Hồi Hai Mươi Ba: Như nhành mai nở rộ trong tuyết sương (c)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cổng rào vang lên tiếng chuông báo. Cậu giúp việc bèn nhanh chân chạy ra coi ngó. An Kỳ khoan thai chắp tay đi sau lưng; anh tính nếu đúng là người của nhà hàng tới giao đồ thì anh sẽ ra tiếp, còn nếu không phải thì để cậu Nhân đuổi khách hộ.

Đầu bếp và hai người phụ bếp mau mắn bày biện bàn ăn. Các món ăn khai vị hãy còn dư hơn phân nửa, nhóm đứng bếp bèn đem cất để tối cho lũ mèo hoang ăn.

Các món ăn mà cậu Út nhà họ Vệ đặt cũng không có gì cao sang quá thể: một thố cơm chiên Dương Châu, một cặp gà nướng muối ớt, mấy ký tôm hùm đất sốt Cajun, năm con cua hấp bia, năm tô súp tóc tiên và năm phần gỏi rau tiến vua. Vì biết một trong ba người ấy phải lái xe nên cậu không đãi bia.

Trong lúc ăn uống, Vệ Minh kể cho họ nghe những mẩu chuyện về quãng thời gian nằm viện của mình. Với giọng nói trầm ấm, rõ và thanh, mạch truyện mà cậu ta thuật lại trở nên cuốn hút hơn hẳn. Thấy chồng và nhóm người kia ngừng ăn để theo dõi câu chuyện của mình, cậu bèn gắp cho mỗi người một cái đùi gà nướng muối ớt.

Vệ Minh mở điện thoại, bật danh sách nhạc yêu thích lên để ra hiệu tạm ngừng cuộc trò chuyện. Nhưng âm nhạc lại khơi gợi chủ đề cho bộ ba kia cất giọng bàn luận.

- Có phải tình khúc "Uống nước bên bờ suối" của đôi uyên ương Lê Uyên Phương không? - Phan Hoài Việt khẽ khàng hỏi.

- Phải. - Vệ Minh vừa đáp, vừa gắp cái phao câu gà vào trong chén của mình. An Kỳ đang gỡ thịt trong mai cua và mấy cái càng.

- Trời sinh một cặp.

Không rõ Trần Cảnh Chiêu ám chỉ ai, nhưng tự dưng trong lòng đôi vợ chồng trẻ cảm thấy vui vui.

Trần Cảnh Chiêu múc thêm cơm chiên Dương Châu, rồi thấp giọng tâm tình:

- Tiếng hát nức nở nó khác, tiếng hát rên rỉ, than khóc, kể lể nó khác. Nhiều cô ca sĩ thời nay ráng giả bộ nức nở mà không thành công, đâm ra tự biến màn trình diễn của mình thành "nhạc đám ma".

Vệ Minh nói:

- Như cô Lê Uyên đấy, khi song ca với chú Phương, cô đã dốc hết tình cảm với người chồng vào trong từng câu, từng chữ. Cô nức nở, giãi bày, chứ không phải là rên rỉ hay riết rống khóc than.

Tiếng lột vỏ tôm vang lên "tanh tách...", tiếng dùng kềm bẻ càng cua kêu "rôm rốp", tiếng muỗng đũa va vào tô, dĩa, chén, thố "keng keng",... Ngoài kia sóng biển vỗ rì rào, loài chim biển nào đó vừa buông lơi chuỗi âm thanh thánh thót của mình giữa thinh không quang đãng.

Vệ Minh ăn xong vài muỗng súp tóc tiên, cậu dõi mắt nhìn chậu sứ hồng trên lan-can hiên nhà, rồi cất giọng bình phẩm:

- Có thể với nhiều người ông Anh Khoa không ca hay bằng các bạn đồng nghiệp như Tuấn Ngọc, Duy Quang, Tuấn Vũ, Jo Marcel, Tuấn Anh, Vũ Khanh,... nhưng về khoản hát truyền cảm thì chắc chắn ông ấy không bao giờ thua sút các bạn. Ông ấy hát với tâm thế như mình là nhân vật chính của ca khúc vậy. Và một điều đáng quý là ông ấy luôn luôn hát đúng lời bài hát mà nhạc sĩ đã dày công sáng tác. Tỷ như trong "Bài không tên số Bảy" của nhạc sĩ Vũ Thành An chẳng hạn, câu cuối là "Bao giờ đời sẽ vơi", nhưng có nhiều danh ca lại hát nhầm thành "Bao giờ đời sẽ vui"; và cả chữ "Ư" trong hai câu "Sẽ nâng niu đời nhau ư?" và "Sẽ cho nhau đời nhau ư?", rất nhiều danh ca khi hát đã bỏ qua chữ này và đã làm mất đi hình thức câu hỏi của chúng. Ông ấy là một trong những ca sĩ hiếm hoi hát đúng lời "Bài không tên số Bảy".

- Tôi thích nghe "Bài không tên cuối cùng" do ông Anh Khoa trình bày, còn "Bài không tên cuối cùng tiếp nối" thì tôi chọn ông Tuấn Ngọc. - Trần Cảnh Chiêu vừa gắp một đũa rau, vừa nói.

Đặng Xương Tuyết góp lời:

- Nói đến chuyện chép nhạc mới nhớ, mỗi bận trích dẫn nhạc của ông Trần Thiện Thanh, tôi không biết nên để lời Một hay là lời Hai, thậm chí là cả lời Ba...

- Trần Thiện Thanh và nhóm nhạc Lê Minh Bằng có hàng trăm bút hiệu, nếu như không tra cứu chắc tôi cũng không biết đó là bài do họ sáng tác mất. - Vệ Minh lắc đầu cười trừ. Đoạn hỏi. - Anh có biết xuất thân của các nữ ca sĩ trong nhóm Tiếng Tơ Đồng không?

- Bà Quỳnh Giao là hoàng tộc triều Nguyễn, tên thật là Công Tằng Tôn Nữ Đoan Trang. Bà Như Thủy là em gái ruột của ông Trần Thiện Thanh. Bà Mai Hương là con gái của ông Phạm Đình Sỹ, cụ là anh ruột của Thái Hằng, Thái Thanh, Hoài Trung và Phạm Đình Chương. Và bà Tuyết Mai là người vợ đầu của ca-nhạc sĩ Duy Khánh.

- Toàn là nữ lưu kiệt xuất không nhỉ? - An Kỳ cất giọng trầm trồ.

- Phải.

Câu chuyện lại ngưng ngang một cách đột ngột. Tiếng sóng biển khỏa lấp bầu không khí im ắng nơi bàn ăn ê hề các món ngon mọi miền.

- Patio nhà hai người có hướng nhìn đẹp thật. - Đặng Xương Tuyết rút khăn giấy để sẵn trong hộp trên bàn ra lau miệng.

- Tòa nhà này là quà sinh nhật của tôi. - Ánh mắt Vệ Minh nhuốm màu hoài niệm. Hình như cậu ta toan nói điều chi nhưng bị ý nghĩ nào đó chặn đứng lại nên thôi.

An Kỳ thấy vợ mình chợt trở nên trầm mặc thì gắp vào chén cậu một cái phao câu gà.

- Tôi không sao đâu. Cảm ơn cưng.

Mãi đến hơn một giờ trưa thì tiệc mới tàn. Thức ăn ở trên bàn đã hết sạch, nên nhóm phụ việc trong nhà dọn dẹp đỡ vất vả.

Đôi vợ chồng biểu họ vào nhà vệ sinh rửa tay rửa mặt rồi hẵng ra về.

Trần Cảnh Chiêu và Vệ Minh đều hiểu và biết bản thân không bị đối phương dẫn dắt theo ý đồ mà bên kia đã vạch sẵn từ trước. Việc pháp y Cảnh tới nhà cậu chứng tỏ rằng cậu không hề dính dáng gì tới thứ mà anh ta cần tìm kiếm để công bố trước ánh sáng, bởi vì chẳng có ai ngu tới nỗi tới nhà nghi phạm hỏi thẳng và ngồi ăn uống tự nhiên vậy cả. Và việc cậu Út nhà họ Vệ kể đúng những gì mà Trần Cảnh Chiêu cần xác minh đã giúp anh có thêm cơ sở để tìm kiếm chứng cứ vạch mặt kẻ thủ ác.

Chiếc xe Mazda màu trắng sữa lấp lánh dưới muôn vạn tia nắng chói chang của một ngày hè oi ả. Bây giờ mà chui vào ngồi liền là sẽ bị "thui chín" ngay.

Phan Hoài Việt dặn hai người bạn mở giùm bốn cánh cửa xe để bên trong bớt hầm và thoáng khí hơn. Đợi chừng mười lăm phút sau, anh thầy vào xe trước khởi động máy, rồi mới kêu hai người kia vào trong xe ngồi. Khi bốn cánh cửa vừa đóng lại, anh thầy liền bật máy lạnh lên.

- Ăn no buồn ngủ quá... - Trần Cảnh Chiêu vươn vai ngáp dài.

Đặng Xương Tuyết mở sách ra đọc. Anh chọn cuốn "Chưa tắt nụ cười" của nhà văn Nguyễn Sỹ Nguyên đem theo đọc.

- Anh Tuyết này...

- Hửm? - Đặng Xương Tuyết chỉnh kính mắt.

Trần Cảnh Chiêu nhìn anh bạn ký giả thông qua kính chiếu hậu treo trên trần xe:

- Nếu như có kẻ đổ thừa vì bài viết của anh mà tính danh của nhân vật trong bài gặp nguy hiểm thì anh sẽ ứng phó sao?

- Vậy nếu có kẻ cầm dao giết người thì anh có bắt luôn người bán dao không? Họ chỉ bán dao với những mục đích sinh hoạt đời thường như làm đồ nghề, làm vườn, làm bếp,... Anh mua dao của người ta rồi anh nổi nóng hay nổi máu điên lên chém hay giết người, tới chừng bị kết án thì bù lu bù loa lên là tại có người bán dao nên tôi mới hại người. Tương tự vậy, anh đọc bài viết của tôi rồi nổi tính xấu đi "khủng bố tinh thần" hay giở trò lừa lọc nhân vật trong bài thì đó là tội lỗi của anh, tôi đâu có can hệ gì ở đây.

Có thời điểm bị phe thủ ác phát hiện danh tính mà tài khoản Facebook của Trần Cảnh Chiêu bị "dội bom" bằng tin nhắn và bình luận rác. Anh cười khinh bọn chửi thuê đó, rồi ung dung sống tiếp như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Nếu ai cũng "câm" hết thì Đất Nước này sẽ đi về đâu?

- Tôi mang ơn anh lắm đấy anh Tuyết...

- Mang ơn chuyện gì?

- Anh làm luật sư đứng cãi cho phe Ác thì chắc chắn bọn tôi sẽ vất vả lắm đấy. Bởi anh tranh biện rất hợp tình hợp lý, có đầu có đuôi, nên tôi nhất thời không thể bắt bẻ anh được.

Đặng Xương Tuyết lắc đầu và cười xòa, đoạn cúi mặt đọc sách tiếp.

- Sao tự dưng anh cười vậy? - Trần Cảnh Chiêu hỏi.

- Tôi nhớ tới bài thơ "Nhất định thắng" của cụ Trần Dần, bạn rất thân của cụ Phùng Quán, Hữu Loan và Bùi Giáng.

- Đọc chơi một đoạn đi anh.

Đặng Xương Tuyết ngâm nga:

"... Tôi đi giữa trời mưa đất Bắc

Đất hôm nay tầm tã mưa phùn

Bỗng nhói ngang lưng

Máu rỏ xuống bùn

Lưng tôi có tên nào chém trộm?"

- Nếu như tôi nhớ không lầm thì "nhờ" bài thơ này mà cụ "được" sắc phong danh hiệu "phản động" và bị bắt đi "học tập cải tạo" chung lứa với cụ Phùng Quán và cụ Hữu Loan phải không? - Phan Hoài Việt nhếch miệng cười buồn.

Vụ án Nhân Văn Giai Phẩm. Một trang sử bị giấu kín và bôi lệch bấy lâu nay.

- Phải. - Đặng Xương Tuyết lấy thẻ giấy kẹp vào giữa hai trang sách, rồi khui chai nước suối ra uống.

Trần Cảnh Chiêu lại che miệng ngáp dài. Cả đêm hôm qua anh ta dành trọn thời gian trực ở nhà xác, nên giờ buồn ngủ vô cùng.

- Ba vị sĩ phu Bắc Hà thứ thiệt bị đày ải nơi rừng thiêng nước độc chỉ vì dám nói lên chính kiến của mình. - Đặng Xương Tuyết rũ mắt cười buồn. - Mà tôi thấy bài thơ "Nhất định thắng" đâu có nghiêng về phe đối lập với chế độ cụ ấy đương theo đâu mà vu cho cụ cái danh "Phản động"?

Phan Hoài Việt bật xi-nhan trái để chuẩn bị rẽ vào làn trái. Anh chạy thêm một đoạn đường mới dận ga và rẽ trái, sau đó anh nói:

- Cụ Trần Dần đã dùng dao lam cắt cổ tự sát để tỏ rõ lòng trung thành với lý tưởng mà mình đã chọn theo.

Có người nhắn tin cho Đặng Xương Tuyết, chắc là người của tòa soạn nhắc nhở về thời hạn nộp bài, nên anh ta mới hồi âm ngay lập tức. Ấy là sự dự đoán của anh thầy.

Thấy ánh mắt chàng ký giả đang hướng về mình, Phan Hoài Việt trở lại bình luận tiếp, bởi anh biết đây là dấu hiệu khuyến khích ai đó nói chuyện của anh ta:

- Thế là kể từ giờ phút ấy, cụ Bùi Giáng có thêm ba người bạn "bất bình thường": Phùng Quán, Hữu Loan và Trần Dần. Có lẽ các bạn thiết của cụ Bùi Giáng đã học theo cụ, rũ sạch mọi thứ để sống trong Cõi Thơ không có mùi máu lửa chiến tranh, không có xung đột tư tưởng chính trị và không có những lời tuyên truyền mị dân lật lộng vốn đã giẫm nát cuộc đời không biết bao nhiêu người trai đất Việt. Họ gặp nhau một cách ngẫu nhiên, ra về cũng bất định, luận thơ tùy hứng. Nhưng sao tôi thấy các cụ còn tỉnh hơn khối kẻ bút nô trên đời này.

Đặng Xương Tuyết bỗng cao hứng đặt thơ:

"Bút nô ở lại một bầy

Đày người chí sĩ đi làm xa phu

Văn chương phải rõ lòng son

Chứ đâu có phải ton ton bợ người."

Phan Hoài Việt liếc mắt sang phía Trần Cảnh Chiêu rồi cười nói:

- Cũng hệt như pháp y Cảnh vậy. Khi anh ta đứng về phía Công Lý, bọn người trong bóng tối sẽ tìm đủ mọi cách chém trộm anh ta. Chúng có thể công kích anh ta bằng những lời lẽ sâu mọt, bẩn thỉu nhất, hòng làm tay anh ta run, chí anh ta sờn, mắt anh ta mờ mịt, để bản giám định biến hóa theo ý chúng.

- Cụ Phùng Quán từng viết bài thơ "Tôi chỉ viết trên giấy có kẻ dòng", trong đó có một đoạn như sau:

"... Nhưng là nhà văn và xạ thủ

Tôi biết

Khó vô cùng bắn trăm phát trúng cả trăm

Và càng khó hơn

Viết trọn một đời văn

Giòng đầu thẳng ngay như giòng cuối

Khi bàn tay đã đuối

Khi tấm lòng đã mỏi

Khi con mắt bớt trong

Khi dũng khí đã nguội..."

Phan Hoài Việt vặn núm xoay trên bảng điều khiển để tăng thêm mức lạnh. Rồi khẽ khàng nói:

- Cụ Hữu Loan khi nghe tới chuyện bài thơ "Màu tím hoa sim" của mình được các nhạc sĩ bên phe đối lập phổ nhạc thì vô cùng kinh ngạc. Cụ còn ngạc nhiên hơn khi thấy công chúng ở đó đón nhận bài thơ và đón chào cụ vô cùng nhiệt liệt, trái ngược hẳn với thái độ ở nơi chôn nhau cắt rốn của cụ...

Đặng Xương Tuyết gật đầu thật mạnh.

- Nếu không tin những gì tôi nói, trên mạng đầy rẫy tài liệu về cụ Hữu Loan và câu chuyện xoay quanh bài thơ "Màu tím hoa sim", cũng như danh mục các bài hát phổ nhạc từ thơ của cụ.

- Anh có cho sinh viên của mình biết về vụ án Nhân Văn - Giai Phẩm không?

- Có. Tôi bắt các trò phải biết để tự nghiệm lấy lý do tại sao tôi lại khác thường hơn so với những ông thầy công xưởng kia. Tôi quyết không kêu gọi các trò ấy phải tôn thờ bất kỳ ai, tin tưởng theo chủ nghĩa nào và yêu thích ai đó để lấy lòng tôi. Tôi quyết dạy các trò ấy cách chấp nhận sự thật trong dòng chảy lịch sử nước nhà, dám phản biện và bắt lỗi khi tôi nói sai, nói nhầm, tự do thể hiện tư tưởng, chính kiến và ngôn luận của mình, và còn rất nhiều điều nữa mà tôi sẽ quyết làm cho tới khi trút hơi thở cuối cùng, tất cả tựu trung lại đều theo câu "Nhân bản - Khai phóng - Dân tộc".

Trần Cảnh Chiêu trở mình, hình như anh ta tưởng đang nằm trên chiếc giường nệm thơm mùi tổ ấm nên tính day mặt vào "vách" cho đỡ chói mắt. Đầu anh ta va vào cửa sổ xe nghe một cái "Cốp".

- Anh có sao không anh Cảnh? - Phan Hoài Việt bật cười.

- Thấy cả một nùi sao luôn.

Phan Hoài Việt bật bản nhạc "Tám điệp khúc" do "Chim vàng Mỹ Tho" Hoàng Oanh trình bày lên nghe. Cô và cô Thái Thanh, cô Thanh Thúy, cô Phương Hồng Quế là một trong những bậc anh thư trung trinh với lý tưởng đã chọn.

- Bài này bác Nhật Trường và bác Duy Khánh hát hay lắm. - Đặng Xương Tuyết đưa mắt nhìn cảnh vật qua ô cửa sổ trái.

Phan Hoài Việt vừa ngó dáo dác kiếm chỗ đậu xe, vừa hỏi Đặng Xương Tuyết:

- Anh nghĩ sao về thể loại hồi ký chiến tranh hả anh Tuyết?

- Có nhiều kẻ lấy dẫn chứng từ những cuốn hồi ký do người sống trong thời kỳ đó viết ra để bảo vệ luận điểm của mình, nhưng bọn họ đã quên phứt rằng, chưa chắc những gì ghi lại trong cuốn hồi ký ấy bảo đảm tính khách quan và trung thực. Nói đơn giản dễ hiểu, tỷ dụ như người ghét ăn kem khi viết về kem sẽ toàn moi móc tác hại của nó đối với cơ thể; và ngược lại, một người thích ăn kem khi viết về kem sẽ toàn nêu mặt tốt của nó. Anh phải tìm được một người trung lập viết về kem thì mới bảo đảm mình không bị dắt mũi theo ý đồ của người viết.

Phan Hoài Việt kêu chàng ký giả giải thích quan điểm vừa nêu.

- Có nhiều cuốn hồi ký thiên về thân Tả, thân Hữu, cực Tả, cực Hữu, thân Cộng Sản, thân Tư Bản, nghiêng về phe này và ngả về phe nọ,... thế thì sao đem nó ra làm dẫn chứng cho được? Nên đối với tôi, hồi ký chỉ là một dạng tài liệu tham khảo và dành để đối chiếu xem phe nào nói láo, phe nào nói thật. Mỗi lần đọc xong một cuốn hồi ký, tôi lại lập mốc thời gian để kiểm chứng những gì mà ông tác giả cuốn hồi ký này viết với ông tác giả khác viết. Ngoài ra, còn phải xem xét đến khía cạnh tình hình chính trị thời đó mới nắm bắt được quan điểm của người viết và hành động của mỗi bên có hợp tình hợp lý hay là không, cũng như có trung thực và khách quan không.

Trần Cảnh Chiêu chợt ú ớ mấy tiếng không rõ nghĩa, làm hai người bạn ngó nhau cười khúc khích.

- Lấy một dẫn chứng cụ thể, anh có nhớ vụ ông nào ngụy tạo bằng chứng để nhận mình là tác giả của ca khúc "Nỗi lòng người đi" không? - Thấy anh thầy gật đầu xác nhận, Đặng Xương Tuyết mới nói tiếp. - Ông ta bảo sáng tác ra ca khúc khi đang ngồi trên boong tàu vừa đàn vừa hát tiễn biệt người yêu. Nhưng có rất nhiều tấm hình đã chụp lại được quang cảnh nhốn nháo của đoàn người di cư từ Bắc vào Nam trên chuyến tàu mà ông ta đề cập, thì làm sao ông ta có thể ung dung ngồi đàn hát giữa bốn bề là biển người đang chen chân, xô đẩy nhau trên tàu được. Và tôi thách ông ta và người yêu có thể nghe rõ tiếng nói của nhau trong khung cảnh hỗn loạn, xô bồ ấy, chứ đừng nói chi là ngồi đàn với chẳng hát.

- Tôi còn nhớ năm đó anh đã chửi một ông nhà văn là đồ khốn nạn. Mà khốn nạn thật, viết hồi ký láo toét để tuyên truyền mị dân.

- Anh nghĩ sao mà "bà mẹ Cách mạng" ấy có thể dùng chân không băng rừng lội suối đưa cơm cho ổng chỉ trong vòng chưa đầy hai tiếng đồng hồ cho quãng đường gần ba mươi cây số. Tôi đọc tới đó cứ ngỡ ổng miêu tả "Wonder Woman phiên bản Việt" không ấy chứ. - Đặng Xương Tuyết ngừng nói để hớp một ngụm nước suối. Đoạn cất giọng bình phẩm. - Ông ta chưa hề đặt chân tới vùng đất đó thì làm sao mà biết địa hình chính xác được. Vậy mà cũng dám ghi thể loại hồi ký chiến tranh.

- Vậy theo anh nên ghi thể loại gì?

- Khoa học - Viễn tưởng. Bởi vì phe cánh của ông ta được tâng bốc như biệt đội Siêu Anh hùng của Marvel vậy. Còn phe đối lập thì ông ta hạ bệ và mạt sát hết mức có thể, trong khi tôi tra cứu những tài liệu khác và rút ra kết luận cá nhân sau quá trình kiểm chứng - so sánh thì họ tài giỏi và có đạo đức hơn ông ta gấp một vạn lần.

Trần Cảnh Chiêu xen vào một câu trước khi tiếp tục chìm vào giấc ngủ ban trưa:

- Anh thấy ai là người có thể viết hồi ký chiến tranh trung thực nhất?

- Là nhạc sĩ Lê Dinh. Tuy cụ rất mực trung thành với chế độ và lý tưởng mà mình đã chọn, song không bao giờ che giấu những khuyết điểm của chế độ đó, và dám thẳng thắn vạch mặt những kẻ bất tài và ăn cháo đá bát ở trong hàng ngũ chế độ đó. Đọc những bài viết theo dạng phiếm luận của cụ hay lắm, bởi nó luôn giúp cho tôi có thêm cái nhìn đa chiều và trung thực về lịch sử nước nhà.

Trần Cảnh Chiêu khoanh tay ngủ khò. Phan Hoài Việt và Đặng Xương Tuyết bèn giúp anh ta chỉnh lại ghế ngồi để ngả lưng cho thoải mái, rồi rủ nhau đi nhờ nhà vệ sinh ở một quán cà-phê hạng sang trong khu vực này, dĩ nhiên hai người sẽ mua đồ uống để đỡ ngại hơn.

Phan Hoài Việt "đi" trước, Đặng Xương Tuyết vào sau, hai người phải luân phiên như vậy nhằm giữ chỗ ngồi và "canh" đồ uống đã đặt.

Tưởng rằng chỉ mất nửa tiếng đổ lại, ai ngờ quán đông nên phải nán lại thêm nửa tiếng nữa.

Trong lúc chờ đợi, hai người lắng tai nghe ca khúc "Chăn vịt ở phương Nam" qua

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net