Đtvd

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hàn Mặc Tử một trong những "cây bút" tài năng bậc nhất của phong trào thơ mới những năm 1932-1945 với nhiều tác phẩm tiêu biểu. Trong đó, tác phẩm để lại nhiều ấn tượng nhất trong lòng người đọc có lẽ là "Đây thôn Vĩ Dạ"- một bài thơ đặc sắc trong sự nghiệp văn chương của ông. Bài thơ là bức tranh hài hòa giữa khung cảnh thiên nhiên trong trẻo, tinh khôi xứ Huế với bức tranh tâm cảnh của một cái tôi tha thiết yêu đời, khát khao giao cảm với cuộc sống, con người nhưng đầy những âu lo, trăn trở.
Câu hỏi tu từ: "Sao anh không về chơi thôn Vĩ?" như hờn trách nhẹ nhàng lại như lời mời đầy tha thiết của người con gái xứ Huế. Một lời hờn trách đầy dịu dàng nhưng đằng sau đó là lời mời ân cần và đầy chân thành: "Sao anh không về chơi". Ở đây tác giả không dùng từ "thăm" mà lại dùng từ "chơi" đủ để thấy sự thân thiết, chân thành, mộc mạc, gợi lên được tình cảm thân mật, gần gũi. Và dường như, đó cũng là câu hỏi mà nhà thơ đang tự hỏi chính mình, tự trách chính mình sao bấy lâu chẳng trở về với chốn cũ, người xưa để giờ đây trong cơn bạo bệnh lại chỉ còn những tiếc nuối, băn khoăn. Trong câu thơ chất chứa cả mỗi nỗi khát khao được trở về với Vĩ Dạ thân yêu.
Từ nỗi nhớ, bức tranh thôn Vĩ dần hiện ra trước mắt người đọc qua từng lời thơ, một bức tranh Vĩ Dạ đầy lung linh, tươi đẹp và căng tràn sức sống:
"Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên"
Cau là loài cây dân dã cũng là linh hồn của làng quê Việt Nam. Trong truyện cổ tích, trầu- cau gắn với tình yêu đôi lứa. Trong câu thơ của Hàn Mặc Tử, câu gắn với nỗi nhớ, với vẻ đẹp của thiên nhiên. Hình ảnh "nắng hàng cau" là một hình ảnh đẹp gợi vẻ tinh khôi, trong trẻo của những tia nắng sớm mai. Màu nắng hàng cau là màu nắng vô cùng mới mẻ mà trước Hàn Mặc tử chưa có thi nhân nào gợi ra được màu nắng ấy. Những tàu cau được nắng mới bao trùm, nắng hòa vào hạt sương đọng trên phiến lá tạo nên vẻ long lanh đến kiều diễm. Thiên nhiên trở nên thanh thoát, trong trẻo đến lạ lùng, không gian trở nên cao ráo và đầy khoáng đạt. Ánh nắng hàng cau làm sáng bừng lên cả một khu vườn thơ mộng, hữu tình.
Xa xa là bóng hàng cau, khi lại gần, khu vườn càng thêm đẹp, thêm tươi. Có cây ngời ngợi màu xanh sáng, xanh trong, xanh mỡ màng, mượt mà:
"Vườn ai mướt quá xanh như ngọc"
Câu thơ cất lên như sự ngỡ ngàng đến xuýt xoa của tác giả trước vẻ đẹp của tạo hoá được tưới tắm bởi bàn tay khéo léo của người làm vườn. Tính từ "mướt" gợi lên sắc xanh ngời ngợi, ngọc ngà, xuân sắc đầy sức sống của khu vườn. Có thể thấy qua những hình ảnh thơ gần gũi, bình dị mà bằng cách sử dụng ngôn từ độc đáo, bức tranh thôn Vĩ đầy đẹp đẽ, sống động và cao quý được gợi lên.
Cảnh thôn Vĩ ngày càng trở nên hài hòa hơn khi có sự xuất hiện của con người:
"Lá trúc che ngang mặt chữ điền"
Lối nói cách điệu thể hiện vẻ đẹp e ấp, kín đáo, dịu dàng và rất Huế của người con gái. Sự xuất hiện của khuôn mặt chữ điền phúc hậu, dịu dàng đã làm cho bức tranh Vĩ Dạ trở nên sinh động hơn khi có sự hài hòa giữa cảnh vật và con người.
Khổ thơ thứ hai gợi ra cảnh sông nước êm đềm, mang nỗi niềm bâng khuâng, nỗi mong cầu hư ảo:
"Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay ? "
Không gian có gió, mây, sông nước, có thơ mộng, có êm đêm những gợi buồn, gợi chia ly. Cảnh chia đôi ngả "gió theo lối gió, mây đường mây" phải chăng chính là sự mặc cảm của nhà thơ về tình yêu xa cách, không thể đồng hành cùng người thương của mình. Vì lòng người mang sau bi nên thiên nhiên cũng vương buồn. Dòng sông nước vẫn chảy mà "buồn thiu", gió xao động, hoa bắp lay trôi vô định trên làn nước. "Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay" cảnh vật gợi vẽ quạnh quẽ, thê lương, u sầu. Dòng sông buồn như chính tâm trạng thi nhân.
"Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?"
Tứ thơ "Có chở trăng về kịp tối nay?" gửi gắm cả một nỗi niềm của thi nhân, một khao khát vào tình yêu cập bến, để được cùng người tâm sự, tỏ bày. Nỗi ngóng trông, mong chờ, khát khao mãnh liệt được tâm giao được cất lên trong tiếng thơ bình dị. Có chăng, lúc này đây, tác giả đang lo sợ vì vận mệnh ngắn ngủi của cuộc đời mình. Sợ rằng thời gian ngày một ngắn thêm mà lòng người vẫn chưa thể được khỏa lấp nỗi trống vắng, cô đơn, sầu muộn. Liệu con thuyền kia có chở kịp vầng trăng hạnh phúc ấy về với kẻ mệnh bạc này không?
Thực tại phũ phàng, cô đơn ngập lối, tác giả đành tìm đến giấc mơ, nơi đó có thể nhìn thấy người con gái mình yêu, dẫu đó chỉ là chút hạnh phúc trong ảo ảnh:
"Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra;
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?"
Trong giấc mơ mang màu hy vọng, thi nhân thấy vị khách đường xa trong tà áo trắng tinh khôi, ẩn hiện trong sương khói. Bóng hình như nhoè đi rồi biến mất trong phút chốc. Sự thanh khiết, cao quý của người con gái trong ảo ảnh khiến thi nhân không khỏi không lo sợ:
"Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?"
Trong lời thơ, tác giả phân vân, lo sợ về một tình cảm không chắc chắn. Một trái tim khao khát yêu và được yêu nhưng không bao giờ có được tình yêu trọn vẹn khiến tác giả hoài nghi về tình cảm, về tình yêu của đối phương. Không biết tình người có đậm đà như chính lòng ta chăng?
Bài thơ khép lại bằng một câu hỏi tư từ chất chứa nỗi niềm hoài nghi và thất vọng. Vĩ Dạ đẹp nhưng buồn, lòng người buồn mà đẹp, tất cả tạo nên sự hòa quyện giữa cảnh và tình.
Đây thôn Vĩ Dạ qua bao thế hệ người đọc vẫn mang một sức sống dạt dào. Bài thơ không chỉ là một bức tranh êm đềm và tươi đẹp của Vĩ Dạ mà còn là bức tranh đẹp của một tấm lòng tha thiết với thiên nhiên và khát khao được sống, được yêu của Hàn Mặc Tử.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net