Hồi Mười Sáu: Giữa Sự sống và Cái chết (c)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Triệu Kiếm Phong đi ngang qua một giáo xứ Thiên Chúa an lành. Tòa Thánh vương cung tráng lệ giữa không gian bàng bạc ánh trăng tàn, những vì sao xa cùng nhau khiêu vũ một bài cuối cùng trước khi đêm qua ngày đến. Vài người dân buôn gánh bán bưng tảo tần cất những bước chân chai sạn thật nhanh cho kịp buổi chợ; một số người vừa đi vừa cất giọng rao hàng, tiếng rao đong đầy mùi đời vất vả dễ khiến người đa cảm mủi lòng mà ghé mua hàng đặng san sẻ gánh nặng trần gian với họ.

Một người lính mặt mày trẻ bân đương quỳ dưới bức tượng Kito Vua. Sương lạnh ngày đông thấm đẫm trên người anh ta, nhưng điều đó chẳng hề khiến nét mặt của anh ta khó coi.

Bất chợt trong đầu Triệu Kiếm Phong vang lên một khúc hát mang tên "Xin Chúa thấu lòng con" do ca sĩ Thanh Lan trình bày.

- Chào anh... Anh là?

- Tôi là biệt động quân từ ải Nam Quan về thăm nhà. - Anh ta cười khoe hàm răng trắng phởn. Đoạn xin phép cáo từ. Bình minh lên hay hào quang của Đức Chúa Trời bao lấy thân thể người biệt động quân, mà sau giây phút ấy, Triệu Kiếm Phong không còn nhìn thấy anh ta nữa. Cơn gió mang hương xoan tím phảng phất khắp không gian quanh gã, như thể muốn nhắn gởi điều chi...

"Boong... Boong... Boong..."

Tiếng chuông giáo đường ngân lên những nốt nhạc vui mừng chúc nhân thế đón một ngày mới an lành. Nếu lắng tai nghe thật kỹ, sẽ thấy điệu chuông họa thành bài "Kìa con bướm vàng".

Những tà áo dài trắng của các cô nữ sinh nhìn xa như muôn vạn bông hoa cẩm tú cầu nở rộ trên cánh đồng mùa xuân. Biết bao các nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ và họa sĩ bị hình ảnh ấy lôi cuốn, mà phải thôi thúc bản thân tạo ra một tác phẩm hay cho những người yêu mến cái đẹp chân phương thưởng lãm.

Triệu Kiếm Phong đạp xe đến đầu phố thì rẽ vào con hẻm đầu tiên để mua xôi ăn sáng. Tuổi đời của hàng xôi còn nhiều hơn tuổi đời của gã. Tuy hàng xôi có bán rất nhiều món ăn kèm, nhưng gã chỉ thích ăn mỗi món xôi lòng gà, trứng non và gà xé sợi ăn với xôi nếp dẻo thơm.

- Gia đình nhà ông Tư tìm được hài cốt của thằng con đi lính sau mấy mươi năm rồi...

Những mẩu chuyện ngắt quãng tùy hứng của bà bán xôi với mấy bà bạn hàng xóm khiến cho vị ngọt xôi nếp trong miệng gã trở nên mặn đắng.

Bên tai gã lại vang lên ca khúc "Người chết trở về" của cố nghệ sĩ tài hoa Trần Thiện Thanh qua phần trình bày của bác và ca sĩ Thanh Lan. Sau này cố ca sĩ Ngọc Lan cùng ca sĩ Tuấn Vũ hát lại cũng rất hay và day dứt.

Ai ơi xin nhớ câu này

Mình là dòng máu Lạc Hồng nghen con

Xin đừng quên nghĩa vong thân

Của những người lính chết vì quê hương.

Triệu Kiếm Phong nhớ đến lời giảng mà người thầy dạy Sử đã từng truyền đạt đến đám học sinh Cấp Ba. Một người thầy đáng kính và vô cùng nghiêm khắc, luôn dạy học với phương châm "Nhìn đa chiều", chứ không phải sách in gì thì thầy dạy nấy. Ông còn động viên mỗi học trò của mình nên tự suy luận và nhìn nhận theo nhiều hướng với từng nhân vật và sự kiện lịch sử để không bị lầm lạc theo ý muốn của ai.

Vừa đạp xe đến nhà người chiến sĩ biệt động quân quá cố, Triệu Kiếm Phong vừa miên man nghĩ đến người thầy dạy Sử năm nào. Chẳng mấy chốc, gã đã tới ngôi nhà có hàng rào hoa lồng đèn đỏ thắm và đầy kiến lửa. Người đến viếng tang đứng tràn ra tới ngoài sân, trong số đó có cả thống đốc Na Lạp Tư Khả và đô trưởng Diệp Trầm, cùng một số tướng lĩnh bên Bộ Quốc phòng và Bộ Nội an.

Người quả phụ đôi mươi năm nào nay đã trở thành một bà bác già nua. Đôi mắt khóc chồng bao năm nay càng thêm thất sắc. Vành khăn sô trên trán điểm một chấm dấu chấm tạm bợ vào mối tình giữa hai người, bởi bà vẫn luôn tin rằng, kiếp sau hai người sẽ tương phùng.

"Người yêu ơi! Anh còn đó, em còn đây.

Tình mặn hơn nước mắt

Người yêu ơi khi tình thiếu phút vui gần

Tình thành nghĩa trang buồn

Thật không em hay là giữa cơn mộng trôi?

Bừng dậy mất nhau thôi..."

Triệu Kiếm Phong thưa với gia đình người chiến sĩ biệt động quân ấy rằng mình muốn gửi chút quà đưa tiễn người anh hùng ấy về nơi chín suối. Cụ ông, cụ bà cảm ơn gã bằng giọng nói nghẹn ngào khôn xiết, đôi tay nhăn nheo của mỗi người run rẩy đón lấy phần quà viếng tang nhỏ bé của gã. Rồi nén cơn đau thương đang dâng trào trong tâm khảm, cụ ông nắm lấy bàn tay của gã để dắt gã vào tận linh đường, nơi đang diễn ra tang lễ của con trai mình.

"Vành khăn tang ôi tình tứ như lời em đợi chờ trong giông bão

Đại dương trân châu ngọc báu cũng không bằng phút giây tương phùng..."

- Rốt cuộc anh cũng chịu về với má con em... - Người quả phụ ôm lấy gói quân trang của chồng mình mà gào khóc nức nở. Tiếng khóc xé lòng của bà khiến cho ai dự đám tang cũng cảm thấy thương đến đứt từng đoạn ruột.

Dường như gã thoáng thấy, bóng hình người chiến sĩ biệt động quân kia đang ôm chầm lấy người vợ trung trinh của mình từ phía sau. Hai người quỳ trên mặt đất, Âm-Dương cách biệt, nhưng điều đó chẳng thể ngăn được họ bày tỏ mối tình thiên thu với người thương.

"Người yêu anh còn đó. Người yêu anh bé nhỏ hứa thương anh trọn đời."*

oOo

Rừng thông trong ráng chiều đẹp dịu dàng như thể một bức tranh không thật, được một họa sĩ giàu trí tưởng tượng họa ra. Tiếng bầy chim ríu rít nhắc nhau về tổ kẻo muộn khiến cho vùng đất trong lành rộn rịp hẳn. Những cụm mây phớt sắc da cam neo lại trên những triền đồi thoai thoải xanh tươi sắc thông reo và cỏ dại. Mimosa, trạng nguyên và dã quỳ mọc rải rác khắp nơi, điểm xuyết nét xinh tươi cho đất Mẹ thân yêu.

"Bóp nát sức sống của em bằng tiếng ca

Bóp nát sức sống qua điệu nhạc

Bằng lời dịu dàng anh đã giết em

Giết chết trái tim em bằng tiếng ca..."

Là nhạc phẩm "Nỗi đau dịu dàng", được nhạc sĩ Lê Hựu Hà viết lời Việt từ ca khúc "Killing me softly with his song" của nhạc sĩ Charles Fox.

Giọng hát của ca sĩ Khánh Hà cứ thế ngân vang trong không gian rừng thông hoang lạnh.

"... Rồi khi cơn sốt đun tình tôi bỗng theo khói nhạc xa vời

Và anh lên tiếng gọi hồn em đang khóc bên con vực sâu

Hãy mau lên đường về uyên nguyên khi nghe thân xác nài van..."

- Tôi nói cái này có thể khiến cưng không vui, nhưng nếu hôm ấy cưng không gửi đoạn băng ghi âm đến chỗ tôi, ắt hẳn tôi đã thôi nuôi mộng mơ về mối tình của đôi tình. - Những hình thù dị dạng dần hiện ra theo đường đi của que củi mà Vệ Minh đang cầm trên tay. - Tôi không phải là một hình mẫu Bot hoàn hảo như trong tiểu thuyết đam mỹ, phim đồng tính hay bất cứ thể loại gì tương tự vậy. Tôi chẳng đẹp, đôi lúc nói chuyện cũng rất vô duyên, hành xử thì bốc đồng, tùy hứng, lâu lâu lên cơn khùng nhảy xổ ra giúp đỡ người yếm thế mà không sợ vướng vào rắc rối hay bị báo thù. Tôi biết tôi khùng, chẳng cần đến bác sĩ tôi cũng tự biết điều đó.

- Em có biết tại sao tôi lại yêu em đến nhường đó không?

Vệ Minh lặng thinh.

- Đơn giản bởi em là em thôi. Tôi không có lý do nào hết. Ở em chẳng có gì khiến tôi phải chú ý tới hay phải ngắm nghía thật lâu. Nếu nhuộm mái tóc em thành màu đen, giữa biển người mênh mông trên tinh cầu này, em dễ dàng hòa lẫn vào và mất hút... Thực sự rất khó để diễn tả cái cảm xúc của tôi mỗi bận bên cạnh em hay tán gẫu với em qua màn hình máy tính, một sự hân hoan, vui sướng dâng trào tận đáy lòng đến độ tôi phải tự hỏi mình, "Mày bị điên à?" Quãng thời gian lăn lóc nơi đầu đường xó chợ đã thiêu rụi mọi sự lãng mạn và diễm tình trong tôi, nên... tôi không thể nào... - Hai bàn tay của An Kỳ hết khoa lên rồi lại múa xuống. Anh hệt như một đứa trẻ đang tập nói nên bị nghẹn lời mỗi khi sắp sửa cất giọng. - Cái cảm xúc ấy hệt như nhạc phẩm "Love story" do danh ca Andy Williams trình bày. "Làm thế nào để tôi kể lại cho mọi người nghe về mối tình của mình với người ấy đây. Bởi tôi chẳng biết bắt đầu từ đâu và nơi nào. Chỉ vẻn vẹn một chữ "Hello" của người ấy, cuộc đời tôi đã được đắm trong tình yêu vĩnh cửu...."

Nghỉ lấy hơi vài phút xong, An Kỳ mới tiếp tục tâm tình. Đôi mắt anh đã bắt đầu đỏ hoe:

- Mỗi ngày tôi đều ngồi chờ trước màn hình, mong ngóng trời mau tối để được nghe thấy tiếng em, nhìn em bắt chước các động tác Kawaii đang thịnh hành lúc ấy... Tôi không nghĩ mình sẽ yêu một người đồng giới. Ở thời điểm ấy tôi chưa từng tin rằng mình sẽ yêu, hay thậm chí là muốn sống cùng với một người như vậy. Nhưng rồi em... em đã gióng một hồi chuông nơi tòa tháp cô độc cất ở trong đáy tim tôi, và chỉ mất vài tháng ngắn ngủi sau đó, tôi biết mình không thể nào sống thiếu em được...

Thẩm Hạc Hiên đã từng nói với An Kỳ, "Tình yêu không cần viện đến lý do mới là tình yêu đích thực. Bởi năm tháng sẽ bào mòn và xóa sạch lý do ấy. Rồi chẳng lẽ khi lý do ấy biến mất, tình yêu sẽ biến mất ư? Cho nên tình yêu đích thực không hề cần có lý do hay phải mang lại lợi ích cho đôi bên. Yêu chỉ đơn thuần là yêu thôi."

Vệ Minh ôm lấy An Kỳ, rồi kiễng chân hết cỡ để tặng cho người thương muôn kiếp một nụ hôn nồng thắm nhất có thể . Bên tai cậu lại vang lên lời ca:

"Bài ca anh viết vỗ về em nhưng vẫn thấy xa thật xa

Thiếu anh khúc nhạc thành vô duyên"

- Nhảy với tôi một điệu nhé?

Nhạc phẩm "Sway" của nam tài tử Michael Bublé đưa hai người vào chốn Thần Tiên hằng mơ ước. Điệu nhảy của hai người rất vụng về, chẳng hề uyển chuyển cũng chẳng hề đẹp mắt, nhưng đấy là vũ khúc của riêng hai người.

Rồi tới "Bailamos" do chàng ca sĩ Mỹ Latin Enrique Iglesias điển trai trình diễn. Những bước nhảy của hai người tuy vẫn còn khá lộn xộn nhưng đã trông đẹp mắt được hơn một chút.

Và kết thúc bằng bản "Suit and Tie" của đôi song ca Justin Timberlake và Jay Z. Đến lúc này thì cả hai vừa đói vừa mệt lả, vì thời tiết lạnh nên hai người không đổ mồ hôi, nhờ thế cơ thể cũng không nặng mùi lắm.

- Này, tụi mình đi ăn cháo má heo nướng đi. - Hai người nằm kề cạnh nhau trên thảm cỏ úa tàn vì tiết đông rét buốt. Hơi đất ngai ngái khẽ khàng bay đến cánh mũi họ. Trên bầu trời lác đác sao đêm, những cánh chim lạc đàn hốt hoảng cất lên những tiếng gọi bầy đầy tuyệt vọng.

- Ăn rồi tối có nhức mình không?

- Hên xui.

An Kỳ chở Vệ Minh xuống khu phố ẩm thực ngoài trời. Hai người đèo nhau trên chiếc xe mô-tô Ducati mới tân trang tới hơn một tiếng đồng hồ sau thì mới đến nơi. Không phải là vì thành phố này quá rộng lớn, mà là do bị kẹt xe liên tục.

Sau khi gửi xe ở bãi có trả phí theo giờ, Vệ Minh liền ghé vào ngay quầy bán trứng cút, vịt lộn và gà, vịt xác chiên, nơi đây còn bán hột gà, vịt vữa và nướng.

- Bắt quả tang ăn đồ không "lành mạnh" nghen? - An Kỳ thừa lúc không ai để ý, liền véo mông Vệ Minh một cái.

- Anh là chúa không lành mạnh mà ở đấy nói tôi. - Vệ Minh ngó bảng giá của từng món.

An Kỳ bẹo má Vệ Minh. Bác gái bán hàng thấy thế thì phì cười, bởi nó làm bà nhớ đến thằng Bư kế bên nhà hồi đó, mỗi bận cãi không lại con trai bà, nó liền vò cái mặt thằng nhỏ như người ta vò lá sâm; bây giờ hai đứa đều đã lập gia đình, đứa thì sang trời Tây, đứa thì lên thủ đô gầy dựng sự nghiệp.

Mua xong hộp trứng cút lộn xào me và hột gà, vịt vữa, hai người lững thững bước tới một công viên người đông như kiến ăn lót dạ. Quán cháo mà An Kỳ giới thiệu phải đợi ít nhất một tiếng mới có thể đặt mua, đợi tới chừng đó thì chắc cả hai đã lăn đùng ra đất bất tỉnh nhân sự.

Rốt cuộc thì cũng có ghế trống, An Kỳ vội vàng "sà" xuống để "xí" chỗ. Quả thật người chân dài có rất nhiều lợi thế, điển hình là việc trên. Vợ yêu của anh đã đi đặt món, quán nay đông tới nỗi thực khách phải tự lại nói, chứ nhân viên đã không còn ai rảnh tay để đi ghi đơn.

Sau khi đặt món xong, Vệ Minh tắp qua quán trà sữa kế bên mua cho bản thân và chồng cưng mỗi người một loại thức uống. Biết rằng chồng cưng không thích uống đồ ngọt, nên cậu chọn lục trà chanh trân châu nhiều đá, còn mình là hồng trà sữa sủi bọt.

An Kỳ và Vệ Minh tâm tình với nhau độ nửa tiếng thì một cậu nhân viên trông tả tơi như vừa băng qua sa mạc Sahara bằng chân trần xuất hiện. Nếu như tiền boa thuộc về các nhân viên trong quán, hai người sẽ gửi một chút đỉnh tiền bồi dưỡng cho họ.

- Vệ sĩ nhỏ của cưng canh chừng tôi quá Trời quá Đất.

- Cục cưng của tôi đấy. - Vệ Minh giúp chồng yêu gỡ thịt xương má heo, sau này về già rồi bắt đút cháo lại. Mùi hương gia vị tẩm ướp dậy lên thơm nức mũi. - Chà... Có vẻ ngon đấy! Này, há miệng ra... Há to ra chút nữa... Này, không được cắn ngón tay của tôi.

Nhớ năm nào Vệ Minh vẫn còn ngồi thui thủi trong phòng ngủ, nghe đi nghe lại những băng nhạc Giáng Sinh. Như "Hai mùa Noel" của đôi song ca Mạnh Đình - Như Quỳnh hoặc ca sĩ Anh Khoa, "Màu xanh Noel" của ca sĩ Khánh Ly hoặc Lệ Thu, "Bài Thánh ca buồn" của ca sĩ Elvis Phương hoặc Thái Châu, "Tà áo đêm Noel" của ca sĩ Anh Khoa,... Cây thông trang hoàng lộng lẫy nơi góc phòng tỏa thứ ánh sáng lung linh mà đầy lạnh lùng. Những bản nhạc Giáng Sinh cứ vang lên một cách vô hồn, như thể muốn ném cậu vào ngục tù cô độc và ngăn cách cậu với thực tại buồn tẻ.

Trên đường về homestay, hai người đi ngang qua xóm Đạo yên ắng. Những đồ trang trí cho lễ Giáng Sinh đã được thay thế bằng đồ trang trí cho dịp Tết Tây. Nhưng một số nơi vẫn còn trưng bày hang đá tái hiện cảnh giáng trần của Đức Chúa Jesus Christ.

"... Thôi hỡi trần gian im tiếng đi mà cung kính

Chúa Con sinh ra trong máng cỏ hang lừa

Tuy Chúa là Vua muôn nước suy phục tôn kính

Chúa bỏ ngôi vàng sinh xuống trần đêm xưa..."

Đó là nhạc phẩm tán tụng Đức Chúa Trời mang tên "Cao cung lên" do bộ ba Thái Thanh - Sĩ Phú - Anh Khoa hợp ca, người bật radio là một cặp vợ chồng đầu tóc bạc phết đương ngồi ăn lẩu hải sản chua cay, mùi hương thơm đến độ bay đến tận chỗ hai người. Sau này về già hai người cũng sẽ như thế, quây quần bên nồi lẩu bổ dưỡng và nghi ngút khói, kể cho nhau nghe những câu chuyện vụn vặt hiện giờ và thuở thanh xuân trong quá khứ.

Homestay mà An Kỳ thuê cho hai vợ chồng nằm trong khuôn viên một nông trại chăn nuôi bò sữa, khách thuê có thể tới vắt sữa bò và mua sữa vào mỗi buổi sáng mà chỉ cần trả một khoản tiền rất nhỏ. Hôm qua Vệ Minh có làm một mẻ bánh phô-mai dưa lưới nho nhỏ mời gia đình chủ đất và những khách thuê trọ lân cận; cũng có vài hộ nhã nhặn từ chối, và cũng có vài hộ khen cậu khéo tay và món bánh rất ngon.

Vệ Minh và An Kỳ thay phiên nhau tắm rửa vì vết thương trên bụng cậu hãy còn chưa lành, mà buồng tắm thì khá chật hẹp nên không tiện cho lắm. Xà phòng, sữa tắm, kem đánh răng, nước súc miệng và bàn chải thì mua luôn ở đây để hành lý không nặng thêm; không biết sắp nhỏ có đánh răng và tắm rửa sạch sẽ khi hai ông tía vắng nhà không nữa đây?

Vệ Minh ngồi trên giường ăn bánh tráng trộn. Đức ông chồng của cậu thì đã ngủ mất đất từ tận kiếp nào, nhưng tay vẫn quàng lấy eo cậu. Sáng mai cậu sẽ nấu cho chồng cưng vài món ăn sáng kiểu Âu ngon ngon mà trước đây cậu thường làm cho Boo mỡ ăn, có lẽ là nui xào mực ống sốt cà chua hoặc bánh mì kẹp thịt gà nướng.

...

Ngồi sau lưng bạn đời muôn kiếp, Vệ Minh gục mặt trên lưng anh, hai tay vòng lấy cái hông rắn chắc, ôm siết lấy, ôm ghì lấy như thể một cái mỏ neo đang ra sức giữ chặt con tàu có thể viễn du bất cứ lúc nào.

- Mình... Tối nay tôi với mình về nhà ăn tất niên với sắp nhỏ nhé? - An Kỳ nắm lấy đôi bàn tay thanh mảnh của vợ cưng, trong lúc đôi môi anh khẽ khàng thì thầm.

- Ừm, sau này về già, không cần xưng hô "Cưng" hay "Em" nữa cho sắp nhỏ nó cười. Tôi và cưng cứ gọi nhau là "Mình" là đủ rồi... Mình hen?

- Ừm, mình ơi...

Rồi hai vợ chồng cùng nhau thủ thỉ xem nên mua món chi làm quà biếu bác Quang và A Trác, không có họ đưa đón và thay phiên nhau trông nom sắp nhỏ, chắc hai người không yên tâm trốn nhà đi chơi xa hai ngày như thế này đâu.

oOo

Tào Việt Bân nhìn cây cầu khỉ trước mặt một lúc lâu, rồi ái ngại hỏi:

- Có thể di chuyển bằng thứ khác qua sông không?

Mạnh Cường đương đi được nửa đường, liền cất giọng bảo:

- Bên bển hình như có bến đò, để tôi nhờ người lái đò chở anh qua nha, Tào công tử!

- Sau này anh còn phải tập đu dây qua sông nếu chúng ta tới vùng cao điều tra nữa... - Viên Thùy xắn quần cao quá đầu gối, phơi cặp chân lông lá mà trắng phởn ra ngoài.

- Đu dây... qua sông? Cầu đâu? - Tào Việt Bân thiệt tình không hiểu.

- Ở trong két sắt. - Kha Ngạn đáp gọn bân.

Mạnh Cường sải những bước chân nhanh nhẹn đến chỗ chòi tranh. Giữa chốn đồng không mông quạnh, căn chòi lợp bằng lá dừa nổi rõ mồn một, xung quanh căn chòi lơ thơ vài nhánh hoa mồng gà và móng tay. Mấy bụi chuối mang một sắc xanh non vô cùng mát mắt, có vài cây chuối đã trổ bông, có cây thì buồng chuối chín vàng oằn thân đến sát mặt đất.

Từ trong chòi vọng ra nhạc phẩm "Rừng lá thấp" do cố nghệ sĩ tài hoa Trần Thiện Thanh trình bày:

"... Sao không hát cho những người còn mải mê

Lá rừng che kín đường về phồn hoa?

Không hát cho những bà mẹ từng đêm nhớ con xa

Hay hát cho những người vừa nằm xuống chiều qua?"

Cụ ông đương ngồi trong chòi là một thương-phế binh. Bộ đồ lính Hải quân đã sờn bạc, đôi chỗ rách bươm như xơ dừa, đôi giày bốt-đờ-sô ắt hẳn hơn tuổi con của cụ ông - Nếu như cụ ông có vợ con. Cái chân trái co rút lại, dưới ống quần lính may theo cỡ người lúc còn trai tráng khỏe mạnh, nó nổi bật đến nỗi khiến cho đôi mắt của đám thanh niên chưa biết mùi hải chiến máu nhuộm biển xanh cũng phải hoe đỏ.

- Mấy cậu cần chi?

- Cháu...cháu muốn mượn đò của cụ để chở thằng bạn qua

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net