Hồi Hai Mươi: Đánh bài tố (b)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Để tới được khu chợ đó, trước hết phải đi vòng qua một ngôi đình cổ kính. Đêm nay trăng Rằm, ngôi đình đông vui khôn tả, các cụ cao niên trong xóm nhóm lại ngoài sân để ngồi đợi phần trình diễn của một đoàn hát cải lương mời từ đô thành về đây góp vui. Dẫu trải qua bao nhiêu năm tháng, thời cuộc hạ người này nâng người kia lên, điệu ru, câu hò và làn giọng cải lương của miệt Cửu Long giang vẫn bền bỉ sống. Chỉ tiếc những nhà soạn nhạc đại tài thuở xưa nay không tìm lại được một ai kế thừa, dẫn tới việc các đoàn hát chỉ quanh đi quẩn lại với những vở tuồng vang bóng một thời, rất hiếm thấy họ trình diễn những vở tuồng mới. Đã thế những vở tuồng mới đa số không có nội dung đặc sắc, vi phạm quy tắc soạn nhạc đặc thù của cải lương, nên càng khiến cho loại hình nghệ thuật này rơi vào bế tắc...

"... Bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn, nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu Hà..."

Võ Đông Sơ là tướng quân thời vua Minh Mạng, là con trai của Võ Tánh - Một người tướng quân của vua Gia Long, vì thất thủ khi giao chiến với quân Tây Sơn, ông đã đề nghị tự thiêu để quân Tây Sơn tha chết cho binh lính và dân làng bên phía ông, người võ tướng giữ thành cùng ông là Ngô Tùng Châu thì uống thuốc độc tuẫn tiết sau cái chết của ông. Trong một lần lưu lại kinh thành để ghi danh ứng thí chức quan võ, chàng đã xảy ra một cơ sự mà gặp gỡ được Bạch Thu Hà - Con gái của quan Tổng trấn Tây Thành Bạch Công. Song, anh của Bạch Thu Hà là Bạch Xuân Phương vì lòng đố kỵ nhỏ nhen với tài năng của chàng nên đã ngăn cấm em gái mình quen thân với chàng, không những thế hắn còn bày ra vô vàn mưu ma chước quỷ nhằm giết hại chàng. Sau giặc Tàu kéo quân xâm lược, chàng bị trúng tên mà gục chết giữa sa trường, bỏ lại lời thề khi đất nước thái hòa hai người sẽ nên duyên vợ chồng. Bên cạnh linh cữu của tình lang, Bạch Thu Hà đã dùng gươm báu quyên sinh...

Nhà văn Tân Dân Tử vì uất ức khi thấy dân ta nắm rõ các anh hùng xứ Tàu như thông thuộc các đường chỉ trong lòng bàn tay, mà vô tình vùi lấp đi những bậc kỳ tài và các thiên tình sử của nước mình nên đã vắt óc viết ra tiểu thuyết lịch sử "Giọt máu chung tình". Ngoài ra, cụ còn viết thêm những tác phẩm sau: Gia Long tẩu Quốc, Gia Long phục Quốc, Hoàng tử Cảnh như Tây, Tham ắt phải thâm.

Tuy nhiều người cho rằng Võ Đông Sơ chỉ là một nhân vật hư cấu nhằm làm nền cho cuốn tiểu thuyết lịch sử thêm sinh động và dễ đọc, nhưng xét thấy điểm này vẫn chưa minh bạch lắm nên không thể khẳng định chắc nịch rằng điều trên là đúng hay sai.

Những câu hát trong vở tuồng "Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà" cứ vang vọng trong tâm trí Mạnh Cường như muốn anh ta sống lại một thuở ấu thơ vô lo, vô nghĩ. Nhịp chân của anh ta chậm dần, rồi ngừng hẳn. Thấp thoáng trong khoảnh sân tranh tối tranh sáng, hắn dường như thấy ông bà nội đang tủm tỉm chuyện trò với nhau, đôi lúc ngó xuống thằng cháu nội đang ăn cái bánh ú mua từ phiên chợ chiều. Hai hàm răng thưa rĩnh và thiếu nhiều chiếc của nó cắn mãi mới đứt một miếng bánh. Dẫu vậy, cái tật háo ăn đã khiến nó không nản lòng mà cứ thế há miệng "cạp" tiếp.

Bây giờ hắn có thể mua được hàng ngàn cái bánh ú, nhưng không thể mua được một ngày tuổi thọ của ông bà nội để được hưởng lại một lần cái cảnh bà nội dắt ra chợ mua cho cái bánh ú, hay cùng ông nội ra nhà mát đút ớt hiểm cho chim sáo ăn. Con chim sáo năm nào, anh ta đã phóng sanh từ sau khi ông nội theo chân bà nội về miền Cực Lạc.

- Anh nhớ quê à? Tôi cũng nhớ quê mỗi khi nghe lại nhạc phẩm "Về quê ngoại" qua phần trình bày của danh ca Duy Khánh. - Người nói giọng miền Trung bất chợt lên tiếng hỏi han Mạnh Cường.

- Quê của tôi gần hơn chỗ anh nhiều. Chỉ cách đây mười mấy cây số thôi. Đi bằng xe đò cũng được.

Quán nhậu nằm trong một khu chợ rất náo nhiệt, đối lập hẳn với sự yên tĩnh của cái xóm nhỏ mà họ vừa đi ngang qua.

Bất chợt giọng hát của nghệ sĩ Hùng Cường phát ra từ chiếc điện thoại của Đoàn Chí Viễn:

"Lính là lính là lính dù. Là thiên thần Trời sai xuống trần. Và gặp nhiều nàng tiên thương..."

Đoàn Chí Viễn xin phép đi nghe điện thoại một lát. Mọi người bèn dặn anh ta mau trở lại để còn kịp chọn món cho mình. Nhưng anh ta chỉ cười và trả lời rằng, "Tôi dễ nuôi lắm. Ăn chi cũng được."

- Ca khúc "Lính dù" do ông Y Vũ, cũng tức em trai Y Vân sáng tác. Chất nhạc của hai anh em các cụ khá tương đồng nhau nên nhiều người lầm lẫn. Một phần nữa là do ông Y Vũ kém tiếng hơn anh trai, do đó mà người ta thường gọi tên anh trai của cụ thay vì cụ. - Thường Khán Bình mở đầu câu chuyện.

Bản nhạc "Lính thích 33" do nghệ sĩ Hùng Cường trình bày khiến không gian quán nhỏ sôi nổi vô cùng. Người sáng tác nhạc phẩm này là nhạc sĩ Anh Việt Thanh.

"Lính thích 33, như thích đi hành quân..."

- Anh Việt Thanh là em họ ông Anh Việt Thu. Vì mến mộ tài năng của người anh họ, nên ông đã chọn bút hiệu này khi sáng tác nhạc. Việc lấy bút hiệu này không khiến ông bị hiểu lầm là "ăn theo" anh trai, do mọi người đều biết nếu lấy bút hiệu khác thì các nhạc phẩm của ông vẫn nổi như cồn bởi tài năng của ông cũng chẳng kém cạnh người anh họ là bao. Nhưng hành động này đã giúp mọi người biết được sự hâm mộ cuồng nhiệt của ông đối với người anh họ là nhiều không sao tả xiết.

- Hai anh em các cụ ghép tên lại sẽ thành "Thu - Thanh", nghe dễ thương hỷ?

Nghe câu nhận xét của Tào Việt Bân, cả bọn cười rần.

- Nếu nhạc sĩ sửa lời chỉ vì lệnh trên ban xuống thì tôi sẽ gọi hắn ta là thằng "thợ sắp chữ". Ca - nhạc sĩ Nhật Trường - Trần Thiện Thanh rất hay sửa lời bài hát do mình sáng tác hoặc đồng sáng tác, đơn giản là vì ông ấy cảm thấy nhóm chữ trước đó không hay và khắc họa rõ nét nội dung ca khúc bằng nhóm chữ mới do mình nghĩ ra. Đơn cử như bài hát "Rừng lá thấp", lời gốc là, "Hay hát cho những người vừa n-ằ-m xuống chiều qua", thì sau này ông ấy chỉnh lại thành, "Hay hát cho những người vừa g-ụ-c xuống chiều qua". Chữ "Gục" nghe nó bi thảm và miễn cưỡng khôn cùng, vì không ai muốn chết khi tuổi đời hãy còn xuân xanh cả. Còn chữ "Nằm" lại tạo cảm giác các chiến sĩ trẻ tuổi đã được giải thoái khỏi cõi hồng trần bấp bênh, khỏi cuộc chiến tranh ác liệt và tang thương vô ngần. Đấy là lý do tại sao ông hay sửa lời.

Cậu trai có cái răng khểnh rất duyên nhấp một ngụm bia hơi, rồi thủng thẳng nói tiếp:

- Muốn nghe lời sau, tìm video nào mà khuôn mặt ông ấy đã chớm màu quá nửa đời người ấy. Lời sau có phần góp giọng của ca sĩ Thanh Lan.

- Một người làm nghệ thuật là một người phải vững tâm trước bạo quyền. Bởi lẽ nếu không vững tâm, họ sẽ chỉ tạo ra được những sản phẩm mang yếu tố mị dân và tuyên truyền rỗng tuếch. - Một gã trai trong đám nhà báo "bia vào buồn ra".

- Cũng nhờ vững tâm mà bài nào của bọn tôi cũng bị bác vì họ sợ mấy ông lớn nổi giận. Đ* mạ làm báo mà toàn nói láo ăn tiền thì đ* mạ làm cái đách chó gì? - Khuôn mặt của cậu trai miền Trung bày rõ sự phẫn nộ tột cùng. Tiếng nuốt bia ừng ực của anh ta vang lên rõ mồn một trong không gian quán nhậu ồn ào.

Viên Quân Cảnh cao trên mét tám, dáng vóc cao ráo, tác phong lãng tử và đượm vẻ phong trần. Trong túi áo có một hộp thuốc lá loại bình dân, nhưng có lẽ vì đương trong giờ làm việc nên anh ta không hút thuốc.

- Dạ, bác Chín ơi!

- Có chuyện chi hông cậu?

- Dạ, bác có thể vặn nhỏ âm lượng lại không ạ? Thím Sáu nhờ con qua đây nhắn bác vì con dâu của thím mới sinh con nên cần nghỉ ngơi.

- Ờ, ờ, cho tui xin lỗi nghe?

- Dạ, con cảm ơn bác trước. - Viên Quân Cảnh cúi đầu thật thấp.

- Nó mới đẻ con mà ông vặn nhạc kích động rồi rủi lòi ra thêm một đứa nữa thì sao thấu?

- Tui vặn hoài mà bà có chịu "làm" thêm đứa nữa đâu... Ui da đau bà!

- Quỷ ngựa già... Càng nói... càng thấy ghét hà. Hổng hiểu sao hồi trẻ tui... tui...

- Mê tui hả?

-Mê con khỉ.

- Người bà hổng ưng, tự dưng đi ưng con khỉ là tui. - Nói rồi ông Tư nghêu ngao hát ca khúc "Đừng gọi anh bằng chú" mà thuở xưa đã từng dùng nó để "cưa" vợ già.

- Nhạc phẩm "Đừng gọi anh bằng chú" là của ông Anh Thy, không phải ông Diên An, vì trong bài hát có những câu khắc họa rất rõ chủ sở hữu của nó: "Yêu áo trắng anh mang. Yêu vài câu hát buồn trong bài ca "Hoa biển". Và yêu mỗi mình anh." Quân phục của ông mang màu trắng, ông cũng đồng thời là tác giả của nhạc phẩm "Hoa biển", hai điểm đó cũng đủ để chứng minh ông là "cha đẻ" của nó rồi.

Thường Khán Bình còn kể thêm chuyện nhạc sĩ Anh Thy đã cứu người và mất mạng ra sao. Chiếc xe chở ông và các đồng đội đang chạy bon bon trên đường, thì bỗng tài xế quẹo gấp vì tránh chiếc xe đò chạy bang sang phần đường của họ. Ông là người tỉnh lại đầu tiên, hầu như thân thể nguyên vẹn, đầu óc không có dấu hiệu gì bất ổn. Ông cố hết sức khiêng từng người lên xe để chở đến nhà thương cấp cứu, cũng còn may là cái xe bị đá chẹt và bùn cản nên không bị lật, chỉ hất tung ông, bác tài xế và đồng đội ra khỏi xe. Mặc cho toàn thân rã rời vì bị va đập, ông vẫn cố gắng hết sức để cứu các bạn mình và bác tài xế. Rốt cuộc, người có vẻ bề ngoài lành lặn nhất là ông lại là người ra đi trong vụ tai nạn định mệnh đó. Ba ngày sau, ông đến nhà thương khám bệnh sau khi thấy cơn đau đầu càng lúc càng chuyển nặng. Tại đây, sau khi được chụp X-quang, phát hiện thấy vết nứt mỏng như sợi tóc trên hộp sọ của ông, đội ngũ y-bác sĩ đã tức tốc đưa ông lên bàn mổ. Nhưng đã không còn kịp nữa... Đám tang của ông có mặt đầy đủ những người được ông cứu sống, họ tiếc thương ông khôn cùng, nam nhi đổ máu không đổ lệ mà giờ đây thằng nào thằng nấy thi nhau khóc lóc ầm ĩ vì mất đi đứa bạn hiền lành, ít nói, lại sáng tác nhạc rất hay. Sau này gia đình nhạc sĩ bốc mộ ông lên để cải táng, thì thấy quả đúng nơi hộp sọ ông có vết nứt mỏng như sợi tóc.

- Công nhận thời xưa Y học chưa tân tiến bằng ngày nay mà họ chẩn bệnh trúng phóc! - Giọng nói của Viên Thùy nghe rõ sự hâm mộ và tán thưởng. Bệnh nghề nghiệp của anh lại tái phát nữa rồi.

- Cái ông đề xuất cấm ca khúc "Đừng gọi anh bằng chú" bị kỵ húy chữ "Vàng" nên đâm ra ngớ ngẩn. Chữ "Vàng" không hề mang màu sắc chính trị, nó chỉ đơn thuần là màu sắc mà cô người yêu của ông Anh Thy yêu thích, nên một số sáng tác của ông hay chêm chữ "Vàng" để nịnh đầm người thương. Ví dụ trong bài này là: "Anh chỉ yêu áo vàng." Hàm nghĩa ông chỉ yêu có mỗi mình cô. Cô cũng là nhân vật chính trong nhạc phẩm "Cô bạn học", hoàn cảnh nghèo túng chính là nguyên nhân khiến ông không dám tiến tới hôn nhân vì sợ người yêu sống đời cùng khổ, do đó mà khi cha mẹ ông hỏi nhỏ này là ai, ông ngậm ngùi nói đây chỉ là một cô bạn học cùng lớp. Ca khúc này ra đời nhằm mục đích "đoạn tuyệt" mối tình Vàng của hai người, đồng thời cũng là mối tình đầu tiên trong đời của ông. - Thường Khán Bình nhường "diễn đàn" cho các bạn mình để thảnh thơi uống bia giải khát sau màn "diễn thuyết" dài hơi.

- Hát nhạc Trịnh mà mặt tươi cười phơi phới như vừa trúng số độc đắc trông thật là kệch cỡm. Đừng ỷ có giọng hát hay mà phớt lờ nội dung của ca khúc, bởi gần như không có ca khúc nào của cụ ấy có điều chi đáng cười cả, nếu có cười, thì nụ cười ấy cũng toàn là mỉa mai, châm biếm. - Tống Ngạn tiếp tục chủ đề.

- Nhạc của Du Tử Lê, Trầm Tử Thiêng cũng vậy. - Viên Thùy góp lời.

- Nhắc mới nhớ, "Bà mẹ Trị Thiên" của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh và "Bà mẹ Gio Linh" do nhạc sĩ Phạm Duy hiện nay không có ai dám hát lại. Hai nhạc phẩm ấy đều là những chứng nhân Nghệ Thuật của Lịch Sử nước mình. - Nguyễn Chí Công bồi thêm.

- Bài đầu thì do chính tác giả hát, bài sau có cố ca sĩ Thái Thanh và cố ca sĩ Duy Quang trình bày là hay nhất. - Tống Ngạn nói đoạn, bỗng cất giọng cáo lỗi, rồi đứng dậy đi lấy nước đá.

"Bà mẹ Gio Linh" kể về câu chuyện hai người thanh niên tham gia phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp bị lộ nên bị chúng xử tử hình bằng cách chặt đầu. Nhưng chưa kịp đem đi bêu đầu ngoài chợ thì bà mẹ của họ phát hiện, nên đã đem giấu hai cái đầu vào trong quang gánh, rồi lấy vải phủ lên. Tới chừng nghe tin chúng đi xét nhà để tìm kiếm thủ cấp của con mình và bạn của nó, bà lại nuốt nước mắt vào trong mà cất từng cái đầu vào những góc kín nhất nơi xà nhà để che giấu. Ai cũng nói nữ giới nhát gan, không làm được việc gì ra trò, nhưng một khi dám đụng đến con họ, họ sẽ bất chấp tất cả để che chở chúng, dù chúng còn sống hay đã chết. Thiên thần cũng là họ, mà Ác quỷ cũng là họ.

Viên quân cảnh nở một nụ cười khoe hàm răng trắng bóng. Nhìn tác phong của người đàn ông trung niên trước mặt là biết ngay anh ta đã từng hoặc đang làm việc trong quân đội. Có lẽ gã đã gặp anh ta ở đâu đó chăng?

- Tôi và các bạn có thể mời anh vào nhậu chung không?

Viên quân cảnh hơi nhếch miệng, nhưng không cười. Gã châm một điếu thuốc lá, rồi đưa lên miệng hút. Những làn khói đượm hương thoang thoảng, không rõ mùi lắm, ắt đây là loại thuốc lá bình dân song cũng không đến nỗi quá rẻ tiền.

- Tại sao anh biết tôi "bắt đầu" hết giờ làm?

- Quân Cảnh có ba ca chính: Từ Năm giờ sáng đến Hai giờ chiều, từ Hai giờ chiều đến Mười một giờ đêm, và từ Mười một giờ đêm tới Năm giờ sáng... Bây giờ là 23:05 phút.

- Anh làm việc ở đâu?

- Quân khu của chuẩn tướng Nguyễn Giai Kỳ.

- "Giai kỳ như mộng." - Vứt điếu thuốc cháy dở vào thùng rác cách họ vài mét bằng một cú búng tay điệu nghệ xong, viên quân cảnh tự nhiên quàng vai Đoàn Chí Viễn và cùng hắn bước vào trong quán.

Nổi lẩu gà nòi hầm sả ớt sắp nấu xong rồi. Mấy món nướng mà họ gọi cũng gần chín tới. Có nghĩa là, hắn và viên quân cảnh ham vui kia khi tới nơi thì chỉ cần ngồi xuống và bưng chén lên là sẽ gắp ăn ngay.

Đoàn Chí Viễn mời anh ta một dĩa đồ ăn. Anh ta bèn chọn món bò quấn sả cây nướng tỏi ưa thích, rồi gọi cho mình một chai bia 333, chai bia này sẽ do anh ta móc tiền túi trả.

Nhóm đi điều tra và nhóm đi tìm tài liệu viết bài xin phép bác Chín cho ngồi thêm khoảng độ hai tiếng. Ông bác cười khề khà, đáp "Chuyện nhỏ như con thỏ", rồi quay đi kiếm vợ già để chòng ghẹo tiếp.

- Tôi có nhỏ em gái đương đi tìm mấy nhỏ bạn cũ để mời tới làm phù dâu cho đám cưới của nó. - Mạnh Cường bóng gió khơi mào. - Ban chiều ghé quán bánh cóng ăn lót bụng có thấy một cô giống nhỏ làm trưởng lớp ở lớp em gái tôi. Nhưng vì không quen thân nên không dám hỏi han, sợ đâu lại nảy sinh phiền phức do hiểu lầm thì mất vui cho cả đôi bên.

- Anh đưa hình cho tôi xem thử được không? - Gã quân cảnh niềm nở một cách giả tạo. Có lẽ anh ta đang e bọn họ là một băng đảng buôn người chuyên về vùng quê lùng bắt trẻ em và nữ giới. Nhưng như thế lại càng hay, trước mắt không nên cho anh ta tin rằng họ là người lương thiện.

Trong lúc Mạnh Cường mở ba-lô lấy cuốn sổ kỷ yếu của em gái, cậu trai nói giọng miền Trung thoáng đưa mắt quan sát anh ta. Cái nhìn lén của anh ta đã bị Viên Thùy thu vào tầm mắt, song người pháp y trẻ tuổi không tỏ thái độ chi sất, anh vẫn chăm chú trở mấy lát thịt dê trên vỉ nướng, đôi lúc ngừng tay phết thêm gia vị và dầu sa-tế.

- Không, anh ta không phải Trung Quốc, anh ta là người Đài Loan. - Thường Khán Bình cất giọng đính chính. Nguyễn Chí Công khẽ "À" một tiếng, rồi hỏi han bạn mình về cung cách hoạt động của cơ sở doanh nghiệp do ông Đài Loan ấy làm chủ. Cũng không có gì đáng nói, vài chuyện cũ rích cũ ri giữa doanh nghiệp và người lao động mà thôi. Nhưng nhóm người đi điều tra vẫn để tâm vào.

Viên quân cảnh đưa đôi mắt cương nghị thầm đánh giá ý tứ từng người. Cô gái trong bức ảnh bị người nhà báo mất tích hơn bảy tháng nay, không rõ sống chết, liệu người đàn ông có nước da ngăm đen đương ngồi chung bàn với gã có liên can trong vụ việc này không nhỉ?

- Nhạc sĩ Khánh Băng sáng tác nhạc phẩm "Sáu tháng quân trường" để nhắc khéo người thương ráng chờ mình quay về. Ai ngờ đâu trong ngày tương ngộ, ông bàng hoàng khi thấy nàng đã có chồng con. Chẳng những thế, ông còn suýt bị người chồng Biệt Động Quân của nàng tẫn cho một trận vì ghen tuông. Buồn đau khôn cùng, về tới nhà ông liền sáng tác ngay ca khúc "Tiếng mưa rơi" để kỷ niệm mối tình tan vỡ. Sau này ông sáng tác thêm bài hát "Sầu đông" và một số bản tình ca khác để cho vơi đi nỗi đau thất tình. - Thường Khán Bình chợt khơi chuyện.

- Chắc anh nhầm. Ca khúc "Sáu tháng quân trường" được ông ấy viết ra để dành tặng người em trai còn trong quân ngũ. Người đời sau thấy thời gian của hai sự kiện gần trùng khớp nhau nên cho là ông ấy viết cho cô người yêu. - Mạnh Cường đính chính bằng giọng nói mang âm sắc vô cùng chân thành và lịch sự.

- Ồ, hoá ra bấy lâu nay tôi nhầm...

- Người song ca với nghệ sĩ Hùng Cường trong các nhạc phẩm như "Có", "Thiên thần mũ đỏ", "Đố ai cấm được chim bay", "Lính du Xuân",... là cô Sơn Ca. - Đoàn Chí Viễn xen vào để khuấy tan bầu không khí ngượng ngập. Lúc đầu anh ngỡ nhạc phẩm "Lính dù lên điểm" là do ông Y Vân sáng tác, sau này mới biết đó là của nhóm nhạc Lê Minh Bằng, nhưng khi sáng tác các ông lại lấy bút hiệu là Vũ Chương nên hậu sinh dễ bị nhầm lẫn.

- Mấy bây muốn nghe bài "Đố ai cấm được chim bay" không?

- Dạ muốn!!!

Ông Chín hể hả bật cái cát-xét mà vợ chồng ông cưng như con Út.

"Anh ơi anh đố ai cản chim đừng bay giữa lưng trời

Em ơi em đố ai kêu mây ngừng bay đến muôn đời

Mình sẽ sống giống như thiên thần cuộc đời tự do

Cấm sao được tình yêu..."

- Đố ai cấm được anh yêu mình đến suốt đời. - Người lính trẻ trung, phong độ năm nào cụng trán cô em xóm nhỏ ngày xưa,

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net