Hồi Hai Mươi Lăm: Dù nắng có mong manh* (a)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Micae Nghĩa mời nhóm báo chí ngồi vào ghế. Bệnh viện đã đồng ý để anh ta tổ chức một cuộc họp báo trên sân thượng. Manuel Ngô không tham dự, hay nói đúng hơn là Thầy Miguel Phương không cho tham gia.

Mọi chuyện đang êm xuôi, Manuel Ngô chợt nhắn tin nhờ Hai Nghĩa gọi nhóm báo chí tới gặp mình. Anh dụ dự một hồi, rồi quyết định làm theo lời của em Mười.

Phòng nhỏ, không đủ chỗ ngồi, nên nhóm báo chí chia nhau khoảng trống dưới sàn. Những câu hỏi tuôn ra như tên bắn tới tấp, Manuel Ngô bình tĩnh "gạt" xuống từng câu một. Đến câu hỏi cuối cùng, Manuel Ngô không đáp, chỉ lặng thinh bật bản nhạc "Bình ca 9 - Chúa Hòa Bình" do Duy Quang trình bày:

"Nếu có ai giận dữ

Nếu có ai bất hòa

Nếu có ai lầm lỡ

Rồi sinh ra khắt khe

Sẽ đánh tôi một cái

Tát tôi nơi má này

Sẽ thấy tôi lặng lẽ

Chìa luôn ngay má kia

Lạy Chúa! Lạy Chúa tôi

Nhân ái ban xuống đời

Lạy Chúa! Lạy Chúa tôi

Cho hiếu hòa khắp nơi..."

Đám báo chí nghe hết bản nhạc, lòng hào hứng "săn tin" bỗng dưng tắt ngóm như chiếc xe hơi bị lủng bình xăng. Họ đưa mắt nhìn nhau, ngầm hỏi ý kiến đồng nghiệp, rồi kẻ này hùa người kia ra về.

Quãng lặng ngân lên trong gian phòng bệnh. Những vạt nắng Thu nằm chếch choáng trên mặt sàn lót ván nhựa giả gỗ. Hương sứ trắng từ đâu bay vào phòng.

Manuel Ngô bỗng lắc đầu cười buồn, rồi giở album ảnh ra xem. Ông bác lớn tuổi đó đã giữ gìn cuốn album này gần ba mươi mốt năm, nó "lớn hơn" y những một tuổi rưỡi.

Nhìn xem, cha y đang dìu mẹ y bước qua cầy cầu dừa, không rõ đây có phải là nhà của ông bà y không nữa. Qua bức khác, cha y đang cưỡi trên lưng con bạch mã, địa điểm chắc là ở Đà Lạt.

Có tiếng đẩy cửa rất khẽ, nhưng vì bản lề đã lâu không được tra dầu nên âm thanh phát ra rõ to.

- Chào cậu.

- Cường hay Phú đó?

- Đoán thử xem nào. - Người Mục sư Hà Nội ấy bước tới đặt cái máy hát đĩa than lên chiếc tủ đầu giường. Đĩa hát đã cũ nhưng phẩm chất còn khá tốt, tiếng ca của người ca sĩ một thời vang bóng vẫn cất lên đầy rõ ràng.

Bản nhạc "Thu quyến rũ" do tài tử Ngọc Bảo trình bày làm không gian thô cứng của căn phòng trở nên mềm mại hẳn. Ngay khi giai điệu vừa cất lên, Manuel Ngô liền biết ngay là Đỗ Duy Phú.

- Bài này bác Anh Ngọc, Sĩ Phú, Tuấn Ngọc hát cũng hay không kém. - Đỗ Duy Phú khép hờ đôi mắt. Những ngón tay thon dài của anh ta nhịp trên tay ghế theo điệu nhạc du dương.

- Sao mình chưa được xuất viện vậy?

Đỗ Duy Phú đánh trống lảng:

- Mai bà tớ đồ xôi, tớ và thằng Cường sẽ mang qua cho cậu một suất. À, một suất cho anh Cừu Đen nữa chứ.

- Phú ngồi chơi với mình một lát được không?

- Rất sẵn lòng. Cậu ăn gì không tớ bao? Thầy dặn không được cho cậu ăn nhiều dầu mỡ hay nướng, xông khói...

- Thôi tớ khỏi ăn...

Đỗ Duy Phú cười hiền:

- Tớ biết thừa cậu và tên Cừu Đen kia vẫn lén lút đặt đồ ăn qua mạng, nên không cần giả vờ giả vịt hờn dỗi như thế này đâu.

Manuel Ngô vỗ vai người bạn đồng đạo, rồi lại chúm chím cười.

Quả đúng như những gì mà Đỗ Duy Phú "tiên đoán", Cừu Đen đang đứng đợi người giao hàng trước cổng nhà thương trực thuộc Quân Y.

- Đi giao đồ ăn hay đi ám sát mà ăn vận thế hả?

Người thanh niên miễn cưỡng tháo kính râm xuống. Anh ta có đôi mắt hẹp dài hơi xếch và sâu, kết hợp với cặp chân mày lưỡi kiếm nên trông càng khó gần tợn.

- Anh mà đeo cặp trường kiếm trên lưng chắc nhìn y hệt ninja Nhựt Bổn.

- Làm ơn ký lẹ cho tôi đi về. Tháng này chủ quán trừ gần sạch lương của tôi.

Cừu Đen xem kỹ tờ hóa đơn, mới hạ bút xuống ký, rồi hỏi:

- Hiệp khách tên gì?

- Tại hạ tên... Gọi tôi bằng bí danh "Người tình không chân dung".

- Còn tôi là Cừu Đen. Bảo trọng.

Cừu Đen quyết định đi thang bộ sau khi tới tầng Sáu. Đã lâu anh không tập thể dục, nên muốn thử xem sức bền còn như trước đây không.

Trên mỗi chiếu nghỉ thường đặt một cái tủ vát góc. Ở trên mỗi cái tủ vát góc đặt một bình hoa vải rực rỡ, cũng có lúc hào phóng trưng hoa tươi.

Gã bắt gặp một ông cụ đã ngoài bảy mươi đứng nói chuyện điện thoại nơi chiếu nghỉ lầu Bảy. Lưng ông cụ hơi khòm, dáng người rắn rỏi lạ thường, sắc diện không được tốt mấy. Vẻ ngoài của ông cụ là sự "tung hứng" đầy ngẫu nhiên của các độ tuổi: 70, 50 và 40; nếu nhìn sau lưng thì tưởng 40, nếu không nhìn thấy mặt mà chỉ đánh giá qua tướng đi gù lưng ắt sẽ cho rằng trên 70 tuổi, và nếu nhìn kỹ khuôn mặt lại sẽ đoán cụ ông dưới sáu mươi.

"Hắt xì..."

Mùi dầu mỡ quen thuộc của món gà chiên trong các quán thức ăn nhanh có lẽ đã khiến ông cụ khó chịu nên nhảy mũi liên tục. Dường như cảm thấy mình thất lễ, ông cụ ngượng ngùng xoay người qua hướng khác và lau chùi mũi, dãi. Người bên kia đầu dây rối rít hỏi thăm sức khỏe của ông cụ, ông cụ cười xòa đáp không sao.

Tới tầng Tám, ngang qua quầy trực do một nhóm y tá nữ trẻ tuổi đảm trách, Cừu Đen chợt bị một trong số họ kêu lại.

- Dạ, hồi nãy có người kiếm anh. Chú đó nhờ tôi đưa giùm mẩu giấy nhắn cho anh. - Cô y tá thắt bím tóc cười hiền và đưa mẩu giấy nhỏ xíu cho Cừu Đen.

"Hayden đang ở đây."

"Hai Đen" hay "Hai Trắng" thì anh ta cũng chẳng quan tâm.

"C'est la vie." Đấy là câu nói quen thuộc của Silas mỗi bận phải đứng ra dọn "hậu tận thế" cho cậu chủ Kenneth, dịch ra tiếng Việt "Đời là thế mà".

Ây, gã lại thương vay khóc mướn cho người mình ghét nữa rồi.

Gã vừa bước vào phòng, mùi gà chiên đã lan tỏa khắp nơi.

Trước nỗi mừng vui của Manuel Ngô, Đỗ Duy Phú chỉ biết cười trừ.

- Hừ, ăn cháo riết mặt tui y như tô cháo.

- Không ăn nhiều cháo thì mặt của cậu cũng y hệt cái bát rồi.

Manuel Ngô bĩu môi, toan mở miệng cãi cọ thì sực nhớ cha nuôi và anh Hai Nghĩa sẽ ghé thăm mình, nên vội vàng mời hai người ngồi xuống ăn cùng mình. Nhìn y háo hức như đứa trẻ nhỏ mà Cừu Đen chợt cảm thấy chạnh lòng; hồi còn học cùng trường, ở chung một phòng trong ký túc xá, hai người luôn nương nhau mà sống như hai dây leo bấu víu vào ngọn đại thụ.

Chợt Cừu Đen bật bản "Liên khúc Tình nhạt phai" do đôi vợ chồng Tommy Ngô - Lynda Trang Đài trình diễn. Đây là một tình khúc Hồng Kông rất nổi tiếng mang tên "Tình nhạt phai", rất tiếc không rõ nhạc sĩ soạn lại lời Việt cho phiên bản này là ai. Ngoài phiên bản trên, còn có version 2 do nhạc sĩ Tùng Giang viết lời, đôi song ca hát hay nhất phải kể đến Lâm Nhật Tiến - Đan Nguyên, còn đơn ca là cố ca sĩ Minh Thuận hoặc nam ca sĩ Don Hồ.

"Chiều buồn nghiêng nắng, biển vắng mênh mông lang thang mình ta

Mây trên cao bay khuất chân trời, và theo gió cuốn trôi đi bao mộng mơ..."

Manuel Ngô nhìn tấm ảnh chụp người con gái mặc áo dài trắng tinh khôi đang đứng nép vào chàng võ sư Võ Cổ truyền mặc võ phục đen như mực, nước mắt chầm chậm rơi xuống.

"... Trở về lại trường học xưa, lòng sao bỗng thấy thiết tha nhớ

Bao dĩ vãng ngây thơ, cùng một thời dại khờ, làm tôi yêu em, nay khuất mờ..."

- Mẹ tôi đáng lẽ ra đã làm đám cưới với ai vậy?

- Bạn của ông ngoại anh, đã có mấy đời vợ và một đàn con.

- Hèn chi mà mẹ không chịu. Rồi ông đó sau này có kết hôn không?

- Có, cô dâu nghèo xác nghèo xơ nhưng rất diễm lệ và hiếu thảo. Nghe đâu ở được vài năm ông ta kiếm chuyện tống khứ người vợ đó vào nhà thương điên để khỏi phải ly hôn và chia chác tài sản.

Ở cách đó không xa, nơi sân trường quạnh vắng, có một bà phước đã ngoài năm mươi đang quỳ dưới chân tượng Đức Mẹ Đồng Trinh ẵm Chúa Hài Đồng. Bà vừa chắp tay nguyện cầu cho Quê Hương quốc thái dân an, vừa khe khẽ hát ca khúc "Ave Maria" do nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông soạn lời Việt theo bài Thánh ca bất hủ cùng tên của nhạc sĩ Franz Schubert:

"Xin Mẹ Maria cho nước con qua ngày can qua

Đã mấy mươi năm Mẹ ơi sống trong mong chờ..."

Bà không ngờ rằng đứa con kết tinh từ mối tình tội lỗi của mình và anh Ân vẫn còn sống. Nếu nó không ú nhường thế, ắt hẳn diện mạo sẽ y hệt cha nó.

Chiều nay là Chúa Nhật, bà sẽ cùng các chị em đồng tu thết đãi các em học nội trú và mồ côi những món ăn thật đặc sắc, để bù đắp sáu ngày học vất vả và nhọc trí.

- Sơ Hiền, ngoài này lạnh lắm.

- Cha Trung.

Người Linh mục đã ngoài bảy mươi quỳ xuống cạnh bà, rồi ôn tồn kể về chuyện thằng bé học lớp Năm đã gặp một người thanh niên mặc áo chùng thâm và hiểu lầm rằng đó là một Cha xứ mới chuyển đến đây công tác.

- Có lẽ Ngô Kỳ Anh đã tới nhầm phân khu của chúng tôi nên mới không gặp được Sơ Hiền. Trường dòng của chúng ta vốn có hai cổng chính: Cổng Tây trường nam và Cổng Đông trường nữ, ngăn cách nhau bằng mương thoát nước nhân tạo và một vườn rau xanh tốt.

- Cha không trách con sao?

- Con không biết, con trai của con cũng không biết nốt. Người biết rõ thì đã nằm dưới mộ từ lâu lắm rồi. Vả chăng, Chúa luôn tha thứ cho chúng ta, tại sao chúng ta lại không thể tha thứ cho nhau?

- Nhưng tại sao nó lại trở thành Mục sư Tin Lành, rõ ràng nó đã từng sống trong trường dòng Công Giáo mà?

- Tôi sẽ cố gắng liên lạc với Giám mục La Viễn Phương, để hỏi xem đầu cua tai nheo là như thế nào. Hy vọng không khiến cả hai bên gặp khó xử.

Nhưng Cha chưa kịp gặp thì Thầy Miguel Phương đã tới trường tìm ông. Thầy đi cùng Hai Nghĩa và Năm Tường.

- Sơ là cô Đặng Thu Hiền, mẹ của Mục sư Ngô Kỳ Anh?

- Phải, là con. - Sơ Hiền bối rối đáp.

Cha Trung mời bộ ba và Sơ Hiền tới ngồi dưới gốc cây phượng vỹ để dễ bề trò chuyện. Nhưng Micae Nghĩa và Marshall Tường xin phép được đứng để tránh thất lễ vì hai người cho rằng đây là chuyện riêng của Thầy, Sơ Hiền và Cha Trung, họ là người ngoài không nên nghe trộm hay xía vào. Cha sợ hai cậu Mục sư đứng hoài mỏi chân nên khẩn khoản mời ngồi xuống và trấn an rằng ông bảo đảm nội dung không có gì riêng tư tới mức phải giữ kín, nên họ đành ngồi xuống song cách người Thầy Tin Lành một khoảng khá xa.

Ổn định chỗ ngồi xong, Thầy Miguel Phương bèn thuật lại từ đầu chí cuối những việc đã xảy ra trong thời niên thiếu của Manuel Ngô. Ông nói tới đâu, Sơ Hiền bưng mặt khóc tới đó. Kết thúc câu chuyện, ông mỉm miệng cười và nói:

- Dẫu Tin Lành hay Công Giáo, miễn nó theo Chúa, thương Chúa và phụng sự Chúa bằng cả tấm lòng là được rồi. Tôi không nghĩ chúng ta nên xoáy sâu và căn vặn nó vấn đề này.

Cha Trung gạt nước mắt, rồi đỡ người bạn Kito Hữu đứng dậy, sau đó trao cho người Giám mục già một cái ôm ấm áp. Ông nghẹn ngào nói:

- Dẫu Công Giáo hay Tin Lành, thì chúng ta đều là con của Thiên Chúa...

Thầy Miguel Phương gật đầu thật mạnh. Đoạn quay sang nói với Chu Vịnh Nghĩa:

- Nghĩa, trả lời điện thoại đi con. Đừng vì thầy mà gây thất lễ với người thực hiện cuộc gọi.

- Dạ, thưa Thầy.

Chu Vịnh Nghĩa đi tuốt ra ngoài cổng trường dòng nam sinh mới chịu mở điện thoại gọi lại. Anh toan đứng đó nói chuyện, chợt có một ông lão đẩy xe bán hàng rong tới bên cạnh anh, nên anh phải đổi sang hướng khác. Anh đứng dưới tán cây rẻ quạt, mắt nhìn về xe bán hàng rong của ông lão, lòng thầm nghĩ lát nữa sẽ mua cho vợ một ký cóc xanh và cà-na ngâm muối ớt. Hình như vợ chồng anh sắp có thêm đứa nữa rồi...

oOo

- Tại sao vào trước năm 75, hầu như bất kỳ ai được đi học đều đọc thông viết thạo Quốc ngữ và ngoại ngữ, còn bây giờ lại không bằng? Tôi đã từng chứng kiến cảnh tượng một số em học sinh theo học ở các trường quốc tế không thể giao tiếp và viết tiếng Việt đúng chính tả; nghe các em đó nói tiếng Việt mà tôi cứ ngỡ các em là người nước ngoài, và đáng buồn thay, khi cha mẹ các em còn vui mừng, hớn hở đón nhận điều bất thường ấy.

- Thưa bà Nhu, bà có thể nêu một ví dụ cụ thể cho quý khán - thính giả được nghe không?

- Như tác phẩm "Whutherings heights" của nhà văn Emily Bronte chẳng hạn. Theo thiển ý của tôi thì nhan đề "Đỉnh gió hú" thích hợp hơn "Đèo gió hú", vì địa hình cao chót vót thì gió mới "hú" lên được, còn dùng chữ "Đèo" tôi nghe chưa hợp lý lắm...

- Thưa bà Nhu, có một khán giả đã gởi câu hỏi đến chương trình, nội dung là nhờ bà trình bày quan điểm về sự Việt hóa các chữ tiếng Pháp. Chỉ là ý kiến cá nhân thôi, khán giả này không đòi hỏi và bắt buộc bà phải thuật lại như kể Sử.

- Petrus Trương Vĩnh Ký là một thí dụ điển hình. Cụ đã Việt hóa các chữ Pháp và nhờ thế đã góp công rất lớn trong việc làm giàu vốn tự điển tiếng Việt.

Người Pháp gọi cái hành lý là "valise", dân Nam Kỳ thuở trước đọc trại là "hoa ly", sau này chúng ta kêu là "va-li". Dân Bắc Kỳ năm xưa có một chữ thường dùng gọi là "dinh tê", trong tiếng Pháp là "rentrer", gắn liền với một giai đoạn lịch sử đã bị chôn vùi; nhờ đọc cuốn hồi ký của nhạc sĩ Phạm Duy và tra cứu thêm các tài liệu khác mà tôi mới hiểu rõ nguồn gốc của chữ này. Còn một chữ nữa là bánh ga-tô, đây là một chữ của Pháp, viết là "gateau".

Thuở trước, dân Sài Gòn thường có câu nói, "Không có un, deux gì hết", mang nghĩa "Không có một, hai gì hết."

Người phóng viên thấy Đới Kiều Nhu đã trình bày xong, bèn cất tiếng cảm ơn rồi xin phép đọc câu hỏi tiếp theo:

- Thưa bà Nhu, chương trình giảng dạy sắp tới có điều chi thay đổi hay mới mẻ không?

- Tôi sẽ đưa mục phản biện vào chương trình giảng dạy.

- Thưa bà Nhu, bà có thể nêu sự khác biệt giữa phản biện và chống chế không?

- Có người nêu vấn nạn phá rừng và bày tỏ nỗi lo mảng xanh sẽ biến mất trên Đất Nước ta, lập tức có kẻ liền "bay" vào chống chế bằng cách đưa những hình ảnh cháy rừng trên khắp thế giới để khẳng định rừng của Nước ta vẫn còn rất nhiều. Cho tôi hỏi một bên là bị tai nạn bất đắc dĩ và một bên là do con người cố tình chặt phá rừng thì giống nhau ở chỗ nào mà cũng ráng nhét vào để bênh vực đám súc vật hủy hoại mảng xanh Tổ Quốc vậy? Vả chăng, tôi xin hỏi tiếp rằng, giả dụ các vụ cháy ấy là do có kẻ cố tình đốt, vậy thì số vụ cố tình đốt rừng bên nước ngoài bằng bao nhiêu so với những vụ chặt phá rừng bên mình? Quá khập khiễng để đem ra chống chế giùm chủ thuê phải không?

Người phóng viên làm dấu ra hiệu chị nên trình bày tiếp.

- Chống chế và phản biện hoàn toàn khác nhau. Tranh cãi và chửi lộn cũng hoàn toàn khác nhau nốt. Do đó, để thế hệ sau này không còn tồn tại những hạng văn nô, bồi bút nữa, chúng tôi khuyến khích các em học sinh - sinh viên dám đứng lên tranh luận và phản bác thầy cô trong mỗi tiết học; bất cứ ai thù vặt mà "đì" các em, chúng tôi sẽ kỷ luật họ ngay tức khắc, và ngược lại, bất cứ ai hỗn láo với thầy cô, chắc chắn sẽ bị kỷ luật.

- Nhưng nếu có ai vin vào chuyện phản biện để hỗn láo và bất tuân nội quy của nhà trường thì bà nghĩ sao?

Đới Kiều Nhu mỉm miệng cười, và nói:

- Tôi nghĩ việc phân biệt giữa cách ăn nói và cư xử hỗn láo với cách tranh luận và phản bác bặt thiệp đâu có khó khăn tới nỗi khiến anh phải đặt câu hỏi như trên? Tôi cũng từng là học sinh và sinh viên mà, nên đã từng chứng kiến cảnh thầy cô mắng chửi học trò rất nặng lời mặc dù lỗi lầm của các trò ấy không đến mức phải chịu đựng những lời cay nghiệt như vậy; nhưng đến chừng họ phạm lỗi và sai sót, nếu phụ huynh không phát hiện, họ làm lơ luôn như chưa hề có chuyện gì xảy ra, và không hề thốt lên một lời nhận lỗi với các trò.

Chương trình tạm dừng mười lăm phút để phát sóng quảng cáo.

Đới Kiều Nhu uống chút nước ép dâu tằm trước khi trở lại với chương trình. Bên tai chị là ca khúc "Stupid girls" của cô ca sĩ cá tính tên Pink.

Thật không ngờ hôm nay bọn họ lại đưa ra chủ đề giáo dục giới tính và bắt chị phải nêu lên quan điểm của mình. Chị có nghe phong thanh rằng chú Khánh đang bận tâm về vấn đề này, điều đó cũng dễ hiểu thôi khi hàng tháng chú lại bị thấy những bản báo cáo về nạn phá thai và lạm dụng tình dục ở thanh - thiếu niên; người đệ trình lên chú là ông Bộ trưởng An Sinh Xã Hội thuộc đảng Việt Long.

- Ngành công nghệ tình dục hoàn toàn khác với việc bị cưỡng ép quan hệ tình dục hoặc bị quay lén tung lên mạng. Anh bỏ tiền ra mua sản phẩm của những người tự nguyện tham gia đóng phim hoặc của công ty kinh doanh hợp pháp là một điều vô cùng bình thường, không có gì sai trái hay tội lỗi ở đây cả. Nhưng việc anh tiếp tay cho những kẻ đốn mạt phát tán những thước phim, đoạn clip lợi dụng lúc người ta sơ hở để thỏa mãn nhu cầu tình dục và lòng hiếu kỳ của bản thân thì... - Vế sau Đới Kiều Nhu không nói ra, nhưng ai cũng hiểu bà Bộ trưởng đang nhắc tới cái gì. Im lặng được vài giây, chị trình bày tiếp. - Ai mà chẳng có nhu cầu, quan trọng ở chỗ anh có biết tiết chế nhu cầu để tránh cái cảnh đẩy một mạng người vào chỗ chết hay khiến người ta sống dở chết dở cả cuộc đời chỉ vì một cái nhấp chuột và chia sẻ đường link do lòng ham muốn của anh bộc phát.

"Click."

- Con bé Nhu trả lời coi bộ cũng được quá chớ.

Thạch Sang đang ngồi trên tấm bồ đoàn tụng kinh gõ mõ trước bàn thờ Phật, nghe cha nói thế thì quay mặt qua phía ông.

- Xong rồi thì ra sân trước uống trà thưởng bông với ba.

Thạch Sang khẽ gật đầu, miệng vẫn không ngừng niệm kinh Phật. Bài kinh gã đang đọc là Phật Đảnh Tôn Thắng Đà-Ra-Ni.

Dâng hương cúng Phật xong, Thạch Sang cất bồ đoàn, cái mõ xuống dưới gầm bàn thờ, rồi ra ngoài sân ngồi nói chuyện vãn với cha. Mưa suốt đêm qua nên không khí hãy còn vương hơi nước lạnh lẽo, ý là gã là đàn ông mạnh khỏe mà còn phải khoác thêm tấm áo len để giữ ấm, huống hồ chi cha gã đã ngoài thất tuần...

Hương trà lài

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net