Chương 7: Hôn lễ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hôn lễ của Phượng Minh và Cao Dật nhanh chóng được diễn ra ngay sau khi hội hoa đăng kết thúc.

Phượng Minh là con gái lớn, là người đầu tiên được gả đi nên An Dương Vương rất chú trọng mọi thứ, từ nghi lễ đến trang phục đến việc bày trí sân lễ, chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức hôn lễ, nền nếp tập tục nhất nhất được giữ trọn.

Trang phục của Phượng Minh và Cao Dật được may bằng những loại vải thượng hạng ở Âu Lạc kết hợp các loại gấm vóc Trọng Thủy mang từ Nam Việt xuống. Luận gấm vóc thì Nam Việt do ảnh hưởng của Tần Hán nên rất tinh xảo, đẹp mắt và giá trị liên thành.

Hôm qua, từ tờ mờ sáng, đoàn người đã tới lui không ngớt. Họ đã đem đến một trâu và một dê đã bị giết để làm đồ tế lễ, bắt đầu làm lễ dạm.

Trong số những vật phẩm được bày trí hiển nhiên không thể thiếu nắm đất và gói muối. Trong quan niệm dân gian, đất tượng trưng cho quê hương, lời nhắc nhở luôn luôn hướng về nguồn cội, gốc gác. Đất cũng được hiểu là lời thề nguyện gắn bó với đất đai, bảo vệ từng nắm đất của quê hương.

Muối là gia vị không thể thiếu trong mỗi bữa cơm, tượng trưng cho sự thắm thiết gắn bó tình nghĩa, ước nguyện thủy chung của đôi chồng vợ. Chẳng biết ông thần nào đã đem những câu chuyện gắn liền với truyền thuyết kia xuống nhưng thực tâm, ta và những ông bạn trên trời dưới bể đều lấy làm hài lòng với sự tôn kính khắp thế gian dường như thế.

Lễ dạm diễn ra gọn gàng, tươm tất, cả hai bên đều về nghỉ ngơi sớm trước khi thực hiện nghi thức rước dâu và thành thân vào hôm nay.

Từ ra mắt phụ mẫu đến trình diện tổ tiên, Cao Dật luôn ân cần một cách dè dặt với Phượng Minh, khiến chính Phượng Minh cũng cảm thấy ái ngại. Cả hai chẳng có tình cảm gì cho cam, nhưng phải lấy nhau, một là phải đạo quân thần, hai cho thuận ý của cha.

Ngày thực hiện nghi thức, Phượng Minh được ăn mặc, chải chuốt đậm nét hơn ngày thường. Một mày ngài, hai mắt phượng, ba má đào, bốn môi son, song dưới lớp lớp mỹ miều kia, ta không nhận thấy một tia hạnh phúc thực thụ nào của Phượng Minh.

Sau khi mặc hoàn tất các lớp trang phục thì chồng thêm một mảnh áo trùm vai có nhiều tua bên ngoài, đặc trưng trong lễ cưới. Cuối cùng mới đội mũ lông chim, gắn thêm trâm vàng tô điểm.

Nàng từ từ bước ra ngoài trong sự chứng kiến của rất nhiều người, cùng lúc tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng cồng chiêng và tiếng trống rộn rã nhất loạt vang lên. Vừa có các Lạc hầu, Lạc tướng, vừa có trưởng các bộ tộc được mời đến, các quý tộc mang nhiều vật đến tặng, lại thêm dân chúng đến xem náo nhiệt, họ đứng đầy cả sân lễ.

Trên đoạn đường sân lễ đến rước dâu, Cao Dật gặp nhiều gian nan rõ khổ. Quần chúng xem lễ mang theo rất nhiều bùn đất, hoa quả để ném như một tục lệ. Ta thấy hay hay nên cũng định bụng góp vui.

Trầy trật mãi mới chen được vào đám đông, ta gom sẵn một nắm bùn lớn gấp ba lần người thường. Chắc vì nó lớn quá nên lại gây chú ý, người xem lễ xung quanh cứ trố mắt nhìn ta như nhìn người dị hợm. Mọi người bắt đầu ném dần khi y đi ngang, ban đầu còn rụt rè, nhưng càng ném càng phấn khích.

Mỗi bước đi đều bị bùn đất nặng trịch ném tới nhưng Cao Dật không có vẻ gì phật ý. Chỉ chờ cho đến khi y ngang qua mặt ta, ta bộc hết sức lực, ném bùn vào người y. Bấy giờ trên người y dính đầy những phước lành mà ta ban phát. Ta mím môi nhưng không ngăn được tiếng nắc nẻ cười mãn nguyện.

Phượng Minh được đưa đến giữa sân lễ trong tiếng reo hò của mọi người, đứng cạnh Cao Dật. Nhìn Cao Dật lấm lem, khác hẳn phong thái uy vệ của một mãnh tướng. Vừa nhìn, Phượng Minh đã rõ sự vụ, nàng đưa ánh mắt sắc như dao cau chằm chặp nhìn vào ta. Ta chột dạ bèn lảo đảo kiếm đường phắn đi.

Bẵng đi một lúc, ta thấy Mỵ Châu với Trọng Thủy đứng sát nhau. Tính hiếu kỳ của ta lại trổi dậy, ta muốn biết họ đang nói gì mà dường vui đến thế. Thi triển ngay pháp thuật của đôi tai, ta nghênh ngang nghe câu chuyện của họ chẳng chút dè dặt.

"À... nhìn hồn gắn bó với hoàng tộc cũng có thể bởi vì kiếp trước hồn là một trong chín mươi chín con voi quy phục các vị vua Hùng tại núi Hy Cương đấy ạ!" Trọng Thủy trông ton hót đến nỗi môi ta tự trề xuống tận cằm.

Mỵ Châu nghe xong thì cười giòn giã, còn liên tục khen Trọng Thủy nói lời vừa ý.

Ừ thì, dẻo miệng đến thế!

Cử hành các nghi lễ rước dâu xong thì đến nghi thức ăn chung một đĩa cơm nếp và uống chung một chén rượu của đôi vợ chồng Phượng Minh Cao Dật. Tục truyền nghi thức này để thể hiện mong ước gắn bó dài lâu, say mê nhau cả đời.

Khi nhã nhạc vãn kết cũng là lúc chiều buông, tiệc tàn, ai nấy đều trở về sau khi gửi lời chúc đến An Dương Vương rằng mai đây Âu Lạc sẽ ngày càng thịnh vượng, phát triển. Lại thêm Thủy đạo Lạc tướng Cao Dật là người có tài, trấn giữ phía Nam an yên là điều không phải lo, có khi kế hoạch để Cao Dật đi chinh phạt phương Nam mở rộng bờ cõi cũng có thể sớm diễn ra.

Phượng Minh giờ đã yên bề gia thất, ta càng không nên can dự chuyện sau này. Vì thế chẳng cớ gì để ta nấn ná lại lâu thêm. Nếu muốn gặp lại Phượng Minh, hẳn ta phải đợi thêm vài chục năm nữa.

***

Vài ngày sau hôn lễ, đôi vợ chồng mới đã từ cửa Nam thành Cổ Loa đi thẳng về Câu Lậu. Vì biên giới phía Nam Âu Lạc quá xa xôi, An Dương Vương lo sợ con gái sẽ nhớ nhà, nên đã thay đổi địa điểm so với dự đồ ban đầu.

Khi cổng thành khép lại, Phượng Minh lưu luyến nhìn về, mắt nàng ngần ngận nước. Chắc là tâm nàng đã nhuốm đậm tình thân ở nhân thế, đến nỗi chẳng muốn rời xa.

Đã trót ở đây cùng tiễn nàng đi, ta được nước nhập luôn vào người lính gác thành, vẫy vẫy tay chào Phượng Minh ở đằng đó. Vừa nhìn đã nhận ra trò mèo của ta, Phượng Minh đang rớm lệ cũng bật cười.

Cao Dật trầm giọng, ghé vào tai Phượng Minh:

"Tôi có hái mác làng cương tặng nàng..." Đoạn, y chìa ra một bông hoa dành dành trắng mởn.

Phượng Minh ngạc nhiên nhưng cũng nhanh chóng mỉm cười đón lấy. Có vẻ chuyện giữa hai vợ chồng họ đã dịu lại và đang theo hướng tốt đẹp đáng có.

Nghe nói, chẳng lâu sau, đất trời Âu Lạc lại huyên náo thêm một lần vào ngày cưới của Mỵ Châu và Trọng Thủy. Khác với mọi người vẫn tưởng, mỵ nương không gả cho tên ngưỡng họ Triệu, mà được liên hôn với hoàng tử Nam Việt. Hay nói khác hơn, rõ ràng hai người họ Triệu kia vốn là một.

Song tới ngày bái đường cả cung cấm mới vỡ lẽ bí mật về danh tính tên ngưỡng họ Triệu và hoàng tử Nam Việt. Có thể tin này khiến gây nên nhiều lời thị phi đàm tiếu, nhưng có vẻ không khiến cho Phượng Minh và cả An Dương Vương thấy bất ngờ.

Những tháng ngày Trọng Thủy trong cung bày mưu ma chước quỷ, hẳn An Dương Vương cũng biết song ngài chọn kiềm chế âm thầm, để hắn tưởng hắn ngang nhiên càn rỡ ở Phong Khê nhưng thực chất chẳng ảnh hưởng gì sất. Ta chỉ cảm khái người ngồi trên ngôi báu luôn có tính toán của riêng mình, những điều biết, chưa chắc đã nói. Cuối cùng thế cục lại rơi xuống trên lưng nàng thiếu nữ Mỵ Châu.

Được hơn một tháng đến kinh thành Phiên Ngung, Mỵ Châu Trọng Thủy lại trở về Loa Thành. Từ đây, sóng gió can qua Âu Lạc mới được châm mồi nhen nhóm.


Mác làng cương (tiếng Tày): hoa dành dành, tượng trưng tình yêu thầm kín, tinh khiết, chân thành, e ấp, không dám tỏ bày.

Phiên Ngung: Kinh đô nước Nam Việt của Triệu Đà.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

Ẩn QC