Hồi Hai Mươi Mốt: Vàng son một thuở (a)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đếm xong xấp tiền toàn tờ một trăm, hai vợ chồng hết ngó xấp tiền, lại ngó Phan Hoài Việt. 

- Người bà con bên nội nhờ con mua giùm mấy món này để họ đãi tiệc khuya. Ông bà sui lên bất thình lình quá làm họ trở tay sửa soạn không kịp.

Thím Bảy giả lả:

- Ờ, tại thím thấy bữa nay con đặt mua nhiều hơn lệ thường nên ngạc nhiên... đôi chút. Tưởng đâu con mới trúng số độc đắc thì vợ chồng thím mừng giùm con.

Phan Hoài Việt từ lâu đã thấm thía cái cảnh nghèo đến mức không ai tin anh dám ăn xài sang cả. Họ tuy không nói ra, nhưng vẻ mặt chẳng biểu lộ một nét cằn nhằn nào khi thấy anh mua hàng của họ mà đắn đo từng li từng tí. Đồng lương nhà giáo không đủ để anh ta xoay sở giữa thời buổi vật giá leo thang này. 

- Cha! Gió lạnh dữ bây? Ra ngó coi trời có sắp mưa hôn để tao còn sắp xếp lại quầy hàng nữa. - Vừa khuấy nồi cháo lòng cho nó không bị khét đáy, cô Sáu vừa biểu thằng con đang mải chơi game trong nhà ra phụ việc.

Ông Hai "Thời Tiết" đưa mắt nhìn vòm trời dày đặc mây mù, rồi trề miệng phán:

- Mưa. 

- Mưa thiệt hôn ông? Đừng có hù tui nghe. 

- Chời, dân đóng đáy mà hổng biết coi sao bà?

Tô cháo lòng nóng bốc khói, đỏ rực sắc ớt bột pha vào, chưa ăn mà đã khiến người nhìn thấy đau bao tử giùm. Nhưng ông Hai ăn quen nên húp coi ngọt lìm lịm, những nếp nhăn nơi khóe miệng cong lên thật cao, làm hằn rõ nét cười trên gương mặt đã qua ngũ tuần.

Phan Hoài Việt đứng nghe một đoạn trong vở cải lương "Tiếng trống Mê Linh". Giọng của nghệ sĩ Thanh Nga cất lên đầy hào hùng;

"Hỡi đồng bào trăm họ, giặc Đông Hán đang xéo giày Đất Nước

Nhục nào hơn nhục nô lê ngoại bang

Thà chết mà đứng thẳng, không cam chịu sống quỳ

Đất Nước Nam cẩm tú, người dân Nam anh hùng

Trước đền thờ Quốc Tổ, thề hy sinh giết giặc cứu non sông..."

Bất giác, trong tim người thầy vọng đến một câu hát trong bài "Đêm chôn dầu vượt biển": "Nhìn lại bến bờ nước non mình, môi mặn, khóc nghẹn ngào."

- Đứa nào mà bảo vở tuồng này gây kích động thì chẳng khác nào vả vào mặt người mà chúng tôn sùng.

- Suỵt... Khẽ thôi ba. 

- Cái đám đó biết chó gì về tranh luận? Có mỗi chữ "Kích động" mà nhai đi nhai lại như con bò. - Người lính già nói đoạn, vớ lấy cây nạng rồi lết từng bước khó nhọc tới quầy bán. Sau khi trả tiền cháo, ông lại băng ghế ở trạm xe buýt ngồi đợi xe tới.

Hàng rào có những bông hoa lồng đèn đỏ rực càng ngày càng gần trước mắt Phan Hoài Việt. Nhờ có lũ kiến lửa sống dưới luống râm bụt mà nhà anh không bao giờ bị trộm cướp rình mò, nên anh không tiếc công chăm bẵm nó. Hai cánh cổng anh sơn màu thiên thanh. Anh yêu thích bài thơ "Hai sắc hoa Ti-gôn" của nữ sĩ ẩn danh T.T.Kh nên lắp thêm một giàn hoa "hình dáng như tim vỡ" phía trên cổng rào. Đến tận bây giờ, vẫn chưa có ai chắc chắn rằng chuyện tình trong bài thơ này có thật hay không, cũng như thân phận và danh tính của người sáng tác ra sao. Một số nhạc sĩ đã phổ nhạc cho bài thơ, chẳng hạn như "Hai sắc hoa Ti-gôn" của Trần Thiện Thanh.

- Mi đi mô rứa mà lâu dữ vậy hè?

- Dạ, tại quán của chú thím đông quá. - Phan Hoài Việt phát cho mỗi người một chiếc kềm inox để tách càng cua lấy thịt. Một ông thương lái bán sản phẩm làm bếp thấy quầy hàng của vợ chồng chú Bảy bán đắt quá nên gợi ý bỏ mối các loại dụng cụ dùng khi ăn hải sản. Không ngờ các loại sản phẩm được khách ăn ưa chuộng vì tính tiện lợi và dễ xài, nên hai bên trở thành mối ruột của nhau luôn.

Lạc Tương Giang bật nhạc phẩm "Hội nghị Diên Hồng" do ca-nhạc sĩ Trường Hải trình bày:

" Toàn dân nghe chăng, Sơn Hà nguy biến!

Hận thù đằng đằng. Biên thùy rung chuyển..."

Bốn người học trò của cụ không hẹn mà đưa mắt nhìn nhau. Ai nấy đều đã lên sẵn dây-cót để đối phó với bài giảng và vô số câu hỏi của ông giáo già họ Lạc.

- Cảm ơn anh. - Phan Hoài Việt rụt rè cất giọng. Đã lâu rồi anh ta mới được nếm lại món thịt cua.

- Ăn chung cho vui. - Hác Đăng Khánh buông xuống một lời mời thâm tình, rồi cầm một con cua khác lên tách lấy thịt. Mãi đến năm chú quen với chị lớn, chú mới biết ăn thịt cua, điều kiện sống nơi cô nhi viện nghèo nàn là nguyên nhân khiến chú không biết đến mùi vị hải sản đắt tiền thuở tấm bé.

Lạc Tương Giang ai hay mô thằng Khánh biết tánh tự ái của thằng Việt, nên "tiền gắp hậu tấu", để thằng nhỏ không thể chối từ. 

- Bọn mi khác miền nhưng chung một giàn, ngồi đó ăn đầu mút đũa mần răng mà coi đặng. Toàn nền ông với nhau mà bọn mi cư xử khép nép như nền bà, thiệt là ngụy đời.

- Thầy ơi, "ngụy đời" là cái chi mô? - Hác Đăng Khánh nghệch mặt hỏi.

- Là "Kỳ quặc" đó a. - Lạc Tương Giang vừa lột vỏ con tôm hùm, vừa nhấm nhẳng đáp.

- Rồi, ổng say, ổng nói tiếng Huế luôn rồi. - Nguyễn Giai Kỳ cười khổ. Rồi lấy con ốc khác lể thịt ăn.

- Để từ từ tao quành về tiếng phổ thông. - Ông giáo già lừ mắt nhìn cậu học trò nổi danh "mác-tăng-xít". Rồi trỏ mặt mắng. - Mi đúng là cái đứa bời chời bợt chợt.

Nguyễn Giai Kỳ phì cười. Rồi trở đầu đũa, gắp cho ông giáo thân yêu một con tu hài nướng sa-tế ngon ngọt, nhằm dỗ ông nguôi giận. Tánh nết dân miền Tây sông nước sống phóng khoáng quen rồi. Ghét nói ghét, thương nói thương, ít khi để bụng hay giận dai. Cách nói chuyện quởn xo, không câu nệ ấy có thể khiến người từ nơi khác tới quen nề nếp cảm thấy phật ý, nhưng ở gần mới thấy tâm tính người dân nơi đây rộng lượng và chất phác thế nào. Đi mua bánh xèo, xin thêm rau, người bán cho cả rổ. Đi mua hủ tíu, xin thêm tóp mỡ, người bán cho luôn mấy muỗng đầy vung mà mặt mày không hề dàu dàu hay càm ràm cử nhử. Thậm chí khi đi mua rau ở ngoài chợ, mở miệng xin thêm trái ớt hay cọng hành, người bán cũng sẵn lòng lấy ra cho mà không cơi thêm tiền vào món hàng mua ban nãy. Chỉ có điều, chuyện học vấn không được bà con miền Tây đặt nặng, đứa nào học được thì học tiếp, không được thì nghỉ đi làm công, bà con lối xóm cũng không cười chê khi thấy đứa nào dốt đặc cán mai, đôi lúc họ còn chạy tới can ngăn nếu thấy gia đình nào trong xóm đánh con vì cái tội học dở. Nói thế thì thế, chớ tới lúc cô cậu nào "vinh quy bái tổ", bà con lối xóm lại kéo đến nhà chúc mừng rộn rịp, rồi về khuyên lơn, tỉ tê nhỏ to với con cháu để hướng nó vào con đường Tri Thức, hòng mong cầu cho sắp nhỏ có tương lai đỡ vất vả và cực nhọc như mình.

- Bây giờ, chủ đề mà hôm nay tôi muốn giảng lại cho các hiểu đó là về "Tự do Ngôn luận". 

Hác Đăng Khánh chắc ăn mình sẽ không bị ông giáo chửi, bởi ông chú từ hồi nhậm chức tới giờ, chưa hề bắt bớ hay hạch sách những người bày tỏ quan điểm chống đối mình. Chú tươi tỉnh nhịp giò chờ đợi thầy cất tiếng giảng giải. 

- Nếu họ phát biểu sai, thì họ sẽ tự nhận lãnh cái nhục, cái hổ ai. Mình căm ghét những ai cấm đoán tự do ngôn luận, mà lại đi làm điều đó với người khác, có khác nào bản thân vừa nhai trầu, vừa chê người ăn trầu là già nua cổ hủ không? Chúng ta chỉ kiện cáo họ khi nào lời lẽ của họ mang hàm ý đe dọa tính mạng và tài sản, hoặc có đủ bằng chứng là họ vu khống nhằm mục đích hạ nhục và bôi nhọ danh dự mình và thân bằng - quyến thuộc. Còn phát biểu ngu và đả kích lẫn nhau là một chuyện tuy không hề tốt đẹp, nhưng chẳng ai có quyền giải người đó lên đồn phạt tiền hay đưa người đó ra tòa cả. 

Hóa ra là mấy chuyện lằng nhằng gần đây.

- Ví dụ thế này, tôi ghét trò Việt, tôi mới nói: Nhìn cái mặt là biết ngu rồi. Nhưng các trò biết trò Việt tài năng hơn tôi, thì liền hiểu ngay là tôi đang tị nạnh với trí tuệ của trò ấy, tuy không cãi lại nhưng các trò đều ngấm ngầm coi thường tôi là một người bất tài, mà lại có tánh nói xấu người giỏi hơn mình. Vậy thì bãi nước bọt mà tôi cố tình phun ra để làm xấu mặt trò Việt, giờ hất ngược lại mặt tôi. Các trò thấy đấy, chỉ vì một câu phát biểu ngu của mình mà tôi đã tự hạ thấp nhân phẩm của mình với toàn trường. Cho nên mỗi khi thấy ai phát biểu ngu, các trò chẳng cần tốn thì giờ công kích hay giảng giải chi cho mệt, hãy để họ từ tốn nhận lại hậu quả từ lần phun nước bọt của mình.

Bốn đứa học trò của cụ lặng thinh. Mỗi người rơi vào một dòng suy tưởng riêng. Nét mặt ai nấy đăm chiêu khôn cùng.

- Cái luận điệu "Không thích thì cút sang chỗ khác sống" là một trong những câu ngụy biện "cùn" và ngu xuẩn nhất. Giờ tôi không ưa con mẹ hàng xóm nhiều chuyện thì cũng phải bán nhà dọn đi chỗ khác à? Muốn định cư ở đâu là quyền tự do công dân của tôi, anh lấy tư cách gì mà bắt buộc tôi phải phục tùng anh hay phải thương, phải thích anh. Chừng nào tôi đặt điều về anh thì anh mới có thể đưa ra các chế tài pháp lý nhằm xử phạt tôi. Giống hệt như những kẻ khốn nạn đặt điều con gái miền Tây toàn làm đ* điếm và sính ngoại vậy. Đó là đặt điều và vu khống trắng trợn hòng bôi nhọ danh dự cả một vùng đất. Còn tôi thấy miền của anh trộm cướp nhiều, tôi mới lên tiếng góp ý với anh để anh chấn chỉnh lại an ninh khu vực mà mình quản lý; những thứ tôi nêu ra dựa trên Sự Thật rành rành, nói có sách mách có chứng, thì những gì tôi nói sẽ mang hàm nghĩa phê bình và khuyên lơn, chứ không phải vì ghét nên nảy sinh tâm tưởng đặt điều, bôi nhọ.

Hác Đăng Khánh biết thầy Ba đang nhắc đến mình, nhưng không phản ứng chi sất. Chú lặng câm như cái bóng trên tường, lòng tràn ngập một nỗi niềm chua chát và oan khiên khôn tả. 

- Nói tóm gọn lại: Thương ghét là quyền tự do công dân, không phải vì người đó ghét người mà mình tôn sùng hay hâm mộ mà chụp lên đầu người ta đủ thứ "chức danh" vô lý. Vô hình trung,  các trò tự đội lên đầu mình những "chức danh" đó luôn.

Giả Nam Phong lột vỏ một con tôm rang muối, rồi đặt vào chén của bạn thân. Gã biết bạn mình bị oan. Gã biết bạn mình bị oan thực sự. Gã biết. Gã chắc chắn biết điều mình biết là đúng. Đúng một trăm phần trăm. 

- Tôi không thích Khổng Tử, bởi lẽ có một chi tiết trong tác phẩm "Đông Châu Liệt Quốc", chương 78, đã khiến tôi có thành kiến với ông ta. Các trò cũng biết câu "Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân" rồi chứ? Nôm na là "Cái gì mình không muốn bị thì đừng làm điều đó với người khác". Vậy mà ông ta lại ra lệnh chém đầu đám con hát cùng khổ để thị uy với vua nước Tề. Ở cái thời phong kiến, những người tàn tật và con hát có chút nhan sắc phải hạ mình và tự làm nhục bản thân để kiếm tiền đắp đổi qua ngày, họ đâu có chủ đích đứng múa may chế giễu ông ta đâu, người sai khiến họ là ông vua nước chủ nhà, họ mà kháng chỉ là sẽ bị chém bay đầu cả họ, thế thì hà cớ gì ông ta lại ra lệnh hành hình họ một cách man rợ và tàn độc như vậy? Nếu áp dụng theo chính câu phát biểu của ông ta, thì ông ta cũng biết sợ đau, sợ liên lụy đến thân bằng quyến thuộc, vậy mà ông ta lại nỡ xuống tay giết họ theo phương thức rất khủng khiếp. Theo các trò, ông ta có sống đúng như những gì đã rao giảng không? Và vì cơn thịnh nộ của bản thân mà ông ta đã tự biến mình thành "minh chứng sống" của câu nói "giận quá mất khôn".

Những người học trò của ông tiếp tục thinh lặng như những ánh sao mờ căm trên nền trời độc sắc mây mù. 

- Ông vua Tấn nhờ miếng thịt đùi của Giới Tử Thôi mà vượt qua cơn chết đói. Tới ngày ông ta đăng cơ, vì không muốn ra làm quan nên Giới Tử Thôi dẫn mẹ đi mai danh ẩn tích. Ông ta sai người tra được nơi lánh đời của hai mẹ con, bèn phái quan viên ở đấy tới gọi họ về cung nhậm chức. Hai mẹ con vội vàng chạy trốn ngay sau khi quan viên địa phương rời đi. Cho rằng họ coi thường mình, ông ta kêu quân lính nổi lửa đốt trụi cánh rừng để ép buộc họ phải quy hàng. Và rồi hai mẹ con Giới Tử Thôi đã chết thiêu trong cơn lửa dữ dội.

Phan Hoài Việt bỏ đá vào ly bia của mình. Thanh âm "Lanh canh" rung những nhịp vui tai vào bầu không khí ngột ngạt. Đêm nay, trời có mưa hay chăng?

- Sau đó, sợ lòng dân nổi loạn vì mưu sát người ơn, ông ta chọn ngày lành tháng tốt lập đàn nói "Sorry, sorry" mấy tiếng, giả bộ đứng khóc lóc ỉ ôi một chập, rồi lập ra cái tiết Hàn Thực để tưởng niệm Giới Tử Thôi. Chi tiết này nằm ở chương 37, cuốn "Đông Châu Liệt Quốc".

"Tách."

Nguyễn Giai Kỳ khui hai lon bia, một cho anh ta và một cho ông thầy. Không biết đám lính ở "nhà" có nhớ gã không ta? Hay là tụi nó đang bắn pháo bông ăn mừng vì thoát khỏi tầm kiểm soát gắt gao của gã?

- Ngột ngạt lắm rồi phải không? Hát vài bản thay đổi bầu không khí đi.

Nguyễn Giai Kỳ mượn cây đàn guitar của anh giáo họ Phan, rồi dạo một khúc nhạc đầy chất vô thường, mang tựa đề "Bên ni bên nớ", được danh ca Anh Ngọc trình bày rất hay:

"Đêm chớm ngày tàn, theo tiếng xe về, lăn về viễn phố

Em hỡi sương rơi, ngoài song đêm Hạ, ôi buồn phố xá

Hoang liêu về chết tha ma, tiếng chân gõ guốc xa xa..."

- Kỳ.

- Dạ?

- Con thấy cậu Đoàn ra răng?

- Bản lĩnh. Khí phách. Có điều hơi ngông chút. Thưa thầy.

- Rải truyền đơn lật đổ thằng Khánh, trong khi tay không tấc sắt, thế lực của thiếu tướng Phạm chẳng đủ để chống lưng nó thoát khỏi án tù. - Lạc Tương Giang cười buồn. Rồi giục trò Kỳ gảy bản nhạc "Xin chia buồn" của nhạc sĩ Nhật Ngân, cụ từng nghe ca khúc này qua giọng hát của Elvis Phương và Duy Khánh. Nhưng gã lắc đầu từ chối vì không biết bài đó. Không biết cũng đúng, bài này bị cấm mà.

Giả Nam Phong chưa hề thấy qua người lính dù ấy. Sóng gió biển Đông và cát bụi Hoàng - Trường Sa đã mài mòn những dòng ký ức của tuổi thanh xuân trong trẻo nơi vị chuẩn tướng tứ tuần. Thứ hiện diện trong gã ở thời điểm này, là tình hình an ninh lãnh hải và ổn định được đời sống của bà con ngư dân nước mình.

Còn nhớ lần đầu đứng lớp dạy họ, Lạc Tương Giang giảng bài bằng tiếng Huế rặt, khiến đứa nào đứa nấy ngáo ngơ như trẻ con bị gửi cho cô giữ trẻ.

"Trời đất quỷ thần thiên địa ơi! Ông giảng cái chi mà toàn răng với rứa. Tê với chả ri." Nguyễn Giai Kỳ ôm đầu kêu lên đầy thống thiết.

"Buổi học bữa ni một phần là lỗi của tôi, tôi khiến các cậu vừa học vừa dịch thuật sang tiếng Việt phổ thông." Lạc Tương Giang rầu rĩ thanh minh thanh nga. "Để đền bù lại, tôi tặng cho mỗi người một cuốn tự điển tiếng Huế về học. À, mạ tôi bữa ni có mần món bánh phất ngon dữ lắm."

"Thầy ởi, cỏn hổng cỏ biết ăn bánh phất đẩu."

"Mi nhái tao hỉ thằng ba bớp?" Lạc Tương Giang trỏ mặt Nguyễn Giai Kỳ mắng xối xả.

Nhớ tới chuyện cũ, cả bọn bỗng cảm thấy xốn xang trong dạ. Mười hai năm đã trôi qua, tổ chức tình báo của Mạc Ngân Thần và Hà Nhất Hương coi sóc đã giải tán, bởi hai trụ cột còn lại đã ra đi về miền miên viễn, ấm êm; để lại những khoắc khoải và uẩn uất do các vụ trọng án mà họ phụ trách hãy còn dở dang cho thế hệ nối tiếp...

- Cậu có giọng hay nhường thế, hát giùm tôi bản "Mưa trên phố Huế" như Duy Khánh đi. 

- Con hát thêm bản "Ai ra xứ Huế" và "Huế xưa" nghen thầy? - Nguyễn Giai Kỳ nở nụ cười chuộc lỗi vì chuyện ban nãy.

- Ừ.

"Ai ra xứ Huế thì ra. Ai về là về núi Ngự. Ai về là về sông Hương. Nước sông Hương còn thương chưa cạn. Chim núi Ngự tìm bạn bay về. Người cùng quê ơi người cùng quê. Thương nhớ lắm chi..."

- Nó hát ba bản rồi. Giờ tới phiên con đấy Việt.

Bia vào người, Phan Hoài Việt mạnh dạn cất cao giọng hát nhạc phẩm "Phải lòng con gái Bến Tre":

"Bậu sang phà Rạch Miễu. Qua lẽo đẽo theo sau. Đội bóng trăng trên đầu, màu hường như áo cô dâu..."

- Cô Phi Nhung ca bài này ngọt lắm. Nghe xong muốn "Phải lòng con gái Bến Tre" luôn. - Cùng là người miền Tây với anh giáo trẻ, nên chuẩn tướng Kỳ tỏ ra rất thích thú với màn trình diễn của anh ta. 

- Có ông nhà báo người Bắc xuống miệt Kiến Hòa đi tìm mộ ngài Trương Tấn Bửu, nhưng nói nhầm thành Trương Tấn Bảo, nên chẳng ai ở miệt ấy biết cả. Đến chừng một ông cụ trong xóm tinh ý, mới ngoắc lại hỏi, "Phải ngài Trương Tấn Bửu hôn?", thì ông nhà báo mới vỡ lẽ mình lộn tiệm từ sáng tới giờ.

- Trong Nam: "Bửu", "Phước", "Nhứt", "Quới", "Chơn", "Nhơn", "Nhựt", "Bổn", "Đơn",... Ngoài Bắc: "Bảo", "Phúc", "Nhất", "Quý", "Chân", "Nhân", "Nhật", "Bản", "Đan",... Hai miền Nam - Bắc ngữ âm khác nhau, nên cách đặt tên cũng khác nhau, đừng có tùy tiện "sửa lưng" tên gọi người khác, kẻo có ngày phải đi "sửa răng" đó đa. - Nguyễn Giai Kỳ cười khoe hàm răng đều tăm tắp.

- Tao mà lên cơn nói toàn tiếng Huế thì đố bọn mi mần răng mà hiểu. - Lạc Tương Giang khoái chí cười phá lên.

Phan Hoài Việt trầm giọng đọc bài thơ "Phải lòng con gái Bến Tre " của thi sĩ Luân Hoán. Giọng anh ngân vang, đượm buồn, phảng phất nỗi nhớ nhung quê nhà não nề đến lạ:

"... Bậu ơi tin qua chớ

Lắng lòng nghe qua thề

Trước thần Phan Thanh Giản

Nếu như mà u mê..."

Thi sĩ Luân Hoán phải yêu miệt Kiến Hòa lắm đa mới có thể sáng tác một bài thơ nêu đầy đủ tên các bậc danh nhân, đường xá, công thần nước Nam, tôn giáo xứ dừa, chuyện tình muôn thuở, đặc sản trứ danh, sự tích các cồn cát,... của vùng đất nhỏ bé này. 

- Trường Phan Thanh Giản từng bị đổi tên. Rốt cuộc, cái tên của ngài ấy vẫn được giữ nguyên, còn cái tên lạ hoắc lạ huơ kia đã bị người dân chối bỏ. Lịch Sử có thể bị xuyên tạc, đặt điều và bôi nhọ, nhưng lòng dân muôn đời là thật. Họ biết người nào đúng và kẻ nào sai, ai đáng được tôn thờ và ai chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng xảo trá, nhưng vì thấp cổ bé họng nên phải im miệng để giữ lấy tính mạng cho mình và gia đình. - Phan Hoài Việt tự nói, rồi tự trào một mình.

Lạc Tương Giang chợt kêu trò Kỳ khảy đàn chơi bản "Một ông già" do nhóm nhạc Lê Minh Bằng sáng tác. Nó đã từng là nhạc chuông điện thoại của cụ. Nghe được

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net