Mị Châu 4.0

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Vì đây là tác phẩm chị viết mà tiếp xúc được  nhiều thế hệ đang tuổi lớn nhất. Nên chị dành một chương để đăng lên đây về tình yêu nước. Cảm ơn các em vì đã đọc.
                    **
                     *
Khoảnh khắc thấy Mị Châu, tôi hoảng hồn.

Thân nàng vẫn khoác chiếc áo lông ngỗng, đi đến đâu, từng sợi rơi xuống hóa thành lửa, thiêu đốt cả khoảng không. Chuỗi ngọc trai quanh cổ được kết lại, tỏa ra một vầng sáng kỳ lạ. Nàng đưa mắt nhìn tôi, mỉm cười hỏi.

- Nghe bảo dạo này tên ta hay được nhắc đến thường xuyên.

- Dạ vâng ạ.

- Ngồi xuống đây đi, ta nghĩ ta cần nói với con cháu ta một số điều.

Dứt lời, nàng hóa phép biến trời thành một dải lụa, rồi họa lên trên đó hình chú rồng đang lấy chân ngoạm hai hòn ngọc quý.

- Nghe bảo thời các ngươi hay thuyết trình,  ta học để bắt kịp thời đại.

Nàng điểm tay, bộ bàn ghế tinh xảo hoa văn hiện ra, cùng ấm trà, bánh mứt và cơi trầu trên bàn. Rồi nàng vui vẻ mời tôi ngồi xuống.

- Ta không có nhiều thời gian, phải đi về trời mỗi ngày chịu phạt. Chúng ta nói được đến đâu hay đến ấy.

- À dạ, cảm ơn nàng đã dành ít phút quý báu để tôi có thể phỏng vấn đôi điều. Vậy chúng ta bắt đầu luôn nhé.

- Câu hỏi đầu tiên. Nàng có giận khi giới trẻ dùng tên nàng để chỉ những người vô trách nhiệm với Tổ Quốc của mình không?

Nàng cười khẽ, hai mắt sáng hiền từ nhìn tôi.

- Ngươi biết đấy, quá khứ là điều không thể sửa. Ta thân là công chúa một nước, lại sơ sẩy mà để cơ đồ đắm bể dâu¹. Thiết nghĩ ngàn năm thoát khỏi cõi trần, được nhân dân thương xót mà tha tội cũng là phúc hạnh của ta. Việc lấy tên ta ra để chỉ những đứa con hư ấy là điều bình thường, ta không giận. Ta thiết nghĩ, lấy tên ta, nhắc đến lỗi sai của ta, cho con cháu đời sau lấy đó mà làm gương cũng là điều đáng làm.

- Câu hỏi thứ hai. Nàng nghĩ sao về Mị Châu thời 4.0, hiện nay vấn nạn ấy  đã xuất hiện ở một bộ phận giới trẻ yêu thích văn hóa, phim ảnh, idol Trung?

Nàng nhướn mày, chỉ vào những đám lửa do lông vũ hóa thành.

- Đừng tưởng nó chỉ là một chiếc áo, nó là quỷ yêu đã dẫn đường cho giặc. Những tác phẩm tuyên truyền  đường lưỡi bò cũng như thế đấy.

Nàng chỉ vào lỗ hỏng nơi ngực trái, ôn tồn tiếp lời.

- Cha ta đã trừng phạt ta như thế đấy, ông đã lấy đi trái tim của ta. Ngươi biết đó Trọng Thủy là chồng ta, sinh sống lâu ngày ta dường như quên mất hắn là con của Triệu Đà, vốn là người phương Bắc. Nếu biết hắn như thế, ta có chết cũng ngăn hắn cho bằng được. Ai cũng có sai lầm, ta không biện hộ cho lỗi sai của mình, nhưng quả thật khi ấy ta còn nhỏ, cả tin và dễ mắc lừa. Còn con cháu ta, rõ ràng là có nhiều cơ hội mở mang tầm hiểu biết hơn ta, thì sao lại tiếp tục cho trái tim lầm lỡ để trên đầu². Hắn là chồng ta, cũng coi như người thân mà ta còn hận đến như thế. Còn bọn họ, biết là thần tượng, nhưng có đáng để đánh đổi với Tổ quốc?

Nàng chỉ vào chuỗi ngọc được kết thành chuỗi ngự nơi cổ, đầu lông mày nhíu lại lộ vẻ suy tư.

- Máu của ta được hóa thành ngọc, vì lòng ta vẫn nặng với đất nước nhân dân của mình. Ta vẫn ân hận, luôn dằn vặt vì giây phút lơ là ấy, để mở ra ngàn năm Bắc thuộc, rồi để chúng đốt và tàn phá biết bao di sản văn hóa, mưu đồ đồng hóa ta. Nhưng người biết đó, mang trong mình dòng máu cha Lạc Long Quân, chảy trong mình huyết quản của mẹ Âu Cơ, tộc Việt ta vẫn cố giữ lấy lề lối văn hóa và bản sắc của mình. Ví như là tiếng Việt, ví như áo giao lĩnh, viên lĩnh rồi đến tứ thân, ngũ thân nhật bình, tục ăn trầu, nhuộm răng đen...Rồi cả một kho tàng ca dao dân ca, bọn phương Bắc thì tam tòng tứ đức, nữ quyền bị tước đoạt. Ta ít nhiều bị ảnh hưởng một ngàn năm, nhưng vẫn có những câu tình vợ chồng thắm thiết, ngang bằng nhau:"Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn". Xứ ấy họ tự hào là Trung Hoa, trung tâm của tinh hoa. Còn mình, tự hào vì bốn ngàn năm lịch sử vẫn giữ được những điều tiền nhân trước để lại. Ta nhiều lúc thấy có sự so sánh khập khiễng, từ việc đề thi văn Trung Quốc rồi so thơ văn bên ấy hơn bên mình nhiều của một bộ phận lớp trẻ. Từ việc phim cổ trang bên ấy nhiều hơn, hay hơn, đẹp hơn bên mình nhiều. Từ việc Hán phục được phổ biến rộng rãi có thể mặc trên đường phố, còn Việt phục thì bị soi mói, bắt bẻ. Bốn ngàn năm mà các ngươi đếm thử xem, bình yên được bao nhiêu năm, bao nhiêu tài liệu quý báu bị đốt sạch, nhân tài thì bị bắt đi. Cái Tử Cấm Thành người Trung Quốc tự hào là của người Việt xây dựng³ đấy. Chuyện phục dựng trang phục, tư liệu đã là điều khó khăn, thì làm sao mà làm phim ảnh. Ngươi chẳng lẽ không thấy, Trung Quốc họ làm phim thị trường về cổ trang, có nhiều bộ rất nhảm. Còn người Việt mình, vốn là dân tộc thờ cúng tổ tiên, đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương ngàn năm sau con cháu vẫn phải nhớ, nên họ khó khăn với những việc nền văn hóa bị tuyên truyền sai lệch. Làm một bộ phim cổ trang ở Việt Nam, phải chỉn chu đủ điều, tôn được văn hóa, truyền thống và tự hào dân tộc, kỳ công hơn, khắt khe hơn, đó là sự trân trọng. Trung Quốc làm nhiều phim cổ trang đó, nhưng hãy nhìn kỹ lại xem có bao nhiêu tấn tác phẩm chỉ ra đời vì mục đích thương mại.  Giao lưu văn hóa học hỏi là cần thiết, nhưng hãy đủ tỉnh táo để nhìn nhận, tự hào chứ không phải vọng tưởng. Biết rõ sở đoản chứ không phải là tự nhục.

- Ta không tiếc cho sinh mạng của mình, ta tiếc cho lớp lớp cha ông trải qua bốn ngàn năm lịch sử, đổ máu giành từng tấc đất trên quê hương. Ở trên trời dõi mắt nhìn đất Việt từ trong máu lửa, thấy ngưỡng mộ và cảm phục nhân dân. Để rồi đau đớn nhìn đám con cháu đội Trung lên thờ, sính ngoại, chạy theo những giá trị chúng cho là đáng và bỏ quên đi dòng máu chảy trong người mình.

- Trần đời này, ta sợ nhất là sai phạm. Sai lầm như ta, chính là vì không biết. Còn các ngươi biết mà làm sai, đó là sai phạm. Mị Châu 4.0 mà dùng cho những kẻ ấy thì cũng thấy tội cho ta. Phản bội Tổ quốc và dân tộc là tội nặng nề nhất.

Tôi hí hoáy ghi chép, nhìn lại bốn ngàn năm. Thấy Đất Nước thấm vào xương thịt mình, thấy tự hào và thấy phẫn nộ.

- Thưa nàng, tôi chỉ hỏi một câu cuối cùng ạ. Hoàng Sa và Trường Sa là của?

Nàng phì cười, nhăn mày.

- Có ai đi phỏng vấn mà hỏi kiến thức phổ thông như nhà ngươi không? Đứa cháu chắt chít thân yêu của ta ạ, lúc mở rộng bờ cõi thành hình rồng, bề trên đã ấn định đất ấy của người phương Nam, của dân tộc Việt Nam.  Đây, nhìn cái hình ta vẽ lúc đầu đi, hai hòn ngọc ấy là của nước mình đấy. Phàm những kẻ trái đạo lý, ngược với chính nghĩa, ắt chuốc lấy hậu quả mà bề trên đưa xuống. Đấy, chê phở nghe mùi hôi chân rồi không biết nhìn lại cái lẩu dơi sinh ra bệnh COVID. Dông dài quá, tóm lại, Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Nhiệm vụ của con cháu, là tiếp tục đấu tranh.

- Đến giờ về trời chịu phạt rồi, ta phải đi.

- Người vẫn bị phạt ạ?

- Là ta tự xin phạt chính mình, người đã quên tổ tiên ta rất đôn hậu và chuộng hòa bình sao? Nếu không, máu ta nào hóa thành ngọc.

- Vâng ạ, cảm ơn người rất nhiều. Mong có dịp sẽ được gặp người lần nữa, thưa công chúa.

Tôi vừa dứt lời, nàng Mị Châu hóa thành đám mây trắng, bay về phía trời xa.

*Chú thích:
¹ ²: lấy ý thơ Tố Hữu trong bài "Tâm sự".
³: Nguyễn An người Việt là kiến trúc sư xây dựng Tử Cấm Thành bên Trung Quốc. Link tham khảo bên wikipedia https://vi.m.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_An

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net