Hồi Hai Mươi Lăm: Dù nắng có mong manh (b)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Manuel Ngô và Trần Cảnh Chiêu trở về tịnh thất vào lúc hai giờ rưỡi chiều. Biết Quý Tâm bị đau cột sống và đã từng trải qua một lần phẫu thuật, hai người bèn hùn tiền mua tặng ông một tấm nệm mỏng. Đường xa dốc cao, bước chân của hai người như muốn hằn sâu dưới nền đất xứ thiêng An Giang.

Vừa đi, hai người vừa lắng nghe bản nhạc "Giòng An Giang" do Ánh Tuyết trình bày:

"Giòng An Giang sông sâu nước biếc

Giòng An Giang cây xanh lá hát..."

- Nhạc sĩ Anh Việt Thu còn có bản "Đẹp Bạc Liêu", tiếc là không mấy người mến chuộng và biểu diễn. - Trần Cảnh Chiêu lấy khăn giấy chậm mồ hôi nơi cổ và ngực áo.

Châu Lợi đứng tựa lưng vào gốc cây bồ đề xanh tốt mà ngắm nhìn biển mây trên cao. Dáng vẻ khỏe khoắn và trẻ trung của ông thật khiến người khác tin rằng ông đã ngoài sáu mươi.

- Hoan hỉ đón các thí chủ trở lại tịnh thất. Trưởng lão ngỏ lời mời hai vị tới sân sau uống trà chiều, luận đạo.

- Thưa quý Tỳ-Kheo, tôi muốn hỏi tại sao Đức Phật lại không cho phép trữ thực phẩm và nấu nướng? - Trần Cảnh Chiêu cất giọng hỏi:

Châu Lợi nhã nhặn nói:

- Tôi sẽ đọc cho thí chủ nghe một bài Kinh Pháp Cú trong cuốn "Tích truyện Pháp Cú" do Hòa thượng Thích Minh Châu dịch thuật và biên soạn:

"Tài sản không chất chứa

Ăn uống biết liễu trì

Tự tại trong hành xử 

"Không, vô, tướng, giải thoát

Như chim giữa hư không

Hướng chúng đi khó tìm."

Còn về chuyện tăng sĩ không được phép nấu nướng được thuật lại trong một tích truyện sau:

Tuổi tác càng cao, sức khỏe của Như Lai ngày càng không tốt, cái thân xác phàm mà tâm thức Ngài đương nương trú cũng đã đi qua hơn nửa người nên dĩ nhiên Ngài phải già yếu như bao ông lão khác. Tôn giả Ananda thấy thế, lòng đau buồn khôn xiết, nên tìm một người tâm sự. Người này mách rằng nên nấu cháo gạo nếp, ăn vô bổ lắm. Tôn giả liền đi tìm nguyên liệu, rồi bắt tay vào nấu cháo. Đức Phật nhìn tô cháo nghi ngút khói, Ngài vừa mỉm miệng cười vừa lắc đầu, và nhẹ nhàng khuyên người thị giả đức hạnh rằng tăng sĩ không được phép nấu nướng.

Sân sau nằm cạnh bìa rừng, quanh năm không vắng tiếng chim hót véo von. Không có bàn ghế chi sất, mỗi lần ra đây ngồi các tăng sĩ sẽ trải chiếu. Vuông sân rộng chừng mười mấy mét vuông, mặt sân được lót bằng các tấm đan xi-măng nặng trịch. Bao bọc lấy vuông sân là bồn hoa dung dị, trong bồn không chỉ trồng bông mà còn trồng cây, đếm sơ thì có bồ đề, sanh, Vô Ưu, Sala, xoài,... 

- Mỗi một loài cây được trồng ở đây đều gắn với các tích truyện về cuộc đời Phật Tổ Như Lai. - Châu Lợi miết tay lên thân cây xoài đã qua mùa; lạ thay, chẳng có con kiến vàng nào tới cắn ông.

Hai trong số bảy tăng sĩ là người ngoại quốc: Một người là Bắc Âu và người kia là Phi Châu. Trước ánh nhìn kinh ngạc của hai thí chủ Kito, hai vị Tỳ-Kheo chỉ biết mỉm miệng cười.

- Thầy chưa ra hả các anh?

- Thưa huynh trưởng, vẫn chưa. - Một người tăng sĩ vóc dáng nhỏ thó đại diện chúng Tăng đứng ra trả lời.

Châu Lợi trải thêm một tấm chiếu cho rộng chỗ ngồi. Hai người theo Chúa và Quý Tâm sẽ ngồi ở đấy với Châu Lợi. Trên đầu họ là tán cây Sala nở hoa tím biếc.

Trần Cảnh Chiêu nhớ tới câu nói rất nổi tiếng trong cộng đồng mạng gần đây, bèn tò mò đặt câu hỏi:

- Thưa các Tỳ-Kheo, mọi người nghĩ sao về câu nói "Con gái là người tình kiếp trước của cha" và ngược lại?

Người tăng sĩ Bắc Âu từ tốn đáp:

- Đấy là một câu nói vô cùng sai lạc và phản cảm. Người viết ra câu nói đó ắt hẳn chưa từng hiểu rõ Luân Hồi, Nhân Quả, Nghiệp Duyên, Phước Điền,.... nên mới phát biểu một câu đầy tính quy chụp nhường thế.

Người tăng sĩ có đôi mắt mí lót tên gọi Phú Lâm góp lời:

- Một số bạn trẻ tìm hiểu Phật Giáo qua "Tây Du Ký" và các phim truyện tình cảm của xứ Tàu, dẫn đến Chánh Pháp của Như Lai bị thay thế bằng tà pháp do con người đơm đặt và thổi phồng ra.

Manuel Ngô toan mở bản nhạc đang thịnh hành trong cộng đồng mạng, thì Châu Lợi đã lên tiếng:

- Tôi đoán người sáng tác ca khúc có yếu tố liên quan tới Phật Giáo rất nổi tiếng gần đây chưa từng đọc qua Kinh Phật Nguyên Thủy. Nhất là chưa từng đọc qua những điển tích về cuộc đời Thánh Tăng Ananda.

- Xin ông nói cho con hiểu.

- Tôn giả Khánh Hỷ có vẻ ngoài tuyệt sắc, tánh nết dễ gần và vô cùng tốt bụng, trong suốt quãng đời tu hành luôn tận tâm tận lực vì Phật Giáo và Đấng Thế Tôn. 

Một hôm, tôn giả đi ngang qua một ngôi làng nhỏ, tính ghé một nhà nào đó xin chút nước thì thời may gặp được một cô gái hạ tiện đang kéo gàu lấy nước từ dưới một cái giếng, ông bèn mở miệng xin cô một ít nước để uống. Ban đầu cô không dám lại gần ông, vì thể theo xã hội Ấn Độ cổ, hay nên gọi là xứ Diêm-Phù-Đề, thì gia đình cô thuộc giai cấp nô lệ nên không được phép tiếp xúc "ngang bằng" với những người thuộc giai cấp cao hơn. Nhưng ông đã thuyết phục và giảng giải cho cô hiểu tính bình đẳng giữa hai người, nên cuối cùng cô cũng mạnh dạn làm trái quy tắc và hủ tục thời ấy để mà bước lại gần và rót nước vào y bát của ông. Đây là lần đầu tiên trong đời Ma-Đăng-Già được gặp gỡ một người thanh niên cư xử lịch sự và nhỏ nhẹ với mình đến thế, không những vậy người đó lại có dung mạo phi phàm, vì thế cô bắt đầu nảy sinh tình cảm với Thánh Tăng. 

Thấy con gái càng ngày càng tiều tụy, mẹ của cô bèn hỏi han cớ sự nhưng cô nhứt quyết không tiết lộ nguyên nhân, bà chỉ biết ra sức tẩm bổ và sắc thuốc thang cho con gái cưng. Cho tới một ngày, cô vì quá đau buồn mà ngả bệnh nặng, thân hình gầy rộc không còn mấy sức sống. Mẹ của cô năn nỉ hết lời cô mới chịu khai ra sự tình. Ban đầu bà còn khuyên lơn cô suy nghĩ lại, nhưng tình thương mãnh liệt của người mẹ đã khiến bà trở nên dại dột. Để cứu con gái mình, bà quyết định giúp nó bỏ bùa mê thuốc lú chiếm đoạt Thánh Tăng.

Một ngày như mọi ngày, Thánh Tăng ôm y bát đi vào thành khất thực. Bỗng tôn giả nghe thấy có người gọi mình, rồi vô thức đi theo tiếng gọi đó mà đến thẳng nhà Ma-Đăng-Già.

Các dị bản không thống nhất, chỗ thì nói Văn Thù Bồ-Tát đã giúp tôn giả thoát khỏi ấn chú của bà mẹ, chỗ thì bảo do Như Lai giúp đỡ, chỗ lại kể là do Thánh Tăng tự thoát được. Sau khi thoát được sự ràng buộc của bùa ngải, tôn giả đã chạy một mạch về tịnh xá và trình Đấng Thế Tôn. 

Kể từ hôm đó, hễ Thánh Tăng ra ngoài khất thực là Ma-Đăng-Già lại đi theo sau lưng. Ban đầu tôn giả còn im lặng, nhưng tới một ngày nọ, ông không chịu đựng nổi nữa, bèn bỏ ngang việc khất thực rồi hấp tấp chạy về tịnh xá; cô ta cũng chạy theo ông.

Phật Tổ đã hỏi Ma-Đăng-Già rằng cô yêu tôn giả Ananda ở điểm nào, và cô ta đã đáp là từ trong lẫn bên ngoài, cái gì của tôn giả cô đều thương mến hết. Phật hỏi nếu ở gần tôn giả mà phải xuất gia thì cô có chịu không. Và cô đã đồng ý cạo đầu đi tu. Ít lâu sau, cô đã chứng đắc quả vị A-La Hán, trước cả Thánh Tăng. 

Vị Tỳ-Kheo đã ngoài sáu mươi ngừng kể. Ông hướng mắt nhìn vòm trời rực rỡ nắng Thu một đỗi, rồi khẽ khàng nói:

- Nên những gì mà tác giả ca khúc ấy viết ra không hề đúng với kinh sách nhà Phật.

Vị Tỳ-Kheo Phi Châu ngỏ ý góp thêm một điển tích về Thánh Tăng Ananda, hai người Kito hữu vui vẻ chấp thuận. Chú bèn hắng giọng, rồi thuật lại bằng giọng tiếng Việt rành rẽ:

- Sau khi Đấng Thế Tôn nhập diệt, công việc... Để nói cho hai thí chủ Kito dễ hiểu, tôi sẽ sử dụng chữ "truyền đạo"... Chuyện truyền đạo được giao cho Trưởng lão Đại Ca-Diếp, Ananda, Ưu Đà Ly, Kiều Trần Như và một số vị khác. Một hôm nọ, trong lúc tôn giả Ma Ha Ca Diếp đang truyền đạo, có một Tỳ-Kheo Ni bỗng càu nhàu: "Sao ông này ham nói quá, không chịu để cho vị Trưởng lão đẹp trai kia thuyết giảng." Không cần phải nói cũng biết tôn giả Ananda khó xử thế nào; sau khi buổi thuyết pháp kết thúc, Thánh Tăng đi tìm vị Tỳ-Kheo Ni ấy giảng giải và khuyên lơn cô đừng mang tư tưởng nhuốm mùi bóng sắc thế gian như vậy nữa.

Ngoài ra, trong cuộc đời tu tập, Thánh Tăng còn bị một Tỳ-Kheo Ni khiêu gợi và đủ thứ chuyện "oan thấu Trời xanh" vì vẻ ngoài tuyệt sắc của mình.

Chợt có tiếng cửa mở, rồi kéo theo sau là tiếng baton nện xuống nền gạch rêu phong hoài cổ. 

- Hoan hỉ đón hai vị thí chủ Kito đến với tịnh thất.

Trưởng lão đã gần trăm tuổi, dáng người gầy gò và cái lưng còng xuống như con tôm. Đặc biệt, đôi tai của cụ giống hệt tai Phật.

- Quý Tâm, lại đây.

Quý Tâm di chuyển bằng cách quỳ gối mà lết lại gần cụ.

- Ta đã nói trước với con rồi mà Quý Tâm... 

- Con biết mình đã phạm tội vọng ngữ và phá giới rất nặng, thưa thầy.

Trưởng lão xoa đầu Quý Tâm như người mẹ hiền vỗ về đứa con vụng dại.

- Phụng sự chúng sanh cũng là cúng dường Chư Phật. Gieo thiện tri thức là một hành động rất tốt đẹp và đáng hoan nghênh. Nhưng cần phải cẩn thận lời ăn tiếng nói, đừng để Ngũ Uẩn vấy bẩn con đường tu tập của con. Tùy duyên, con hiểu không?

- Con biết, nhưng con không làm được.

Trưởng lão khẽ gật đầu, tỏ vẻ đồng cảm với người đệ tử Út:

- Con còn một món nợ nữa, không thể trốn tránh. Cảnh bình yên trên đời, không dễ có trên đời. "Cảnh" đã diệt, "Bình" trở thành "Hỗn", và "Yên" không còn đúng như tên gọi. Con không nhanh tới sửa sang khu vườn ấy lại, "Bình Yên" sẽ biến mất nốt.

Trần Cảnh Chiêu càng lúc càng cảm thấy hoang mang. Tại sao người tăng sĩ nào cũng có thuật đọc tâm, anh chưa kịp mở miệng thì đã được nhận câu trả lời đúng như sở nguyện và vô cùng dễ hiểu?

Như hiểu viên pháp y nghĩ gì, Trưởng lão vuốt chòm râu bạc phơ và nói:

- Một số vị trụ trì có chữ Thích đứng trước pháp danh đã phạm giới nhà Phật rất nghiêm trọng, vậy mà không một tín đồ nào dám lên tiếng chỉ ra.

Trần Cảnh Chiêu đang suy nghĩ xem những vị tăng sĩ Theravada này có gì khác với những vị tăng sĩ mà anh từng thấy trên kênh tin tức xã hội thì Trưởng lão đã giải đáp cho anh.

- Những người đã quy y Tam Bảo không được phép nằm giường cao, ngồi chỗ sang, sử dụng đồ vật quý giá, cũng như không được xức dầu thơm hay chải chuốt, chưng diện. Chưa kể đến còn phải đi chân đất và không được bỏ mứa thực phẩm cúng dường. Và vô vàn giới luật khác nữa.

Châu Lợi bỗng lên tiếng nói thay Thầy mình:

- Tôi có xem một đoạn băng quay một vị trụ trì rất nổi tiếng, ông ta ngồi cái ghế bằng gỗ quý chạm trổ rất đắt tiền, xung quanh bàn viết trang trí hoa hòe hoa sói, trần nhà đúc thạch cao sang quý. Còn ngôi chùa thì tọa lạc trên núi, sau khi đã đốn sạch cây cối. Trong khi Đấng Thế Tôn ban hành giới cấm chặt cây.

Ngày xưa Đấng Thế Tôn ngồi giảng đạo thế nào à? Ngài ấy ngồi xếp bằng trên một cái bệ bằng đá hoặc bằng gỗ. Chỉ có vậy thôi.

Qua Nhật thì tăng sĩ bỗng nhiên được phép cưới vợ, qua Tàu thì chế ra đủ thứ kinh sách, nhân vật và chi tiết không có trong giáo lý nhà Phật, qua tới Nước mình thì bày thêm trò gọi hồn, lập đàn giải hạn. Đấng Thế Tôn đã từng dự ngôn rằng Phật Giáo sau này sẽ bị hủy hoại bởi chính người trong Tăng đoàn, và quả đúng thế thật.

Manuel Ngô hỏi:

- Thưa cụ, đạo Phật có người đứng đầu như Đức Giáo Hoàng trong Công Giáo không?

- Phật Tổ đã căn đi dặn lại rằng sau khi Ta đi, hãy lấy Chánh Pháp của Ta làm giáo chủ, chứ Ngài không bổ nhiệm ai làm giáo chủ hết. Nhưng đáng buồn thay, Ngài vừa mới nhập diệt không bao lâu, vì bất đồng quan điểm, trong Tăng đoàn đã chia rẽ thành hai hệ phái: Phái Bảo Thủ của Trưởng lão Đại Ca-Diếp và phái Tân Tiến của nhóm Vajjiputta. 

Như Lai không muốn có giáo chủ Phật Giáo. Vì Phật Tổ sợ hệ lụy từ sự lạm quyền của những người giáo chủ tương lai, cũng như sự ỷ lại về mặt tâm linh và tu tập của những người Tăng - Ni và giới Phật Tử. Nếu muốn bước chân đến Niết Bàn, thí chủ phải tự thắp đuốc mà đi và hành trì Giới Luật một cách nghiêm chỉnh, chứ không phải dựa hoàn toàn vào lời giảng của Tăng - Ni.

- Bằng cách nào, thưa cụ?

- Phật Tổ đã trao cho mọi tín đồ tấm bản đồ đến Niết Bàn. Thay vì tập trung một đường mà tiến, anh lại dừng chân nghe ngóng, ngó nghiêng; rồi hễ thấy ai có tài lạ hoặc nói xa nói gần, anh lại hoài nghi hay thay đổi lộ trình theo ý mình hoặc ý kẻ lên tiếng. Tới chừng anh bị lạc đường, anh lại đâm ra oán trách Như Lai thế này thế nọ, trong khi lỗi hoàn toàn thuộc về anh.

Trần Cảnh Chiêu xen vào đặt câu hỏi:

- Vậy đọc kinh Phật có thể giúp các Tỳ-Kheo mau chóng trở thành Phật không thưa cụ?

- Vị Phật tương lai sẽ chứng đắc thành Phật mà không hề dựa vào kinh điển của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

- Thưa cụ, cụ có thể nói cho con nghe tại sao cụ biết không?

- Lúc trước Như Lai cũng đã chứng đắc thành Phật mà không hề dựa vào kinh điển của các vị Phật quá khứ như Phật Ca-Diếp, Phật Độc Giác, Phật Nhiên Đăng, Phật Thi Khí, Phật Tỳ-Bà-Thi,...

Thấy Trần Cảnh Chiêu vẫn còn hoài nghi, Trưởng lão bèn giảng giải thêm:

- Cho ta hỏi con nè, con đọc hết quyển sách nấu ăn và thuộc nằm lòng toàn bộ công thức trong đó thì liệu con có thể trở thành đầu bếp tài ba được không?

- Theo thiển ý của con là không, thưa cụ. Người đầu bếp giỏi thường phụ thuộc vào năng khiếu, chăm chỉ tập dượt mà không có một chút tài năng thiên bẩm thì cũng khó thành tài.

- Tu Phật cũng vậy. Không nghiêm chỉnh trì giới và làm theo lời Như Lai dạy thì dẫu đọc muôn vàn kinh điển cũng bằng thừa. Thánh Tăng Ananda là người được mệnh danh "đệ nhất đa văn", kinh điển nào cũng thuộc vanh vách, ấy thế mà vẫn chỉ là A-La-Hán, vì mải lo chăm sóc Đấng Thế Tôn và quán xuyến Tăng đoàn nên không vững tâm tu tập hay trì giới. 

Phú Lâm rót nước cho Thầy uống xong, ông day qua hỏi Trần Cảnh Chiêu:

- Thí chủ là pháp y, ắt sẽ dụng đến dao mổ phải không?

- Dạ phải.

- Thí chủ mua một con dao mổ, nhưng mua xong lại cảm thấy hoài nghi về độ sắc bén của nó, nên dùng nó cắt dưa leo thử. Tuy trái dưa leo đã bị cắt ngọt sớt, nhưng thí chủ vẫn cứ mân mê, kiểm tra tới kiểm tra lui, rồi không may bị đứt tay. 

- Như Judas thử Chúa. Và ông ta đã bị "đứt tay". - Manuel Ngô góp lời.

- Sự hoài nghi đức tin mà mình đương đặt tâm thức vào có thể khiến bản thân bị "tẩu hỏa nhập ma". Nên Phật Tổ mới nói nếu đã tin thì phải triệt chứng hoài nghi, không được đứng mập mờ giữa hai bờ Có - Không. Một con người như vậy chẳng thành Phật, cũng chẳng thành Ma, mà sẽ trở thành người điên; xin lưu ý, câu này là thiển ý của tôi, không phải Như Lai nói.

Một vị Tỳ-Kheo tên gọi Phá Vân nhận lời giảng giải:

- Có nhiều người đã cố tình lập lờ đánh lận con đen để khiến những người theo Phật Giáo không đoái hoài đến việc Nước, hay còn gọi là việc Chính Trị, nhằm mục đích bảo vệ chế độ của nhà cầm quyền. 

Phật Tổ vốn có đức hiếu sinh, nên khi nhìn thấy mầm mống chiến tranh vừa mới nhen nhóm, nếu như có thể, Ngài sẽ tới đó thuyết pháp để cứu vãn tình hình xung đột Chính Trị và tham vọng xâm lăng của các vị vua. Không phải lần nào Ngài ấy cũng thành công đâu; bởi do nhiều yếu tố tác động lẫn Nghiệp - Quả mà vương quốc đó tự động tan rã trước lúc các nước khác kéo quân đánh chiếm hoặc vương quốc đó đã tới ngưỡng Diệt. Nhưng, xin lưu ý kỹ, Đấng Thế Tôn thuyết pháp dựa trên sự tùy duyên, chứ không phải là cưỡng cầu. Có rất nhiều người theo Đạo Phật nhưng không hề biết rằng Chư Phật và các vị A-La-Hán không can dự vào hoặc hóa giải Nghiệp Lực của chúng sanh. Nghiệp ai thì người nấy phải gánh, Nợ ai thì người nấy phải trả, Duyên ai thì người nấy phải đoạn, Quả ai thì người nấy phải lãnh; không có chuyện người khác giải quyết giùm hay chịu giùm mình. Để có thể tu giải thoát, cần phải diệt trừ các lậu hoặc, chấp ngã, tham ái và vô vàn điều khác nữa mới mong chứng đắc quả vị và tiến nhập cảnh giới Niết Bàn.

Gây chuyện thị phi và buông lời khiến cho người khác đau buồn, gặp nạn là hai trong số những tội vọng ngữ, nhưng theo tôi thiết nghĩ, nếu dung dưỡng cho cái Ác thì chính chúng ta cũng đang tạo ra Nghiệp Ác, nên chăng chúng ta nên chịu phạm giới để cứu lấy những con người đã và đang sa lầy vào chuyện bất thiện đó bằng cách nói lời can gián và khuyên lơn họ. Tôi biết hai thí chủ không tin và cũng không hiểu, nên nếu mai sau muốn nghiên cứu về chủ đề này, hãy tra cứu từ khóa "Cộng nghiệp trong Phật Giáo", ắt hẳn sẽ tìm thấy chìa khóa để mở cửa. Và, xin nhớ, đừng đọc mỗi một bài, xin hãy chịu khó đọc thật nhiều tài liệu nếu như muốn nắm được điều này, bởi đây không phải là một chủ đề dễ hiểu và có thể nắm bắt được trong thời đại bây giờ.

Uống xong chén trà, Trưởng lão đọc một bài Kinh Pháp Cú:

"Những người hay khuyên dạy

Ngăn người khác làm ác

Được người hiền kính thương

Bị kẻ ác không thích."

Thời Đấng Thế Tôn hãy còn tại thế, Ngài đã từng đuổi thẳng những tăng sĩ phạm giới ra khỏi Tăng đoàn hay quở trách thị giả Ananda mỗi khi Thánh Tăng lầm lỗi và ngộ nhận, chứ không phải là dung túng hay xuề xòa cho qua. Và câu nói trên nằm trong tích truyện Pháp Cú kể về việc Như Lai khuyên tín nữ bị ẩn sĩ lõa thể Pàthika sỉ nhục hãy dung thứ cho kẻ đã thốt lên những lời lẽ đó, bằng cách nghĩ rằng "Hãy nhìn vào lỗi mình, chứ đừng nên nhìn hay nhắc tới lỗi người." Đời sau lấy có mỗi câu này mà không đính kèm tích truyện thành thử ra diễn giải sai lệch. Nếu muốn kiểm chứng hãy tìm đọc tích truyện Pháp Cú số Năm Mươi.

Manuel Ngô hỏi:

- Vậy hóa ra câu nói trên là để khuyên bảo... chúng sanh và tăng sĩ hãy tập tâm vị tha hả cụ?

- Phải, chứ không phải là khuyên chúng

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net