữa đá cho anh ta. Tuy chỉ mới gặp mặt lần đầu nhưng hai người có cảm giác người này rất giống với người mà anh Định đang tìm, tiếc rằng anh Định không có ở đây hay chịu bắt máy để họ giải đáp khúc mắc trong lòng.

Bảo Lộc về đêm rất lạnh đối với người đã quen với thời tiết nóng nhiều hơn lạnh như La Yến Thanh. Anh vừa đi vừa đánh răng lập cập.

- Mày dở lạnh thiệt. 

Út Thanh hà hơi vào hai lòng bàn tay để ủ ấm.

- Uống sữa đậu nành không?

Vậy là hai người ghé vô một xe bán sữa đậu các loại để làm một ly cho ấm người. Người bán là một bà cô gốc Quảng Ngãi, ở đâu được một thời gian liền đem hai con gái vô đây luôn, hiện nguyên nhà đang sống ở khu cư xá gần nhà thờ Con Gà.

Út Thương sung sướng bày tỏ:

- May mà ở đây có bán sữa bắp. Vú nuôi bên Mỹ hay làm cho tao uống lắm, giờ bà đã "về hưu" và ít khi lui tới thăm tao nên tao hết còn được uống sữa bắp tự làm.

- Mua cái máy về làm.

- Mày có biết công đoạn sơ chế trước khi nấu nó cực cỡ nào không?

Nói tới đây, hai thằng nhìn nhau cười ngả nghiêng ngả ngửa. Rồi Út Thanh hứa khi nào về Sài Gòn sẽ đãi nó một chầu sữa bắp do mình tự làm.

Đi taxi hoài cũng chán, hai chàng Út bèn thuê xe đạp đôi chạy vài vòng ngoạn cảnh. Chạy hai chiếc riêng thì rườm rà và choáng đường quá nên họ mới đưa ra quyết định trên.

Út Thương hóm hỉnh:

- Ông già tao mà thấy cảnh này chắc ổng hộc máu tam thăng.

Út Thương cũng không vừa. Anh lườm mắt nhìn nó mà châm chọc đáp trả:

- Tao không muốn có ông bồ mà tướng tinh như Marsupilami. Giờ mày ngồi trước hay ngồi sau?

- Ngồi sau.

- Khôn quá há?

- Khỉ rừng mà. Phải khôn chớ?

Trước ánh mắt hiếu kỳ của kha khá người trên phố, hai chàng Út rong ruổi trên những vỉa hè đèn điện sáng choang và rực rỡ ánh đèn màu. Vì đã no căng bụng nên hương thơm quyến rũ của những món ăn không cù rủ được hai người ngừng lại mua. Thêm nữa có rất ít món mà Út Thương ăn được nên Út Thanh cũng ngại mời.

Ngang quá một quán cà-phê bày trí theo phong cách Tây Âu hết sức lộng lẫy và phô trương, những bản nhạc tân thời xứ Việt được phát lên ầm ĩ, như muốn làm thủng màng nhĩ khách bộ hành. Trong đó ắt hẳn có DJ, mà mắc cười ở chỗ một vài bài nhạc ca sĩ hát vốn không rõ lời, bây giờ còn hòa âm phối khí lại nghe hổng được chữ nào mà còn khiến một số bản thì nghe như đang gây lộn, một số thì làm thính giả nghe ra lời khác. 

- Tao bị "nhiễm trùng lỗ tai" rồi. - Út Thương than thở.

- Vậy nghe ca sĩ thứ thiệt hát đi.

- Mấy người đang hát hổng phải ca sĩ hả? Hèn gì dở quá.

- Ừ, "ca lẻ".

- Khỉ, làm tao lóng tai nghe. Rồi, ca sĩ đâu?

Út Thanh bèn mở bài "Hè 42" do nhạc sĩ Phạm Duy đặt lời Việt theo nội dung từ ca khúc "L'été '42" của nhạc sĩ Pháp Jean Dréjac do trai của cụ là Duy Quang ca; bản gốc của cả hai nhạc phẩm trên mang tên "Summer of '42" của tác giả Michel Legrand.

- Bài này Don Hồ ca cũng hay lắm.

- Nghe thì cũng hay thiệt, nhưng mà...

- Mày đâu phải trưởng đoàn rạp xiếc mà ưa sôi động dữ vậy?

- Chiều em mày đi mà...

- Ôi lạy Chúa lòng lành!

Nhưng Út Thanh không tìm bài hát sôi động theo ý thằng bạn nhỏ, khuya lơ khuya lắc, bật nhạc um sùm khiến chúng chửi mệt lỗ tai.

...

Tới lưng chừng trưa, hai chàng Út mới khăn gói lên "xứ sở ngàn hoa". Người đưa họ đến đó là một ông chú đã ngoài bốn mươi, sống đơn thân với ba đứa con và hai đấng sinh thành.

Vì chuyến đi khá dài nên hai chàng Út rủ người tài-xế đi ăn cơm Tây, bụng dạ no rồi thì lái xe mới vững. Thấy sắc mặt anh ta nửa tin nửa ngờ, Út Thanh cười giỡn:

- Tôi là người Nam Kỳ nói giọng miền Tây, nào giờ hổng có biết gạt ai đâu.

Nhà hàng ấy nằm trong khu thương xá luôn, nên người tài-xế đỡ tốn công đi xa nhưng phải mất phí giữ xe. Út Thương bèn trả tiền giùm.

Thấy cảnh nhà của ông chú quá đỗi cơ cực nên Út Thương ngỏ lời mua cơm đãi gia đình. Ông chú đồng ý ngay tắp lự.

- Cảm ơn các cậu nha. Tôi chạy xe ế quá nên dạo gần đây cả nhà phải ăn hà tiện hà tặn. Nay có đồ ăn ngon chắc hai cụ và chúng nó vui lắm.

Bây giờ đã có xa lộ, nhưng vì xa lộ vắt qua những triền đồi thông reo hay đường núi gấp khúc nên tưởng đã gần mà hóa ra vẫn xa xôi khôn cùng. Dù rất tò mò, song không ai trong hai chàng Út dám mời người tài-xế kể chuyện dị thường xảy ra trên các cung đường Tử Thần hay những ngôi biệt thự ma ám vang danh ở Lâm Đồng.

Như nhìn thấu tâm can hai người khách Nam Kỳ, người tài-xế Bắc Kỳ liền vui miệng thuật lại những mẩu chuyện huyền bí và rùng rợn mà anh ta nghe được từ bạn bè, đồng nghiệp hoặc không, và bố mẹ mình. Phải công nhận anh ta kể chuyện rất lôi cuốn, đáng ra nên đi làm nghề chuyển âm phim hay lên Youtube kể truyện ma mới đúng.

Nói một hồi cũng mỏi miệng, người tài-xế bèn mở nhạc lên nghe cho đỡ trống trải. Chú chọn bài  "Giã từ Đà Lạt" do Duy Khánh tự sáng tác và trình bày:

"Đà Lạt ơi, thôi giã từ em nhé

Ôi Lâm Viên, ôi thác cao, đồi xa

Ôi thông reo, ôi suối vàng run rẩy

Có nghe ước thề hiện về trong bước ai đi?"

Nghe đâu được vài câu, Út Thương ngoẹo đầu ngủ khò.

Út Thanh nhéo lỗ tai thằng bạn để lay nó dậy:

- Cái thằng này, hổng có "yêu Nước" gì hết trơn.

Út Thương lèm bèm:

- Em "yêu" ông Hoa-Thịnh-Đốn hơn.

Người tài-xế cũng góp tiếng bông đùa:

- Ai mà không "yêu" ông George Washington hở các cậu? Có bác ấy thì đời mình xán lạn hơn.

Hoàng hôn đã khuất bóng hẳn hòi, ba người mới có mặt ở Đà Lạt.

Tòa biệt thự nhà họ Vệ nằm bơ vơ giữa một khoảnh rừng thông rậm rạp. Trong nhà có một bà quản gia, hai me - con đầu bếp gốc K'Ho, hai người đàn ông làm vườn và lau chùi nhà cửa, một anh tài-xế mới vừa đi quân dịch xong và một cô giúp việc lặt vặt trong nhà; tính ra gia chủ còn ít hơn người làm.

Người tài-xế "mồ côi vợ" ngẩn tò te nhìn tòa biệt thự tráng lệ có lối kiến trúc kiểu Pháp Quốc một đỗi, mới trấn tĩnh mà lên xe chạy về được. 

- Tôi về...

Út Thương giơ tay cản:

- Vô ăn cơm, đi vệ sinh và rửa mặt cho tỉnh táo cái đi rồi hẵng về.

Anh ta bật cười xuýt xoa:

- Thế cũng được. Cảm ơn cậu nhé?

Hai me - con đầu bếp mời người tài-xế Uber ấy ăn bánh gan và uống cà-phê đen đá. Riêng về phần cậu chủ và khách quý của cậu, họ sẽ làm trái cây dĩa đặng ăn cho mát người.

Đứng trong bếp nhìn ra khoảnh sân bên hông nhà, Út Thương chợt ngó thấy người đàn ông hôm qua, nên chưng hửng hỏi bà quản gia:

- Ủa? Ai vậy vú?

Bà quản gia cuống quít giải thích cho cậu Út hiểu:

- Dạ, chú này mới vô đây làm được... vài tiếng hà cậu. Mà có chi không cậu?

Út Thương lắc đầu cười xòa rồi nói:

- Hôm qua "Gặp nhau làm ngơ", nên bữa nay hơi bỡ ngỡ thôi vú. 

Bà quản gia liếc mắt nhìn "Người Việt trầm lặng" đang lui cui cắt tỉa cây kiểng, lòng tự trách cái tánh thày lay của bà đã xém chút nữa hại chết bà.

Không muốn chuyến nghỉ dưỡng bị phá hỏng, Vệ Thương bèn hối La Yến Thanh lên lầu chọn phòng ngủ. Do ông già lo xa nên trong nhà vừa có thang máy vừa có thang cuốn, cộng thêm cái thang máy vận chuyển vật nặng, thành ra ở đây có tới ba cái thang điện. 

Vừa bước vô thang máy, Út Thanh vừa hỏi:

- Nhà mày giàu dữ vậy mà mày bình dân quá, không có phách láo như nhiều đứa học trường Quốc Tế trên Sài Gòn mà tao đã từng gặp. Tao làm tóc cho tụi nó mà tụi nó coi khinh tao ra mặt, nói chuyện thì cứ câng câng cái mặt lên một khúc, mở miệng là "xổ" tiếng Anh. 

- Ba tao hay khuyên lơn như vầy: "Tụi bây may mắn đầu thai làm con tao, ăn sung mặc sướng, ở thì có kẻ hầu người hạ - đi thì có xe đón xe đưa, muốn mần chuyện chi cũng dễ dàng, thì phải biết trân trọng cuộc sống, siêng năng học hành và tuyệt đối đừng coi khinh người kém khá giả hơn mình. Bởi vì cha - ông tụi bây đã từng là hạng cùng đinh trong xã hội, không nhờ bàn tay của những người hảo tâm nâng đỡ thì làm sao mà có được cơ ngơi như ngày nay, thành ra tụi bây phải biết quý trọng mọi người và nếu có thể giúp được thì cứ giúp, đừng sanh tâm nghi ngờ hay ban ơn cho ai hết..."

Sau vài lượt ngắm nghía, Út Thanh chọn căn phòng có tầm nhìn hướng ra con suối gần đó. Trong phòng thiết kế và sắp đặt theo lối Tân Cổ Điển, vách được phủ bằng giấy dán tường chấm bông thanh nhã, trần được ốp thạch cao có hoa văn đắp nổi rất công phu và sàn nhà được trải thảm nhung vừa êm chân vừa ấm áp. Cửa sổ cao đụng trần, chiếm trọn một góc phòng, tuy có hai lớp màn cửa che chắn nhưng người ngủ trong phòng vẫn e sẽ khó ngon giấc vì khung cảnh bên ngoài vẫn dễ dàng lờ mờ thấy; một bộ bàn ghế đôi đặt gần cái cửa sổ to tướng ấy để người ở trong phòng ngồi đó thưởng trà và ngắm cảnh. Giường ngủ thuộc cỡ lớn nhất, ba người nằm lên còn rộng rinh; ở trển đặt một cái gối đầu dài, hai cái gối đơn, hai cái gối ôm, một cái mền lớn và hai cái mền riêng, hết thảy đều có cùng họa tiết và đều được thêu tay hết sức tinh xảo và tỉ mẩn. Mỗi bên đầu giường có một chiếc tủ nhỏ, trên mỗi chiếc đặt một cái đèn bàn có chụp bằng vải đính lông vũ tỏa ra ánh sáng vàng ấm dịu mắt. Ngoài ra, trong phòng còn có một cái tủ quần áo âm tường, một cái kệ đóng bằng gỗ cây xoan đào cao hơn mét sáu và một cái kệ lùn dùng để TV, đầu đĩa, bộ loa và máy hát - cái kệ lùn này được đặt đối diện với giường ngủ.

- Ê Thương, mày lại coi cái thằng cha hôm qua kìa.

Út Thương dòm người đàn ông đang chăm chú làm vườn thật lâu, mới nhướng mày hỏi:

- Sao mậy?

- Độ rày tao toàn nghe đi tìm bố, chớ có ai đi kiếm mẹ bao giờ đâu...

- Ờ há! Cha nội này là ai vậy cà?

Thấy trời hãy còn sáng bửng, Út Thương rủ Út Thanh lên đồi thông ngắm hoàng hôn.

Đến đời tổng thống Khánh, ông đã ra lệnh tháo dỡ các công trình kinh doanh và giải trí không cần thiết để trả lại thiên

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net