Hồi Hai Mươi Chín: Con Tạo xoay vần (a)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bảy Khanh đang ăn trưa sớm tại nhà một người bạn Mục sư ở quận Trúc Giang, thuộc thành phố Bến Tre; bữa nay gia đình quý bằng hữu đãi anh món bánh canh bột xắt nấu với thịt vịt xiêm và nước cốt dừa, ăn kèm huyết nếp và lòng vịt. Tính tình anh dễ chịu và thoải mái hơn những người anh lớn; nhưng cũng đủ chín chắn về mặt mục vụ hơn các em nhỏ, nhất là Tám Khiêm.

Lần này anh xuống Bến Tre cùng Út An, nó đang phụ xây cầu với bà con ở Ba Tri. Gọi nó là Út chứ tướng tinh nó "lực điền" nhất trong bọn, hễ có việc gì nặng là lại đến tay nó. Có lần nó bị anh Năm sai làm bù đầu bù cổ, nó tức quá mới hỏi:

"Mi là anh tau phải hôn? Răng mà bắt tau mần hết vậy?"

Năm Tường đáp tỉnh bơ:

"Anh ghẻ."

Câu trả lời đó khiến nó ngạc nhiên tới nỗi... lủi thủi đi làm tiếp. Nhìn cái tướng xụi lơ của nó mà Năm Tường mắc cười gần chết, anh không phụ nó một tay là vì mắc lo nấu nướng dưới bếp chứ chẳng phải cậy lớn hiếp nhỏ như nó lầm tưởng.

Trên đường đi kiếm Út An, Bảy Khanh tắp vô một vựa dừa mua một trái uống cho đỡ khát. Anh chỉ vào buồng dừa "mẫu" có dán giấy ghi "Dừa dứa", rồi hỏi:

- Anh biết chặt dừa hôn? Chặt giùm tôi một trái này đi.

Người đàn ông đó gật đầu. Rồi mau lẹ cầm con dao cán dài chặt xuống cuống một trái dừa. Anh ta thoăn thoắt gọt dừa. Nhưng sự điêu luyện ấy chỉ tổ khiến Bảy Khanh ôm ngực thở dốc, anh chàng Mục sư hô hoán:

- Thôi, thôi, thôi, thôi cha... Cha chặt kiểu gì mà lưỡi dao nó hướng vô cổ tay không vậy? Con canh nãy giờ muốn rớt tim ra ngoài luôn nè...

- Tôi bị loạn mà, nên canh đâu có chính xác, chặt theo "quán tính" thôi. 

- Rồi sao hổng đeo kiếng?

- Vướng. Leo trèo khó lắm đa.

- Bây yên tâm đi. Nó "thầu" được.

Ông lão chủ vựa ngó thằng cháu "rớt" mà cười hiền. Rồi bước tới trao dừa và nhận tiền của khách.

- Tôi tưởng phải uống nước dừa pha... xi-rô dâu rồi chớ!

- Sẵn bây qua nhà tao phụ lót cái sân trước, tao trả tiền thêm cho.

Anh ta khẽ gật đầu, rồi đội lại cái nón lưỡi trai và đeo kiếng vào trước khi qua nhà vợ chồng chủ vựa. Không quên cáo từ Bảy Khanh một tiếng.

Trên thềm nhà, ông già Ba Tri đang hát một đoạn trong bài "Chiều mưa xứ dừa" của nhạc sĩ Thanh Sơn cho đám bạn nhậu nghe. Mồi nhậu chỉ là một dĩa khô cá chỉ vàng nướng và một tô đựng đầy trái cóc chấm mắm ruốc. 

Đặng Xương Tuyết vừa tới nơi liền bắt tay vào làm. Khúc sân cần lót đan có diện tích ước chừng mười bảy mét vuông, anh làm đến chiều là xong. 

- Vô hát đi Tuyết.

- Con mắc làm rồi ông. Đợi xíu nữa nghen?

- Đứng đó hát luôn cũng được. 

Biết không hát thì không yên với mấy chiến hữu già, Đặng Xương Tuyết đành phải ca đại một bản của Trần Thiện Thanh, mang tên "Tình thư của lính", mà anh đã từng nghe qua phần trình bày của ban "Tứ ca Nhật Trường". Về sau có tam ca Lê Tâm - Gia Huy - Lâm Nhật Tiến trình diễn bài này cũng rất tuyệt vời, nhưng anh đã trót ưng cách hòa âm phối khí trong bài hát do bác Nhật Trường và các cô bạn đồng nghiệp trình diễn rồi.

- Anh hát nghe hay quá!

- Tôi chỉ có thể hát bè, hát lót, chứ tiếng hát có gì đặc sắc và độc đáo để được hát chính đâu.

- Nhưng bài khó như vầy mà anh hát nổi thì...

- Ba bản là hết hơi, khàn tiếng rồi anh. Dây thanh quản của tôi không đủ sức để hát lâu đâu...

Người đàn ông cũng bị bệnh về mắt như anh niềm nở tới bắt tay anh. Anh đành cởi găng tay ra, lau khô bàn tay ướt đẫm mồ hôi, rồi mới chìa tay bắt lại. 

- Anh có muốn trở thành ca sĩ không?

- Thôi, nên tự lượng sức mình, đừng thấy hát hơi được là nhảy ra làm ca sĩ thì tội nghiệp cho nền âm nhạc Nước Nhà lắm.

Người đàn ông đó ngồi xuống băng ghế cách chỗ anh làm khoảng vài thước, rồi vắt tréo chân, tấm lưng thẳng tắp như một người lính đang đi diễn hành, hai bàn tay chụm lại và đặt trên đầu gối.

- Anh có kỷ niệm tuổi thơ nào vui vui, hay hay không? Kể cho tôi nghe đi.

- Bây giờ tuổi thơ đã trôi qua lâu lắm rồi, mà bộ truyện ấy vẫn chưa thành hình chớ đừng nói chi là xuất bản.

- Cụ thể là sao anh?

- Hai đứa khờ vẽ trên nền giấy tập "Làng Hương", còn tự tin tuyên bố sau khi hoàn thành sẽ gởi cho nhà xuất bản. Tuyến nhân vật chính là một đôi nam - nữ, theo như ý tưởng sáng tác của cả hai thì hai người này là bạn thân của nhau.

Chín Tân chống cằm lắng tai nghe.

- Tôi vẫn còn nhớ cuốn truyện "Đô-rê-mon tập Mười ba" cho nhỏ mướn bị chó nhà nhỏ cắn nát bìa. Và cả những lần có tập nào mới hoặc sách truyện nào hay tôi lại mang sang cho hai chị em nhỏ coi. Rồi những cây sống đời mà tụi tôi cùng nhau gieo trồng quanh nhà nhỏ. Tới cái lầu có một nhà vệ sinh rất dơ và bụi bặm do lâu ngày không sử dụng. Và những bức tranh vẽ trên giấy A4 bán trước cổng trường tôi và nhỏ hay mua về rồi dán dọc theo lối đi cầu thang nhà nhỏ, có lúc tụi tôi rủ nhau đi photo mấy tấm đó để làm giàu thêm bộ sưu tập. 

Từ cái đài radio cũ mèm phát ra tiếng ca Duy Khánh trong bài "Người em xóm Đạo" của nhạc sĩ Bằng Giang; kể về chuyện tình của một người lính và cô em gái thanh mai trúc mã sống trong một xóm Đạo thuộc khu Hố Nai - Biên Hòa ở Đồng Nai, nhưng chiến tranh loạn ly đã cướp đi cuộc đời nàng. Vẫn chưa rõ đây là kỷ niệm của chính tác giả hay chỉ là một khúc tình buồn dựa trên bối cảnh có thật.

"Ngày xưa tôi có một người em rất đẹp ở xóm Đạo

Những buổi tan trường thường hay tìm nhau

Xây mơ ước ngày sau..."

- Đừng cố "thần thánh hóa" bất kỳ ai thì sẽ không bị té đau đâu. Tôi cũng thích tư tưởng và học thuật của một vài người, nhưng không bao giờ tôi tôn thờ hay làm nô lệ tâm thức cho họ. 

- "Nô lệ tâm thức" nghĩa là sao?

- Nghĩa là hễ ai nói lên những mặt không tốt của người đó, anh sẽ nhảy cẫng lên mà mắng nhiếc xối xả người vừa phát biểu như thể anh ta là kẻ thù truyền kiếp của tổ tiên anh vậy. Còn hễ anh nghe ai khen hoặc tâng bốc người đó hết lời, anh sẽ vội vàng tin rằng người vừa phát biểu là bạn tốt và đồng minh của anh, trong khi có thể lời khen ấy là lời khen đểu và sự tâng bốc đó là một cách nói kháy thâm sâu. Nói tóm lại, tự anh biến mình thành nô lệ của người đó, người đó được khen - anh vui lây, người đó bị mắng chửi - anh giận lây, người đó bị phê bình - anh gân cổ biện minh giùm, người đó khóc - anh sụt sùi lau lệ, người đó chửi kẻ người đó ghét - anh xuýt xoa khen hay, người đó bị hiểu lầm - anh soạn "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" chửi rủa những ai mắc lỗi trên, người đó "xì hơi" - anh cũng gật gù nói thơm,...

Chín Tân nhớ tới sự công kích tập thể mà một số Giáo dân ở Saint Pio đã làm đối với Cha Thành nên thấm thía những gì mà anh bạn mới quen đã và đang tâm sự. Có kẻ phao tin ông đã nhận tiền của gia đình Khán Cảnh nên mới tỏ ra sốt sắng trong công cuộc tố cáo ban chấp sự thụ lý vụ án giết người trên.

- Cũng có nhiều kẻ biết tôi mến người nào, liền "a-lê-hấp" ráp nhau công kích người đó cho tôi tức chơi. Nhưng rất tiếc, tôi đâu có dư thời giờ để mà tức.

- Anh bận chi?

- Đi làm vườn nè, viết vời nè, làm việc nhà nè,... Hồi đó còn lo cho nhỏ em nữa, tôi đâu có quởn mà trở thành "người hâm mộ mất trí" của bất cứ ai. Họ bị cái tư tưởng, "Mày ghét người tao thích thì chắc chắn mày thích người tao ghét" làm cho ngu muội và trở nên cực đoan. 

- Anh nghĩ sao về cách tranh luận?

- Lời nhận xét công tâm và dựa trên quan điểm cá nhân một cách văn minh nó hoàn toàn khác với sự công kích soi mói và không dựa trên sự phân tích khách quan mà dựa trên cảm xúc tiêu cực cá nhân hoặc bị lây theo sự dẫn dắt như thù hằn, ghét bỏ, kỳ thị, đố kỵ,... Thí dụ như tôi cho rằng cô Ngọc Lan hát nhạc Trịnh không hay bằng cô Khánh Ly, còn cô Khánh Ly hát nhạc trữ tình không truyền cảm và da diết bằng cô Ngọc Lan, ấy là quan điểm cá nhân của tôi dựa trên cảm nhận riêng của chính mình; bỗng đâu anh nhảy vào nói tôi biết gì về âm nhạc mà bày đặt nhận xét hai cô, có hát được hay nổi danh bằng người ta chưa mà dám phát biểu, thì lúc đó anh đã phạm lỗi nguy biện nghiêm trọng và đã tự biến mình thành người phản biện kém văn minh và lạc đề.

- Còn chủ nghĩa dân tộc cực đoan?

- Chủ nghĩa dân tộc cực đoan là như thế nào à?

Uống xong ly trà đá, Đặng Xương Tuyết mới đáp:

- Người ta giới thiệu mỳ gói Hàn Quốc, một số người vô nói loại mỳ này không bao giờ ngon bằng mỳ gói Việt Nam. Người ta quay video ở những cửa hàng bán thức ăn liền như gà chiên, hamburger, pizza,... hay những điểm bán món ăn truyền thống - đặc sản của nước mà người đó đang sống hoặc du lịch, lại nhảy vô chê thức ăn của người ta là rác rưởi, cho cũng không thèm ăn, nhìn là nuốt không trôi, mắc ói, thấy gớm, hàng thải,... nhưng họ lại phản ứng rất tiêu cực với những ai nói thẳng rằng không thích đồ ăn Việt Nam; trong khi chính bản thân họ lại buông lời mạt sát nặng nề hơn thế với nền văn hóa ăn uống ở nước khác. Bản thân mình thì ghét nghe người ta chê, thích nghe lời đường mật, nhưng lại khoái đi dìm hàng, soi mói và miệt thị cách ăn uống của người khác. 

Anh có thể tìm hiểu hậu quả của chủ nghĩa dân tộc cực đoan thông qua cuộc đời của Phúc Trạch Dụ Cát - Fukuzawa Yukichi, người đàn ông này được in hình trên tờ tiền mười ngàn Yên của Nhật. Kiến thức của tôi hạn hẹp và ngôn ngữ chuyên ngành không sâu lắm nên mong anh hãy tự đọc tài liệu đó cho dễ hiểu và trôi chảy. Người đàn ông này còn là tác giả của một cuốn sách rất hay mang tên "Khuyến học".

Vừa hay Út An về tới, Chín Tân từ giã anh bạn đeo kiếng giống mình, rồi theo em trai lên nhà thờ địa phương thăm các bạn mục vụ, Trưởng Lão và bà con Cơ Đốc Nhân. Bảy Khanh không thấy Út An nên đã lên đó chờ hai người.

- Sao anh cười vậy Chín?

Chín Tân gác tay lên thành cửa sổ xe hơi, nghe làn gió đồng quê mơn trớn cánh tay mình. Một đỗi lâu sau, anh mới hồi thần mà trả lời thắc mắc của em Út:

- Những người hướng nội một khi chấp nhận mở lòng với anh, họ sẽ cho anh thấy một thế giới đầy ắp kho tàng, tri thức và mầu nhiệm. 

- Nhưng rõ ràng ảnh có dấu hiệu bị tâm thần rồi đó anh...

- Đôi lúc điên cũng hay mà, có sao đâu. Vì mình suốt ngày cứ đặt nặng lề thói bình thường nên tự làm khổ bản thân và áp đặt người khác.

Út An nhún vai. Anh không thể hiểu nổi suy nghĩ của dân Luật và dân Văn. Trước lúc bị rối trí do suy nghĩ lung tung, anh bèn mở bản nhạc thật vui tai "Chỉ riêng mình ta" do ca sĩ kiêm vũ sư Nguyễn Hưng trình bày lên nghe. 

Ở nhà vợ chồng chủ vựa dừa, gã văn sĩ điên vẫn đang lót đan. Ban nãy anh cố tình nói dông dài để đuổi khéo người đàn ông ăn mặc bặt thiệp và có dáng dấp của một luật sư sắc bén, nhưng bất thành, người đó vẫn ung dung nghe anh độc thoại như đang theo dõi hành động của luật sư bên phía đối lập. Có thể đúng như anh đã đoán, anh ta là con nhà Luật khoa, và tiếp cận với anh để mong có thể củng cố cách tranh biện của mình, bằng cách tìm ra ra sơ hở trong luận cứ và thiếu sót trong dẫn chứng của anh. Như vậy thì ắt hẳn anh ta đã thất vọng rồi, vì sở học thô thiển và yếu kém của anh chỉ tổ khiến anh ta phí thời gian vô ích mà thôi.

Đang miên man suy nghĩ như thế, chợt có người gọi tên anh thật lớn, anh bèn quay mặt nhìn về hướng ấy và hỏi:

- Dạ?

- Mai mày ghé nhà tao phụ mần đám nghen? Yên tâm đi, tao hổng biểu mày sát sanh đâu, chỉ lo dựng rạp với nấu nướng thôi.

Thì ra là ông Sáu Gụ, chuyên bỏ mối sỉ - lẻ đường xuyên tỉnh, hình như chồng sắp cưới của con gái ông là bác sĩ Nhi khoa trong thị trấn.

- Mày nấu cháo ngon lắm, có mày nêm giùm mấy bà bếp đỡ cực. 

- Dạ. Con sẽ ráng giúp ông lo liệu đám cưới tốt nhứt có thể.

Chưa tới bốn giờ mà anh đã lót xong khúc sân, được trả công ba chục đồng, nếu mua Salonpas chắc còn được hai chục.

- Sòng phẳng. Đời con không thích mắc nợ ai. 

Ông già Ba Tri mặt buồn hiu. Nhưng biết thằng nhỏ không có ý xấu trong lời nói và suy nghĩ nên ông đành nhận tiền cho nó yên lòng. 

- Mày tắm nước máy hay nước lạnh?

- Dạ, lạnh. 

- Chìa khóa nhà tao nè thằng quỷ, lát có dìa sớm thì cứ vô tự nhiên.

Hãy còn sớm chán, Đặng Xương Tuyết bèn dạo chơi trong xóm nhỏ vắng teo. Anh nhớ tới cái cảnh bát nháo ở một ngôi chùa ngoài Bắc, lòng tự hỏi những con người đang nô nức trẩy hội ấy có biết tới Kinh Nikaya hay không, hay là họ chỉ biết tới đạo Phật thông qua những buổi "thuyết giảng" sặc mùi kim tiền và nồng nặc mùi hoa giả trang trí. Anh may mắn đọc được một bình luận trên mạng xã hội, người viết trích ra một đoạn Kinh Nikaya, trong bài "Jatilasutta", kể rằng Phật đã nói khi chứng kiến lễ tế Thần Lửa và nghi thức trầm mình dưới sông để rửa tội của một nhóm người Jatila, "Sự tắm rửa nơi dòng nước này không thể nào giúp người đó gột rửa hết tội lỗi và được trong sạch. Người nào tắm trong dòng nước Chân Thật và Thiện Pháp, người ấy mới là người trong sạch." Lời gốc và bài kệ tiếng Pali anh không nhớ, nhưng đại ý thì anh nhớ khá rõ. Và anh thường khuyên mọi người nên tìm đọc bài gốc cho rõ nghĩa và chính xác. Bất cứ ai theo chân Như Lai chắc cũng phải biết Ngài luôn đề cao những điều gì và khuyên nhủ tránh né, buông bỏ thứ chi. Bây giờ thì vô số người tự xưng là "Phật Tử" lại coi Phật như cái máy ban điều ước, hết xin cái này lại xỏ cái kia, mà không hề nhớ Ngài đã từng tuyên bố bản thân Ngài không ban phước hay giáng họa cho bất cứ ai.

Thời may có gốc cây đa dày lá, gã điên ấy ngồi xuống nghỉ chân và mở sổ ra ghi chép. Danh sách phát nhạc được bật lên.

Tiếng ca ngọt ngào của cô Ngọc Lan trong bài "Trong nắng, trong gió" phần nào đưa gã điên ấy rời xa khỏi phiền não. Ca khúc này được nhạc sĩ Phạm Duy đặt lời Việt từ bài hát Pháp "Dans le soleil et dans le vent" của đôi nhạc sĩ Claude Lemesle - Alain Yves Reginald Goraguer, lời Việt khớp ý với lời gốc đến chín mươi phần trăm.

- Nè, danh thiếp của tôi, có rảnh đi uống cà-phê với tôi nghen?

- Tháo cái mặt nạ xuống khỏe không?

- Khỏe.

Matteo Tân ngồi xuống cạnh anh bạn mới quen, trên một cái rễ của cây đa già cỗi, với kiểu ngồi bó gối đầy ý tứ của con nhà gia giáo nghiêm khắc.

- Ai cũng thích nhìn tôi đạo mạo trong bộ âu phục, đi đứng nghiêm chỉnh, nói lời hay ý đẹp, trau chuốt ngôn từ sao cho được lòng người nhất nhằm giúp họ giải tỏa khúc mắc và gánh nặng tinh thần,... Đôi lúc các Thầy la Tám Khiêm ăn nói hàm hồ, Mười Anh sống quá cảm tính, chứ tôi lại thèm được như họ một lần.

- Nói chuyện với người điên thoải mái lắm đúng không?

- Phải. Mà, bài hát đang phát tên gì vậy?

- "Emmanuelle - The joys of a woman" là tựa đề của cuốn tiểu thuyết gây tranh cãi ở Pháp vào đầu Thập niên Năm Mươi cho đến nay, vì nội dung miêu tả một cách trần trụi tình dục và những tư tưởng trái với luân thường đạo lý. Và điều khiến nó bị phản đối dữ dội hơn nữa, thì bởi vì đây là chuyện thật của chính nữ tác giả. Nhạc sĩ Phạm Duy đặt lời Việt cho ca khúc "Emmanuelle", người hát là Jo Marcel.

Chín Tân xin phép được nghe bài khác. Gã điên bèn đưa luôn cái điện thoại cho anh ta tự chọn. Nhưng chàng Mục sư trả lại điện thoại, rồi bắt đầu tâm tình về con đường phụng sự Chúa của mình:

- ... Mười Anh vẫn còn nặng tư tưởng Công Giáo vì đó là cánh cửa mở lối cho nó tới với Chúa, Tin Lành chỉ là mới sau này. Cái việc nó đã từng có tên Thánh chưa chúng tôi không được rõ, vì Thầy Phương không bao giờ nhắc tới hay trả lời câu hỏi đó.

Điện thoại của Matteo Tân báo có tin nhắn Facebook, anh đánh tiếng cáo lỗi rồi mở lên đọc. Rất nhiều người bị oan sai đã thông qua trang mạng của tổ hợp anh mà tìm được công lý. 

- Các Thầy muốn mọi người về với Chúa theo con đường "thuận theo tự nhiên" nhiều hơn là thông qua cánh cửa truyền đạo. Tư tưởng và động thái của các Thầy có lẽ hơi... hơi... khác so với những Hội Thánh Tin Lành khác, nói ra thì dễ gây bất hòa nên về vấn đề này xin mạn phép không nhắc tới.

Đặng Xương Tuyết chợt nói:

- Tôi thấy có một hiện tượng rất đáng buồn, đó là hễ thấy bên đạo mình có người làm sai là lại lấy hình ảnh sai phạm của người bên đạo khác ra chống chế. Thay vì ngồi "sưu tầm" ảnh phạm giới và dung tục của đạo khác, sao mình không dành thời gian chỉnh đốn bên đạo mình? Và nếu như người bên đạo mình làm sai thật, thì Đấng mà mình hằng tin kính có chấp nhận thái độ hèn nhát né tránh Sự Thật của mình và hành động bao che cho người làm sai chỉ vì họ và mình là đồng đạo không?

- Đó là những người không phân biệt hoặc cố tình lập lờ giữa hai khái niệm "chống phá đức tin" và "chỉnh đốn đức tin". Họ không biết rằng hành động và thái độ ấy sẽ khiến những người biết được nguồn cơn - ngọn ngành, ngoại đạo lẫn đồng đạo, trở nên bất mãn và hoài nghi với những người có chức sắc trong tôn giáo; tệ hại hơn nữa, điều đó có thể dẫn tới sự ngờ vực và bài xích đức tin, ví dụ như: Ôi, đạo đó mà tốt lành gì, toàn là mấy tay dóc láo, để tôi kể anh nghe chuyện tụi nó thấy kẻ làm sai mà còn ráp nhau bao che, bênh vực khứa đó và chửi mắng, hăm dọa  người đi tố cáo.

Matteo Tân bỗng hỏi người bạn mới quen về nghĩa của chữ "tranh thủ". Và nhận được câu trả lời như sau:

- "Tranh thủ" trong tiếng Hoa và tiếng Việt hoàn toàn khác nhau. Hoa thì có nghĩa là "giành lấy, tranh đoạt", mình thì mang nghĩa "tận dụng thời gian để làm một việc chi đó". Nhưng có rất nhiều người sử dụng chữ này sai, chữ "tranh thủ" bị họ gán nghĩa tương đương với "cố gắng", "nỗ lực", "ráng làm",... Để cho đơn giản, dễ hiểu, tôi sẽ đặt một thí dụ nhỏ: "Tôi sẽ tranh

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net