#3.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Buổi họp đi được hơn một nửa, có một số giấy tờ và cam kết mà phụ huynh học sinh phải ký nhận. Tôi quay mặt ra phía cửa lớp, gọi:

- "Quỳnh ơi, vô giúp cô một lát."

- "Quỳnh ơi?"

Tôi gọi thêm một tiếng nữa khi không thấy bóng người nào đi vào. Có một giọng nói khác nói vọng vào:

- "Quỳnh đi đâu rồi đó cô ơi!"

Tôi gật đầu với học sinh vừa thông báo cho tôi thay cho lời cảm ơn, sau đó thì cầm xấp giấy định đi xuống dưới bục giảng để phổ biến cho phụ huynh thì bất thình lình chú của Quỳnh đón lấy xấp giấy trên tay tôi, đồng thời còn nói:

- "Để tôi giúp cô giáo."

Giọng rất nhỏ, thật sự là chỉ tôi mới có thể nghe thấy, nhưng nó cứ làm sao ấy khiến tôi không thể phản kháng lại được, cũng chẳng thể nói được gì. Tôi thấy anh ta cứ cầm xấp giấy đi lên đi xuống cho đến khi hoàn thành, anh ta lại về đúng vị trí của mình. Tôi mím môi cúi đầu cảm ơn anh ta rồi mới hướng dẫn cho phụ huynh biết nên ký tên ở chỗ nào. Xong xuôi, tôi mới hỏi:

- "Phụ huynh còn có chỗ nào chưa rõ, còn có gì thắc mắc hay muốn nêu ý kiến gì không ạ?"

Có rất nhiều người lắc đầu, tôi nghĩ buổi họp đã có thể kết thúc được rồi thì "chú của Quỳnh" lại một lần nữa thả tôi từ trên cây rớt xuống:

- "Cô giáo có thể cho chúng tôi biết số điện thoại để dễ dàng hơn trong việc quản lý con em của chúng tôi hay không? Hoặc là địa chỉ nhà, hay bất cứ phương tiện nào để chúng tôi có thể liên lạc khi cần?"

Những người khác ban đầu đều không có ý kiến gì, sau khi nghe anh ta nói thì giống như một làn sóng, mạnh mẽ ủng hộ. Tôi đương nhiên biết đây là trách nhiệm của mình phải làm, là một yêu cầu hợp lý, nhưng phát ra từ miệng "chú của Quỳnh" thì tôi chẳng có tí gì là thoải mái cả. Tôi hít vào một hơi dài rồi từ tốn trả lời:

- "Quý phụ huynh xin hãy yên tâm ạ. Còn về phương tiện liên lạc, tôi sẽ phổ biến với con em chúng ta trước giờ sinh hoạt lớp."

Buổi họp phụ huynh đã kết thúc như thế, nhưng tôi thì chưa thể. Tôi ngồi lại lớp để thống kê một số vấn đề, tôi không cảm thấy gì khác lạ cho đến khi tôi ngước mắt liếc lên trên. Cảm giác của tôi giống như là vừa mới bị một vật cứng nào đó bay thẳng vào đầu, rồi thì đầu tôi ong ong hết cả lên. Tôi nhanh chóng lấy lại bình tĩnh để mỉm cười với "chú của Quỳnh":

- "Anh còn có việc gì chưa rõ sao?"

Anh ta ngồi thẳng, dáng nghiêm, chẳng hề nhúc nhích, bảo sao tôi lại không cảm giác được còn có một người khác hiện diện trong phòng học. Nghe tôi hỏi, anh ta làm như lơ đi, nhưng mắt thì đâm thẳng vào mặt tôi:

- "Không, tôi chờ cái Quỳnh. Con bé còn chưa quay lại."

Tôi "À" lên một tiếng, mặc dù tôi giải quyết công chuyện còn chưa xong nhưng tôi vẫn tranh thủ dọn dẹp đồ đạc. Tôi đã không thấy anh ta thì thôi, nhìn thấy rồi lại cảm thấy ngột ngạt, không buồn làm việc nữa.

- "Vậy tôi xin phép về trước, anh đợi Quỳnh một lát, chắc có giáo viên khác nhờ con bé ít việc."

Tôi nói xong cũng không quan tâm xem anh ta có phản ứng gì hay không nữa. Vừa bước tới ngưỡng cửa thì gương mặt hớt hải của Quỳnh lập tức đập vào mặt tôi theo đúng nghĩa đen. Quỳnh không gầy lắm nhưng trán nó rõ ràng là không có tí thịt. Tôi choáng váng vịn thành cửa một lúc mới có thể đứng vững, may sao giấy tờ trên tay tôi không bị rơi rớt xuống, nếu không thì tôi sẽ lại có một ngày dài vất vả.

- "Quỳnh ơi, răng mà vội như ri hè?"

Con bé hốt hoảng, sợ hãi muốn chạm vào trán tôi nhưng lại không thể chạm. Nó luýnh quýnh loay hoay mãi mới nói ra được một câu:

- "Cô ơi, em xin lỗi, cô có sao không cô?"

- "Cô giáo có sao không?"

Lần này thì không cần đoán mò nữa, tôi biết chắc là ông "chú của Quỳnh" đang ở phía sau tôi mà không cần nhìn. Tôi nhắm mắt, xua tay:

- "Tôi không sao, anh đưa cháu về trước đi."

- "Cô ơi, để chiều em mang trứng qua cho cô nha?"

Tôi hoảng, lập tức ra hiệu:

- "Đừng, em đừng qua nhà cô."

Ngay sau đó thì tôi trở nên ngập ngụa:

- "Ý của cô là cô không sao, không cần phải mất công như thế."

- "Trán cô giáo sưng lên rồi kìa. Chiều tôi sẽ kêu bé Quỳnh mang trứng qua cho cô vậy. Xin phép cô giáo."

Tôi cứng họng, có thể nào tha cho tôi có được không?

Soi mình vào trong gương, một vùng trán bên phải của tôi đỏ hết lên, còn sưng nữa, nếu nói không đau thì chỉ có thể là mình đồng da sắt. Nhưng khổ nỗi, tôi bây giờ lại không dám về nhà.

Nhà Quỳnh gần sát nhà tôi, chính xác là cách một khoảng đất trống. Từ sân thượng nhà Quỳnh có thể nhìn thấy rất rõ ban công nhà tôi, và ngược lại. Nhưng nhà tôi thấp hơn rất nhiều so với sân thượng nhà Quỳnh. Nhà tôi là căn nhà gỗ nhỏ, hai tầng nhưng chỉ cao hơn tầng trệt nhà Quỳnh một chút, vậy nên, tôi có thể nhìn lên sân thượng nhà con bé, đương nhiên, việc đó bao gồm rất nhiều công đoạn.

Nhưng đó chưa phải là vấn đề.

Quỳnh sống với bố mẹ và bà nội. Ban sáng Quỳnh và chú nói chuyện có nhắc đến bà nội, tức là chú của Quỳnh cũng sống chung với nhà Quỳnh luôn. Có thể suy luận của tôi không đúng, tôi cũng rất mong là không đúng, nhưng chẳng may nó đúng thì tôi thật không còn biết phải làm cách nào nữa.

Tôi đột nhiên thấy sợ "chú của Quỳnh".

Muốn về nhà tôi phải qua nhà Quỳnh, đơn giản thôi, nếu đi ngược lại sẽ phải đi rất xa. Tôi gần như nín thở để có thể đi qua hết nhà Quỳnh rồi thở phào mở cổng nhà. Nhưng Quỳnh giống như đã đi theo sau tôi hoặc là núp ở một lùm cây nào đó, nếu không thì chỉ có thể là phục sẵn ở nhà tôi mà thôi.

- "Cô ơi!"

Tôi giật mình, nếu như không cẩn thận thì có lẽ vùng trán bên trái của tôi cũng đối xứng với vùng bên phải hiện tại luôn cũng nên.

- "Quỳnh ơi, em làm cô giật mình!"

Nó cười tí ta tí tởn ấy, không có chút gì sợ sệt luôn:

- "Em mang trứng qua cho cô."

Tôi nhìn rổ trứng gà đầy ắp trên tay của Quỳnh, tự nhiên dịu giọng:

- "Cho cô lăn trán thôi, không cần nhiều như vậy."

- "Thì cô để ăn dần ạ!"

Tôi vốn thích ăn trứng gà, cơ bản là vì ngại nên mới nói câu trên. Bây giờ đương nhiên là không cần phải từ chối nữa, đó cũng không phải tính cách của tôi.

- "Vậy em cảm ơn bà nội giúp cô nhé!"

Quỳnh như khựng lại một giây, đến chữ "Dạ" cũng không nói trôi chảy được nữa. Bình thường đều là bà nội Quỳnh mang sang cho tôi khi thì quả trứng, khi thì rổ rau vì bà biết tôi không phải người bản xứ, lại là con gái xa quê. Ba mẹ Quỳnh thì đi làm suốt ngày rất ít khi có thời gian rảnh, nên lần này tôi nghiễm nhiên cho rằng rổ trứng này là chủ ý của bà.

Lại nói chuyện ban công – sân thượng. Tôi vốn ưa hoa lá, cây cảnh, trước ban công bất kể là vách, tường, lan can đều được phủ xanh cả. Ngồi làm việc thuận mắt nhìn qua ô cửa sổ ra ngoài ban công liền như thu cả đất trời vậy. Cảm giác vừa dễ chịu, vừa thoải mái.

Chiều nay trời đẹp, không khí trong lành mát mẻ, vốn Đà Nẵng đã mát rồi. Tôi ra ban công nhìn những chậu hoa dạ yến thảo, những mảng hoa mười giờ đang trổ hoa rực rỡ, không kìm được lòng mà đưa tay nâng niu nó một lát. Tôi lấy bình phun nước cho hoa, màn nước như hơi sương lơ lửng trong không trung cùng với ráng chiều tạo nên khung cảnh mờ ảo, huyền diệu...và mát nữa.

Xuyên qua màn sương mỏng đó loáng thoáng có bóng người. Ráng chiều hơi chói, tôi không thể nhìn rõ được. Là con trai, hai tay đút túi quần, dáng vẻ điềm tĩnh, nghiêm trang rất có khí chất. Hướng đứng hình như là đối diện thẳng với tôi luôn thì phải. Khoan đã, bên đó là nhà cái Quỳnh? Tôi hoảng loạn chạy biến vào trong nhà, sau đó mới phát hiện ra mình đang mặc váy ngủ. Máu trong người tôi như bị tắc ở cái chỗ nào rồi đó, người nóng ran, mặt đỏ bừng, tim thì như muốn nhảy ra ngoài luôn vậy. Xem ra ông "chú của Quỳnh" thực sự là ở sát vách nhà tôi.

Từ lúc đó cho đến tối, tôi không dám bước ra ngoài nữa luôn. Thậm chí còn đang cân nhắc xem ngày mai, ngày mốt phải như thế nào mới có thể chăm sóc đám hoa cỏ kia mà không phải bước chân ra ngoài đó.

Tôi nghĩ mãi cũng nghĩ không ra, tôi ở đây đã bao năm vậy mà không biết sát nhà lại có người con trai này. Tôi không ghét anh ta, nhưng khó chịu chết đi được. Từ ngày xui rủi gặp anh ta, tôi giống như là đối tượng tình nghi vậy, cảm giác lúc nào cũng giống như là đang bị theo dõi ấy.

Tôi nằm vật xuống giường, cố tìm ra một chuyện gì khác để quên đi. Đúng thật là hiệu quả, buổi sáng khi kết thúc buổi họp phụ huynh, tôi nghe mấy anh chị đồng nghiệp bảo, buổi chào cờ đầu tuần, tức là ngày mai, sẽ có buổi trò chuyện của quân nhân Hải quân với học sinh toàn trường. Là quân nhân, còn là quân nhân Hải quân... Lòng tôi bất chợt rạo rực, vui như mở hội, miệng cứ thế mà cười.

Tội lập tức không còn nghĩ gì đến "ông chú" kia nữa...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net