Q2. Chương 112 - Nuối tiếc của Hưng Đạo Đại Vương

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đêm hôm nay trăng rất sáng, khoảng sân hậu viện nơi Hưng Đạo Đại Vương cùng sư tổ đang dùng bữa không bị cây cối che xung quanh, để tránh ánh sáng mạnh khiến mắt Đại Vương bị tổn thương thêm, sư tổ dặn người hầu không cần phải thắp quá nhiều nến. Trong lúc quản gia Đại Hành trở về thư phòng, Đại Vương hít thở sâu vài lần rồi mới chầm chậm nói.

"Trong mấy chục năm qua, bản vương có vô số thuộc hạ đắc lực, trong lòng luôn giữ vững tôn chỉ dùng người là phải tin người, nếu đã có lòng nghi ngờ thì thà không dùng. Thuộc hạ của bản vương cũng đều hiểu rõ tôn chỉ ấy, nên về thân phận, bản vương và họ là chủ nhân và thuộc hạ nhưng thực chất tình như thủ túc, khăng khít chẳng khác người nhà. Họ vì triều đình vào sinh ra tử, bản vương cũng vì họ mà thưởng phạt phân minh. Mấy chục năm qua, có thể coi như không hổ thẹn với bản thân mình."

Sư tổ nghe những lời này liền gật đầu đồng ý.

"Những điều này thiên hạ có ai không biết, chính vì thế lão luôn luôn cảm thấy được đi theo Đại VƯơng là vinh dự của ba đứa đồ đệ của lão."

Hưng Đạo Vương không nhìn sư tổ, chỉ thở dài lắc đầu.

"Thật ra, như lão nói, làm người ai mà không có lúc bất đắc dĩ, phải đắc tội người khác, cũng phải cắn răng hi sinh những thứ mình quý trọng. Trong số rất nhiều thuộc hạ của bản vương, phàm là tướng sĩ anh dũng trên chiến trường, bản vương đều đảm bảo bất kỳ ai cũng được khen thưởng xứng đáng, công trạng được ghi vào sử sách, không ít thì nhiều. Nhưng ngược lại, với những thuộc hạ ở trong bóng tối, bản vương lại không có cách nào cho họ những đãi ngộ ngang hàng. Chuyện năm ấy của Thái Tần ..."

Lời nói của Hưng Đạo Đại Vương từ tốn như trần thuật, nhưng từng lời từng chữ vào trong tai ta lại như có sức nặng ngàn cân. Thì ra là thế, quả nhiên chuyện xảy ra năm ấy có vấn đề. Tâm ta dao động như sóng dữ nhưng sư tổ ngược lại vẫn bình tĩnh tiếp lời.

"Chuyện năm ấy của Thái Tần, lão không biết rõ, chỉ nghe Chu Đạt nói lại là nó vì đỡ kiếm cho quan gia mà bỏ mạng. Lẽ nào trong ấy còn có điểm bất thường hay sao?"

Đại Vương trả lời sư tổ bằng tiếng ho húng hắng, đúng lúc ấy, quản gia Đại Hành đã quay trở lại từ thư phòng, ông ấy đi tới dâng khăn tay cho Đại Vương rồi thay người tiếp lời sư tổ.

"Đại Vương không nên nói nhiều tránh ảnh hưởng tới thân thể. Chuyện năm ấy một phần cũng có lỗi của thuộc hạ, để thuộc hạ thay người thuật lại."

Hưng Đạo Đại VƯơng cầm khăn lụa trên tay quản gia Đại Hành lau miệng rồi gật đầu. Quản gia Đại Hành lập tức quay sang khoanh tay vái sư tổ rồi thuật lại chuyện năm ấy.

" Chuyện này có lẽ phải bắt đầu kể từ thời khắc Thái Tần phu nhân theo thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão đầu quân đánh giặc. Thượng tướng quân cùng Chu tướng quân là trang nam nhân theo quân xông pha chiến trường, Thái Tần phu nhân vì bụng mang dạ chửa nên ở lại kinh thành làm nhiệm vụ trinh sát, đưa tin. Thời gian ban đầu, bọn họ chỉ là binh sĩ nho nhỏ, chiến sự khốc liệt, thêm người là thêm sức, đương nhiên không có ai thực sự chú ý kiểm tra thân phận của bọn họ. Sau khi chiến sự tới hồi ngã ngũ, Thái Tần phu nhân nhờ trí thông minh đã trở thành trinh sát duy nhất còn sống sót trong suốt mấy tháng giặc Thát chiếm giữ kinh thành, tuy phu nhân bụng mang dạ chửa nhưng vẫn có cách truyền tin về cho đại quân, nhờ vậy mà quân ta mới có thể thuận lợi đánh đuổi giặc Thát. Nhờ chiến công ấy, khi đại quân giành lại kinh thành, Đại Vương liền giao cho phu nhân cai quản Vạn Nguyệt lâu, là đầu mối thông tin gián điệp của hoàng thất.

Vài năm qua đi, thiên hạ thái bình, hoàng thất mới có thời gian xem xét chiến công cùng khen thưởng tướng lĩnh. Đúng lúc ấy, quan viên lại bộ mới đề xuất làm một bản danh sách thân nhân của những tướng lĩnh có công, ai đã qua đời thì truy phong, còn sống thì ban thưởng đất đai, vừa cho họ kế sinh nhai, lại khiến họ được nở mày nở mặt. Đây là chuyện vui, ai nấy đều vô cùng hưởng ứng, duy chỉ có Thái Tần phu nhân là không nói ra được quê quán thật sự của mình.

Thuộc hạ còn nhớ, năm ấy, thuộc hạ là chỉ huy trực tiếp của phu nhân, cũng là người tới tìm phu nhân hỏi về nguyên quán. Phu nhân chỉ đơn giản nói từ năm sáu tuổi đã đi theo thầy học võ nghệ, những chuyện trước đó không còn nhớ rõ nữa. Lúc ấy phu nhân đang giúp vương gia làm một nhiệm vụ quan trọng, con gái của bà ấy còn là thư đồng hầu học bên cạnh thái tử, sau này có thể sẽ trở thành thuộc hạ đắc lực giúp thái tử đăng vị, đương nhiên không thể để lọt bất kỳ rủi ro nào. Vì thế thuộc hạ mới giấu vương gia dùng hai vật này tìm hiểu một phen."

Nói tới đây, quản gia Đại Hành liền dâng lên một cái hộp gỗ. Cái hộp này không lớn, chỉ nằm lọt thỏm trong lòng bàn tay của ông ta, hình dạng của nó hơi kỳ lạ, mặt ngoài cũng không có chạm khắc gì đặc biệt, nhìn qua, nó giống như mảnh ghép rơi ra của một vật nào đó. Ta chợt giật mình hiể ra vì sao thư tín bí mật ở Vương phủ lại được giấu tốt như vậy, bao nhiêu năm kinh doanh đồ gia dụng, ta chưa từng nghĩ tới tạo ngăn bí mật ngay trên các bộ phận bàn ghế. Đại Hành cẩn thận mở nắp hộp, bên trong quả nhiên chỉ có một mảnh ngọc vỡ và một mảnh vải sờn màu. Ông ấy cẩn thân đặt mảnh ngọc trước mặt sư tổ, rồi lấy mảnh vải kia trải lên mặt bàn. Sư tổ nhìn hai thứ ấy, trầm mặc không nói lời nào.

"Hai vật này đối với lão thần y có lẽ không hề lạ lẫm."

Quản gia Đại Hành từ tốn hỏi, sư tổ cầm mảnh ngọc trên tay nhìn một lúc lâu rồi khẽ gật đầu.

Đây là lần đầu tiên ta nhìn thấy hai vậy này nên không thể không quan sát chúng kỹ càng một chút. Dưới ánh trăng mờ nhạt, ta không nhìn rõ chất ngọc, chỉ thấy nó khá nhỏ, lọt thỏm trong lòng bàn tay của quản gia Đại Hành, bên trên có khắc hình hoa mẫu đơn nhưng chỉ có nửa đóa hoa nguyên vẹn, những cạnh vỡ của miếng ngọc đã mòn vẹt, bóng loáng, đủ để biết chủ nhân trước đây đã yêu thích nó thế nào. Bên cạnh miếng ngọc, mảnh vải kia có thể cho ta nhiều manh mối hơn một chút. Nó có màu xanh lam, dù đã qua năm tháng nhưng vẫn còn có độ bóng nhất định, sợi vải kết vào nhau vô cùng chắc chắn, mảnh vải rõ ràng cũng bị xé ra từ một vật nào đó bởi lẽ hình thêu phía trên không trọn vẹn, nó chỉ có vỏn vẹn một bàn chân có năm móng sắc nhọn. Chỉ nhìn qua thế này, ta không dám đoán bậy bàn chân này của con vật nào, nỗi hoài nghi trong lòng ngày một cồn cào, khó chịu.

"Ngày lão gặp Thái Tần dưới chân núi, nó mới chỉ có năm, sáu tuổi, thân nhân đã thất lạc hết, chỉ có mình con bé nằm thoi thóp trong bụi tre. Nếu lai lịch của những vật này không nhỏ, hản người nhà nó cũng là người có quyền có thế, vì sao lại có thể bỏ rơi con bé như thế?"

Sư tổ cầm mảnh ngọc kia vừa quan sát vừa bình luận, ngữ điệu của ông lão lộ rõ sự mệt mỏi.

Quản gia Đại Hành liền gật đầu khoanh tay tiếp tục kể.

"Có lẽ không phải là họ muốn bỏ rơi con cháu mình mà bởi vì họ bị truy sát không thể không làm như vậy. Hai vật này có xuất xứ từ Phương Bắc."

Sư tổ sửng sốt ngẩng đầu nhìn vào quản gia Đại Hành như không tin vào tai mình. Bản thân ta lại không tự chủ nắm chặt gấu áo.

"Mảnh vải này vốn là một loại gấm quý của vùng Giang Nam, bàn chân thêu trên đây thực chất là một bàn chân rồng."

"Chẳng lẽ ...."

Sư tổ chưa kịp nói hết câu thì quản gia Đại Hành lại tiếp tục chỉ mảnh ngọc nói.

"Mảnh ngọc này nhìn qua thì tầm thường, nhưng thực chất phía sau có một vài nét khắc, thuộc hạ cố tìm vài vị trong nội các hỏi thử thì mới biết  những nét khắc đó chính là chữ Huệ của người Nam Tống."

Sư tổ đột nhiên trở nên trầm mặc, quản gia Đại Hành lại vẫn bình thản tiếp tục thuật lại chuyện năm ấy.

"Thật ra, chỉ có hai vật này cũng không thể chứng minh Thái Tần phu nhân có liên quan tới triều đình Nam Tống, bởi khó mà tin người mang huyết thống hoàng tộc lại có thể sẵn sàng cúi đầu thần phục kẻ khác. Lúc ấy, thuộc hạ nghĩ không loại trừ khả năng cha mẹ của phu nhân từng là tùy tùng của ai đó có liên quan tới hoàng tộc Nam Tống mà thôi. Khi thuộc hạ mang hai vật này tới tìm phu nhân chất vấn, phu nhân không nhìn chúng một lần mà chỉ cười. Bà ấy nói dù trước đây có là ai, một khi bà ấy đã giao ra vật này để quy thuận triều đình thì liền coi như đoạn tuyệt quá khứ, còn nói với thuộc hạ muốn xử lý hai vật này sao cũng được. Khi ấy, chuyện này không lớn cũng không nhỏ nhưng lại có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng nếu không được xử lý thỏa đáng vì thế thuộc hạ mới tìm tới Đại Vương xin chỉ điểm.

Xét chiến công của phu nhân trong cuộc chiến chống ngoại xâm, Đại Vương liền khẳng khái lệnh cho thuộc hạ bỏ qua mọi việc không tiếp tục truy cứu.

Không ngờ tới, một thời gian không lâu sau, nhà Nguyên ở phương Bắc sai sứ thần tới đòi triều đình ta giao ra dư nghiệp của hoàng tộc Nam Tống. Không biết từ đâu, bọn chúng có được một bản danh sách tất cả người Nam Tống đã chạy tới Đại Việt. Mà trong danh sách ấy, đúng là là có một vị Huệ Vương mang theo người nhà mấy trăm người chạy tới Đại Việt. Vị Huệ Vương này là anh em ruột của Cung Văn Ninh Vũ Ai Hiếu phế đế, trong số người nhà đi theo ông ta có một trưởng nữ tên là Triệu Thái Tần."




Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net