Hồi Hai Mươi Sáu: Dư âm mùa Giáng Sinh (b)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Xe cháo Tiều chỉ mở bán vào vắt khuya. Khách ăn xếp hàng chờ từ sớm, đủ mọi trạng thái Hỷ - Nộ - Ái - Ố hiện trên gương mặt họ. 

- Cường từng ăn cháo Tiều chưa?

- Rồi, quán này hợp nhứt nên tôi mới dẫn Bân đi ăn. 

Đứng đợi chừng một tiếng đồng hồ, hai người mới có chỗ ngồi. Bàn còn chưa kịp dọn, họ đã phải ngồi xuống ngay kẻo mất chỗ. Xui xẻo sao khách trước ăn uống không sạch sẽ nên nhìn khá ghê và dơ.

Vừa giúp thằng nhỏ bồi bàn dọn dẹp, Mạnh Cường vừa bình phẩm:

- Có nhiều người mắc một cái tật, là hễ coi clip giới thiệu đồ ăn - thức uống nước ngoài là phải chê cho bằng được, không quên đính kèm câu "Đồ ăn Việt Nam là ngon nhất". Dân xứ nào thì quen khẩu vị xứ đó, đâu ra cái tâm lý hãnh tiến vậy? Chưa kể đến thấy món gì cũng chê đắt, ăn xong không dám đi "xả" vì tiếc của; trong khi không chịu nhìn lại  mệnh giá và mức lương hằng tháng của nước người ta ra sao.

Tào Việt Bân ăn thử bánh quẩy, rồi che miệng khen giòn ngon, không bị ngậy dầu. 

- Cường có từng được cử đi học tập hay đi công vụ bên nước ngoài như tôi không?

- Có. Vài năm trước có sang Hoa Kỳ một chuyến.

- Đồ ăn Việt bên đó ra sao?

- Đồ ăn Việt Nam bán bên Mỹ không ngon đâu, vì phải nêm nếm cho hợp khẩu vị người bản xứ mà đầu bếp phải gia giảm hương liệu sao cho bớt nặng mùi và dễ ăn.

- Tôi là người Đại Hàn mà còn không nuốt trôi món bạch tuộc sống. Và một số loại kim chi, điển hình như kim chi trộn với con hàu. 

- Cho nên thành một cái tật, mỗi bận xem clip giới thiệu đồ ăn, tôi bỏ qua phần bình luận để giữ cho tâm bình khí hòa. Suốt ngày cứ ra rả "hãnh diện" với "tự hào"...

Bài hát đang phát ra từ chiếc radio của ông bán kẹo kéo mang tên "Bức tranh Xuân" do Như Mai trình bày, nhạc phẩm này được nhạc sĩ Anh Bằng đặt lời Việt từ bản "Trung Quốc Cha Cha Cha" của nhạc sĩ Đài Loan Dật Danh. Về sau bị người khác tự ý đổi tựa thành "Con bướm Xuân":

"Con bướm xinh, con bướm xinh, con bướm đa tình

Đùa vui với lũ hoa mai, bó lan đang hòa mình..."

Kế đến là "Tuổi mùa Xuân" cũng do cô Như Mai ca, một sáng tác của nhạc sĩ Song Ngọc:

"Em thích mùa Xuân được ngủ ở bên gốc mai

Trong nắng mùa Xuân mình được một giấc mơ đẹp..."

Ông chủ quán cháo Tiều gặp lại người bạn già, hoan hỉ mời lát ngồi nhậu với ông ta vài ve. 

Sau khi nhận lời tri kỷ, ông bán kẹo kéo mới quay sang hỏi người ký giả có bút hiệu Sương Tuyết:

- Cậu tới đây phỏng vấn tôi để tìm tư liệu viết bài à?

- Dạ phải. 

Tấm thẻ bài mà bà cụ trao cho Đặng Xương Tuyết, nay anh gửi lại cho người thương-phế binh già. Ông cụ vừa mân mê tấm thẻ bài rách tên vừa tâm sự cho anh hay quãng đời của mình, từ những vui buồn trong quân ngũ, cho đến cuộc sống hiện giờ. Tiếng nói của cụ thật trầm và ấm, lại rõ ràng, mạch lạc. Câu văn súc tích, không đung đưa dài dòng, đúng nết "Lính mà em". Vợ cụ lắng tai nghe chồng nói, trên miệng nở một nụ cười tươi rói như hoa hàm tiếu ngậm sương sớm.

Có lẽ buồn tai, bà cụ bật những tình khúc của Đặng Thế Phong lên nghe. Bài đầu tiên bà nghe là "Con thuyền không bến" do danh ca Thái Thanh trình bày:

"Đêm nay Thu sang cùng heo may 

Đêm nay sương lam mờ chân mây

Thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng

Như nhớ thương ai chùng tơ lòng..."

Ông cụ thấy vậy thì ngừng thực hiện phỏng vấn mà chuyển sang giới thiệu đôi nét về người nhạc sĩ tài hoa bạc mệnh cho cậu ký giả nghe:

- Nhạc sĩ Đặng Thế Phong chết vì bệnh ho lao khi chưa đầy hai mươi ba tuổi. Trong những năm tháng cuối đời của mình, bên cạnh ông luôn có cô bạn gái tên Tuyết; thời đó ho lao và phong cùi ghê gớm là thế, mà nàng vẫn không rời xa ông một giây, suốt ngày túc trực bên giường bệnh săn sóc và yêu thương ông. Đau đớn phận mình, mà cũng xót xa vì lo sợ bạn gái sẽ bị mình lây bịnh, nên ông đã sáng tác hàng loạt nhạc phẩm sầu thảm như "Giọt mưa Thu - Sầu vạn cổ", "Đêm Thu",... để bày tỏ nỗi uẩn ức của mình. Sau khi ông mất, bà đã để tang và lo đám cho ông như một người vợ. Còn bài hát "Con thuyền không bến" mà cậu vừa nghe được ông sáng tác khi hay tin cô Tuyết ngã bệnh và nhắn ông về thăm mình; lúc này ông vẫn chưa mắc bệnh.

- Như Hàn Mặc Tử vậy. Chỉ khác nhạc sĩ mắc bệnh ho lao, còn thi sĩ mắc bệnh phong cùi.

Ông cụ gật đầu, rồi mỉm miệng cười nói:

- Nếu chịu tìm hiểu hoàn cảnh sáng tác, sẽ thôi có cái nhìn thiếu khách quan về nó. Người bị bịnh nặng và rơi vào hoàn cảnh không biết mình chết lúc nào thì chuyện suốt ngày sáng tác nhạc ủy mị, khóc lóc là lẽ đương nhiên.

- Hiểu biết sẽ giúp ta sống cảm thông hơn...

Con gái của ông bạn già đãi vợ chồng cụ mỗi người một ly bạc xỉu có xịt thêm chút kem tươi beo béo. 

Nói lời cảm ơn xong, ông cụ tiếp tục chủ đề:

- Một số ca sĩ nổi tiếng của dòng nhạc Vàng cũng đã từng hát nhạc Đỏ, sau năm 75 không hát thì lấy gì mà kiếm sống, nên họ chấp nhận hát để có tiền trang trải và nuôi lấy gia đình. Họ không chê bai nhạc Đỏ, thành thử ra đâu có gì đáng để lên án. Cái thứ dòng hôm trước chửi, hôm sau hát nó mới mắc cười; nhất là con cháu của mấy ông nhạc sĩ nhạc Đỏ đó.

Bà cụ xen vào:

- Tôi không bận tâm tới đời tư của các ca sĩ nhạc Vàng, bởi ngay trong chính dòng tộc của mình tôi còn không nắm chắc Thực - Hư, thì huống hồ chi là người dưng nước lã. 

Người thương - phế binh có lẽ trong người thấm mệt, nên thôi nói, cụ cúi mặt lấy lá dừa đan thành con cào cào cho mấy đứa trẻ đường phố. Vợ ông thì đang kéo từng khối kẹo đặc quẹo và cứng ngắc để phân ra bán; ở nhà chán quá nên hai vợ chồng đòi sống đòi chết mua xe bán kẹo kéo cho bằng được, các con cũng đành phải chiều theo ý đấng sinh thành. Đặng Xương Tuyết ngồi chỉnh sửa bài viết trên một cột mốc gần đó, nghĩ đến khuôn mặt phẫn nộ y như cái biểu tượng cảm xúc Facebook của anh Ba Hói mà anh cười khì.

"Nếu một mai khi hòa bình

Anh sẽ dìu em qua lối xưa

Cho từng ngón tay đan lại ái ân ngọt mềm..."

"Lời cho người yêu nhỏ", là một tác phẩm của ca-nhạc sĩ Nhật Trường - Trần Thiện Thanh.

Mạnh Cường đợi ký giả Sương Tuyết đi khỏi mới ghé mua kẹo kéo. Mỗi người mua ba cây, thêm đậu phộng rang giã nhuyễn. 

Hai người lái xe vào con hẻm mà Trần Cảnh Chiêu báo cáo mấy bữa trước. Đó là một con hẻm cụt, khá hẹp. Điểm quái đản đầu tiên họ phát hiện ra là hai căn nhà nằm phía cuối con hẻm đều bỏ hoang, ngay cả một tên nghiện xì-ke cũng không chọn làm nơi hút chích. 

Mỗi người chia nhau một căn, Mạnh Cường kiểm tra căn nhà bên phải, còn Tào Việt Bân thì lo bên trái. Diện tích của mỗi căn không giống nhau, căn trái lớn hơn căn phải, nhưng căn phải có lầu và sân thượng còn căn trái thì chỉ là một ngôi nhà cấp bốn cũ kỹ. Bên trong cả hai căn cỏ mọc um tùm, rác rến đầy rẫy, những cành cây mục ruỗng phủ khắp mặt sân; trên mái, mùi phân mèo, c*t chuột khăng khẳng, chua loét, chưa kể đến những cái lỗ chó đào rải rác mọi nơi.

Ông già đang nằm nghe cải lương trong buồng, nhờ cái cửa sổ trổ ra phía lộ mà cụ trông thấy hai người thanh niên đương thập thò trước nhà hai đứa bạn già. Không bước ra ngoài, cụ đứng bên khung cửa sổ mà lớn tiếng nạt, "Quân ở đâu vậy? Dòm ngó gì nhà người ta đó?"

Tào Việt Bân đứng sát hàng rào nhà cụ mà trả lời rằng, "Dạ, tụi con đi coi nhà. Tại mắc tăng ca nên giờ mới tới."

- Í, nhà này rao bán hồi nào mà tui hổng hay vậy? Mà rao bán một lượt nữa chớ...

Mạnh Cường đọc địa chỉ đã chuẩn bị sẵn.

Nghe xong, ông cụ vuốt chòm râu dài và cười ồ lên:

- Đó, tui nghĩ có sai đâu. Đi lộn nhà rồi. Cái hẻm đó với cái hẻm này khác nhau có mỗi chữ cái; xóm này đánh dấu hẻm A5, còn hẻm kia B5. 

Mạnh Cường cũng cười:

- Hèn chi mà tụi con hổng thấy chủ nhà ra tiếp đón như đã nói qua điện thoại.

- Nhưng hai căn này nếu sửa soạn coi cũng được quá chớ, bỏ không con thấy uổng quá, sao người ta hổng cho thuê vậy cụ?

Ông cụ nổi máu nhiều chuyện "khai" hết cho hai người hay:

- Hổng biết mắc cái giống gì mà bức tường có mùi rất tanh. Họ chịu hổng nổi nên đã dọn đi nơi khác rồi. 

- Chà, tụi con chịu mùi tanh nổi, chủ nhà mà chịu bớt tiền kha khá là con mướn liền.

- Thiệt hôn? Tui nhắn hai đứa nó liền.

- Dạ thiệt. 

Ông cụ biết mình "hố", nhưng nghĩ đã trót thày lay thì thày lay cho trót, nên hỏi số điện thoại của hai người, rồi hẹn sáng mai ghé quán cà-phê "Sóng Nhạc" gặp mình. 

Ngồi sau xe của anh bạn đồng nghiệp, Tào Việt Bân cười tủm tỉm:

- Người già công nhận dễ bị "hố" thiệt.

- Sao này hai đứa mình cũng y chang hà.

...

Sáng hôm sau, y hẹn, đôi bên đến quán "Sóng Nhạc" cùng một lúc. Ông cụ đi cùng hai đứa bạn già; ai nấy đều ăn mặc chỉnh tề, thẳng thớm, và trên người sực nức hương dầu gió và cao dán Salonpas - Hai "thần dược" của phần đông người cao tuổi đất Việt xứ Nam Kỳ.

Tất cả uống cà-phê đen đá, ngọt hay đắng thì tùy theo sở thích từng người. 

Trong buổi trò chuyện, cụ Nhà Lầu nói rất ít, cũng không chủ động vấn đáp như hai đứa bạn. Đôi mắt phượng hẹp dài và rất sáng của cụ tự nhiên khiến cho hai người điều tra viên cảm thấy e dè.

- Rồi ai sẽ bỏ tiền ra thu dọn "bãi chiến trường" đây? - Cụ Nhà Cấp Bốn sực nhớ ra chuyện quan trọng nhất trong việc này nên vội lên tiếng hỏi.

- Tụi con có thể lo liệu được. 

- Mày thấy sao hả Hoàng?

- Thôi để hai cậu này mướn nhà mày đi. Tao tính sửa sang căn nhà cho thằng con tao làm văn phòng.

Hợp đồng được soạn thảo ngay sau đó, cả tiền đặt cọc cũng được chung. 

Để ăn mừng việc mướn nhà xuôi chèo thuận mái, ba ông cụ đãi hai cậu trai trẻ một bữa cơm tấm sườn, bì, chả, trứng và một chầu đồ uống. 

Bản nhạc "Đẹp giấc mơ hoa" do Duy Trác ca như dang tay đón mọi người vào nhà hàng sân vườn xanh mát nghỉ chân và ăn uống. Đã gần nửa thế kỷ, nhưng vẫn chưa có nam ca sĩ trẻ nào có tiếng hát vừa hay vừa riêng và hết sức trầm ấm như cụ. 

- Thi sĩ Kim Tuấn là Nguyễn Phước Vĩnh Khuê, hậu duệ năm đời Tùng Thiện Vương Miên Thẩm. Bài hát "Anh cho em mùa Xuân" mà năm nào Tết đến cũng nghe xuất phát từ bài thơ của ông, nhạc sĩ Nguyễn Hiền phổ nhạc và có chỉnh sửa một số chỗ để ý câu hay và khớp nhạc hơn. 

Cụ Nhà Lầu thuở xưa cũng mộng ca sĩ lắm, nhưng vì tiếng hát không đủ đặc sắc nên chẳng mấy ai nhớ tới. Hát hay thì dễ, nhưng có giọng ca riêng là chuyện rất khó, có cưỡng cầu mấy cũng không thể có được.

oOo

Vẫn như thường lệ, Trì Thương ôm y bát đi khất thực. Bị mắng nhiếc và chửi bới là chuyện thường tình, nhiều người còn quay phim rồi tải lên mạng xã hội với những lời lẽ dung tục, thiếu hiểu biết và châm chọc rất ác miệng; chú vẫn làm lơ hết.

- Sáng thấy thằng ăn xin là biết nguyên ngày hôm nay không làm ăn gì được rồi. 

Trì Thương nở nụ cười hòa ái với người đàn bà vừa buông lời bỉ bôi mình, rồi chắp tay chào bà ta một cái trước khi tiếp tục cuộc hành trình. Không biết chột dạ sao đó, hay do sự yếu lòng cố hữu của phụ nữa, bà bặm môi quát lớn:

- Ê! Cái chú gì kia! Lại đây tôi cho đồ ăn!

Trì Thương dừng bước, nhưng không quay đầu lại, tay trái của chú bắt ấn thủ cầu bình an cho người đàn bà nặng nợ thế gian đến nỗi thích sinh sự với người dưng để giải tỏa sự uất nghẹn trong tâm hồn.

- Nhà không có đồ chay, ăn cái này được không?

- Như Lai không có ăn chay, ai cúng dường gì thì ăn nấy.

- Thiệt không đó?

- Người đề ra luật ăn chay trường và sống đời khổ hạnh, kèm theo những giới luật khắc nghiệt là Đề-Bà-Đạt-Đa, không phải Phật Tổ. Người ngoại đạo và một số người trong đạo lâu nay toàn hiểu cách tu nhà Phật theo lối Đề-Bà-Đạt-Đa, thành thử đã gây ra những tranh luận và hiểu lầm đáng tiếc. 

Bà ta hãy còn hoài nghi, con ngươi của bà vằn lên những tia máu đo đỏ trông thật nanh ác.

- Thí chủ không có thức ăn chay sẵn... - Trì Thương che mắt trái, rồi nhoẻn miệng cười mà nói. - Bữa nay nhà thí chủ không nấu cơm, chẳng lẽ vì giữ giới mà tôi bắt thí chủ phải đi nấu cơm, hoặc chạy ra chợ mua dĩa đồ chay hay mua đồ về nấu cho tôi ăn sao? Đã nói tu thì phải buông bỏ, tu mà còn chấp từ miếng ăn, nước uống, cách ăn mặc, dáng điệu hành xử của người cúng dường, lời nói thế gian nặng hay nhẹ, ngọt hay đắng thì cũng bị coi như làm trái lời dạy của Đấng Thế Tôn. Trong quãng đời hoằng pháp và gieo ruộng Phước Duyên, Phật Tổ đã từng bị sỉ nhục, mắng nhiếc, vu khống, hãm hại, truy sát, hiểu lầm, sanh sự, ghen ghét, đàm tiếu,... đủ mọi hương vị tiêu cực mà một người bình thường nếu vương vào ắt sẽ phát điên hoặc từ tốt hóa xấu; nhưng Ngài vẫn lặng thinh, để mặc những Quả xấu từ khẩu nghiệp ấy hoàn lại kẻ vừa thốt ra, nói cho dễ hiểu thì như thí chủ tặng tôi món quà, tôi không nhận, thì món quà ấy sẽ trở về tay của thí chủ, pháp thoại này thuộc một bài Kinh của Phật Tổ, tôi chỉ nương vô để làm ví dụ cho thí chủ dễ hiểu thôi. 

- Vậy sao...

- Nếu bánh mì bơ của thí chủ là chay thuần, tôi sẽ không lấy vịt quay. 

Bà ta trề môi, nhưng cũng quày quả đi lấy vịt quay và một ổ bánh mì đặc ruột nướng bơ ra đãi Trì Thương. 

- Nè.

Trì Thương chắp tay cảm tạ.

- Sao Thầy không giận tôi?

- Hồi Đấng Thế Tôn hãy còn tại thế, vì một lần cảnh tỉnh bà hoàng hậu nước láng giềng mà Ngài bị bà ta sinh tư thù, hôm đó Ngài cùng tôn giả Ananda vào thành ấy khất thực, đi đến đâu cũng bị dân chúng nước đó chửi mắng. Thấy Ngài bị mọi người xúc xiểm, phỉ nhổ, tôn giả mới nài xin Như Lai đi tới nơi khác khất thực. Ngài hỏi nếu như tới nơi khác mà vẫn bị như thế thì phải làm sao, tôn giả đáp rằng con và Ngài lại đến nơi khác nữa. Ngài tiếp tục hỏi nếu như tới nơi khác nữa mà vẫn bị như thế nữa thì phải làm sao, tôn giả trả lời thì chúng ta đi tìm chỗ khác tiếp. Như Lai cười và thuyết giảng cho ông hiểu... Nếu được, mong thí chủ hãy tìm đọc Kinh Pháp Cú -  Phẩm 23: Phẩm Voi, câu chuyện "Phật bị lăng nhục", để hiểu rõ hơn ý của tôi. 

Bất chợt bà ta trông thấy một người đang lén lút ghi hình, liền phồng mang trợn má quát:

- Thằng chó đẻ! Quay cái gì mà quay? Ở nhà thì lừa gạt con gái người ta, bất hiếu với ông bà già; bày đặt lên mạng giảng giải đạo đức, đăng clip vạch mặt phường lừa đảo.

Trì Thương vẫn đứng bình thản như mặt nước ngày lặng gió; không hỉ hả khi thấy có người chửi giùm mình hay hốt hoảng can ngăn, sự việc diễn ra trước mắt tưởng chừng như chú xem là vở kịch trên sân khấu. Càng thấy cảnh hỗn loạn, xô bồ cõi Ta Bà, chú càng nhận thức sâu sắc lời Phật dạy; lòng hướng về Tam Bảo và Niết Bàn càng mãnh liệt hơn.

Cảnh sát đã có mặt tại hiện trường, kịp thời ngăn chặn một vụ ẩu đả và rất có thể dẫn đến đâm chém.

Trì Thương ngó thấy khuôn mặt của người thanh niên quay lén mình, chú buồn bã buông xuống một tiếng thở dài. Sát nghiệp quá nặng nề, đã đến giờ trổ quả rồi...

Chú rẽ trái, đi vào một con hẻm ngoằn ngoèo, rồi dừng chân trước một cái lều dã chiến của hai ông cháu.

"Cộc... cộc... cộc..."

- Ơi? Ai đó?

- Sadhu.

Trì Thương trút phần vịt quay vào cái tô sứt mẻ, rồi đặt ổ bánh mì nướng bơ thơm phức lên trên.

- Trời, cảm ơn Thầy nghen. - Ông già tàn tật vừa nói vừa đưa cái đùi vịt béo mẫm cho đứa cháu ốm yếu.

Trì Thương chắp tay, thay cho lời cáo từ.

Bà thím dữ dằn chứng kiến hết mọi việc, một nỗi niềm ân hận như thể sóng trào nơi đáy lòng bà.

- Sao đây?

Ông cụ thấy điệu bộ dữ dằn, tưởng đâu là phường bắt cóc con nít nên vội đẩy đứa cháu ra sau lưng, rồi nói:

- Ba má nó bỏ nhau, giao nó cho tôi nuôi.

- Thôi về nhà con này nuôi cho.

Ông cụ không đồng tình, nhưng vì dáng vẻ như con cọp của bà ta khiến cụ sợ hãi mà phải đi theo. 

Đứng trước cửa hàng khang trang, rộng lớn, hai cụ cháu đưa mắt nhìn bà chằn trân trân.

Một đỗi lâu sau, cụ mới dám lên tiếng hỏi:

- Ủa, hóa ra là bà chủ đại lý nước giải khát hả?

- Ờ.

- Cô... cô cho ông cháu tôi về ở thiệt hả?

- Ờ. Tui hổng đẻ được, nên muốn đem thằng này với ông về nuôi cho đỡ buồn. 

Ba người dắt díu nhau ra khỏi con hẻm nhếch nhác, bỏ lại quãng đời quá khứ tăm tối sau lưng...

Trở lại với người Tăng sĩ Theravada, Trì Thương hiện đương dừng chân trước cửa hàng thư pháp và văn phòng phẩm. Tiếng danh ca Thái Thanh trình bày bản nhạc "Tình tự tin" của nhạc sĩ Phạm Duy gợi cho chú nhớ lại người anh song sinh đã lâu không gặp:

"... Cuộc đời tin vào quá khứ, chứ mấy vào sớm mai

Ban chiều, chiều, chiều ơi..."

Có một ông đồ chắc nhỉnh hơn chú bảy, tám tuổi đang ngồi viết thư pháp; bên cạnh ông ta là một người "đệ tử" đi theo học nghề, đôi lông mày đẹp như vẽ. Trong nhà có hai người anh em sinh đôi đang nấu cơm dưới bếp, cũng là Mục sư như cậu thanh niên mà huynh trưởng Châu Lợi khen ngợi.

Trì Thương bỏ tay xuống. Rồi thong thả rảo bước về chùa Khánh Hỷ. 

- Chú ơi. 

- Trúng gió hay sao mà mặt mày xanh hơn tàu lá chuối vậy hả? 

- Con... con mới vừa thấy ai giống chú y như khuôn đúc. Chỉ khác có mỗi cái đầu trọc.

Ông chú vỗ đầu thằng cháu mà mắng:

- Tưởng gì... Người giống người là chuyện bình thường. Có khách còn khen tao giống Cổ Thiên Lạc kìa...

Thằng cháu đương nhiên nhớ chớ, vì lời khen đó mà ông cậu đã bớt một mớ tiền cho bà khách dẻo miệng.

- Hả? Giống tao?

- Chú!!!

Ông chú đột nhiên chuyển làn đường mà không bật tín hiệu thông báo, khiến cho chiếc xe hơi chạy sau húc đuôi xe một cái rầm. Chú chạy luôn một lèo, không thèm ngó lại coi chủ xe kia như thế nào. 

- Nó trốn mất rồi. Chụp được biển số chưa? -

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net