Q1. Chương 57 - Người quen tới thăm

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sáng nay mưa phùn trắng lối, sau một đêm không ngủ yên, tâm trạng của ta tồi tệ tới cực điểm nên dứt khoát cáo bệnh trốn trong phòng, dặn dò Chi thị và Linh thị đóng cửa không tiếp khách. Không ngờ rằng Linh thị đi báo tin cho quản gia xong liền tủm tỉm cười trở về nói.

"Bẩm tiểu thư, quản gia nhắn lại rằng hôm nay không chỉ có mình viện của chúng ta báo ốm, ngay cả tướng quân và phu nhân cũng cảm thấy không khỏe, vì thế quản gia đã nhận được lệnh hôm nay đóng cửa phủ không tiếp khách."

Ta lúc này đang ngồi đợi Chi thị bóc bánh giò ăn sáng liền cảm thấy thật may mắn. Toàn gia đã cáo bệnh, ta cũng chẳng cần trước sau giữ lễ, liền kéo Chi thị và Linh thị xuống ngồi ăn cùng. Trước đây, mỗi khi chúng ta phải theo đoàn buôn cũng từng cùng nhau ăn gió nằm sương, hai nàng nghe xong liền đóng chặt cửa phòng rồi ngồi xuống cạnh ta.

"Linh thị, mấy hôm nay ở thượng tướng phủ đã quen chưa?" Ta hướng nàng hỏi.

"Bẩm tiểu thư, phủ thượng tướng này trên dưới người làm đều là thường dân chất phác, cũng không có điều gì là không quen ạ."

"Ừ tốt, thế còn thằng bé con trai của Đại Lực ở kinh thành có khó khăn gì không? Mà nó tên gì ấy nhỉ."

"Dạ nó tên Lâm, thằng bé tuy mới có hơn mười tuổi nhưng nhanh nhẹn lắm ạ, cũng rất hiểu chuyện. Mấy tháng trước, em nghe lời tiểu thư mang theo nó bắt thuyền về tới Kinh thành cũng mất mười mấy ngày. Nó đi theo em mà không hề than mệt mỏi, cũng không hề sợ hãi, dạy gì hiểu nấy. Vì ở kinh thành này có nhiều người biết thân phận của em nên vừa trở về kinh thành em liền mua lại một căn nhà nhỏ, thuê thêm hai người làm, lấy thân phận chị em mở một quầy bán bánh nếp ở phố chợ. Lâm rất nhanh đã thích nghi với thân phận mới, chính là nó đã làm thân với đám trẻ con trên phố để tìm thông tin về sản nghiệp của Bach Nguyệt hội ở kinh thành. Trong thời gian chờ đợi mệnh lệnh của tiểu thư, em cũng dạy thêm cho nó một ít võ nghệ, thì ra nó cũng được học qua một chút căn bản lại vô cùng sáng dạ, chẳng mấy năm nữa thì sẽ có thể trở thành hộ vệ cho tiểu thư được rồi."

Ta nghe nàng ấy nói thì gật gù, thật là may, bây giờ đúng là thời điểm thích hợp để xây dựng thế lực cho sau này. Linh thị là người trầm ổn, làm đâu chắc đấy, nếu nàng ấy đã phải mở miệng khen thì chắc chắn tiền đồ sau này của thằng bé sẽ vô cùng sáng lạn. Có lẽ thấy ta không đáp lời, Chi thị liền sốt sắng hỏi.

"Tiểu thư, lẽ nào tiểu thư cũng muốn đưa thằng nhóc ấy vào thượng tướng phủ?"

Ta nhìn nàng lắc đầu giải thích.

"Không, trong tình hình của ta bây giờ, thằng bé ở bên ngoài thì hữu dụng hơn là ở bên cạnh ta. Hai em cũng đã thấy bây giờ ngoài hai em, ta không còn ai có thể tin tưởng được. Quan gia quyết tâm giành lấy Bách Nguyệt hội, người bên trong đều là nội gián, nhất cử nhất động đều có người theo dõi. Lại nói, thượng tướng phủ này chỉ là nơi ở lại tạm thời, ta không muốn người nơi này biết quá nhiều."

"Tiểu thư ... nhưng mà..." Linh thị nhìn ta ngập ngừng, dường như nàng ấy muốn nói gì đó lại thôi. Ta liền vỗ nhẹ vai nàng, gật đầu khích lệ.

"Có gì em cứ nói đi."

"Thượng tướng quân là cha của tiểu thư, còn nắm trong tay thế lực quân phiệt cả một vùng. Lẽ nào người thật sự không muốn dựa dẫm vào ngài ấy?"

Ta hơi khựng lại nhìn Linh thị, biết giải thích với nàng ấy thế nào đây? Ta bây giờ là củ khoai lang nóng phỏng tay mà Trần Thuyên vô cùng đề phòng. Hễ ta chọn đi theo ai, hắn cũng sẽ cực lực đề phòng, người nhà trên dưới của người đó cũng khó mà yên ổn được.

Cha ta tuy nắm trong tay thế lực quân phiệt cả một phương nhưng lại là người dễ dàng bị hãm hại nhất bởi ông ấy không phải là người hoàng tộc, căn cơ trong triều lại vô cùng mỏng. Ở kinh thành, chỉ có hai người có thể bảo vệ ông ấy. Một là Hưng Đạo Đại Vương, nhưng đôi cánh già nua của ông ta còn phải che chở cho cả một thế lực ngoại thích còn non trẻ. Một ngày Bảo Từ Phu nhân chưa trở thành hoàng hậu, ông ta sẽ chẳng có thời gian mà bênh vực cho một người con rể như cha.

Người thứ hai có thể bảo vệ cha chính là nhà vua. Bởi hơn bất kỳ lúc nào, bây giờ là thời điểm hắn cần sự ủng hộ của cha. Đại chiến chống Thát tặc đã qua gần mười năm, toàn cõi Đại Việt mưa thuận gió hòa, người dân an cư lạp nghiệp, các thế lực quân phiệt khác cũng nhờ vậy mà lớn mạnh như mặt trời ban trưa. Chiêu Văn Vương nắm giữa một nửa triều đình, Nhân Huệ Vương hùng cứ toàn bộ lãnh thổ phía Nam. Trong khi đó, quân lực trung ương trong tay Trần Thuyên lại chỉ có mấy chục vạn quân ngự lâm trấn giữ kinh thành, hắn muốn tạo thế kiềng ba chân để kìm hãm lòng phản của Chiêu Văn Vương và Nhân Huệ Vương thì chỉ có thể nắm trọn binh lực của cha trong tay. Tuy nhiên, ta hiểu Trần Thuyên quá rõ, tuy hắn dùng ta để chiếm lấy tín nhiệm của cha nhưng một ngày ta còn chưa gả đi là một ngày hắn còn có lòng phòng bị. Dù tình cảm của ta với cha có thế nào, việc ta phải rời khỏi thượng tướng phủ là chuyện đã định trước, không thay đổi được.

Trong lòng ta tuy hiểu rõ nhưng lại không cách nào giải thích cho Linh thị, vì thế chỉ thở dài đáp lời nàng.

"Em biết đấy, chuyện ta là gái quá lứa lờ thì, ở kinh thành này ai cũng biết, trước sau gì cũng sẽ bị gả đi thôi. Nếu đã như vậy, thời gian ở lại thượng tướng phủ này, ta tốt nhất cứ thu liễm một chút."

Linh thị hơi nhíu mày nhìn tay một chút nhưng ta liền chỉ cái bánh giò đang bốc khói trước mặt nàng ấy nói.

"Thôi ăn đi, thuyền tới đầu cầu thì tự thẳng, em lo nghĩ nhiều thế làm gì. Ăn xong, ta cần em và Chi thị ra ngoài một chuyến."

..........................

Hiếm khi có một ngày thảnh thơi, giao việc cho Chi thị và Linh thị xong ta liền đóng cửa nhảy tót lên giường đắp chăn ngủ nướng. Không ngờ được, ta nhắm mắt chẳng được bao lâu đã bị tiếng đập cửa dựng dậy.

"Tiểu thư, lão gia mời người tới tiền viện gấp."

Ta uể oải bước xuống giường, nhìn ra ngoài cửa sổ thì đã thấy nắng vàng rực rỡ liền hơi thần người Thời tiết thật là kỳ lạ, thích là mưa, mưa chán lại nắng. Cớ sao con người cứ phải vất vả toan tính nhau? Nghi tới nghĩ lui, ta vẫn phải đi tới tiền viện. Chị thị và Linh thị vẫn chưa quay lại, có lẽ thời gian ta ngủ cũng không được bao lâu, ngước mắt nhìn mặt trời chói chang chưa lên tới đỉnh đầu, dường như lúc này mới tới giờ cơm trưa.

"Quản gia, vì cớ gì hôm nay cha đã quyết định đóng cửa không tiếp khách rồi mà lại đột nhiên gọi ta tới tiền viện gấp thế này." Vừa bước nhanh ta vừa hỏi quản gia.

"Bẩm tiểu thư, là một vị bằng hữu của lão gia từ phương xa tới, vì thế lão gia liền mời ngài ấy ở lại dùng cơm trưa ạ."

Còn cách tiền sảnh một khúc cua ta đã nghe thấy mùi thức ăn thơm sực nức. Hít đầy một hơi, ta lờ mờ đoán được mùi vịt nướng, chả giò, bánh trưng, canh măng mọc, nộm thịt gà, mấy món này tuy không phải là bữa ăn của nhà bình dân nhưng cũng không thể sánh bằng nem công, chả phượng. Có lẽ vị khách phương xa này cũng không phải là người có gia thế hiển hách. Nghĩ vậy tâm tình ta cũng thả lỏng một chút, vén váy bước qua thềm cửa đại sảnh.

"Ồ, Điểm, tới rồi, lại đây chào chú Đạt đi." Vừa bước vào cửa, ta liền nghe tiếng gọi của cha. Chỉ qua giọng nói, có lẽ ông đang thật sự vô cùng vui vẻ. Ta không kìm được sự tò mò nên liền liếc mắt nhìn tới người lạ mặt đang ngồi trong đại sảnh. Không nhìn thì thôi, vừa chạm mắt với ông ta, ta liền không khỏi sửng sốt. Người này, ta đã từng gặp.

"Cháu chào chú Đạt, chúc chú năm mới vạn sự như ý." Ta khoanh tay cúi chào đúng quy củ rồi mới lui về phía sau cha quan sát người tên Đạt này. Bao nhiêu năm nay ta đã gặp không ít người, vì thế nhất thời không tài nào nhận ra đã gặp ông ta ở đâu. Chỉ nhớ mang máng lần gần đây nhất đối mặt, ông ta vẫn chưa già tới thế này. Người trước mặt ta có dáng người cao lớn, tay chân vạm vỡ như người làm việc nặng lâu ngày, quần áo làm từ vải thô nhưng vô cùng thẳng thớm và sạch sẽ, quanh người không phát ra mùi lạ. Làn da của ông màu đồng, sáng bóng, chứng tỏ sức lực hơn người, chòn râu dài tùi tiện tết thành một cái bím nhỏ dưới cằm, tóc dài búi củ tỏi trên đỉnh đầu, không dùng trâm hay quan mà lại là một mảnh vải đỏ buộc lại. Ông ấy có đôi mắt nhỏ, đuôi mắt nhiều vết chân chim nhưng vẫn còn vô cùng trong sáng, tuy ta không nhận ra nhưng lại có cảm giác yên tâm vô cùng tự nhiên. Trực giác cho ta biết người này ta hoàn toàn có thể tin tưởng được. Trong lúc ta quan sát chú Đạ,t ông ấy cũng nhìn ta một lúc rồi mới thở dài ra.

"Con ranh này, đều là người nhà cả mà. Điểm, qua đây để chú xem con nào. Xem xem còn nhớ chú là ai không?"

"Chú bỏ qua cho, nhưng con không nhớ được ạ." Ta ngoan ngoãn bước qua chỗ chú Đạt, cũng thành thật khai ra cảm nhận trong lòng. Không ngờ ông ấy không phật ý mà lại vỗ lưng ta một cái.

"Biết ngay mà, ngày ta còn truyền võ nghệ cho quan gia, con vẫn còn là con ranh con khôn vặt, mắt trước mắt sau đã chuồn không thấy bóng, không nhớ ta là đúng rồi."

Lúc này thì ta trợn mắt ngạc nhiên thật, thì ra là ông ấy. Ngày Trần Thuyên mới chuyển vào ở Vạn Nguyệt Lâu, mẹ có ý để ta cùng hắn luyện võ nghệ, nhưng ta đây sinh ra chỉ yêu mỗi đồ ăn ngon và quần áo đẹp, sợ nhất là đau, kém nhất là chịu khổ nên chỉ cần mẹ khuất bóng là ta liền tìm cớ chạy biến. Chính vì thế, ký ức trong ta về người dạy võ công cho Trần Thuyên năm ấy chỉ là một người đàn ông thân hùm miệng gấu, lời nói thì lỗ mãng nhưng tính tình lại vô cùng bao che. Mỗi khi ta bị mẹ véo tai lôi đến chỗ ông ấy quỳ thỉnh tội thì đều là ông ấy gãi tai đỏ mặt bao che cho ta. Thời gian Trần Thuyên ở Vạn Nguyệt Lâu dài tới năm năm, nhưng ông chỉ ở lại Van Nguyệt lâu một năm đầu, sau khi hắn đã học xong căn bản thì ông ấy thường xuyên phải nhân nhiệm vụ đi xa, lâu lâu mới trở về kiểm tra hắn. Ấn tượng cuối cùng của ta về ông ấy có lẽ là vào đám tang của mẹ. Đường đường là một đại nam nhân mà ông ấy lại quỳ mọp trước uan tài của mẹ mà khóc như một đứa trẻ, miệng không ngừng gào lên.

"Chị ơi, là lỗi của em, nếu em về sớm hơn một chút ... là lỗi của em."

Đoạn ký ức đau buồn đột ngột quay trở lại khiến tay chân ta có chút bủn rủn, trong đầu óc của ta vẫn luôn có một đoạn trí nhớ vô cùng mờ nhạt về những gì đã xảy ra với mẹ ngày ấy. Ta chỉ nhớ được lần cuối cùng đối diện mẹ là lúc ta vừa trở về sau một chuyến xuyên núi tìm gỗ quý cho Trần Thuyên.

Lần ấy, ta phải tự mình đi giám sát bởi gỗ này là để gửi theo sứ đoàn tới Nguyên Triều ở phương Bắc. Chuyến băng rừng đó vô cùng hung hiểm, dù có anh em sơn tặc của Lý Hùng yểm trợ, đoàn người của ta cũng mất rất nhiều người, trên đường trở về lại bị một nhóm thích khách tấn công. Về được tới Vạn Nguyệt Lâu thì chỉ còn một nửa cái mạng, do thị vệ dùng chõng khiêng vào. Chẳng ngờ, ta chưa kịp ngồi nghỉ đã thấy quản gia mặt mũi hớt hải, nước mắt lưng tròng chạy tới báo tim xấu rằng mẹ bị trọng thương, đang trong tình trạng thập tử nhất sinh.

Chẳng cần phải nói, dù có sắp chết ta cũng cố lết bằng được tới chỗ mẹ. Vừa bước vào phòng đã bị một mùi máu tanh tới gay mũi khiến cho sững sờ, bên giường bệnh của mẹ lại chính là Trần Thuyên đang ngồi nhìn ta, vẻ mặt vô cùng trầm trọng. Có lẽ, ngày ấy mẹ cố gắng gượng chỉ là để nhìn mặt ta lần cuối. Bà cầm bàn tay ta đặt vào trong tay Trần Thuyên, chẳng kịp trăn trối đã trút hơi thở cuối cùng, còn ta vì quá sốc và mệt mỏi cũng lập tức lâm vào hôn mê. Trong suốt cả đám tang cũng như mấy tháng sau đó ta đều ở trong tình trang suy sụp, nửa mê nửa tỉnh, khi tỉnh táo thì thích ngồi thừ một chỗ, lúc kém hơn thì li bì mê sảng.

Bây giờ nhìn người đang mỉm cười ngồi trước mặt mình đây, so sánh với diện mạo trẻ trung của ông ấy trong ký ức, ta bỗng cảm thấy có lẽ quãng thời gian sau khi mẹ qua đời của ông ấy cũng không hề vui vẻ. Ông ấy nhìn ta, đôi mắt dịu dàng như nhìn một hình bóng ai đó trong ta rồi mới thở dài.

"Quả nhiên là con gái của chị Tần, dáng dấp cũng có mấy phần giống chị ấy ngày trước."

Ta nghe ông nói liền hơi trầm mặc, khóe mắt đột nhiên nhận thấy Anh Nguyệt quận chúa có phần ngại ngùng bên cạnh. Ta bỗng cảm thấy cảm thông cho bà ấy, bà ấy dành được cha nhưng cuối cùng chẳng phải cũng không giữ được con của mình hay sao. Lại nghĩ dù sao tháng giêng vẫn chưa qua hết, mọi người không nên chìm đắm trong đau buồn mới phải, vì thế ta chủ động cầm lên li rượu trước mặt mỉm cười nói.

"Con cảm ơn lời khen của chú, ngày còn trẻ dại, con tuy không theo chú học hành chăm chỉ nhưng cổ nhân đã nói một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Ly này là học trò kính thầy. Chúc thầy phúc thọ an khang."

"Nói hay lắm, nào cùng uống cạn."

Chú Đạt dường như hiểu ý ta nên ông cũng liền hào sảng vỗ đùi, cầm chén rượu lên uống cạn. Uống xong rồi lại cầm chén rượu ghét bỏ nói.

"Ngũ Lão, năm xưa em theo bác bôn ba giang hồ đều là phường ăn thùng uống vại, giờ uống rượu bằng cái chén hạt mít này thì bao giờ mới say. Vừa hay hôm nay em tới thăm hai bác, không có quà tặng xa xỉ, chỉ mang theo hai vại rượu ngô nhà tự nấu, bác cho người hầu đổi thành bát lớn. Hôm nay em và bác thề không say không về."

Chú Đạt vừa nói xong thì Anh Nguyệt quận chúa liền bật cười đáp lại.

"Phu quân xem, thế này chẳng phải là chú ấy chê khéo nhà chúng ta ki bo bủn xỉn, tiếc rẻ mấy vò rượu hay sao? Vừa hay nhà chúng ta về kinh thành từ biên ải xa xôi chẳng mang theo gì nhiều nhưng cũng có mấy trăm cân thịt thú rừng khô, để thiếp bảo quản gia nướng lên cho hại vị đại nhân nhắm rượu."

"Hay lắm, quyết như vậy, hôm nay anh em chúng ta không say không về."

Cha nghe lời Anh Nguyệt quận chúa cũng lập tức hưởng ứng. Thế là bữa trưa thân mật của bốn người cứ như vậy trở thành tiệc rượu tại gia, bàn tiệc cũng chuyển từ tiền viện tới bên hồ sen. Ta phụ Anh Nguyệt quận chúa sắp xếp người hầu nhóm một đống lửa lớn để đun rượu và nướng thịt. Các anh chị nghe âm thanh nhộn nhịp cũng liền mang theo bọn nhỏ tới góp vui. Cuối ngày hôm ấy, ta lại kết thúc trong tình trạng say tới không biết trời trăng, thậm chí Chi thị và Linh thị về lúc nào cũng không biết, chỉ biết là chính hai nàng ấy lôi ta về phòng, ném ta lên giường rồi đắp kín chăn.

..........................


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net