Hồi Hai Mươi Bảy: Thời Xuân (b)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mãi đến ngày Chúa Nhựt hai tuần sau, Miguel Phương mới có thể thết đãi con trai nuôi một bữa trưa linh đình và tuyệt hảo. Ăn cơm xong, hai cha con rủ nhau ra quán cà-phê "Sóng Nhạc" tán gẫu. Chiếc xe Chevrolet ông đang sở hữu là quà tặng của tín hữu Jayden; ông đứng ra nhận để làm giấy tờ cho dễ dàng hơn, chứ kỳ thật chiếc xe này là tài sản của Hội Thánh.

Đã gần ba giờ chiều, quán cà-phê vắng thê lương. Ông chủ có diện mạo hãy còn rất trẻ đương tính sổ sách sau quầy thu ngân, đôi lúc lại ngẩng lên mỉm cười thay cho một lời chào vị khách mới đến. Nhân viên trong quán hết thảy là nam giới dưới ngưỡng tứ tuần; vừa lanh lẹ vừa hiếu khách lại dễ gần.

Manuel Ngô gọi trà sữa trân châu đường đen, còn Thầy y kêu sinh tố mãng cầu. 

"Cho anh xin số nhà, này cô em xinh nét hiền hòa

Này cô em xinh áo pull, em xinh

Cho anh biết tên đường, này cô em má xinh hồng hồng,

Này cô em xinh quần jeans ống túm

Xin cho anh giới thiệu tiền tiêu anh không có nhiều, mà tình yêu thì anh không bao giờ thiếu

Xin cho anh số nhà, và làm ơn cho anh biết tên đường, làm ơn cho anh biết tên em luôn..."

- Nhạc trẻ hả chủ quán? - Một vị khách ngó Đặng Thừa Tân.

- "Cho anh xin số nhà" của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, người đang hát là cố ca - nhạc sĩ Quốc Anh. Đây cũng có thể coi là lời Hai của ca khúc.

- Tôi nghe lời nhạc mà cứ tưởng nhạc sĩ thời nay. Ông Thanh lâu lâu đổi tánh làm tôi hết hồn.

Manuel Ngô xen vào hỏi:

- Ai hát vậy anh?

- Ông ấy là con lai Pháp - Việt. Viết nhạc rất tài, mà giọng ca cũng vô cùng đặc sắc. Tánh nết dí dỏm, dễ thương và thân thiện. Mới mất cách đây không lâu.

Vị khách lúc nãy lại lên tiếng:

- Bởi ông Thanh xin riết mà có quá trời bà vợ và người yêu.

Manuel Ngô hỏi thăm về sự nghiệp sáng tác của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, và được ông chủ giải đáp:

- Thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên có ba nàng thơ, tất cả đều là gái Bắc và theo đạo Thiên Chúa, thành thử ra các hình tượng bên Cơ Đốc Giáo đã ăn sâu vào tâm trí chú đến nỗi bài thơ nào cũng có từ ngữ liên quan. "Thà như giọt mưa (tức bài thơ "Khúc tình buồn")", "Vì tôi là Linh mục (tức bài thơ "Linh mục")" được viết ra cho cô Bùi Thị Duyên - Bạn học cùng trường của chú , "Hãy yêu chàng (tức bài thơ "Oanh")", "Cô Bắc Kỳ nho nhỏ (tức bài thơ "Đám đông"), "Anh vái trời (tức bài thơ "Anh Nam Kỳ dễ thương")", "Em hiền như Masoeur (tức bài thơ "Masoeur")  được viết ra cho cô Hoàng Thị Kim Oanh - Con gái chủ quán cà-phê "Ca Dao" nức tiếng ở Sài Gòn xưa, "Hai năm tình lận đận" được viết ra cho vợ của chú - Cô Nguyễn Thị Minh Thủy... Người phổ nhạc cho những bài thơ của chú đứng nhứt phải kể tên nhạc sĩ Phạm Duy, kế đó là nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang. Chú cũng có tự phổ nhạc cho bài thơ của mình, nhưng chỉ có hai, ba bài. Trên đây là những gì mà tôi nhớ, xin thứ lỗi nếu có đôi chỗ không chính xác hay bị lầm lẫn. 

- Ai hát nhạc phổ thơ chú Nhiên hay nhứt hả anh?

- Duy Quang. Chỉ có tiếng ca thư sinh hiền lành và đượm buồn của chú mới lột tả được chất thơ của Nguyễn Tất Nhiên. 

- Elvis Phương hát bài "Em hiền như Masoeur" cũng hay lắm chứ bộ.

Đặng Thừa Tân bèn mở nhạc theo ý người khách vừa lên tiếng. Ngay khi giai điệu vừa trỗi dậy, anh khẽ khàng tâm sưa:

- Có người chê bôi thơ chú không hay, không đặc sắc. Nhưng đó là quãng thơ đầu đời của chú, nhuốm trải những mối tình ngây dại của anh học trò xứ bưởi Biên Hòa, nên vần thơ rất trong sáng và có đôi khi pha cả sự giận hờn rất trẻ con. Càng về sau, quãng thơ cuối đời của chú hốt nhiên bị thời cuộc nhuộm đẫm trong nỗi miên man, khắc khoải về vận Nước - phận mình và những suy tư về cõi Vĩnh hằng; tôi mong những người vì quãng thơ đầu đời mà đánh giá thấp tài năng sáng tác của chú hãy nán chút thời gian đọc quãng thơ cuối đời, và họ sẽ thấy khác biệt hoàn toàn. Hết rồi mối tình trong veo, hết rồi những nàng thơ đất Bắc theo đạo Thiên Chúa, giờ đây cõi lòng chú chỉ còn mỗi nỗi đau nhân tình thế thái, vận Nước thịnh - suy và cuộc hôn nhân đầy vết rạn, những bài thơ được sáng tác trong giai đoạn này đã giúp tôi nhận ra tâm thần chú đã trở nên bất thường và không còn tỉnh táo nữa. Để rồi một buổi ban trưa, trong sân của một ngôi chùa tại quận Cam thuộc Nam California, chú đã ngồi trong xe hơi mà uống thuốc ngủ quyên sinh, giã từ cuộc đời khi chưa bước qua hàng tứ tuần...

"Ta phải khổ cho đời ta chết trẻ

Phải ê chề cho tóc bạc với thời gian

Phải đau theo từng hớp rượu tàn

Phải khép mắt sớm hơn giờ thiên định."

Đây được xem như là điềm báo cái chết sẽ đến với chú. Bài thơ này mang tên "Giữa trần gian tuyệt vọng".

- Tôi có đọc được một giai thoại rằng, khi đem bài hát "Vì tôi là Linh mục" ra Huế biểu diễn, cụ Nguyễn Đức Quang đã bị Giáo dân và Cha sở ở một Giáo xứ phản đối kịch liệt. Cái cảnh tượng nguyên Giáo xứ kéo nhau ra giơ biểu ngữ biểu tình vì một bài hát thiệt là khó diễn tả.

- Anh. Bật nghe thử anh. - Vị khách đương tính tiến tò mò ra mặt.

Thể theo yêu cầu, Đặng Thừa Tân liền mở bản nhạc "Vì tôi là Linh mục" do Duy Quang ca.

"Vì tôi là Linh mục không mặc chiếc áo dòng

Nên suốt đời hiu quạnh, nên suốt đời lang thang...."

Manuel Ngô biết bài này nên lẩm nhẩm hát theo. Vì y là Mục sư thích mặc chiếc áo dòng, nên suốt đời hiu quạnh, nên suốt đời lang thang.

Miguel Phương cắt ngang màn biểu diễn văn nghệ của con trai nuôi:

- Sao mỗi lần Hai Nghĩa nó có tâm sự là lại nghe bản "Tiếng ca trầm thống" vậy?

- Dạ, anh suy nghĩ về số phận dân Do Thái, ý Chúa, rồi ngẫm lại đời mình để tìm ra câu trả lời mà ảnh đương tìm kiếm. 

Tô Anh Khoa ngồi ở bàn đối diện họ. Anh đi uống cà-phê cùng người bạn Anh Quốc Hayden. Hai người đều chung sở thích nhiếp ảnh và đọc sách. 

- Được không?

- Cũng được... - Hayden nói đoạn, múc thêm một miếng pudding trà Bá Tước. 

...

Cấp Trên vừa xong cuộc tra khảo với một tên gián điệp, gã hiện đương chờ đầu bếp nấu bữa trưa muộn cho mình. Trong gian phòng tanh tưởi mùi máu và nồng nàn hương xì-gà, gã thảnh thơi nghe nhạc và ngắm nghía thằng cha bị treo trên giá tra tấn.

- Nghề điệp viên là cái nghề sống không bằng chết hỉ?

Anh ta hơi ngẩng lên nhìn gã, rồi nhổ nước bọt lẫn đầy máu xuống đất. Và nhếch miệng nói:

- Giết tôi đi.

- Hầy... Giết cưng thì phải tốn công phi tang xác, tốn đất để chôn, tốn thì giờ, tốn đủ thứ... Mà tôi vốn rất ghét bị tốn, nên là... Huýt... - Cấp Trên huýt sáo sai biểu đàn em theo kiểu cách gọi chim ưng, tức là đặt hai ngón tay trên môi và ngậm miệng lại thổi. 

"Phịch."

Tên gián điệp thoát khỏi sự trói buộc của dây thừng chão. Anh ta rơi nghiêng xuống đất như một bao gạo bị lủng. Máu từ mũi, miệng anh ta nhễu xuống mặt sàn xi-măng dơ dáy, xám ngoét như da xác chết. 

- Dẫn bé cưng đi tắm rửa, thay đồ mới, băng bó vết thương. Xong xuôi hết thảy thì đưa bé cưng trở lại đây dùng bữa với tôi.

Trong lúc đợi tên điệp viên trở ra, Cấp Trên hút xì-gà và thả hồn vào những bản nhạc chọn lựa một cách ngẫu nhiên. Gã sắp ăn sinh nhật lần thứ bốn mươi hai, có lẽ là ở nhà Vệ Thanh hoặc giả là tổ chức bữa tiệc trên núi và không mời ai cả. 

Anh ta bị ấn ngồi xuống cái ghế đầu bàn, đối diện với Cấp Trên. Bọn chúng cấp cho anh một bộ pyjama trắng, trông như thể quần áo của bệnh nhân dưỡng trí viện; và một đôi dép xỏ cũng màu trắng nốt. 

- Ăn thử xem món Lasagna tôm hùm có vừa miệng cưng không? 

Anh ta hơi ngần ngừ. Nhưng cơn đói đã đánh bay lòng tự tôn và nỗi nghi ngờ. Cứ thế, anh ta cầm lấy nĩa và muỗng xúc đồ ăn.

Cấp Trên lắc đầu theo điệu nhạc trong bài "Rabiosa" do Shakira trình diễn cùng rapper Pitbull, và nói:

- Tôi có làm gì sai đâu mà hết đứa này tới đứa kia cử gián điệp rình tôi. Thèm gia sản của tôi lắm sao? Có nhiêu đâu mà thèm dữ vậy? Trên dưới một tỷ Mỹ kim chứ đâu có nhiều. 

Anh ta giữ im lặng.

oOo

Trần Cảnh Chiêu tìm đến ngôi chùa Khánh Hỷ với hy vọng gặp được tiền bối. Anh rủ người bạn ký giả đi chung để nhờ anh ta đối đáp giùm mình. 

Trời vừa tang tảng sáng. Sương mờ hãy còn vương trên hè phố. Và đâu đó hương đêm còn phảng phất trong không gian u hoài, tĩnh mịch. 

- Tự nhiên đi bộ vầy làm tôi nhớ hồi còn áo trắng mực tím quá... Sáng nào cũng phải dậy sớm "gạo" bài trước khi tới trường. Có bữa ngủ trễ chạy thí mụ nội luôn.

Nghe anh bạn pháp y tâm tình như vậy, gã văn sĩ điên chỉ biết cười xòa. Tánh nết cổ quái và tâm hồn lúc nào cũng treo ngược cành cây đã góp phần khiến gã và các bạn học xa lánh nhau; thay vì ưa chơi điện tử hay la cà khắp chốn, anh lại giấu mình giữa hàng hàng lớp lớp sách vở đủ thể loại và "quốc tịch".

- Chết... chết rồi...

- Sao anh thấy Châu Lợi mà như thấy...

- Tui nói chuyện với ông sếp hay bà giám thị trường xưa hổng sợ. Mà sao nói chuyện với ổng một hồi tui... tui... tự nhiên... tui...

Gã văn sĩ điên nắm tay anh bạn dẫn đi. 

Châu Lợi hơi nhếch miệng cười, rồi xách chổi đi quét sân tiếp. Hiểu ý huynh trưởng, Trì Thương bèn ra tiếp khách giùm.

- Chú... 

- Quý Tâm chưa về, thưa thí chủ.

Đặng Xương Tuyết xin phép vào Chánh Điện thắp nhang, Châu Lợi ngừng quét sân để dẫn gã văn sĩ điên vô trong gian thờ tự. 

Châu Lợi đi rồi, Trần Cảnh Chiêu mới men men tới gần Trì Thương và bắt chuyện. Anh chàng pháp y kể cho chú hay một tin tức trên báo.

Nghe xong, Trì Thương bật cười, rồi nói nhỏ:

- Nếu cúng dường mà thoát nghèo, giàu hoài thì Thiện Nam Cấp Cô Độc đâu có bị tán gia bại sản. 

- Kể rõ hơn được hôn chú?

- Theo một dị bản, có một cô gái nghèo rất xinh đẹp sống lam lũ ở một vùng nông thôn hẻo lánh, sau này đã trở thành vợ vua. Một số thầy tu chỉ kể tới đoạn cúng dường mấy đồng xu cho một vị Tăng sĩ, chứ không kể luôn khúc sau, mục đích là gì chắc thí chủ đã rõ nhỉ? 

- Đoạn sau là sao chú?

- Thấy mình nhờ cúng dường có mấy đồng xu lẻ mà hưởng được phước lớn, bà ta bèn rủ chồng mình hãy sửa soạn và đãi bày một bữa cúng dường linh đình, với mong muốn được lấy lại thật nhiều phước lộc. Bữa đó người Tăng sĩ và các bạn đồng tu không đến, các vị ấy đã ghé nhà những tín hữu nghèo thọ thực và về luôn tịnh xá. Bà hoàng hậu đã quên phứt quá khứ và đức hạnh mình hằng có trong tâm hồn, mà đã đích thân tới gặp nhóm Tăng sĩ đó và nạt nộ, khiển trách. Người Tăng sĩ nhận tiền cúng dường của bà đã ôn tồn giải thích, rằng họ chỉ tiếp nhận sự cúng dường có tính chất thành tâm và kính ngưỡng Tam Bảo, chứ không phải là vì lòng tham lam hay mong muốn những dục vọng cá nhân được toại nguyện.

Tôi thấy những ai theo đạo Phật, xin hãy nhớ tích truyện này. Một đứa bé cúng dường một cái bánh nặn bằng đất sét cho Phật Tổ, mà kiếp sau trở thành Chuyển Luân Thánh Vương. Cậu bé ấy tên là Jaya, là kiếp trước của vua A Dục - Ashoka. 

Điện thoại của Trần Cảnh Chiêu bất ngờ đổ chuông. Cuộc gọi có liên quan tới vụ án Youtuber giết người phi tang xác. 

Trì Thương biết anh ta và người bạn mộ đạo sắp rời đi, nên thay huynh trưởng cầm chổi quét sân. "Người đi qua đời tôi" của Quý Tâm không đến nữa, có lẽ nữ thí chủ đã hồi tâm suy xét, một phần cũng ngại gây liên lụy tới chú nên không muốn ghé chùa nuôi sẻ. 

- Huynh trưởng, mình đi khất thực thôi. 

Châu Lợi biểu Trì Thương theo mình ra con rạch. Nơi ấy là một trong những điểm giao thương của các nhánh sông lớn, phù sa không nhiều, bên bồi bên lở, và bên nào cũng xanh mát bóng dừa và bần chua.

- Hai Thầy, con có ít chục muốn cúng dường cho hai Thầy... - Bà lão vừa nói vừa lần giở lớp khăn rằn bọc món tiền mọn của mình.

Châu Lợi mỉm miệng cười:

- Thưa thí chủ, Phật Tổ khuyên không nên nhận cúng dường là tiền bạc hay hiện kim. Ngài chỉ cho phép Tăng - Ni nhận cúng dường nhu yếu phẩm, lương thực và hoa cỏ...

- Dạ, vậy hai Thầy đợi con chút xíu nghen... - Bà lão phóng xuống ghe, cắt cắt hái hái một lúc, rồi cố định bảy bông sen bằng một sợi dây tước từ lá chuối khô.

Châu Lợi ra hiệu cho Trì Thương nhận lấy. Hai người đồng loạt cúi đầu cảm tạ và bắt ấn thủ chúc phúc cho bà lão.

- Hai Thầy ui, sao... con vô chùa mà cúng tiền ít thấy sắc mặt mấy Thầy ở trỏng hổng được vui...

- Ở đó không có Phật, ở đó có ma tăng. - Châu Lợi nghiêm mặt đáp. - Nếu muốn sống an nhàn, thảnh thơi, làm vua một cõi, Như Lai đã không đi tu rồi. Miệng thì ra rả thuyết pháp Như Lai, bụng lại sanh tâm bất mãn và đua đòi vật chất, phường ấy xứng danh ma tăng, chớ không phải Tăng sĩ nhà Ngài. 

- Dạ...

Từ biệt bà lão bán sen, hai huynh đệ đi vòng khắp xóm nghèo dạo mát. Bà con nơi đây đa số sống bằng nghề ve chai - sắt vụn, có người đi làm mướn, có người đi bẻ dừa thuê,... muôn vạn sắc thái cảnh nghèo phơi bày ra trước mặt họ.

- Huynh trưởng.

- Sao đệ?

- Từ bao giờ mà kiến thức về Phật Giáo trở nên sai lệch và hoen ố đến vậy?

- Từ khi người ta coi việc tu hành là một cái nghề và việc xuất gia trở nên dễ dãi, không đúng quy cách mà Như Lai đặt ra... Hôm nay là ngày giỗ của cha đệ phải không?

- Thưa phải... Hóa ra...

Một chiếc xe ba gác máy bỗng trờ tới chỗ hai huynh đệ. Ông bác cười khoe hàm răng ố vàng, rồi niềm nở mời họ đi quá giang. 

- Tui chở hai Thầy tới khúc gần chợ Bến Thành thôi nghen. Xa quá tui hổng kham nổi.

- Thưa được. - Trì Thương gật đầu thật khẽ. 

Chiếc xe ba gác máy chở ba cần xé dừa khô. Hai vị Tăng sĩ ngồi bó gối để cho đỡ chật chội. 

- Chừng nào tới hú tui một tiếng nghen. Lỡ chạy trớt qua vòng lại mệt lắm.

- Thưa được. 

Còn cách chợ Bến Thành độ chừng hai, ba trăm mét, hai vị Tăng sĩ thông báo xuống xe. Nơi mà họ dừng chân là một dãy nhà phố khang trang, nhà nào cũng có lầu và sân thượng hóng mát. 

Từ đằng xa, hai người đã thấy anh Hai của Trì Thương đang sai biểu mấy đứa nhân viên chăng đèn kết hoa cổng rào. Châu Lợi thoáng đưa mắt nhìn hiền đệ, trên môi nở nụ cười hòa ái.

Đường về cõi Trần chỉ có mấy mươi bước chân, mà như xa cùng tận. Trì Thương nắm chặt lấy chiếc lá bồ đề ghi một chữ "Buddha - Phật Đà" bằng tiếng Pali, rồi mới mời huynh trưởng theo mình về nhà.

- Th... Tha... Thảo?

Trì Thương trao bó sen hồng cho anh Hai để làm quà cúng giỗ người cha quá cố. Chú chưa kịp rời đi, có ai đó đã nắm chặt vạt áo chú ghì lại.

- Má. 

- Vô nhà ăn cơm với má và anh Hai con rồi hẵng đi. Má xin con đó Thảo. 

- Dạ được, thưa má.

Trước lúc vô nhà, hai vị Tăng sĩ xin nước rửa chân. Họ vốn đi chân trần, nên lòng bàn chân đã quen chai sần và cát bụi hồng trần. 

Má mở vòi nước tưới cây, xịt nước rửa giùm hai người. Vừa làm vừa giục hai đứa nhân viên mau đem khăn sạch ra cho họ lau khô chân. Đích thân má Trì Thương lau chân cho chú, dẫu nó có trăm tuổi nó vẫn là đứa con bé bỏng của bà.

Thể theo tâm nguyện của má, Trì Thương xin phép hiền huynh cho mình tụng kinh đọc bài Chú Vãng Sanh dâng ba. Châu Lợi gật đầu đồng ý và nói sẽ cùng chú thực hiện.

- Con tụng tiếng Việt nghen con. Con tụng bằng tiếng Phạn ba con với mấy ông lớn ở dưới hổng có hiểu đâu.

Hỡi ôi phim Tàu đã gây ra cái ngộ nhận trái khoái này đây!

Không có bồ đoàn, hai người quyết định ngồi luôn dưới sàn và quay mặt về phía bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ. Hai người đọc kinh suông, không có mõ phụ họa, mà lại tạo được cảm giác thiêng liêng khôn tả. Có lẽ vì sự thành tâm trong lòng nên tiếng đọc mới hay và sâu sắc nhường vậy. 

Mấy đứa nhân viên của chú Thương lâu lâu ngó mắt nhìn lom lom hai vị Tăng sĩ ăn mặc không giống giới thầy tu trong vùng, y hệt như nhìn sinh vật lạ. 

Má gắp đồ ăn cho đứa con trai Út trong hai hàng nước mắt ròng ròng. Nếu biết hôm nay con về thăm nhà, bà chắc chắn sẽ làm món chân gà rút xương cho nó. Thuở thằng lớn nằm viện trị bịnh, nó thèm lắm mà bà không có tiền mua, cũng chẳng có thời giờ đâu mà nấu nướng cho nó ăn.

- Con với cậu đây ngồi đợi má xíu nghe? Má ra chợ mua chân gà về bóp gỏi cho con ăn.

- Thưa má, huynh trưởng con năm nay trên sáu mươi tuổi rồi... 

- Hả? Sao... sao nhìn trẻ măng vậy?

Châu Lợi thấy Trì Thương tính đặt bàn tay trái lên mắt, ông kéo vạt áo bên hông ngăn lại. Cái nhìn nghiêm nghị của ông đã giúp chú định tâm tỉnh trí lại. 

Châu Lợi và Trì Thương sóng vai nhau đi bộ về ngôi chùa Khánh Hỷ. Xem như họ đã thọ thực xong, nên mỗi người úp chiếc y bát quay mặt vào bên trong. Trên vỉa hè đã in hằn vết thời gian, hai bóng hình đắp áo cà-sa lặng lẽ bước từng bước nhỏ. 

Đang đi như thế, bỗng có một ông chú bán nước gọi ới lại. Hai người ngừng bước, rồi im lặng chờ ông chú ấy lên tiếng.

Vừa làm hai ly nước sâm dứa sữa, ông chú vừa liến thoắng hỏi:

- Hai thầy nghĩ sao về chuyện Tăng - Ni tham gia Chính trị?

Châu Lợi nhã nhặn đáp:

- Thưa thí chủ, hai chữ thôi: "Tùy duyên".

- Và "Vật cực tất phản", "Thành - Trụ - Hoại - Diệt" và "Vật tiên hữu dã, trùng nhi hậu sinh".

- Câu cuối là sao Thầy?

- "Vật trước tiên phải thối nát, sau đó mới có sâu bọ sinh ra." Không có cái gì tự nhiên xảy ra, tự nhiên đến, tự nhiên tụ, tự nhiên thành, tự nhiên trụ, tự nhiên diệt, tự nhiên ly,... hết.

- Tôi... tôi hiểu rồi... Hóa ra là vậy!

Châu Lợi nhìn hiền đệ lắc đầu, cười hiền. 

Hai người bỏ lại sau lưng tiếng ca của Duy Khánh trong bài "Con quốc Việt Nam" và xe bán nước giải khát của ông chủ hào phóng. 

Đi cách đó một đỗi, Trì Thương mới lên tiếng khuyên nhủ hiền đệ:

- Không nên

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net