Chương 1: Tôi mở đầu cuốn nhật ký của mình

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chào... Và chúc một ngày tốt lành. Ừ thì đấy, bạn yêu ạ, bạn có thấy không, cái sự cụt lủn và thậm chí quá ngắn gọn để mở đầu cho một câu chuyện dài dòng và rối rắm. Bạn mong đợi gì ở một cái mở đầu đầy hoa mĩ nhỉ, bạn nghĩ vốn từ của tôi dạt dào như Huy Cận, nồng nàn như Xuân Diệu hay tuyệt đỉnh như Xuân Quỳnh? Ái chà, đừng nghĩ thế, thậm chí mấy cái tính từ mà tôi vừa dùng khi nhắc đến những con người đó ấy, tôi cũng chẳng hiểu nó có cái nghĩa quái quỷ gì cả! Thật đấy, tôi dùng nó chỉ vì cái con mèo đang nằm dài trên chiếc bàn kê sát góc phòng, cạnh cái ấm trà dìu dịu tỏa hương, dưới cái bình hoa cúc họa mi trắng muốt, cạnh một đĩa mè xửng kia, bảo tôi hãy dùng những từ đó để mở đầu cho cuốn nhật ký tổng hợp đầy những câu chuyện rối rắm rùm beng của mình. Nó bảo tôi rằng, những nhà yêu thơ văn sẽ bắt đầu một cách thật ấn tượng, để như một điểm nhấn, một ánh sáng ban sơ dội vào trái tim người đọc, khiến họ say mê và theo đuổi câu chuyện của mình. Nó bảo tôi cũng nên làm vậy, các bạn đọc yêu dấu à, các bạn có đồng ý rằng một cái mở đầu nên trọn vẹn không? Một cái mở đầu phải dùng thật nhiều từ hoa mĩ, phải dùng các tính từ, động từ, trạng từ như tôn cái tài viết lách của bạn lên chính tầng mây xanh! Con mèo biết tuốt đó bảo tôi, mở đầu phải thật dài dòng, nhưng phải gây ấn tượng...

Mả cha nó! Tôi viết cái mở bài tùm lum tà la như vậy đã đủ ấn tượng chưa! Đã đủ dài dòng và ấn tượng chưa hả giời! Mày cần gì nữa con quỷ cái, mày muốn mở bài của tao dài bằng một tờ A4 mới vừa lòng mày à!

À không, xin lỗi, tính tôi nó hiền lắm, chỉ có văn học và mấy thứ dài dòng làm tôi phát bực thôi! Cả con nhỏ biết tuốt góp ý cho cái mở đầu nát bét của tôi nữa, tôi cũng chẳng muốn ưa gì cái loại thông minh giả danh tri thức đó cả, dù tôi công nhận một điều là nó thật sự là một con mèo thạc sĩ chính hiệu, và nó rất khôn, ít ra là khôn hơn tất cả những con mèo khác trong khu phố này. Nó đọc nhiều, hiểu nhiều, nó hiểu cả những thứ đâu đẩu đầu đâu trong những cuốn sách dày cộp của con người. Nó thuộc cả quyển từ điển Cambridge, quyển Đắc Nhân Tâm, quyển Hạt giống tâm hồn, quyển Tự xem phong thủy tại gia... Ít ra một con người, không nhỉ, con mèo không đến nỗi xinh đẹp nhưng ưa nhìn như nó nên nín họng lại cho đời nó sạch trong, nhưng không, khi một con mèo đi theo ánh sáng của chủ nghĩa Mác Lê - nin, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng như nó, một con mèo hiểu trọn tất cả binh pháp tôn tử học lỏm được từ cuốn Tam Quốc Diễn Nghĩa phải sống chung với một lũ có cái nếp sống sáng nắng chiều mưa trưa áp thấp tối bão khẩn cấp như chúng tôi thì...

Nó bị ngứa mắt! Cho nên từ một con mèo vốn dĩ được sống một cách tự do và phóng khoáng, tôi bắt đầu học cách chấp nhận việc cái bộ não tí tẹo con của mình bị chất đầy bởi cái tư tưởng...làm mèo, những tư tưởng pháp luật đại cương và thêm một chút kiến thức nhân sinh được trích từ bộ sưu tập Giáo dục công dân của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam. Vì tất cả những lý do khiến bất kỳ con người, hay con mèo nào cũng có thể phát khùng đó, chúng tôi hay gọi nó là Hermione Xử Nữ, vì cái tính cách khó ưa chẳng khác nào nàng phù thủy của nó, hay bây giờ tôi xin giới thiệu luôn là con mèo cái có tên Xử Nữ. Nhưng đôi khi cơn cay cú lên cao, chúng tôi gọi nó là "Lữ" Bố, vì con mèo này thích  tướng trên vạn dân!

Bởi vì Xử Nữ là một con mèo thích giảng đạo, thích chen chân một cách vô duyên vào chuyện của người khác, thích người ta đi theo cái hoàn hảo của mình và tưởng nó là hay. Đấy, nó lại vừa lườm tôi bằng con mắt đấy đấy, nó khiến tôi phát hoảng thật sự. Trong khi tôi đang ngoác miệng lên mà ngoao ngoao để đợi đứa đang viết câu chuyện này Vietsub cho mấy bạn, thì cái mặt bố đời của nó khiến tôi mất hết cả hứng sáng tác chuyện đời tôi và rộng hơn là đời của tất cả những ai sống trong con phố này. Mà cái mặt nó kìa, chối tỉ, con "Hơ mi ô lê" Xử "Lữ" Bố (Tôi bắt đầu suy nghĩ tại sao nó lại được lão Thành đặt tên là Xử Nữ chứ không phải Nanno). Thôi, về cái con mèo cái có cái nết khó ngửi như mùi thuốc sát trùng của lão An chủ nhân tôi đây, tôi xin không kể về nó nữa cho các bạn đỡ ngứa ngáy tâm hồn. Tôi sẽ quay ra kể chuyện của tôi, kể cho các bạn nghe cái lý do vì sao tôi bị bắt cóc đến nơi này...

Còn thằng bạn chí cốt của tôi, Sư Tử thùi lùi khét lẹt, sẽ giúp tôi lôi cái con mèo vô duyên đang lườm tôi cháy mắt đấy ra một nơi thật xa cho tôi có cảm hứng sáng tác. Chứ con Nữ ấy, nó thâm lắm, có khi nghe lỏm được mấy lời chia sẻ của tôi, nếu có kiếp sau mà nó đầu thai thành biên tập viên Thời Sự để phát sóng cái mặt tôi lan ra khắp địa cầu thì nguy to!

o0o

Được rồi, đấy, nói nhiều lại quên không giới thiệu mất rồi. Tôi là Dương, Bạch Dương, quê Hải Dương luôn đấy, nhưng thay vì có một bộ lông xinh đẹp vàng như màu bánh đậu xanh của con Nữ, tôi là một "thằng" mèo, nên tôi chơi tông trầm tính. Cũng khen cho mẹ tôi khéo đẻ, anh trai, chị gái tôi cũng lông vàng, như màu hoa mướp trong cái nắng sớm đậu trên giàn, cái thuở nào tôi còn ở quê, còn tung tăng trong vườn của bà nội. Đấy, lại huyên thuyên rồi, tôi đang nói về cái sự khéo đẻ của mẹ tôi, con người ta thì nói mẹ tròn con vuông, ấy là phúc. Tôi cũng có phúc được cái bộ lông vàng, nhưng màu vàng này nó lạ lắm...

Nó là vàng khè! Vàng như nghệ! Tôi thề là nếu tôi có vấp ngã cái oạch đến mẻ răng thì khi bôi nghệ lên da tôi, tôi xin thách bố con thằng nào nhìn được tôi bị thương ở chỗ nào. Cái lớp lông khác biệt của tôi làm tôi nổi bần bật trong xóm, mức độ nổi tiếng của tôi thuở ấy phải sánh ngang với Đan Trường của Làn Sóng Xanh, nhưng nếu anh ta nổi vì là một ca sĩ tài hoa, thì tôi nổi vì bà cụ nhà tôi có rao bán tôi từ chợ làng ra chợ huyện, thậm chí đã gạt phắt cái chuyện tiền nong mà mang tôi đi cho nhà hàng xóm, thì cũng chả ai thèm rước tôi về. Vì sao ư? Vì tôi đã xấu lại còn đầu gấu, cái tính bố la bố lếu và phá phách của tôi thì chẳng con nào, người nào là không biết cả. Từ khi mới lọt lòng, chưa đầy mấy tháng, tôi đã là bá chủ cả một vùng rơm rạ phơi đầy, chỗ nào có rơm là chỗ đó tôi là bá chủ. Từ con trâu, con bò, lão gà, con se sẻ, con diều hâu, chẳng con nào thèm động hay dám động vào tôi. Và cũng chẳng có ai mở lòng trắc ẩn mà rước tôi về nhà, vì nếu có bỏ qua cho được lớp lông của tôi, người ta cũng sẽ trả tôi ngay khi thấy tôi nhe răng cắn đuôi trâu hay rượt mấy mẹ gà mái chạy tưng bừng khói lửa!

Tôi cứ phá đấy, lúc đấy tôi chẳng biết sợ là gì, tôi cứ như một ông hoàng con trong cái làng đó, dưới cái bầu trời xanh ngắt mà yên bình biết bao nhiêu, tôi chạy chơi dưới những cây dong riềng có những tấm lá tròn như cái ô, che cho tôi chẳng biết sợ nắng mưa là gì. Có dàn thiên lý hoa nở vàng, đung đưa trong gió trời thoảng qua, che khuất một góc sân con, chỉ có chút nắng nhẹ xuyên qua từng cụm lá, rải vào mặt sân những mảng loang lổ như những mảnh vải vụn được cắt ra của nhà may đầu xóm. Có dàn mướp hoa nở vàng nữa, dàn hoa nở đẹp nhưng tôi chẳng được cái cơ hội trèo lên dàn mà nhảy nhót, bởi lẽ khi tôi trèo lên, nếu không bị bà nội chủ nhân tôi bế xuống trao trả lại cho mẹ tôi, thì tôi cũng sẽ trở thành một con mèo mặt mâm! Mả cha nó, ừ đấy, kệ tôi đi, tôi cáu mấy mẹ ong thợ cứ lúc nào chẳng hẵng, đợi mặt tôi thò lên cái giàn thì cứ nhè tôi ra mà đốt! Dù biết là sau khi đốt tôi xong, mấy mẹ cũng quyên sinh về chầu trời, ấy vậy mà mẹ nào cũng phải quyết làm cho tôi đớn đau một phen để quyên sinh cho nó anh hùng. Chán thật sự!

Ngoài niềm đam mê với giàn mướp ra, tôi còn một đam mê khác nữa, đó là với cây ổi. Này những tâm hồn quen thuộc với chốn thôn quê, có ai là chưa hay mùi ổi chín, cái thứ hương thơm dìu dịu mà quyến luyến, như dội thẳng vào mũi tôi khiến tôi ước gì mình là người, như bà nội vậy, để có thể vươn tay lên thật cao hái những chùm ổi ngon thật ngon, ngọt thật ngọt mà cắn cho ngập chân răng mới thỏa. Nhưng tiếc thay, tôi là một con mèo! Tôi chỉ có thể leo lên được một chút, nhưng tuyệt nhiên không thể leo lên những cành cao, nơi những trái ổn thơm ngon gọi mời tôi. Bởi lẽ cái nết tôi nó kỳ lắm, nó khốn khổ khốn nạn lắm thay. Bạn đã từng nghe mấy con Super Cat rồi đấy, bọn nó có nhảy bungee không dây từ một tòa nhà cao đến hai mươi tầng xuống, vẫn ngon nghẻ mà không lìa giò. Còn tôi ấy hả, có leo cành ổi cũng chả leo được, nói gì đến chuyện lết xác lên tầng cao mà tưởng tượng mình là "en dồ" rồi lao xuống? Tôi là mèo đấy, xin khẳng định lại, một con mèo chính hiệu, nhưng tôi sợ độ cao vô cùng! Chả hiểu từ đâu, cả nhà tôi đều đam mê với việc trèo cao, trừ mình tôi mà thôi, tôi leo lên, để rồi nhìn xuống đất trong hoảng sợ, đầu tôi ong ong và xoay vòng như thể trong cơn mơ ảo, và một khi đã chóng mặt thì chẳng trách cái cảnh tôi trượt tay và ngã từ trên cành cây cao xuống, sượt mông qua cái vại đựng nước dưới gốc cây kêu cái bịch, vướng tí lông vào cái chổi rơm quét sân của bà nội, để rồi chạm mông vào nền đất đầy đớn đau. 

Ấy vậy với cái niềm đam mê bất tận với vị ngọt thơm của những quả ổi, cạp một miếng thôi mà sao khó khăn thế, bao lần tôi nhìn lên cây ổi, nhìn lên những tầng lá non xanh tít ấy, ẩn trong màu lá là màu ổi xanh, mà sao, mà tại sao một miếng thôi tôi cũng không được cạp! Tôi leo lên, rồi lại tụt xuống, lại leo lên như một vòng tuần hoàn đau khổ mà bất lực. Tôi đã bao lần thèm khát là thế, nhưng hỡi ôi ổi kia treo tít trên cao, để mèo dưới đất biết bao muộn sầu! Ôi mèo ơi, nếu như con người ngửa mặt lên trời mà hận đời vô đối, thì một con mèo màu nghệ như tôi lại ngửa mặt lên trời mà hận sao trời không cho cây ổi thấp ngang cái lồng gà! Trời sinh tôi là cái loài bướng bỉnh, nên tôi bỏ ngoài tai mọi lời khuyên của mẹ tôi, rằng con giai yêu ơi (Tôi cóc biết mẹ tôi nói thật hay chỉ nhất thời dỗ ngọt cho tôi thôi mấy trò tiêu khiển ngu si) con đừng trèo lên cao nữa, con xuống đây với mẹ, có món cơm cá đây rồi, còn bao loại quả khác con có thể ăn. Chị tôi như đồng tình với lời nói đó, tôi thấy chị rung rung đôi tai và đưa đôi mắt trong veo lên nhìn tôi, trong khi anh trai tôi thuyết phục tôi bằng cái cách không thể nào ngứa mắt hơn. Hắn bứng từng quả dâu tằm đen nhánh cạnh bên, ăn lấy ăn để đến ngon lành. 

Lúc đó, tôi chẳng chịu nghe lấy một chữ gọi là. Dâu khác, ổi khác, dâu thì tôi đã ăn cho bõ, ăn cho chán chê, ăn đến nỗi tôi tưởng mình là một con tằm! Nhưng còn ổi, tôi đã bao giờ được ăn ổi tươi đâu? Dưới gốc ổi cũng nhiều ổi lắm, nhưng toàn quả sâu, quả dập, quả nát, quả thối, quả lốm đốm, quả nửa xanh nửa vàng! Ăn mà không được "trọn vẹn" thì tôi chẳng thích nuốt làm gì cả. Ăn cũng như một môn nghệ thuật của xúc cảm và tâm hồn, ta nuốt, ta nhai, ta cảm nhận đắng cay ngọt bùi. Chứ cứ ăn mãi mấy thứ ngày nào cũng ăn, đã biết mùi biết vị, chán chê rồi, thì ăn còn gì là ngon nữa. Tôi không muốn đời mình chẳng biết quả gì ngoài quả dâu tằm, tôi muốn ổi, ổi kia! Tôi thề, nếu kiếp sau tôi được đầu thai làm người, thì cái cây ổi đừng hòng thoát khỏi tay tôi. Nó ra quả nào, tôi hái luôn quả đó, ăn cho bõ thèm!

Nhưng rồi, tôi nhận ra rằng cuộc đời của tôi sẽ có thêm vị ổi, nhưng sẽ mãi mãi mất đi vị dâu tằm. Sẽ chẳng còn cái vị chua chua của cái loại quả nhỏ con mà mọng nước, sẽ chẳng còn dàn dâu tằm cho tôi chén đến chán chê. Tôi muốn rầu khi nhớ lại cái sự việc khiến tôi xa rời mảnh đất bánh đậu xanh, rời xa hàng hoa thiên lý, rời bầu trời xanh, thảm rơm vàng phủ đầy mặt đất. Chẳng còn chị ong vàng nào nhè tôi mà đốt, chẳng còn cây ổi nào cho tôi leo lên. Và đáng tiếc nhất, cây dâu tằm năm ấy cũng hóa vào ảo mộng, trở thành một màn bụi mờ giăng lên quá khứ mộng mơ mà tuyệt vời của tôi năm ấy. Ai tin được, cái ngày nằm trong vòng tay mẹ xa mờ, cái ngày chạy quanh cùng anh chị tôi cũng hết. Chẳng còn mấy cô gà cho tôi rượt vòng vòng, cũng chẳng có con trâu nào cho tôi nhe răng mà cắn. Cảm tưởng như tất cả trôi qua, tôi nhận ra rằng quá khứ năm ấy đẹp thế nào, nhưng tiếc rằng tôi quá nông cạn, quá vô tư, để thời gian trôi hoài như thế, để khi từ một con mèo nông thông trở thành một con mèo chốn thành đô, khoảng sân kia biến thành tầng hai của một khu nhà trọ cũ kĩ, tôi lại ngẩn ngơ tiếc thầm, ôi còn đâu hoài những ngày xưa.

o0o

Sáng hôm ấy, lần thứ một trăm mười bốn tôi ngã lộn nhào trong niềm đam mê leo lên cây ổi. Đồng nghĩa với việc tôi đã va vào cái lu nước một trăm mười bốn lần, mắc lông vào cây chổi rơm một trăm mười bốn lần, và cuối cùng là dập mông xuống đất cũng là lần thứ một trăm mười bốn. Vẫn là mẹ tôi, lần thứ một trăm mười bốn dùng ánh mắt lo lắng nhìn cậu con trai bướng bỉnh đến vô cùng, một cục lông béo ú, vàng khè đang lăn lông lốc trên vạt cỏ xanh sau khi rơi lộp bộp qua mấy tán lá xanh, tạo ra một chuỗi liên hoàn âm thanh như tiếng ổi rụng. Nhưng có lẽ tiếng ổi rụng sẽ mang đến niềm phấn khích cho mấy cô cậu chim sẻ, còn tiếng "rụng" của một con mèo béo ú vàng khè như tôi chỉ mang đến nỗi lo sốt vó của mẹ tôi, cái sợ hãi của chị tôi, cái tràng cười của anh tôi, cái lắc đầu của bác trâu già trong chiếc chuồng trâu gần đó, cái giật mình của nhà gà, cái ụt ịt của nhà lợn... Cuối cùng là cái tiếng guốc mộc chạy vội vàng của bà nội hoặc của cô Hoa, con gái bà, để nhanh chóng bế tôi đặt lên cái chõng tre trong nhà, lật tôi qua lại để xem liệu tôi có gãy cái xương nào không. Để rồi một ngày của tôi kết thúc trong cái tiếng thở dài của bà nội và cô Hoa khi thấy tôi chẳng hề làm sao mà còn đưa mắt khinh đời lên nhìn họ, vẩy đuôi ngúc ngoắc. Tôi nhận ra có cả trăm con Super Cat hợp lại đi chăng nữa, rồi có con nào có siêu năng lực chơi liều mà không gãy xương như tôi không!

Nhưng hôm đó, mặc cho tôi lăn vòng trên cỏ và giãy đành đạch như thể trời sập đến nơi, vẫn chẳng ai ra đưa cái thân của tôi vào nắn nắn xem có gãy khúc nào không cả. Tôi nằm đó lâu thật lâu, như cả tiếng đồng hồi trôi qua, từ tia nắng nằm ngang cho tới khi mặt trời đốt như muốn cháy khét cả lông tôi, tôi ngạc nhiên nhận ra không có ai ở đó cả. Hôm nay thật lạ, chủ của tôi đi đâu hết cả, tôi chỉ đành lồm cồm bò dậy, xị mặt ra như thể có ai vừa cướp đi miếng mồi béo bở, lẳng lặng ngồi tựa đầu vào mẹ tôi một cách chán chường. Ít ra không được quả ổi nào, thì cũng nên để cho tôi một chút yêu thương từ vòng tay con người chứ, sao lại quên tôi thế này. Tôi ngoao lên trong niềm thất vọng, cảm tưởng như cái đuôi hiểu được điều tôi đang nghĩ, nó xụp xuống, trải dài như cái chổi lông gà trên đất. Mẹ tôi chẳng nói gì, chỉ có chị tôi ngại ngần cất lời, mắt chị trùng xuống vì lo lắng và tôi cảm tưởng như chị đang vô cùng bất lực trong việc khuyên ngăn một cậu em bất trị:

- Dương, em có đau lắm không?

- Đau, rất đau, đau nhưng mà thèm ổi nên em vẫn muốn leo. - Tôi mếu máo, nhưng rồi chẳng hiểu sao cái đau của tôi ngay lập tức biến mất khi anh tôi cười phá lên trông thấy ghét vô cùng. Trời ạ, tại sao trên đời lại sinh ra một con mèo có cái nết không thể nào mà ngửi được như anh của tôi chứ! Hắn ngoáy ngoáy cái đuôi, vơ vẩn động vào trong không trung, tựa đầu vào thảm cỏ mà nhìn tôi bằng ánh mắt đầy phần châm biếm. Hắn cố nhịn cười, nhưng cái mảng lông rung lên và cà giựt cà giựt đã đủ cho tôi hiểu là hắn đang cố nhịn cười, bởi lẽ trong mắt hắn thì tôi đâu phải là một thằng em trai cho đúng nghĩa, tôi là một con hề, một con mèo mặt hề và làm cái quái gì cũng hề đến nỗi ngu xuẩn. Tựa như thể chẳng cần tốn tiền vào rạp xiếc cũng đã là quá đủ để anh tôi xem hài hàng ngày, bởi lẽ như người ta hay nói những con người như tôi bằng những từ như "mặn như muối biển" hay "những con người đến từ rạp xiếc Trung Ương".

- Bớt lại mấy trò ngu ngốc đi Dương ạ! - Anh tôi nói, và tôi đã cay còn càng thêm cú khi nhận ra từ đâu có con chim sẻ khốn nạn, cái con quỷ hai cánh ngắn tủn vẫn cứ thích vỗ phành phạch vì ảo tưởng mình là diều hâu, cái bà chúa sân si nhất tỉnh Hải Dương này, đang khoan khoán đậu trên cành cây ổi trên cao, cạnh cái quả ổi ngon nhất mà tôi đang nhắm tới, đang phụ họa vào lời nói của anh tôi, và đồng thời trêu ngươi cho tôi tức muốn nổ đom đóm mắt bằng cách sán lại gần quả ổi, tựa như cái mặt của thằng Khánh hàng xóm tôi khi thấy người trong mộng là nhỏ Vy cứ tò te đi cùng thẳng Bảo cùng lớp. Đấy, nghĩ thử xem, nó phải cay gấp mấy lần gói mì tôm hảo hảo mà thi thoảng cô Hoa hay nấu trong bếp. Tôi thề là việc ăn mấy gói mì cay Hàn Quốc của mấy bạn cũng chẳng thể cay bằng lòng dạ tôi lúc ấy. Nó bùng lên, sôi sùng sục, tưởng như có thể lấy ra mà rán cá đến nơi! Anh tôi vừa dứt câu, con se sẻ kia đã nhảy bổ vào:

- Đúng đó đúng đó, Dương ngu si, Dương ngu si! - Nó bỡn cợt.

- Mày có trèo cả đời cũng chẳng có lấy được quả ổi nào nữa đâu, đừng mơ! 

- Đúng đó đúng đó, Dương đừng mơ, Dương đừng mơ! - Nó ngân giọng.

- Mày nên học cách nhai dâu tằm và cơm cá thay vì mấy trò vô bổ đó đi!

- Đúng đó đúng đó, Dương...

- Mày tới số rồi con kia! - Chưa kịp đợi nó dứt câu, chỉ biết là máu não tôi dồn lên đến đỉnh điểm, tôi dùng lực lên bốn cẳng chân, nhún nhún rồi nhảy bổ vào gốc cây, ngước mặt lên trên cao bằng tất cả niềm căm phẫn. Có nồi lẩu ở đây, tôi sẽ quẳng nó vào ngay, tôi sẽ dùng mấy cái móng vuốt này xiên cho nó một nhát cho nó hết chuyện mà bo bo cái mồm! Mà sao khốn khổ, nó trên cành, tôi dưới đất, chạm vào nó khác nào lên mây? Chấp nhận, tôi đứng dưới thôi, nhưng tôi phải ngoác cái miệng lên mà chửi, chửi như thể chưa bao giờ được chửi, chửi đam mê, chửi nhiệt tình! Cho nó biết thế nào là lễ độ, cho nó biết là thằng này dù không biết leo cây thì cũng không có nghĩa là nó được nói tôi thế nào thì nói! Tôi cứ thế nhảy chồm chồm và ngoao lên ầm ĩ cho cả xóm nghe thấy. Bác trâu đang mơ màng cũng phải giật mình, lúc lắc hai bên sừng mà kêu lên:

- Dương, ngoan nào, cả làng đang ngủ, sao lại ầm ĩ lên thế!

Tôi mặc kệ, lại gân mồm lên mà đòi con chim mất dạy kia phải xuống tận nơi cho tôi bóp cổ mới hả dạ. Tôi lượn trái, lượn phải, quay qua quay lại, tôi giẫm lên vạt cỏ chỉ để rượt theo con chim trên cành, mà nó vẫn cố tình chọc tôi phát điên bằng cách lượn cánh vòng vòng, đôi khi sà xuống đầu tôi vỗ cánh, làm tôi định đưa tay lên lại bay vút lên trên. Tôi làm xáo động cả một vùng trời vốn thật yên ắng bằng mấy tiếng ngoao ngoao, méo méo, mèo mèo, và dần nghe thấy phía xa như có nhà nào đang lẩm bẩm rủa thầm bên vườn nhà ai có con mèo kêu mãi. Có lẽ vì thấy đứa con của mình đang làm hỏng cả buổi trưa an yên của cả một vùng trời, mẹ tôi đi đến kéo tôi về, mẹ cứ nhè cái tai tôi mà kéo, đau điếng! Con sẻ thấy vậy, liền ngủng ngoẳng bay đi, chẳng thèm xỉa xói tôi thêm nữa, mặc cho tôi dưới đất vừa ứa nước mắt vì đau, vừa ứa nước mắt vì giận.

- Tại mẹ đấy! Con đang bắt con chim sẻ bố lếu kia, nó... - Tôi gân cổ lên, mọi thứ lông dựng ngược như muốn vùng lên trong cái cơn điên tiết, tôi ước gì mình có cánh, tôi sẽ chộp lấy nó ngay lập tức. Cái loại thầy dùi, cái loại thêm dầu vào lửa, là tôi ghét lắm!

- Tại cái gì, có chịu ngủ đi cho người dân ta còn ngủ, này, cứ ngoác mồm ra như thế rồi ai còn ngủ được. Ầm ĩ quá!

Tôi chẳng biết làm gì ngoài việc câm lặng để thiên hạ thôi xem tôi như đang cố thể hiện rằng loa phóng thanh của làng chẳng là cái cóc ghẻ gì so với cái mỏ loa phường của tôi. Tôi thề là lúc đó tôi chẳng hiểu đề - xi - ben là cái khỉ gió gì cả, sau này lâu thật lâu thì tôi mới biết nó dùng để đo cường độ âm thanh qua lời truyền giáo của giáo hoàng Xử Nữ, người thậm chí còn giảng nhiệt tình hơn cả mấy cha sứ trong nhà thờ, dù cho lúc đó có đứa gãi tai, có đứa ngoao ngoao hát, có đứa vỗ cánh lượn nhanh qua cánh quạt trần, có đứa tập tễnh nhảy ra ngoài, nói chung là lớp học đạo lý của nó biến thành một cái chợ vỡ, thì Xử Nữ cũng chẳng quan tâm, bởi lẽ tư tưởng Phật giáo dạy ta về lòng nhân ái, không chấp vặt với đời. Chỉ biết là khi Xử Nữ thôi nói về những thứ nằm ngoài phạm vi thông hiểu của chúng tôi, chẳng khác nào khi các bạn đọc đây ngồi trong tiết hóa học, nó nhận ra cả căn phòng đấy chẳng còn ai ngoài nó và thằng ruồi đang lượn quanh đĩa chôm chôm. À quên, còn mấy cậu kiến đực, mấy nàng kiến cái đứng chống tay vào hông mà trông xem liệu đến bao giờ giáo hoàng mới nhận ra là chúng tôi không ai muốn nghe mấy lời nó nói. Ả kiến chúa đứng trông ra từ cái lỗ nhỏ xíu nơi vách nhà,

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net