Chương 6: Lễ hội

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Dưới chân núi Tản, mọi người thi nhau hô lên những câu sấm cầu cho mùa màng bội thu, muôn nơi sung túc, cầu mưa thuận gió hòa, ăn nên làm ra. Vốn là con của Sơn Thánh nhưng năm nay lại gặp cha với tư cách thần dân, không biết ông bạn của ta có lén cười không nữa?

Tế lễ xong ở núi tản, mọi người lại về nhà chuẩn bị mâm cao cỗ đầy, để đến giao thừa tham gia tế bái trời đất ở đỉnh núi Hy Cương. Khi bộ hành lên đến đỉnh núi, ta mới trông rõ Phượng Minh và tất cả mọi người trong cung đều diện xiêm y tươm tất trang trọng để làm lễ.

Một lễ nghi không thể thiếu trước khi cúng bái là trừ tịch, xua đuổi ma quỷ để một năm mới viên mãn, không bị ảnh hưởng bởi những thế lực tâm linh. Mọi người đứng chứng kiến xong thì mới đến hồi chính của lễ tế trời đất, được chính An Dương Vương chủ trì.

Giữa lớp lớp dân chúng chỉnh tề, An Dương Vương bước đi đường bệ với hai hàng lính canh hộ vệ. Ngài vận một bộ hoàng bào chỉn chu, vẫn là tả nhậm nhưng ống tay và thân áo thì rộng hơn, thân áo dài đến chấm đất. Ngài khoác thêm bên ngoài một chiếc áo choàng lông chim, mũ miện được làm từ mào chim tinh xảo cùng với đó là những họa tiết màu sắc, thắt lưng được làm bằng đồng, chạm khắc mặt trời và hai chú chim bồ nông đối xứng, cổ đeo xà tích, bao tay, bao chân cũng bằng đồng. Tất cả cùng tôn lên phong thái đế vương uy dũng.

Bên cạnh người trong cung cấm, thường dân cũng lũ lượt kéo tới nơi đây hành lễ cùng với An Dương Vương. Ngay khi ngài quỳ xuống, sau lưng ngài, muôn dân đều nối tiếp quỳ theo, tạo ra một cảnh tượng lễ nghi đầy trang trọng, uy nghiêm. Sau khi cắm xong nén hương, An Dương Vương tuyên bố lời chúc năm mới đến muôn dân. Lúc này dưới đàn tế lễ, mọi người đều đồng loạt sụp lạy.

Ta chỉ đứng gọn ở một góc quan sát, phần nhiều thấy bùi ngùi chua xót lòng mề. Cung phụng kia, âu cũng chẳng dành cho ta.

An Dương Vương hoàn thành tế lễ thì xuống thuyền đặt sẵn trên hào, binh lính chèo dọc khắp các hào, ra sông Hoàng và cuối cùng dừng lại ở sông Lô Giang để lên bờ. Hằng năm đều như thế, đây được xem như là lời chúc rải đi khắp mọi nẻo kinh thành, người người nhà nhà đều thắp đèn ra đón.

Sau khi thuyền cập bến, An Dương Vương lên bờ, lễ đêm cũng coi như đã xong. Đám đông xúm xít trong đêm dần rã, bởi ai cũng phải dưỡng sức cho bộn bề tất bật ở những ngày lễ hội kế tiếp.

***

Phượng Minh muốn ra sân ném còn từ rất sớm. Ta cũng lẽo đẽo đi theo như bao lần chung vui với nhân thế trước kia vậy. Hôm nay đông người, Phượng Minh thuận thế tảng lờ ta, như thể ta vô hình trong mắt người trần, cũng vô hình trong đôi mắt nàng ta thật.

Mặt trời chưa mọc, Phượng Minh, tùy tùng, và ta đã đến sân ném còn. Vốn tưởng Phượng Minh là người đến sớm nhất, nhưng ta nhác thấy trên sân bóng dáng một thiếu nữ khác đương ngồi chống cằm ở sân ném. Đó là Mỵ Châu.

Phượng Minh thong thả bước tới chỗ Mỵ Châu, rồi nhẹ giọng hỏi:

"Em làm gì ở đây thế Mỵ Châu?"

Mỵ Châu hơi giật mình, song cũng nhanh nhảu đáp lời Phượng Minh:

"Chị đến làm gì thì em cũng vậy."

Đã sẵn đến sớm, Phượng Minh cũng ngồi xuống cạnh Mỵ Châu tiện bề tán gẫu. Mặc cho Mỵ Châu nheo mày khó hiểu, Phượng Minh vẫn chăm chăm lườm nguýt ta, ta thở dài, hiểu ý tứ mà đi dạo quanh sân còn.

Ta mải đi tới đi lui, sợ va vào mấy ngưỡng với xảo xứng nên đảo vòng như thật. Được một lúc, ta lại chán quá nên đánh mắt dọc nơi dựng còn, nghiêm túc soi xét. Cái cây to cao ở giữa thu hút sự chú ý của ta trước nhất hẳn là cây còn. Cây còn được làm từ thân cây tre mai, cao đến năm trượng. Ngọn cây treo cờ được uốn thành hình vòng cung khoảng hai gang tay có dán giấy đỏ, một mặt còn lại dán giấy vàng lần lượt tượng trưng cho mặt trời và mặt trăng, người ném còn sẽ nhằm vào đấy mà ném. Quả còn thường được tổ chức ném sao cho hướng về đầu nguồn sông, suối, đầu nguồn các con nước để gợi nhớ về cội nguồn.

Theo những gì ta biết từ ngày hội mấy chục năm trước, ném còn được thi theo đội, từng người một của hai đội sẽ đứng đối diện nhau quả còn được tung lên, bay cao mang đi mọi héo úa, đau ốm, buồn khổ,... Người đón còn đón lấy cái may mắn, xanh tươi, tràn đầy phúc khí. Nhưng ở một số nơi khác khi chơi còn người ta cũng có những luật lệ khác. Như việc không ném tuần tự mà cùng một lúc ném tất cả các quả còn, ai ném trúng trước thì xem như thắng.

Ném vượt qua "mặt trời giấy" tượng trưng cho việc xua đi mọi điều bất hạnh, dù thông thường người ta sẽ ném sao cho trúng tâm điểm là mảnh giấy kia. Nếu ném trúng nhiều sẽ nhận lấy chiến thắng và được coi là điềm tốt đẹp hơn cả, âm dương giao hòa, thiên nhiên thuận lợi. Đôi lúc, ném còn phảng phất ước nguyện cá nhân về sự phồn thực, sinh sôi nảy nở, dùng để cầu tự,...

Vì tổ chức ở trung tâm Loa Thành, An Dương Vương ngỏ lời mời các bộ tộc bộ lạc đến vui chơi. Kinh thành được dịp đông đúc náo nhiệt hơn hẳn. Ngài cũng thường hòa vào dòng người, làm khán giả cũng như chủ trì của ngày hội. Đội nào thắng sẽ được nhà vua thưởng rượu, thưởng vải vóc cùng với chiến lợi phẩm mà ai cũng nhắm đến, quả còn.

Khi mặt trời lên, mọi người cũng đến đông dần trong sân, rồi đến chật cả. Song khoảnh sân cho hoạt động ném còn vẫn được chừa đủ.

An Dương Vương đến cùng với vương hậu, phía sau có một thầy mo đi theo.

Thoạt tiên, thầy mo sẽ dâng hai quả còn lên làm lễ giữa trời đất rồi khấn nguyện bằng tiếng Tày. Ta nghe chẳng hiểu hết nhưng đại để xưng tên, vùng đất rồi mong ước chung của muôn nhà. Sau khi khấn xong thì thầy mo tung hai quả còn. Ta nhìn chung quanh, thấy người nào người nấy đều nín thở chờ đợi khoảnh khắc tung quả còn, bởi đó là khi trò chơi được khởi động, hai đội lao vào tranh cướp.

Ta cũng muốn tham gia ấy chứ, ngặt nỗi trước chỉ xem chứ chưa từng tham gia, chỉ sợ ta lọ mọ kéo chân đồng đội.

Ta đồ rằng trên sân có Triệu Trọng Thủy mà Phượng Minh với Cao Dật từng nhắc. Thấy ánh mắt mỵ nương Mỵ Châu luôn dõi theo một người, ta cũng áng chừng biết được ai là Trọng Thủy. Cao Dật và Trọng Thủy thi chung đội.

Trọng Thủy tiến về phía Mỵ Châu, ta dùng thính lực trời ban nghe lén. Hẳn là càn rỡ thành quen, ta không thấy ngượng mấy.

Cuộc chuyện cũng chẳng có gì thú vị, chỉ là khi Trọng Thủy mở miệng là Mỵ Châu lại khen hay. Ta ngấm ngầm chê bai trong bụng: "Nói sõi không bằng Sứ Thanh Giang, sao lại tấm tắc khen như thế?"

Ngay từ khi thầy mo tung quả còn, Trọng Thủy đã giật được, hắn không thèm giấu vẻ đắc chí, lại còn trưng hẳn ra điệu cười khoái trá không để ai vào mắt. Ta trông rất bực.

Đầu tiên để đối phương không định hình được hướng ném quả của hắn, hắn lượn người, rồi lách qua lại như con cháu loài rắn vậy. Những tưởng hắn sẽ ném ngay vào hồng tâm, nhưng ở quả đầu tiên này hắn ném vút lên cao, vượt qua khung giấy. Xung quanh toàn là tiếng reo hò giòn giã. Mỵ Châu chẳng lấy làm thất vọng, ngược lại còn phấn khích reo hò cổ vũ Trọng Thủy hơn.

Đến lượt đội kia, ôm còn ném lại. Họ nhằm vào hồng tâm nhưng lại thất bại. Quả còn bị đánh chệch vào khung nên vung lên, văng sang hướng khác.

Sau mấy lượt chơi luân phiên như thế, lần nào đội phía Trọng Thủy cũng ném cao vượt khung cả. Hẳn hắn muốn vờn đội kia tơi tả, chẳng vội thắng ngay. Nhưng đến hiệp này, ta thấy mắt hắn đã nhằm vào hồng tâm.

Hắn đưa ánh nhìn về phía Mỵ Châu, trong khi mọi người hối thúc, giục giã hắn ném quả còn. Hắn lắc quả còn trong tay, lượn những sợi dây còn thành những vòng tròn màu sắc, còn ra vẻ vuốt ve quả còn.

Từ lâu đã nghe nói người phương Bắc rất giỏi khinh công, Trọng Thủy cũng chẳng tầm thường. Hắn giậm mạnh xuống đất, bụi xung quanh bàn chân bay cao lên nửa người, tỏa ra tứ phía. Hắn cúi thấp người, đẩy một chân ra sau, vạch một đường dài trên cát, tay cầm quả còn đưa về phía sau. Hắn lấy đà chạy rồi lại giậm bay lên trong sự bất ngờ và tán thưởng của mọi người. Ở Nam Việt, hẳn là không có trò ném còn này, song trông hắn trên sân thi đấu hôm nay vẫn thuần thục, nhuần nhuyễn đến lạ. Quả đúng không thể xem thường khả năng tiếp thu chóng vánh ấy.

"Quả là một anh tài!" Mọi người trầm trồ khen ngợi tài khinh công của Trọng Thủy.

Hắn đánh mắt khinh nhờn đội đối diện, giở ra điệu cười thách thức quen thuộc.

Cái tên này, lâu la mà ra vẻ trượng phu ấy hả? Ta đâu dễ để cho hắn thắng.

Trọng Thủy thoáng chốc vút lên vung mạnh quả cầu vào vòng cung. Mọi người đều im bặt nhìn theo từng động tác của hắn. Ta búng tay, khung tròn lệch đi một chút, vừa lúc quả còn đập vào thật mạnh rồi rơi xuống đất. Trọng Thủy vừa luống cuống vừa nghi hoặc.

Dĩ nhiên tính toán của hắn chẳng sai, nhưng sai vì ta thôi. Ta đã làm hắn bẽ mặt một phen, mong hắn bớt tùy ý ngông cuồng ở đất Âu Lạc này. Song chưa gì ta đã thấy lạnh gáy. Quay đầu nhìn, hóa ra là ánh mắt quen thuộc của Phượng Minh đang dán chằm chặp vào ta. Ta day trán, vờ khúm núm cười trừ.

Lượt sau, khi quả còn quay lại, Trọng Thủy không giành ném nữa. Lần này Cao Dật xuất trận.

Không màu mè như Trọng Thủy, Cao Dật chỉ lấy đà, phóng mạnh, nhằm vào giấy đỏ mà ném.

Vừa nghe có tiếng rách toạc là một loạt âm thanh náo động lên, mọi người đều reo hò, vỗ tay cho cú đánh hoàn hảo kia. Tiếng thầy mo trong đám đông lớn hơn cả:

"Âm dương giao hòa! Mùa màng bội thu! Âm dương giao hòa! Mùa màng bội thu!"

Phượng Minh tặc lưỡi trầm trồ, hai cô em gái cũng ngưỡng mộ vỗ tay không ngừng. Tuy Mỵ Châu hơi thất vọng nhưng dẫu sao đội Trọng Thủy vẫn thắng nên vẫn ríu rít cười đùa.

Bởi vì là đội thắng nên Trọng Thủy và cả đội được thưởng, được giữ quả còn. Cú đánh cuối cùng vốn là của Cao Dật nên hẳn quả còn sẽ được giao cho Cao Dật giữ. Đoạn, Trọng Thủy ghé tai Cao Dật thì thầm điều gì, Cao Dật liền đưa quả còn cho hắn.

Trọng Thủy mừng rỡ, rối rít cảm tạ rồi chạy ngay đến chỗ Mỵ Châu, dùng hai tay dâng tặng cho nàng. Ai nấy đều hướng mắt về phía Mỵ Châu và Trọng Thủy.

Được người ta tặng chiến lợi phẩm, Mỵ Châu cười tít mắt nhanh tay bắt lấy. Ta thầm cảm thán đôi này chẳng chút kiêng dè gì, xung quanh bao nhiêu là cặp mắt.

Ta không vừa ý, không muốn nhìn về phía ấy nữa, đổi hướng khác đi, lại bắt gặp sắc mặt An Dương Vương tối sầm, đôi mày rậm đâu lại, xô những vết nhăn chật nhúm. Xem chừng, ngài cũng ghét điệu bộ của Trọng Thủy, hoặc âm mưu đằng sau đã chẳng qua mắt được ngài.

Sau khi đã tìm được người chiến thắng ở hội ném còn, một loạt các hoạt động diễn ra nối tiếp nhau. Các bộ tộc, bộ lạc được sắp xếp lần lượt ra giữa sân múa các điệu múa truyền thống của bộ tộc mình, chơi nhiều các loại nhạc cụ gắn liền với núi rừng, thung lũng bạt ngàn và truyền thống tôn thờ các vị thần trong trời đất.

Họ cứ hăng say múa hát như thế đến khi ánh lửa bập bùng đỏ ấm trong màn đêm, họ cùng nhau đem những chum rượu ra uống. Số là trước khi xẩm tối, vài người đã kịp vào rừng săn một số loài động vật, nướng lên nên bàn đồ ăn đã sơm được chất đầy ắp.

Phượng Minh hòa vào dòng người, nắm tay chạy nhảy dưới ánh lửa. Vòng tròn gồm ba lớp người cứ chạy quanh đống lửa, hát lần lượt những làn điệu cầu may mắn. Nàng vui vẻ, chẳng muốn chạy ra khỏi vòng chạy dù đã mệt lả. Nhưng vì mệt nên tốc độ của nàng bị chậm lại, dần dần bị đẩy ra đến vòng tròn ngoài cùng, nàng nhoài người cố trở vào nhưng vẫn không được, dòng người san sát nhau, chật kín, nếu còn cố, nàng sẽ té xuống ngay đây.

Sau khi trò chơi kết thúc là một loạt các hoạt động nhảy múa vui chơi ăn mừng. Lễ hội sẽ kéo dài suốt bảy ngày bảy đêm, khắp nơi đều râm ran tiếng chúc nhau những điều ấm no hạnh phúc, trâu bò đầy đàn, nhiều nhà sẽ quây quần bên bếp lửa, cùng uống rượu.

Không khí nhộn nhịp của lễ hội khiến ta quênbéng mất, mười ngày sau cũng là hôn lễ của Phượng Minh.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

Ẩn QC